Hai bức chân dung

Vũ Thư Hiên

Chiến tranh kết thúc, thiếu tá Cường được điều chuyển sang công an. Khi nhận lệnh ông băn khoăn lắm – nên xử sự thế nào đây? Về nguyên tắc, ông có quyền đề đạt nguyện vọng: xin phục viên hoặc chuyển sang ngành nào ông muốn.

Điều làm ông buồn là ông phải ra đi, nhưng nhiều người vẫn được giữ lại. Người đi rõ ràng là người bị cấp trên đánh giá thấp, ông nghĩ vậy. Chứ đánh giá cao thì người ta đã không làm thế. Ông biết mình lắm chứ. Trong chiến đấu ông dũng cảm, không phạm kỷ luật, ông gương mẫu trong mọi việc, ông luôn được biểu dương, khen thưởng.

Vậy ông bị đánh giá thấp ở điểm nào?

Nghĩ chán rồi ông phủi tay: đi thì đi, trước sau cũng một lần phải ra đi, có ai ở mãi trong quân ngũ?

Trong thời gian chờ đợi giải quyết chính sách, ông như bơi giữa hai làn nước: chẳng biết rồi ra mình sẽ sống ra sao, sống như thế nào? Đã bao năm ông coi đơn vị là nhà, ông quen quá rồi, đã thành nếp rồi, ở môi trường mới liệu có ổn không? Công an là thứ quân đội hạng hai, không phải cái ông muốn chọn.

Đồng đội an ủi ông:

– Vứt cái mặt chữ nãi đi. Bộ đội có thời, công an muôn thuở. Nghề phó tóm bây giờ là nhất đấy. Coi như cậu trúng quả đậm!

Không cần đến vài năm ông mới thấy họ nói đúng.

Ở ngành công an lên quân hàm tuy có chậm hơn so với bên quân đội, nhưng lên cái khác thì lại nhanh lắm. Cái khác đây là cái quyền. Đi kèm với cái quyền là cái lợi.

Khi trên áo ông được gắn quân hàm trung tá thì bạn bè ở lại bộ đội đã lên đại tá. Ấy thế nhưng về mặt khác, mặt đời sống, thì đám đại tá kia còn lâu mới theo kịp ông.

Nói tóm lại, ông hài lòng với vị trí mới. Ông không còn luyến tiếc quân đội nữa. Ngành công an được mệnh danh là thanh kiếm và lá chắn của Đảng, Đảng đương nhiên phải ưu tiên ưu đãi cái vật bảo vệ sinh mạng mình. Không ưu tiên ưu đãi mới lạ.

Vào thời gian câu chuyện được nói tới, trung tá Cường đã làm chủ một ngôi nhà một lầu một trệt, bốn phòng, có cả ga-ra, được hóa giá đàng hoàng. Ngôi nhà đẹp, xinh xắn, có gọi là biệt thự cũng không phải là phóng đại, đã thế lại nằm trong một mảnh vườn tuy không rộng, nhưng xanh mướt cỏ Đại Hàn và rất nhiều cây cảnh. Nếu coi nhà mặt tiền ở khu buôn bán là đất vàng, thì nhà ông cũng phải được coi là đất bạc.

Chuyển sang công an, ông được cử làm giám thị một trại giam. Trại này nằm cách thành phố hai chục cây, ông có thể đi về một tuần vài lần, có xe Jeep đưa đón. Vợ ông có một Honda nữ, đời 68, của hóa giá, tuy cũ nhưng còn ngon, chỗ làm của bà gần nhà, mọi sự đều thuận tiện.

Sau khi đã an cư, hai ông bà liền quyết định đón hai thân ông từ vùng chiêm khê mùa thối vào thành phố.

Việc chuyển hộ khẩu bình thường đã khó, chuyển hộ khẩu từ nông thôn ra thành phố còn khó hơn rất nhiều. Đành rằng công tác hộ khẩu do công an nắm, nhưng đừng tưởng người trong ngành thì chạy vạy dễ hơn người ngoài. Chuyển hộ khẩu là việc rắc rối. Nó đòi hỏi nhiều thứ giấy tờ không phải ngay một lúc có thể kiếm ra.

Trung tá Cường gặp may.

Trại do ông đảm trách có 3 K, tức 3 phân trại, số tù đông cả ngàn. Ông là thượng đế trong cái trại ấy, quyền sinh quyền sát trong tay ông. Ông coi lũ tù mà ông cai quản như một đàn bò.

Không biết từ khi nào ông hiểu ra rằng trong đàn bò ấy có nhiều con có thể vắt sữa. Sự khôn ngoan tự đến cùng với thời gian, phong phú thêm cùng với thời gian. Nhiều tên tù có dây mơ rễ má lằng nhằng với đủ mọi nhân vật ở mọi cấp mọi ngành, không họ hàng thì cũng chỗ thân quen, thế là người nọ mách người kia, người nọ dẫn người kia tìm đến ông, nhờ cậy ông giúp đỡ cho thân nhân được nhận xét tốt trong những dịp xét tha, xét giảm án nhân những dịp lễ lớn, hoặc đặc xá. Ngay những chuyện vặt như cho tù được phân công làm việc nhẹ trong trại người ta cũng phải tìm đến ông. Ông không kênh kiệu. Ai đến ông cũng tiếp. Xét cho cùng, ông có mất gì khi ghi nguệch ngoạc vài dòng nhận xét cải tạo tốt cho một tên tù? Tha nó hay giảm án cho nó là quyền của cấp cục, cấp bộ, không phải của ông. Nhưng ông cũng biết rằng người nhà của phạm nhân nghĩ, và họ nghĩ không sai, rằng những nhận xét của ông chắc chắn phải có tác động không nhiều thì ít vào việc xét tha xét giảm. Họ cũng đủ thông minh để hiểu rằng đã chạy thì không được bỏ sót cửa nào. Là một trong những cửa dù muốn dù không họ cũng phải chạy đến, khi việc thành, ông cũng được hậu tạ.

