Kỷ niệm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922-2014): Người của nhiều người

Nguyễn Thế Thanh

Có người nói, ông Võ Văn Kiệt có duyên với trí thức, văn nghệ sĩ nên được anh chị em yêu quí, gần gũi, bất kể sự khác biệt tuổi tác và môi trường đào tạo. Người viết bài này thì nghĩ rằng cái duyên nếu có vẫn là đến sau cái tình. Ông Kiệt luôn có tình với những người ông tôn trọng, kính trọng về tài năng, về nhân cách…

clip_image002

Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: TTO

1. Cách đây mấy năm, TP.HCM công bố đề án thí điểm quản lý, khai thác và bảo trì toàn tuyến đại lộ Đông Tây – theo đó đoạn đường dài nhất của đại lộ này mang tên Võ Văn Kiệt sẽ hoàn toàn được quản lý bằng camera thay vì cảnh sát giao thông. Những người rành Võ Văn Kiệt đều bảo nhau, hay tin này chắc ông Kiệt nửa hài lòng, nửa không. Quản lý đô thị bằng phương tiện hiện đại để kéo giảm ách tắc và tai nạn giao thông thì ông vui là chắc. Nhưng cái vụ đặt tên ông cho một con đường nào đó, chứ đừng nói đường lớn, thì chắc ông chẳng vui. Không phải ông lập dị. Chính sách chung là người có công với nước nhà khi mất đi thì được xét chọn để đặt tên đường. Ông không phản đối nguyên tắc này. Điều làm ông không vui là cái cách xét chọn. Người xứng đáng thì không được chọn, vì những lý do khó chia sẻ. Lúc sinh thời, có lần ông Kiệt nói trong một cuộc gặp gỡ không chính thức với giới sử học: “Cỡ như tôi, khi đi theo Bác Hồ, chắc là tên sẽ được đặt cho một con đường nào đó. Tôi không thích cái vụ đặt tên này. Nhưng nếu có tiêu chuẩn đó và nếu được phép thì tôi xin dành suất tên đường đó cho những người khác cần được tôn vinh sớm hơn”. Rồi ông nhắc đến tên Phan Thanh Giản – đại thần nhà Nguyễn, người mà suốt mấy chục năm qua hậu thế vẫn chưa dứt những tranh cãi về công tội. Theo nhìn nhận của ông Kiệt, gì thì gì, nghiên cứu lịch sử cho thấy vị đại thần này vẫn là một ông quan thanh liêm, học hành đỗ đạt đàng hoàng, làm nhiều điều tốt đẹp cho dân và khi chết đi được dân  ở nhiều vùng Nam Bộ thương kính, lập đền thờ.

clip_image004

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kv Pleiku ngày 3-11-1993 – Ảnh: Nguyễn Công Thành/TTO

Cái phong cách lãnh đạo sát việc, sát người, chí tình chí lý ấy của ông Kiệt bây giờ hóa ra đã thành của hiếm. Sự hiếm hoi ấy khiến cho rất nhiều người cảm thấy rất nhớ ông, rất thiếu vắng ông.

Không ít lần, ông Kiệt đã tâm tình kín đáo với những người gần gũi rằng, được dân chúng khắc ghi hình ảnh mình trong lòng họ như một người gần dân, yêu dân, trọng dân và luôn tìm cách để dân được no ấm, an vui – đó là hạnh phúc của người được chọn làm lãnh đạo và đày tớ của dân. Hạnh phúc ấy có thực và quí giá gấp vạn lần việc tên mình được đặt cho một con đường.

