Đèn không hắt bóng

Truyện Đông Nghi

Cầu Mỹ Thuận ngạo nghễ, cao vút, vắt ngang con sông Tiền. Những ngọn đèn cao áp sáng rực rỡ, chiếu xuống dòng sông đêm đen ngòm bóng tối những lấp lánh sóng trào. Lòng cầu mênh mông vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng vài lượt xe cộ đi về. Vinh đứng lặng lẽ ở một góc. Điếu thuốc trên môi anh từng chặp lại lóe sáng. Đêm hiu quạnh. Đêm đang bước những bước thầm về sáng, nhưng Vinh vẫn chưa chịu bỏ về. Anh lơ đãng nhìn một chiếc xe tải chậm chạp qua cầu. Tiếng máy xe rầm rì, nổ rền rồi mất khuất đàng xa. Đêm trở lại vắng vẽ.

Vinh chợt nhổm lên. Anh nhìn thấy một ông già đang bước dọc theo thành cầu. Mái tóc bạc gục xuống. Hai tay buông thõng. Hai chân lặng lẽ những bước tới ngập ngừng. Có vẻ như ông già muốn dừng lại, nhưng rồi lắc lắc đầu tiếp tục bước đi. Đến giữa cầu ông đứng lại ngước nhìn lên trời. Bầu trời đêm lấm tấm những vì sao. Ông già lại nhìn xuống dòng sông. Ban đêm dòng sông như xa hơn, sâu hơn. Bóng tối dìm dòng sông xuống mờ mịt thăm thẳm. Khi ông già níu lấy thành cầu, sắp sửa leo lên thì Vinh hối hả chạy tới.

-Bác ơi. Dừng lại, bác.

Ông già sửng sốt quay lại. Bàn chân đặt trên thành cầu vẫn còn ngập ngừng, ngơ ngẩn. Vinh bước lại bên cạnh ông già.

-Bác ở gần đây sao?

Ông già im lặng. Ánh mắt ông nhìn Vinh không còn vẻ kinh ngạc mà đã lặng lẽ, thẫn thờ. Ông nhìn như không có Vinh trước mặt. Vinh xoa xoa tay.

-Cháu nhìn thấy bác từ xa. Cháu biết bác định làm gì.

Anh nhỏ nhẹ.

– Nhưng khoan đã. Đâu có gì vội phải không bác. Cháu muốn nói chuyện với bác một chút. Mình lại đàng quán kia nghe bác.

Vinh nắm lấy tay ông già. Bàn tay nhỏ, khô, sần sùi. Cảm giác buồn bã khi cầm lấy một bàn tay như vậy. Vinh thở dài.

-Đi bác. Lại đây ngồi nói chuyện với cháu một chút.

Vinh dìu ông già bước đi. Ông già không phản đối. Dường như đối với ông, không còn có chuyện gì quan trọng nữa hết.

Vinh đứng ở góc cầu Mỹ Thuận gần một năm rồi. Anh không chú ý đến những dòng xe cộ hối hả ban ngày, hay chậm chạp, lặng lẽ ban đêm. Anh chỉ theo dõi những người xung quanh, để phát hiện những kẻ chán đời. Anh đến với họ, chuyện vãn, khuyên can, và ngăn cản họ từ bỏ cuộc sống. Từ khi cầu Mỹ Thuận xây dựng xong, đã có nhiều người đến đây tự tử. Lòng cầu cao, sông cuồn cuộn chảy, nhảy xuống là chắc chắn vô phưong cứu vớt. Vinh nghe chuyện, nảy ra ý định bắt đầu công việc mà sau này mọi người gọi anh là thiên thần hộ mệnh. Lúc đầu công an gác cầu nghi ngờ, xua đuổi anh. Nhưng anh kiên trì giải thích, và thuyết phục họ cho anh làm công việc mà anh nghĩ là cần thiết. Cuối cùng thấy anh thành thực, vô hại, họ mặc kệ anh. Dần dà anh làm được việc, ngăn cản được hàng chục người tự tử, công an đã thay đổi thái độ. Họ vui vẻ chào anh mỗi khi anh đến và mọi người cảm động vì sự kiên nhẫn và lòng nhân ái của anh. Bây giờ anh đã trở thành một nhân vật quen thuộc ở đây. Anh không nói nhiều, không cười nhiều. Anh chỉ lẳng lặng đứng một chỗ quan sát. Trả lời câu hỏi làm sao nhận biết được một người sắp sửa tự tử, anh tâm sự. Họ dễ nhận ra lắm. Họ đi một cách vô định. Dáng điệu buồn bã, ngẩn ngơ. Vinh nói thêm. Chỉ cần chúng ta can thiệp đúng lúc là có thể đánh thức lòng ham sống của họ. Chỉ cần chúng ta gợi cho họ nói ra những điều uẩn ức trong lòng là có thể làm họ nguôi ngoai. Chúng ta phải chỉ ra cho họ thấy cuộc sống là đáng quí. Dù thế nào đi nữa, cuộc sống cũng là quà tặng của Thượng Đế.

