Dặm trường (kỳ 3)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 7

Hạnh đi thế là đã chín ngày. Có thể nội hôm nay hay ngày mai là nàng sẽ về. Lục không mấy nôn nao, vì đã quen với những đợt  vắng nhà dài ngày của nàng. Thường thường thì nàng đi một tuần, chậm lắm là mười ngày. Sau khoảng thời gian  đó, cha con anh sẽ thấy Hạnh từ trên chiếc xích lô hay xe đạp thồ đổ ngay trước cửa, bước xuống, gọi anh, gọi con ríu rít ra bưng đồ vào. Cũng có lúc nàng về lúc nửa đêm hay ba, bốn giờ sáng. Một lần, nàng từ Sài Gòn ra, tự động mở cửa, nằm ngủ bên anh, thế mà anh chẳng hay biết. Sáng ra, thấy nàng nằm đó, anh ngạc nhiên tự hỏi không biết cô ta ra hồi nào. Anh thật vô tâm. Nàng nhọc nhằn buôn bán, lên hàng xuống hàng, đi vô đi ra, tính tính toán toán, mà anh thì như kẻ ngoại cuộc. Nàng chỉ đâu làm đó. Không thì thôi. Xong việc, anh vơ vẩn ngồi đọc đi đọc lại mấy cuốn sách cũ. Hoặc nghe đài. Hoặc nhìn cây nhìn cối. Hoặc đi nhà bạn nhậu nhẹt, tán gẫu.

Gần trưa, đang giờ cơm, người phát thư mang cho anh cái điện tín của Hạnh. Ðiện tín viết:

“ Con đang đau.Em phải ở lại săn sóc cho đến khi lành hẳn. Có gì cần, anh cứ lên bà nội hỏi mượn.Về, em sẽ tính sau”.

Lục giật mình. Con đang đau, nghĩa là hàng chưa bán được. Vậy là hàng đứng mất rồi. Không thấy Hạnh nói đến ngày về. Vậy là nàng ở lại, đợi. Ðợi đến khi nào? Sao nàng phải đợi? Hàng bán không được, thì người ta trở ra, chứ có ai ở trong đó, đợi dài dài. Tự dưng, anh lo. Hàng chưa bán được thì việc chi tiêu phải hạn chế. Anh ôm thằng con út vào lòng:

–    Thế là mẹ chưa về cu Tơ ơi.

Thằng bé nhìn anh thất vọng, nước mắt rơm rớm:

–    Mạ chưa về bữa nay ba há?

Anh lấy tay lau nước mắt cho con, an ủi:

–    Chắc vài hôm nữa mạ về thôi. Hàng bán chưa được.

Thằng bé gỡ tay anh ra, chạy đi báo cho hai đứa lớn. Anh nói theo:

–    Coi chừng cái chân chưa lành đó cu Tơ.

Thằng bé chạy cà nhắc, ra nhà bếp tìm con Ngân và thằng Ðồng. Lát sau, cả ba đứa đến vây quanh anh, mặt mày đứa nào cũng buồn thiu buồn thỉu. Anh ôm ba đứa con, hôn lên những đầu tóc khét nắng. Chúng còn nhỏ quá, rất cần hơi mẹ, cần bàn tay chăm sóc của người mẹ, từ miếng ăn đến giấc ngủ. Là đàn ông, dù có giỏi giang đến đâu, so với bàn tay và tấm lòng của người mẹ, anh cũng không thể nào bằng. Chúng cần người để nép mình, để vòi vĩnh, để làm nũng. Nói cho cùng, tình cảm của người mẹ bao giờ cũng tỏa ra chung quanh, chan hòa với con cái. Tình cảm đàn ông lúc nào cũng thu nén vào bên trong.  Sâu sắc thật, nhưng dửng dưng. Ðôi khi lạnh lùng, vô cảm.  Ngay chính anh, lớn là thế, cũng cần cái dịu dàng của đàn bà, huống gì con anh. Do sinh kế, Hạnh trở thành đàn ông mất rồi.  Nàng vắng nhà thường xuyên. Những lúc ở nhà thì vội vội vàng vàng, nhấp nha nhấp nhỏm như ngồi trên đống lửa.  Thỉnh thoảng nàng có nựng con cũng nựng lấy lệ. Anh dù quán xuyến trong ngoài, nhưng không thể ban cho chúng những cái vuốt ve ngọt dịu, không thể chuyền vào chúng hơi ấm của tấm lòng. Anh đẩy chúng ra xa hơn là kéo chúng lại gần. Biết thế, nên rất nhiều lúc, anh cố tỏ ra thật hiền dịu với con, nhưng không được bền. Hễ không vừa ý một cái gì là cái bản tính đàn ông lập tức trổi dậy ngay, không kềm được. Lại la, mắng, trừng, gắt.

Anh buông con ra, an ủi:

–    Thôi đi chơi đi. Vài hôm nữa bán hàng xong, mạ lại về thôi. Ðồng, đi rửa chén đi con. Cu Tơ, không được đi chơi xa.  Ngân, vô làm toán.

Mấy đứa con đi rồi, anh ngồi tính nhẩm số tiền còn lại.  Lần này Hạnh đưa tiền nhiều hơn thường lệ nên mấy cha con anh còn thừa ít nhất là cho hai ngày nữa, dù lần này, anh có tiêu hoang. Qua lá thư, anh đoán rằng Hạnh chưa thể về được trong mấy ngày tới. Phải mượn thêm tiền thôi. Anh vội vàng lên gặp mẹ.

Bà cụ nghe Lục hỏi mượn tiền, ngạc nhiên:

–    Nó đưa không đủ tiêu hay sao mà lại phải mượn?

–    Dạ, đủ. Khi mô cũng đủ cả, dư nữa. Nhưng lần này cô ta ở thêm ít ngày để đợi bán hàng, nên thiếu chút đỉnh.

Giọng bà cụ nghe ra hơi khác :

–    Lại chưa ra! 

Lục biết mẹ không bằng lòng, nhưng anh im lặng. Nói sao bây giờ? 

–    Giờ muốn mấy đây?

–    Mạ cho mượn năm trăm đi.

–    Gì mà nhiều thế? Bộ hắn ở trong cả tháng sao? 

Lục bực mình:

–    Mạ muốn cho mượn thì cho mà không thì thôi. Con mượn con trả, ai có xin mạ mô mà mạ thắc mắc.

Bà cụ không nói gì, lẳng lặng đi lấy tiền. Ðưa tiền cho Lục, bà nhìn anh, ngập ngừng một chút rồi nói nhanh:

–    Mạ nói thật, con nên coi chừng vợ con. Ðàn bà con gái mà cứ đi xa như vậy hoài, không hay ho chi.

Kệ bà, bà muốn nói gì cứ nói, cãi bà làm gì cho thêm phiền. Nghĩ thế, anh cầm tiền đi ngay. Nhưng lòng bực bội.  Mạ anh vẫn nhiều lần xa gần nhắc anh về chuyện anh để cho Hạnh đi buôn đường dài. “Ðàn bà mà cứ cho đi đứng lêu bêu như vậy không tốt đâu,” bà nói. “Cứ xem gương con mệ Thu đầu xóm này, hiền lành chuyên chính là thế, rứa mà rồi bỏ chồng cái rụp. Mụ Bảo cũng vậy, lên tàu xuống tàu buôn bán rốt cuộc bỏ theo thằng tài xế. Rồi con mụ Biều xóm dưới cũng bỏ chồng”. Thì  làm sao được bây giờ, anh nghĩ. Anh vô tích sự, không nhờ Hạnh đi buôn đi bán thì cha con anh sống sao đây. Thời buổi này, hàng vạn đàn bà đi buôn chứ đâu có chỉ mình vợ anh. Không lẽ ai cũng hư hết. Mấy bà kia, người thì là vì có chồng đi cải tạo, người thì chồng nghiện ngập. Họ cô đơn, đau khổ nên dễ bị dụ dỗ. Còn anh, anh ở nhà nuôi con nuôi cái đàng hoàng. Hạnh lại yêu chồng thương con hết mực, mấy bà kia làm sao sánh được.

Càng nghĩ, anh càng giận mẹ.

*

Trên đường về, anh ghé cái sạp bán báo ở gần cửa Ðông Ba, xem báo “cọp”. Tuy anh chẳng mấy thích báo nhà nước vì toàn là báo tuyên truyền, nhưng thói quen đọc báo khiến anh đôi khi cũng tò mò, xem thử có gì mới lạ không.  Thỉnh thoảng anh mua tờ Văn Nghệ hay Văn Nghệ Quân Ðội.  Tờ Văn Nghệ Quân Ðội ấy thế mà còn đọc được hơn tờ Văn Nghệ của Hội Nhà Văn. Truyện trong đó tương đối ít nghe mùi tuyên truyền. Ðôi khi anh tìm thấy vài truyện ngắn đọc rất được.

Ðang lật tờ Văn Nghệ Hà Nội khổ lớn ra xem, thì bỗng nghe một giọng dòn tan từ phía sau:

–    Kìa, anh Lục. Gió đâu thổi anh tới đây?

Lục quay lại, ngạc nhiên:

–    Chị Hồng. Phải nói ngược lại, ngọn gió nào thổi chị tới đây chứ?

Hồng vui vẻ:

–    Ờ, thì sao cũng được. Có lẽ gió thổi cả anh lẫn Hồng tới cùng một lúc. Anh mua báo à?

Anh lúng túng:

–    Vâng, cũng định mua một tờ gì xem cho đỡ buồn.

Hồng đến sát bên anh:

–    Xí, đọc gì mấy tờ báo đó anh. Chẳng có cái quái gì trong cả. Toàn một giọng điệu y như nhau, năm này qua tháng khác, tờ này qua tờ khác. 

Lục nhìn quanh, cảnh giác:

–    Ờ chỗ đông người, đừng nói ẩu chị Hồng à.

Hồng le lưỡi:

–    À há. Anh hay đọc tờ nào?

–    Thỉnh thoảng thôi chị à. Tờ Văn Nghệ Quân Ðội đọc được.

