Mảnh vỡ của bức tường

Tùy bút Nguyễn Đức Tùng

Hà Nội mừng đón Tết hoa chen người đi liễu rủ mà chi. Anh tôi thường ngâm nga bài hát ấy mỗi khi thật vui hay buồn, nhưng cũng có khi vì gặp câu hỏi khó, kẹt quá không trả lời được, anh vừa hát vừa nhìn vào mắt người đối diện.

Anh là chồng của chị họ tôi, anh sinh ở Hà Nội, gia đình vào Huế năm 1950, lúc anh lên ba tuổi. Anh tham gia phong trào Phật giáo trong chế độ đệ nhị Cộng hòa, cùng lứa với Ngô Kha, bị bắt, được thả, bị bắt lại, từ bỏ chính trị, đi lính, đi dạy học, di tản năm 1975… Tức là anh mang trong người một cuốn sách bỏ túi của lịch sử Việt Nam cận đại.

Nỗi lòng kín đáo của đàn ông khó biết. Kỷ vật của anh lớn bằng nắm tay. Gọi đó là cục gạch hay xi măng vỡ đều đúng, chứa cát, sạn, gạch đá, xương lá khô, ngày, tháng, năm, tuần lễ, đất, vảy cá, sương mù, kim đồng hồ cũ, những lớp sơn xanh đỏ…, bề mặt bám bụi như mới được gỡ ra từ một kè đá từng va đập nhiều cơn sóng dữ của thời gian bão táp.

– Nó ở đâu ra? Một người khách hỏi.

– Đừng đụng tay vào. Chỉ được ngắm thôi. Một người trả lời.

Mọi người ngồi quanh chăm chú nhìn mảnh vỡ còn lại của bức tường Bá Linh, thì thầm, kính cẩn, nghẹn ngào, sung sướng, mặt sáng bừng, xúc động. Một hồi lâu không ai nói gì.

Một ông lớn tuổi, trán hói, tóc hoa râm nhưng mặt bầu bĩnh như trẻ con hút liên tiếp hết hai điếu thuốc Con Mèo trước khi chậm chạp đưa tay sờ vào phần lồi ra nhất của viên gạch, có một vệt sơn xanh. Tôi ho sặc sụa vì khói thuốc của ông. Đó là một luật sư kiêm dân biểu quốc hội ở Sài Gòn ngày trước mà tôi chưa gặp trước đó bao giờ. Ông vừa dặn mọi người không được đụng tay vào, nhưng không cưỡng được cám dỗ.

Anh tôi, tình cờ đi dự một lớp tập huấn ở Tây Bá Linh, vì anh là quản đốc giỏi của nhà máy hóa chất của Edmonton, đúng vào dịp bức tường nổi tiếng bị phá vỡ chỉ mấy tháng trước, ngày 9 tháng 11 năm 1989, trong cuộc cách mạng ở nước Đức.

– Làm sao anh lấy được vật này? Tôi hỏi.

Anh kể lại: anh đi taxi tới gần sát bức tường. Nhiều người quá, họ tràn qua các đại lộ reo hò vui mừng, có vài người đập phá, nhưng đa số là trôi đi trong niềm vui bất tận. Những người từ Đông Đức tràn qua bắt tay với những người ở phía Tây qua hàng rào, họ cõng nhau, đứng lên vai nhau, đánh đu qua những nhành cây ít ỏi còn cho phép mọc gần bức tường. Tài xế taxi không dám lái đến gần, anh phải đưa thêm tiền để họ đưa anh tiến sát vào.

Một chàng thanh niên đầu tóc bù xù tay trái cầm một chai rượu sâm banh, gõ cửa kính xe ra hiệu cho anh hạ xuống. Chàng ta chìa ra một cái rổ đựng mấy viên gạch vỡ bảo anh có thể mua về làm kỷ niệm. Anh chọn một cái, khá lớn, nhưng không có tiền Đức, anh trả mười đô Mỹ. Hay hai mươi đô, hay năm mươi, vui quá, anh không nhớ.

