Tiểu thuyết
Đặng Văn Sinh
PHẦN BA
Chương 17
1
Rừng A Cheo vào mùa này không hiếm nước nhưng phần lớn nữ thanh niên xung phong C9 thích đi hơn ba cây số đến suối Dakmay tắm, là vì nước ở đây rất trong, có những chỗ kín đáo, phù hợp với đặc điểm giới tính. Các bệnh nhân mắc chứng phá nước thi nhau gãi chỗ kín mà không sợ cặp mắt gian giảo của bọn đàn ông xăm xoi. Chị em còn cởi tuốt tuột quần áo, búi gọn tóc như một bầy tiên nga giáng trần thả sức nô giỡn trong một khung cảnh thiên nhiên lãng đãng như chốn Bồng Lai. Đó là những cô gái nông thôn đồng bằng Bắc bộ, tuổi mười tám đôi mươi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, háo hức vào Trường Sơn, làm nhiệm vụ cao cả của dân tộc là chống Mỹ cứu nước. Công việc của họ rất tạp nham nhưng chủ yếu là mở đường, đảm bảo giao thông, lấp hố bom và gùi hàng. Rừng Trường Sơn hoang sơ, hùng vĩ và đầy bí ẩn. Sau này, khi đã ra khỏi cuộc chiến tranh hai mươi năm, người ta mới hiểu được rằng, ngoài những thứ vinh quang có được bằng xương máu, đội quân trẻ tuổi cầm cuốc xẻng này còn ấp ủ trong lòng một niềm tin thần thánh về viễn cảnh tương lai mà không hiểu rằng, thời gian là cỗ máy khổng lồ huỷ diệt những ước mơ hão huyền và làm bạc đầu rất nhanh những kẻ có tâm trạng hoài cổ.
Thật ra mà nói, hiếm hoi lắm mới có những ngày lắng tiếng bom để các cô rủ nhau đi tắm tập thể. Thời gian của thanh niên xung phong không tính được bằng những loại lịch thông thường. Nó vừa là thời gian vật lý, lại vừa là thời gian tâm lý. Tất cả mọi hoạt động đều được đo đếm bằng những thiết bị đặc biệt mà cái động lực cho nó vận hành chính là chiến tranh.
C9 nằm trong khu rừng nguyên sinh phần lớn là loại cây săng lẻ và sao dầu. Lúc đầu đơn vị được biên chế một trăm hai mươi tám người, gồm một trăm lẻ hai nữ và hai mươi sáu nam do Chu Quang Sầm làm C (xê) trưởng. Thời kỳ mới tập kết, anh chị em ở theo đơn vị trung đội trong những chiếc lán lợp cỏ gianh hoặc lá móc rừng. Sang năm thứ hai, máy bay Mỹ phát hiện được ngầm chữ A, thường xuyên ném bom tọa độ nên tất cả đều chuyển xuống hầm. Đủ các loại hầm. Hầm chỉ huy. Hầm sinh hoạt tập thể. Hầm bếp và hầm ngủ. Hầm ngủ chỉ rộng đủ cho hai người, cùng lắm là ba. Trần lót bằng những đoạn cây cỡ bắp đùi, bên trên đắp lớp đất dày hơn một mét.
Ngủ hầm vài tháng thì da mặt phần lớn các “tiên nga” chuyển sang màu xanh nhợt. Ấy là dấu hiệu của thời tiết khắc nghiệt và bệnh sốt rét. Chưa đầy nửa năm, một số chị em đã rụng tóc, đầu chỉ còn lưa thưa vài sợi, phải đội khăn suốt ngày. Khổ nhất là những cô tuổi chưa quá hăm bốn hăm nhăm mà lại tự nhiên tắt kinh, ngực xẹp lép như con cá rô đực, suốt ngày mặt ủ mày chau, thở dài thườn thượt.
Chu Quang Sầm, ba mươi hai, cũng dân vùng Ba Tổng, vốn là trợ lý tiểu đoàn hậu cần được trung đoàn cử sang phụ trách đại đội thanh niên xung phong. Ông thân sinh ra Sầm là người kẻ Sộp, đến ngụ cư làng Quao, bị cánh hương lý chèn ép bắt làm mõ, mãi đến năm Quý Tỵ mới được giải nghệ vì mắc bệnh tràng nhạc, được hơn một năm thì mất. Một đêm Sầm bơi qua sông Lăng đến rừng Lạc Lâm xin vào làm bộ đội 974 là lực lượng địa phương quân của tỉnh lúc bấy giờ. Năm năm tư anh ta về làng Quao. Cô em gái làm mối cho anh trai một nữ cốt cán tên là Luyến. Hai người cưới nhau theo nghi thức đời sống mới. Rạp dựng tại sân đình do đội Khế làm chủ hôn. Đám thanh niên say sưa nhảy sol mi chẳng cần để ý đến nhịp, dẫm cả vào chân nhau kêu chí choé. Nhiều cô cậu mệt phờ, toát mồ hôi hột, ra bể nước mưa uống ừng ực. Trong lúc đám cưới cử hành có một thủ tục bắt buộc cô dâu chủ rể phải bắt tay nhau. Cô Luyến giả bộ e thẹn không dám nhìn thẳng vào chồng. Mấy hôm sau anh ta mới cay đắng nhận ra, mắt của vợ có một vết nhài quạt.
Người dong dỏng cao, ngực nở, lông mày rậm đen nhánh, tóc dài, nếu không có chút khiếm khuyết về mắt, chắc chắn Luyến là người phụ nữ hoàn hảo nhất làng Quao. Hình như được thừa hưởng ở mẹ tính đồng bóng, cô ta đầu mày cuối mắt với hết lượt cán bộ Cải cách, làm khối anh chết mệt, thề thốt hứa hẹn hươu vượn đủ điều, nhưng hầu như rất ít chàng si tình chạm được vào người đẹp. Duy chỉ có đội Khế. Một lần anh ta ngồi sau Luyến trong đêm chiếu bóng ở trường bắn đồng Cò. Đó là một bộ phim của điện ảnh Xô Viết, có cảnh anh lính Hồng quân hôn môi cô nông trang viên mà người phụ trách máy chưa kịp đưa tay che ống kính. Thế là đội Khế luồn tay vào trong yếm cô cốt cán mân mê đôi oản bụt. Luyến oằn người như có dòng điện lan nhanh khắp cơ thể, định đẩy ra nhưng không hiểu sao lại để yên.
Bàn tay dạn dĩ kia trơn như con rắn, tưởng bở, vừa luồn xuống dưới, chạm vào cạp quần thì bị ngay một cái tát, dù là không đau nhưng hẳn là phải nhớ đời. Tuy nhiên, Khế không biết ngượng là gì. Hôm sau gặp cô cốt cán trong cuộc họp bình xét thành phần, anh ta vẫn thản nhiên cười nói xem như tối hôm qua chẳng có chuyện gì xảy ra.
Đêm đầu tiên, dù rất đau nhưng Luyến vẫn làm cho Chu Quang Sầm phát khiếp. Người mệt phờ, vừa thiu thiu ngủ anh đã bị vợ cấu vào sườn bắt làm phận sự của người chồng. Khoảng một tuần sau, còn nhớ, lúc ấy đã quá nửa đêm, Sầm đi soi ếch về, buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài nhưng Luyến vấn thức chờ. Anh chồng vừa lên giường, cô vợ đã cởi quần áo ôm riết lấy chồng, thì thầm:
– Nào!