–    Toàn bộ đội không mà anh thích à?

–    Không hẳn đâu chị. Có vài truyện cũng ngộ lắm. Tâm tình người lính dường như phe nào cũng từa tựa nhau.

–     À, Hồng hiểu rồi, anh thích vì anh đã từng là lính phải không?

–    Không hẳn đâu. Khi nào chị lấy một tờ đọc thử rồi biết. Mà chị  đi đâu thế? Cũng định mua báo?

–    Hồng nói rồi, Hồng đâu có đọc báo. Hồng đang đi nhong nhong chơi, thấy ai giống anh, nên tạt vào xem thử.

–    Chị rảnh rỗi quá nhỉ?

–    Thì biết làm gì đâu anh. Thời buổi này, loại người như anh và Hồng, đúng là vô tích sự. Chẳng biết làm gì.

Nói xong, Hồng cười khúc khích. Khuôn mặt nhỏ nhắn, tóc cắt ngắn, mái tóc uốn ép sát vào đầu trông rất trẻ trung, nhí nhảnh. Bộ đồ màu hồng nhạt khiến nàng càng trẻ hơn. Hồng tiếp:

–   Nói đùa với anh cho vui, Hồng tạt vào mua cuốn sổ ghi chép.

Nói xong, nàng bước tới góc đầu kia, vừa đi vừa cười tủm tỉm. Người đàn bà này thật lạ, trông y như cô nữ sinh mới lớn.  Yêu đời. Giọng khi nào cũng trong veo y như chưa từng bao giờ biết đau khổ là gì. Có Hồng, Lục ngượng, bỏ ý định đọc báo cọp.  Anh làm bộ nhìn vơ vẩn mấy tập sách để trên quầy, rồi đến gần Hồng, nói nhỏ:

–    Nghe lời chị, tôi không mua gì hết. Chào chị tôi về.

Hồng ngăn lại:

–    Làm gì mà vội thế. Anh làm Hồng có cảm tưởng anh bỏ về vì không muốn thấy Hồng ở đây. Hay là vội vì nhớ bà xã? Mà chị đang ở Sài Gòn, phải không? Chị ấy bao giờ về?

–    Chưa. Hàng đang đứng.

Hồng ngạc nhiên:

–    Hàng đứng rồi sao? Ai nói với anh? Chị ấy à? Thế mà Thuận cứ đi, Hồng đã nói mà không nghe.

–    Thuận cũng đi Sài Gòn sao?

–     Vâng. Hai hôm rồi.

Hồng đổi giọng hớn hở:

–    Gặp anh, định báo cáo với anh một chuyện: tối mai ở quán cà phê Tổng Hội có một buổi sinh hoạt ca nhạc sinh viên học sinh. Anh biết chưa?

–    Chưa. Tôi có phải là sinh viên học sinh đâu mà biết.  Mình già rồi.

–    Nói bậy. Sao mà già được. Chưa trẻ được bao nhiêu mà vội nói già thì uổng chết! Hồng mới nghe một cô bạn làm việc bên Thành đoàn cho biết. Nói là sinh viên học sinh chứ thật ra là cho tụi mình đấy. Sinh viên học sinh thời cũ ấy mà, nghĩa là thế hệ của anh và Hồng.  Hồng định đi cho vui. Hồng rất thích không khí văn nghệ sinh viên. Chao ơi là nhớ cái thời ấy. Cái thời nhong nhong ấy mà. Ði anh, đi để nhớ. Không dễ có dịp thứ hai đâu. Ði để nhớ một thời của bọn mình.

Lục đột nhiên cảm thấy thích thú. Anh cười, hỏi:

–    Chị vừa nói hai chữ “bọn mình”. Bọn mình, nghe thích thật.

Hồng vui vẻ lập lại:

–   Thì bọn mình chứ sao. Anh cũng như Hồng, Hồng cũng như anh, bọn mình cùng một thời, một cách sống một thứ cảm nghĩ, một thời để…để…để…

Lục tiếp:

–    Thì  “Một thời để yêu, một thời để chết”, đúng không?

Hồng reo lên thích thú:

–   Ðúng. Ðúng qua đi chứ. Phải rồi hôm trước, anh có nói với Hồng là anh có cuốn này phải không? Sao lần rồi không cho Hồng đọc. Anh giấu, phải không?

–    Ðã nói với chị rồi, tôi cho mượn, chưa lấy về.

–    Ừ, ừ, hình như vậy. Mà này, nhớ lấy về nghe. Hồng đợi đó. Hồng sẽ cho anh mượn thứ khác. Anh có biết tờ Mai không? Hồng vừa mới tậu thêm được tờ Mai, số lâu lắm rồi, cũ mèm à, nhưng đọc cũng vui. Gì cũng đọc được hết miễn là sách báo hồi đó, phải không anh?

–   Tôi biết tờ Mai. Tôi nhớ hình như tôi đọc bài của Phạm Công Thiện đầu tiên trên tờ báo này. Hồi đó còn nhỏ, đọc mà chẳng hiểu cái quái gì. Nghe tụi bạn nói, đọc đại để nói dốc chơi.

–   Ôi, cái ông Phạm Công Thiện này, đọc mệt quá trời, Hồng chẳng ưa. 

Mải nói chuyện hai người quên mất mình đang đứng ngay trong quầy của người ta. Ðã choán chỗ, lại còn oang oang nói những chuyện tầm phào. Lục liếc thấy khuôn mặt nhăn nhó của cô gái bán sách báo ngồi trong quầy. Anh ngượng nghịu, bấm Hồng bước ra. Anh dắt xe đi, Hồng vẫn tíu tít nói chuyện không ngừng. Anh phải dừng lại, lắng nghe. Hồng hồn nhiên như nhiên. Lúc nào gặp, anh cũng thấy người thiếu phụ này như thế. Vui cười rạng rỡ. Hớn hở, vô tư. Có vẻ như nàng đang sống trong một không khí vô cùng bình an, hạnh phúc, chẳng dính líu gì tới cái xã hội đang đổi thay hừng hực bên ngoài.  Chẳng dính líu gì đến những lo toan, tất bật của bao nhiêu người cùng thế hệ, cùng hoàn cảnh như nàng. 

Thấy Lục nhấp nhỏm trên yên xe đạp muốn đi, Hồng nói:

–    Anh muốn đi, cứ đi. Gặp anh là Hồng muốn nói chuyện hà. Người ta bảo là đồng thanh thì tương ứng đồng khí…Mà này, nhớ tối đi cho vui nghe, anh Lục. Nhất định có Hồng ở đó.

Hồng lại cười dòn tan. Anh cảm thấy vui lấy với nụ cười của thiếu phụ đặc biệt này. Anh đùa:

–    Ờ, thì đi. Ði để nhớ một thời của “bọn mình”.

*

       Anh chuẩn bị đi xem sinh hoạt ca nhạc thì một người bạn hàng trên chợ mang vào cho anh một gói đồ của Hạnh. Nàng gửi ra nấm, bột ngọt, xì dầu, mì sợi, một cây thuốc Ðà Lạt, bánh phồng tôm và các thứ kẹo bánh. Kèm theo là một lá thư. Hạnh viết:

            “ Anh thương,

Hàng hiện đứng hẳn.Em đã kêu nhiều người tới xem, nhưng ai cũng lắc đầu không muốn mua.Họ không trả giá nữa, chứ không phải là chê hàng xấu. Em niêm hàng lại gửi, định nhảy tàu ra hôm mồng 7, bất đồ gặp một cô bạn học cũ rủ đi buôn thuốc lá sợi về miền tây. Nghĩ  tới nghĩ  lui nhiều lần, em thấy đi ra đi vô tốn kém quá. Mà lại, bây giờ có ra ngoài  mình thì cũng nằm nhà thôi. Bởi vậy, trong lúc chờ đợi, em đi buôn ngả miền Tây một chuyến thử xem sao. Vừa khỏi ngồi chờ sốt ruột, lại vừa kiếm thêm tiền tiêu. Em gửi ra ít thức ăn. Thiếu tiền, anh cứ lên bà nội mượn tạm. Lần trước, có lời ăn tiêu rộng rãi. Giờ hàng đứng, anh liệu dè xẻn lại. Nhớ vẽ toán cho bé Nhân.  Hôn cu Tơ cho em. Thương anh. Hạnh”

Lục xếp gọn lá thư bỏ vào túi. Anh nhìn mấy đứa con đang chia nhau kẹo, lòng chùng xuống. Cũng như thư trước, Hạnh cũng chẳng đề cập gì đến ngày về. Có nghĩa là nàng sẽ ở lâu.  Lâu đến bao giờ? Ðừng nói đến chuyện nhớ nhung vơ vẩn, nội việc phải đối phó với những lo toan hàng ngày về miếng ăn miếng uống, hay nói cho cụ thể, chuyện xoay cho ra tiền, khiến anh bối rối. Nghĩ đến thân gái dặm trường, bôn ba từ Huế vào, rồi lại từ Sài Gòn về miền Tây, một nơi hoàn toàn xa lạ đối với nàng, anh cảm thấy chạnh lòng. Hạnh giờ chẳng khác nào một chiến sĩ xông trận, một “chinh phu”. Và anh, một “cô phụ”. Anh chua chát cười thầm. 

Nỗi băn khoăn về chuyện Hạnh chưa về khiến anh do dự không muốn đi. Nhưng chợt có một thúc dục khác dấy lên trong lòng, anh lại đạp xe đi.  Anh ghé nhà Tuấn, rủ Tuấn đi cho có bạn.  Tuấn bảo:

–    Nghe thì cũng ham, nhưng mình hơi ớn. Chỗ sinh hoạt văn nghệ là nơi công an  chìm nổi đủ thứ. Ông nhà nước nào cũng quan tâm đám văn nghệ văn gừng kỹ lắm. 

–    Ðêm sinh hoạt này do Thành Ðoàn đứng ra tổ chức mà. Mình chỉ sợ tuyên truyền quá đâm ngán, chứ có gì mà sợ.

