Gái đẹp và họa sĩ câm – Truyện ngắn Châu Diên

  Truyện ngắn của Châu Diên

unnamed

Nhà văn Châu Diên

 Văn Việt: Nhà văn Châu Diên tên thật là Phạm Toàn, sinh năm 1932, sống ở Hà Nội từ bé. Mười bốn tuổi đã đi bộ đội (19/12/1946), 1951 ông về học Cao đẳng Sư phạm, sau đó hoàn toàn làm công việc nghiên cứu Giáo dục Tiểu học từ 1967, là một trong những người chủ trương cải cách giáo dục đích thực và biên soạn bộ sách giáo khoa mới Cánh Buồm.

*Tác phẩm viết: Người sông Mê (tiểu thuyết), Bảy mươi ba chiếc cối đá (tập truyện), Sấm trên núi (tập truyện)…

*Tác phẩm dịch: Chín mươi ba (V. Hugo), Bay đêm (Saint Exupery), Vẻ đẹp đời (Kh. Gibral), Sư tử (J. Kessel), Cô chủ quán (K. Goldoni), Ruồi (J. P. Sartre)… 

Cô gái gõ cửa khẽ. Cánh cửa liền bật ra. Vậy là anh ta đang chờ, có lẽ thế! Nhưng có hẹn hò gì đâu mà chờ? Vậy là cũng có thể vì nhà anh ta không to, gõ một tiếng là nghe thấy liền, rồi chạy ra ngay, nửa bước chân đã từ hậu cung ra đến tiền sảnh, chắc thế! Anh đàn ông mở cửa. Không một lời mời chào. Không cả cái gật đầu khẽ tỏ thân tình hoặc điệu bộ lịch thiệp. Anh đẩy cho cánh cửa chạm vào tường, và cái cánh cửa gỗ ép màu nâu tự động dính vào sát tường rồi đứng im một chỗ tại đó, vì dưới chân cánh cửa đã có cái stopper nam châm làm cho cánh cửa bị hút vào miếng gá ở chân tường. Cô gái nghĩ thầm trong bụng “Họa sĩ hiện đại đây! Thấy rồi! Thấy cái cánh cửa ngôi nhà một phòng hiện đại rồi!”. 

Cô gái lẳng lặng đi vào theo sau anh đàn ông. Anh ta không chào, nên cô cũng chẳng chào lại thành tiếng, mặc dù đôi mắt cô theo thói đàn bà con gái xinh tươi vẫn có chút lúng liếng cười cợt. Rồi khi anh ta đi vào thì cô cũng lẳng lặng vào theo. Vì cô nghĩ, chắc là anh đã tỏ ý muốn thuê mình ngồi làm mẫu vẽ, mà mình thì nay vì lẽ gì đó đã tự ý tới với anh, mà đã tới thì cô phải vào, không lẽ người ta không nói năng gì thì mình thi gan không chịu vào hoặc mình bỏ về à? Mà cái sự thuê ấy, nó ra thế nào nhỉ?

Thực ra đã có thuê mướn gì đâu? Bữa đó, trong đám cưới con bạn, cả một đống các cô gái mơn mởn, anh ta chỉ để ý nhìn riêng cô. Anh được lôi tới giới thiệu với một nhóm các cô được bè bạn gọi tâng bốc là “người mẫu”. Thực ra các cô không làm nghề người mẫu. Hoàn toàn không dính dáng gì tới nghề người mẫu cả. Những người bình thường. Giới thiệu: “Nào, các người mẫu! Một họa sĩ hiện đại đây! Tranh nhau đi!” Cũng như hôm nay, bữa đó, anh ta cũng chẳng nói năng gì hết. Chỉ nhìn. Mà cũng không nhìn cho ra nhìn. Ban đầu thì nhìn một thoáng suốt lượt các cô. Sau rồi chỉ nhìn chằm chằm vào một cô, chính là cô gái hôm nay, rồi lẳng lặng rút túi đưa cho cô này một tấm danh thiếp, chính là cô gái đã lần theo đường dây đó mà tới đây hôm nay. Sự ghen tuông khiến các cô kia phản ứng lại, và các cô nói thầm sát tai nhau, nhưng với hy vọng nói đủ nhỏ cho chàng ta nghe thấy: “Thằng này câm!” Bữa đó, chẳng ai thấy chàng ta có phản ứng gì. Có thể chàng ta nghe thấy đủ, có thể không, chỉ biết chàng ta yên lặng, hoàn toàn yên lặng, mắt nhìn chằm chằm vào chỉ một cô gái, cái cô gái hôm nay tự ý đến nhà anh chàng. Những con người yêu kiều bữa đó lại ghé tai nhau thì thầm báo thù và giọng của họ có được nâng cao hơn lên vài cung bậc nữa: “Câm và điếc! Thằng này vừa câm vừa điếc!”.