– Tôi buồn ngủ lắm.
Luyến sụt sịt khóc:
– Mấy hôm nữa phải đi rồi, anh không thương em sao?
Cực chẳng đã, Sầm phải chiều cô ta. Anh ta ì ạch leo nên bụng vợ bỗng cảm thấy toàn thân nhẹ bẫng, trong lòng không còn cảm giác ham muốn gì, vì cái công cụ dùng để thực thi nghĩa vụ truyền giống lúc này đã hoàn toàn bất lực. Đêm ấy và cả mấy đêm sau nữa trước khi Sầm trở về quân ngũ cả hai vợ chồng đều khóc. Tiếng khóc của họ nghe rất lạ tai không giống bất cứ nỗi uất ức nào trên đời.
Mắc chứng bất lực nên mấy năm liền Chu Quang Sầm không về thăm vợ. Anh ta viết thư về khuyên Luyến đi lấy chồng khác để khỏi lỡ một đời con gái. Luyến chần chừ mãi, cố ý chờ xem Sầm có chữa khỏi bệnh không, nhưng rồi một lần anh ta gửi đơn ly hôn về. Năm sau cô ta lấy đội Khế, lúc ấy đang làm phó phòng Tổ chức huyện. Vợ trước của Khế vừa già vừa xấu, một sáng thức dậy đã thấy chết cứng trên giường, người ta nghi Khế là thủ phạm, nhưng không tìm được chứng cứ. Sau những đổ vỡ trong gia đình, Chu Quang Sầm trở thành con người sắt đá.
Anh ta đối xử với đồng đội vô cùng nghiệt ngã nhất là trong quan hệ nam nữ. Hễ nhìn thấy cô cậu nào có biểu hiện tình ý với nhau là Đại đội trưởng gọi lên nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ xử lý kỷ luật. Thuỳ Dung, quê Thuỵ Anh Thái Bình, đang học dở lớp chín thì viết đơn đi thanh niên xung phong, dáng người như diễn viên múa, mắt lúng liếng sống rất mơ mộng. Một lần Dung đi hái măng trong rừng Bầu Sao bắt gặp anh chàng” nghệ sĩ” Dóp đang tha thẩn dọc bờ suối tìm vần điệu cho bài thơ “Đêm lấp hố bom” ca ngợi vẻ đẹp của thanh niên xung phong Trường Sơn. Chủ nhật, đơn vị nghỉ nửa buổi. Phần lớn đội viên tranh thủ tắm giặt, chỉ có những kẻ lãng mạn và lười như hủi mới rủ nhau vào rừng, mà đã là lãng mạn thì tâm hồn bay bổng trên chín tầng mây, chẳng cần nghĩ đến quần áo sạch hay bẩn, người tắm từ hôm nào. Dóp vừa đi vừa lẩm bẩm:
Sao trời rơi xuống cung đường
Đêm A Cheo nghiêng ngả
Rừng Trường Sơn lung linh ngàn mắt lá…
Anh ta chưa đọc được câu kết thì Thuỳ Dung đột ngột xuất hiện nói rất ngọt:
– Anh làm thơ hay quá.
Dóp giật mình, dòng suy nghĩ bị gián đoạn nhìn cô gái ngập ngừng:
– Thơ con cóc ấy mà, em nghe làm gì.
– Ứ! Em thích thơ lắm, lúc nào phải chép cho em mấy bài.
Nói rồi Thuỳ Dung bước đến gần đặt hai tay lên vai Dóp chìa môi ra, thì thầm:
– Hôn em đi!
Nhà thơ nghiệp dư bỗng nhiên rơi vào tình thế khó xử trước hành động táo bạo của cô thanh niên xung phong đâm lúng túng:
– Tôi… Tôi không biết…
Thuỳ Dung càng được thể, rướn người áp vào môi Dóp. Nhà thơ như chợt tỉnh giấc mơ tiếp nhận tình cảm hoàn toàn theo bản năng, ghì chặt cô gái vào ngực một cách tự nhiên. Một cái hôn dài vô cùng đắm đuối làm cơ thể hai người như tan ra hoà vào nhau chẳng còn biết trời đất gì nữa. Đó cũng là lần đầu tiên Dóp được biết da thịt đàn bà. Tuy nhiên cuộc dạo chơi của hai người không qua được mắt cô Thuyên lúc ấy cũng đang lảng vảng trong rừng. Thuyên người tròn như hạt mít, tính hay thóc mách, là thám tử số một của Đại đội trưởng. Nhìn thấy sự lạ bên bờ suối, cô ta nghĩ trời sắp sập vội chạy về báo ngay cho Chu Quang Sầm. Tối hôm ấy, Đại đội trưởng gọi Dóp và Thuỳ Dung vào hầm viết kiểm điểm. Sau nửa giờ, tờ giấy xé từ quyển vở kẻ ô ly để trên chiếc bàn tre vẫn không có một dòng chữ. Sầm không ngờ đôi trai gái lại ngoan cố đến như vậy, bắt đầu lên giọng quở trách:
– Các đồng chí có biết mình vừa phạm khuyết điểm về mặt đạo đức không?
Thuỳ Dung vốn có thừa kinh nghiệm trong những tình huống như thế này nên ứng đối rất trôi chảy:
– Thưa Ban chỉ huy, lúc chiều tôi đi hái măng, tình cờ gặp đồng chí Dóp ở bờ suối, đứng lại nói chuyện mấy câu chẳng lẽ như vậy là phạm khuyết điểm sao?
Dóp hiểu được tình thế lúc này, tốt nhất là phải chối biến, liền tiếp lời cô bạn:
– Đồng chí Dung nói đúng. Chúng tôi ngẫu nhiên gặp nhau, quan hệ bình thường, chẳng có gì khuất tất mà phải làm kiểm điểm.
Chu Quang Sầm đập tay xuống bàn:
– Rõ ràng có người nhìn thấy hai đồng chí ôm hôn nhau về báo với tôi thế mà còn cố tình cãi. Tinh thần đấu tranh phê và tự phê để đâu rồi?
Thuỳ Dung cười nhạt:
– Anh chị em thanh niên xung phong có phải tội phạm đâu mà phải cử người theo dõi. Tôi đề nghị đưa họ ra đây để xem kẻ giấu mặt ấy là ai mà dám cả gan vu khống, xúc phạm đến danh dự đồng đội.
Đại đội trưởng nghiêm mặt:
– Cô Dung nói năng phải cẩn thận. Cô định ám chỉ ai đấy hả? Các đồng chí nên nhớ, lúc này nhiệm vụ hàng đầu là thông đường, thông tuyến, đảm bảo xe qua an toàn, góp phần vào công cuộc chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trước mắt còn nhiều khó khăn, phải tạm quên đi hạnh phúc cá nhân, hy sinh tình cảm riêng tư vì nghĩa lớn của dân tộc. Đó mới là thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. Các đồng chí thử nghĩ xem, ở đơn vị ta, nếu mọi người đều sống buông thả, luyến ái tự do, chẳng may phĩnh bụng ra thì ăn nói thế nào với cấp trên và gia đình? Tôi nhắc lại, đây là rừng Trường Sơn chứ không phải buồng hạnh phúc. Anh chị nào léng phéng với nhau, tổ chức biết sẽ phải khai trừ Đoàn, đuổi khỏi đơn vị, gửi giấy về địa phương.