–    Ừ, thì Thành Ðoàn, nhưng ai mà biết họ có dụng ý gì.  Ông thích đi thì đi, nhưng nhớ cẩn thận lời ăn tiếng nói.

Nghe Tuấn nói, anh hơi hoang mang, nhưng vẫn cứ đi. Dè dặt thì cũng hay, nhưng dè dặt quá đâm ra dở. Anh nghĩ thế trong lúc cắm cúi đạp  một mình đến Tổng Hội. Ðến nơi, trời đã sâm sẩm tối. Ðèn đuốc sáng choang, chiếu sáng từ góc đường Duy Tân – Trương Ðịnh đến căn nhà mà người ta vẫn quen gọi là Tổng Hội Sinh Viên. Bên trong và bên ngoài đã khá đông người, phần đông là thanh niên, đứng từng nhóm trò chuyện. Anh gửi xe bên lề đường, một nơi gửi xe dã chiến có lẽ vừa mới dựng ra để kiếm thêm thu nhập trong đêm sinh hoạt. 

Cơ sở Tổng Hội bây giờ trực thuộc một cơ quan của Thành Ðoàn. Từ lâu lắm, có lẽ từ cả trước tháng tư bảy lăm, anh không đặt chân trở lại cái địa danh khá nổi tiếng này. Chỉ trừ tấm bảng hiệu màu đỏ rực rỡ dựng bên lối đi vào, tất cả không có gì khác xưa, vào cái thời mà anh và đám bạn bè vẫn thường lui tới sinh hoạt, uống cà phê, đánh cờ, đấu láo trên trời dưới đất. Và bàn chuyện biểu tình, tranh đấu. Vẫn là một căn nhà thấp, cũ với những bức tường rêu và dây leo bao quanh. Vẫn những cột trụ xi măng dựng bên trên bức tường thấp, chăng vài sợi thép gai đã rỉ sét ở phía trước. Vẫn hai bức tường hai bên với hàng miểng chai gắn trên đầu tường. Vẫn cái giàn lá um tùm phủ lên trên tấm bê tông dài từ trong cửa chính kéo ra ngoài nằm trên mấy cột trụ đỡ. 

Anh dạo quanh, nhìn người này người nọ, cố tìm một khuôn mặt thân quen. Tuyệt nhiên không có. Ai trông cũng lạ hoắc, như thể họ không hề ở thành phố này. Ðám thanh niên mới lớn không nói làm gì. Ðàng này, những người bằng tuổi anh hoặc lớn hơn anh cũng thế, toàn lạ mặt. Phải rồi, bạn bè của anh giờ này, đâu còn ai ở đây. Kẻ thì đi tù, người vượt biên, đứa thì bỏ xứ.  Những người còn ở lại như anh, thì ai hứng thú gì mà bước đến những nơi như thế này. Trừ anh. Chỉ trừ anh.  Anh cảm thấy lạc lõng như tới một thành phố lạ. Vậy thì tới đây làm gì nhỉ?

Khi bước hẳn vào nhà trong, anh mới nhận ra một đôi khuôn mặt quen thuộc của thành phố. Kìa là Nguyễn Ðắc Xuân, đứng lúi húi đàng sau khung cửa kính. Kia là Trần Hoài cao lênh khênh, tóc bạc trắng. Anh cười chào. Hoài miễn cưỡng chào lại, có vẻ như không nhận ra anh là ai. Ði sâu hơn chút nữa, anh thấy thêm một vài người trông mặt quen quen nhưng không biết tên. Người vào mỗi lúc một đông. Anh len lỏi ra phía sau. À, thì ra nơi này vẫn còn là chỗ uống cà phê. Các chiếc bàn vuông nhỏ, thấp, kê sát nhau đã đầy người. Khói thuốc lá tràn trề. Hơi người, hơi thuốc bốc lên nồng nặc. Tiếng nói cười râm ran. Lục nhìn quanh. Anh nhìn thấy mấy chiếc đãy lọc cà phê treo sát bức tường ám khói, đen bẩn cùng nhiều chồng ly úp dọc theo chiếc kệ nhỏ. Rồi ấm, chén trà, gạt tàn thuốc nằm rải rác. Một vài bàn có kẻ ô đánh cờ tướng. Thì ra vẫn là quán cà phê thuở nào. Không khác gì ngày xưa mấy. Ðột nhiên, anh tưởng như mình đang trở ngược về quá khứ. Ở đây, trên những chiếc bàn này, anh và mấy người bạn thân đã từng ngồi từ tảng sáng đến xế chiều để  uống cà phê, đánh cờ và đấu láo chuyện trên trời dưới đất. Ở góc tường nọ, anh đã từng cãi với thằng bạn về hai chữ “da du” trong bản nhạc “Vết lăn trầm” của Trịnh Công Sơn. Khoảng xi măng sát cột trụ ngoài kia là nơi anh đã nằm  dài viết biểu ngữ thời tranh đấu chống Hiến Chương Vũng Tàu. Ôi một thời hoa niên sôi động! Bước vào đây như bước vào nhà mình. Mọi khuôn mặt đều quen. Ai cũng có thể là bạn bè. Ai cũng có thể thân nhau, chỉ sau khi mồi cho nhau một điếu thuốc, hay cãi nhau về một thái độ sống nào đó, hay thậm chí tranh luận nhau về chủ nghĩa Marx, về cách mạng, chiến tranh. Nhưng giờ đây, mọi thứ đều xa lạ, hờ hững. Tới đây mà làm gì nhỉ?  Có còn gì là của mình nữa đâu! Sự biến mất của một chế độ kéo theo mọi dấu vết cũ đi vào hư vô. Hết rồi. Xa rồi. Mất rồi. Còn đâu không khí lãng đãng độ nào!

Lục nản chí, bước ra ngoài. Bỗng có tiếng kêu ríu rít:

–    Anh Lục, anh Lục, tới đây, anh Lục.

Giọng Hồng. Anh mừng rỡ quay về phía tiếng kêu, thấy Hồng đứng dậy, tay vẫy gọi nồng nhiệt. Hóa ra nãy giờ anh dáo dác tìm cũng chỉ là thế: Hồng. Mà anh đến đây cũng chỉ vì thế. Người thiếu phụ, mà chỉ cần nghe giọng nàng cười thôi, anh cũng càm thấy đời sống bỗng trở nên trong veo. Gặp nàng, anh lây cái hồn nhiên của nàng. Hồng, con chim nhỏ reo vui trong tấm thảm đời u ám. Anh bước đến. Hồng chỉ cho anh chiếc ghế nhỏ còn trống bên cạnh nàng. Hồng nói:

–    Hồng giữ cho anh từ hồi nãy đến giờ. Người ta cứ đòi lấy đi, mà Hồng thì quyết giữ. Anh mà không đến thì thật đáng đánh đòn. Ðây là chị Thanh, bạn.

Anh sung sướng ngồi xuống, mắt rạng rỡ nhìn Hồng:

–    Sao chị biết tôi đến?

Hồng thoải mái:

–    Hồng đi guốc trong bụng anh kìa.

–    Vì sao?

–    Thì là vì…vì Hồng nghĩ …dân có máu văn nghệ như anh mà nghe một đêm như thế này lại không đến thì có họa là …điên. Hồng xin lỗi, Hồng nói thế là nói thật đấy, nghĩa là chắc chắn anh sẽ đến. Anh không tin hỏi thử Thanh cho mà xem, phải không Thanh?

Thanh gật đầu đồng ý. Lục cũng gật đầu, tỏ ý tán thưởng tất cả những nhận xét của Hồng. Nhưng anh tự cười thầm, vì máu văn nghệ thì anh có, nhưng có đến độ phải tới đây đêm nay thì có phần không đúng lắm.

      –    Anh uống gì, cà phê hay đá chanh? Hồng hỏi.

Anh đứng dậy:

–    Mấy chị gọi gì chưa?  À chắc là có rồi. Uống thêm gì nữa không?

Thanh nói:

–    Bọn này có cả rồi, anh Lục à. Anh có thể lo phần anh.

Lục đến quầy lấy cốc cà phê đá và hai điếu thuốc chữ A.  Hồng chỉ Thanh, giới thiệu tiếp:

–    Thanh cũng là nhà văn đấy, anh Lục à. Thanh có bài đăng ở báo tỉnh ủy đấy. Tờ  Sông Hương số tới sẽ đăng một bài thơ của Thanh.

Lục giật mình. Hồng mà cũng có bạn là dân cách mạng sao? Anh tự nhủ phải giữ miệng, tuyệt đối không phát biểu điều gì. Như biết ý, Hồng tiếp:

–   Thanh chỉ làm thơ tình với viết đoản văn thôi. Chồng Thanh cũng là nhà binh trước giải phóng đấy.

–    Thế thì thú quá! Tôi chưa hân hạnh được đọc bài của chị, nhưng thế nào cũng nhờ chị Hồng cho xem. Viết được cũng là cái thú, chị Thanh nhỉ? Tôi thì chịu. Ðọc thì nhiều, nhưng không viết ra nổi một câu.

Thanh cười bẽn lẽn:

–   Rảnh rỗi viết bậy viết bạ chơi. Mấy anh trong hội văn nghệ cứ khuyến khích mãi nên viết đại. Mấy anh thấy tội mấy anh đăng cho vui vậy mà, đâu có nhà văn nhà thơ gì mà Hồng giới thiệu cho lắm vào. Dị chết. Anh Lục có đọc đừng cười.  Thanh viết dở ẹt hà.

–   Chị khiêm nhượng nữa rồi. Tôi đã khen đâu mà chị vội lo.

Hồng cắt ngang:

–    Thế nào, anh Lục có thấy thích thú với khung cảnh này không? Hồng thì Hồng khoái quá chừng chừng. Khung cảnh này làm Hồng trẻ thêm cả chục tuổi. Mới đó mà cũng đã bao năm qua rồi, anh Lục và Thanh hè? Trông như mô mới bữa qua. 

Lục hớp một hớp cà phê, rít  một hơi thuốc, nhìn Hồng cười tủm tỉm. Hồng hỏi:

–    Anh Lục cười gì Hồng vậy?

