Gió tự thời khuất mặt

Tiểu thuyết của Lê Minh Hà

11.

– Thế cháu nhà ở đâu? Bố mẹ làm việc ở đâu hả cháu?

– Thế còn cháu?…

Phải nói là Ngân rất bực dọc về lối bố tra vấn tiểu sử sơ lược của đám bạn trai. Ngân đã một lần tuyên bố: “Nếu con lấy chồng, bố yên trí sẽ không có thông gia là tù hình sự vì tội trộm cắp hay lừa đảo hay nghiện ngập. Con hãi ngựa theo đường cũ. Con hãi con nhà tông giống cả lông lẫn cánh. Còn ngoài ra thì…”. “Ngoài ra thì sao?” – Bố im lặng hồi lâu rồi nhẹ nhàng hỏi – “Chưa bao giờ bố kể cho các con nghe rằng bố đã từng phải đi tù, và lúc ấy bố đã mong mình có án, dẫu là án hình sự. Không. Không. Đừng tưởng bở. Hồi Pháp thuộc bố còn bé đến nỗi chưa thể là tội phạm. Các con nghĩ bố đi tù ở thời nào?”.

…Đang những giờ vui, Ngân không dám vùng vằng khi nhìn đám con trai cóm róm trả lời các câu hỏi của bố. Đến lượt Vĩnh rồi.

– Sáng hôm qua đi làm bác thấy thằng cháu Vĩnh đạp xe phía trước với mấy đứa bạn. Chắc các cháu đến trường.

Vĩnh cười vui vẻ:

– Bác thấy cháu ở phố nào bác? Cháu ở phố đó mà.

– Đoạn nào hả cháu? Trước bác cũng hay qua lại phố đó.

– Nhà cháu gần về phía… Số … Bác chắc có người quen ở phố đó? Hay là bác chỉ đi qua. Nhà cháu ở ngay góc đường, có cái giàn hoa giấy ấy ạ.

Có cái gì căng thẳng trong giọng nói nhẹ nhàng của bố:

– Bác hay tới nhà một ông họa sĩ vườn. Bạn cũ. Gần nhà cháu đấy.

*

Phải, bố có hay qua phố đấy, đến nhà chú Thái. Chú ở trong dãy nhà ngang của một khu biệt thự cũ nay thuộc gia đình một ông tướng. Ngày bé Ngân cũng hay theo bố đến đó. Nhà tuềnh toàng, nhưng có một vẻ đẹp riêng quyến rũ. Có lẽ vì gần như cách biệt với phố xá bên ngoài. Có lẽ vì giàn ty gôn chỉ khẽ động vào đã âm thầm tan tác trên mảnh sân nhỏ. Có lẽ vì bốn bức tường treo đầy những tác phẩm độc đáo của chú Thái. Một cái vòng đeo cổ làm bằng những hạt ý dĩ chạm trổ hết sức kỳ công. Cái nón còn chằm dở đính ở góc tường thành cái chụp đèn thật lạ. Đôi guốc chạm lửa hình La Gioconde mà chú đã tặng cho Ngân. Sàn phòng, chú Thái quăng bừa đủ thứ tre gỗ và các dụng cụ làm việc. Chẳng bàn chẳng ghế, độc một tấm phản không chân. Bố con Ngân tới, chú dẹp bớt đồ trên phản, giục cậu con trai trạc tuổi Ngân mặt mũi lúc nào cũng lầm lỳ pha nước. Còn chú thì với tay ra sau thùng đồ nghề, nhấc chai rượu uống dở. Và cứ thế, chủ rượu khách trà. Câu chuyện thì đơn điệu. Hoặc chú Thái đem khoe với bố một thứ gì đấy chú mới làm ra. Rồi có lúc cả bố và chú nhắc tới đôi ba tên người trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, giọng chẳng hàm chứa một cảm xúc nào đặc biệt. Nói thật là chả thú vị gì khi đi theo bố nếu sau đó Ngân không thường được chú Thái tặng cho một thứ gì đặc biệt: chiếc vòng cổ bằng hạt ý dĩ chạm trổ, chiếc vòng đeo tay sơn mài mà chú bảo là phải mất bốn tháng để làm ra nó, cái cốc gỗ đựng bút chạm hình một cái mặt đàn ông mếu xệch. Chú Thái thường dặn: “Dân mình không chuộng nhưng mà Tây nó thích lắm. Khi nào cháu chán, mang lên chú đổi cho thứ khác, hay để đây chú bán cho lấy tiền mua đồ dùng học tập đỡ bố”.