Cuộc đời là nợ đồng lần, ông được người ta chạy đến, thì ông cũng phải chạy đi để lo việc của mình.

Ông đưa của kia bà chìa của nọ, việc chạy hộ khẩu cho hai cụ tuy có mất thời giờ thật, nhưng ông bà đã chạy là phải xong.

Trong mọi việc ông đều bàn bạc với bà. Với các đối tác, bên ngoài cũng như bên trên, gặp ai, đưa cái gì, nhận cái gì, không có bà không xong. Xem ra đàn bà làm công tác đốì ngoại mát tay hơn hẳn đàn ông.

Bà đôn đáo, bà quán xuyến mọi việc, nhất là trong những trường hợp ông không thể chường mặt, cứ có bà là mọi sự êm xuôi. Mà bà đâu có được ai dạy bảo cách giao tiếp, cách đối nhân xử thế! Trong chiến tranh, bà là cô cấp dưỡng, đến thời bình mới được đi học bổ túc văn hóa. Ấy thế mà qua vài năm bà đã là trưởng phòng lao động một công ty cung ứng vật liệu xây dựng. Bà làm việc ngon ơ, năm nào cũng lao động tiên tiến, thiếu nước được bình bầu chiến sĩ thi đua.

Bố mẹ mất sớm, bà lại vô sinh, không thể làm mẹ hiền thì bà phải được tiếng dâu thảo. Khi bố mẹ chồng vào ở với ông bà thì hai cụ được bà cung phụng hết chê. Bà cấm hai cụ đụng tay đụng chân vào việc gì. Chỉ huy việc nhà là bà, lo sức khỏe cho hai cụ là bà, đưa các cụ vãn cảnh chùa này chùa nọ, thăm nhà này nhà kia cũng bà. Nấu nướng, quét dọn đã có con bé giúp việc. Lương hai vợ chồng ông trung tá không cao, nhưng lại có cái khác bù vào. Riêng khoản thiên hạ biết ơn quà cáp biếu xén thôi đã gấp nhiều lần lương người khác.

Nhìn hai cụ thân sinh xúng xính trong bộ pi-gia-ma tơ tằm tha thẩn trong vườn, bà con trong họ ngoài làng vào thăm ai cũng xuýt xoa khen ngợi đức hiếu thảo của ông bà.

Phú quý sinh lễ nghĩa, trung tá Cường kiếm thợ giỏi cho đóng một ban thờ thật lớn, thật sang, bằng gỗ tứ thiết mua rẻ của một thủ trưởng lâm nghiệp có thằng con trong trại. Đặt ban thờ vào nhà, nó chiếm hết bức tường hậu của phòng khách, còn to hơn cả ban thờ của lão địa chủ lớn nhất làng ông ngày xưa. Làng ông là làng truyền thống cách mạng, nhiều cán bộ lớn, tỉnh có, trung ương có, nhưng về khoản nhớ ơn tổ tiên, trả nghĩa cha mẹ mà được như ông thì đếm trên đầu ngón tay. Tiếc nỗi, cụ kị ông đều thuộc hạng bạch đinh, chẳng có hình tích để lại, thành thử trên cái ban thờ sơn son thếp vàng to đùng với rồng bay phượng múa kia chỉ lơ thơ mấy cái bài vị lủng củng bên những lư, những đỉnh, những bát hương, chân nến…

Ngắm cái công trình mình bỏ rất nhiều công sức vào đấy, ông buồn.

Ông không phải chỉ buồn. Ông nghĩ, ông tính: phải đặt làm hai bức truyền thần thực đẹp hai cụ thân sinh ngay từ bây giờ, khi hai cụ còn sống. Ông muốn hai cụ thấy tận mắt mình được thờ phụng thế nào trên cái ban thờ sang trọng hằng ngày khói hương nghi ngút kia.

Việc này phải giao cho thằng thông tin trại, ông nghĩ. Nó có hoa tay.

– Thưa, Ban cho gọi?

Thông tin trại người tầm thước, không béo không gầy, mắt sáng, miệng rộng, được ông giám thị đặc biệt chiếu cố, coi như bộ hạ thân tín. Anh ta co ro cóm róm trước mặt ông, đầu cúi, lưng khòng, hai tay chắp trước bụng.

– Ngồi xuống đi.

Ông chậm rãi rót trà vào hai ly, rồi khoát tay, chỉ cái ghế. Đó là cách ông cho người tù biết anh ta đang được ban ân huệ.

– Thưa, Ban cho gọi?

– Phải – ông gật – Không có việc tôi gọi anh làm chó gì?

Trước khi đi tù, thông tin trại là họa sĩ kiêm điêu khắc gia. Anh bị bắt quả tang đang vẽ một cô gái cởi truồng, công an khám nhà còn phát hiện mấy chục bức tranh khỏa thân khác giấu dưới gầm giường. Do trước kia có dính tí ngụy quân, dù đã xuất ngũ từ mấy năm trước khi chiến tranh kết thúc, giờ mắc tội “văn hóa đồi trụy”, anh vẫn bị bắt, vẫn bị xử tù.

Ớ ngoài trại, anh là một họa sĩ làng nhàng, vẽ nhiều nhưng tranh không bán được. Người buôn tranh nói thời mới tranh của anh không hợp thị hiếu, không đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thế mà từ khi vào tù, đơn hàng được gửi đến tơi tới, anh làm không hết việc.

