Hãy ngồi xuống đây! (kỳ 18)

NGÀY 19-11-2012

“Ném đá văn hóa” và “văn hóa ném đá”

Hà Đình Nguyên

Hai cụm từ “văn hóa từ chức” và “sự tự trọng” đều bị “ném đá” trong mấy tuần qua. Tôi không xem sự ném đá là điều tiêu cực, mà xem đó là một loại hình văn hóa: “văn hóa ném đá”. Càng vui, vì tất cả đều là “văn hóa”.

Cụm từ “văn hóa từ chức” do ông nghị Dương Trung Quốc nêu lên ở Quốc hội để chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tóm ý hỏi rằng, ông Thủ tướng nghĩ gì về loại văn hóa nầy, và có ý định gì về việc từ chức Thủ tướng hay không? Với Đảng, ông nhận khuyết điểm và xin kỷ luật. Với Quốc hội, ông xin lỗi trơn! Có phải ông đã hành xử bên trọng, bên khinh? Ông Dũng trả lời rất hùng hồn, trôi chảy, ngon ơ, dứt khoát. Tóm ý trả lời rằng, đây là vấn đề giao và nhận, không phải là việc xin và cho, cũng không phải là đề và từ (đề nghị – từ chối), hùng hồn đến nổi cả Quốc hội ngớ ra, ngơ ngác. Ông Dũng đắc thắng! Có người “ném đá” ông Quốc, rằng ông đã dùng văn hóa làm chim mồi, tạo điều kiện để ông Dũng củng cố vai trò rất “chính chủ” của mình trong dư luận nhân dân. Tức là ông Quốc ném đá vào văn hóa. Lại có người khen ông Quốc dám đặt câu hỏi thẳng thắn, sát sườn, rất chi dũng cảm. Ông Quốc và các cụm từ đều bị ném đá! Thiết nghĩ, quan hệ “xin-cho” mang tính tự nguyện nên có yếu tố văn hóa. Quan hệ “đề nghị-từ chối”, cũng mang tính tự nguyện, nên cũng có yếu tố văn hóa. Nhưng quan hệ “giao-nhận” lại mang tính chất pháp lý. Một bên có quyền để giao, một bên có quyền, có bổn phận được nhận, như công ty giao nhận hàng ở kho hàng, ở bến cảng chẳng hạn. Cho nên, hình như ông Dũng muốn nói rằng, chẳng có vấn đề văn hóa gì ở đây cả! Nó thuần túy là việc giao nhận thôi. Có chút văn hóa gì chăng, là ở thái độ ứng xử nhiệt tình, lịch sự ở vẻ bên ngoài, bên trong thì không xác định được. Ông Quốc nêu, tiền nhân ta xưa, từng có việc “treo ấn từ quan”. Nhưng xin thưa, việc nầy hơi hiếm, không phổ biến lắm, nên có lẽ, nó chưa thành cái mà ta gọi là văn hóa từ chức. Ở phương Tây, loại “văn hóa từ chức” là có thật, nhưng vì là phương Tây, nên có lẽ, bởi lòng tự ái dân tộc mà ông Quốc ngại dẫn chứng? Ở đó có ứng cử, có bầu cử, tức có tự nguyện, là có yếu tố văn hóa. Nếu ai đó làm sai, làm không xong nhiệm vụ, lập tức bị giáng chức hoặc bị sa thải bởi quy định luật pháp, do cấp trên thi hành, hoặc nhân dân không tín nhiệm nữa. Thái độ từ chức, trước khi bị mất chức, là bày tỏ sự nhận lỗi về những gì mình đã làm không tốt, không xứng đáng. Thái độ tự biết mình trên cơ sở đúng sai và sau đó là tự xử, đó là thái độ văn hóa, ý thức tự giác nầy thoát ly khỏi tính chất pháp lý. Pháp lý sẽ đi bước sau, cái nhân văn đi trước, cũng là cách khuyến khích cái danh dự con người. Điều nầy sẽ được dân chúng thông cảm và có thể vẫn được sự quý trọng, dù khi đã mất chức. Thái độ từ chức của đương sự và sự khoan dung của xã hội, ngày càng phát triển rộng rãi, và trở thành thành tố văn hóa của một xã hội có văn hóa cao.

Đặt vấn đề “văn hóa từ chức” ở VN như ông nghị Quốc thì quá khó, vì nó quá tầm. Nơi đây, chức vụ được bán mua bằng tiền, bằng tình, bằng sự đầu tư lâu dài rất tâm huyết, về mối quan hệ đổi chác nhiều mặt, kể cả việc xây dựng phe phái, băng nhóm… Chúng ta chưa từng thấy xảy ra bao giờ, việc thi tuyển công khai về tuyển dụng nhân sự cho bộ máy nhà nước các cấp. Với con mắt nhân dân, chỉ thấy cán bộ bước ra từ trong bóng tối. Họ xuất hiện ở các cơ quan quyền lực lớn nhỏ, bằng cửa sau, bằng một thứ “hộ chiếu” bí mật nào đó, do Đảng dấm dúi đưa cho. Khi cán bộ làm hư hỏng công việc, hoặc không hoàn thành, thì dân được nghe rằng, năng lực của họ còn “hạn chế”, cần cho đi học thêm, đi “bồi dưỡng”tại chỗ, may mắn hơn nữa là được cơ quan cho sang Tây, sang Tàu chuyên tu, tập huấn (?!)… Họ vẫn tiếp tục là kẻ ăn lương, vẫn mang tước là cán bộ. Đằng nào thì cũng rất hả hê, họ không ngại ngùng khoa trương cái sướng do thanh thế của mình tạo nên.