Quán ăn ban đêm vắng vẻ. Vinh dìu ông gìa đến ngồi ở một bàn trống trong góc. Người trong quán đã quen với công việc của Vinh nên không đến làm phiền anh và người khách của anh. Vinh ngồi xuống bên cạnh ông già. Anh dịu dàng.

-Bác uống gì nghe. Cà phê ở đây ngon tuyệt.

Ông già vẫn im lặng. Vinh gãi đầu, chọn một câu nói thích hợp.

– Cháu ở đây đã một năm rồi. Cháu đã thấy nhiều người tìm đến đây để kết thúc những khổ sở, cay đắng trong đời. Bác kể cho cháu nghe đi. Tại sao bác lại đi đến quyết định như thế?

Ông già nhìn thoáng qua mặt Vinh rồi lại nhìn thẫn thờ vào khoảng không im lặng. Vinh ngần ngừ.

– Bác biết không, nhiều người làm ăn thất bại, tài sản tiêu tan. Có người mất vợ, mất con. Có người mất hết công danh sự nghiệp. Họ đến đây. Họ tưởng kết thúc cuộc sống là kết thúc tất cả. Nhưng đâu phải vậy. Những cái mất đi thì đã mất đi rồi. Người chết cũng đã chết rồi. Nhưng cuộc sống vẫn còn đó. Bác nghĩ xem. Thượng Đế đã trao tặng cho chúng ta sự sống không phải để chúng ta hủy hoại tùy tiện như thế.

Vinh dừng lại, nhìn vào mắt ông già. Ánh mắt vẫn lặng lẽ. Khung cửa sổ vẫn đóng kín. Vinh nhẫn nại.

– Bác kể cho cháu nghe đi… Có thể bác nghĩ cuộc sống không còn ý nghỉa gì với bác. Nhưng bác không nghĩ là còn nhiều người cần đến bác sao? Những đứa trẻ mồ côi, những người tàn phế, bệnh hoạn…

Vinh ngồi thẳng người lên. Anh tâm sự.

– Hồi xưa, có lần cháu cũng nghĩ như bác. Cháu mồ côi cha mẹ. Đúng ra cháu không biết cha mẹ mình là ai, thất lạc ở đâu… Lớn lên cháu đã thấy mình ở ngoài hè phố. Lăn lộn với lũ trẻ đánh giày, móc bọc, cháu cũng chanh chua, đanh đá, lọc lừa. Xã hội không dạy cháu lòng yêu thương mà dạy cháu sự căm thù. Mọi người không cho cháu tiếng cười thân mến mà chỉ cho cháu những chưởi rủa cay nghiệt. Cứ thế mà cháu lớn lên. Cháu trở thành một tay anh chị. Cháu ăn chơi, đàng điếm. Cháu du đãng côn đồ. Xì ke ma túy, đĩ điếm, rượu chè. Cuộc sống đối với cháu chẳng còn có ý nghĩa gì cao quý, ngoài sự hưởng thụ. Để đạt được điều đó, cháu chỉ cần có sức mạnh và sự liều lĩnh.

Vinh ngừng lại. Anh nhỏ giọng thì thầm.

-Cho đến một hôm, khi nghe tin con bồ của cháu bị bắt, bị đưa đi trại phục hồi nhân phẩm và phát giác ra bị SIDA thì cháu hoảng. Cháu đã sống với nó hai năm rồi. Cháu dính SIDA là cái chắc. Ngày bác sĩ báo tin cháu có kết quả dương tính, cháu thấy trời đất sụp đổ… SIDA! Bác biết rồi đó. SIDA là tàn đời, SIDA là hết thuốc chữa. Cháu trở về nhà, bỏ mặc bọn đàn em và… tự tử.

Vinh giật mình. Bàn tay anh để trên bàn đã nằm gọn trong bàn tay xương xẩu của ông già. Vinh quay lại. Những cánh cửa đã hé mở. Ánh mắt ông già nhìn anh đã có chút ấm áp. Anh bóp chặt bàn tay gầy guộc, buồn rầu.

Ông già bắt đầu nói. Giọng Bắc pha lẫn tiếng Nam của những người di cư năm 54.

– Tôi sáu lăm tuổi rồi cậu. Ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm tôi là một ông chủ trẻ. Hãng sản xuất xe đạp của tôi đang làm ăn phát đạt. Tài sản trong ngân hàng của tôi đã lên đến vài chục triệu. Vợ tôi đẹp, quyến rũ. Các con tôi ngoan ngoãn, thông minh. Tôi làm việc cật lực, nhưng hạnh phúc. Cậu thấy không, đồng tiền mình làm ra dù không phải mồ hôi nước mắt, nhưng cũng là tâm huyết, nhọc nhằn. Chủ nghĩa tư bản chỉ mới phôi thai ở miền Nam nhưng đã quyết liệt cạnh tranh. Đâu phải ngồi mát ăn bát vàng đâu. Thế mà sau ngày ba mươi tháng tư, tôi mất hết sạch. Tôi bị kết án tư sản mại bản. Nhà cửa, hãng xưởng, tài sản bị tịch thu. Vợ chồng tôi cùng mấy đứa con bồng bế nhau về vùng kinh tế mới. Chịu không nổi những cam khổ thiếu thốn, những tủi nhục khốn cùng, vợ con tôi lần lượt qua đời. Vậy là những người thân thương cuối cùng của tôi cũng không còn nữa.

