(Nghe tin nhà văn Nguyễn Khắc Phục lâm bệnh trọng vì ung thư phổi, chợt nhớ một chuyến thăm Mông Cổ với ông)
Hoàng Minh Tường
Chuyến du hý Mông Cổ tự túc của năm nhà văn, mà chúng tôi tự gọi đùa: “Ngũ quái đáo Mông”, là một chuyến đi kỳ cục, vô tiền khoáng hậu.
Năm anh nhà văn, trẻ nhất là tôi, U60, còn bốn vị kia đều thuộc đội hình U70. Cao tuổi và khả kính nhất là nhà thơ, dịch giả Thuý Toàn, người có sáng kiến và rất kiên nhẫn, kỳ công trong việc tổ chức chuyến đi này. Vì sự tận tuỵ, cộng với đạo đức hơn người, ông được toàn đoàn nhất trí phong là Toàn Đại Nhân. Thứ đến nhà văn Tô Đức Chiêu, cao ngoại cỡ gần 2 met, mũ phớt, áo xanh lá cây, ban đầu được gọi là Chiêu Đại Hiệp, sau thấy ông có thêm những nét khác người, bèn được chính thức đổi thành Chiêu Kỳ Hiệp. Nhà thơ, kiêm hoạ sỹ, quay phim, nhiếp ảnh gia, chuyên viên internet Trần Nhương, có con Web trannhuong.com nổi tiếng, đi đâu cũng lỉnh kỉnh computơ, máy móc, dây dợ, bút giấy vẽ, do quá mẫn cán với những công việc nói trên, được gọi là Nhương Tác Nghiệp. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, vừa qua tuổi lục tuần, nhưng tóc, mày râu bạc trắng, trong đầu chứa thiên kinh vạn quyển, nói giỏi hơn làm, xứng đáng mưu sỹ của đoàn, được đặt hỗn danh Phục Bạch Đầu. Em út trong đoàn, tính tình tuy kiêu căng tự phụ nhưng biết trên dưới, bản chất khiêm nhường, chuyên nhận việc điếu đóm, hầu hạ các huynh, là người viết những dòng này, có tên là Tường Tiểu Tử.
Số là năm 2006 Toàn Đại Nhân sang Mông Cổ dự Festival thơ thế giới, gặp lại những người bạn văn chương, trong đó có nhiều người cùng học tại Liên Xô cũ với ông. Các bạn Mông Cổ bảo: Muốn mời các nhà văn Việt Nam sang chơi, nhưng nhà nước không cho kinh phí. Nếu các bạn tự túc, thì chúng tôi sẵn sàng đón. Nghe Toàn Đại Nhân thông báo lại, đám nhà văn thích dong chơi xê dịch kiểu Nguyễn Tuân bèn rủ nhau mua vé du… Mông. Dự kiến bay qua đường Seoul, Hàn Quốc chỉ mất 700 USD đi về. Nhưng vì chờ mấy mỹ nhân văn sỹ định cùng đi, đành lỡ thời gian, phải bay đường Bắc Kinh, đắt thêm 300 USD. Nhương Tác Nghiệp, đại gia nhất trong năm quái, sờ túi áo, khẽ rùng mình, bảo mọi người:
– Đắt thế có đi không?
Phục Bạch Đầu, đại gia thứ hai, mới trúng quả Giải thưởng Nhà Nước về sân khấu (chứ không phải về văn chương đâu nhé) 60 triệu đồng, có vẻ rủng rỉnh, sởn da gà đến vài phút, nhưng rồi chạnh nghĩ đến một loạt nhà văn vừa chớm lục tuần, đang khoẻ như vâm, bỗng rủ nhau… chầu trời vì ung thư, Phục Bạch Đầu liền xua xua tay, bảo :
– Đi thôi, đắt cũng đi. Đời bấp bênh lắm.
Thế là 7 giờ sáng ngày 5-8-2007, năm kẻ ham chơi ra ga Nội Bài.
Mỗi vị một va ly, không ai vượt quá mười lăm ký. Nặng nhất là sách, sách của từng tác giả. Sách của Phục Bạch Đầu, toàn những cuốn bìa cứng, như cục gạch. Bộ tiểu thuyết về Thăng Long của ông dự kiến hai chục tập, đang viết đến thời nhà Trần với ba lần chiến thắng Nguyên Mông. Du Mông đợt này, ông quyết tìm thêm tư liệu và cảm hứng để hoàn thiện công trình dang dở. Ngoài sách, là lương thực dự phòng. Toàn Đại Nhân chứa đầy một túi du lịch những đặc sản ẩm thực đất Việt: Cà muối, sấu tươi, nhãn lồng và hình như có cả mùi mắm tôm nữa (!) Thời mở cửa, kinh tế tăng trưởng, nhưng cánh nhà văn vẫn như những anh thợ cày, chất đầy va ly những mỳ tôm, thịt hộp, bánh mỳ, đường sữa… Chiêu Kỳ Hiệp còn mang thêm hai chiếc bánh chưng to đùng gói trong giấy báo. Nhương Tác Nghiệp cảnh báo:
– Coi chừng máy soi nó tưởng hai quả bộc phá, nó ách cả đoàn lại thì khốn.
– Thì mình tôi ở lại, ăn hết hai chiếc bánh chưng, rồi về – Chiêu Kỳ Hiệp nói ngang và cười hì hì.
Ai cũng lo vì hai quả bộc phá bánh chưng của Chiêu Kỳ Hiệp và mấy hũ cà, sấu, như chất khủng bố sinh học của Toàn Đại Nhân. Nhưng rồi hú vía. Đặc sản ẩm thực dân tộc được qua cửa ải hải quan. Nhưng ở phòng kiểm tra hành lý cuối cùng, hai túi xách của Phục Bạch Đầu và Chiêu Kỳ Hiệp bị ách lại. Những hòn gạch sách rất khả nghi bị mở ra. Bộ ba tiểu thuyết Học phí trả bằng máu vừa tái bản như chọc vào mắt các đồng chí hải quan. May mà không có vị nào quê Thừa Thiên Huế. Túi được đóng lại, cho qua. Riêng năm chai rượu Lúa Mới thượng thặng thì bị giữ lại. Chiêu Kỳ Hiệp xuýt xoa tiếc món quà đặc sản mang sang tặng bạn. Xứ lạnh, uống thứ 45 độ cồn này mới đã. Chỉ vì ông chủ quan xách tay. Cũng mang mười chai vốtka Hà Nội, nhưng Tường Tiểu Tử, gửi theo hành lý, lại ung dung vượt qua cửa khẩu.