2. Là người có gia đình riêng, có vợ, có các con trai, con gái và các cháu nội ngoại nhưng ông Kiệt vẫn được mọi người nhìn nhận là “người của nhiều người”. Cái cách ông thương yêu những người ruột thịt là quan tâm đến họ rất nồng ấm nhưng luôn tìm cách hướng họ đến những người xung quanh, bên ngoài gia đình riêng của mình. Bức thư chúc mừng sinh nhật 21 của cháu ngoại Xuân Hà đang học ở Anh, ông viết những lời rất ấm áp “Đừng bao giờ quên rèn luyện nghị lực và ý chí trong cuộc sống và cuộc đời. Hôn con yêu quí nhất của ông thật nhiều mà cũng thật nhiều hi vọng ở con”. Món quà ông gửi tặng cháu gái cưng là cuốn băng video ghi lại chương trình của Đài truyền hình TP.HCM Ánh sáng và tình thương – một chương trình hướng lớp trẻ đến các hoạt động vì cộng đồng. Ông gửi vào món quà đó cả một kỳ vọng dành cho thế hệ kế tiếp của gia đình: sống là phải biết quan tâm, biết sẻ chia với những người xung quanh. Con cháu trong nhà đều biết: cái ông ghét nhất là thói sống chỉ biết có mình, bo bo vun quén cho riêng mình.

clip_image005

Nhà văn Nguyễn Đông Thức (giữa) trong lần cùng ông Võ Văn Kiệt (phải) ra thăm nông trường dừa Đỗ Hòa của TNXP TP.HCM ở Cần Giờ, năm 1982. Bên trái là chị Võ Thị Bạch Tuyết, giám đốc nông trường. Ảnh: TL

Biết đời sống gia đình con gái khá giả, ông thỉnh thoảng đề nghị con kín đáo giúp đỡ cho những người ông quen biết có cuộc sống khó khăn. Đã có lúc, thấy không gian sống của anh em phục vụ ông không thật thoải mái, ông đề nghị con gái chủ động bỏ tiền ra sửa chữa chứ không đợi ngân sách cơ quan. Căn biệt thự 16 Tú Xương quận 3, nơi ông ở từ khi thôi nhiệm vụ thủ tướng Chính phủ, rất khang trang, đáng mấy ngàn lượng vàng theo giá thị trường. Nhà nước đã có giấy tờ chính thức chuyển sở hữu cho ông theo chính sách tặng nhà cho cán bộ cao cấp 60 năm tuổi Đảng và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Khoảng hơn năm trước khi mất, tự tay ông viết một văn bản gửi Thành ủy và Văn phòng Chính phủ khẳng định: căn nhà này, ngay từ khi nhận ông đã thông báo với cơ quan có trách nhiệm là ông chỉ ở khi còn sống, sau đó sẽ chuyển giao lại toàn bộ ngôi nhà cho Nhà nước. Nay ông tái khẳng định nội dung trên đây và bổ sung thêm: dứt khoát không chia chác căn nhà này cho bất cứ ai khác. Câu chuyện ông viết thư gửi lại cho Nhà nước căn biệt thự đã được cấp chủ quyền  không nhiều người biết. Tính ông là vậy. Thấy cái gì đúng, cần làm thì làm ngay, không muốn ồn ào, không đợi những lời ngợi khen, cũng chẳng sá điều tiếng.

Không nói ra nhưng những đồng chí, đồng đội đã cùng ông Kiệt đi suốt những năm tháng gian khó ác liệt của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước đều thấu hiểu ông là người nghĩa nặng tình sâu và rất chi tiết trong sự quan tâm đến những người xung quanh. Câu chuyện dưới đây về bà Sáu Trung là một dẫn chứng.