Chả là trong chiến tranh, khắp nơi – trong cơ quan ở rừng, trong nhà dân, chỉ có hình lãnh tụ tối cao được in màu trên giấy Đạo Lâm, thứ giấy tốt nhất của Trung Quốc. Hoà bình rồi mới nổi lên phong trào sắm tranh tượng – cơ quan nào cũng phải có tượng Bác. Tượng thì phải là tượng đồng hoặc thạch cao giả đồng. Tượng lớn là đặc quyền của các bậc cây đa cây đề trong làng điêu khắc. Nhưng chỉ làm tượng thạch cao thôi anh cũng đã đủ mệt. Tranh thì phải là tranh sơn dầu, khổ lớn. Vẽ ai khì khó chứ vẽ Bác thì dễ ợt. Có bao nhiêu hoạ sĩ thì có bấy nhiêu Bác nếu các nhà phê bình hội hoạ xét nét chuyện tranh giống hay chỉ hao hao giống. Chân dung Bác tiêu chuẩn thứ nhất là phải đẹp. Không đẹp không được.

Anh tù hoạ sĩ không thể nhớ mình đã vẽ, đã nặn bao nhiêu Bác. Anh được ban giám thị miễn lao động để làm độc một việc ấy. Vẽ Bác nhiều, nặn Bác nhiều, anh đâm ra thuộc lòng từng nếp nhăn nơi khóe mắt, từng sợi râu, từng đốt ngón tay của Bác.

Nhiều lúc ngồi một mình, anh buồn rầu nghĩ: đến mặt bố đẻ của mình mình cũng không thuộc đến thế.

– Thế nào, sức khỏe anh hồi này ra sao?

Anh lí nhí:

– Thưa Ban, được Ban chiếu cố, cũng vẫn nhì nhằng ạ…

Anh cúi mặt, không nhìn lên bề trên có nét gợi nhớ anh bếp nhà mình hồi trước giải phóng. Tuy nhiên, mặt anh bếp ngày ấy trông còn sáng sủa hơn.

– Sinh hoạt tốt, không thiếu thốn chứ?

– Thưa, không. Được Ban thương, thiếu thốn sao được.

Ông mỉm cười bề trên:

– Nếu thiếu, cứ đề đạt với ông cán bộ giáo dục, rồi Ban xét.

– Dạ, nhà cháu xin cảm ơn Ban.

Ban đây là ban giám thị. Trong mọi cách xưng hô, chỉ ở trại giam mới có từ này. Nó được cả tù lẫn cán bộ trại giam mặc nhiên thừa nhận.

Cách xưng hô trong tù rất đa dạng. Một số tù nhân không chịu xưng “con” xưng “cháu” với cán bộ như đa số tù hình sự ít tuổi, họ liền chọn cách xưng “nhà cháu” kiểu nhà quê. Xưng hô theo cách đó vừa tỏ ra mình thuộc bề dưới, lại như cách họ hàng, vừa đủ lễ phép, lại không hạ mình quá đáng.

Tranh tượng anh làm ra theo đơn hàng, trại thu tiền.

Theo nguyên tắc, phạm nhân phải lao động trong thời gian cải tạo. Cái mà người tù được cách mạng ban cho là sự lao động cải tạo để trở thành công dân tốt, chứ không phải sản phẩm anh ta làm ra. Thành quả lao động của người tù sẽ được tính đến trong những đợt xét tha, xét giảm. Anh hoạ sĩ tù thỉnh thoảng cũng được Ban giám thị giấm giúi cho ít phiếu lưu ký để mua hàng “căng-tin”, gọi là “bồi dưỡng”. Nhờ vậy, tuy ở trong tù anh vẫn có cuộc sống tốt hơn hẳn tù thường.

– Cho anh bao Vinataba này. Mới ra, khá đấy. Chẳng thua Ba Số bao nhiêu đâu.

Anh đưa hai tay đỡ món quà.

– Dạ, nhà cháu xin cảm ơn Ban.

Ông chăm chú nhìn anh tù bóc bao thuốc, đoạn đưa cho anh cái bật lửa.

– Làm việc trong phòng thông tin có chật chội lắm không? – ông hỏi, giọng ân cần.

Anh ngước nhìn ông. Anh nóng lòng muốn biết ông định dẫn câu chuyện đi đâu.

– Thưa Ban, kể ra rộng hơn thì tốt hơn – anh châm điếu thuốc, từ tốn rít một hơi, lễ phép đáp – Nhưng được thế này là tốt rồi, nhà cháu không dám mong hơn…

– Hiểu được thế là tốt – ông giám thị gật, vẻ hài lòng – Có tiến bộ.

– Dạ, nhà cháu hiểu ạ – anh hoạ sĩ nở nụ cười méo mó – Trong cải tạo, nhà cháu đâu dám vòi vĩnh. Chẳng lẽ lại xin Ban một xưởng họa.

Ông quan sát nét mặt anh tù, ông hiểu anh ta nói thật lòng, rồi hạ giọng:

– Nếu thấy còn chật thì cứ mạnh dạn đề nghị nhá. Rồi Ban xét, đừng ngại. Ban bao giờ cũng tạo điều kiện tốt nhất cho anh…

– Dạ! Nhà cháu cảm ơn Ban nhiều lắm.

Người tù biết mình là ai. Anh chẳng vui thú gì được gọi lên văn phòng.

Mỗi lần được gọi lên là y như rằng có chuyện. Lại được đãi trà Hồng Đào nữa thì không phải chuyện thường. Nếu chỉ là một chân dung Bác như mọi lần thì không phải ông giám thị trực tiếp ra lệnh, mà là cán bộ giáo dục.

Ông không vội cho anh biết ông gọi anh lên có việc gì.

Ông có cách của ông. Là bắt thằng tù phải chờ. Bắt nó nhìn vào mắt ông để đoán già đoán non cái đã. Rồi mới nói vào việc. Thằng tù phải thấy điều ông nói là quan trọng. Nó phải căng người ra mà nghe.

Anh hoạ sĩ nóng ruột. Anh chỉ muốn cuộc đối thoại chóng kết thúc để anh được trở về cái phòng thông tin tuềnh toàng và chật hẹp của mình. Nó là giang sơn của riêng anh, nơi anh có thể tự huyễn hoặc rằng anh vẫn còn cái tự do được là mình.