–    Không có khung cảnh này, chị cũng đã trẻ rồi. Lần nào gặp chị tôi cũng tự hỏi làm sao mà chị lúc nào cũng trẻ trung vậy. Y như con gái mới lớn. Bao nhiêu năm đối với ai chứ đối với chị thì hình như chịu thua.

Hồng đập vào vai Lục:

–   Nữa! Muốn trổ tài gì đây? Nịnh Hồng không được mô.  Hồng luôn luôn cảnh giác. Còn anh thì sao, anh cũng thế, có già chút nào đâu?

–    Chị đâu có gặp tôi hồi trước mà bảo tôi không già.

–    Thì anh cũng thế. Anh mô có biết Hồng hồi trước.

–    Chị lầm. Tôi biết chị Hồng từ lúc chị còn là cô học trò nhỏ kìa.

Hồng dứ ngón tay trước trán Lục:

–    Xạo vừa vừa thôi nhé, ông bạn.

Có tiếng rột rẹt của máy, rồi tiếng gõ gõ vào micro. Âm thanh rè rè, rồi chợt ì ầm vang lên nghe như sấm nổ. Mọi người giật mình, nhìn ra khoảng trống dùng làm sân khấu. Người phụ trách đang điều chỉnh âm thanh. Chắc là chương trình sắp bắt đầu. Sân khấu là một góc trống ngoài trời, nơi có đặt một chiếc bục nhỏ, cao chừng một hai tấc và máy phóng thanh cùng vài dụng cụ âm nhạc: cây ghi ta, cây violon và cây mandoline. Một người đàn ông bắt đầu nói:

–    Xin các đồng chí và các bạn im lặng. Ðêm sinh hoạt văn nghệ sắp bắt đầu.

Giọng xướng ngôn viên cao, the thé, nghe như sắp đọc một bài diễn văn tranh đấu. Hồng thì thầm:

–    Anh biết ai đó không?

Lục lắc đầu. Hồng nói:

–    Nhà thơ Võ Quê đấy.

À, thì ra đó là Võ Quê. Anh nghe giọng anh ta nhiều lần qua đài phát thanh, chứ chưa lần nào gặp. Nhìn kỹ  thấy quen quen, chắc là đã từng gặp đâu đó. Bằng một giọng sắc cạnh, tở mở, xướng ngôn viên giới thiệu sơ về mục đích của chương trình sinh hoạt đặc biệt hôm nay. Ðại khái, nhà thơ cho biết “bọn ngụy và đế quốc” thường cho rằng “cách mạng” chỉ biết làm thơ, viết văn chiến đấu, căm thù, không có tình yêu, không có tình cảm. Thực ra, người Cộng sản là con người như mọi con người khác, cũng biết yêu thương, nhớ nhung, lãng mạn.  Nhưng đồng thời họ cũng là những chiến sĩ, những người yêu nước chân chính. Trong giai đoạn phải chiến đấu một mất một còn với quân thù, người Cộng sản tạm thời để tình cảm riêng tư sang một bên, tập trung năng lực phục vụ cách mạng. Bây giờ đất nước đã hòa bình, thống nhất, người Cộng sản có quyền bày tỏ các tình cảm riêng tư của mình trước cuộc đời qua thơ, văn, nhạc. Qua đêm sinh hoạt văn nghệ này, chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn trẻ và các đồng chí những mảng thơ, văn, nhạc  mà các đồng chí của chúng ta sáng tác trong thời gian trước đây cũng như hiện nay. Bài đầu tiên anh ta giới thiệu là bài thơ của Tố Hữu viết về Huế do một nữ sinh viên diễn ngâm.

Cô sinh viên ngâm theo giọng Bình Trị Thiên. Giọng ngâm vững vàng, tha thiết. Nhiều đoạn nghe khá giống với giọng ngâm Châu Loan trên đài Hà Nội. Vừa nghe Hồng vừa hỏi Thanh rồi chỉ cho Lục :

–    Anh xem, cái người ngồi gần cột trụ kia là Hoàng Phủ Ngọc Tường đấy. Anh biết Hoàng Phủ Ngọc Tường chứ?  Ðúng, trông ông ta xấu trai, vâng, cái người có  mụt ruồi bên má ấy. Còn ông ngồi tận phía góc trái là Trần Vàng Sao, ngồi gần Bửu Chỉ. Lục biết Bửu Chỉ không nhỉ? Biết phải không?  Ừ, anh ta vẽ nổi tiếng lắm. Không, Hồng không quen đâu, chỉ gặp đôi lần ở bên chỗ triễn lãm, nơi Trung Tâm Văn Hóa Pháp cũ ấy. Ðúng rồi, chỗ Trung Tâm Liễu Quán đấy. Sau giải phóng, là trung tâm văn hóa. Vâng, có một quán cà phê nơi ấy. Cái tay cao cao, ốm, mặt xương xương kia là Thái Ngọc San, nhà thơ Thái Ngọc San. Nghe nói anh ta giờ là tay quyền hành nhất trong tờ Sông Hương đấy. Mọi bài vở đều phải qua tay anh ta hết. Phải không Thanh? Ừ, bài thơ của Thanh là nhờ anh ta ta duyệt đấy. Còn cái tay mặt mày đạo mạo, ngồi yên lặng từ nãy giờ là ai nhỉ?  Hồng chưa bao giờ biết. Thanh nói ai? Nguyễn gì, à Nguyễn Khoa Ðiềm há, Nguyễn Khoa Ðiềm là nhà thơ mà, sao trông như là …Bí thư tỉnh ủy vậy nhỉ?

Hồng hỏi Thanh rồi hạ giọng:

–   Nghe đồn là sắp làm Bí thư tỉnh ủy đấy. Nghe lâu mà bữa nay mới thấy mặt. Còn tay cao cao kia là Trần Hoài. Lục xem, mới ngần ấy tuổi, sàng sàng bọn mình mà tóc bạc trắng, ghê chưa. Trông như ông lão ấy. Không, cũng không đến nỗi, vì da còn năng nao. Còn cái tay thấp thấp ngồi gần Nguyễn Khoa Ðiềm là ai, anh biết không? Ai vậy Thanh? Tô Nhuận Vỹ, à té ra Tô Nhuận Vỹ là anh chàng này, cái tên nghe cũng chất lượng nhỉ… anh ta làm gì cũng lớn lắm, hình như chủ tịch Hội Văn Nghệ, phải không Thanh? Ừ, đúng, chủ tịch Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên. Cái bà mặc chiếc áo cánh mỏng ngồi với Lê Thị Mây, đúng là Lê Thị Mây chứ ai nữa, Hồng có gặp nhiều lần rồi. Bà nào nhỉ? Bà này cũng viết văn mà. Ðúng rồi, Trần Thùy Mai. Còn cái bà đang nói chuyện huyên thuyên ấy, là ai, trông lạ quá. Hồng chưa bao giờ gặp. Ai vậy, Thanh?

–    Dương Thu Hương.

–    Ít nghe nói. Bà ta cũng nhà văn nhà thơ à?

–    Nhà văn. 

–    Sao mình ít nghe nói đến nhỉ?

–    Bà này là dân văn nghệ “chi viện”. Ở Hà Nội vào. Bà này “ghê” lắm.

–    Ghê là sao? Lăng nhăng lắm hả?

–    Mình không rành. Nhưng nghe nói bà có mấy tác phẩm viết khá bạo, chưa xuất bản.

–    Có bằng Lệ Hằng trong mình không?

–    Không đâu.

–    Bạo là có vấn đề, bà biết không. Thôi, để nghe đi.

Bài thơ Tố Hữu chấm dứt bằng một tràng vỗ tay kéo dài.  Xướng ngôn viên giới thiệu tiếp một sinh viên lên hát bài “Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây”. Sau đó, là phần đọc thơ và hát do nhiều người đóng góp. Một số lên đọc hoặc ngâm hoặc hát thơ, nhạc của mình và bạn bè mình. Bài nào cũng pha pha giữa tình cảm cá nhân và nhiệm vụ đối với cách mạng. Chẳng có bài nào thực sự là thơ tình hoàn toàn như xướng ngôn viên quả quyết trong phần mở đầu. Một đôi bài có hơi hướm yêu đương lăng nhăng, nhưng giọng điệu vẫn còn dè dặt. Nhưng nói chung, dù sao, nghe cũng được.

Hồng thú vị lộ rõ. Nàng chăm chú quan sát, lắng nghe, rì rầm bàn tán với Thanh, rồi quay sang chia sẻ ý kiến với Lục.  Nàng xuýt xoa khen bài này hay, tỏ vẻ thất vọng khi nghe một bài không vừa ý. Nàng bảo anh:

–     Lâu lắm mới có được một buổi sinh hoạt vui vẻ như thế này. Chả bù với hồi trước…

Trước sau, Lục không phát biểu điều gì. Anh cũng ít hỏi Hồng, mà chỉ nghe nàng nói. Thực ra, anh chưa hỏi thì nàng đã nói rồi. Anh lắng nghe, không bình phẩm. Hút hết hai điếu thuốc thơm, Lục định lôi gói Ðà Lạt ra hút, nhưng nghĩ tới nghĩ lui, anh tới quầy mua thêm một điếu thuốc thơm nữa. Anh châm lửa, phì phà sảng khoái. Hồng nhìn anh, cười:

–    Anh trông cũng còn phong độ nhỉ?

Lục đang cố tìm một câu gì duyên dáng để đáp lại lời Hồng thì ngoài “sân khấu”, bỗng xuất hiện một thanh niên từ trong đám đông, xăng xái chen lên. Anh ta vừa đi vừa nói:

–   Ðến phiên tôi, đến phiên tôi. Cho tôi có ý kiến, đồng chí xướng ngôn viên.

Người giới thiệu chương trình đang nói về một nhà thơ nào đó, dừng lại, ngạc nhiên nhìn người thanh niên, chờ đợi. Anh này tiến đến gần xướng ngôn viên, chìa tay ra với ý định cầm lấy micro, nhưng xướng ngôn viên ngăn lại:

–    Ðồng chí là ai? Ðồng chí muốn đọc thơ hay hát? Sao không thấy đồng chí lên đăng ký trước?

