Hội/hậu trường

Văn Giá                                                                                                       Truyện ngắn

58574800_10211534809284825_5033726229534998528_n

Tác giả Văn Giá

1.

Như cái đình ngày xưa, nay được gọi là hội trường. Trên cao, một băng-rôn giăng ngang. Như bức hoành phi thời xưa. Dưới thấp là kệ tượng. Hai bên hai bức trướng treo dọc. Cũng giống như câu đối xưa. Có điều, câu đối thì đọc từ trái sang phải. Còn cái này thì đọc từ phải sang trái. Nhưng liệu có nhất thiết không? Cứ thử đọc từ trái sang phải xem. Nó có thể lóe một ý nghĩa mới. Nó xô lệch. Nó thoát khỏi khuôn khổ. Nó phát sáng. Hoặc có thể nó vô nghĩa. Có thể nó buồn cười. Có thể nhảm. Vâng. Nhảm. Để tiện hình dung một khung cảnh, có thể tham khảo mô hình:

(Người viết truyện này định vẽ một cái sơ đồ hình họa để bạn đọc tiện hình dung, nhưng khốn nỗi tay nghề hội họa bằng không. Cũng lại định hí hoáy nhờ vi tính vẽ hộ, nhưng trình độ vẽ trên vi tính cũng do cái gốc tay nghề bằng không kia mà ra cả. Đành thôi. Nói theo cách trí trá: để có đất cho bạn đọc… đồng sáng tạo).

Trên kệ ngự một pho tượng. Thông thường là vậy. Nhưng hôm nay không có tượng. Không biết nó bị di chuyển đi đâu. Nghe đâu nó bị vỡ một mảng, cái mảng thiếu khuyết này lại ở vào cái vị trí hiểm hóc nhất trên thân tượng. Vị trí đặt tay vào mỗi khi tuyên thệ. Có thể cái người làm công việc vệ sinh thường ngày lỡ tay làm vỡ. Kẻ này đáng chém. Đáng bị đuổi việc. Đáng cúp lương. Đáng đưa ra kiểm điểm. Đáng cảnh cáo.

Thôi thì thành khẩn viết bản kiểm điểm rồi tao lờ đi cho. Loại đầu chầy đít thớt như mày thì ai chấp làm gì.

Nhưng mà rốt cuộc ai làm vỡ? Vỡ trong trường hợp nào? Vô tình hay cố ý? Người hay… chuột?

Có thể đám chuột chạy qua xô đổ, chứ người đâu mà lại dám sơ ý vậy. Đố dám. Hoặc cũng có thể để lâu ngày nó tự mủn ra. Có ai chống được thời gian?

Thôi, vụ này cứ lờ đi cho êm.

Có những thứ cũng chả nên truy cùng diệt tận làm gì…

2.

Thắng quê gốc không phải ở xứ này. Cứ lần theo gia phả thì thấy rằng ông cụ mà Thắng gọi cụ tổ bốn đời đã vướng vào một chuyện tày đình đến nỗi sợ quá, bỏ xứ mà đi. Thế nên cụ mới phiêu dạt tới đây, nơi khỉ ho cò gáy mà sau này con cháu cụ thỉnh thoảng trong lúc cơm no rượu say phè phỡn lại mang ra oán trách.

Cụ vốn người mạn dưới, tên là Áng.

Lúc đang còn thanh niên, bố Áng đến phiên được cắt cử ra đình làng quét dọn ban thờ, chuẩn bị cho ngày làng vào đám. Bố Áng mải chơi tổ tôm, sai Áng ra làm. Do vụng về, đoảng tính hay sơ ý thế nào mà Áng để cho cái lọ sứ trên ban thờ đổ xuống rơi đúng vào cái lọ lục bình vỡ toang.

Đôi lọ cao mét hai, nghe đâu loại bình cổ, các cụ đời trước thửa từ Trung Quốc về. Thôi, đôi lọ lục bình Giang Tây bề thế, cân xứng là thế, bây giờ vỡ một chiếc. Thế là cọc cạch. Không thể chấp nhận được. Nó phải gồm đủ hai chiếc. Sóng đôi. Chỉ có một chiếc, tựa như vợ chết chồng. Không thể được.

Hãi quá. Định giấu bố không cho biết, nhưng nghĩ đi nghĩ lại Áng bèn mếu máo khai thật. Thế là ông bố nổi đóa lên, trói kẻ tội đồ vào cột nhà, dùng roi mây quất vào người như róc thịt. Vừa đánh ông vừa rên vừa khóc vừa chửi nào là phen này nhục mặt với làng, nào là đào mả tổ nhà mày lên cũng không chạy tội được, nào là chắc chắn rồi đi ăn mày, nào là thằng bố mày, con mẹ mày, mấy đời nhà mày rồi sẽ đi làm thuê ở đợ mất thôi…

Mẹ Áng khóc lóc van xin, ông cũng không tha. Xót con quá, bà ôm chân con, nói có đánh thì đánh tôi đây này, tôi đẻ nó ra tôi không biết dạy con, để cho nó phá hoại. Nói rồi, bà lại xoay sang ôm chân ông van xin khóc lóc. Lúc sau ông dừng tay. Ông bảo cứ cho đứng đấy, hết đêm đến sáng mai tính sau.