Trong bối cảnh nầy mà ông Quốc đưa ra “văn hóa từ chức” thì “quá hớp” và lạc lỏng, đến nổi, người ta ném đá ông, vì cho rằng ông đã ném đá vào văn hóa, để sang trọng hóa trò chơi tung hứng. Vốn là thảo dân ở chốn xa xôi, chẳng biết đâu là sự thật, nhưng tôi thầm nghĩ: Quả thật, nếu cái văn hóa từ chức mà lên ngôi, thì từ chức nhiều lắm, còn ai làm! Cơ quan cũng vắng vẻ mà Quốc hội cũng đìu hiu. Bởi, có việc nào mà các cơ quan chức năng làm tốt công việc của mình không? Vừa qua, nhân dân cũng được thưởng thức những màn hí lộng ở Hội trường Quốc hội, chỉ nêu lên chút đỉnh tượng trưng: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bảo, khi vào quán ăn, phải hỏi trước nguồn gốc thịt bò, thịt gà, thịt heo nầy ở đâu, có nhiễm khuẩn không, sau đó mới quyết định ăn hay không ăn. Ông thực thà tin cậy vào tấm lòng thành của chủ quán, mà quên mất trách nhiệm của hàng loạt cơ quan chức năng? Hay ông đã bất lực, không lãnh đạo được bộ máy của mình nữa, nên không dám đề cập tới? Hoặc là Phó Thủ tướng biết rõ nguồn gốc thực phẩm độc nầy từ phương Bắc đưa vào mà ông thì không ngăn được? Bà Bộ trưởng Y tế thì bảo, bà con bệnh nhân chịu khó làm gương, không đưa phong bì đút lót cho cán bộ bệnh viện, chứ không biết cách gì khác làm cho cơ quan lành mạnh, bà còn nói thêm, lương họ thấp quá! Quyết liệt hơn nữa, là nếu thấy phong bì, hãy “chụp hình” gởi cho bà ấy! Loanh quanh lúng túng đến thế là cùng! Đá hết mọi chuyện về cho nhân dân, làm lãnh đạo như thế sướng quá! Các vị nói như đùa, nên chẳng trách xã hội ngày càng phát triển phong phú vè, ca dao tiếu lâm, chuyện vui cười râm rang trong các quán cà phê ở cả thôn quê và phố thị. Cái bầu không khí nói năng ỡm ờ trong các phiên nhóm ở hội trường quốc hội, thật là quá đáng! Nó là kết quả của cuộc đại chống tham nhũng của “Hội nghị Trung ương 6 tình-thương-mến-thương” đã lan tỏa ngoạn mục. Sở dĩ bà con ném đá vào cụm từ “văn hóa từ chức” là vì có liên quan với ông Thủ tướng, mà ông Thủ tướng thì lại liên quan tới sự cố đặc biệt, về hai chữ “Tự trọng” ở cái trường ĐHQG. Một câu nói thì ở Sài Gòn, một câu nói thì ở Hà Nội, kết lại thành một mệnh đề nổi bật ở một con người Thủ tướng!

“Văn hóa từ chức” có liên quan chăng, là liên quan tới “văn hóa tự trọng”, chứ nó có bà con gì với cái pháp lý “giao nhận” đâu!

Thảo dân tôi xin có hai đề nghị:

1) Nên chăng, nhân dịp hiếm có nầy – Thủ tướng đi thăm trường – đã để lại những lời dặn dò, động viên quý báu, giáo sư và sinh viên nên phát động cùng nhau nghiên cứu, làm tiểu luận, về đề tài nóng bỏng nầy, (nóng từ trường đại học cho đến Quốc hội), xung quanh mối quan hệ của “văn hóa từ chức” và “lòng tự trọng”, có lẽ đề tài sẽ rất phong phú, lại gắn liền với thực tiển xã hội, như Thủ tướng hôm ấy cũng có nhắc nhở…

2) Nên chăng ông nghị Dương Trung Quốc bỏ quách cái “văn hóa từ chức”, và “lòng tự trọng” nầy cho sinh viên nghiên cứu, ông chuyển sang cái phần gốc rễ hơn một chút, ấy là: “Văn hóa lãnh đạo”? Đề tài nầy chắc chắn là thu thập được rất nhiều đá để góp cho Trường Sa (Hoàng Sa thì chưa…). Nếu mà sinh viên có đủ hào hứng tham gia cùng, thì quốc gia, mai sau biết đâu, sẽ hưng thịnh!

Nhưng xin nhớ cho, “ném đá văn hóa”, phải có “văn hóa ném đá”!

Comments are closed.