***
Trên chiếc máy bay của hãng hàng không Hoa Nam, Trung Quốc với những thiếu nữ da trắng bóc, váy áo màu tím hoa cà, bay qua dãy Thập Vạn Đại Sơn trùng điệp, ngũ quái cùng ngó từ tít từng không xuống và bảo nhau rằng, chỗ kia, chỗ kia là Ung Châu, Khiêm Châu, nơi cụ Lý Thường Kiệt nhà ta đã hành binh đến, phá tan âm mưu nam tiến của nhà Tống.
Sân bay Quảng Châu và sân bay Bắc Kinh hôm nay khác hẳn những năm trước. Để chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh, hai sân bay hầu như đã xây dựng mới hoàn toàn. Theo lời Chiêu Kỳ Hiệp, người đã từng đi khắp á, Âu, Mỹ thì nhà ga Bắc Kinh còn hiện đại hơn cả Los Angieles, New York. Nhìn những chiếc máy bay đủ quốc tịch, cứ một hai phút lại lên xuống, ông bảo: Một nghìn năm trăm máy bay lên xuống mỗi ngày, đâu phải đùa. Mình cứ khen sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, đến đây mới thấy nước mình và hàng không ta xếp gần như đội sổ thế giới là đúng… Vâng. Đến đây lại chợt nhớ bài thơ Tổ quốc nhìn từ xa của nhà thơ Nguyễn Duy. Phải đến các chân trời Âu, Mỹ, phải leo lên mặt trăng, sao Hoả để nhìn về những bụi tre lúp xúp mới thấy thắt lòng, yêu và thương Tổ quốc mình.
Nhưng … Chưa kịp cảm khái thân phận, chưa kịp trầm trồ hết cái kỳ vĩ của đại quốc, thì cả Phục Bạch Đầu và Tường Tiểu Tử đều kinh hoàng khi nhìn thấy hai chiếc valy của họ ở vòng xoay trả đồ đều bay biến đâu mất hai chiếc khoá đồng, thậm chí trong lúc phá khoá, chiếc valy Pôlô của Phục Bạch Đầu còn bị dứt đứt cả đầu phécmơtuya. Buồn nhất là mất mấy lon thịt hộp mà ông có ý khoản đãi bạn ở ga Bắc Kinh. Chắc mấy hộp thịt giống bom tự tạo, nên đã bị khui để kiểm nghiệm (!)
Sáu tiếng đồng hồ trangzit chờ chuyển máy bay đến Ulan Bato dài dằng dặc. Nhương Tác Nghiệp xách laptop đi lùng xục điểm truy cập internet để thông báo với thế giới kịp thời về chuyến đi của đoàn. Chiêu Kỳ Hiệp chừng như đang bị cái dạ dày ngoại cỡ hành hạ, mấy lần định giở bánh chưng ra ăn, nhưng Phục Bạch Đầu ngăn lại.
– Các đồng chí nhất quyết không được hạ thấp vị thế và hình ảnh quốc gia. Ngày xưa thi hào Nguyễn Du phải hành trình vất vả hơn một năm mới đến được đây. Giờ ta bay có sáu giờ. Phải tìm chỗ nào sang trọng nhất tại sân bay quí quốc để uống mừng sự hiện hữu của ngũ quái ở chốn thần kinh.
Hai chiếc xe đẩy rồng rắn chất ngất valy túi xách leo lên tầng ba, nơi có những dãy tửu lâu treo đèn lồng đỏ và những thiếu nữ như mộng đon đả chào mời. Chưa kịp ngồi, tiểu nữ váy ngắn đã áp sát, chìa mơnuy ra. Ngay cả Chiêu Kỳ Hiệp, người giỏi ngoại ngữ nhất đoàn, thậm chí trong một câu thoại đã vận dụng chèn đủ mấy thứ tiếng Anh, Nga, Trung, cũng không làm cách nào cho mỹ nữ hiểu nhu cầu của đoàn.
– Thì các vị cứ gọi đại một ấm trà thượng hạng đi. Tiệc tùng tính sau. Phải tiêu hết mấy tiếng đồng hồ ở đây với chất lượng sống cao nhất – Phục Bạch Đầu vỗ túi áo bồm bộp.
Tường Tiểu Tử từng cùng đoàn nhà văn Việt Nam đến Hàng Châu 14 năm trước, nhưng tiếc đứt ruột cho đến bây giờ vì chuyến ấy không thăm vùng chè nổi tiếng Long Tỉnh. Nay thấy bộ ấm trà men ngọc xanh kiểu dáng niên đại Càn Long, liền khoát tay ra hiệu nữ tiếp viên pha một ấm trà để đoàn thưởng lãm.
– Bình tĩnh đã nào – Toàn Đại Nhân bây giờ mới chứng tỏ sự chín chắn cẩn trọng của bậc trưởng lão. Ông lật giở tìm trang tiếng Anh của mơnuy và giật mình, xua tay như xua tà – 180 tệ, tức 400.000 đồng Việt Nam một ấm. Giết nhau không bằng. Uống thứ khác đi.
Phục Bạch Đầu nãy giờ như đang mộng mị với những trang tiểu thuyết lịch sử thế kỷ XIII vừa loé trong đầu, nghe nói vậy, thì thất kinh. Lật giở mơnuy tiếp, thấy chai bia Heineken 28 tệ (55.000 đồng), ông lại khẽ rùng mình. Nhưng với phẩm chất một nhà tiểu thuyết lịch sử, giống như phẩm chất của một sứ thần, Phục Bạch Đầu cười khẩy, nét mặt như băng:
– Không sao. Uống cả hai thứ. Trà Long Tỉnh trước. Tôi có tiền. Hôm qua mới đổi một ngàn tệ. Phải tiêu hết ở Bắc Kinh trưa nay.