Tranh của Tào Linh

Thế rồi hôm nay, chẳng hẹn hò gì, cô gái được tuyển chọn đã tự mình tới nhà anh ta. Bữa đám cưới, anh ta chỉ đưa cho cô tấm danh thiếp. Cũng chẳng hẹn ngày. Hoàn toàn là hiểu ngầm. Bẵng đi lâu lâu, đủ lâu để không quá vồ vập, và đủ không lâu để chàng họa sĩ hiện đại chưa kịp quên, hôm nay bỗng dưng cô gái nhỏ bé muốn trở thành “a-mi xinh tươi”, cô bỗng nhớ tới một cuộc hẹn có thể xảy ra và cũng có thể không xảy ra nếu cô không chịu dấn một bước trước. Và cô đã tới. Cô tự mời mình tới. Mà kỳ lạ lắm, hôm nay lẽ ra lúc này cô đã phải có mặt ở nhà một đứa bạn như là đàn anh của cả nhóm. Một cuộc vui của nhóm, như thường lệ có thể là ngắm và bình phẩm một bộ cánh mới hoặc một bộ tóc mới. Sắp tới giờ hẹn, cô bỗng có ý muốn từ chối. Rồi cô quyết định gọi điện cho cô bạn. Đầu dây đằng kia: “Ô hay! Em đến nhà cái thằng câm ấy à?”. Cô cười khẽ: “Ờ, thằng vừa câm vừa điếc”. “Đừng có mà đổ đốn ra nhé”. “Em cũng không biết nữa”. “Không có chuyện yêu đương gì hết, nghe chửa?”. “Vớ vẩn!” “Không vớ vẩn gì hết! Em phải cảnh giác. Có chuyện gì anh không tha đâu”. “Thôi đi, anh cúp máy đi”. “Anh tạm tha thứ cho em nhưng anh vẫn dặn: cảnh giác, cặp môi của em là hấp dẫn lắm đó, không yêu đương gì hết, nghe chửa?”.

Trên đường phóng xe máy tới nhà chàng họa sĩ, cô gái cứ nghĩ và cười thầm: “Hay thật đấy, bao nhiêu năm sống chốn thị thành, anh ấy vẫn không chịu bỏ cái thói quen nói năng quê mùa “nghe chửa nghe chửa?”.   

Vào bên trong nhà rồi, chàng họa sĩ vẫn chẳng nói gì, chẳng mời ngồi, chẳng rót nước, chẳng một cái nắm tay hay là một ánh mắt nhìn dù chỉ để làm ra vẻ nịnh bợ một cô gái dĩ nhiên là không bao giờ có thể xếp vào loại xấu. Chắc chắn anh phải nhận ra vẻ đẹp riêng của cô người mẫu này thì bữa đó anh mới rút danh thiếp ra chọn đúng một mình cô và đưa cho cô chứ?  

Cô người đẹp đảo mắt quanh gian phòng, nghĩ bụng “vừa câm vừa điếc vừa nghèo vừa bẩn vừa lười!”. Khi đi qua chiếc bàn con, cô bỗng sững lại vì vừa thoáng nhìn thấy những mảnh bìa nằm lộn xộn như những quân bài. Những mảnh bìa cắt xé ra từ một tấm lớn. Ở mỗi mảnh bìa con là một khuôn mặt. Đó chỉ có thể là khuôn mặt con gái. Chỉ có một khuôn mặt vẽ đi vẽ lại hoàn toàn giống nhau, lần sau lặp lại lần trước, các tấm hình như nỗi ám ảnh hơn là một loạt bức họa mi-ni, trên mỗi tấm là một mái tóc rõ ràng là mái tóc của mình trộn không lẫn, không mắt không mũi không tai, nhưng có một đôi môi hoàn toàn là của mình rồi. “Hè hè, thằng câm điếc này láo thật! Mắt nó nhìn hệt như mắt anh của chúng mình! Chẳng lẽ nó chỉ thích đôi môi mình thôi ư?”.

