Bùi Vĩnh Phúc dịch
Phóng hoạ về Rilke của Leonid Pasternak
(Moscow c. 1900)
Phần Giới Thiệu:
Rainer Maria Rilke là một thi sĩ và nhà văn gốc Áo-Hung (12/4/1875 – 12/29/1926). Ông được đánh giá là một trong những thi sĩ trữ tình nhất của văn chương Đức. Sáng tác của ông để lại bao gồm một tiểu thuyết, nhiều tập thơ, và nhiều tập thư từ qua đó người đọc ấn tượng nhất là về những hình ảnh đầy sức ám gợi, nói lên sự khó khăn trong việc diễn tả của con người về những điều bất-khả-phô-diễn, trong một thời đại mà sự bất tín, cô đơn và dẫy đầy lo âu, xao xuyến vốn là những nét nổi bật.
Mặc dù được biết đến như một tác giả chủ yếu của văn chương và văn học Đức, Rilke cũng có hơn 400 bài thơ viết thẳng bằng tiếng Pháp. Đối với độc giả Anh ngữ, những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông bao gồm tuyển tập thơ Duino Elegies (Duineser Elegien) và Sonnets to Orpheus (Die Sonette an Orpheus), tiểu thuyết mang nửa tính tự truyện The Notebooks of Malte Laurids Brigge (Die Aufzeichnungen des Malte Laurids Brigge), và tuyển tập mười lá thư (xuất bản sau khi ông mất), được đặt tên là Letters to a Young Poet (Briefe an einen jungen Dichter).
Phần tuyển dịch sau đây được trích từ tập sách The Poet’s Guide to Life / The Wisdom of Rilke do Ulrich Baer biên tập và dịch từ những tập thư từ, tài liệu đã được xuất bản của Rilke. Ông viết rất nhiều thư, có thể nói trên dưới mười ngàn lá, cho đủ loại người, bao gồm các nhà quý tộc và các cô, các bà thợ giặt, các chủ cửa hàng và các nhà chính trị, vợ ông, nhiều nhà bảo trợ khác nhau, các nhà biên tập, bạn bè, người yêu, các nhà thơ thân hữu, các nghệ sĩ, và những người hâm mộ không quen biết. Ông trả lời một cách không phân biệt tất cả những thư từ mà ông nhận được, bất kể vị trí xã hội của người viết thư, nếu ông nhận thấy lá thư ấy “đánh động đến tâm hồn ông”, ngay cho dù đó là thư đến từ những con người mà ông không hề quen biết.
Tập sách nổi tiếng Letters to a Young Poet (Thư gửi một Thi Sĩ Trẻ), khá quen biết với độc giả Việt Nam, chỉ là một mảnh nhỏ được rút ra từ những trang thư của Rilke. Khi viết những lá thư này, Rilke vẫn còn là một người đang dò tìm lối, như một nhà thơ, và chỉ mới bắt đầu chớm sống một cuộc đời mà, về sau, sẽ đem lại cho những lá thư của ông sức nặng, sự tinh nhạy và sâu sắc, cũng như đầy chặt sự dồn nén của năng lượng. Trong những lá thư càng về sau này, Rilke cho thấy suy nghĩ của ông về những cuộc cách mạng mang tính chính trị, về vai trò của thần thánh trong cuộc sống con người hiện đại. Ông cũng viết, như trong một trạng thái bùng vỡ, về tình yêu, về cuộc sống, về ốm đau, bệnh tật, về cái chết, về sự mất mát. Ông viết về tuổi thơ, về những khó khăn trong đời, về sự bất hạnh, về những lực cản trong cuộc sống, về những niềm vui, về sự làm việc. Ông cũng viết về niềm tin và nghệ thuật và ngôn ngữ, về tình bạn, về hôn nhân, và giản dị là về sự sống cùng và sống với những người khác. Không có gì lạ khi chữ nghĩa và tư tưởng của Rilke thường được sử dụng trong những dịp họp mặt đầy ý nghĩa, như trong các đám cưới hay lễ ra trường, hoặc chúng được viết trên các vì tường của bệnh viện hay của nhà trẻ.
Trong thư từ, thoát khỏi sự ràng buộc cần thiết nhưng cũng phần nào có tính kìm nén của thi ca, ông diễn tả thoải mái và sâu sắc tất cả những xác tín của mình trong đời. Viết như một hơi thở lồng lộng, như máu chạy thiết tha rì rào trong cơ thể. Qua những lá thư, người ta thấy Rilke đã sục sạo, sờ mó tất cả mọi góc cạnh, ngõ ngách của cái đời sống nội tâm phong phú mà từ đó thơ của ông như một ngọn suổi tuôn trào ra. Chữ nghĩa của ông, ở đây, không giống như chữ nghĩa được chuốt lọc cẩn thận, như những viên ngọc trai, của Rilke, của một nghệ sĩ hiện đại đầy ý thức trong sáng tạo thi ca của mình. Chúng không được viết riêng cho những người trí thức, và không có chủ đích để đọc trước công chúng, như trong những buổi đọc thơ của ông. Đây là những con chữ, những suy nghĩ bật ra từ chính cuộc sống Rilke, và cũng là những điều luôn sống động trong những vùng sâu thẳm nhất của tâm hồn ông.