Thoắt cái, các quái lại trông có vẻ như những hiền sĩ xứ An Nam, ngồi ung dung, lặng lẽ đối ẩm bên chén trà Long Tỉnh trong xanh màu luu ly, bốc hơi ngào ngạt. Quả là không hổ danh kẻ sĩ nước nhược tiểu khi đến đại quốc (!)
Cho tới lúc Nhương Tác Nghiệp từ phòng internet trở lại, mặt rạng rỡ vì đã đưa tin và hình ảnh của đoàn lên vũ trụ, nhưng vẫn không khỏi kêu ca:
– Đường truyền chậm quá. Giá đắt kinh người. Vào mạng chỉ vài phút cũng thu 50 tệ – Vừa thông báo vừa phàn nàn như vậy, Nhương Tác Nghiệp bỗng khựng lại, khi nhìn chằm chằm vào bốn gương mặt – Sao thế ? Làm sao mà mặt cả bốn ông đều đờ đẫn và đỏ lựng lên thế ? Ốm à ? Xỉu vì đói à ?
– Bác nhìn lại đi – Phục Bạch Đầu cười nhăn nhở, chỉ vào ấm trà Long Tỉnh đã thay đến nước thứ năm – Không thấy chúng em đang tăng… lực vì uống… nhân sâm đây à ?
Cả bọn bỗng phì cười. Đau, mà vẫn bái phục ngành du lịch và thương mại Trung Hoa.
Rõ thật là :
Đã nghèo còn dám ru…mông
Muốn phong trần được…phanh trần cho coi.
***
Chiếc Boeing của hãng MIAT Mongonlian Airlines, có biểu tượng đầu ngựa phi, đáp xuống thủ đô Ulan Bato lúc một giờ sáng. Đợi trước cửa nhà ga trong tiết se lạnh và mưa lắc rắc là một người cao to, tuổi ngoại sáu mươi nhưng vẫn trẻ trung, cường tráng, gương mặt tròn, mắt một mí đặc trưng Mông Cổ. Đó là tiến sỹ S.Dashtsevel, Chủ tịch Hội hữu nghị Mông Cổ-Việt Nam. Trước chuyến du Mông, Toàn Đại Nhân đã cho các thành viên đọc email của S.Dashtsevel và giới thiệu về ông. Ông đã học khoa tiếng Việt, Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 1964-1968. Từng là con rể Việt Nam, từng gặp gỡ, quen thân với nhiều nhà văn Việt Nam …
– Các bạn Việt Nam đem mưa đến. Quí lắm đấy. Mấy tháng nay đại hạn, giờ mới có một cơn mưa bạn bè…
Tiến sỹ Dashtsevel nói tiếng Việt khá chuẩn. Ông ôm Toàn Đại Nhân hồi lâu, rồi bắt tay từng người. Cử chỉ thân mật, gần gũi xoá nhoà ranh giới chủ khách, khiến ngay từ giây phút gặp gỡ, chúng tôi đã kết nạp ông là thành viên thứ sáu của đoàn. Phục Bạch Đầu bảo đó là Lục tặc trong kinh Phật. Chúng tôi đặt cho Dashtsevel tên Việt Nam là Viên, biệt danh là Viên Công Công.
Thủ đô Ulan Bato thoáng rộng và sạch đẹp. Cứ ngỡ mình đang ở nước Nga vì các biển hiệu, tên đường phố đều ghi mẫu tự Slavơ, giống chữ Nga. Nhưng không phải. Tiếng Mông Cổ dùng chữ cái Slavơ để ghi âm.
Không thấy trên đường phố một bóng xe máy, xe đạp. Ôtô nối đuôi nhau hàng bốn, hàng tám. Phương tiện công cộng là taxi, xe buyt, xe điện bánh hơi. Phố nào cũng có dải vườn hoa, hàng cây ngăn cách giừa đường xe cơ giới và đường đi bộ, vì thế không có cảnh hàng quán, xe đạp xe máy chen lấn xuống lòng đường. Có một nhận xét sơ bộ: Người Mông Cổ, cả đàn ông lẫn đàn bà đều cao to, các vòng 1, 2, 3 cùng quá cỡ, nhưng họ đi lại rất nhanh nhẹn. Những dòng người đi bộ dọc hè phố ai nấy đều mải miết, hối hả. Đó chính là tác phong công nghiệp và lối sống quảng du trên đồng cỏ.
Nhương Tác Nghiệp nhận xét:
– Nhìn đường phố, biết đời sống thành thị Mông Cổ là khá cao…
Viên Công Công bảo:
– Thủ đô có hơn triệu dân, chiếm một nửa dân số cả nước, cứ khoảng ba gia đình lại có một xe ô tô.
Quả là đất nước Mông Cổ đang phát triển với tầm vóc mới. Nhiều toà nhà từ thời Liên Xô đang được phá đi xây những cao ốc hiện đại. Trên đường phố, ngàn ngạt ô tô, đủ chủng loại, xuất xứ, ô tô tay lái thuận và ô tô tay lái nghịch cùng được lưu hành. Sau này nghe anh tài xế Basha nói, mới giật nảy mình vì ô tô Mông Cổ nhập khẩu rẻ kinh người. Một chiếc xe con bốn chỗ second hand của Nhật chỉ khoảng 2.000 USD. Một chuyến du Mông của mỗi chúng tôi tiêu tốn ngang một chiếc xe tàng tàng đang chạy trên đường phố. Tràn ngập khắp các ngõ ngách, đường phố, quảng trường là tên gọi và hình ảnh của Chinggis Khan, tức Trêmudin, Thiết Mộc Chân, Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), người anh hùng Mông Cổ vĩ đại của mọi thời đại. Hãng hàng không mang tên Chinggis Khan, nhà hát Chinggis Khan, Hottel Chinggis Khan, rượu Chinggis Khan, túi da Chinggis Khan… Quảng trường Sukhêbato, nơi đặt tên và dựng tượng người anh hùng thời cận đại của Mông Cổ, nay đang hoàn thiện một khán đài cao bằng dãy nhà bẩy tầng, kéo dài hết bề ngang mấy trăm mét, chính giữa là tượng Chinggis Khan bằng đồng đen, ngồi như một khối núi hùng vĩ.
