Kinh tế học anh hùng

Nguyễn Hoàng Văn

Nếu, nói theo Bertold Brecht, chỉ những xứ sở không may mới “cần” đến “anh hùng” thì việc cung ứng người hùng cho nhu cầu đất nước này cũng có thể soi xét bằng lăng kính kinh tế học. [1]

Kinh tế học nghiên cứu sự tương tác giữa hai yếu tố cung – cầu và, trong khi “cần” ngụ ý là “cầu” thì “anh hùng” lại là một thứ sản phẩm hay dịch vụ cung ứng, từ phía bên “cung”. Mà càng đào sâu vào đó sẽ càng thấy rõ những nhịp đập hay sự bấn loạn thị trường, từ sự mất thăng bằng cung – cầu đến những thăng trầm lạm phát – giảm phát, từ sự lũng đoạn nhà độc quyền đến chuyện bát nháo hàng giả, hàng thật, v.v.

Sự bát nháo giả thật của hàng hóa luôn đặt ra nhu cầu KCS, tức “kiểm tra chất lượng sản phẩm” và anh hùng, như là một sản phẩm, cũng không thoát khỏi phần số. Nghĩ xem, những cuộc “luận anh hùng” bất tận của người Trung Hoa suốt mấy ngàn năm nay là gì nếu không phải là thao tác KCS với những nhân vật lịch sử cái thế của họ? Mấy ngàn năm xung đột cũng là mấy ngàn năm cung cầu anh hùng thế nhưng kinh nghiệm KCS dày cộm này cũng bị chính người Trung Quốc đòi phải xét lại.

Trong Người Trung Quốc xấu xí Bá Dương cho rằng dân tộc Trung Hoa không biết cách tôn thờ anh hùng mà chỉ mê muội sùng bái “những con ma xui xẻo bị thất bại”: “Quan Công vì sơ suất bị ám hại ở Kinh Châu nên được người đời thắp hương cúng bái. Sở Bá Vương vì cùng đường phải tự cứa cổ nên được xem là anh hùng cái thế. Gia Cát Lượng vì cúc cung tận tụy dưới trướng Lưu Bị nên được tôn thờ là thần cơ diệu toán. Nếu Quan Công giữ được Kinh Châu, Sở Bá Vương có được thiên hạ, Gia Cát Lượng phục hưng được nhà Hán thì người đời sau sẽ không sùng bái họ được như vậy.” [2]

Đây, có lẽ, không hẳn là độc quyền của người Tàu mà, ngay cả nước Mỹ, cũng vậy. Như ông John F. Kennedy chẳng hạn. Được ca tụng là anh hùng trong Chiến tranh Thái Bình Dương nhưng có lần được hỏi, vị Tổng thống thứ 35 này chỉ nhún vai đáp gọn: “It was involuntary. They sank my boat”.

Miệng nhà quan có gang có thép nhưng ông “vua dân chủ” này thì rất nhẹ nhàng, chẳng chịu lên gân: “Chuyện chẳng ai muốn cả. Bọn nó đâm chìm thuyền của tôi thôi mà”. Chuyện diễn ra vào đầu tháng Tám năm 1943 trong hải phận Solomons khi ngư lôi – tuần dương đĩnh PT 109 do Trung úy Kennedy chỉ huy bị một khu trục hạm của Nhật húc vỡ làm đôi. Cú húc khiến tàu chìm hầu như ngay lập tức và hai thủy thủ thiệt mạng nhưng hạm trưởng Kennedy, vốn là một thành viên trong đội bơi của Đại học Havard, đã bình tĩnh chỉ huy 10 thủy thủ còn lại bám vào những vật nổi bơi vào hòn đảo gần nhất, sau đó đích thân viên trung úy này bơi sang một hòn đảo khác để bắt mối với thổ dân, nhờ họ liên lạc với đồng đội nhằm đưa tàu đến giải cứu.

Chuyện chẳng ai muốn cả. Chuyện mà như mong muốn, hôm đó Kennedy và đồng đội làm tròn phận sự, phóng ngư lôi hạ chìm tàu Nhật hay, dở hơn, là bắn hụt hay chưa bắn mà chạy thoát, không để Nhật húc chìm, khó mà có người hùng rực rỡ Kennedy. Nói theo Bá Dương thì có bị bọn Nhật bắn chìm tàu, Kennedy mới trở thành người hùng chói lọi. Tàu mà nguyên vẹn trở về, sẽ chẳng có anh hùng, bất quá là một chiến công thường thường bậc trung.