Ông nổi tiếng là người dữ đòn. Mẹ Áng biết rõ. Cả nhà cả họ cả làng đều biết rõ. Mẹ Áng đã từng bị nếm đòn không ít lần. Đến khi Áng lớn lên, cái đòn roi của bố Áng tìm được đối tượng mới là anh, lúc ấy mẹ Áng mới thôi không bị ăn đòn nữa.

Kẻ tội đồ bị trói đứng lâu, chân bị dồn máu nhức nhối, đau đớn, thỉnh thoảng tiếng rên rỉ yếu ớt vẳng lại. Quãng già nửa đêm, ông bố mệt quá lăn ra ngủ, thừa lúc đó bà mẹ lần đến chân cột, sờ được nút dây buộc, cởi trói cứu con.

Dây trói vừa tuột nút, bà cầm tay anh lôi ra sân. Bà kéo ra ngõ, nghẹn ngào bảo mày phải trốn khỏi cái làng này con ạ, ở nhà các cụ Hội đồng sẽ đánh mày chắc không còn đường sống. Nhà mình nghèo, bán cả nhà đi cũng không đủ tiền mà đền đâu.

Đi đi. Rồi sau này, tính sau. Giời thương, may ra bố mẹ có tiền chuộc, lúc đó con hãy tính đường về.

Thôi, con đi mau lên kẻo bố mày biết thì rầy to. Sáng mai ông ấy đem nộp mày cho quan viên thì không có đường mà sống đâu con.

Hai mẹ con khóc lóc một hồi rồi anh con trai ra đi. Từ bấy, anh không bao giờ dám trở lại cái làng quê ấy nữa.

Anh thanh niên tên Áng đánh vỡ lục bình bị ăn đòn đó chính là cụ nội của Thắng.

Bây giờ bức tượng vỡ toang vỡ hoác thế kia mà không có kẻ nào bị phạt vạ nhỉ?

3.

Thắng run như cầy sấy. Run đến nỗi nói không ra hơi. Tay cầm cái văn bản không chắc. Bắp chân bần bật muốn khuỵu hẳn.

Thắng bỏ tờ giấy xuống, bám hai tay vào mép bục. Thắng cố lấy can đảm đọc hết những câu cuối. Xin trân trọng cảm ơn… (Thắng định nói nốt cái câu người ta vẫn hay nói … các đồng chí đã lắng nghe, chúc sức khỏe các đồng chí nhưng Thắng hết hơi không nói nổi nữa).

Thắng có cảm giác nếu không mau mau kết thúc cái bài diễn văn này thì ngay trong giây lát thôi sẽ ngất trên bục. Lúc ấy sẽ không còn ra thể thống gì nữa.

Một tràng vỗ tay như thông lệ nổi lên giúp Thắng bình tâm trở lại. Anh thận trọng bước từng bước bấy bớt rời khỏi bục để xuống dãy bàn ngồi. Mồ hôi chảy hai bên thái dương thành dòng, rịn ra khắp lưng, chân gáy.

Một bàn tay chìa ra. Thắng đưa tay ra bắt. Hai bàn tay chìa ra. Thắng đưa tay ra bắt. Nhiều bàn tay dọc lối Thắng đi qua chìa ra. Thắng bắt như cái máy.

Ngồi xuống ghế. Thắng cảm thấy như từ không trung trở về mặt đất.

Thở phào. Hết tội hết nợ. Có gì đó không ổn. Bất giác, Thắng đưa tay xuống dưới hạ bộ. Đũng quần ướt nhẹp.

Hôm nay Thắng được nhận phần thưởng hình như được gọi là cao quý. Nói “hình như” là một cách nói thận trọng, bởi biết thế nào là cao quý, có thể cao quý với người này nhưng không cao quý, thậm chí thấp hèn với người kia. Nhưng ở đây không cần thận trọng. Thì rõ là danh giá rồi còn gì.

Bó đuốc chọn cột cờ. Đến mấy trăm con người, chỉ có Thắng là người được tưởng thưởng. Còn trẻ thế, còn nhiều cơ hội cống hiến thế mà đã ẵm phần thưởng nhớn thế này rồi thì chả mấy mà, ựm hừ, chả mấy…

Từ lúc bầu nọ bầu kia, Thắng chẳng biết người ta định làm gì mình. Lâu nay Thắng làm việc này việc nọ, viết này viết nọ, công bố này công bố nọ là do cái ý thích tự nhiên ở Thắng, chứ Thắng có phấn đấu phấn điếc gì đâu. Ấy thế mà Thắng được tôn xưng là học tập tấm gương bền bỉ không ngừng. Lạ nhỉ.