Chú Thái thật hay. Tính giản dị, bình đẳng, rộng rãi, lại đẹp trai, cứ như tây lai với miệng rộng và môi như tạc, mắt sâu nhìn hút hồn, mũi hơi khoằm, lại râu quai nón. Thành thử đến chú dù nghe chuyện người lớn chán chết nhưng Ngân vẫn thích đi theo bố, song cứ ngồi lì bên phản, không dám lân la ra ngoài. Ra ngoài, thế nào cũng chạm mặt bà vợ và ông con đẹp trai hệt ông bố nhưng lầm lầm lỳ lỳ của chú Thái. Vợ chú mắt dài dại cứ đi vòng vòng quanh sân lẩm bẩm. Có đôi lần cô vào nhà, nhìn bố, vui sướng ồ à và hỏi bố những chuyện chả biết từ đời tám hoánh nào. Hóa ra cô Thùy cũng là người quen cũ của bố. Nhưng cô không nói chuyện lâu. Thường, tự dưng cô nghĩ ra điều gì đó, nhổm dậy và lại lững thững ra khỏi phòng, chẳng nói chẳng rằng gì nữa. Chú Thái sẽ cất giọng khàn khàn gọi với cậu con: “Mẹ lại bắt đầu đấy. Khóa cổng lại”. Đến nhà chú Thái gặp những lúc như thế Ngân cứ có cảm giác bất an rất lạ.

Ngân nhớ một hôm chú Thái bảo bố:

– Ông ta mới về phố này Khánh ạ. Đi Volga rồi. Mình cứ tự hỏi ông ta sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy Thùy.

Nhiều năm sau Ngân lại một lần nghe chú Thái nhắc tới người đàn ông nọ:

– Khánh này, ông ấy đến nhà mình. Mình đã sợ Thùy lên cơn. Nhưng mà Thùy không nhận ra ai nữa ít lâu nay. Ông ta ngồi ở chỗ cậu đang ngồi ấy. Khó nhọc lắm. Mình nghiệm ra lối ngồi xếp bằng tròn hay lối ngồi xổm đích thị là của dân. Có bụng rồi là không ngồi thế được. Ông ấy hỏi mình có cần giúp đỡ gì không. Mình cười, bảo bao năm mình sống trong xó nhà ngang này, nhìn lên căn phòng mình ở ngày còn bé mình còn chịu được. Cả dãy nhà ngang này ngày xưa là dành cho ba người. Mình ở đúng phòng ông bếp nhà mình khi xưa đấy. Thế thì sá gì những sự khác. Còn cái điều mình mong mỏi là Thùy tỉnh lại thì mình không mong nữa rồi. Ông ấy nghĩ cho cùng cũng chả phải là người gây nên nông nỗi này. Này, từ hôm ấy mình thôi băn khoăn chuyện ông ấy sẽ nghĩ gì khi thấy lại Thùy. Không thể nghĩ về tương lai thì tốt nhất đừng quay nhìn quá khứ làm gì. Chẳng ích gì, tự hào hay hối tiếc cũng chả để làm gì.