– Dạ, có vậy thôi ạ? – anh nhấp nhổm đứng lên – Nhà cháu đội ơn Ban quan tâm ạ.

Ông giám thị phác một cử chỉ ngăn lại:

– Ngồi đã. Tôi gọi anh lên đây là có việc.

– Dạ.

Anh ngồi xuống, hai tay thu vào lòng.

Im lặng một lát, bắt anh phải chờ đợi thêm, ông giám thị mới nghiêm trang hỏi:

– Anh nói tôi nghe: tranh của bọn họa sĩ các anh khác với tranh của bọn truyền thần thế nào?

Anh tù ngớ người. Anh không hiểu mục đích câu hỏi. Chẳng lẽ ông giám thị một trại giam giờ đây phát rồ, muốn tìm hiểu chuyện nghệ thuật, là cái xa lạ với công việc của ông? – Thưa Ban, có khác đấy ạ. Mà khác nhiều. Họa sĩ vẽ tranh thì gọi là sáng tác. Tức là anh ta nghĩ ra một đề tài nào đó, rồi bằng bút vẽ chấm màu đưa nó lên khung vải, cho nó một hình hài. Cái đó là nghệ thuật, là lĩnh vực của nghệ sĩ. Người vẽ truyền thần thì chỉ làm công việc sao chép, miễn sao cho giống. Đó là lĩnh vực của người thợ, của sự khéo tay.

– Hừ, vẽ chuyện – còn phân biệt sáng tác với lại sao chép, bày đặt anh này sĩ, anh kia thợ. Cũng là vẽ cả, khác chó gì nhau chứ. Như anh đấy, anh có nhìn thấy Bác bao giờ đâu, thế mà anh vẫn họa được chân dung Bác. Thợ truyền thần cũng theo ảnh Bác mà họa, có khi còn khéo hơn cả anh nữa, nói cho anh biết.

Ông có đọc báo. Ông từng xem triển lãm. Ông biết tranh sơn dầu đắt hơn tranh truyền thần rất nhiều. Từ đó suy ra: thằng họa sĩ có giá hơn thằng truyền thần. Nhưng trước mặt ông là thằng tù, dù nó là hoạ sĩ. Cần phải hạ giá nó trước đã, không cho phép nó làm cao.

Anh tù thì chột dạ: “Hay là trong bức chân dung vừa giao cho khách tuần trước có lỗi? Mà lỗi sao được, nó còn đẹp hơn những bức trước là đàng khác”.

Một lần anh đã bị khách trả lại hàng chỉ vì trong bức chân dung giao cho họ mắt của Bác không có hai đồng tử như trong một bức tranh nào đó, cũng là của anh, mà họ nêu ra như mẫu mực.

Đó là một bài học. Người ta đặt hàng, người ta trả tiền, người ta có quyền đòi anh phải làm hàng phải theo ý họ.

Khốn nạn, là cái máu nghề nghiệp làm khổ anh. Anh không thể nào vẽ bức nào cũng y hệt bức nào. Từ đó anh rút kinh nghiệm: thôi thì mặc, trên mỗi con ngươi của Bác, bất kể gương mặt ở tư thế nào, anh sẽ tương vào đó hai đốm sáng thần thánh cho vừa lòng kẻ sùng bái.

Anh dằn lòng tiếp tục trình bày:

– Dạ, thợ truyền thần thường dùng mực tàu vẽ trên giấy, họa đúng theo ảnh mà khách hàng đưa cho. Họ sao và phóng các bức chân dung ra thành khổ to để treo trên tường hoặc bày trên ban thờ. Đôi khi họ còn phải thêm vào đấy những thứ không có trong ảnh theo yêu cầu của khách, chẳng hạn thay quần áo thường bằng áo lượt, áo the, hoặc giả đặt người trong ảnh ngồi trên ghế bành kiểu cổ, đủ mười đầu ngón tay mười đầu ngón chân.

Ông giám thị hờ hững:

– Ờ, thế hoạ Bác thì sao?

– Dạ, họa chân dung Bác trong tranh sơn dầu thì không được thêm bớt. Có chăng chỉ là gia giảm chút đỉnh cách sử dụng màu. Hoặc thay cái phông đàng sau. Hoặc tô thêm hồng đôi má. Bớt đi những tàn nhang…

– Nghĩa là khác thì có khác, nhưng tựu trung vẫn là giống nhau. Cả hai, anh hoạ sĩ với anh truyền thần, đều sống bằng nghề vẽ, là đồng nghiệp, sinh hoạt trong cùng một công đoàn…

Anh tù nuốt một tiếng thở dài:

– Dạ.

Ông giám thị đột ngột hỏi:

– À, này: anh có bộ quần áo nào không đóng dấu cải tạo không nhỉ?

Anh tù giật mình. Chuyện này coi mòi lôi thôi. Nhà nước còn nghèo, không đủ tiền cho tù được cấp đồng loạt quần áo tù, người tù được phép dùng quần áo thường dùng của mình, nhưng phải có hai chữ CT, tức là Cải Tạo, thật to, đóng ở lưng áo, bằng hắc ín. Bụng bảo dạ: “Mình giấu kín thế, làm sao có thằng biết mình có bộ quần áo không đóng dấu để báo cáo?”

Chỉ còn chưa đến một năm là anh hết hạn tù. Tội của anh không đáng gọi là tội. Thời đã khác, bây giờ họa sĩ đã được phép vẽ tranh khỏa thân. Nếu đúng như thế thì anh không có tội. Anh muốn ra khỏi nhà tù với bộ cánh đàng hoàng. Anh có mua một bộ quần áo không có hai chữ nhục nhã đã được tẩy sạch ở một tay tổ mua bán đổi chác trong trại. Anh giấu kín nó dưới gầm tủ đồ nghề, lẫn trong đống giẻ lau. Chỗ ấy dù có tổng kiểm soát toàn trại, cán bộ cũng không sờ đến. Hơn nữa, nếu có khám trại thì anh, cũng như mấy anh trật tự, là người khám chứ không phải kẻ bị khám. Từ nhiều tháng nay anh đã vẽ ra trong trí tưởng tượng một ngày về trong bộ cánh đàng hoàng.