Cũng thời đó một thanh niên Singapore 19 tuổi bày tỏ sự ngưỡng mộ với những người lính Anh bại trận và, sau này, trong hồi ký, đã hai lần nhắc lại như là “ấn tượng đời người”. Đầu tiên là sự “bình thản trước một thất bại gần kề” khi họ từ Johor kéo về Singapore để rút sang Malaysia theo đường đê. Cả khi đoàn quân Anh – binh đội Sơn Cước (Highland) và Gurkha, lính Nepal do Anh huấn luyện – bị áp giải vào trại giam dưới họng súng quân Nhật, thanh niên đó đã thầm chào với cả sự ngưỡng mộ bởi trong cảnh bại trận mà vẫn thẳng người, mạnh mẽ, vẫn răm rắp đi đều bước “trái phải, trái phải, trái trái” trong hiệu lệnh sang sảng của ông cai thượng sĩ. Thanh niên này chính là Lý Quang Diệu, người đã xây dựng nên nước Singapore hiện đại theo mô hình của nước Anh. [3]

Như thế, chính những tình thế ngặt nghèo đã làm sáng lên phẩm chất của người trong cuộc. Duyệt binh trong ngày đại lễ thì đoàn quân nào cũng rập ràng đĩnh đạc cả, và đó là chuyện thường. Chuyện chỉ phi thường khi họ vẫn giữ tư thế đó cả lúc bị quân thù áp sát sau lưng hay dí súng trên lưng đẩy vào trại giam. Chính vì thế nên, suốt bao nhiêu năm KCS người hùng, người Trung Hoa luôn kết một câu rằng không nên mang chuyện thành bại để luận anh hùng.

Lúc trẻ ông Lý đã nhận ra phẩm chất anh hùng của một đoàn quân thất trận nên chẳng có gì lạ khi, sau này, trong vai trò một nhà lãnh đạo quốc gia, ông ta biết sợ cái đáng sợ, biết bám vào cái đáng bám và, do đó, đã lèo lái đất nước đi đúng hướng, đúng đường. Lo sợ phong trào du kích Maoist đang rộ lên tại các nước láng giềng, ông khẩn khoản đề nghị Anh bảo vệ Singapore, càng lâu càng tốt. Lo sợ những diễn tiến không mong muốn của Chiến Tranh Lạnh, ông nhờ cậy đến nhà bảo hiểm an ninh Mỹ. Ông biết sợ biết bám víu và không hề xấu hổ giấu diếm. Ông không sử dụng vị trí địa lý – chính trị của đất nước như là “tiền đồn” của phe nào hay ý thức hệ nào. Ông chỉ đơn giản nắm lấy khoảng trống khi cái chu kỳ sáng-trưa-chiều-tối tiếp nối từ trung tâm tài chính Zurich đến London, New York rồi San Franscico bị bỏ trống để chen chân và, chỉ trong vòng 5 năm thôi, đã biến Singapore trở thành một trong những trung tâm tài chính toàn cầu. [4] Ông ta không ưỡn ngực làm anh hùng theo lối Tố Hữu “Ta vì ta vì ba chục triệu người / Cũng vì ba ngàn triệu trên đời”. Ông không buộc Singapore phải làm “lương tri nhân loại”. Nhưng ông đã xây dựng đất nước thành một con rồng kinh tế mà, sau này, những nhà cai trị anh hùng của chúng ta phải lột bỏ sự trịch thượng của kẻ thắng trận để bái sư xin làm môn đệ. [5]

Với thanh niên họ Lý lúc đó thì người Nhật còn hơn cả người Anh, bởi họ không hề bị mất tinh thần khi bị đánh bại. Mà xem, bị thua trận nặng nề vào năm 1945, phải “hèn hạ” đầu hàng vô điều kiện thế nhưng, chỉ khoảng ba thập niên sau thôi, Nhật đã vươn lên thành một siêu cường kinh tế và, từ đó đến nay, chưa bao giờ để ai xem thường mình. Những nhà cai trị “anh hùng” của chúng ta thì xoen xét “đánh thắng hai đế quốc to” trong khi đất nước trọn kiếp ăn mày. Ba phần tư thế kỷ từ ngày thắng đế quốc một và nửa thế kỷ từ khi thắng đế quốc hai vẫn cứ ngửa tay ăn xin viện trợ hay năn nỉ tín dụng mềm. Chỉ chừng đó thôi, chưa cần kể đến những điều tệ lậu hay điếm nhục khác, đã thấy ê chề rồi và, đã đến nước này thì còn mong gì cái sự kính nể từ bên ngoài?