Biểu tượng Chinggis Khan đang là quốc hiệu, tổ hiệu, thương hiệu, thời đại hiệu của Mông Cổ. Đủ loại suvenia bằng tem thư, đồ da, đồ dệt len, bằng đồng, bạc… có hình Chinggis Khan bày bán khắp nơi, làm mê hoặc và cuốn hút nhà sưu tầm đồ cổ, tem bưu chính và huy hiệu có liên quan đến Liên Xô là Toàn Đại Nhân.
Cơn sốt Chinhggis Khan được bắt đầu từ khi đất nước Mông Cổ theo chế độ dân chủ nghị viện. Từ năm 1990, do ảnh hưởng sự sụp đổ của Liên Xô, đất nước Mông Cổ rộng lớn tới hơn 1,5 triệu cây số vuông, quay về chủ nghĩa dân tộc, bắt đầu tiến trình dân chủ hoá, chuyển sang chế độ đa nguyên, đa đảng. Trong số hơn mười chính đảng đang tồn tại, có hai đảng lớn nhất là Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (NDCMMC) và Đảng Dân chủ, trong đó Đảng NDCMMC mà tiền thân là Đảng Cộng sản trước đây, chiếm đa số, đứng ra thành lập Chính phủ. Chính Chinggis Khan chứ không phải ông ốp ông ép nào khác giờ đây mới có sức mạnh, sức gắn kết và cuốn hút hơn 2,5 triệu người trên đất nước thảo nguyên mênh mông đang trên đường phát triển.
Thăm Viện bảo tàng Lịch sử Mông Cổ, càng thấy tầm vóc của Chinggis Khan và Đế chế Nguyên Mông thế kỷ XIII có vị trí đặc biệt trong lịch sử hình thành và phát triển của đất nước thảo nguyên này. Bản đồ đế chế màu đỏ rực chiếm diện tích lớn nhất thế giới hồi đó, kéo dài từ vùng Viễn Đông của Nga, Mãn Châu, Triều Tiên, qua hồ Baical, ôm hết đại lục Trung Hoa, kéo đến dãy Anpơ, vòng qua Địa Trung Hải, xuống Tây á, và chỉ dừng lại ở nam dãy đại sơn thạch Hymalaya và biên giới Việt Nam. Điều lý thú là trên bản đồ Đại Nguyên Mông hồi ấy ghi ba mũi tên hướng xuống Đại Việt vào các năm 1257, 1283, 1288, nhưng đều bị dừng lại. Nghe nói các nhà sử học Mông Cổ, cho mãi gần đây vẫn giải thích rằng sở dĩ quân Nguyên Mông không tiến xuống Đại Việt được, vì giống như cuộc tiến quân sang Nhật Bản, do bị mưa bão, đại quân phải rút về.
– Ông Chinggis Khan này cùng thời với cụ Trần Thủ Độ nhà ta đấy – Phục Bạch Đầu, người đang viết tiếp bộ tiểu thuyết lịch sử Thăng Long ký mấy ngàn trang, trước chuyến đi đã nghiền ngẫm kỹ về thời kỳ này, giảng giải – Khi đất nước Mông Cổ sản sinh ra Thành Cát Tư Hãn, cũng là khi nước Việt sinh ra thái sư Trần Thủ Độ. Sự tương thích của lịch sử đã sắp đặt cho hai nhân vật này hiện hữu ở hai phương trời. Để rồi khi Hốt Tất Liệt, con cháu của Thành Cát Tư Hãn tràn từ phương bắc xuống, thì nước Nam đã có sẵn Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thủ Độ… và kiệt hiệt nhất là người anh hùng lừng danh Trần Hưng Đạo…
***
Chiếc ô tô tám chỗ ngồi tay lái nghịch đưa đoàn nhà văn lên thảo nguyên tây bắc. Anh lái xe nói tiếng Nga thành thạo, từng học tại Học viện Sư phạm Goorki, Liên Xô, nay bỏ nghề, lập công ty lữ hành du lịch. Trên xe có thêm hai phụ nữ người bản địa. Ôrianaa, cao một mét sáu lăm, nặng hơn sáu chục ký, hai năm trước từng học khoa tiếng Việt trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nay vừa tốt nghiệp khoa Quốc tế trường Đại học Quốc gia Mông Cổ. Ôrianaa có tên Việt Nam là Hà, biệt danh Hà Tiểu Muội. Thiếu phụ luôn luôn cặp kè với Viên Công Công là phu nhân mới của ông, có tên Sursit, đã đứng tuổi, nhưng có hai lúm đồng tiền, đôi mắt to đen láy, lúc nào cũng như cười nên trông trẻ hơn mọi cô gái. Bố mẹ Sursit từng làm công nhân trên tuyến đường sắt Ulan Bato đi Baical, sinh chị trên tuyến đường này, nên chuyến đi hôm nay, với chị, như trở lại tuổi thơ, gặp lại những người ruột thịt. Viên Công Công đặt tên Việt cho chị là Hoa, chúng tôi thầm liếc nhìn ba vòng đo và thống nhất ngay tên gọi: Hoa Đại Tỷ.
Có thêm gái đẹp, chiếc xe như con tuấn mã biết nịnh đầm tung vó trên thảo nguyên. Từ ngoại ô Ulan Bato, con đường nhựa phẳng lì, như sợi chỉ xám bạc, lúc uốn lượn, lúc như vút lên mây, lúc trườn xuống thung lũng ngút ngát cỏ, trập trùng xanh trong nắng, đẹp đến mức không bút mực nào tả xiết. Chốc chốc lại gặp những đàn bò, cừu, ngựa, bò tót, những chú bé kỵ sỹ lúc đi nước kiệu, lúc phi nước đại hướng đàn gia súc theo bãi chăn thả. Gần đó là một vài chiếc lều bạt, hình tròn mái nhọn, có lều còn kèm thêm những chiếc xe ô tô tải, xe du lịch. Một không khí thoáng đãng, nhàn tản, yên bình như ở một thời xa lắc nào.