Anh làm bộ sửng sốt:

– Sao lại có đứa báo cáo láo đến thế? Xin Ban chớ tin. Được Ban chiếu cố cho làm việc nhàn hạ như nhà cháu, tất nhiên có nhiều đứa ghen ăn tức ở…

Anh ngạc nhiên hơn nữa khi ông trung tá đứng lên, nhìn vào mắt anh:

– Thế này nhá, nếu chưa có thì kiếm ngay lấy một bộ. Ngày mai hay ngày kia tôi sẽ gọi anh lên, tôi cho anh đi với tôi ra thành phố.

2

Thành phố ùa vào anh như một cơn lốc. Phố xá đông đúc, người đi lại tấp nập, xe cộ ào ào, còi bóp inh ỏi. Quán xá ghế xếp lấn ra vỉa hè, đầy khách ăn khách uống.

Đã vài lần anh viện lý do mua sơn phải có lựa chọn để xin ra phố có áp giải, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Lần này không hiểu sao anh lại được chính ông giám thị đưa đi.

Ông cho xe chạy qua các phố lớn, rồi rẽ vào một hàng kem, cho anh được nhẩn nha ăn kem, rẽ vào quán cà phê cho anh nhẩn nha uống, rồi mới đưa anh về nhà.

Anh băn khoăn. Được đi chơi thành phố là một ân huệ cực lớn, nhưng kèm theo ân huệ này, ắt hẳn ông sẽ đòi anh một sự đền đáp tương xứng.

Anh chỉ hiểu ra anh sẽ phải làm gì trong bữa cơm gia đình có mặt hai cụ thân sinh áo quần chỉnh tề.

– Tôi muốn anh hoạ cho hai cụ nhà tôi – ông giám thị cuối cùng nói ra điều ông muốn nói – Trông hai cụ thế này được chưa?

Thì ra sự đền đáp là như thế.

Anh họa sĩ ngắm hai cụ hồi lâu rồi thưa:

– Báo cáo Ban, ý Ban muốn làm hai bức chân dung, phải không ạ?

– Phải.

– Ban định làm tranh khổ lớn để treo ở phòng khách?

– Không. Tôi muốn có hai bức tranh thờ, phòng khi các cụ nằm xuống… Tranh vẽ cách gì cũng được, miễn đẹp.

– Thế thì, theo ý nhà cháu – anh thẽ thọt – Ban nên thuê thợ truyền thần. Họ quen việc. Chỉ thợ truyền thần mới làm được đúng ý Ban muốn. Nhà cháu, xin thưa thật, không thạo việc này…

– E làm sao?

Anh họa sĩ cố tìm lời giải thích:

– Thưa Ban, người làm nghề nào cũng có cái quen tay của họ, có cái thuật của họ, người khác nghề không làm được. Tranh truyền thần, thưa Ban, khác với tranh hội hoạ…

Ông cau mặt:

– Hừ, đã nói rồi, mà anh cố tình không hiểu. Hay là anh cho rằng chỉ có các anh biết vẽ, còn họ thì không?

– Dạ, hoạ sĩ phải lấy ký hoạ, làm phác thảo rồi mới dựng chân dung – anh hấp tấp trình bày – Còn thợ truyền thần thì chỉ cần có tấm ảnh trước mặt là xong. Họ quen làm ảnh thờ. Thậm chí chỉ cần có bộ mặt, phần còn lại như mũ cối, mũ tai bèo, quân hiệu, quân hàm họ sẽ thêm vào sau… Vâng, làm tranh truyền thần các liệt sĩ không có ảnh chụp khi còn trong quân ngũ là như vậy.

– Anh nói lạ. Người ta không còn ảnh nào khác thì đành chịu. Chứ hai cụ nhà tôi đang sống sờ sờ. Nói để anh biết, người chết rồi còn có ảnh thì chỉ cần chụp lại rồi phóng to, đâu cần đến thợ truyền thần.

Anh họa sĩ thở dài. Với ông, không thể từ chối.

– Thưa Ban, nếu Ban đã lệnh… thì phải làm thôi. Nhưng nhà cháu đâu có được ra nhà Ban để làm phác thảo.

Ông giám thị gật đầu:

– Tôi nghĩ kỹ rồi. Đưa anh ra đây sẽ có đứa thối mồm báo cáo tôi ưu đãi anh thái quá. Chiều nay anh ở đây vẽ phác, hay gọi là cái gì nhỉ, ờ… làm ký hoạ như anh nói. Tôi sẽ đưa hai cụ đi chụp ảnh sau. Tôi nhớ ở nhà vẫn còn hai ảnh làm giấy chứng minh đấy…

– Dạ – anh hoạ sĩ nuốt nước bọt.

– Ở trại, anh cứ theo ký hoạ hoặc theo ảnh mà làm, khổ to bằng nào tôi nói sau. Nhưng cái quan trọng là gì thì gì, nó phải là tranh thờ. Anh hiểu chứ?

– Dạ.

– Nhớ làm kin kín, đừng cho đứa nào biết, ngoài ông giáo dục. Ông ấy thì không sao. Tôi mà đã lệnh thì ông ấy một phép.

Thấy anh băn khoăn, ông bảo:

– Cứ làm. Anh sẽ được đãi ngộ thích đáng.

Yêu cầu của ông giám thị không cao, nhưng lại khó thực hiện. Bởi vì hai cụ, tiếc thay, không được đẹp lão cho lắm. Cụ ông chẳng may bị hư một mắt do mảnh bom thời kháng chiến chống Pháp, phải đeo kính đen suốt ngày như thầy bói. Cụ bà thì không hiểu sao bị rụng hết tóc đến nỗi đầu trọc lốc, tứ thời sùm sụp chiếc khăn len, chỉ để hở bộ mặt đen sạm, nhăn nhúm. Nếu vẽ cho thật giống thì không đẹp. Mà nếu vẽ cho thật đẹp thì không giống.