Đó là quốc thể, của một đất nước. Trong kinh tế thì vấn đề lại là thương hiệu, thương hiệu càng đi xuống thì càng chi tiền tợn cho quảng cáo. Quảng cáo là một hành vi thương mại nhưng khi bước sang chính trị thì đó lại là tuyên truyền hay, nói cách khác, tuyên truyền là một thứ quảng cáo chính trị. Khi quảng cáo chính trị được sử dụng như là đòn cân não đánh vào ý chí kẻ thù thì nó lại là một cuộc chiến tranh tâm lý.

Quảng cáo hàm ý một chi phí mà người tiêu thụ phải gánh trả thì, đổi lại, nó cũng ngụ ý sự cam kết của nhà sản xuất với khách hàng. Trong kinh tế, luật pháp bắt buộc nhà sản xuất phải bảo đảm rằng sản phẩm của họ phải đạt những tiêu chí như đã quảng cáo thì, trong chính trị, người “tiêu thụ”, tức những cử tri, lại không được bảo vệ như vậy. Nhà sản xuất không thể quảng cáo khác sự thật nhưng nhà chính trị thì không bị bó tay. Mà nhà chính trị nào cũng có thói quen mắc bệnh đãng trí, quên những lời hứa sau khi đắc cử mà cử tri đành chịu, chỉ có thể trừng phạt bằng cách biểu tình, bằng các chỉ trích hoặc mạt sát trên các phương tiện truyền thông và, cao nhất, là bằng lá phiếu của mình trong mùa bầu cử tới. Nhưng đó là những nền dân chủ. Tại những xứ sở mà người dân không thể trừng phạt thì nhà chính trị tha hồ quảng cáo, quảng cáo bạt mạng, quảng cáo vô giới hạn, nói theo nhà văn Nguyễn Khải là quảng cáo “lem lẻm”, quảng cáo “lì lợm”, quảng cáo “không hề biết xấu hổ và không hề run sợ!". [6]

Điều hành nền kinh tế, nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng lo lắng giữ tình trạng cân bằng khi cung cầu cặp nhau ở điểm equilibrium. Nhưng đó là điều không dễ và thị trường anh hùng cũng thế, cũng có lúc cung vượt cầu hay cầu vượt cung, thí dụ câu chuyện của người hùng Trịnh Thành Công (Zheng Chenggong) mà cả Hoa lục và Đài Loan cùng xắn tay tranh giành, như một sản phẩm độc nhất, cung không đủ cầu.

Sừng sững bên bờ biển tỉnh Phúc Kiến, Trịnh Thành Công bằng đá quắc mắc nhìn ra eo biển Ðài Loan như nhắc nhở người lục địa rằng họ còn một phần đất nữa bên kia biển. Ngạo nghễ trên một đỉnh đồi ở Ðài Loan, một họ Trịnh bằng đá lại quắc mắc nhìn về phía đất liền như thách thức rằng ta đây không sợ. Kỳ thực thì Trịnh Thành Công là con trai của tên cướp biển Trịnh Chi Long (Zheng Zhilong) và một phụ nữ Nhật, chào đời trên đất Nhật năm 1624, cái năm người Hà Lan chiếm Ðài Loan làm thuộc địa. Năm bảy tuổi Trịnh Thành Công được đưa về quê cha ở Phúc Kiến để ăn học, và rồi, theo thời gian, bằng tài sản tích góp được từ nghề cướp biển và buôn bán, hai cho con đã nổi lên như hai sứ quân đầy thế lực của địa phương.

Kỳ tích anh hùng mà Hoa lục và Đài Loan bám vào lại là một bi kịch của gia đình họ. Năm 1661, quân Thanh đuổi binh tướng nhà Minh xuống tận Phúc Kiến, hai cha con đã tranh cãi kịch liệt để rồi chia tay theo hai ngả khác nhau. Cha đầu hàng quân Thanh để rồi sau đó bị quân Thanh giết chết. Con thì dẫn quân băng biển đến Ðài Loan đang nằm trong tay người Hà Lan và, chính tại đây, Trịnh Thành Công, 38 tuổi, đã chỉ huy trận vây hãm kéo dài 9 tháng trời, buộc người Hà Lan đầu hàng.