Dứt mạch diễn thuyết về luyến ái quan cách mạng và tinh thần ba sẵn sàng của thanh niên xung phong, Chu Quang Sầm bất ngờ quay về chủ đề cũ:
– Hai đồng chí nghĩ kỹ lời của tôi rồi viết kiểm điểm, chiều mai mang nộp, nếu không Ban chỉ huy buộc phải xử lý kỷ luật.
Trên đường về hầm, Dóp bảo Thuỳ Dung:
– Tình hình này là phải nhận… khuyết điểm rồi.
– Sợ gì. Anh đừng có mắc lừa hắn. Em đã có cách.
Quả nhiên, tối thứ bẩy, trong buổi sinh hoạt thường kỳ, Chu Quang Sầm đưa sự kiện nhà thơ Dóp và nữ đội viên Thuỳ Dung ôm hôn nhau trong rừng Bầu Sao sau khi đã hội ý chi uỷ và ban chấp hành Đoàn. Lê Văn Nghiên lúc ấy đã ba mươi hai, quá tuổi nhưng cũng được mời họp với tư cách A trưởng phụ trách tổ mìn. Mở đầu, Bí thư Hoàng Thị Chăm, một cô gái có thân hình lực sĩ quê vùng chiêm trũng Hà Nam, chân tay thô ráp, đứng lên nêu lý do cuộc họp.
Sự việc được cô ta trình bày lộn xộn bằng một mớ từ ngữ ít ỏi lại thiếu chính xác, làm cho chị em ngớ người ra, chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào, đến nỗi Đại đội trưởng phải gắt lên:
– Đề nghị đồng chí trình bày ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.
– Báo cáo các đồng chí, tình hình là thế này. Chiều hôm chủ nhật có người nhìn thấy anh Dóp và cô Dung hôn nhau trong rừng. Ban chỉ huy yêu cầu làm kiểm điểm nhưng họ vẫn cố tình chối cãi, nhất là cô Dung còn có những lời vô tổ chức, vì vậy, chúng tôi buộc phải đưa ra trước tập thể để các đội viên góp ý giúp đỡ.
Nhà thơ Dóp có vẻ ngượng, cúi đầu suy nghĩ còn cô Dung mặt vênh vênh, giơ tay rất cao nói to:
– Tôi xin có ý kiến.
Chu Quang Sầm chặn ngang:
– Cô Dung chưa được nói để chị em góp ý kiến trước đã.
– Việc này có liên quan đến tôi, vì vậy đề nghị đồng chí xê trưởng cho biết, ai đã nhìn thấy chúng tôi hôn nhau, sau đó hãy bàn chuyện tiếp theo.
Lúc này buộc phải đi con bài cuối cùng, nếu không sẽ mất hết uy tín của Ban chỉ huy – Chu Quang Sầm vừa nghĩ vừa liếc mắt về phía Thuyên hạt mít. Cô này hơi lắc đầu nhưng rốt cuộc cũng phải đứng lên gỡ thế bí cho Đại đội trưởng:
– Chính mắt tôi nhìn thấy đồng chí Dóp và đồng chí Dung hôn nhau trong rừng.
Cô Trâm người Việt Trì, chẳng thân thiết gì với Thuỳ Dung nhưng từ lâu, vốn ghét hạt mít hay xét nét chị em tâng công thủ trưởng liền đứng dậy chẳng cần xin phép:
– Đồng chí Thuyên cho biết hai người hôn nhau như thế nào?
Bên dưới lác đác có vài tiếng khúc khích bị nén lại nhưng rồi gần như không nhịn được nữa, tất cả chị em đều cười phá lên làm Hoàng Thị Chăm phải quát:
– Đề nghị trật tự!
– Đồng chí xê trưởng thấy đấy. – Trâm cao kều đưa mắt nhìn khắp lượt các đội viên rồi thong thả nói tiếp – Cái sự nam nữ hôn nhau, nếu vì thế mà ảnh hưởng đến tình đoàn kết của phe Xã hội chủ nghĩa, hoặc đế quốc Mỹ kéo quân vượt sông Bến Hải ra miền Bắc thì tôi đề nghị phải đưa đồng chí Dóp và đồng chí Dung ra truy tố trước pháp luật, phạt tù chung thân hoặc tử hình. Tôi nghĩ hôn là một trong những biểu hiện tình cảm đẹp nhất, xúc động nhất của con người văn minh, chẳng ảnh hưởng gì đến nền hoà bình thế giới mà còn có lợi cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Chúng ta sẵn sàng hy sinh bản thân vì sự sống của con đường, vậy thì lý do gì mà đồng chí xê trưởng lại cử một kẻ chuyên ngồi lê đôi mách, tư cách thấp kém lén lút theo dõi đồng đội đi với nhau để tổ chức cuộc họp vô bổ chỉ vì một nụ hôn?
Trâm vừa nói xong, chị em vỗ tay rào rào tán thưởng. Cô Hoan, sốt rét rụng nửa mái tóc nhưng đôi mắt bồ câu vẫn long lanh, rất yêu đời, đã được anh lái xe đoàn 559 hò hẹn hồi cuối tháng trước, đứng lên tuyên bố:
– Tôi đề nghị cô Thuyên bỏ ngay tính xấu hay rình mò đồng đội đi. Nói thật, nếu được một người đàn ông ôm riết lấy mình, ghì đến tức thở dù trời sập tôi cũng chẳng cần.
– Yêu cầu các đồng chí không được nói tếu! – Chu Quang Sầm mặt nặng trịch nhìn Đại đội phó Bàng Thị Chuyên cầu cứu, nhưng cô này cứ tảng lờ, có lẽ còn đang cố tưởng tượng xem vị ngọt ngào và run rẩy của những chiếc hôn mà mình chưa bao giờ nhận được từ một người khác giới kỳ diệu như thế nào. Lúc bấy giờ Lê Văn Nghiên mới đứng lên:
– Các đồng chí nói rất đúng. Giữa cái sống và cái chết trong cuộc chiến tranh này, một nụ hôn có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ta không nên cấm đoán tình cảm tự nhiên của con người mà phải nâng đỡ, hướng dẫn phát triển đúng quy luật, phù hợp với những giá trị đạo đức truyền thống. Tôi xin kể cho mọi người nghe câu chuyện có thật cách đây hơn một năm về một người con gái. Hồi ấy tôi đang ở C23 trên đường 34. Đấy là đoạn ngầm qua suối Đa Linh mới được mở từ đầu mùa khô tránh phải vượt đèo Sừng Bò. Trung đội thanh niên xung phong phụ trách đoạn ngầm này do cô Tuyên chỉ huy. Họ giữ an toàn được hơn hai tháng thì bị lộ. Thế là mỗi ngày có ít nhất bốn lượt máy bay quần đảo trút đủ các loại bom xuống cung đường hẹp chưa đầy tám mươi thước. Trong số chị em bám trụ ở đây có cô Mai da trắng tóc dài, mắt đen xinh như văn công. Hôm ấy, sau khi tiểu đội hai vá xong quãng ngầm phía bờ nam bị bom phá buổi trưa thì trời sẩm tối. Chị em vừa leo lên dốc bất chợt có ba chiếc máy bay từ phía biển vào, chúi xuống lần lượt cắt bom rồi biến đi rất nhanh. Tất cả đều không kịp xuống hầm. Sau hơn một giờ đào bới người ta chỉ lôi lên được những xác chết không còn nguyên vẹn. Riêng cô Mai, bị mảnh bom chém ngang sườn, máu loang ra ướt đẫm nửa người làm mặt cô nhợt nhạt, đôi môi se tím nhưng vẫn còn tỉnh táo nói thầm:
– Các chị ơi, em mới mười tám tuổi, chưa được biết thế nào là… một nụ hôn.