Cô gái dừng lại vun những quân bài có hình đôi môi và mớ tóc của mình. Cô xếp lại như là chơi bài. Cô xỉa xỉa bài một mình, mắt đưa đẩy về phía anh chàng câm điếc. Rồi cô đặt từng hình cạnh nhau trên mặt bàn. Cô không thấy chàng họa sĩ có phản ứng gì. Có nhẽ cô đành phải lên tiếng hỏi vậy. Nhưng hỏi gì bây giờ đây? Chẳng lẽ hỏi “anh vẽ à?”. Hay liều lĩnh hơn, “anh vẽ em đó à?”. Vớ vẩn! Hỏi vớ vẩn! Chẳng thằng câm điếc này vẽ, thì còn đứa nào vào đây mà vẽ nữa? Mà cũng chỉ có nó gặp mình nó về nhà nó vẽ lại theo trí nhớ, chứ có ai khác biết vẽ trong bữa đám cưới đó đâu? 

Chàng họa sĩ dừng lại chờ cho cô gái xem những bức họa mi-ni. Vẫn không một lời. Cô gái bỗng lên tiếng trước. Cô nói mà chẳng biết mình nói gì… Cô cứ nói nói nói … vậy thôi.

– Anh biết không? Khi cầm danh thiếp của anh, em bật cười, nhưng trong bụng cũng nghĩ ngay, thật là tiền định! Tiền định! Anh tên Thủy, mà em cũng tên là Thủy. Thế là thế nào nhỉ? Một họa sĩ tên Thủy, một người đẹp cũng tên là Thủy. Giời vun vén cho anh và em gặp nhau, anh có thấy thế không? Bây giờ chẳng lẽ lúc nào cũng gọi nào là Thủy họa sĩ và Thủy người đẹp. Dài quá, anh có thấy thế không? Ngắn hơn, chẳng lẽ gọi Thủy giai và Thủy gái? Trẻ con à? Thôi bây giờ em quy định nhé: anh là Thủy, gọi ngắn vậy thôi, họa sĩ Thủy, còn em, anh gọi em là Đẹp. Thế là được, phải không anh? Thật đúng là đời có số. Như em với anh đây chắc là có số giời dun dủi. Anh bảo là ở đời này có số không?

Chàng họa sĩ vẫn không nói gì. Chàng ta chỉ khẽ quay mặt nhìn cô gái một khắc khi cô nêu ra câu hỏi đời này có số không. Sau đó chàng ta lại dửng dưng quay đi. Nếu không có cái nhìn như một phản ứng của người bị giật mình đó, thì cũng khó mà biết anh ta có phải là người bình thường không.

Điều đáng chú ý là sự im lặng của anh không làm cho cô gái nản. Cô lại bắt đầu nói sang chuyện khác. Dừng lại sẽ rất vô duyên. Cô không thể không tiếp tục nói. Hoặc là nói tiếp điều cô đang nói. Mà chuyện khác hay là tiếp tục chuyện đang nói dở chừng đối với cô Đẹp thì vẫn chỉ là một thôi.

Cô tiếp tục hoặc cô lại bắt đầu, vừa đặt câu hỏi, vừa trả lời câu hỏi:

– Em thì em nghiệm một điều là đời này có số anh ạ. Anh có tin là đời này có số không? Có chứ nhỉ? Không à? Em nhìn mắt anh thì em biết là anh không tin. Có đúng là anh không tin đời này có số không? Thôi kệ! Anh không tin đời có số thì em mặc xác anh. Em thì thì em cứ tin. Em cứ tuyên truyền anh về số đây! Anh cứ để im cho em tuyên truyền anh nhé? Anh không được cựa quậy nhé…

Cô tự kéo ghế ngồi. Chiếc ghế duy nhất của nhà anh ta là một chiếc ghế bành. Chắc là có một gia đình nào đó khi chuyển nhà đã vứt bớt đồ đạc đi, và hàng xóm chia nhau mỗi nhà một chiếc ghế bắt đầu mọt của nhà nọ. Chàng họa sĩ cũng có một chiếc ghế bành bằng con đường như thế. Chiếc ghế bành màu nâu bẩn thỉu có lẽ được dùng vào mọi việc, để nằm và để ngồi, để vắt quần áo mới thay ra và  để làm cái giá hong khô những tấm toan mới.