Tập The Poet’s Guide to Life này, lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Anh, là một tuyển tập được chọn lựa từ một số thư từ của Rilke. Nó được thực hiện sau khi dịch giả Ulrich Baer đã đọc khoảng bảy ngàn lá thư, cả bằng tiếng Đức và tiếng Pháp, đã từng được xuất bản của nhà thơ. Những đoạn dịch tiếng Việt ở đây được lấy từ phần On Language: That Vast, Humming, and Swinging Syntax (Về Ngôn Ngữ: Cái Ngữ Pháp Bao La, Rì Rầm, và Đong Đưa Ấy).
BVP
Về Ngôn Ngữ
Để là một con người nào đó, như là một nghệ sĩ chẳng hạn, có nghĩa là: có khả năng nói ra chính con người mình. Điều này sẽ chẳng khó khăn mấy nếu ngôn ngữ bắt đầu tự mỗi cá nhân, khởi nguồn trong hắn, và rồi, từ điểm này, dần dần tự đẩy mình, bắt mình đi đến lỗ tai và sự thấu hiểu của người khác. Nhưng thật ra thì không phải như vậy. Hoàn toàn trái ngược lại, ngôn ngữ là cái mà tất cả mọi người đều có chung, nhưng cũng là cái mà không một con người duy nhất nào tạo ra, vì mọi người đều cứ liên tục sản xuất ra nó, cái ngữ pháp bao la, rầm rì, và chơi trò đánh đu ấy mà, với nó, ai cũng cảm thấy có tự do để thêm thắt vào bằng cách nói ra những gì gần gũi nhất với con tim mình. Thế rồi, chuyện xảy ra là có một người nào đó, vốn khác với những người láng giềng của hắn trong tận thâm cung lòng mình, tự làm thất lạc chính mình bằng cách nói ra những điều trong lòng hắn giống như kiểu mưa bay thất lạc ngoài biển cả. Bởi lẽ, bất cứ một điều gì là độc nhất đối với một con người, nếu nó không muốn tiếp tục câm lặng, cần phải có ngôn ngữ riêng của nó… […]
*
Khi làm thơ, người ta luôn luôn được phù trợ và, thậm chí, được du đẩy bềnh bồng đi xa bởi nhịp điệu của tất cả những gì ở bên ngoài, bởi lẽ tiết nhịp của thơ chính là tiết nhịp của thiên nhiên: của nước, của gió, của đêm. Nhưng để có thể đưa ngôn ngữ vào nhịp điệu, người ta phải tự để cho mình chìm sâu vào chính con người mình và khám phá ra bao nhiêu là nhịp điệu không thể gọi tên của dòng máu chảy trong huyết quản người ta. Ngôn ngữ của thơ phải được xây dựng như một ngôi thánh đường: ở đó con người thật sự không có tên tuổi, không có tham vọng, không có sự trợ giúp nào cả: chót vót trên bộ xà cột dựng xây, trên giàn giáo, nó cô đơn với lương tâm của chính mình.
*
Khi người ta làm thơ, viết văn ở tuổi hai mươi mốt, người ta chẳng là gì cả ngoài tiếng gào thét—và có ai nghĩ rằng một tiếng gào cần phải được gào lên một cách khác biệt không? Ngôn ngữ, thật sự, còn quá thanh mảnh, còn quá mỏng đối với chúng ta vào những năm tháng đó, đến nỗi tiếng gào đi qua nó và mang theo với mình chỉ những gì còn dính bám vào nó. Người ta luôn luôn phát triển theo một cách, là cái cách khiến cho ngôn ngữ của người ta được đầy đặn hơn, dày chắc, cứng cáp hơn, có trọng lượng hơn, và dĩ nhiên điều này chỉ có ý nghĩa đối với một người tin chắc rằng tiếng gào thét trong hắn cũng không thể lay chuyển và không ngừng thu tập sức mạnh để, sau này, bị dồn nén bởi vô số những bầu khí quyển, nó xuất hiện đều khắp từ những lỗ chân lông của cái môi trường tưởng chừng như bất khả thâm nhập.
*
Trong một bài thơ được làm một cách thành công, thực tại đầy ắp trong đó nhiều lần hơn so với trong bất cứ một quan hệ cá nhân hoặc trong bất cứ một niềm thương mến nào mà tôi có thể cảm nhận được. Khi tôi sáng tạo, tôi trở nên có thật và tôi muốn tìm kiếm cái sức mạnh để dựa cả cuộc đời tôi trên sự thật đó, trên sự giản dị và niềm vui vô biên mà tôi đôi lúc được trao ban.