Với Ðài Loan, chỉ có một lịch sử ngắn ngủi nhưng lại khao khát độc lập, Trịnh Thành Công trở thành vị anh hùng lập quốc. Lo ngại trước âm mưu độc lập có… huyền thoại lịch sử này, Hoa lục phải “giành” lại anh hùng họ Trịnh, ca ngợi đấy như là đứa con của nước Trung Hoa vĩ đại, đã kiêu dũng giành lại đất từ tay thực dân phương Tây hằng mấy trăm năm trước ngày chủ nghĩa thực dân giãy chết. Cùng một kỳ tích, cùng một đấng anh hùng, nhưng vì có nhu cầu khác nhau nên hai bên lại chí chóe quảng cáo khác xa nhau nhưng, tuyệt đối, hoàn toàn lờ đi cái sự thật về đứa con lai của một tên cướp biển.

Quảng cáo bằng cách lờ đi sự thật thì thị trường sẽ rối tung với những sản phẩm lẫn lộn giả-thật hay nửa thật nửa giả. Xứ sở nào và thời nào cũng có những anh hùng “người thật việc thật” và việc ca tụng họ đúng thôi, đáng nói là hàng giả và hàng lập lờ. Hàng giả, một trăm phần trăm, thì như Lê Văn Tám. Thật giả mập mờ thì có Nguyễn Đức Thuận, một thứ “người thật việc giả” bởi chuyện ông “Bất khuất” trong tù dưới ngòi bút của nhà văn Trần Đĩnh là không thật, chỉ là trò thêu dệt để đáp ứng “tình hình cách mạng miền Nam” theo lệnh ông Lê Đức Thọ. [7]

Đó là tình trạng cầu vượt cung với sự lũng đoạn của bàn tay độc quyền. Không có đủ anh hùng thì sản xuất anh hùng giả đáp ứng và, một khi đã thao túng cả nền chính trị, ông Thọ có thể thao túng cả nền truyền thông để tạo ra sản phẩm như thế theo ý mình, bất kể nỗ lực KCS của ông Trần Bạch Đằng và Nguyễn Văn Linh, vốn cho rằng không nên tô vẽ quá mức sự thật. Trong thương mại, nhà sản xuất sử dụng quảng cáo để tạo ra nhu cầu rồi tung sản phẩm ra để hốt tiền từ cái nhu cầu đó. Nhưng nhà cai trị này thì còn hơn cả thế. Tạo ra một sản phẩm như ông Thuận là tạo ra cái nhu cầu khao khát hy sinh, khao khát chứng tỏ bản thân như là ông Thuận. Rồi, hầu như cùng lúc với bảng phong thần cho ông Thuận, là bảng “hạ thần” với chiến dịch bêu riếu Phan Thanh Giản, cũng theo nhu cầu của “tình hình cách mạng”. “Cách mạng” muốn sử dụng bạo lực ở miền Nam mà ông Phan Thanh Giản, như là nhà khoa bảng tiên phong ở Nam bộ, lại là con người phi bạo lực. Hệ quả là trong những quảng cáo chính trị thời ấy, ông trở thành một thứ phản-anh-hùng, thứ người “mãi quốc”, chỉ từ những bằng chứng mơ hồ. [8]

Với độc quyền trong tay thì nhà cai trị nào cũng có thể lũng đoạn thế giới quanh mình nhưng, đến lượt, họ sẽ bị nghiệp báo bởi cái thế giới nhiễu loạn đó rồi sẽ làm lệch lạc thế giới quan của họ. Chính vì thế mà cả một xã hội phức tạp với đủ tầng bậc dân trí mà, nhiều lúc, lại hóa thành một trường tiểu học hay, thậm chí, một vườn trẻ!

Với kinh tế học thì không có thị trường nào là đồng nhất nên bên cung phải biết market segmentation, phân khúc thị trường với những tầng bậc tiêu thụ khác nhau tùy theo túi tiền, sở thích, tuổi tác và khu vực địa lý. Như các vé hạng sang, hạng thương gia và hạng phổ thông trên cùng một chuyến máy bay, chẳng hạn. Hay như thị trường trà sữa cho tuổi mới lớn, chẳng hạn. Thị trường của lứa tuổi này thực sự bùng nổ từ sau Đệ nhị thế chiến theo sự tăng vọt của dân số trẻ cùng phép màu kinh tế hậu chiến và, theo đó, những sản phẩm anh hùng dành riêng cho trẻ nít thi nhau ra đời, đầu tiên là trong những truyện tranh rồi vươn lên trên màn bạc Hollywood, nào là Zoro, Batman, nào là Superman, rồi Spiderman, Ironman, v.v.