***
Ở thị trấn Barunkhara, cách thủ đô gần 200 cây số, ông Khanja Đavakhu, một nhà văn, cùng bà phó chủ tịch huyện năm ngoái đều đã sang thăm và học tập kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo của Việt Nam, biết có khách Việt Nam đến thăm, cùng cả huyện náo nức chờ đón cả tuần nay. Làm việc với huyện xong, lãnh đạo huyện liền dẫn khách xuyên đồng cỏ đến thăm một gia đình chăn nuôi giỏi nhất huyện.
Vừa nhìn thấy những đàn cừu đông đúc như những cục bông vón trên thảm xanh, những đàn ngựa đứng dầm chân dưới nước sông trong vắt, một lều bạt trắng xoá đang toả khói nghi ngút giữa buổi trưa hanh vàng như mật ong, Phục Bạch Đầu đã nằm lăn giữa thảm cỏ, thốt ra những lời cảm thán tới trời xanh: Các ông ơi, chết cũng đáng rồi. Làm sao mà có những ngày thần tiên đến thế này!
Bà chủ nhà và mấy cô con gái, váy áo súng sính, má đỏ hây hây mời khách vào trong lều. Đó là một nhà tròn, khung gỗ có thể tháo dỡ dễ dàng, đường kính khoảng mười mét, lát sàn gỗ, xung quanh bao kín bởi một loại mền đặc biệt được ép từ lông cừu, dày như một tấm chăn chiên. Sống trong lều vải, mùa đông ấm, mùa hè mát như trong phòng lạnh.
Một vò sữa ngựa lớn đã đặt sẵn giữa nhà. Những chiếc bát bằng bạc nhiều cỡ được trạm trổ tinh vi, những thìa đũa cũng bằng bạc được mang ra mời khách. Theo Viên Công Công, giá một chiếc chén bạc nhỏ không dưới 100 USD, còn chiếc bát bạc lớn có chạm trổ tinh vi kia thì không thể dưới 300 USD. Nhìn bộ đồ bạc tiếp khách, người ta biết ngay gia chủ là thuộc hạng trung lưu hay thượng lưu. Viên Công Công còn cho biết, cho đến bây giờ người Mông Cổ vẫn không có thói quen khoá cửa khi ra khỏi lều. Từ xưa đã thế rồi. Mỗi khi ra khỏi lều để đi chăn thả gia súc, bao giờ chủ nhà cũng chuẩn bị sẵn nồi, bát đũa, sữa ngựa, pho mát, bánh mỳ, thức ăn và nước để cạnh bếp. Để đề phòng những người từ xa tới. Họ có thể sa cơ lỡ bước, có thể đói khát hoặc bị săn đuổi. Những khi cơ nhỡ ấy, khách chỉ việc châm lửa nhóm bếp, thế là đã có một bữa ăn cầm hơi để rồi lại đi tiếp.
Bà chủ múc sữa ngựa ủ chua trắng sánh ra các bát, tự tay dâng đến từng người. Mùi sữa ngựa chua chua, hoi hoi, khó hợp khẩu vị với dân ăn rau muống. Tôi bỗng nhớ tới hương vị sầu riêng Nam Bộ. Sữa ngựa ủ chua của Mông Cổ cũng gây cho khách Việt cảm giác như người Tây thưởng thức trái sầu riêng vậy.
Khi ông chủ, một người có gương mặt và dáng vẻ đặc trưng cho xứ sở, bước vào lều thì không khí náo nức hẳn. Chủ tịch huyện giới thiệu :
– Đây là một anh hùng của huyện Barun Khara. Đã từng đoạt hai huy chương vàng toàn Mông Cổ về kỷ lục cưỡi ngựa bắn cung. Về chăn nuôi, là một đại kiện tướng. Nếu như toàn Mông Cổ có tới 34 triệu đại gia súc, bình quân 17 con một người, thì riêng gia đình ông Traragan này đã có hơn nghìn cừu, bò và ngựa. Huyện chúng tôi hàng năm không nhận ngân sách mà vẫn đóng góp tới 4 tỷ tugrug (đơn vị tiền Mông Cổ, 1100 Tg tương đương 1 USD) cho ngân sách nhà nước. Vì huyện chúng tôi có mỏ vàng, một năm thu 7 tấn vàng, bằng nửa số vàng cả nước. Vì huyện chúng tôi có những anh hùng lao động như ông Traragan đây…
Rượu Chinggis được rót đầy ra các bát. Một mâm đại thịt dê được bưng lên. Riêng đĩa tim gan dê đã đầy ngộn một khay to. Những chiếc sườn dê nóng hôi hổi được chuyền từ tay chủ tới tay khách. Trăm phần trăm. Ngôn ngữ của rượu không cần phiên dịch.
***
Lý thú nhất của chuyến đi là cuộc hành hương đến đất Phật Mông Cổ và ghé thăm thành phố Erdenet, nơi đang khai mỏ đồng lớn thứ mười thế giới.
Chùa Amarbayas Galant, trung tâm Phật giáo Mông Cổ là ngôi chùa lớn nhất đất nước, với toà chính điện hai tầng và mấy chục toà nhà quần tụ xung quanh, được xây dựng từ thế kỷ XVI, nhưng rồi bị vùi lấp, huỷ hoại theo thời gian, từ những năm 1970 đã được Unesco giúp trùng tu và đưa vào danh sách kho tàng văn hoá thế giới. Những năm ấy Việt Nam đã cử sang đây một đội ngũ chuyên gia về mộc giỏi nhất để giúp bạn tu sửa và phục chế ngôi chùa. Nghe chủ tịch huyện sở tại, chị Naraa, kể lại thì ngày ấy chị còn là một cô bé, mỗi lần đi qua ngôi chùa bị đất vùi lấp và chằng chịt những cây rừng thì sợ hãi vô cùng. Bởi rắn nhiều vô kể. Toàn loại hổ mang bành, hổ trâu, cạp nong, và đủ mọi loài rắn thảo nguyên nọc độc khủng khiếp. Người dân quanh vùng và các chú mục đồng không ai dám đến và thả gia súc quanh chùa. Vậy mà chỉ vài tháng sau ngày nhóm chuyên gia mộc của Việt Nam đến, các mãng xà tinh đã… biến sạch. Thế mới tài (!)