*

Ngân biết chú Thái hồi kháng chiến là Thiếu sinh quân. Nhưng khi về tới Thủ đô ngày hòa bình lập lại thì cả nhà chú đã di cư vào Nam. Cái biệt thự to vật của nhà chú bị trưng thu, trở thành nơi trấn ngự của một ông trung tướng. Sau này, nhà nước đổi mới chính sách nhà cửa, chú đòi mãi được một phần dãy nhà ngang này và cùng cả bầu đoàn dọn từ một căn phòng tập thể rộng tám mét về đây. Người ta đề nghị đền bù cho chú bằng tiền nhưng chú không chịu. Chú Thái bảo không thích nhớ về quá khứ. Nếu không thế thì sao chú lại nhất mực quay về phố cũ? Chú nghĩ gì khi ngày ngày vào ra cái ngõ nhỏ dành riêng cho kẻ ăn người làm khi xưa? Chú nghĩ gì khi đêm đêm từ dưới này nhìn lên khung cửa sổ căn phòng xưa của một thời thơ ấu vời vợi nhớ? Chú nghĩ gì khi rất nhiều buổi chiều người vợ dài dại của chú trang điểm kỹ càng và ra phố, không biết đi đâu, để rồi đêm mới trở về, lần nào cũng trở về, ngồi xuống bên cạnh chú và khóc. Chú Thái kể cho bố nghe đấy là phút duy nhất tỉnh táo trong ngày của cô Thùy, hai mươi mấy năm nay. Quá khứ với chú Thái nếu không phải là nơi chốn để tìm về, dù tự hào hay hối tiếc, thì đích thực là nơi buộc chú phải đi tiếp cho hết từng phần sống khốn khó này. Đôi khi là như thế, thanh thản là dàn hòa và để buộc mình không được quyền thanh thản, người ta tìm về những ngày đã qua.

*

Khi ấy Vĩnh đâu biết điều ấy nên Vĩnh đã rất hồn nhiên:

– Thế thì cháu biết. Có lần cháu đã cùng một thằng bạn học Mỹ thuật công nghiệp tới đó. Bác ấy có bà vợ hơi bị dở dở phải không ạ?

Và Vĩnh quay lại với các bạn:

– Dở người nhưng mà đẹp tuyệt vời, nhất dáng nhì da thứ ba đến nét nhé. Khéo đẹp nhất phố tớ. Lại còn rất biết ăn diện. Đi ngoài đường khó mà biết. Cực sang.

Vĩnh không để ý rằng Ngân hoảng hốt. Bố cứ nhìn Vĩnh chằm chằm. Cảm giác bất an đột ngột ào tới làm bụng Ngân thắt lại.

Ngân có lý do để mà lo ngại. Một tuần sau ngày cưới của chị Ngân, việc nhà đã hết và hai bố con đã quen với cảnh sống lặng lẽ mới, bố hỏi sau bữa cơm chiều:

– Con thân với Vĩnh lâu chưa?

Lại vẫn là cảm giác bất an lẩn quất trong lòng. Ngân làu bàu:

– Con biết làm sao được. Bọn con cùng chơi trong một hội từ hồi cấp ba. Mà con với Vĩnh thực ra học cùng nhau bao nhiêu năm trước đó bố biết rồi còn gì. Có việc gì thế ạ?

– Không, không có gì cả. Bố chỉ muốn nói cho con biết rằng đời bố con mình đã khác nếu bố Vĩnh không như thế. Cả cô Thùy nhà chú Thái nữa, có lẽ… Phải, nhà mình và nhà chú Thái chắc không nông nỗi bao năm như thế này.

*

Ra thế! Đấy là người đã ký lệnh chuyển bố thẳng từ phòng làm việc của cơ quan bộ sang Hỏa lò, ký lệnh khám nhà, qua mặt cả Viện Kiểm sát. Mẹ cho Ngân ăn bộ ngay đêm đó, thít chặt hai bầu vú và uống Aspirine liều cao để triệt sữa, chạy hết nơi nọ đến nơi kia hỏi tin bố. Bà được tin, nửa đêm cùng cô út đi bộ từ quê ra Hà Nội, ôm Ngân về nuôi cho con dâu lo tìm chồng.

Khi đó Ngân vừa tròn hai tháng tuổi.

Không một ai trong nhà biết bố ở đâu.