Nhưng trong lĩnh vực này thì những nhà cai trị của chúng ta lại lẫn lộn giữa trẻ con và những người đã từng là trẻ con. Thí dụ như Lê Văn Tám. Sản phẩm này chỉ nên dành riêng cho trẻ con nhưng lại mang ra dạy dỗ cả những kẻ đang nuôi dạy trẻ con, đưa vào chính sử rồi, đặt tên cho trường, cho phố, cho phường. Hay như một sản phẩm khác, bà Y Vênh, có thời làm Bí thư tỉnh ủy Kon Tom, người mà, theo tường thuật, lúc trẻ đã hành động như một superwoman khi, chỉ với khẩu carbin trong tay, có thể đơn độc chiến đấu từ sáng đến tối sau khi ba đồng đội hy sinh: không ăn, không uống và, suy luận theo cách diễn tả của họ thì, dù mang trong người hàng tạ đạn nếu không nói là cả tấn, bà vẫn có thể thoăn thắt nhảy từ gốc cây này sang gốc cây khác như là một con sóc để đấu đạn, với nguyên một tiểu đoàn. [9]

Những thí dụ như thế cho thấy rằng thị trường anh hùng Việt Nam, nói không ngoa, là một thị trường dành cho trẻ con và, phải chăng, những nhà chế tác anh hùng cũng chỉ là hạng trẻ con?

Trẻ con chỉ hành động theo cảm tính với sự ngây thơ của mình, với một thế giới quan cực kỳ sơ đẳng. Mà, xem xét trong sự so sánh với ông Lý Quang Diệu nói trên, những nhà cai trị của chúng ta cũng phải hành động với tầm suy nghĩ như thế thì mới dẫn đến cái hệ quả trái ngược ở tình trạng lạm phát anh hùng nhưng lại giảm phát về kinh tế, văn hóa và giáo dục.

Thế giới này thì luôn phức tạp mà thế giới quan của họ lại cơ bản quá, hay nói cách khác là… trẻ con quá. Kinh tế học, cũng như bất cứ khoa học nào khác, đều đi từ cái căn bản đến cái phức tạp; phát triển lý thuyết từ những mô hình căn bản giản và biệt lập rồi mới phức tạp hóa dần lên. Để xác lập quy luật cung-cầu, các lý thuyết gia giả định một nền kinh tế đơn lẻ, không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài rồi, sau khi nhận diện các quy luật cơ bản, mới xem xét đến tác động phức tạp hơn. Trong nhiều năm liền họ quản trị đất nước và quan hệ với thế giới theo cái nhìn sơ đẳng và ngây thơ, đến mức cực kỳ. Thế giới chỉ có hai phe địch-ta. Phe ta thì hoàn toàn đoàn kết, hoàn toàn thuần nhất. Chỉ có chiến thắng mới làm nên anh hùng, và chiến thắng vĩ đại của ta là tuyệt đối: đã đánh đổ nhào một đế quốc to thì chẳng có ai dám giỡn mặt với ta. Nhưng thực tế đâu phải vậy. Cái “Thế ta là thế đứng trên đầu thù” mà Tố Hữu từng kiêu hãnh chỉ là thế cáo mượn oai hùm, dựa vào phe ta. Và khi bị hẫng chân trước một thực tế phức tạp từ sự tan rã của khối ta, họ quýnh quáng như là một sinh viên mới vào năm nhất, chỉ mới qua mấy bài kinh tế sơ đẳng trong mấy tuần lễ đầu tiên mà phải nhận cái trọng trách giải quyết một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hậu quả là cái hội nghị như thể ăn vụng ở Thành Đô năm 1990 và, từ phong thái những anh hùng vênh vang, họ rụt rè như một thứ phản-anh-hùng, lại còn tiến hành cả một cuộc chiến tâm lý đánh vào ý chí của nhân dân.