Thì ra các chuyên gia mộc của Việt Nam có biệt tài bắt và xơi rắn chẳng kém gì các ông thợ bắt rắn làng Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội). Rắn to, rắn nhỏ họ đều bắt sạch. Ngâm hết vào các hũ rượu để tẩm bổ dần, còn bao nhiêu cho vào xào lăn, băm chả… nhắm rượu. Khi ngôi chùa trùng tu xong cũng là lúc quanh vùng không còn một bóng mãng xà…
Chùa Amarbayas quả là một kiệt tác, một kỳ quan nằm tựa lưng vào dải núi phủ cây xanh, nhìn xuống đồng cỏ. Sắp có hội Nađôm, các cặp vợ chồng con cái du mục khắp vùng lũ lượt đi xe ô tô tải, ô tô du lịch kéo về hạ lều dựng trại dọc suối, trên các triền thoải, để ngày mai vào chùa tụng kinh ba ngày liền cầu chúc phước lành. Sẽ có hội vật, hội đua ngựa, bắn cung, hát múa dân tộc và nhiều trò chơi giải trí.
Ngũ quái Việt Nam cùng hoà vào dòng người trẩy hội. Từ đường nhựa, xe chạy tự do trên thảo nguyên, theo đủ các vệt đường mà lái xe thích, chừng ba chục cây số thì đến khu chùa thiêng. Đón khách tại khu nhà nghỉ trước khi vào chùa là bốn vị chủ tịch của bốn huyện thuộc tỉnh Seling. Cả bốn vị đều mới sang thăm Việt Nam để học tập kinh nghiệm làm kinh tế tư nhân, kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo, nên thấy khách Việt Nam đến, bạn đã chủ động tin cho nhau cùng đón tiếp. Chủ tịch huyện sở tại Barun Buren có tên Naraa, có nghĩa là mặt trời. Thoạt đầu cứ nghĩ người phụ nữ nhỏ nhắn xinh đẹp này là người Việt. Chị vốn là cô giáo, đảng viên Đảng NDCMMC. Huyện Barun Buren đất rộng bằng một tỉnh của Việt Nam, nhưng chỉ có gần 600 gia đình với hơn hai nghìn người, bằng số dân của một làng Việt. Du lịch là một thế mạnh của huyện, vì có chùa thiêng và cảnh đẹp. Ví như khu lều trại đón khách quốc tế có tên gọi Sơlengiơ Camp mà chúng tôi đang ở là một resort thực sự. Giữa thảo nguyên mênh mông, ba chục chiếc lều trắng, như những phòng khách sạn hai sao, được quây rào gỗ, có đủ tiện nghi ăn ở, đậm đặc chất du mục, đã thu hút rất nhiều khách Ấ, âu…
Buổi tối trên khu nhà lều thật thần tiên. Chúng tôi được biệt đãi như các Khan Mông Cổ. Mỗi nhà lều đều có hệ thống điện nước, giường đệm, bàn ghế, lò sưởi than. Chín giờ tối mà vẫn như lúc hoàng hôn đất Việt. Dường như mặt trời vẫn ẩn sau dải núi thấp trước mặt không chịu tắt. Hà Tiểu Muội bảo, cách đây hai tháng, đúng vào thời kỳ đêm trắng bắc cực, ngày còn kéo dài tới nửa đêm.
Còn ánh mặt trời, gia súc còn ở ngoài đồng, buổi chiêu đãi khách của bốn vị chủ tịch huyện phải lùi lại gần mười giờ mới bắt đầu. Bữa tiệc diễn ra ở căn lều đại, chắc chắn sẽ kéo dài tới sáng hôm sau nếu trong ngũ quái chúng tôi có vài đệ tử của Lưu Linh. Sợ Chiêu Kỳ Hiệp và Phục Bạch Đầu có thể bị đột quỵ vì rượu và hội chứng pótực, ba anh em còn lại phải gồng mình để tiếp bạn. Chúng tôi nghe Naraa, Hà Tiểu Muội và các vị chủ tịch hát dân ca vùng đồng cỏ. Rồi Hà Tiểu Muội cùng tôi song ca tiếng Việt: Cao cao bên cửa sổ có hai người yêu nhau…
Tôi để ý đến bác tài lái xe cho Naraa, một người đàn ông khoảng năm mươi, đầu húi cua, lúc nào cũng theo sát bà chủ tịch xinh đẹp. Ông là người đặc biệt nồng nhiệt và mẫn cán, khi có ánh mắt hoặc cử chỉ ra hiệu của Naraa, liền thoăn thoắt vào quầy lấy thêm rượu. Gần cuối buổi tiệc, chúng tôi mới vỡ lẽ, ông chính là người chồng đáng kính của bà chủ tịch huyện. Hội đồng nhân dân huyện có 20 người, đảng NDCM và đảng đối trọng Dân Chủ đều có số ghế bằng nhau, 10 người. Chị Naraa cùng chồng đều thuộc đảng NDCM. Chồng hiện là chủ tịch Đảng NDCM của huyện. Nhưng vợ lại được cả hai đảng tín nhiệm bầu làm chủ tịch huyện. Vậy là vợ, thay mặt nhà nước ở địa phương, có quyền hành, có ô tô riêng. Chồng ôkê, sẵn sàng làm cố vấn, kiêm lái xe và phục vụ bà chủ tịch huyện mọi nhẽ…