Tôi còn nhớ, lúc ấy mọi người đều rưng rưng nước mắt nhìn nhau. Thế rồi đồng chí Hoa, nữ Đại đội trưởng thấy anh kỹ sư trẻ Trần Cường của đội khảo sát thiết kế lúc ấy cũng có mặt trong đội cứu hộ liền đưa mắt khẽ bảo:
– Anh Cường…
Không còn thời gian nữa, tôi đẩy Trần Cường lên phía trước. Cậu ấy ngập ngừng một lúc rồi cúi xuống khẽ chạm vào môi Mai. Mắt cô gái lúc ấy như có ánh hào quang, sáng lên một cách lạ kỳ. Hai cặp môi gắn chặt lấy nhau. Nụ hôn kéo dài dường như vô tận. Tôi đứng ngoài mà người run lên bởi những xung đột tình cảm vì trong đời chưa bao giờ chứng kiến một hoàn cảnh bi tráng như vậy. Mấy phút sau, Mai bình thản ra đi. Trần Cường lặng lẽ vuốt mắt cho cô ấy trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Nghiên kể xong tất cả đều lặng đi. Không ai nói với ai một lời. Họ âm thầm dắt nhau về. Nhà sinh hoạt chỉ còn lại Chu Quang Sầm và Thuyên hạt mít. Họ thất bại thảm hại, nhưng cái chính là đã nhận được bài học về quy luật tự nhiên của tình cảm con người, một thứ tình cảm mà từ lâu họ đã đánh mất bởi những thứ nhân sinh quan méo mó, bệnh hoạn.
2
Nhưng bản chất con người khó thay đổi, nhất là thứ bản chất ấy được lồng trong động cơ cá nhân mà mục đích của nó chỉ để thoả mãn tính ích kỷ nhỏ nhen. Suốt đêm ấy Chu Quang Sầm không ngủ. Chốc chốc anh ta lại ngồi dậy hút thuốc lá và suy nghĩ cách trừng phạt những đội viên đã làm mình mất mặt trong cuộc họp.
Ba hôm sau, lấy cớ là tăng cường đảm bảo giao thông, Đại đội trưởng chuyển Lê Văn Nghiên ra làm A trưởng A5 phụ trách thông xe ngầm chữ A. Thuỳ Dung và Trâm kều bị điều lên dốc Ngựa Trời là một sườn núi cao chênh vênh, heo hút, rất lắm vắt. Các cô ở chưa được một tuần đã khóc dở mếu dở vì không có nước, đến ngày hành kinh khổ vô cùng. Trâm nhăn nhó bảo Thuỳ Dung:
– Đây chính là cái giá mà chúng ta phải trả.
Thuỳ Dung gật đầu:
– Tớ đã làm liên luỵ đến cả các cậu.
Số nam thanh niên đã ít lại cứ hao dần. Có trận bom mất đến bốn đội viên.
Nhiều chị em tình nguyện xin ra ngầm chữ A nhưng Chu Quang Sầm vẫn lạnh lùng điều người theo ý anh ta. Ở dốc Ngựa Trời, cứ một tuần chị em lại phải về đơn vị gùi gạo và thực phẩm. Cuối tháng chín, mưa kéo dài, nước trên nguồn dồn về, lũ suối, chị em phải ăn sắn trừ bữa. Một hôm các cô rủ nhau vào rừng bắt cua đá, Hà Thị Khuy bị rắn lục cắn vào mang tai. Thuỳ Dung và Trâm đưa về đến lán thì lên cơn co giật chết.
Mùa mưa trong rừng A Cheo làm tất cả mọi thứ, kể cả con người đều ẩm mốc. Không khí ướt sũng nước. Đường nhão nhoét và các loại bệnh ghẻ lở làm chị em sinh ra cáu bẳn nhất là những cô tự nhiên mất kinh. Suốt ngày họ phải mặc những bộ quần áo đang lên men mà không được nhóm lửa hơ vì sợ khói bốc lên, máy bay ném bom bất ngờ. Cô Toan bị ghẻ nước, suốt ngày ngứa ngáy, luôn tay gãi, mếu máo bảo mấy chị A1:
– Dưới hầm khó chịu lắm đêm nay em cứ mắc võng ngủ bên trên.
Chị Thắm mắng:
– Mày muốn chết à?
– Còn hơn là ngứa. – Mặt cô gái trẻ khó đăm đăm – Chị xem, cứ gãi xoành xoạch thế này, da sần sùi như da cóc, may mà còn sống về làng cũng chẳng ma nào nó rước.
Dốc Ngựa Trời thực chất là một đoạn đường vòng tránh ngầm chữ A qua thượng nguồn suối Da’krai. Rừng ở đây rậm rạp, phần lớn là loại sao trắng, săng lẻ và chìa vôi mọc rất ngang hàng thẳng lối như là được bàn tay con người trồng từ thủa hồng hoang. Phía đường ngầm, cây cối bị bom phát xơ xác, đất đá cày nham nhở thực sự là bãi chiến trường thì vùng Bầu Cạn, khỉ vượn vẫn đánh đu trên cành kiếm những quả vú vò chín đỏ, ngồi vắt vẻo, chén ngon lành. Chim bắt cô trói cột ở đây nhiều vô kể. Chúng không hót đồng loạt mà thay nhau gào lên như một cuộc chạy tiếp sức bằng âm thanh ầm ĩ, náo loạn không bao giờ ngừng.
Lê Văn Nghiên đã nhiều lần đề xuất với Chu Quang Sầm cho hạ thấp dốc Ngựa Trời làm phương án hai, phòng khi lũ suối hoặc máy bay tăng cường ném bom thì sử dụng vừa đảm bảo giao thông vừa an toàn tính mệnh. Đại đội trưởng lắc đầu:
– Muốn xe trọng tải nặng qua được dốc Ngựa Trời phải đào hàng ngàn mét khối đất đá, xê ta không đủ sức, phải xin cấp trên tăng cường nhân lực, mà theo tôi được biết, tiểu đoàn đang rất thiếu người, họ không quan tâm đến cái sáng kiến phiêu lưu mất thời gian của anh đâu.
Nghiên vẫn kiên trì thuyết phục tay Đại đội trưởng cố chấp:
– Anh cứ báo cáo với tiểu đoàn đi. Tôi đã tính toán rồi, chỉ cần hai tháng là mở xong con đường này.
– Đã bảo là cấp trên không đồng ý, các anh đừng nhắc đến chuyện ấy nữa.