Bà Sáu Trung (Trần Thị Hữu – anh hùng lực lượng võ trang) là giao liên bí mật của Khu ủy Sài Gòn (T4), cũng là người từng trực tiếp huấn luyện cho Phan Chí Dũng (Võ Dũng) – con trai lớn của ông Kiệt cách đi lại trong lòng địch để anh từ Sài Gòn về khu 9 trót lọt, tham gia chiến đấu và hi sinh ở đó.  Sau ngày chấm dứt chiến tranh 1975, bà Sáu Trung sống cô đơn trong căn nhà nhỏ do nhà nước cấp ở đường Hòa Hảo quận 10. Ông Kiệt lúc này đã trả căn biệt thự 41 Tú Xương mà ông được cấp ở như nhà công vụ để thành phố làm nhà trẻ, lên ở nhà tập thể của Thành ủy ở Thủ Đức. Khi nhắc tới bà Sáu Trung, nhiều người yên tâm khi thấy bà được cấp căn nhà để ở. Còn ông Kiệt, ông không thể an lòng khi thấy người nữ đồng chí tuổi xuân bỏ đi đã lâu, nay một mình vò võ…Ông nói, Nhà nước có thể cấp một căn nhà nhưng đâu thể “cấp” hơi ấm trong căn nhà đó. Ông đã chủ động đưa Phan Thanh Nam, con trai ông (sau Phan Chí Dũng và trước Hiếu Dân) đến ở với bà Sáu. Phần thì để tiện đi học đại học Bách khoa, phần thì để chăm sóc bà như một đứa con trai. Căn nhà bà Sáu nhờ đó mà ấm cúng không khí gia đình. Khi Nam lập gia đình, ra ở riêng, bà Sáu đón đưa cháu ngoài quê Hội An vào ở chung. Còn Nam thì vợ chồng con cái vẫn thường về thăm bà, xem bà như “mẹ”, như “bà”.

3. Những người gắn bó với phong trào Thanh niên xung phong TP.HCM sau giải phóng chắc chắn chưa thể quên gương mặt xúc động của hàng ngàn thanh niên nam nữ trên sân vận động Thống Nhất vào ngày 28.3.1976. Rất nhiều người trong số họ là con em gia đình công chức và quân đội chế độ cũ. Làm thế nào để xóa đi “vết đen lý lịch” của những người “không được chọn cửa để sinh ra”, để họ được đối xử bình đẳng trong chế độ mới? Cả trong cương vị người đứng đầu thành phố lẫn cương vị của một người thuộc lớp đi trước, ông Kiệt trăn trở nhiều lắm. Cuối cùng, ông đã chọn một cách làm thật tuyệt vời và giao cho Thành Đoàn thực hiện: tổ chức lực lượng Thanh niên Xung phong. Lực lượng này cần biết bao cho công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Và lớp trẻ thành phố khi ấy cũng có biết bao người cần lao động để nuôi sống bản thân mình và để thấy mình có ích. Chủ trương là, hễ là thanh niên, bất kể xuất thân thế nào, miễn là tự nguyện thì được kết nạp vào lực lượng. Vào đó, trải qua lao động trên đồng khô cỏ cháy và rừng sâu núi cao, trải qua trui rèn kỷ luật, các bạn chắc chắn trưởng thành, trở thành người lao động có những đóng góp rất cụ thể cho công cuộc dựng xây đất nước. Một lớp trẻ “trắng tinh”, không còn mặc cảm nặng nề về cái “vết đen lý lịch” từ gia đình nữa. Trần Ngọc Châu, Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Trường Kiên, Tiếng Thu, … đã từ môi trường thanh niên xung phong những ngày đầu giải phóng ấy mà vươn lên đoạt lấy những thành công trong cuộc sống, trở thành “thần tượng”, thành “người của công chúng” nhiều năm sau này. Nhớ lại mới thấy, nếu không có tầm nhìn xa rộng về sự hàn gắn dân tộc trong tương lai, nếu không giải quyết các vấn đề con người bằng trái tim con người thì làm sao có thể đề ra và chỉ đạo thực hiện thành công một chủ trương đúng đắn và nhân văn đến thế. Sắp bốn mươi năm rồi, vậy mà mỗi khi nhớ lại ngày 28.3.1976  ấy, nhiều người thuộc lớp con em của chế độ cũ khoác áo Thanh niên Xung phong chế độ mới vẫn còn rưng rưng cảm động. Ông Kiệt, người đứng đầu chính quyền cách mạng, đã mở đầu bài diễn văn trong ngày hôm ấy bằng câu “Các em yêu quí!”. Họ, lớp trẻ bị định kiến lý lịch đã được ông Kiệt gọi trìu mến và chân tình xiết bao “Các em yêu quí”. Chỉ thế thôi cũng đủ để họ tự tin dấn thân vào cuộc đời mới. Họ đã đến gần với cách mạng thông qua hình ảnh thân thương, gần gũi cụ thể là ông – Võ Văn Kiệt.