Mà đã được tôn xưng thì phải có “đít-cua”, tức là phải có diễn văn đáp từ. Thắng khổ sở về cái thứ này. Truy cập thông tin trên computer. Học hỏi mô hình tạo lập văn bản. Viết toàn những lời có cánh. Thắng đi lên bục như đi trong mơ. Không hẳn, mà như thể chứa đầy hiểm họa.

Rồi sự thể là bĩnh ra quần như vậy đấy.

4.

Tự nhiên người ta ra lệnh dỡ cái nhà gọi là hội trường đó. Họ dỡ để sửa/trùng tu, chứ không phải phá đi xây mới. Lệnh phát ra từ thủ trưởng.

Quái lạ, vẫn còn mới nguyên làm sao mà phải sửa. Nhiều câu hỏi đặt ra quanh bàn trà. Ô, mày trên trời rơi xuống à. Phá đi thì mới có cơ hội xà xẻo chứ. Chả lẽ cứ để nguyên thì ăn cám à. Ô, sao anh nghĩ xấu về người ta thế, mang tội.

Nghe thấy bảo, một hôm, ông thủ trưởng đang đọc đít-cua, tự nhiên có cái quạt trần rơi xuống, nó liệng sạt qua tai thủ trưởng. Hãi quá. Giá mà nó rơi trúng sọ thủ trưởng thì có mà về với giun rồi.

Toi đâu mà dễ thế. Cứ như ca sĩ T.H tầm cỡ diva đấy, quạt rơi trúng đầu, bây giờ các chương trình lớn người ta không dám mời nữa.

Là sao? Hát nhầm lời chứ còn sao. Ca khúc mà nhầm lời thì vứt.

Nhưng chưa hết. Lại bảo, trên hội trường sau đó, sát chân tường, nơi kệ bục phông màn linh tinh, tự nhiên có một đống mối đùn to như cái mả. Lúc nhúc những mối là mối. Mối cánh. Mối già. Mối trẻ. Mối non. Chắc là có mối chúa.

Người làm vệ sinh báo với trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng báo với trên. Cấp trên bẩm thủ trưởng.

Thôi rồi, mạt vận rồi, điềm gở rồi.

Đó đó. Cái quạt rơi suýt toi mạng là đó đó.

Tôi đề nghị triệu tập ngay cuộc họp. Đập. Đập. Xây lại. Thay hết các thiết bị.

Tiền à. Tiền không thiếu. Kinh phí cả năm đã giải ngân hết đâu. Để thế này có phen mất mạng. Nói dại, cái ông nào ở trên về mà bị quạt rơi vào đầu, người ta quy cho cơ quan mình âm mưu hạ độc, ám sát, thủ tiêu, triệt hạ… rồi đi tù cả nút. Tù mọt gông.

Làm ngay. Và luôn. Ưu tiên số một.

Nhớ chưa!?.

5.

Em ơi, nghe làm cứt gì. Chúng nó nói dối đấy. Đi thôi.

Vớ vẩn. Đi đâu? Anh thường xuyên trốn họp, người ta nói cho mấy lần rồi đấy.

Ô, nói thì nói, chứ đây sợ à. Việc giao cho vẫn cứ ngon lành. Việc nào giao vô lý thì xin kiếu. Không dây dưa. Không chọc ngoáy. Không nói xấu ai. Không tranh giành quyền lợi. Không thì thụt nịnh bợ. Không vi phạm những điều cấm không được làm. Thế thì anh sợ gì. Đúng là đồ gàn.

Gàn đấy. Nhưng thôi, đi đi.

Xong đã rồi đi. Làm gì mà máu thế.

Thị lườm một cái rõ dài.

Cuộc hội/ họp kết thúc. Hai người hẹn hò nhau, mỗi người một xe, không ai chở ai cho khỏi trêu ngươi. Đúng giờ ấy, quán ấy, nhà nghỉ ấy.

Hai chiếc xe máy không cùng xuất phát hòa lẫn vào dòng người đông nghịt. Chúng hân hoan góp phần vào bụi, vào tắc nghẽn, vào ô nhiễm, vào tai nạn.

Không sao.

Để lại đằng sau đít-cua. Để lại đằng sau bức tượng. Để lại đằng sau đống mối. Để lại những phiền toái công bộc. Để lại trời xanh.

Tất tật. Chúng dìu nhau vào cõi không người.

Chỉ ít phút nữa thôi, hai chiếc xe máy sẽ rẽ ngoặt vào con đường bí hiểm, chui tọt vào sảnh của một ngôi nhà bí hiểm, trong một khu dân cư bí hiểm.

Hai chiếc xe sóng đôi đặt cạnh bên nhau im lìm trong phận sự của những kẻ ngồi chờ.

                                                                                                              11.1.2012

                                                                                                                   V. G

Comments are closed.