Ra thế! Cô Thùy trước đó đẹp nổi tiếng cơ quan bộ, vốn là trinh sát và đang yêu chú Thái. Đột ngột cô được điều về bên cơ yếu. Cô lấy chú Thái độ ấy, rồi bỗng dưng lẩn thẩn, mỗi lúc một nặng dần. Dáng dấp sang trọng vẫn còn, đường nét vẫn cực kỳ hoàn hảo, ăn mặc vẫn vô cùng lịch lãm. Chỉ có đôi mắt, đôi mắt ngày xưa nhìn ai cũng vừa như hờ hững vừa như thấu tận tâm can nay dài dại, và mái tóc bạc trắng trong có vài hôm.

Không ai biết vì sao, ngoài đôi ba người. Bố. Chú Thái. Mấy đồng chí cũ.

Ra thế! Kể từ hôm đó, Ngân nhìn bố Vĩnh khác hẳn. Không sợ hãi. Đã đành. Đầy tò mò. Đấy là người đã định đoạt số phận của mình ư? Nếu không có ông ta, không có những ngang trái trong đời bố mẹ, mình sẽ sống một cuộc đời khác, sẽ cảm nghĩ theo một cách khác. Nhưng, như thế nào?

Yêu em bao nhiêu cho vừa

Khi đời ta đang thanh xuân

Dù trời mưa phùn lầy lội

Dù đêm gió bấc ngại ngùng

Khi đời ta đang thanh xuân

Yêu em bao nhiêu cho vừa

Những ngày thiếu ăn thiếu mặc

Đi qua tuổi trẻ chúng mình

Những ngày tình yêu thắp sáng

Cháy lên tuổi trẻ chúng mình

Yêu em bao nhiêu cho vừa

Khi đời ta đang thanh xuân

Tặng em chùm hoa hồng dại

Thơm sâu trong những ngày mưa

Tặng em một chiều dâng nắng

Hàng cây ôm kín bóng người

Khi đời ta đang thanh xuân

12.

Rất lạ lùng, đấy lại là những ngày mà Vĩnh và Ngân thân nhau hơn. Có lẽ giữa họ không hẳn là tình bạn nữa. Giữa bạn bè, dù thân thiết bao nhiêu cũng khó có niềm tin cậy giống như niềm tin cậy mà Vĩnh và Ngân độ ấy cảm thấy ở nhau. Niềm tin cho phép người ta bộc lộ cõi sâu kín, yếu đuối nhất của mình mà không e ngại. Đấy là điều mà Ngân đã được nhận từ Vĩnh vào những ngày tháng đó. Nhưng đấy không phải là lý do để Ngân không ác cảm với ông bố của bạn. Điều ấy thật không bình thường. Nhưng đúng là như thế. Ngân không thấy căm giận ông ta. Khinh? Có lẽ! Nhưng mà không căm giận. Mặc dù nỗi cay cực của bố Ngân biết rõ và không bao giờ quên. Nhưng với Ngân, đó là quá khứ của ông. Một cách vô thức, Ngân đã chối từ nghĩa vụ gồng gánh dĩ vãng, gồng gánh tự hào và đau khổ của thế hệ đã sinh thành ra mình. Một cách vô thức, Ngân đã hiểu ra khả năng nhiễm độc trong hương vị dịu dàng đắng cay của quá khứ. Và bởi thế Ngân đã hành xử rất nhẹ nhàng với người cha của bạn. Nếu tự tin hơn và nhẹ dạ hơn, hay nếu căm giận, có lẽ Ngân đã không thể tự bảo vệ mình, có lẽ đã rơi vào cái bẫy của mình trong ý muốn trả thù cho cuộc đời bố mẹ, trả thù cho cuộc đời không được sống mà mình thực ra cũng không biết sẽ như thế nào.

Nhiều năm sau này, không gặp lại Vĩnh nữa, nhưng khi nhớ về người bạn cũ đã cho mình bao nhiêu tin cậy và âu yếm, và có lẽ, đã có thể cho mình cả yên ấm theo một nghĩa nào đó, Ngân lại nhớ tới buổi chiều ấy. Ông bố Vĩnh lại diễn đúng vở cũ, nửa thân tình nửa sàm sỡ, Ngân xoay người, lách ra khỏi vòng tay ông, nói rất nhẹ nhàng:

– Bác Mạc!