–    Em không biết quy định này. Em sẽ tự giới thiệu về mình, sau đó, em xin phát biểu một số ý kiến.

–    Ý kiến? Ðồng chí muốn phát biểu ý kiến gì? 

–    Một ý kiến về văn học nghệ thuật.

Xướng ngôn viên dụ dự không quyết. Anh ta nhìn vào các nhà văn nhà thơ chủ chốt đang ngồi ở góc tường, như muốn hỏi ý kiến. Có một người nói lớn: “Hoàng Phương, sinh viên sư phạm ấy mà. Cứ để em ấy nói, cứ để em ấy nói”. Vài người khác phụ họa: “Ừ, cứ để người ta nói”. Xướng ngôn viên đợi một lát thấy không có ai phản ứng gì, bèn đưa micro cho thanh niên. Anh ta cầm lấy micro, run run đưa lên miệng:

–    Chào các đồng chí và các bạn. Tôi là sinh viên đại học sư phạm, ngành văn. Tôi xin được đi thẳng vào vấn đề. Mới đây, có một cuốn sách viết về phong trào đô thị ở miền Nam, đặc biệt là về phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh thành phố ta. Chúng tôi là thế hệ sinh sau đẻ muộn, nhưng qua tài liệu của Ðảng và Nhà nước, tôi biết các đồng chí sinh viên học sinh của ta hoạt động trong lòng địch rất là…rất là…anh hùng, rất là…rất…vâng, rất là đáng ngưỡng mộ. Các đồng chí đó đã đấu tranh rất quyết liệt với kẻ thù, bất chấp sự đàn áp dã man của bọn chúng. Thế mà, một cuốn sách vừa xuất bản đã xuyên tạc, đã hạ giá phong trào đấu tranh đô thị của sinh viên học sinh thành phố Huế anh hùng. Không những thế, nó còn có tác dụng gây chia rẽ giữa lớp trước và lớp sau, giữa địa phương này với địa phương khác. Tôi cho rằng cuốn sách  này rất nguy hiểm, có thể khiến cho kẻ thù lợi dụng để bôi xấu chế độ ta, gây hiểu lầm cho các thế hệ sau. Chắc các đồng chí và các bạn cũng đã nghe nói tới cuốn sách này. Ðó là cuốn “Học phí trả bằng máu”. Ðây…

Người thanh niên rút ra từ trong cái xắc nãy giờ vẫn mang trên vai một cuốn sách, đưa lên cao:

–   Ðây là cuốn “Học phí trả bằng máu” do Nguyễn Khắc Phục viết. Tôi có đọc tác phẩm của đồng chí Nguyễn Khắc Phục. Ðồng chí là một nhà văn giỏi, có lập trường tốt. Nhưng riêng cuốn sách này, không biết do động cơ nào, đồng chí đã làm một việc hết sức xấu xa, vừa sai sự thật vừa đi ngược lại chính sách đường lối của Ðảng. Chúng ta không thể để cho cuốn sách độc hại này lưu hành dược, dù đường lối của Ðảng ta  là rất rộng rãi, cho mọi người được quyền tự do viết, miễn là không có hại đến an ninh tổ quốc. Theo tôi, cuốn sách chứa một ý đồ thâm độc. Chúng ta phải ngăn chặn bằng mọi giá.  Ngày mai, anh em sinh viên chúng tôi ở trường Ðại Học Sư Phạm có tổ chức một buổi hội thảo lên án cuốn sách độc hại này, sau đó chúng tôi sẽ tiến hành lễ đốt sách. Mời các đồng chí và các bạn tới tham dự. Riêng tối hôm nay, để bày tỏ lòng phẫn nộ đối với cuốn sách, tôi xin xé tan cuốn sách này trước mặt các đồng chí và các bạn. Ðây…

Nói xong, anh cầm sách xé đôi, rồi xé vụn một số trang vứt chung quanh. Những mảnh giấy vụn bay tung tóe. Một số bay vào bàn Lục đang ngồi. Lục nín thở, hồi hộp nhìn lên. Ngay từ đầu, khi anh thanh niên này vừa nói, anh đã cảm thấy có gì không ổn, muốn ra về ngay lập tức, nhưng nhìn quanh, thấy mọi người im lặng, ngột ngạt theo dõi, anh không dám cựa quậy. Anh ráng ngồi chịu trận, mồ hôi vã ra. Thấy anh nhấp nhỏm không yên, Hồng nhiều lần nắm tay anh đè xuống. 

Người thanh niên vứt phần còn lại của cuốn sách vào chân tường gần bên. Một người đàn ông ngồi gần đó, thình lình bước tới, cầm cuốn sách, đưa lên trời vẫy vẫy trong không, lấy hộp quẹt bật lên châm lửa đốt. Ông ta cứ cầm cuốn sách như thế cho nó cháy một hồi, rồi vứt xuống, lấy chân chà chà lên.  Xong, ông ta tiến tới anh thanh niên, đưa tay ra bắt. Hồng la nhỏ:

–    Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường!

Ngoài sân khấu, anh thanh niên cảm động lộ hẳn trên nét mặt, quay về đám đông, nói tiếp:

–    Tôi không biết hát, chẳng biết ngâm thơ. Nhưng để đóng góp vào không khí sinh hoạt hôm nay, xin hãy cùng tôi hát lại một bài ca cũ để nhớ lại những tháng ngày đấu tranh hừng hực của anh chị em sinh viên học sinh thành phố Huế anh hùng. Nào, hãy hát cùng tôi:

Dậy mà đi, đậy mà đi

Ai chiến thắng không hề chiến bại

Ai nên khôn không khốn một lần…

Dậy mà đi, dậy mà đi

Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi…

         Nhiều người  vỗ tay hát theo. Một số người khác, lúc đầu vỗ dè dặt, nhưng sau, thấy không khí  được hâm nóng, nên vỗ mạnh hơn, nhiệt tình hơn. Một vài người khác đứng dậy lặng lẽ bước đi. Lục cũng lặng lẽ đứng dậy, cảm thấy bất an. Phải ra khỏi đây thôi. Anh nói nhỏ với Hồng:

–  Tôi ra ngoài một chút. Có lẽ là… về luôn. Gặp lại Hồng sau.

Hồng chép miệng:

–   Chắc không có gì đâu. Ở lại cho vui.

Lục cười buồn:

–   Hồng hiểu. Thân thế tôi không tiện chút nào.

Anh cương quyết đi ra. Anh len lỏi giữa các bàn ghế, cố bước thật nhanh cho ra khỏi chỗ này. Trong lúc đó, trên sân khấu, giọng hát của người thanh niên chợt ngưng lại đột ngột.  Lục ngoái đầu nhìn lui, thấy nhà thơ xướng ngôn viên và anh thanh niên trao đổi với nhau chuyện gì đó. Cuối cùng, anh thanh niên đồng ý giao lại micro cho xướng ngôn viên. Giọng nhà thơ này vang lên trong lúc một số khác  vẫn còn vỗ tay hát:

–   Xin lỗi các đồng chí và các bạn. Ai còn hát, xin ngưng hát. Bài hát này, theo tôi nghĩ, không phù hợp với tình hình hiện nay. Hồi xưa, ta tranh đấu với địch, ta dùng nó như vũ khí.  Bây giờ hòa bình rồi, ta hát bài khác. Xin yêu cầu các đồng chí ngưng hát.

Dường như không ai muốn nghe lời xướng ngôn viên. Tiếng hát vẫn vang lên, bây giờ nghe rập ràng và đầy kích động. Xướng ngôn viên nhắc lại lời yêu cầu, nhưng người ta vẫn hát. Anh cao giọng, lần này, như lệnh truyền:

–    Các đồng chí và các bạn nghe đây. Ðây là lệnh của Ty Công An, đây là lệnh của Ty Công An Bình Trị Thiên, yêu cầu ngừng hát. Nếu ai còn hát, nếu ai còn hát, nếu…

Anh chưa nói trọn câu, tiếng hát  đã đột ngột im bặt. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau.

Trong lúc đó, Lục đã ra đến ngoài đường. Anh thở phào nhẹ nhõm. Khi đến bãi xe đạp, anh dừng lại nhìn quanh quan sát. Không có ai. Anh yên tâm, dắt xe ra. Khi mới bắt đầu đạp, anh nghe tiếng Hồng đuổi theo phía sau:

–    Vậy mà về đành về đoạn.

Lục ngoái nhìn, thấy hai phụ nữ đang đứng ở giữa đường, vẫy tay:

–    Chúc ngủ ngon!

Anh đạp thật nhanh, tai còn nghe văng vẳng tiếng ngâm thơ của một giọng nam vang lên từ phía Tổng Hội.

CHƯƠNG 8

Thao thức không ngủ được, Hạnh phải thức dậy sớm. Rửa ráy mặt mày xong xuôi, nàng kéo cái xách hàng ra kiểm tra lại. Nhìn cái xách, nàng đâm ớn. Nó căng phồng  như muốn nứt ra, dù nàng đã cố đè ép lại. Nó xẹp xuống một lát, rồi lại phồng lên. Riêng hai ngàn vỏ bao thuốc Ðà Lạt, nàng chia làm nhiều gói, phần nhét vào các túi hai bên xách, phần cột trong người, phần nhét ở ví xách.