Ông trung tá cho anh đem về hai bức ảnh khổ 3×4. Từ hai nhân vật trong ảnh, xấu như ma lem, anh hì hục vẽ hai bức truyền thần bằng chì màu. Với anh đó là một công việc khổ sai. Ở trường Mỹ thuật anh không được học cách vẽ truyền thần.

Hai bức tranh thờ hoàn thành trong một tuần. Con mắt hỏng trong bức ảnh cụ ông được thay bằng con mắt thật, với ánh lấp lánh sinh động. Mái tóc cụ bà được tạo lại óng mượt như tóc thiếu nữ.

Ông giám thị im lặng ngắm nghía hai bức tranh. Anh thông tin lo lắng theo dõi nét mặt ông.

– Ờ, thế này là cái gì nhỉ…, hừm, là tranh chân dung, chứ không phải truyền thần. Trông cũng tạm được. Nhưng anh không hiểu ý tôi rồi, chán quá. Ảnh thờ là phải đủ cả tay cả chân mới được…

Anh họa sĩ chống chế:

– Thưa Ban, bây giờ người ta lấy chân dung bán thân làm ảnh thờ nhiều lắm ạ.

– Hừ, anh nói lạ – ông giám thị lắc đầu – Đấy là vì người ta không còn ảnh nào khác, thì chịu vậy.

– Dạ, để nhà cháu làm lại – anh thở dài kín đáo.

– Tốt – ông giám thị độ lượng gật – Hai bức này cũng không bỏ đi. Để đấy cho tôi. Lần này làm sơn dầu.

– Dạ. Xin Ban cho mua thêm màu sơn.

– Cái đó không khó. Anh sẽ đi với tôi. Tha hồ chọn. Mà thôi, cứ kê ra, chỉ chỗ nào có, sẽ có người đi mua cho anh. Kẻo cho anh đi nhiều lần, thiên hạ nói ra nói vào.

Anh thông tin nghĩ tới những khó khăn anh sẽ gặp. Ớ trong trại không có lấy một cái ghế bành nào, đừng nói tới ghế bành cổ, có chạm trổ. Trong mình đời anh đã được ngồi trên chiếc ghế cổ một lần, hồi anh còn rất nhỏ. Anh nhớ cảm giác mát rượi của gỗ, màu đen bóng của nó, nhưng những chi tiết thì anh quên. Anh lớn lên giữa những xa-lông cẩm lai, xô-pha bọc vải hoặc bọc nhựa, bàn ghế đánh véc-ni bóng loáng. Trí tưởng tượng của anh không sao tái hiện hoặc tạo ra được một chiếc ghế bành cổ. Đành phải nhờ mấy người bạn tù chụp lại cho anh một bức truyền thần của gia đình họ. Làm được chuyện này không dễ, bởi nó phụ thuộc vào những lần thăm nuôi, những mối liên hệ có thể nhờ vả, và cả sự cho phép của cán bộ giáo dục khi xét đồ thăm nuôi.

Rồi anh cũng hoàn thành hai bức truyền thần theo ý giám thị. Trong hai bức này cả cụ ông lẫn cụ bà mặc áo the, ngồi chễm chệ trên hai chiếc ghế bành kiểu cổ, tay vịn bóng loáng, chạm hai đầu rồng. Bức truyền thần tổ phụ của một người bạn tù đã giúp anh vượt khó.

Ông trung tá hài lòng ra mặt:

– Được, được đấy! Anh này có hoa tay. Khéo!

Ông thưởng cho anh một bao Ba Số. Và hai gói trà Thăng Long hảo hạng, ướp sen:

– Hút Vinataba cũng tốt, không nóng họng. Nhưng Ba Số thơm hơn. Chiêu bằng trà sen thì quên chết! Tôi sẽ cho anh mấy phiếu lưu ký nữa. Sướng nhá!

Anh họa sĩ sướng thật. Anh cảm thấy thoát được một gánh nặng khi nhìn ông giám thị cuộn hai bức tranh mang đi.

Vài ngày sau anh lại bị ông giám thị gọi lên.

– Tôi nghĩ rồi. Tôi thích hai bức truyền thần anh vừa họa. Nhà tôi cũng thích. Hai cụ thì khen sao khéo thế, trông ảnh rồi vẽ ra, mà như tạc – ông cười toác, chẳng còn chút gì của vẻ nghiêm nghị ngày thường – Nhưng xem kỹ lại thì thấy vẫn có chỗ chưa được.

Anh hoạ sĩ nín thở, chờ ông nói tiếp.

– Không, không phải tại anh. Tại tôi. Cụ ông nhà tôi có cái Huy chương kháng chiến mà tôi quên khuấy, không bảo anh vẽ vào. Quan huyện ngày xưa có bài ngà, bây giờ mình có huân chương huy chương, không vẽ vào cũng hoài. Anh thấy thế nào?

– Dạ! – anh họa sĩ mệt rũ – Xin Ban cứ chỉ thị.

Ông giám thị suy nghĩ lung. Ông chưa quyết ngay.

– Thế này: anh vẽ thêm cái huy chương vào được chứ? Có chút xíu ấy mà.

Anh họa sĩ muốn mếu:

– Thưa Ban, khó đấy. Cái giống sơn dầu nó vậy, thưa Ban. Thôi thì để cháu làm bộ khác…

Suy nghĩ một lát, ông nói:

– Hay là thế này, anh vẽ thêm hai bức nữa. Lần này có cả huy chương cho hai cụ…

– Cả hai ạ?