Xưa Nguyễn Trãi từng ngạo nghễ về cuộc chiến cân não ấy, “Ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất”. Nhưng Nguyễn Trãi chỉ đánh vào ý chí của quân xâm lược và bất cứ cuộc chiến tâm lý nào cũng thế, cũng đều nhắm về hướng của đối phương. Chỉ trừ cuộc chiến của mấy nhà cai trị anh hùng. Ba phần tư thế kỷ trước là cuộc chiến tâm lý để kích động bạo lực trong ý chí của nhân dân, khiến nửa nước này đánh vào nửa nước kia mà, trong cái nhìn từ phương Bắc, chỉ là cuộc chiến phên dậu. Bây giờ là cuộc chiến để làm thui chột lòng yêu nước và sự căm phẫn tự nhiên với hành vi ngang ngược của kẻ thù. Thấy nước bị nhục ư? Thì cứ yên tâm, đã có những chức việc đảm trách. Thấy nước sông tràn vào nước giếng, thấy giặc hà hiếp, cướp bóc đồng bào mình ư? Cũng cứ yên tâm, đã có chức việc phụ trách. Yên tâm và yên tâm, luôn luôn có những chức việc chu tất, cả khi nước đã ngập đến ngực đến cổ cũng cứ yên tâm. Thị trường anh hùng, như thế, đã bị lũng đoạn đến mức cả nhân dân cũng bị xem như là kẻ thù, bị cưỡng bức để yên phận là những phản-anh-hùng.

Trong ngôn ngữ kinh tế học thì đó là sự giảm phát của khí phách anh hùng nhưng, luôn luôn là chữ nhưng, đó không phải là sự giảm phát một chiều mà là cả lạm phát lẫn giảm phát. Một mặt, vẫn là cái diễn ngôn anh hùng xoen xoét với những cựu đối thủ ở xa trong những lễ kỷ niệm ba hay bốn mươi năm. Một mặt, trước đối thủ sát nách thì tự kiểm duyệt, tự trói tay xin hàng, trói mình và trói cả nhân dân và đây, phải chăng, là cách đối ứng với chiến lược “Viễn giao cận công”?

Đó là chiến lược của Phạm Thư, Tể tướng của Tần Thủy Hoàng, mà nước Trung Hoa hiện tại đang áp dụng. Tần Thủy Hoàng từng bước thu tóm thiên hạ về tay bằng cách dùng sức mạnh với các bang quốc gần kề, ngon ngọt thuyết dụ những bang quốc xa xôi làm đồng minh: hãy còn khó khăn về đường tiếp liệu thì, trước mắt, cứ chờ, đợi thu phục các con mồi gần kể cái đã. Chính chiến lược này đang gây sức ép, khiến những nhà cai trị của chúng ta dè dặt nhìn trước nhìn sau theo khoảng cách địa lý trước khi ưỡn cái bộ ngực anh hùng đã lộ rõ bộ xương sườn rệu rã ra ngoài.

Làm anh hùng mà phải xem địa lý thì đây, phải chăng, là những nhà “địa anh hùng”? Thế giới đang nóng lên và giới phân tích chiến lược thi nhau mang lý thuyết “địa chính trị” ra mổ xẻ. Còn họ, trong cái nhìn kinh tế học, lại vụng về “phân khúc thị trường” cho món hàng anh hùng trên tiêu chí hành vi và địa lý. Cựu đối thủ dễ chịu ở xa thì xoen xoét cái miệng anh hùng. Cựu đối thủ khó chịu sát bên thôi thì nhẫn nhịn làm phản anh hùng.

Anh hùng bị suy thoái, cái gì cũng tụt hậu so với láng giềng, chỉ có bằng cấp là giàu lên và đất nước đã bị thiệt hại bao nhiêu về của và người để đi từ cái thời “Ra ngõ gặp anh hùng” đến thời “Ra ngõ gặp tiến sĩ” hiện tại? Thời anh hùng đầy những anh hùng kích cầu bạo lực và khao khát hy sinh, thời tiến sĩ thì làm không nổi cái ốc vít để đặt vào cái máy điện thoại. Phải chăng, do đã tiêu tốn quá nhiều tài nguyên và nghị lực cho chuyện làm anh hùng, rồi bảo quản cái di sản anh hùng ấy, đất nước đã bị vắt kiệt sức sống, bị tê liệt hẳn khả năng tạo ra những sản phẩm ích nước lợi dân?

Có quá nhiều chuyện phải làm để thay đổi cái đà suy vi này nhưng, dứt khoát, trong đó phải có phần việc kiểm toán đối với cái quá khứ anh hùng.