Bốn giờ sáng. Ðứng ngồi không yên, nàng quyết định đi. Nàng ra góc đường Ðiện Biên Phủ-Cách Mạng Tháng Tám đón xe lam về chợ Bến Thành, rồi nhảy xe lam khác về Xa Cảng Miền Tây. Trời còn mờ mờ tối nhưng sinh hoạt ở khu xa cảng đã vô cùng náo nhiệt. Xe đò, xe gắn máy, xe lam, xe xích lô, xe thồ, xe ba gác  vào ra tấp nập. Nàng xuống xe, vào tiệm hủ tiếu Nam Vang nằm ngay bên trạm xăng. Tiệm này là cơ sở của dân buôn hàng chuyến từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây và ngược lại. Người ở đây lo từ việc mua vé, chuyển hàng, gửi hàng, mua hàng và bán hàng. Ngày hôm qua, Phiệt đã chở nàng về đây tham quan, làm quen, nên nàng không cảm thấy lạ lẫm lắm khi bước vào. Bà chủ niềm nở chào đón Hạnh.  Nàng gọi một tô hủ tiếu, vừa ăn vừa đợi người trong nhà đi lấy vé xe. Quán sớm còn thưa. Chỉ có nàng với hai người khách khác trong một không gian rộng, thoáng. Chủ quán là một phụ nữ nam bộ to, mập, xốc vác, lanh lẹ. Mặt mày luôn tươi cười.  Bưng tô hủ tiếu bốc hơi nghi ngút đến cho nàng, chị ta ngồi xuống một bên, hỏi:

–    Cô nguời miền ngoài?

–    Vâng, em người Trung.

–    Trung, mà Trung nào vậy cô?

Hạnh ngơ ngác:

–    Dạ, Trung là Trung.

–     Nhiều thứ Trung lắm, Trung Nghệ này, Trung Quảng này, Trung Huế này…

Hạnh phá lên cười:

–    Dạ, em Trung Huế.

–    Tôi biết ngay mà. Ðúng là Trung Huế.  Ngó cái mặt là tui biết ngay hà.  Cô đi miệt dưới lần này là lần đầu?

–    Dạ.

–    Hàng gì vậy cô?

Hạnh im lặng nhìn người đàn bà, phân vân. Chị ta nói tiếp:

–    Ðừng sợ, cô. Nhà này là nhà buôn mà. Con cái tui đều đi buôn chuyến hết. Ông xã tui cũng vậy. Thời buổi này mà không buôn thì lấy gì mà ăn, phải không cô? Tui hỏi là hỏi cho vui vậy, chứ không có ý gì khác. Ông Phiệt ghé đây thường lắm. Cô đừng lo, nếu có chuyện gì cứ nói cho tui biết. Ðám nhỏ nhà tui nó quen biết hết thảy công an thuế vụ vùng này.

Bà ta ghé tai Hạnh, nói nhỏ:

–    Ngó vậy chớ đây vững lắm. Công an công iếc thuế vụ thuế viếc tụi tui bao hết rồi. Ở ngoải, buôn bán có dễ không cô?

–    Cũng vậy vậy thôi chị à. Ðâu cũng một “giuộc” như nhau.

Nói xong, Hạnh tự cười thầm, vì nàng bắt đầu tập tễnh nói giọng miền Nam. Bà chủ quán quay đi, rồi quay lại, nói tiếp:

–    À, mà tôi nói cái này, ở dưới đó tôm khô rẻ lắm, mang lên đây có khi lời tợn, gấp hai, gấp ba không chừng đó cô.  Lên, nhớ mang theo ít kí. Mang lên, tôi mua tươi cho cô. Ra khỏi bến xe, cô cứ mang thẳng vào đây. Tiền bạc sòng phẳng.  Nhớ nghe cô.

Hạnh gật đầu, cố gắng ăn cho hết tô hủ tiếu lớn, nhưng đành chịu. Lòng nàng nôn nao không yên. Lần đầu tiên, mang hàng về một miền đất xa lạ, bao nhiêu bất trắc dọc đường, nàng chưa biết thế nào. Đến giờ xe chạy, nàng bỏ đũa, vội vã đi. Thấy ghế ngồi của mình nằm ngay lối đi, Hạnh thất vọng nhìn quanh, tìm tay thanh niên con bà chủ quán để cằn nhằn, nhưng cậu ta đã nhảy xuống xe, dông mất tự hồi nào. Nàng hậm hực ngồi xuống. Nàng nhớ là nàng đã dặn kỹ anh ta chọn cho nàng chỗ ngồi phía trong, sát thành xe. Ngồi ở đó mát mẻ, thoáng mát lại tiện nhiều mặt. Có thể nôn ọe ra ngoài. Có thể mua hàng rong dễ dàng. Lại có thể nhét xách hàng ở dưới gầm. Ở đó, hàng trông kín đáo, an toàn hơn là để “chần dần” ngay trên lối đi như thế này.

Hạnh tháo túi xách khỏi vai, đặt ngay trước bụng. Nàng cúi xuống sờ tay dưới hai bắp vế xem thử sợi dây thun cột có bị tuột ra không. Cả ngàn bao Ðà Lạt nằm trong đó. Tốt. Nhưng nàng bắt đầu cảm thấy hai chân nặng, vì bị dây thun xiết chặt vào. Nàng cựa quậy khó khăn, vì sợ hai chân đụng người bên cạnh. Nàng định bụng sẽ nới ra một chút cho dễ chịu khi xe chạy đều. Chỉ cần cột chặt khi qua trạm hay bị chận xét thôi.  Cái xách, nàng cố nhét thật sâu dưới gầm phía trong. Gầm chật cứng, đẩy mấy nó cũng không chịu vào, cứ nằm khơi khơi ở ngoài. Nàng đành phải chuồi dưới gầm của hàng ghế trước. Vì thế mà chân nàng càng khó xoay trở. Hàng của ai mà nhiều thế không biết? Người ta đi hàng gì về dưới này nhỉ? Có ai đi hàng giống nàng không?

Xe đầy người. Lối đi  giữa xe chật ních. Dãy ghế nàng ngồi có ba chỗ. Sát cửa xe là một phụ nữ. Cạnh nàng là một người bộ đội, bộ điệu trông ghét không chịu được! Chẳng biết anh ta có cái xách nào không?

Xe chạy vùn vụt. Mặt trời ló ra khỏi đám mây hồng ở chân trời, tỏa ánh sáng rực rỡ. Gió sớm thổi vào xe mát lạnh. Hạnh lấy cái áo khoát mỏng trùm lên trước ngực, thu hai cánh tay trần phía dưới. Nàng nhướng người nhìn ra ngoài để xem phong cảnh. Xe chạy ngang một chiếc cầu khá dài. Nàng hỏi người đàn bà ngồi ở dãy ghế bên kia:

–    Cầu gì mà dài thế chị?

–    Cầu Bến Lức cô. Cô chưa từng về miệt dưới này à?

Nàng gật đầu. Qua khỏi cầu, không gian bên ngoài như mở rộng ra vô cùng. Màu xanh bát ngát. Những cánh đồng trải dài xa tít. Hèn gì người ta nói ở miền Nam, có những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nàng thấy thiêu thiếu cái gì khi nhìn về đàng xa. Không có núi. Ðúng là ở đây không có núi. Ở miền Trung, không gian bị núi chế ngự.  Núi nhấp nhô, xanh biếc, bí ẩn. Hễ nhìn ra xa là ta thấy những khối xanh rì chọc lên nền trời. Ở đây, không gian trải dài vô tận. Không khí trong lành, ngọt và thoáng đãng. Nàng nhướng người bên này bên kia, thèm thuồng nhìn những người được diễm phúc ngồi gần cửa. Mải ngắm nhìn khung cảnh hai bên đường, trong phút chốc, nàng quên hẳn là mình đang đi buôn. Chợt nghe loáng thoáng hai người đàn bà ngồi ở hàng ghế trước trò chuyện về buôn bán, hàng hóa, nàng để ý lắng tai nghe. 

–   Lần này chị “đi” gì?

–   Cũng một thứ thôi.

–   Loại gì, xã hội chủ nghĩa hay tư bản.

–   Xã hội chủ nghĩa chứ. Thứ này miệt dưới không có.  Lại rẻ, vừa túi tiền của mọi người. Loại tư bản đắt quá, chỉ có nhà giàu mới mua nổi. Còn chị, vẫn thứ đó?

–   Ừa.

–    Lá hay khâu?

–    Tùy.

–    Ði về trong ngày à?

–    Ðâu kịp. Cần quá thì mới bao xe đêm.

–    Giá đổi đến chóng mặt. Chị đi thứ này khỏe, nước lên bèo lên. Hàng như tui, nhiều khi lời thì lời đấy, nhưng mua lại vàng thì chỉ còn một nửa, có khi lỗ.

–    Tưởng dzậy mà lắm khi đâu có dzậy. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Nếu đơn giản thế thì sao có lắm người sạt nghiệp.

Im lặng một lát. Một người chợt nói:

–    Gần trạm rồi đấy.

Hạnh giật nẩy mình, nhớn nháo nhìn quanh. Nàng sờ lại hai đãy đựng bao thuốc ở hai bắp vế, chân đẩy cái xách dưới ghế sâu vào bên trong. Nàng thì lo thế mà lạ chưa, chung quanh nàng, mọi người vẫn thế, kẻ thì nhìn vẩn vơ ra ngoài xe, kẻ thì lim dim ngả người ra sau, ngủ. Chẳng lẽ không ai có mang hàng gì cả hay sao?

–   Các trạm tỉnh độ này cũng đỡ, ít lục hàng lung tung.  Chỉ sợ cái đám huyện và xã cắc ké. Người đàn bà ngồi phía trước tiếp tục.

–    Ừa, mà họ có quyền gì nhỉ? Trạm tỉnh mới có quyền chứ!

–    Phép vua thua lệ làng, bà ơi. Ðộ này còn đỡ, mới có năm ngoái chứ lâu lắc gì, mang theo ba con gà họ cũng đánh thuế.

–    Ừa, tui có bà chị, mua hai đôi sa-bô. Sợ bị hỏi han lôi thôi, chị mang một chiếc, còn một chiếc bỏ trong túi xách. Ấy thế mà cũng bị một tay thuế huyện chận đường đòi đánh thuế một đôi. Chị tức quá, vào huyện làm dữ, họ mới chịu buông.