Hệt như nghe ống nứa nổ trong rừng cháy, người đàn ông ngả tấm thân bệ vệ về phía sau, môi giật giật:

– Sao… sao Ngân biết cái tên đó? Cháu… cháu là ai?

– Là bạn Vĩnh con bác, bác biết rồi mà. Vĩnh rủ cháu đi xem vở “Tôi và Chúng ta”. Ồn ào ghê lắm, chắc bác cũng xem rồi? Cháu cứ khất Vĩnh mãi. Nhưng mà… Vĩnh về thì bác bảo Vĩnh cháu chờ Vĩnh tối nay lúc bảy giờ nhé.

“Bình tĩnh! Bình tĩnh”. Ngân đi về phía cửa, hít thật mạnh và giữ hơi lại trong khoang bụng, đầu âm âm lời tự nhắc mình. Nếu Ngân quay đầu, cô sẽ thấy người đàn ông béo tốt giờ bệch bạc ngồi chảy ra trong lòng ghế. Đã từ lâu lắm rồi, ở quanh ông không còn là những người anh người em thuở ấy. Đã từ lâu lắm rồi, ông không còn nghe ai gọi mình bằng cái tên ấy. Cơn gió nồm nam thốc vào phòng làm ông rợn cả người, như cái lúc nhớ lại trận lũ rừng trên đường công tác năm xưa, như cái lúc hồi tưởng giây phút quăng mình qua bờ đê tránh hỏa lực phục kích của địch một đêm đột nhập làng tề, như cái lúc từ trên ban công đang xăm xoi giàn hoa cẩm tú thì bất chợt thấy người đàn bà điên cùng phố… Cô gái này không điên.

Ông hoàn toàn mất bình tĩnh. Bà vợ đi làm về gặp cô gái ngoài cổng đã thấy chồng trong bộ dạng thảm não đó. Bà không thể có thêm một phỏng đoán nào ngoài phỏng đoán kinh khủng ấy, vì ông chồng không thể giải thích điều gì. Trong nỗi căm giận chính đáng nhiều năm của mình, liệu bà có thể hiểu được nỗi bất an cứ phình lên nóng rực ruột gan ông? Và ngay cả có biết rằng đêm ấy, khi thằng con trai ông đạp xe trên phố mưa, gọi tên cô gái trong mưa, cô gái sẽ nằm mở mắt, khóc, lặng lẽ, biết rằng mình sẽ không bao giờ còn tìm gặp lại Vĩnh, sẽ không bao giờ còn rong ruổi cùng người con trai vô tư và dễ mến những chiều chiều, chắc là ông cũng vẫn không thể yên tâm.

*

– Giá có thể lại trẻ bằng khi đó, Vĩnh sẽ xin lỗi Ngân cách khác. Có thể Ngân vẫn không chịu, vẫn đi lấy chồng, nhưng giữa chúng mình sẽ không phải là mười mấy năm yên lặng như thế này.

– Nói thế làm gì Vĩnh. Dù thế nào thì Vĩnh cũng thừa biết bọn mình không thể lấy nhau cơ mà. Cái tính Ngân… là bạn thì có thể chứ làm vợ thì Vĩnh chắc chịu chả nổi ba bảy hăm mốt ngày đâu. Vĩnh ân hận ư? Bọn mình có thể xin lỗi thay cho các cụ được không? Ngày xưa, Ngân cũng choáng váng khi biết những điều không nên biết của các cụ. Nhưng bây giờ, khi đã là đàn bà, đã không thể nào ngờ nghệch lại, Ngân hiểu rằng mọi sự đều có thể, xấu hay tốt, ở bất kỳ ai, đều có thể.