Cô gái tự đặt tên là Đẹp ngồi xuống chiếc ghế bành duy nhất đó trong nhà này, và cô kéo chàng họa sĩ ngồi xuống theo. Chiếc ghế bành vừa đủ để chứa hai thân thể, một anh họa sĩ gầy gò và một cô gái đầm đậm. Cô gái lại nói, như thể vẫn đang tiếp tục nói một mình, nhưng lần này, cô có ý tứ kề sát cặp môi của mình vào gương mặt vừa câm vừa điếc của chàng họa sĩ.

– Em có con bạn, quê một cục, có của cũng không biết làm gì với của, có cái ăn ngon không biết đường ăn ngon, có đồ mặc đẹp cũng không biết đường mặc đẹp. Cái hồi nó mới ra thủ đô yêu dấu làm ăn, em cho nó mượn quần áo, nó chuyên làm hỏng của em thôi. Khi đứt cúc, khi kẹt cái phẹc, khi vướng víu vào đâu đó rách toạc… He he he, may mà rách cũng ở chỗ kín đáo… Nhưng em cũng chẳng hiểu tại sao nó lại toàn nhằm vào những chỗ kín đáo mà làm rách kia chứ? Thế mà nó cứ vô tư làm rách của em đấy! Thế rồi, anh biết không, bây giờ nó đã lên bà lớn rồi! Đàn bà một bước nên quan, các cụ nói cấm có sai. Hôm đó lớ xớ xí xớn thế nào lại gặp một thằng cha cấp to phết! Thằng này xin chết con bé bạn em. Mới dính chưa được một tuần, đã đòi cưới. Vợ thằng này chết, nó làm bước nữa, chứ không phải là nó định nhăng nhít với bạn em. Số ở đời chính là thế đó. Lúc thằng kia nghèo rót mồng tơi thì con vợ trước cúc cung tận tụy nuôi nó. Đẻ hộ nó mấy mặt con nữa chứ! Thế rồi nó leo lên các nấc thang xã hội, đến lúc nó vừa lên thứ trưởng được một tháng thì con này lăn đùng ra chết. Tiếc đời chưa chứ? Con kia bị giời bắt chết thì con này được giời mời sống. Đau khổ con kia gánh, sung sướng con này xời. Anh bảo thế chẳng là đời có số à?

Nói một thôi một hồi, cô gái tự đặt tên là Đẹp dừng lại rồi đứng lên tự tay rót nước và chắc chắn là sẽ tự mời mình uống. Cô thấy khát, đẹp đến đâu mà nói nhiều thì cũng khát, mà anh chàng họa sĩ câm điếc thì không ga-lăng tí gì, chẳng nghĩ đến việc rót nước mời cô, thế là cô đảo mắt nhìn quanh phòng để tìm nước, và cô đã thấy một bình thủy tinh đựng nước trắng, cạnh đó là mấy chiếc ca men, mấy chiếc cốc. Cô kịp nhìn những chiếc cốc trước khi rót nước. Khó có thể gọi đó là cốc để uống nước hay cốc để đựng thứ gì khác. May sao, cô gái có tên tự đặt là Đẹp đã nhanh chóng rót chút nước vào đó và lấy những ngón tay thon thả xóa đi các dấu vết cuộc sống dàn ông độc thân. Rồi cô rót nước đầy cốc.

Nước rót ra rồi mà chẳng biết nghĩ sao cô lại không uống. Cô nhấp khẽ một ngụm, rồi đưa cốc nước vẫn gần đầy cho chàng trai được cô gọi bằng họa sĩ Thủy kia. Có vẻ như là cô Đẹp thì nói và chàng họa sĩ Thủy thì bị khản cổ, người này nói vã bọt mép và người kia thì bị khát nước ấy! Mà có vẻ như vậy thật. Chàng họa sĩ cầm lấy cốc nước và uông một hơi ngon lành. Giá như không có bàn tay đàn bà đến đây, chắc anh ta chết khát sao? Uống xong, chàng ta nhìn cái cô tự đặt tên là Đẹp. Cái nhìn như có lần hôm nào đó ở một đám cưới chàng đã từng đặt vào khuôn mặt cô ta. Có điều là, cái nhìn hôm nọ là cái nhìn của lần mới bắt gặp cái nhìn của thằng câm và điếc như các cô bạn gái của cô Đẹp đánh giá vậy. Lúc này, kèm theo ánh mắt nhìn, chàng họa sĩ câm điếc còn hơi nhếch mép cười.