*

Trạm  thuế. Xe dừng trước tấm ba-ri-e chắn đường. Một cán bộ leo lên của trước, đi dọc theo lối đi giữa xe, quan sát qua loa rồi leo xuống cửa sau, vẫy tay cho qua. Khi thanh ba-ri-e từ từ dỡ lên để cho xe qua, nàng tò mò nhìn cái trạm.  Chẳng có gì khác với các trạm ngoài Trung. Một căn nhà nhỏ nằm bên đường với hàng chữ đỏ chói: Trạm Thuế Công Thương Nghiệp. Một vài nhân viên, kẻ ngồi hút thuốc, người đứng nhìn giòng xe cộ  đậu nối đuôi ngay trước trạm, đợi chờ xét giấy.  Kế đó là một ngôi nhà nhỏ, trông giống cái lô cốt, có cửa kiếng. Một nhân viên trực ngồi ghi chép, ký sổ và kéo thanh ba-ri-e lên, xuống bằng một sợi dây nối từ thanh gỗ vào bên trong. Trạm ở đây không có bãi đậu xe lớn vì hai bên đều là ruộng đồng, kênh lạch. 

Xe từ từ qua trạm, rồi lao nhanh, cố nuốt con đường dài tăm tắp phía trước. Anh chàng bộ đội bên cạnh châm thuốc hút. Từ lúc xe chạy đến giờ, anh ta ngồi yên, nhìn thẳng.  Chiếc nón cối vẫn ở trên đầu. Cái kiếng mát vẫn dính liền ở mắt. Anh ta mù? Không. Nàng thấy anh ta đứng lên ngồi xuống nhiều lần lấy đồ từ chiếc túi đặt trên giá. Áo quần bộ đội trông khá mới, tinh tươm, trái ngược với đôi chân đi một đôi giày vải cũ. Thỉnh thoảng anh ta co duỗi chân, có lúc đặt hẳn chân lên trên cái túi xách căng phồng của nàng. Nàng liếc nhìn, thấy khuôn mặt anh ta cháy nắng, đen sạm, nét khắc khổ hiện rõ. Một loại bộ đội già, bất túc, ngờ nghệch, Hạnh nghĩ thầm, lòng chẳng thấy có chút cảm tình nào. Nàng cố tránh né để khỏi đụng vào người anh ta, nên ngồi tràn ra phía lối đi. Anh ta hút thuốc khá nhiều. Lâu lâu, lại thấy anh ta rút gói Hoa Mai ra, châm lửa. Khói bay đầy. Nàng bực mình, nhưng chẳng biết nói làm sao. Cũng may là xe chạy nhanh, gió tạt vào ào ạt nên khói thuốc tan nhanh. Thấy đôi chân anh ta ngọ ngoạy, thỉnh thoảng đặt trên chiếc xách căng phồng, một ý nghĩ chợt hiện đến: biết đâu anh chàng cù lần này có thể hữu ích cho nàng lúc cần thiết. Tự nhiên, những thành kiến trong nàng về bộ đội chợt tan biến. Nàng nghĩ cách làm quen với anh ta. Ðợi lúc anh ta dứng dậy, xoay người cho đỡ mỏi, nàng dùng giọng Nam lơ lớ hỏi:

–    Anh đi công tác ở dưới miệt này à?

Anh ta không trả lời, chỉ gật đầu. Hạnh hỏi tiếp:

–    Xa quá nhỉ! Quê anh ở  dưới đó sao?

–    Không ạ, quê tôi ở tận ngoài Bắc cơ.

Giọng Bắc pha pha, chứ không rặt Bắc như những người bộ đội nàng thường gặp. Chắc anh ta vào công tác lâu năm trong này, nên lai giọng.

–    Bắc mà ở tận đâu lận anh? Chắc anh mới về thăm gia đình?

–    Không. Tôi lên thành phố công tác, giờ về lại đơn vị.

–    Về tận đâu lận?

–    Nam Căn.

–    Năm Căn?

Anh ta không trả lời nữa mà nhìn chăm phía trước. Anh ta đưa tay lên nâng nhẹ cái kiếng mát, rồi kéo xuống. Nàng nhìn theo. Ðàng xa, một chiếc mô tô công an đang chạy ngược chiều vùn vụt phóng tới. Xe chạy lướt qua. Anh ta lẩm bẩm:

–    Chắc là đuổi theo một xe hàng nào đó.

Lát sau, anh ta lại rút gói Hoa Mai. Anh hỏi:

–    Cô có chịu được mùi thuốc lá không?

–    Không có gì, anh cứ tự nhiên.

Anh ta lục túi quần, lấy bật lửa. Không hiểu sao, anh ta cất lại vào túi.

–    Ðến trạm hút cũng được. Anh lẩm bẩm một mình.

Hạnh khen:

–    Anh khéo nhịn quá nhỉ?

–    Sao cô biết?

–    Thì nãy giờ, em để ý, anh rút ra rút vô mấy lần rồi mà không hút.

–    Cô tinh mắt nhỉ?

Ðến trạm Tân Hương thì hành khách được lệnh phải xuống xe, đi bộ. Hơn nửa tiếng đồng hồ sau, xe của nàng mới qua trạm.  Lên xe, nàng ngạc nhiên thấy tay bộ đội đã có mặt ở đó tự hồi nào. Chẳng biết anh ta đi đâu và trở lại hồi nào mà nhanh thế.  Ðẩy cái xách vào chỗ cũ, nàng nhắm mắt tận hưởng cái hạnh phúc lâng lâng của người vừa thoát khỏi một hiểm nguy chết người.  Cảm giác đó chóng qua.  Khi xe bắt đầu phóng vun vút trên con đường thiên lý, nỗi lo lại bắt đầu xuất hiện. Còn bao nhiêu trạm nữa? Cái gì sẽ xảy ra? Nàng quay sang anh bộ đội:

–    Nãy giờ anh đi đâu mà em chẳng thấy?

–    Thì cũng như cô. Xuống xe, đi bộ qua trạm. Cái trạm quái quỷ, rầy rà thật. Thật bực mình! Mất hết biết bao thì giờ của hành khách.

Hạnh im lặng, đợi nghe anh ta nói tiếp. Nhưng anh ta ngồi yên. Nàng lại gợi chuyện:

–    Gia đình anh ở dưới đó?

–    Không cô ạ.

–    Anh vẫn thường lên công tác thành phố?

–    Vâng.

–    Lên về luôn vậy, anh không mang ít hàng hóa gì để kiếm tiền tiêu?

–    Không. Tôi chả rành cô ạ. Phức tạp “nắm”! Cô đi chơi hay đi hàng?

–    Ði chơi anh ạ. Em đi thăm người bà con đi kinh tế mới dưới này,

–    Vùng nào vậy cô?

–    Vùng gì, vùng gì, em quên mất tên, đâu như là Minh Hải. Vâng đúng rồi, Minh Hải.

–    Minh Hải là tên tỉnh.

–    Ra thế. Em không rành lắm đâu.

–    Không rành sao dám đi, một thân một mình thế này. Vậy cô xuống chỗ nào?

–    Bạc Liêu.

–    Ngay thị xã Bạc Liêu à?

–    Không. Ngoài. Ngay cầu Cái Giầy. Anh biết cầu Cái Giầy không?

Anh ta gục gặt đầu, không trả lời. Xe chạy chòng chành qua những ổ gà. Người nàng đong đưa qua lại như ngồi trên võng. Khi xe chòng chành mạnh, thân hình nàng ép sát vào người anh bộ đội. Không biết vô tình hay cố ý, có lúc tay anh ta quàng qua vai nàng hay để lên trên đùi nàng. Nàng để mặc. Thỉnh thoảng, nàng làm như vô tình để cánh tay rơi trên đùi anh ta. Nhìn thấy một khu dân cư phía xa, Hạnh hỏi:

–    Chẳng biết gần đến trạm chưa nhỉ?

Anh ta xoay người ra phía ngoài, nhìn tới nhìn lui rồi đáp:

–    Chưa đâu. Cũng phải cả tiếng đồng hồ nữa.

–    Trạm này có khó không?

–    Tôi không rành đâu cô. Cô có mang hàng hay sao mà lo thế?

Hạnh thú thật:

–    Vâng, em có mang ít hàng để kiếm tiền xe. Em chẳng rành gì vùng dưới này. Anh có thể giúp em chút được không?

–    Làm sao mà giúp cô được.

–    Ðơn giản thôi anh. Ðến trạm, có ai hỏi, xin anh nhận giùm em cái xách này. Em chỉ một xách thôi à. Em vô cùng cám ơn anh.

–    Hàng gì vậy?

–   Thuốc lá sợi Lạng Sơn, anh ạ. Có mấy ký thôi à, nhưng em sợ bị dính thuế quá. Anh giúp em đi. Có gì, có gì, qua trạm, em sẽ.. .

Nàng hạ giọng, vừa nói vừa liếc quanh. Nàng im lặng, chờ đợi một câu trả lời từ anh bộ đội. Anh ta nhìn thẳng trước không trả lời. Hạnh sốt ruột, nhắc lại, giọng thật tha thiết:

–    Anh giúp em đi nghe anh.

Anh ta nói xẳng:

–    Rầy rà thật! Tôi chẳng quen kiểu này đâu.

Anh xoay người đổi thế ngồi. Chân này co lại, chân kia duỗi ra. Thân hình anh ta đụng vào người nàng. Có lúc, tay anh ta suýt chạm vào ngực nàng. Mặc. Nàng vẫn ngồi yên. Ðâu có thiệt thòi gì!

*

–   Ngã Ba Sóc Trăng, Ngã Ba Sóc Trăng. Bà con cô bác ai xuống Ngã Ba Sóc Trăng thì chuẩn bị xuống.

Giọng anh lơ xe vang lên rõ ràng, dứt khoát. Mọi người choàng dậy, ra khỏi giấc ngủ theo nhịp xe chạy đều trên đoạn đường lộ khá êm ái từ bắc Cần Thơ về. Hạnh giật mình, nhớn nhác nhìn. Ðến Ngã Ba Sóc Trăng rồi sao? Vậy là nàng sắp đến nơi. Mọi người trên xe kéo xách, lấy đồ nghe lạo xạo.  Tay bộ đội co duỗi chân tay, nhìn trước nhìn sau, nhìn xuống dưới ghế, tay sửa mũ cối, tay chỉnh lại cái kiếng đen. Trạm này là trạm cuối cùng trước khi nàng xuống hàng ở cầu Cái Giầy ngoài thị xã Bạc Liêu. Nàng cúi xuống vờ tìm đôi dép, cột lại hai chiếc đãy trong bắp vế, kéo cao lên gần đầu gối.Nàng quay sang anh bộ đội, tha thiết nài nỉ:

–    Anh giúp em qua trạm đi anh. Hàng thiệt ra chẳng đáng chi, nhưng em có nhiêu. Nếu dính thuế là hết.