*

Dù người đàn bà nói thế, người đàn ông vẫn không thể nào quên được câu chuyện bà mẹ ép nghe vào buổi sáng chủ nhật kinh khủng ấy. Ông bố đã đi câu lạc bộ chơi tennis. Bà giúp việc nghỉ làm. Ông anh vào trường. Chỉ có hai mẹ con. Vĩnh ngồi bất động, chú mục vào giò phong lan treo ngoài gió sớm vừa nở lần đầu. Trời u ám và cái màu vàng cam ấy sao mà lộng lẫy. Vĩnh đã không thể nói gì, nhưng Vĩnh biết mình ước ao gì. Vĩnh hoàn toàn khác thường vào buổi tối khi đến trung tâm ngoại ngữ chờ Ngân. Và Vĩnh đã xin lỗi, đã ngỏ lời. Và lại thêm một lần choáng váng bởi câu chuyện về gia đình bạn. Không có hân hoan đêm mưa hôm nào. Điềm đạm và buồn bã. Cả hai người đều điềm đạm và buồn bã. Y như bây giờ. Hồi ức chung làm họ hiểu rằng ngay từ khi ấy mình sẽ chẳng còn bao giờ trẻ nữa…

– Ngân biết không, hôm ba Vĩnh mất, Vĩnh có thấy Ngân và… cả bác.

– Ngân đưa bố đến cùng chú Thái. Ngân cứ nghĩ Ngân không đi cùng lớp mình thì Vĩnh chưa chắc nhớ. Hôm đó phòng tang lễ sao mà đông. Mà Ngân và cả hai cụ thì đều không ghi gì vào sổ tang.

– Vĩnh cứ ngạc nhiên…

– Sao lại ngạc nhiên? Sau nay bố Ngân và chú Thái hay nhắc ba Vĩnh những ngày còn ở Việt Bắc. Các cụ bảo ba Vĩnh ngày ấy được anh em quý lắm. Vĩnh đừng nhớ những chuyện ấy làm gì nữa. Dù sao bác cũng nằm xuống rồi. Mà Ngân phải nói ngay với Vĩnh rằng chính ba Vĩnh đã dạy Ngân nhiều điều. Không biết bác, chưa chắc Ngân như ngày hôm nay để Vĩnh còn muốn gặp lại. Nhờ bác mà Ngân hiểu ra rằng sớm muộn gì thì người ta cũng phải một lần đối diện mình, nhận chịu trách nhiệm của mình. Và… nói thật đừng bực nhé, Ngân thấy cái trò ăn năn hộ của Vĩnh đến là opera xà phòng. Cứ biết chịu cho đủ trách nhiệm của mình hôm nay đã. Thế chưa đủ nhọc sao? Chuyện các cụ để các cụ tự xử lỷ. Ngẫm cho cùng cũng tại các cụ cả. Các cụ đùng đùng chạy theo nhau. Đã trung thành với tổ chức thì đừng nói chuyện trung thành với những gì những gì nữa. Mỗi thời đo đếm một kiểu ấy mà. Ba Vĩnh chỉ làm những gì mà ngày ấy người ta cho là… cho là… nếu chưa đúng thì cũng chẳng có gì ghê gớm. Còn việc giữa bác với Ngân sau này, Vĩnh phải nhìn như giữa bác với một người đàn bà bất kỳ. Cái chính không phải là bác, mà là người đàn bà kia làm gì. Ngân đã học được ở các cụ nhiều điều…

Bài học đắng cay. Cả hai người hiểu rất rõ rằng nói vậy thôi, dĩ vãng còn nguyên đó. Ám ảnh họ. Đeo đẳng họ. Đời sống nếu đẹp thì hình như luôn đẹp trong cái vẻ u ám này. Nhưng thật ra đời sống nhiều khi chỉ tức cười và buồn rầu một cách phi lý.

Sao ta không gặp nhau muộn hơn

Những xáo trộn trong đời thành dĩ vãng

Ta biết quý những gì yêu dấu

Không bao giờ ta chia tay em

Sao ta không gặp nhau sớm hơn

Lơ ngơ chưa biết tiếc điều gì

Đã không cháy đốm lửa muôn đời ấy

Không tro tàn bỏng rát mấy mươi năm

Sao ta không tìm nhau ngày sau

13.

Chẳng hạn như trò chơi vợ chồng. Đúng hơn thì phải nói là một vở kịch nhạt mà kỳ cục.