*
Đừng nói bất cứ điều gì ngược lại vần điệu! Thật sự, vần điệu chính là một nữ thần đầy sức mạnh, một vị thần của những sự ngẫu nhiên hết sức bí mật và hết sức cổ xưa, và người ta không bao giờ được để cho những ngọn lửa trên bàn thờ của nàng cháy tàn. Vị nữ thần ấy tính khí thật là thất thường: người ta không thể nào đoán biết trước ý nàng, cũng không thể khích động nàng. Nàng đến như thể chính hạnh phúc đến, đôi tay nàng đầy ắp những bông hoa của sự toàn mãn […] Vần điệu đúng không phải là phương tiện của thơ, nhưng là lời khẳng định tuyệt đối mà các vị thần đóng xuống như một con dấu trên những cảm xúc thơ ngây, trinh bạch nhất của chúng ta.
*
Thật là kinh hoàng khi nghĩ đến chuyện nhiều điều đã được thực hiện và bị mất đi qua những từ ngữ; chúng quá xa rời chúng ta, bị giam hãm trong sự bất xác vĩnh hằng của chúng, vô cảm đối với những nhu cầu khẩn thiết nhất của chúng ta. Chúng thu mình lại khi chúng ta nắm lấy chúng. Chúng có đời sống của chúng và chúng ta có đời sống của chúng ta.
*
Để chân thật với bạn, càng sống lâu, tôi càng cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm một câu trả lời trực tiếp, có giá trị cho những từ ngữ giống như những chữ, những từ mà bạn đã gửi đến tôi. […] Bất cứ sự thành công hay một cái nhìn sâu sắc nào mà tôi tình cờ có được trong bài thơ của mình, hay trong một tác phẩm nghệ thuật khác, thì đều không giống như sự làm chủ và sự thành tựu trong cuộc sống hằng ngày—và nếu có việc phải quyết định xem ai trong chúng ta là kẻ kém giá trị hơn, có lẽ phần về phía tôi sẽ nặng hơn phần về phía các bạn. Mặc cho tất cả những khó khăn của hắn, con người sáng tạo và năng sản hẳn nhiên tìm được sự xác tín trong cái sức mạnh lớn lao mà đôi khi hắn thấy được trong mình, và chính cái sức mạnh ấy đã cùng đồng hành với hắn để đạt đến sự thành tựu chung, đến nỗi bất luận hắn có thể cảm nhận là mình bị bao vây, đè nén đến thế nào đi chăng nữa, hắn đều tìm được sự kiên nhẫn để chịu đựng vì nó. Bằng cách nào những người khác, những người đã bị bao vây, dìm ngập trong đau khổ, đặt chân đến được cái vùng đất sâu kín và phong nhiêu để kiên nhẫn chịu đựng: tôi thường tự hỏi về điều đó mà vẫn chưa tìm được một lời giải. Nhưng chúng ta phải công nhận rằng khó có một điều gì đó hiện hữu, bày ra trước mắt chúng ta, trong sự thể hiện muôn hình vạn trạng của nó, từ những thí dụ tầm thường đến những biểu hiện không thể quên được, bằng sự kiện này: cuộc sống đạt được sự thành tựu của nó trong những hoàn cảnh mang tính sỉ nhục, cay cực khốn khổ, và thậm chí nguy hiểm chết người nhất, và rằng con người ta có khả năng yêu thương cuộc sống khi cuộc sống trở nên hoàn toàn khủng khiếp. Và thậm chí có những con người đã chịu đựng lâu dài cái mệnh số rực rỡ của mình một cách thờ ơ, không cảm thấy khoái cảm hay tham gia gắn bó lắm với cái mệnh số ấy, đã thấy niềm vui và sự an toàn mở ra trong trái tim mình khi, bỗng nhiên, hoàn cảnh xô đẩy họ vào sự tuyệt vọng, và họ thấy mình bệnh hoạn, bị xâm hại, lạm dụng, ở nơi tận cùng của những tù ngục bất khả thăm dò; và họ bắt đầu nhận biết và lần đầu tiên có cái quyền được hạnh phúc nếm cảm thật sự những khả năng của con tim mình chỉ khi họ bị đẩy đến tận tình trạng ấy. Tôi đã theo đuổi dấu vết câu chuyện của những cuộc đời như thế trong bất kỳ hoàn cảnh nào tôi có thể, với sự hào hứng tột độ, và cho dù tôi đã không thể phát hiện được một tia nhìn thoáng nào về cái điều bí mật đã làm cho những cuộc sinh tồn kỳ vĩ ấy có thể xảy ra, tôi sống trong niềm xác tín rằng những điều [kỳ diệu] ấy vẫn luôn xảy ra trong đời.
(trích trong “The Poet’s Guide to Life / The Wisdom of Rilke”, do Ulrich Baer tuyển dịch. Modern Library Edition: New York, 2005.)