– Phải. Cụ bà lẽ ra cũng đã có huân chương rồi đấy, còn vướng mỗn cái xác nhận. Trên đòi thêm giấy tờ, đòi thẩm tra thêm. Quan liêu bỏ mẹ. Cụ hồi trước hoạt động du kích, cụ dữ lắm đấy. Cái bận bọn Tây đổ bộ lên vùng duyên hải quê tôi, cụ bắn tỉa được khối. Một thằng Tây bị thương nặng rúc vào bể chượp, đến khi bán hết nước mắm mới biết có bộ xương nó trong ấy. Kinh! Chuyện trận ấy có ông nhà văn ghi lại, in thành sách hẳn hoi. Trừ chuyện thằng Tây chui vào bể chượp.

Ông trầm ngâm:

– Đó là những trang sử hào hùng của dân tộc ta. Anh ở phía bên kia, anh thấy thế nào? Tự hào quá đi chứ, phải không? Bây giờ đất nước liền một dải, tự hào là tự hào chung, anh cũng có phần. Anh cải tạo tốt, đến khi Đảng, chính phủ xét cho anh về, anh làm việc có thành tích, rồi cũng có huân chương huy chương như thường…

– Thưa Ban, hai cụ nhà thành tích như vậy, phải có huân chương cao mới đáng. Ta có vẽ trước cũng được. Coi như ta đi trước một bước ạ – anh họa sĩ xuýt xoa nhắc lại lời nói quen thuộc của cán bộ tuyên giáo: “đi trước một bước”.

– Thế là rõ rồi chứ?

– Thưa, Ban lệnh bao giờ phải xong ạ?

– Cứ nhẩn nha làm. Không vội – ông giám thị nói, giọng độ lượng – Quý hồ tinh bất quý hồ nhanh. Quý là ở chỗ chất lượng cao. Trên bao giờ cũng trọng chất lượng, cho nên mới nói sản xuất phải nhanh, nhiều, tốt, rẻ, thủ tướng đã dạy. Có nghĩa là phải nhanh, phải nhiều, nhưng cũng phải tốt, phải rẻ…

3

– Hai bức sơn dầu sau thế nào? Ông ta hài lòng chứ? – tôi hỏi.

Hai đứa chúng tôi nằm ườn trên cát, mặc cho những con sóng tha hồ la liếm thân mình.

Trên cao, mặt trời chói lọi. Những đám mây bông xốp lững lờ. Biển trải dài tít tắp nơi đường chân trời không rõ nét trong nắng chiều và bao la biển rộng.

– Còn phải nói. Hài lòng lắm lắm! – bạn tôi nói, môi bĩu ra.

– Cậu cũng hài lòng?

– Hài lòng cái con khỉ?

– Tức là không đẹp?

– Làm gì có cái đẹp ở nơi con người bị bó buộc làm ra những cái mà tâm hồn nó chống lại?!

– Nhưng rồi cậu cũng được thưởng hậu hĩ chứ?

– Nếu ông ta kịp thưởng.

Tôi lật mình lại, nhưng không thấy mặt anh dưới tờ báo.

– Sao không kịp? Ông ta đột tử?

– Không phải.

– Vậy thì vì cái gì?

– Bị kỷ luật, đuổi khỏi ngành. Bà vợ cũng vậy. Mất chức, mất cả biên chế. Mà cậu có biết không: chung quy tại hai bức tranh sơn dầu tớ vẽ.

– ???

Anh lột tờ báo ra. Mắt anh nheo lại vì nắng. Tôi đưa chai xá xị cho anh. Anh cạn một hơi.

– Hai bức tranh tội vạ gì?

Anh cười:

– Cái sảy nảy cái ung. Từ hai bức tranh thờ ấy cả một cuộc chiến bùng nổ. Nhiều cuộc đời ra nước. Nhiều cuộc đời lên hương…

– Cậu kể đi!

– Câu chuyện bắt đầu bằng một bữa tiệc – anh nhẩn nha dẫn tích – Ông giám thị hài lòng với hai bức tranh đến nỗi không thể không đem chúng ra khoe với thiên hạ. Ông ta làm một bữa giỗ rất to, rất linh đình. Giỗ ai, không biết! Có thể ông ta bịa nó ra cũng nên. Ngoài các bạn đồng sự ngang cấp của hai vợ chồng, còn có nhiều vị tai to mặt lớn khác đến dự. Tác giả hai bức chân dung tất nhiên không được mời – hắn còn ở trong tù.

– Ờ, rồi sao?

– Sở dĩ tớ được biết về bữa giỗ và đầu đuôi câu chuyện là do tay cán bộ chấp pháp của Bộ nói ra khi hắn ta hỏi cung tớ.

– Cậu hết hạn tù rồi mà. Còn cung kẹo cái gì?

– Là tớ có dính dáng gì vào đấy. Tớ là tác giả hai cái tranh ấy mà. Người ta hỏi tớ với tư cách nhân chứng. Thì có sao tớ nói vậy. Xét cho cùng tớ cũng có lỗi. Nhưng họ không bắt lỗi ấy. Khi nhận lệnh của tay giám thị, tớ có biết mặt ngang mũi dọc các thứ huân chương huy chương của phía bên kia bao giờ đâu. Nhưng đã hứa thì phải làm – hai cụ phải có huân chương trên ngực. Cho nó oách.

– Cậu làm thế nào để vẽ nếu không biết mặt các huân chương?

– Tớ tìm được trong một số báo ảnh một bà già nào đó có đeo huân chương trên ngực, đâu như là một Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng thì phải. Nói tóm lại, tớ gắn luôn cái huân chương của bà ta vào ngực áo cụ bà. Cụ ông thì một cái khác, huân chương quân công thì phải. Tớ thấy nó trong tờ Quân đội Nhân dân. Quân công hạng mấy tớ cũng không nhớ.

– Cậu giết người ta rồi! – tôi kêu lên.