Mấy hôm sau nhà thơ Dóp cũng bị điều ra ngầm chữ A, Lê Văn Nghiên hỏi:
– Các cậu hôn nhau như thế nào mà để con Thuyên nó nhìn thấy?
Dóp có vẻ ngượng đành phải nói thật:
– Lúc ấy em đang mải làm bài thơ Đêm lấp hố bom bất ngờ cái Dung từ suối đi lên, nó bảo muốn được hôn, thế là em phải…
Nghiêm tủm tỉm cười:
– Hiểu rồi, cậu là nhà thơ nhưng vẫn còn tồ lắm.
Cuối tháng mười, Chu Quang Sầm lại cử thêm Hạnh và Là lên dốc Ngựa Trời. Như thế là tổ gùi hàng đã tăng lên bẩy cô. Lê Văn Nghiên bàn với Sầm:
– Công việc chuyển hàng nặng nhọc nên để nam giới làm. Tôi đề nghị chuyển chị em xuống dưới này.
Đại đội trưởng trừng mắt:
– Các đồng chí sợ chết phải không?
– Nếu sợ chết chúng tôi đã chẳng trụ ở đầu ngầm mấy tháng. – Nghiên nhìn thẳng vào Chu Quang Sầm, dằn từng tiếng – Bên bộ đội cho biết, bọn thám báo đã xuất hiện ở vùng này. Các đồng chí đưa toàn phụ nữ lên trên ấy, nếu có chuyện gì xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?
Sầm cười gằn:
– Đồng chí chẳng nên lo xa. Bọn nặc nô ấy, trời không sợ, đất không sợ, sợ gì thám báo?
Bàng Thị Chuyên lắc đầu bảo:
– Tại sao anh lại cứ có thành kiến mãi với chúng nó như thế?
Đại đội trưởng lạnh lùng nói:
– Công việc là trên hết.
– Thế còn tình người?
– Làm việc phải dựa trên nguyên tắc. – Chu Quang Sầm hằn học bảo – Với những đối tượng đã vô kỷ luật lại còn hay cãi láo như thế, bỏ rơi nguyên tắc là loạn ngay.
Khoảng nửa tháng sau, một đêm vào lúc gần sáng, từ dưới hầm, Ngô Thị Tuệ và Nguyễn Thanh Hoan nghe có tiếng rên rỉ vọng xuống. Hai chị em vội kéo nhau trèo lên. Trước mặt họ là Thuỳ Dung, tóc tai rũ rượi, quần áo tả tơi, một bên vai bị toạc. Vết thương rộng gần hai đốt ngón tay đang chảy máu. Tuệ tái mặt vội chạy về báo Ban chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hoan nâng đầu Thuỳ Dung lắc nhẹ, giọng lập cập:
– Dung… Dung ơi! Làm sao thế này?
– Thám … báo.
Ba tiếng súng báo động, anh chị em vội kéo nhau chạy về phía dốc Ngựa Trời. Một cảnh tượng khủng khiếp bày ra trước mắt làm Bàng Thị Chuyên khóc nấc lên:
– Trâm ơi, Hạnh ơi, Là ơi! Sao lại đến nỗi này?
Ngay dưới gốc cây săng lẻ gần miệng hầm, Trâm kều thân hình loã lồ, đầu ngoẹo về một bên, cặp mắt mở trừng trừng như vẫn còn đau đớn sau khi bị lưỡi dao găm cắm vào yết hầu. Hoàng Thị Hạnh, con gái Quảng Xương, Thanh Hoá mới hai mươi mốt, chơi mandolin rất hay, bị bóp cổ cho đến chết, trên người cũng không mảnh vải. Thảm thương nhất là Mai Thị Là. Chắc là cô chống cự quyết liệt nên hung thủ cứa dao ngang cổ họng. Nạn nhân nằm ngửa, một chân co lên, tay phải nắm chặt con dao bằng sắt máy bay.
Buổi chiều hôm ấy C9 tổ chức chôn cất những người bị nạn. Chu Quang Sầm thay mặt Ban chỉ huy đọc những lời vĩnh biệt. Nhìn thấy anh ta cũng sụt sịt, thậm chí còn lấy ống tay áo quệt ngang mặt, Lê Văn Nghiên ghé tai nhà thơ Dóp thì thầm:
– Cậu có tin những giọt nước mắt kia không?
Dóp thản nhiên bảo:
– Nước mắt cá sấu.
Đám chị em như gà phải cáo. Từng nhóm ba bốn cô ngồi bên nhau khóc tấm tức. Đối với Trâm, Hạnh, Là coi như xong một kiếp người, nhưng mà nghĩ lại thấy xót xa đau đớn quá. Họ còn trẻ và cũng như cô Mai ở đường ngầm Đa Linh kia, chưa biết đến một nụ hôn.
* *
*
Đầu tháng mười một, vết thương của Thuỳ Dung đã khỏi nhưng từ đấy suốt ngày lầm lì chẳng nói với ai một câu. Cô nhìn mọi người bằng cặp măt trống rỗng thỉnh thoảng ánh lên những tia man dại.
Hôm ấy là thứ tư. Gần nửa đêm có bóng người thấp thoáng phía đầu nhà bếp như là đang đổi gác. Hai người bịt khăn kín mặt chui vào hầm chỉ huy bấm tay Chu Quang Sầm:
– Dậy! có lệnh khẩn.
– Cái gì? – Sầm tưởng mình đang ngủ mê, ú ở hỏi:
– Tiểu đoàn yêu cầu về gấp nhận nhiện vụ mới.
Anh ta định hỏi tiếp thì bất chợt một vòng dây dù đã quàng vào hai tay. Người bịt mặt thứ hai ấn vào miệng xê trưởng cuộn giẻ bằng nắm tay rồi kề mũi dao găm vào cổ đẩy ra ngoài. Họ dẫn Chu Quang Sầm về phía nhà vệ sinh, kéo vào rừng Bầu Sao, chừng nửa giờ thì đến sườn bên kia dãy Cô Tiên. Từ đây có thể nhìn rõ ngầm chữ A, lúc này một nửa A5 vẫn còn đang khênh đá lấp chỗ bom phá hồi chiều.
Chu Quang Sầm trực chỉ huy từ sáu giờ chiều đến mười hai giờ đêm, sau đó đến ca của Bàng Thị Chuyên. Lúc bị lôi đi có lẽ anh ta mới chỉ vừa chợp mắt. Phía dưới, những chiếc xe ngụy trang kín mít lần lượt qua ngầm. Bốn giờ hai mươi. Chiếc xe cuối cùng đã lên khỏi đường ngầm. Anh chị em vừa rút quân về thì những kẻ lạ mặt lôi Chu Quang Sầm qua suối ngược lên sườn núi phía nam. Chỗ này ngày nào cũng bị đánh bom nhưng không hiểu sao vẫn còn một cây chò trắng cụt ngọn, vỏ tróc hết đứng chơ vơ giữa một khoảng đất đá đỏ quạch, ám khói. Họ trói Đại đội trưởng vào cây chò bằng những vòng dây dù pháo sáng, tạm thời bỏ cuộn giẻ khỏi miệng cho anh ta nhìn rõ từng người một. Đó là ba cô gái: Thuỳ Dung, Tuệ và Thắm. Anh ta còn nhớ bọn người trói mình rõ ràng là đàn ông vậy mà tại sao bây giờ lại thế này? Thuỳ Dung bật chốt an toàn khẩu AK báng gập chĩa vào Chu Quang Sầm vừa khóc vừa nói:
– Nhân danh những nữ đội viên bị làm nhục và chết oan, tôi tuyên án xử tử Chu Quang Sầm về tội vô trách nhiệm trước tính mạng con người.