Vinh bóp chặt bàn tay ông già. Ông ngừng lại, ngước nhìn qua vòm cửa quán. Đêm đang nhòe nhoẹt cơn mưa bất chợt. Những giọt mưa đầu mùa mảnh như tơ, lấp lánh ánh đèn. Ông già gằn giọng.

– Cậu nghĩ tôi tự tử lúc đó chắc? Không.

Ông già nhìn vào mặt Vinh. Những khung cửa sổ bây giờ mở toang ra.

– Không. Bốn mươi tuổi. Tứ cố vô thân. Vô gia đình. Vô tổ quốc. Vô tôn giáo. Tôi có khác gì cộng sản đâu. Tôi quyết định bắt đầu một cuộc sống khác. Tôi trở về thành phố. Tìm những bạn quen cũ, móc nối những thân thuộc xưa. Và với sự lão luyện sẵn có tôi tạo những quan hệ mới với bọn quan chức đương thời. Thế là cuộc sống bắt đầu những vòng xoáy: móc ngoặc, tham nhũng, trụy lạc, mánh mung. Tôi cầm đầu một băng buôn lậu ma túy, và điều khiển mấy nhà hàng khách sạn cao cấp chuyên chiêu đãi gái cho bọn quan chức chóp bu. Tiền bạc đổ vào như nước. Vào túi tôi và vào túi bọn cán bộ tham ô. Tôi cấu kết làm ăn với chúng, tôi thỏa thích ăn chơi với chúng. Tôi khoác vai, vỗ vế với công an, thuế vụ. Thét rồi tôi cũng không phân biệt được mình với bọn chúng nữa. Chúng giàu có, tôi cũng giàu có. Chúng quyền thế với nhân dân, tôi cũng quyền thế với đám đàn em của tôi. Tôi cũng hét ra lửa, mửa ra khói. Và đôi khi cũng đã nhúng tay vào máu.

Ông già đột nhiên im bặt. Vinh ngồi ngẩn ngơ. Anh đã nghe nhiều chuyện thương tâm của những người đến đây tự tử, nhưng anh chưa bao giờ nghe được câu chuyện như thế này. Ông già quay sang Vinh.

– Cậu nói khi phát hiện mình bị bệnh SIDA cậu đã tự tử. Thế sao cậu còn ở đây?

Vinh ngượng ngùng.

– Vâng cháu đã định tự tử. Nhưng phần chết nhát, phần thì rõ ra rằng tại sao lại chết lãng nhách vậy. SIDA chưa vật mình mà đã chắp tay đầu hàng sao? Và cháu nghĩ trong khoảng đời còn lại của mình, mình có thể làm nhiều việc có ích cho người khác. Vì vậy cháu đã đến đây, làm công việc này và lao vào cuộc tranh đấu chống bệnh SIDA. Cháu đi tuyên truyền, đi cổ động. Chỉ cách cho mọi người ngừa bệnh. Đem đến một ý nghĩa cho cuộc sống của những người nhiễm SIDA. Cháu biết mình tội lỗi nhiều, chỉ mong chuộc lại một phần.

Vinh trầm ngâm rồi nói tiếp.

– Còn bác? Cuộc sống của bác bây giờ huy hoàng quá. Giàu có, quyền thế. Tại sao bác muốn tự tử?

Ông già lặng lẽ đứng dậy. Ông vỗ vỗ lên vai Vinh rồi bước ra ngoài. Dưới ánh đèn điện sáng choang Vinh bỗng sững sờ khi nhận ra ông già không có bóng.

***

Vinh ngồi chết sững một lúc rồi hoảng hốt đứng dậy. Anh nhìn ánh đèn điện rồi nhìn xuống chân mình. Anh cũng không có bóng. Vinh rên lên một tiếng, chạy ào ra ngoài.

Cây cầu Mỹ Thuận đàng xa vẫn đang nằm ngạo nghễ vắt qua sông Tiền. Những bóng đèn cao áp vẫn rực rỡ. Lòng cầu vắng. Không thấy ông già đâu cả. Người công an gác cầu đứng nhỏ bé ở một góc. Vinh chạy quáng quàng lên cầu. Đến bây giờ anh vẫn chưa biết tên ông già. Anh hét toáng lên. Bác ơi. Tiếng Vinh lảo đảo trong gió. Mưa đã chợt ngưng như lúc nãy chợt đến, để lại lòng cầu những vũng nước nhòe nhọet.

Vinh bước đến thành cầu, leo lên, rồi lao mình xuống.

Comments are closed.