***
Buổi bình minh trên đồng cỏ, Phục Bạch Đầu bỗng tỏ ra hưng phấn một cách thái quá. Bằng chứng là tự nhiên mặt đỏ từng đám, hút thuốc liên tục, dây thần kinh nói như rung hết công suất. Kéo cả bọn ra giữa trời, ngồi bệt trên bãi cỏ hưởng cái nắng vàng mơ như màu hoa cải ngồng, Phục Bạch Đầu thao thao bất tuyệt như một kẻ cuồng khẩu. Chưa bao giờ người ta thấy ông ôn nghèo nhớ khổ chân thành và xúc động như thế. Ông nhớ lại thời xa lắc khi còn là cậu bé học sinh lớp bẩy, ra ở với chị gái ở thị xã Hòn Gai. Lớp học của ông, sau này toàn những người tài, tất nhiên trong đó có ông, ví như nhạc sỹ Văn Thành Nho, nhà văn Nam Ninh… Tác phẩm đầu tay đời viết văn của Nguyễn Khắc Phục là truyện Ngỗng Tết, viết về chính mình, cậu học sinh mải chơi bị xơi điểm 2 sau dịp nghỉ Tết. Truyện được nhà văn Võ Khắc Nghiêm gửi lên Đài Tiếng nói Việt Nam, và thật bất ngờ được phát trong buổi phát thanh văn nghệ sau đó. Tối hôm đài phát, Phục cùng chị gái, anh rể và các cháu đứng chầu hẫu từ lúc trời nhá nhem dưới gốc cây có chiếc loa công cộng. Người Phục run lên, gai lên khi nghe giọng chị Tuyết Mai thánh thót. Quay lại, Phục không ngờ, một đám đông đứng phía sau, trong đó có cả cô giáo chủ nhiệm của cậu. Năm mươi đồng nhuận bút của tác phẩm văn chương đầu tiên ngày ấy là cả một gia tài. Phục ra bưu điện lĩnh, rồi đưa bốn mươi nhăm đồng cho chị gái đong gạo, mua rau, chỉ xin chị giữ lại năm đồng để mua giấy bút và thưởng thức một bát phở. Sau này, vào nghề lái xà lan, rồi đi chiến trường, làm thơ, viết văn, viết kịch bản phim, sách in cao tới hơn mét, cho tới tuổi đầu bạc bây giờ, Phục vẫn không thể quên tác phẩm đầu tay của đời văn ấy…
– Đoàn ta nên có kế hoạch bảo vệ sức khoẻ cho Phục Bạch Đầu – Tôi báo cáo với trưởng đoàn,- ông ấy có bao giờ tự xuất bản hồi ký bằng miệng như thế đâu…
– Chắc là không khí thảo nguyên khiến cậu ấy quá hưng phấn. Vùng thần kinh văn chương trên đại não đang được kích hoạt – Toàn Đại Nhân gật đầu đồng tình – Toàn đoàn phải tạo điều kiện để Phục sáng tác tốt…
***
Quả nhiên Phục Bạch Đầu đang bắt đầu chu kỳ thăng hoa. Vào đúng buổi sáng tinh mơ hôm sau, khi chúng tôi còn đang ngái ngủ trong phòng khách sạn ở thành phố công nghiệp khai thác đồng Erdenet thì có tiếng đập cửa hối hả.
Chiêu Kỳ Hiệp lay tôi dậy:
– Ông ra xem có việc gì mà loạn lên thế. Cũng phải biết thương cái thằng già này với chứ. Đêm qua…tôi không thể nào ngủ được…
Câu nói của Chiêu Kỳ Hiệp bỗng chạm vào nỗi đau của tôi. Cả tôi suốt đêm qua cũng có ngủ được đâu. Sao tôi lại có thể ngu dốt và ngờ nghệch tự biếu không ông anh cả Toàn Đại Nhân, người thừa mứa sơn hào hải vị khắp thế giới, một diễm phúc quá lớn trong chuyến du Mông này…
Số là chiều tối qua, khi về đến khách sạn để nhận phòng, Nhương Tác Nghiệp và Phục Bạch Đầu, hai quái nghiện thuốc lá, tranh ngủ với nhau suốt chuyến đi đã đành, còn ba người, thì Toàn Đại Nhân và Chiêu Kỳ Hiệp liền rủ nhau mang đồ và giành ngủ ở căn phòng này, để mặc tôi ngủ một mình căn phòng bên cạnh. Tôi em út nhất đoàn, nghĩ riêng mình một phòng thì không phải lễ, bèn nằng nặc đòi Toàn Đại Nhân sang phòng bên, để tôi ngủ chung với Chiêu Kỳ Hiệp. Nào ngờ đó là một sai lầm lớn nhất trong đời. Hoá ra, không ai được ngủ riêng một phòng. Viên Công Công và Hoa Đại Tỷ đã sắp xếp chỗ ngủ từ lúc còn trên xe. Phòng một người sẽ được ghép thêm Ôrianaa Hà Tiêủ Muội. Thảo nào, lúc tôi vừa mang đồ vào phòng, liền thấy Hà Tiểu Muội cũng mang đồ vào theo, để đồ của nàng trên giường rồi nhìn tôi hết sức khó tả.
– Em ngủ ở đâu? Ngủ chung với chị Hoa à? – Tôi hỏi nàng.
– Chị Hoa ngủ cùng phòng với anh Viên…
– Thế còn em ? – Tôi vẫn hỏi như một gã ngớ ngẩn.
– Em… đợi… – Nàng lại nhìn tôi. Hai mà hồng dậy màu hoa đào. Sau này, khi trên đường ra sân bay trở về, anh bạn lái xe ở Đại sứ quán bảo tôi rằng, ở Mông Cổ, ai được ghép ngủ chung với phụ nữ là một diễm phúc. Và phụ nữ Mông Cổ rất tự nhiên, rất vui khi được ngủ ghép chung như thế. Nếu người khách lại là người họ yêu mến.
Vậy là nàng, Hà Tiểu Muội đã chờ đợi đêm ngủ chung phòng với tôi. Không còn nghi ngờ gì nữa, từ khi ngồi trên hàng ghế cuối xe xuyên hàng mấy trăm cây số trên đồng cỏ, nàng đã hát những bài dân ca mê hồn và nhìn tôi trìu mến. Rồi, khi cả đoàn dừng bên những vạt lúa mạch vàng rực, tháo giày nghịch nước ở con suối trong vắt bên đường, nàng đã cầm tay tôi, bàn tay trắng muốt và thon mềm búp măng như một nữ nghệ sỹ dương cầm, thật trái ngược với dáng người chắc khoẻ của nàng – Và cả những đêm hai đứa song ca nữa chứ. Bèo dạt mây ì i trôi. Chốn xa xôi, em ơi anh vẫn đợi í i bèo dạt, mâyì i trôi. Chim sa tang tính tình cá vờn. Hẹn một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ, sao chẳng thấy em… Chất giọng của Hà giống chất giọng con gái Kinh Bắc đến nỗi tôi cứ tưởng mình đang bồng bềnh trên những con thuyền trên sông Cầu. Tôi nắm bàn tay nàng xiết nhẹ. Và nàng nhìn tôi đắm đuối.