Mặt tay Đại đội trưởng xám ngoét. Anh ta cất giọng van vỉ rất thảm hại:
– Tôi có tội thật nhưng không cố ý, xin các đồng chí tha mạng.
Thuỳ Dung quát lên:
– Nếu nghe lời anh Nghiên không đưa chúng tôi lên dốc Ngựa Trời thì làm gì đến nỗi cái Trâm, cái Hạnh, cái Là chết. Còn nữa, vì thù hằn cá nhân mà anh bắt anh Quốc, anh Thoan, anh Đoàn ra ngầm chữ A vào giờ cao điểm để họ dính bom toạ độ. Chu Quang Sầm, từ lâu anh không còn là đồng đội của chúng tôi, mà là kẻ thù, hiểu không?
Ngón tay Thuỳ Dung vừa định nhấn cò khẩu AK 47 Vũ Thị Thắm vội ngăn lại:
– Cậu bắn làm gì cho bẩn tay, các anh ấy dặn, cứ để hắn ở đây, chỉ một lúc nữa thôi, lũ máy bay Con ma đến giải quyết gọn hơn.
Nói rồi Thắm cầm nắm giẻ ấn mạnh vào mồm Chu Quang Sầm. Anh ta ú ớ muốn nói điều gì đó nhưng ba cô con gái đã xuống đến đầu ngầm. Cả bọn vừa sang đến bên này, Lê Văn Nghiên và Dóp đã đứng chờ trong một chiếc hầm kèo. Lúc ấy Thắm mới bảo:
– Cái Dung xuýt nữa làm hỏng việc. Anh Nghiên đã dặn thế nào mà cậu định bắn?
Thuỳ Dung vẫn còn khá căng thẳng sau vụ chết hụt ở dốc Ngựa Trời:
– Tôi căm thù Chu Quang Sầm. Tay này không giải quyết nhanh, trong vòng mấy tháng nữa hắn sẽ xoá sổ toàn bộ C9.
Lê Văn Nghiên thở phào vì đã thoát hiểm:
– Tôi đã nói, cứ để máy bay Mỹ thanh toán hắn là tốt nhất. Giả sử lúc ấy Thùy Dung gây ra tiếng nổ, mọi người thức dậy kéo đến hiện trường thì tất cả chúng ta phải ra toà án binh.
Mới sáu giờ sáng, bọn F105 đã kéo đến. Đầu tiên chúng xếp theo hình chữ V, gần đến A Cheo thì tách ra hai tốp. Tốp đầu, ba chiếc bay rất thấp , gầm rú như để uy hiếp tinh thần đối phương rồi lao vút qua, không thả bom. Tốp thứ hai năm chiếc xếp hàng dọc lần lượt hạ độ cao cắt bom theo trình tự rất bài bản của không lực Hoa Kỳ. Tốc độ vọt lên cao của phản lực cổ ngỗng nhanh đến mức chiếc cuối cùng vượt khỏi đỉnh Cô Tiên khá lâu mới nghe thấy tiếng bom nổ. Ba quả rơi trúng đường ngầm khoét thành những chiếc hố lớn quăng đất đá ra xa hàng trăm thước. Một quả làm trượt mái ta luy sườn phía nam. Quả cuối cùng rơi gần cây chò cụt. Khói bom tan đi, sườn dốc bị khoét thành cái phễu khổng lồ.
Phải đến lúc ăn sáng người ta mới nhớ đến Đại đội trưởng. Không thấy anh ta dưới hầm, Bàng Thị Chuyên vội cử mấy nhóm đi tìm. Mãi đến quá trưa hôm ấy nhóm Trần Quang Mộc và Thuyên hạt mít mới phát hiện ra một cẳng chân vẫn còn lòng thòng chiếc ống quần bê bết máu ở mép ta luy. Ai cũng nghĩ, anh ta thức suốt đêm, gần sáng ngủ thiếp đi rồi trúng bom. C9 làm lễ truy điệu Đại đội trưởng trong bầu không khí căng thẳng lo âu. Mới chưa đầy ba tháng, đơn vị đã hy sinh mười chín người.
Mấy hôm sau lại xẩy ra chuyện rắc rối. Đầu tiên là cô Thuý Bàn người Phù Vân Bắc Ninh, đang nằm trong hầm bỗng nhiên cười sằng sặc, xé quần áo chạy ra bờ suối vớt nước lên người. Được một lúc thì cô ta bắt đầu hát, phần lớn là những ca khúc về tình yêu, thỉnh thoảng lại cười khùng khục như gà trống gù gà mái. Thuý Bàn có bộ ngực không cân, một bên căng tròn như trái bưởi nhưng bên kia lại lép kẹp. Chẳng biết ai bầy cho cô ta tìm được một khoanh gỗ đẽo gọt cẩn thận lót vào trong soutien, một lần đang xúc đất, thót bụng lại, bất ngờ chiếc vú giả rơi xuống làm chị em được mẻ cười.
Giữa trưa, Vũ Thị Thắm và Thùy Dung tìm thấy cô gái Bắc Ninh đang ngồi trên tảng đá dưới suối, chân nhúng nước ngồi hát nghêu ngao:
Ta sống không một lời trìu mến
Như bóng con đò chiều lạc bến…([1])
Đợi một lúc Thắm khẽ gọi:
– Bàn ơi! Về ăn cơm.
Thuý Bàn giật mình, quạy lại mắt sáng lên:
– Kìa anh! Anh lại đây với em một lúc thôi.
Thắm lấy tay chặn ngang yết hầu nhại giọng đàn ông:
– Anh ra đón em về đây.
Hai chị em dắt Thuý Bàn lên bờ. Cô ta ngoan ngoãn đi theo nhưng thỉnh thoảng lại nhìn về phía sau có vẻ như còn nuối tiếc một hình bóng nào đó trong trạng thái mộng du qua lời ca buồn. Đến trưa ngày thứ ba thì căn bệnh quái lạ của Thuý Bàn lây sang hơn hai chục chị em khác nhất là những cô mất kinh và hay mơ mộng. Thuỳ Dung vừa hôm trước còn an ủi, vỗ về Thuý Bàn thì hôm nay đến lượt cô hát lảm nhảm những bài tiền chiến như Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong, Tà áo xanh của Đoàn Chuẩn nhưng ca từ đầu Ngô mình Sở hoàn toàn tuỳ hứng, gặp Lê Văn Nghiên, ôm chầm lấy đòi hôn. Khổ nhất là Thuyên hạt mít. Cô này vừa nhỏ người vừa xấu nhưng bộ ngực lại to quá khổ, cứ vài giờ lại vật vã như con nghiện lúc lên cơn đói thuốc, miệng nhai tóp tép, mắt long sòng sọc, nhìn đâu cũng thấy rắn rết. Lúc đó, hàng chục cô rủ nhau ra suối, để nguyên quần áo nhảy xuống nước té nhau như những con điên. Căn bệnh bí hiểm này chỉ phát lộ vào ban ngày. Ban đêm các cô lại vác cuốc xẻng, đẩy xe cút kít ra đường, ai có nhiệm vụ của người ấy, làm việc hoàn toàn tỉnh táo với tinh thần quyết tâm bảo vệ ngầm chữ A và đảm bảo thông xe an toàn.