“Nó lại cười mới chết chứ!”.

Sau này, nghĩ lại những khúc đời người đã qua đi không hề trở lại, cô Đẹp khi đã thành Bà Đẹp vẫn có lúc nhớ lại cái nhếch mép đó.

Tự nhiên cô ôm đầu anh họa sĩ, cô vỗ vỗ vào làn tóc dầy của anh, miệng lẩm nhẩm “Ôi chao, mụ dạy mụ dạy, nó biết cười rồi này, nó cười với tôi rồi đây này…”. Cô lùi xa đầu mình ra, hai tay vẫn ôm đầu anh, nhưng cô đẩy đầu anh ra xa hơn để được nhìn thẳng vào mặt chàng họa sĩ. Cái cười nhoẻn mụ dạy lúc nãy đã biến mất. Bây giờ lại là cái gương mặt đờ đẫn như từ bữa gặp gỡ đầu tiên.

Và cô lại hỏi, rồi lại không có lời đáp, và cô lại độc thoại, một cuộc độc thoại dài như sắc đẹp tự phong của cô vậy.    

– Anh biết không, cái danh thiếp anh đưa cho em ấy, anh nghe chửa (cô Đẹp khoái chí bắt chước cách nói “quê mùa” của “anh” và cô mỉm cười thưởng thức một mình cái ý vị của hai tiếng “nghe chửa”), nó như có bùa phép ấy, em nói thật đấy, em không mê tín đâu, thời bây giờ còn ai mê tín nữa, phải thế không anh, nhưng mà nó nhiều sự lạ lắm anh ạ. Sự lạ ngay đêm đầu tiên em gặp anh ở cái đám cưới ầy rồi em về nhà, em bỗng thấy buồn ngủ rũ ra, em lăn ngay ra ngủ một mạch cho đến sáng. Em là chưa bao giờ ngủ ngon như thế nhé. Không phải tại uống mấy hớp rượu đâu, tại cái danh thiếp của anh… anh có ướp bùa ngải gì vào đó không? Anh cứ nói thật đi rồi em tha cho .. Nhưng đúng là từ hôm đó, cứ mỗi lẫn mất ngủ, em lại đặt cái danh thiếp của anh xuống dưới gối. Thế là lại ngủ ngon. Cả cái tội bị bóng đè cũng biến mất luôn. Anh biết không, bóng đè là cực khổ. Ngày xưa ấy, em hay bị bóng đè lắm, đêm nào cũng bóng đè, mẹ em cứ phải đặt con dao bài xuống dưới gối cho em nằm đè lên, thế là cũng đỡ, nhưng cũng không hết hẳn cái nạn bóng đè, thế nhưng bây giờ thì em đặt cái danh thiếp của anh xuống dưới gồi… Cái danh thiếp của anh cũng thiêng, có khi thiêng hơn con dao bài của mẹ em, em hết bóng đè nhờ anh đấy! Thú thật nhé, lúc đầu em cũng không nghĩ cái danh thiếp của anh nó chiến như thế đâu! Nhưng có hôm em lên giường rồi, tẩn mẩn tần mần giở ra ngắm nghía cái danh thiếp của anh trước khi ngủ, thế rồi chợp đi lúc nào không biết, ngủ say tít, chẳng bóng đè gì hết… Thế rồi mấy hôm sau, em cứ đi tìm cuống lên chẳng biết em để cái ấy của anh ở đâu… Cuối cùng, hóa ra chú ấy nằm dưới gối đầu của em… Ba mươi sáu cái nõn nường, cái để đầu giường là cái ba mươi bẩy … Cổ tích quê em đấy, bao giờ anh thân thiết với em hơn thì em sẽ chiếu cố em kể anh nghe…  Chứ cái mặt lì lì này …!