–    Không được đâu cô. Rầy rà lắm!

Giọng Bắc lơ lớ lần này nghe rất  khó chịu. Ðúng là dân bộ đội, chơi không nổi. Nàng chợt hối tiếc đã ăn nói nhẹ nhàng với hắn. Ðồ cái thứ bộ đội chết vằm, nàng rủa thầm. Xe giảm tốc độ, dừng lại một vài nơi để đổ khách, xuống hàng. Nhìn người ta xuống hàng thong dong trước khi qua trạm, nàng thèm thuồng quá chừng. Nàng bỗng mong xe cứ chạy chậm như  thế, đừng bao giờ đến trạm. 

Trạm nằm ngay bên đường lộ. Ðường ở đây hẹp, xe đậu nối đuôi nhau. Hai bên đường, hàng quán san sát, trông giống như một nơi họp chợ. Ðội ngũ bán hàng rong đông đúc. Tiếng rao hàng, tiếng mời mọc, tiếng cãi vã, giành giựt khách ồn ào như ong vỡ tổ. Nhìn qua cửa xe, Hạnh thấy người ta đi qua đi lại, tay xách nách mang trên đường. Hạnh nhìn hai lối đi trước và sau, nghĩ bụng, sẽ xách hàng xuống rồi đi lẫn vào đám đông ngoài kia, qua khỏi trạm, ngồi chờ. Nàng dáo dác nhìn quanh, chờ cơ hội.

Nhưng xe ngừng, cánh cửa trước vừa mở thì một nhân viên thuế đã vọt vào đứng ngang đó, nói lớn:

–    Lưu ý bà con, ai muốn xuống xin đi cửa trước. Bà con nào có hàng hóa, đề nghị bà con lưu lại trên xe để kiểm tra trước khi xuống. Hàng nào không có chủ, chúng tôi sẽ tạm thời giữ lại ở trạm, đợi chủ hàng đến nhận lại.

Hạnh bối rối nhìn lui. Tưởng còn chỗ thoát, hóa ra cửa sau đã có một nhân viên thuế khác đứng canh ở đó rồi. Như thế là hai đầu bị bít kín. Tay thuế vụ cửa trước đảo đôi mắt soi bói nhìn quanh. Vài hành khách đi tay không xuống xe. Một bà cụ khệ nệ xách một cái xách to bước xuống. Tay thuế để bà cụ bước qua, mắt nhìn trừng trừng vào xách, y như thể muốn chọc thủng lớp da bên ngoài để biết những gì bên trong. Khi thấy không còn ai xuống nữa, anh ta bắt đầu lục soát những bao bì, xách, gói, kiện. Anh ta sờ từng cái một, nâng lên ướm thử trọng lượng, bóp quanh, ước đoán hàng gì ở bên trong, hỏi chủ hàng là ai, đã đóng thuế chưa vân vân. Hỏi hai, ba lần không thấy ai nhận, anh ta tự tiện mở dây kéo, lôi từng thứ ra để kiểm tra.   Xách nào có hàng, anh ta giao ngay cho nhân viên đợi sẵn bên ngoài, mang vào trạm.

Ðến hàng ghế trước mặt Hạnh, anh ta chỉ lên mấy xách hàng ở trên giá:

–    Xách này của ai?

Một người đàn ông dáp :

–    Dạ, của tôi.

–    Có hàng hóa gì không?

–    Không. Chỉ có áo quần.

–    Thật không? Tôi mà soát có thì sao?

Ông ta dứt khoát:

–    Tùy cậu. Cậu thích thì cứ soát.

Ông ta đột ngột trở giọng thách thức:

–    Nếu không có hàng thì sao? Nghe nói nhà nước bỏ ngăn sông cấm chợ, sao mà cứ lục soát ?

Tay cán bộ thuế lạnh lùng:

–    Tôi chỉ làm theo lệnh trên. Nếu ông có cần thì cứ làm đơn khiếu nại lên trên. Còn xách này của  ai? Không ai nhận phải không? Tôi xin hỏi một lần nữa, xách này của ai?

Không ai trả lời. Anh ta lấy cái xách xuống. Xách nặng, lại bị sợi dây cột vào giá níu lại. Anh ta dằn mạnh xách để làm tuột sợi dây ra, nhưng dây không đứt, cái quai xách lại đứt, kéo toạt ra một mảng da. Cái xách đong đưa toòng teng dưới giá.  Hàng hóa trong xách đổ xòa, rơi xuống trên đầu khách, trên nền xe, rơi cả trên đầu anh chàng bộ đội và Hạnh. Toàn là đồ tạp hóa: bong bóng, gương, luợc, cài, bài tây, bông tai, vòng đeo tay.  Sự thể bất ngờ này khiến tay nhân viên thuế vụ lúng túng. Anh ta cúi xuống lượm những đồ đã rơi ra nhét lại vào xách. Một số hành khách giúp anh ta lượm đồ giùm. Xong xuôi, anh ta treo lại vào chỗ cũ. Anh ta nói lí nhí một mình:

–    Cột gì mà cột chặt thế!

Mọi người trên xe lộ vẻ bất bình ra mặt, nhưng không ai lên tiếng. Tay thuế chỉ bối rối một chút, rồi trở lại công việc như cũ. Dãy ghế anh ta vừa lục đâm ra được hưởng lợi, vì sau đó, anh ta bỏ qua luôn, chuyển sang dãy khác. Tim Hạnh như muốn rơi ra khỏi lồng ngực khi tay cán bộ thuế bắt đầu đến lục dãy ghế nàng. Nàng cố thu hai chân thật sát ghế để tránh mọi đụng chạm với tay thuế vì sợ anh ta đụng phải bắp chân. Nàng liếc sang anh chàng bộ đội, đôi mắt van vỉ. Anh ta kéo cái gương trễ xuống mũi, ngồi yên, miệng phì phà điếu thuốc, y như thể mọi việc diễn ra chung quanh chẳng dính dáng gì đến anh ta.

–    Xách này của ai? Tay cán bộ thuế hỏi.

–    Của tôi. Anh bộ đội đáp gọn.

–    Của đồng chí?

–    Vâng. Còn xách này?

–    Của tôi.

–    Ðồng chí ở đâu về?

–    Thành phố.

–    Ðồng chí công tác ở đơn vị  nào?

–    Ðội xây dựng 117 Minh Hải.

–    Còn xách này của ai? Tay cán bộ chỉ vào xách Hạnh,  nơi hai chân anh bộ đội đang gác lên.

–    Của tôi.

–    Ðồng chí đồ đạc nhiều nhỉ?

–    Vâng, toàn là đồ gia đình gửi cho các đồng chí ở cùng đơn vị. Ðồng chí muốn xem?

–    Khỏi. Cám ơn đồng chí.

Hạnh ôm lấy ngực, liếc nhìn anh chàng bộ đội. Lần đầu tiên, nàng nghe cái “mùi bộ đội” thân quen và đáng yêu hơn bao giờ hết.

Nhưng khi xe vừa qua khỏi trạm, chút tình cảm mong manh ấy bỗng nhiên tan biến. Hạnh đã thoát qua trạm cuối cùng.  Hàng bây giờ hoàn toàn an toàn. Nàng mừng thầm vì mình chẳng có hứa hẹn gì với anh ta cả. Mà có hứa, nàng cũng sẽ làm lơ thôi. Hơi đâu mà ơn nghĩa với bộ đội cho thêm phiền. Xe đổ tại một quán ăn. Nàng quày quã xuống xe trước, đi thẳng vào khu vệ sinh nằm đàng sau quán. Trời đã ngả về chiều. Quán ăn tấp nập khách. Rửa ráy mặt mày xong, người nàng nhẹ nhàng, lâng lâng hạnh phúc. Bây giờ mới cảm thấy bụng dạ cồn cào đói. Nàng nhìn quanh xem thử tay bộ đội ngồi ở đâu để tiện tránh. Nhưng người mặc đồ bộ đội khá nhiều, nên nàng chẳng thấy anh ta ở đâu. Mãi đến khi tới quầy mua đồ ăn, nàng mới loáng thoáng thấy anh ta ngồi gần đó. Nàng tảng lờ.

Khi bưng khay đồ ăn ra, chẳng còn bàn nào có chỗ trống cả. Nàng tần ngần, đứng nhìn quanh. Bỗng có tiếng gọi:

–   Này, cô, cô ơi, có chỗ đây cô.

Nàng giật mình. Thì ra anh chàng bộ đội gọi nàng. Anh ta vẫy tay nhiệt tình, lập lại:

–    Cô, tôi xong rồi. Cô có thể ngồi đây.

Sao anh ta lại nói giọng Trung kìa. Bây giờ anh ta không đội mũ, không đeo kiếng. Ðầu tóc cắt ngắn. Khuôn mặt vuông, cằm hơi bạnh ra. Nước da đen sạm, xấu, nhưng đôi mắt lộ vẻ tinh anh. Mọi thứ chẳng giống gì nhân dáng anh chàng bộ đội trên xe cả. Hay là một người khác? Nàng ngượng ngùng bước tới, đặt  khay đồ ăn lên bàn. Ðang suy nghĩ  cách nói lời cám ơn, thì chợt nghe tiếng anh ta kêu lên:

–    Hạnh! Có phải là Hạnh không?

Nàng ngạc nhiên nhìn lên, thảng thốt:

–    Trời! Thầy. Thầy Túy! Có đúng là thầy đó không?

–    Vâng. Túy đây.

–    Em là Hạnh đây, thầy.

Cả hai người đứng chới với nhìn nhau, nghẹn lời.

T.D.N.

Comments are closed.