Bàng Thị Chuyên được cử làm xê trưởng. Một hôm cô nói với Lê Văn Nghiên:
– Anh thử nghĩ xem có cách nào chữa được căn bệnh cho các cô suốt ngày hát lảm nhảm giúp em.
Nghiên nheo mắt cười:
– Đây là thứ bệnh thuộc lĩnh vực tinh thần khó chữa lắm.
– Này, em nói thật đấy, anh nghĩ giúp đơn vị chứ không nay mai ốm cả, lấy đâu nhân lực mà đảm bảo giao thông.
Nghiên ngẫm nghĩ một lúc thấy chẳng còn biện pháp nào tốt hơn liền gợi ý:
– Có một cách đấy nhưng phải trừ tôi ra.
– Được, anh cứ nói, việc gì phải rào đón.
– Tính cho đến nay xê ta còn năm nam, đề nghị tách ra phân tán về các A để động viên chị em. Lúc này không còn xét nét họ như hồi đồng chí Sầm còn sống, thậm chí có trường hợp bệnh quá nặng phải để nam nữ tạm thời ở chung hầm. Ban chỉ huy có đồng ý phương án này may ra mới duy trì được sức chiến đấu.
Chuyên lắc đầu:
– Nhỡ chúng nó có chửa hàng loạt ra đấy thì làm thế nào? Cách này xem ra không ổn.
– Đấy lại thuộc lĩnh vực giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức của chi uỷ và Đoàn thanh niên.
3
Đầu mùa khô năm sau. Thời kỳ này máy bay tập trung đánh vào ngầm chữ A dữ dội cả ngày lẫn đêm, các đoàn xe quân sự đi lối này không an toàn nữa, đến lúc ấy người ta mới triển khai phương án dốc Ngựa Trời. Tiểu đoàn điều C13 về tăng cường cho C9. Làm xong đường, một nửa đội viên C9 lại phải vào sâu hơn nhưng không mở đường mà bổ sung vào các trạm giao liên bị tổn thất nặng sau chiến dịch Con kỳ nhông của Mỹ. Lê Văn Nghiên, Thuỳ Dung, nhà thơ Dóp và Thuý Bàn được phiên chế vào trạm Z35. Trạm này ở khuất sau núi Rồng bên cạnh dải đường mòn dân sinh chỉ cách biên giới chừng năm sáu cây số. Hệ thống hầm hào được giấu kín dưới tán rừng già. Bãi khách là những khoảnh đất bằng phẳng, có nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát, ban ngày không nhìn thấy ánh mặt trời.
Chiều hôm trước, trạm Z37 điện sang, chừng bốn giờ sáng có đoàn khách bẩy người từ trong ra. Đây là những vị khách quan trọng cần phải có chế độ bảo vệ đặc biệt.
Hoàng Hữu Vân là người đàn ông trung niên rất khó đoán tuổi. Ông ta có khuôn mặt lưỡi cày, mắt trắng dã, răng vẩu và đen sì vì khói thuốc lào, xem đi xem lại bản sơ yếu lý lịch Lê Văn Nghiên mới khai theo yêu cầu của trạm. Thành phần gia đình và cái chết của Lê Văn Vận làm ông trạm trưởng rất không yên tâm. Để phòng xa, chập tối, Hoàng Hữu Vân gọi Lê Văn Nghiên và Thuỳ Dung lên giao nhiệm vụ mới:
– Sáng mai hai đồng chí không phải đón khách mà về kho T8 lấy gạo và thực phẩm, khi đi nhớ mang theo súng có đủ cơ số đạn đề phòng giữa rừng gặp bất trắc.
Hai người ăn lót dạ mấy khúc sắn luộc rồi khoác gùi lên vai. Ước chừng được hơn nửa giờ đường rừng, bất chợt từ phía bãi khách có tiếng súng rộ lên. Lê Văn Nghiên lắng tai nghe một lúc rồi phán đoán:
– Thám báo tập kích vào trạm rồi, phải quay về xem sao.
Thuỳ Dung vội ngăn lại:
– Khoan đã anh, nghe như có tiếng trực thăng, nếu chúng đổ quân thì ta về cũng vô ích.
Không phải trực thăng mà là máy bay trinh sát.
Thuỳ Dung bảo:
– Toàn là tiếng AK chẳng lẽ họ…
– Đúng là tiếng AK nhưng xem ra cách bắn không phải là của quân ta. Gay rồi, bọn thám báo mà chiếm được Z35 thì đoàn khách nguy mất. Ta về đi em.
Thuỳ Dung giấu gùi vào bụi cây ven đường mòn. Hai người về đến suối Cua Đá, thì tiếng súng thưa dần. Họ qua suối ngược lên một đoạn sau đó rẽ vào đường hào từ trung tâm bãi khách thông ra. Vừa ra đến lán chỉ huy, Lê Văn Nghiên đã nhìn thấy bọn thám báo mặc đồ rằn ri quật báng súng vào lưng Hoàng Hữu Vân. Ông ta đau quá gục xuống kêu ồ ồ. Thuỳ Dung rê nòng súng định bóp cò nhưng Nghiên giữ tay cô, thì thầm:
– Đừng bắn!
Lê Văn Nghiên đi trước, Thuỳ Dung lom khom phía sau, cách chừng năm bẩy thước lặng lẽ lách vào ngách hào bên trái. Lúc này họ mới biết bọn giặc khá đông, không thể manh động được. Trên bãi khách, chị La cấp dưỡng, chị Thảo y tá và anh Số giao liên đã hy sinh. Xác hai người nằm bên cạnh hai tên biệt kích bị thương, một thằng vào bụng, thằng kia vào bắp đùi đang thều thào đòi uống nước. Trạm phó Đoàn Huy Thước bị trói giật cánh khuỷu, ở đuôi mắt rách một miếng, máu chảy loang cả ngực áo.
Tình hình càng lúc càng nghiêm trọng khi toán lính phục kích phía rừng Xạ Hương đã đón lõng được đoàn khách từ Z37 ra. Sau một hồi chạm súng, ba đội viên bảo vệ hy sinh, số còn lại phần lớn bị dính đạn. Bọn mặc rằn ri trói họ bằng dây dù đẩy lên phía trước. Trong đoàn có một người tóc chớm bạc, tuổi ngót năm mươi, mặc bà ba đen, đội mũ tai bèo bị thương vào bắp chân, bước loạng choạng thỉnh thoảng lại vấp ngã. Lúc này Nghiên và Thuỳ Dung đã bí mật vận động đến nhánh hào bắt vào con đường mòn, nhìn thấy bọn thám báo có chín tên xếp theo hình dọc, thằng nào cũng mang theo súng AK 47, Nghiên rỉ tai Thuỳ Dung:
– Phải diệt bọn này trước.
Thuỳ Dung gật đầu:
– Cẩn thận không lại bắn vào người của ta.