Chú thích, tham khảo:

1. http://vanviet.info/van-de-hom-nay/ng-anh-hng-v-hem-anh-hn/

2. Bá Dương (1999), Người Trung Quốc xấu xí, bản dịch của Nguyễn Hồi Thủ. California: Văn Nghệ, tr. 281.

3. Lee Kuan Yew (2012), The Singapore Story: Memoirs of Lee Kuan Yew.‎ Singapore: Marshall Cavendish International Asia Pte Ltd.

Ấn tượng trên trình bày trong chương 3 “The Japanese Invaders”: “It left me with a life-long impression of British coolness in the face of impending defeat.”, “There were some who won my respect and admiration… Even in defeat they held themselves erect and marched in time “Left Right, Left Right, Left, Left”, shouted the sergent major.”

4. Lee Kuan Yew (2000). From Third World to First: The Singapore Story, 1965-2000. New York: Harper Collins, 2000.

Câu chuyện thuật lại trong chương 5.

5. Lee Kuan Yew (2000), sđd, chương 18

Lý Quang Diệu ghi nhận sự kiêu ngạo của Hà Nội nói chung và cá nhân ông Phạm Văn Đồng nói riêng.

Ngày 29/10/1977 một nhóm không tặc khống chế máy bay DC3 của Việt Nam bay sang Singapore, Singapore cho phép Việt Nam đưa phi hành đoàn sang lái máy bay về cùng phi hành đoàn cũ và toàn bộ hành khách, sau khi đổ đầy nhiên liệu và tu sửa máy bay. Hà Nội không hề hoàn trả những chi phí Singapore bỏ ra mà chỉ liên tiếp cảnh cáo Singapore phải hoàn trả những tên không tặc bằng không sẽ lãnh hậu quả, tuy nhiên Singapore cứng rắn lập trường, không trả nhóm này mà truy tố ra tòa, sau đó kết án 14 tù.

Gần một năm sau, ngày 16/10/1978 Phạm Văn Đồng đến Singapore trong một bộ dạng “kiêu ngạo và khó ưa”, khiến Lý Quang Diệu phải “lặng người” trước sự “ngạo mạn và hung hăng”. Phạm Văn Đồng đòi Singapore phải đóng góp vào việc tái thiết Việt Nam bởi đã hưởng lợi từ cuộc chiến, khi bán vật liệu chiến tranh cho Mỹ. Ý kiến này không chỉ nêu ra một lần: khi thấy tàu bè tấp nập tại cảng Singapore, ông Đồng lại kết tội Singapore là làm giàu trên mất mát chiến tranh nên có trách nhiệm phải giúp đỡ. Tuy nhiên Lý Quang Diệu thẳng thắn rằng Singapore chỉ chuẩn bị để giao dịch kinh tế, hoàn toàn không có việc viện trợ.

Đến năm 1990, trong hội nghị Davos, ông Võ Văn Kiệt (lúc này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) xin gặp Lý Quang Diệu, bày tỏ niềm hy vọng gạt qua những bất đồng để hợp tác. Sau đó, năm 1991 ông Kiệt đến Singapore trong vai trò Thủ tướng, gặp Lý Quang Diệu (đã nghỉ hưu), ông Kiệt đề nghị Lý Quang Diệu giúp Việt Nam bằng cách làm cố vấn kinh tế!

6. Nguyễn Khải, “Đi tìm cái tôi đã mất”.

“Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình”

https://www.viet-studies.net/NguyenKhai_DiTimCaiToiDaMat.htm

7. Cuốn Bất khuất được đưa vào chương trình giáo dục (lớp 9), được viết theo lệnh của Lê Đức Thọ giữa lúc phong trào tố cộng của chính phủ Ngô Đình Diệm khiến nhiều đảng viên xé cờ và ly khai. Những nhân vật vai vế của Trung ương cục miền Nam như Nguyễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng phản đối vì cuốn sách này viết sai sự thật nhưng không thể thay đổi quyết định của ông Thọ.

https://www.vinadia.org/den-cu-tran-dinh/den-cu-chuong-25/

8. Winston Phan (2001). Phan Thanh Giản và vụ án Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân. California: Nhân Ảnh.

9. https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/nu-bi-thu-tinh-uy-dau-tien-cua-tay-nguyen-478835

Comments are closed.