Anh tiếp tục bằng giọng vui vẻ:

– Tớ chỉ biết làm sao cho đẹp, cho tay giám thị hài lòng. Thoạt trông thấy hai bức tranh vừa hoàn thành, phơi phới gam màu tươi sáng, ông ta không nói gì, nhưng nhìn mặt ông ta tớ biết, sướng rơn. Chuyện về sau thế nào, tớ không rõ. Tay chấp pháp hỏi tớ về hai bức tranh, tớ nhận liền. Vẽ tranh theo lệnh giám thị chứ có phải tớ tự làm ra đâu. Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy, thằng tù nào dám cưỡng lệnh giám thị? Tay chấp pháp cũng hiểu, chẳng vặn vẹo gì. Chỉ hỏi thêm chuyện từ ngày nhập trại tớ đã vẽ bao nhiêu chân dung, nặn bao nhiêu tượng lãnh tụ, được bồi dưỡng như thế nào, cụ thể là bao nhiêu? Tớ đoán họ muốn biết cái gì. Thì ra tiền thu được ban giám thị cho vào quỹ đen, tức là vào túi mấy ông quan coi tù, chẳng có sổ sách nào hết.

– Chuyện tiền nong này không quan trọng. Tham ô vặt. Tay ấy có hỏi cậu về vụ huân chương không?

– Có chứ. Cái ấy mới là chính. Hắn ta hỏi: “Có phải ông giám thị bảo anh vẽ huân chương trên ngực hai cụ già không?” Tớ bảo phải. Hắn không hỏi thêm. Nhưng tớ biết tỏng vì sao hắn ta quan tâm tới hai cái huân chương đó. Hắn cần tớ xác nhận sự việc, có hoặc không, không lằng nhằng.

– Cậu gật?

Anh nhún vai:

– Tất nhiên.Tớ làm theo lệnh mà.

– Vì hai cái huân chương trên tranh mà họ kỷ luật tay giám thị?

– Họa vô đơn chí – từ hai bức tranh họ khui ra một lô một lốc những vụ khác. Tuốt tuột. Chẳng hạn, ngôi nhà thứ hai ông ta có được là kết quả việc chạy tha cho con trai một ông to dính vào vụ giết người. Vụ này tay giám thị ở khâu yếu nhất, những tay ở cấp cao hơn cũng nhúng chàm. Có điều nó lại là vụ to nhất so với nhiều vụ khác. Giậu đổ bìm leo, chính những bạn đồng liêu của tay giám thị tố cáo. Rồi người ta phát hiện chân trưởng phòng của bà vợ cũng do đổi chác mà có. Hai tấm bằng bổ túc văn hóa cũng là của giả nốt. Vân vân và vân vân… Bà này ăn hối lộ như ranh. Thiên hạ đưa ra chứng cớ rành rành. Mà chẳng phải chỉ hai vợ chồng nhà này biết kiếm chác. Tất cả đều kiếm chác. Nó là một bệnh dịch. Bây giờ có đốt đuốc đi tìm cũng không tài nào kiếm được một ông quan thanh liêm. Nếu có, phải là một tên dở hơi. Hoặc một thằng khùng. Chỉ có thể tìm thấy những người thanh liêm trong dân chúng. Bởi vì chỉ có họ là không có quyền ăn của đút. Của đút là thức ăn của nhà quan.

Tôi chặn lại:

– Thôi, đừng triết lý nữa. Kể tiếp đi: tay giám thị và bà vợ bị đưa ra tòa?

Anh bĩu môi:

– Cậu ngây thơ hay giả vờ ngây thơ? Những vụ như thế mà cũng đưa ra tòa thì lấy đâu ra tòa mà xử? Cả trăm tòa cho một tỉnh cũng chẳng đủ. Với lại, người ta cũng chiếu cố công lao của cả hai vợ chồng, cả hai đều có thâm niên chiến đấu, có tuổi Đảng cao. Người ta phải bảo vệ bộ mặt chế độ, bảo vệ những kẻ bảo vệ chế độ chứ. Họ chỉ phải kiểm điểm, chịu kỷ luật nội bộ.

– Kỷ luật thế nào?

– Phải kiểm điểm nghiêm khắc, kiểm điểm sâu sắc, rồi bị lột hết chức vụ, đuổi khỏi biên chế…

– Trở về quê làm ruộng?

Anh cười ha hả:

– Làm gì có chuyện ấy. Họ vẫn ở nguyên chỗ. Ấy là nói về sự cư trú. Cái nhà có thể bị tịch thu, nhưng muốn làm điều đó thì phải có quyết định của toà án, bằng văn bản. Mà người ta đã không muốn công khai chuyện này thì làm gì có toà án. Hộ khẩu của họ thì không thể tước bỏ rồi, cho dù họ bị kỷ luật. Cái chuyện giấy tờ bao giờ cũng lằng nhằng, rối rắm lắm.

– Khó hiểu thật.

– Có gì mà khó hiểu. Mọi sự không thể tưởng tượng nổi vẫn có thể diễn ra dưới bầu trời đỏ. Mọi sự, cậu hiểu không? Mình có đến thăm ông cựu giám thị một lần. Dù sao thì mình cũng có chút ân tình với lão. Lão vui vẻ tiếp mình, mặt tỉnh khô, đầy tự tin. Lão còn bảo: các anh ấy đang tính bố trí cho mình một công tác mới. Các anh ấy là các anh nào, thật hay hư, mình làm sao biết. Nhưng nếu nay mai mình lại gặp lão trong một cương vị khác, có thể còn to hơn trước, mình cũng chẳng ngạc nhiên.

Họa sĩ đứng lên, chạy ào về phía một con sóng lớn, cao và rộng, đang đổ vào bờ. Trong tiếng sóng ào ào, anh hét lên:

– Giá mà tất cả chúng nó phải trở về đúng cái chỗ đích thực mà cuộc đời bình thường đặt vào.

– Hả? – tôi khum bàn tay lên vành tai, hét lại – Thì sao?

Anh cười sằng sặc, còn hét to hơn:

– Thì trái đất này sẽ sạch hơn nhiều.

1998

Comments are closed.