Cái hồi đó kỳ cục thật. Khu tập thể trông thật đẹp. Ba khối nhà cao tầng quây lấy nhau. Giữa là nhà trẻ xây theo lối nhà nghỉ công đoàn ở Đồ Sơn, Sầm Sơn gì đó, có hành lang bao quanh và đấy là nơi tụ tập của bọn trẻ con những buổi trưa mùa hè mất điện. Trước nhà trẻ là vườn hoa. Có lẽ chỉ có thế hệ Ngân là biết ngày xưa khu tập thể còn có một vườn hoa. Đúng là kiểu mẫu. Chỉ còn thiếu mấy cái xe đẩy trẻ con và mấy bà béo mặc váy hình cái nơm ngồi trên những chiếc ghế gỗ kê dọc lối đi là giống như cảnh thường thấy trong họa báo Liên Xô lũ học trò hay mua từ hàng đồng nát về bọc vở. Nhưng đằng sau những cánh cửa kia là cả một sự nhem nhuốc và lạ lùng là dường như không một ai thấy bất thường. Hai gia đình được chia chung một phòng còn tự cho mình may mắn. Giường kê lênh khênh trên mấy viên gạch cho cao và tất cả nồi niêu xoong chậu tống hết xuống gầm. Một cái tủ gỗ tạp và cái xe đạp dựng kề. Đấy là tất cả cõi riêng của những cặp vợ chồng son rỗi khi đó, tách biệt nhau bằng một tấm vải hoa loè loẹt theo thời gian màu sắc cứ xỉu dần đi. Bọn trẻ con thì thích ở chung lắm. Nhưng bọn lớn hơn một chút thì lại có thú khác. Buổi trưa ấy, theo lời hẹn, cả lũ không tụ tập dưới hành lang nhà trẻ mà dồn về nhà thằng Phái. Căn phòng lớn đầu hồi mà khi thiết kế người ta tính dành để làm nơi cho mọi người tụ bạ, đọc sách chơi đàn đánh bóng bàn hay nói nhăng giờ mới được chia đôi. Nhà thằng Phái chiếm một nửa. Nửa căn kia thuộc hai nhà, nhà bác Miến già không con và nhà chú Tưởng cô Hoa mới cưới. Hai căn được phân cách bằng tấm gỗ dán dựng cao quá đầu, nhìn lên thấy toàn những bao những gói chăn màn. Thằng Phái đã dùi một lỗ nhỏ trên bức tường gỗ từ bao giờ và bây giờ nó hào phóng cho cả bọn xếp hàng ghé mắt nhòm, sau khi đã dặn dò cảnh cáo cả bọn suốt mấy ngày trước đó là phải trật tự như khi kiểm tra một tiết. Cái lỗ bé hơn đầu đinh hóa ra nhìn thẳng qua giường chú Tưởng cô Hoa. Nhà bác Miến đi đâu không rõ. Cứ thấy cô chú vật lộn, lăn bên nọ lăn bên kia, lúc mất tích đâu ở góc tường, lúc chình ình hiện ra nồng nỗng trông ghê không chịu được. Hết phần nhòm ngó, Ngân kéo tay con Hằng An nhà cô Tam lủi một mạch. Cái cảnh vừa nhìn thấy làm nó chóng mặt, buồn nôn, nhưng những tiếng động vừa lọt vào tai lại bắt buộc nó hình dung ra một cảnh khác mà nó đã suýt phải chứng kiến khi còn bé hơn thế này, khi còn đi sơ tán. Hồi ấy nó thân với chị Thục nhà ông Lẫm lắm. Chị là cô gái duy nhất trong làng học hết cấp ba và là kho sách của Ngân, cũng là người duy nhất được bà tin cậy gửi Ngân những khi ngoài bãi có hát chèo hay chiếu bóng. Ngân hay qua nhà chị theo lỗ chó chui ở chân rào, rồi tọt thẳng vào buồng chị. Buồng chị Thục không giống buồng các cô gái khác trong làng, không chăng sào để vắt quần áo, không chồng chất hũ lọ thúng mủng giần sàng, sát cửa sổ lại còn cây khế lá lúc nào cũng nõn nà xanh làm cho nắng cứ xôn xao. Buổi trưa, trời oi bức. Các chú bộ đội đóng quân trong làng không thấy đi lệu rệu. Ông bà Lẫm đi thăm con làm ở nông trường An Khánh tận ngoài Hà Đông. Ngân vừa tới sát gốc cây khế thì giật mình. Cũng những tiếng động kỳ quái như tiếng động Ngân vừa nghe qua bức vách nhà thằng Phái. Sợ bủn rủn chân tay. Con bé lủi ra đầu hồi nín thở nghe ngóng tiếp. Tiếng kẹt cửa nhẹ như một tiếng guốc võng chao nghiêng. Người vừa bước ra đi tắt qua vườn ngay chỗ đầu hồi Ngân đứng là chú đại đội trưởng đơn vị bộ đội đóng quân trong làng. Chú sẽ cùng đơn vị ra đi chỉ sau đó ít ngày. Cũng chỉ ít ngày sau, Ngân đã vô tình nhìn thấy chị Thục đi giặt, lúc nó nằm sấp trên cây sung còng bên dốc bến. Bến vắng. Quanh chỗ chị Thục dầm chân, những vòng sóng đỏ lan ra, nhạt dần, trôi đi. Chị Thục đứng thẳng lưng, nâng cái nón đựng mớ đồ ướt, mắt lấp lánh một niềm vui chưa bao giờ Ngân thấy.