Cô gái tự đặt tên là Đẹp véo cái má chàng họa sĩ câm và điếc. Rồi cô tự động hôn vào cái vết đầu ngón tay của mình một cái hôn chụt. Cô ngửa đầu ra, rồi ấp vào và hôn thêm mấy lần nữa, chụt chụt chụt. Nét mặt anh chàng họa sĩ câm và điếc vẫn chẳng hề thay đổi. Nhưng con mắt nhìn của anh, nếu cô Đẹp chú ý, sẽ thấy nó hơi biến dạng. Anh nhìn cô chăm chú hơn. Nếu lúc này có máy đo được sóng trong não anh, có lẽ anh nói thầm như sau: “Một người tự khen mình đẹp. Một người tự tiện ngồi lên lòng người ta, rồi cứ ngồi yên trên cái diễn đàn đó mà nói nói nói, nói không ngừng không nghỉ… người này chẳng biết có bình thường không đây…”. Nhưng tiếc là không có cái máy nào đo được những ý nghĩ thầm kín đó. Mà có đo được, liệu cô gái trẻ mơn mởn kia có đọc được những dòng điện não đồ không, và ngay cả khi có máy cho phát thành tiếng, liệu cô có chịu nghe không?  

Ghê gớm thay là cái sức mạnh ngây thơ của tuổi trẻ! Cô Đẹp thực sự là quá tự tin. Tự tin mình đẹp. Điều đó rõ rồi. Tự tin mình có mọi điều hấp dẫn. Điều đó sẽ còn được chứng minh ngay đây thôi. Nhân danh là người biết tường tận câu chuyện của hai người.

–  Họa sĩ Thủy của em à, em tâm tình trước lúc bình minh với anh thế này nhé… Anh biết không, đêm hôm qua, lúc gần sáng, em thức giấc, rồi không ngủ lại được nữa, thế rồi em cứ nằm đấy và em nghĩ vẩn vơ, rất là chiến sự vùng ban-căng mà chỉ hoàn toàn nghĩ về anh, nghe chửa, em thề đấy, em quan tâm đến anh lắm đó, thế rồi em nghĩ, tại sao anh lại cho mình danh thiếp nhỉ, tại sao bao nhiêu đứa bạn em hôm đám cưới đó đứa nào cũng xinh như em, mà anh lại chỉ đưa thê thiếp cho em thôi, chắc là anh yêu em rồi, mà nếu thế thì dứt khoát em sẽ phải yêu anh, nên hôm nay em quyết định sẽ đến với anh, không cần anh mời em cũng đến, em hoàn toàn là của anh, em đã đến với anh là vì thế, anh nghe chửa? Anh nghe rõ chửa? Em sẽ là người mẫu của anh. Em ngồi cho anh vẽ. Em sẽ nấu nướng cho anh ăn. Em sẽ chăm sóc anh, hoàn toàn bao cấp. Muốn gì có đó. Mà này, có phải họa sĩ các anh hay như thế lắm phải không?

Lần đầu tiên trên gương mặt vừa câm vừa điếc của họa sĩ Thủy nhếch to lên một nụ cười, to hơn nụ cười mụ dạy ban nãy, bây giờ là nụ cười của cậu con trai mới lớn tò mò và ngộc nghệch. Nhưng chàng họa sĩ vẫn không nói năng gì. Và nụ cười cũng vụt tắt. Như thể chàng ta muốn chứng minh kinh nghiệm người xưa rằng “người khôn chỉ nên cười nửa miệng”, dù rằng chàng họa sĩ có mở miệng cười chừng sáu bảy chục phần trăm so với người xưa, dẫu sao thế cũng là sáng tạo rồi. Song, điều khó hiểu gấp đôi ở đây, ấy là câu hỏi về chàng họa sĩ, nụ cười kia chứng tỏ anh ta khôn hơn hay dại hơn người xưa? Và bởi vì cô Đẹp có lẽ cũng đang bị vày vò vì câu hỏi như bạn đọc chúng ta vừa đặt ra, và cô cũng không biết làm cách nào cho họa sĩ kia khỏi câm và điếc, cô gái có tên tự đặt là Đẹp lại đành phải đối thoại một mình, chứ còn biết sao nữa? Nhưng bây giờ cô đã khôn ngoan hơn, cô tiến sang giai đoạn của những cuộc thi sắc đẹp! Dĩ nhiên, con người khó vượt được thời đại nó đang sống, nên cô cũng biểu diễn như sau:

–  Anh biết không, hôm nay ấy mà, đến với anh là em hy sinh lắm đấy, anh nghe chửa, lẽ ra em không đến với anh, thì chúng em lúc này đang túm tụm nhau chọn thử áo mới ở nhà anh cả. Bây giờ các loại áo hở ngực đê-co-lơ-tê quái dị lắm. Họ may khéo lắm. Hở mà không hở. Kín mà vẫn hở. Thế mới sầu riêng! Không cần mặc cái nịt như cái gọng vó bên trong, không như cái của em đang dùng đây này… Chúng em biết, khi các anh nhìn chúng em, bao giờ các anh cũng nhìn xuyên tường, bao giờ các anh cũng nghĩ về hình thù bên trong của chúng em, nhất hạng là họa sĩ các anh lại càng đốn! Bây giờ, chúng em thả lỏng luôn… Đây anh xem, khi đó anh sẽ có cảm xúc tràn đầy … Sao? Anh không thích ngồi cạnh em nữa à? … Tại anh sợ bị chạm mạnh vào em à? Được thôi. Đúng thế. Anh ngồi xa ra ngắm nhìn nó mới hết ý đại lợi. Anh ngồi hẳn lên cái bàn con đó. Gạt mấy cái cốc nước của anh đi. Đó, anh ngồi lên như thế, anh ngắm nhìn em đi… Ngắm nhìn cho thỏa sức đi, rồi anh tha hồ vẽ, em không lấy công, em chỉ mong được thấy anh trổ tài ca tụng cả phần hồn và phần xác của một cô nàng tên là Đẹp, và thế là muôn đời đủ! … Sao? Anh lim dim nheo nheo mắt để tưởng tượng thêm những gì nữa? Em bổ sung ý kiến với anh nhé? Này… Phần thứ nhất … thưa đồng chí họa sĩ Thủy … chiêm ngưỡng đi, a ha anh cười rồi … Phần thứ hai  … thưa đồng chí họa sĩ Thủy … ngắm cho kỹ và hát vang lên đi, e he anh lại cười rồi …  Phần thứ ba… thưa đồng chí họa sĩ Thủy … a ha ha ha ha, đừng, anh, anh cứ đứng xa mà cười là đủ rồi … Gượm nào, để em cho anh phần kết luận: em đúng là cô Đẹp, đẹp toàn tính, anh có biết nấu cao toàn tính không, nấu cả con chó cả con mèo cả con ngựa nấu nhừ cả lông cả xương rồi cứ thế mà ăn, ăn như một triết lý, ăn như một nghệ thuật, ăn cho kỳ hết, ăn như lối ăn của một nền văn minh sáng tạo của nhân loại, ăn toàn tính, cứ ăn đều đi và sau đó anh sẽ thích ăn kiểu ăn như thế, thay kiểu khác anh không chịu được … Anh, anh có hài lòng với em không? Anh có yêu em trọn đời trọn kiếp không? … Ô… anh khóc à? Sao anh lại khóc?

Chàng họa sĩ khóc thật, đúng như cô gái có tên là Đẹp nhận xét. Khi cô Đẹp biết dừng lại và bớt nói, thì cô bỗng thành một người quan sát giỏi, ít ra cũng giỏi bằng người qua đường bình thường biết tránh các làn xe để không cho cái xe nào chạm vào mình.  

Còn chàng họa sĩ thì đang thấm nước mắt.

Cô Đẹp đến gần định giúp anh.

Anh khẽ đẩy cô ra.

Anh đột ngột hỏi cô Đẹp: “Hôm nay là ngày bao nhiêu nhỉ?”.

“A ha ha… anh nói rồi… anh nói được rồi … em đã làm cho anh có tiếng nói … Sao? Anh hỏi gì? Hôm nay là ngày bao nhiêu? Có đúng anh hỏi vậy không?  Em là người yêu thích hướng đến tương lai, em không trả lời anh ngày hôm nay,. Em trả lời anh về ngày mai… Anh nghe em rì rào tiếng dòng sông vào tai anh nhé, anh yêu của em… Ngày mai là ngày Hội của những người Lao động. Anh nhớ ra chưa?

Chàng họa sĩ gật gật khẽ. Anh cầm tay cô gái, kéo áo cho kín người cô, và anh nói: “Hôm nay giỗ bố anh…”.

Hà Nội, 17-18 tháng tư 2011

Tác giả gửi Văn Việt.

 

 

 

 

Comments are closed.