clip_image006

Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và văn nghệ sĩ. Ảnh: TL

4. Có người nói, ông Kiệt có duyên với trí thức, văn nghệ sĩ nên được anh chị em yêu quí, gần gũi, bất kể sự khác biệt tuổi tác và môi trường đào tạo. Người viết bài này thì nghĩ rằng cái duyên nếu có vẫn là đến sau cái tình. Ông Kiệt luôn có tình với những người ông tôn trọng, kính trọng về tài năng, về nhân cách. Ông luôn nói với con cháu, với cán bộ trẻ, rằng làm cách mạng, xây dựng đất nước giàu mạnh  cần đến rất nhiều tài năng, lương tri, nhiệt huyết. Những thứ quí giá đó không tự nhiên mà có, chúng ở trong những con người cụ thể. Người làm cách mạng, người lãnh đạo phải biết khơi gợi để những của báu ấy bật ra, phục vụ cho sự nghiệp chung. Nhưng, muốn khơi gợi trước hết tự đáy lòng phải thật sự tôn trọng tài năng, phẩm chất để mà gần gũi họ một cách chân thành, để biến các tài năng, đức độ ấy thành sức mạnh vận động. Ông Kiệt có thể ngồi nghe Trịnh Công Sơn hát đi hát lại những ca khúc như Em còn nhớ hay em đã quên rồi thốt lên những lời khen rất thực theo đúng “kiểu ông Kiệt”: “Mình muốn nói với anh chị em đừng bỏ đất nước mà đi, hoặc nếu có đi thì cũng nhớ mà quay về. Nhưng mình nói không thể nào bằng được Sơn. Bài hát của Sơn viết đi thẳng vào trái tim người ta, giữ chân người ta lại, khiến người ta ray rứt… Tài năng đó là riêng biệt, phải được trân trọng đúng mức”. Ông đi ra biển, đi lên rừng làm thủy điện, làm đường dây 500KV, làm đường Hồ Chí Minh, đi đâu cũng rủ rê Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập… và những anh chị em khác nữa đi theo. Ông biết, các công trình quan trọng ấy của đất nước cần sự động viên, sự quan tâm của toàn xã hội mà các bài diễn văn, các nghị quyết không thể thay thế các bút ký, các bài thơ, các ca khúc tha thiết, cháy bỏng lôi cuốn lòng người. Ông không giấu diếm sự khâm phục giá trị chính luận sâu sắc trong bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy, cho dù trong bài thơ ấy có nhiều câu nghe như những mũi kim chích thịt da đau nhói. Cái hồi vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ không được hoan nghênh ở Hà NỘi và suýt nữa ở cả Sài Gòn (vì chỉ trích thẳng thắn thói quan liêu, kẻ cả, trù úm người tốt của các cán bộ tổ chức thoái hóa), ông Kiệt là người trực tiếp cùng lãnh đạo hội Sân khấu thành phố ngồi “duyệt” rồi ông chỉ đạo cho diễn vở này ở thành phố, ông sẽ chịu trách nhiệm nếu có sự phê phán từ đâu đó.

Cái phong cách lãnh đạo sát việc, sát người, chí tình chí lý ấy của ông Kiệt bây giờ hóa ra đã thành của hiếm. Sự hiếm hoi ấy khiến cho rất nhiều người cảm thấy rất nhớ ông, rất thiếu vắng ông. Cả lúc còn sống và cả khi đã từ giã thế giới này ông Kiệt vẫn luôn được nhiều người yêu quí, kính trọng, chứ không chỉ riêng gia đình ruột thịt – nơi ông là chồng, là cha, là ông. Ông đã sống vì mọi người bằng chính sự dấn thân, bằng tấm chân tình, bằng sự sòng phẳng và tự trọng.

Ông đích thực là một – người – của -nhiều-người.         

Nguyễn Thế Thanh

http://nguoidothi.vn/nguoi-cua-nhieu-nguoi.ndt

Comments are closed.