Cho đến khi tôi ngu ngốc nằng nặc đòi đổi phòng cho Toàn Đại Nhân và thấy nàng vào phòng theo, rồi đóng cửa, thì bèo dạt mây trôi thật rồi. Tôi đã tự sát thương.
Thuật lại câu chuyện cho Chiêu Kỳ Hiệp với một nỗi đau của một kẻ vừa để tuột mất một gia tài, tôi bảo: Mất một cơ hội trả nỗi đau cho ông cha thời chống Nguyên Mông…
– Thôi, ngu thì đừng nuối tiếc nữa mà sinh bệnh như tôi. Ông ra mở cửa xem. Hay là Toàn Đại Nhân đột tử…- Đợi Chiêu Kỳ Hiệp giục lần nữa, tôi mới lê bước ra mở chốt khoá.
Hoá ra là Phục Bạch Đầu.
– Có chuyện gì mà ầm ĩ thế?- Tôi hỏi – Mười giờ mới vào thăm khu khai thác và chế luyện đồng, mười một giờ đến thăm nhà máy dệt thảm len lông cừu. Còn sớm mà…
Phục Bạch Đầu đảo mắt khắp phòng, như cảnh sát điều tra thực thi công vụ.
– Tôi muốn kiểm tra xem đoàn ta tối qua có ai ngủ riêng một mình không?
– Đoàn ta ba phòng, năm người, dĩ nhiên là có người ngủ một phòng – Tôi nháy mắt, hất đầu sang phòng bên cạnh – Bên ấy, hai người. Có người đẹp đấy.
– Toàn Đại Nhân phải không ? Thế thì đúng rồi. Tôi hiểu rồi – Gã cuồng văn ngửa cổ cười, như đoán trúng phóc mọi sự ở đời – Có thế chứ. Trưởng đoàn nhà văn Đại Việt là phải được hưởng đại lộc như thế. Thảo nào tôi lướt qua phòng đã thấy sực nức hương mỹ nhân…
Cả bốn quái văn chui tọt vào phòng, chốt chặt của lại. Nhương Tác Nghiệp rút chiếc máy ghi âm, sẵn sàng ghi lại giờ phút trọng đại.
– Lạ lắm nhé. Sự việc đêm qua buộc tôi phải thay đổi lại toàn bộ cấu trúc tập tiểu thuyết về Thăng Long ký thế kỷ XIII…- Phục Bạch Đầu thao thao như người vừa nhập đồng, kể lại với cả đoàn – Tôi mơ một giấc mơ kỳ lạ. Giấc mơ có thể được đặt tên là văn nhân đất Việt trên đất Đại Mông. Lúc ấy Nhương Tác Nghiệp đang ngáy như kéo bễ lò rèn. Tôi đang lơ mơ nửa thức nửa ngủ thì nghe có tiếng kẹt cửa, rồi một làn gió thơm thảo nguyên ập vào phòng. Chưa kịp định thần thì gương mặt mỹ nữ đã nghiêng xuống. Đôi môi như đoá hồng, mái tóc đen dày như nhung. Văn nhân vục ngồi dậy, gạt bàn tay ngọc đang định ôm mình. – Nàng là ai? Sao đêm khuya thanh vắng dám đột nhập vào phòng khách sạn? Ta chỉ là một văn nhân nghèo đất Việt. Ta đến đây để tìm lại chứng cứ viết về cuộc chiến thần thánh ba lần đại thắng của ông cha ta…
– Thiếp là hậu duệ của Chinggis Khan… Thiếp đã biết rõ chuyến du Mông này từ lúc các chàng uống trà Long Tỉnh ở nhà ga Bắc Kinh… Một chuyến đi với mục đích thật cao cả. Thiếp có trách nhiệm thay mặt xứ sở thảo nguyên này làm cho chàng đạt được mọi ý nguyện… Chàng hãy nằm xuống để thiếp hát chàng nghe những khúc hát của đồng cỏ…
Và nàng cất lên tiếng hát mê hồn: Nghiêng nghiêng trên đồng cỏ, có hai người hôn nhau… Thoáng trong đầu văn nhân một ý nghĩ kinh hoàng: Ông cha mình từng ba lần chiến thắng, nhưng lần này thì ta thua. Thua không thể cưỡng nổi được rồi… Đúng lúc đó thì Nhương Tác Nghiệp lay tôi dậy.
Cả bọn cùng nhìn nhau.
– Văn nhân trong mơ không ứng với bốn gã chúng ta, mà ứng với Toàn Đại Nhân – Chiêu Kỳ Hiệp phá tan sự im lặng.
– Nhưng bây giờ mà Toàn Đại Nhân chưa dậy thì có chuyện rồi. Có khi đại lộc lại thành đại hoạ. Đại ca của chúng ta đã cao tuổi. Làm sao chịu đựng nổi…
Bốn quái cùng hốt hoảng, vội mở tung cửa, bổ sang buồng bên cạnh.
Chúng tôi gõ cửa mẵi. Lúc sau,Toàn Đaị Nhân mới mở cửa phòng. Trông ông thật thảm hại. Người rũ như dải khoai héo.
– Thế nào? Có phải đưa bác đi bệnh viện?- Tất cả cùng hỏi dồn.
Toàn Đại Nhân bỗng đỏ bừng mặt, nói một câu bâng quơ:
– Cứ xưng bác cháu với mình… thì sao nỡ… Mình cũng chẳng ngủ được…
Câu chuyện mất ngủ của Toàn Đại Nhân tối qua ra sao, trời mới biết.
Rõ thật là :
Ngày xưa hào khí Đông A
Nay ham du… hí mới ra thế này.
8.2007
(Trích tập bút ký “ Bạn văn ngoài vùng phủ sóng”)