Phải rất nhiều năm sau này Ngân mới thoát được cảm giác ghê ghê lờm lợm khi chợt nhớ lại cảnh ấy. Phải rất nhiều năm sau này Ngân mới hiểu ra nỗi đau khổ và khả năng chịu đựng quá sức người của con người thời bấy giờ. Ngày đó, người ta sống hay chỉ đơn giản là hiện diện? Thật khó trả lời. Mà đặt câu hỏi như thế hình như là bất nhẫn. Cũng không ai được quyền tách khỏi đời sống đó để mà kinh ngạc hay xót thương. Không coi tất cả là bình thường, chết chóc, thiếu đói, cấm đoán, cả nhục nhã nữa là bình thường, làm sao người ta sống?

Dù thế, hồi ức vẫn chi phối Ngân mà Ngân không tự biết. Từ chối một bến bờ yên ấm là Vĩnh, Ngân lại chọn cho mình một nơi yên ấm khác, hoàn toàn bất ngờ với bạn bè. Khi không thể hết mình vì tình yêu mình mong có thì sống thế nào chả được. Vậy thì sao không sống cho đàng hoàng?

Cuộc sống đàng hoàng ấy thật là nhờ nhệch, làm xộc xệch mọi cảm giác của Ngân. Phải vì thế mà trong lòng người đàn bà – trẻ con này cứ thảng thốt mãi tiếng rống gọi trở về của tháng ngày thiết tha buồn khổ. Cảm giác về những ngày ấy từ nhịp sống bây giờ tưởng chừng có thể làm tất cả trong trẻo lại. Ngân đã tự mình thấm thía, năm từng năm, khi trên phố lại mơ hồ mùi hương của những gánh hoa loa kèn bán sớm, khi một trưa bất chợt gặp màu bằng lăng tím dại dột trong mưa làm thanh thoát lại cái khoảng phố Thợ Nhuộm khô cằn, khi ngoài ngõ một sớm kia tự dưng quang quẻ hẳn vì cây đa thay lá mới. Bao giờ cũng là những hồi ức buồn thảm thức dậy cùng những hương và sắc ấy. Lung linh nhất và mơ hồ nhất trong nỗi nhớ nhọc nhằn luôn luôn là mẹ. Mẹ, và những giờ phút cuối …

Những câu thơ buồn và lạnh

Mang theo suốt cuộc hành trình

Tôi sưởi ấm lòng mình

Bằng những câu thơ buồn và lạnh

*

Không bao giờ, không bao giờ còn ra quả nữa

Nhưng những cuối mùa

Quanh gốc,

rụng toàn cuống hoa

Gửi một cây anh đào cùng tuổi

Comments are closed.