Lũ biệt kích hí hửng tưởng đã thanh toán hết Việt Cộng trong trạm nên xem ra có phần lơ là việc canh phòng. Bất ngờ cả Lê Văn Nghiên và Thuỳ Dung đồng loạt nổ súng.
Những viên AK bắn ở cự ly gần làm lũ thám báo đổ hàng loạt. Hai tên còn lại xả súng vào đoàn tù binh rồi nhảy xuống đoạn đường hào ném theo quả lựu đạn. Thuỳ Dung xách súng nhảy lên miệng hào bị sức ép bật laị. Nghiên nhảy theo định cứu Thuỳ Dung thì bất ngờ từ đường hào cụt, hai tên rằn ri đội mũ tai bèo nổ súng bắn chặn, một viên sượt qua vành tai nóng bỏng.
Đoàn khách chỉ còn lại hai người. Một anh lính rất trẻ, bị thương vào ngực nắm tay áo Lê Văn Nghiên thì thào:
– Các đồng chí phải đưa chú Năm ra khỏi chỗ này ngay… Trực thăng sắp đến.
Nghiên đoán người mặc bộ bà ba kia chắc là cán bộ quan trọng vội chạy đến cởi trói cho ông ta. Ngoài vết thương bắp chân, ông Năm còn bị đạn AK xuyên qua bàn tay trái. Chỗ viên đạn phá không lớn lắm nhưng máu chảy nhiều, rất đáng ngại. Nghiên vừa xé xong cuộn băng cá nhân buộc vào tay ông cán bộ thì có tiếng phành phạch trên tán rừng. Hai chiếc trực thăng từ hướng tây nam ầm ầm lao tới. Lá cây bị gió quạt táp đi rụng bay lả tả. Thấy không còn cơ hội cứu Thuỳ Dung được nữa, Nghiên ngồi xuống, quàng hai tay người bị thương vào cổ rồi luồn theo đường hào chính chạy ra bờ suối. Đến đoạn rừng thưa, bọn trực thăng đã nhìn thấy hai người cõng nhau liền bay sát ngọn cây, gầm rú, xả đạn. Chúng bay chậm, có lúc gần như đứng yên một chỗ xăm xoi dưới tán rừng. Bất chợt một chiếc vượt lên trước chặn đầu, chiếc sau khoá đuôi rồi ném lựu đạn xuống những chỗ nghi ngờ như là trò chơi ú tim. Khoảng mười phút sau, chiếc trực thăng thứ ba hạ xuống khoảng trống. Chúng tăng cường lực lượng để quây cho được đoàn khách. Bọn lính mặc đồng phục da báo ôm súng lom khom luồn dưới tán cây, sau đó nhảy xuống hào. Chúng gạt xác đồng bọn sang một bên, thận trọng chui vào các ngách hầm tìm kiếm.
Lúc này Lê Văn Nghiên đã vượt qua con suối một đoạn. Ông cán bộ thuộc loại người to lớn, vất vả lắm anh ta mới leo lên được đoạn đường mòn lúc sáng sớm cùng Thuỳ Dung đi lấy lương thực. Nơi đây đã khá xa trạm Z35 nhưng chưa phải chỗ an toàn. Lũ trực thăng vẫn vè vè trên trời. Toán biệt kích vừa đổ xuống đang sục sạo khắp nơi, dừng lại có nghĩa là chết.
Bọn biệt kích trang bị nhẹ chẳng mấy chốc đuổi kịp hai người. Chúng vừa hô hét vừa bắn chặn các ngả. Tình hình này thì phải quyết một sống một chết thôi. Nghiên nghĩ vậy liền đặt ông Năm nằm xuống, gác súng nên một gò đất chuẩn bị chiến đấu. Ông cán bộ đã tỉnh lại, rút khẩu súng ngắn đeo bên sườn đưa cho Lê Văn Nghiên và bảo:
– Đồng chí lên đạn hộ tôi. Chúng nó đến đâu rồi?
– Đang ở lưng chừng núi.
– Vậy thì đồng chí đi đi để mặc tôi, đằng nào thì cũng chết.
Nghiên lắc đầu:
– Anh cứ bình tĩnh, có chết tôi cũng phải cho bọn này nhớ đời.
– Vào đúng lúc ấy, anh ta chợt nhớ đến cái hầm bí mật đào từ cuối năm ngoái ở rất gần đây. Phải rồi, tại sao lại không nghĩ ra từ trước nhỉ? Chiếc hầm được làm rất chắc chắn để dự trữ lương thực, thực phẩm phòng khi bị địch tập kích bất ngờ, nằm dưới bụi gai răng mèo giữa ba cây mỏ vẹt, chỉ cần xuống được là thoát. Nghiên nhanh chóng xoá dấu vết dìu ông Năm bò ngang sườn dốc, chừng hơn ba chục bước chân thì chạm bụi gai. Ông Năm đau quá chốc chốc lại rên khe khẽ. Xuống hầm rồi Nghiên vẫn phấp phỏng. Anh ta sờ soạng băng lại vết thương bắp chân cho ông Năm đồng thời ghếch nòng súng lên phía trên, nếu cần thì cùng chết với chúng. Thời gian chờ đợi căng thẳng đến mức, đã có lúc Nghiên muốn bật nắp hầm thử xem bọn thám báo đã rút chưa nhưng rồi anh ta ngáp liền mấy cái ngủ thiếp đi.
Lúc tỉnh dậy, Lê Văn Nghiên thấy khó thở liền leo lên bậc tam cấp khẽ đẩy nắp hầm. Một luồng sáng chói mắt lùa vào. Thì ra hai người đã ngủ trong hầm một ngày một đêm. Ông Năm vẫn năm thiêm thiếp, vết thương sưng tấy, toàn thân nóng hầm hập, Nghiên xốc ông cán bộ lên lưng, tay xách súng, lom khom lần xuống đường mòn. Bây giờ chỉ còn cách về kho T8 nếu không ông ta nguy mất. Từ đây đến dấy còn xa, ít nhất cũng nửa ngày cuốc bộ. Bụng đói cồn cào vì còn phong lương khô 701 hai người đã ăn hết ngay từ lúc mới thức dậy.
Nghiên có cảm giác càng đi càng xa vì vừa leo dốc lại phải cõng một người trên lưng. Khẩu AK lủng lẳng trước ngực nặng như khối đá tảng kéo trĩu cổ xuống chỉ muốn quẳng xuống vực cho nhẹ bớt. Khổ nhất là lúc lội suối. Suối Sê Băng không sâu mà lổn nhổn toàn đá đầu sư phủ rêu trơn tuột làm Nghiên mấy lần trượt chân quẳng cả ông Năm xuống nước. Chiều tối hai người mới đến kho T8. Nghiên vừa đặt ông Năm xuống trạm gác lập tức lăn quay ra ngất xỉu. Vết thương của ông cán bộ khá nặng lại bị nhiễm trùng phải đưa ngay đến bệnh xá binh trạm. Trước khi lên cáng, ông ta lấy trong sắc quyển sổ công tác bảo Lê Văn Nghiên:
– Đồng chí ghi họ tên, quê quán và đơn vị công tác vào đây, biết đâu đến ngày đất nước thống nhất chúng ta lại gặp được nhau.
(Xem tiếp kỳ sau)
Chú thích:
(1): Lời trong ca khúc “Ngày về” của Hoàng Giác đã bị sửa đổi