Kết thúc đệ nhị thế chiến, nước Đức được chia làm bốn phần lãnh thổ, mỗi phần được trao cho một trong các nước Hoa Kỳ, Liên Xô, Pháp, Anh đóng quân. Về sau các phần do phe tự do nắm giữ kết hợp với nhau thành Tây Đức, phần còn lại là Đông Đức thuộc khối cộng sản.

Sau chiến tranh những người dân từ Đông Đức tìm cách chạy trốn qua phía Tây Đức, lối đi hay nhất là qua biên giới ở thành phố Berlin, hay Bá linh. Trong mười năm sau chiến tranh, đã có gần ba triệu người bỏ trốn chủ nghĩa xã hội như thế, và chính phủ Đông Đức hoàn toàn tuyệt vọng trong việc ngăn cản họ.

Đêm 12 tháng 8 năm 1961, lặng lẽ và bất ngờ, Đông Đức đã tiến hành xây một bức tường ngăn cách đông tây, khóa chặt các cửa ngõ, cắt đường điện thoại, trên một khoảng cách dài 150 cây số không những xuyên qua Berlin mà còn ngăn cách hoàn toàn hai nước Đông và Tây Đức.

Bức tường có nhiều lô cốt, hàng trăm tháp canh, hàng ngàn binh sĩ canh gác, với chó dữ, dây thép gai, các ổ súng tự động. Bức tường được chiếu sáng ngày đêm, có những nơi cao đến trên ba mét và rộng hơn một mét. Trong lịch sử của nó, hàng chục ngàn người đã tìm cách tẩu thoát, trong đó có năm ngàn người thành công, những người khác bị bắt lại, bị bắn chết hoặc bị tra tấn.

Người dân đông Đức ngày càng có nhiều kế hoạch táo bạo hơn để vượt tường, có người đào những đường hầm sâu dưới đất, nối từ các tòa nhà bên đông sang các tòa nhà bên tây. Có người để dành thì giờ khâu vật dụng thành những khinh khí cầu và bay đi, vượt qua các làn đạn bắn theo.

Ngày 17 tháng 8 năm 1962, hai người bạn rủ nhau chạy về phía bức tường và trèo qua nó. Người thanh niên thứ nhất thành công, nhưng bạn của anh, Peter Fechter bị bắn. Dù đang chảy máu, Peter vẫn cố sức leo lên rồi ngã nhào xuống đất. Lính Đông Đức không bắn thêm một phát nào nữa nhưng để mặc Peter nằm đó, gào khóc, máu tuôn như suối, chờ đến khi anh ta chết hẳn, mới quay lại mang cái xác đi.

Peter Fechter từ đó trở thành biểu tượng của bức tường Đông Tây (1961-1989) và cuộc đấu tranh cho tự do.

Viên gạch được gói kỹ trong giấy báo đặt vào trong một cái hộp bằng gỗ sơn mài, hình như là hộp trang điểm phụ nữ. Từ hôm về nhà, ngày nào anh tôi cũng mang ra ngắm nghía một lúc nhưng dứt khoát không chịu rửa sạch nó bằng nước vì bụi bặm vẫn còn bám quanh lớp sơn bên ngoài.

Những người đàn bà nóng ruột vì thức ăn đã nguội, trời sắp mưa.

Tháng Tư, mùa xuân năm nay tới sớm. Chiếc bàn ăn kê ngoài trời. Chúng tôi ngồi ở góc vườn dưới bóng mát của hai cây lê hoa trắng xóa, hoa sắp tàn, rụng đầy.

Anh chị tôi dọn những món ăn Việt Nam ít khi gặp ở thị trấn nhỏ này, gần thành phố Edmonton. Thời ấy thức ăn Việt Nam rất hiếm, không phải như sau này. Nhiều thứ trái cây mang từ Vancouver trong các dịp nghỉ hè, tôm hùm đặt từ New Foundland. Lẩu tôm chua, rau muống, bánh phồng tôm, chả Huế. Thật là một bữa tiệc ra tiệc.

Anh tôi khệ nệ bưng từ nhà để xe những két bia Budweiser và mấy chai rượu mạnh để dành từ mùa đông, mặc dù người khách nào đến cũng mang theo một thứ gì đó để uống. Anh ngồi đầu bàn, tôi ngồi bên tay trái của anh, năm bảy người bạn thân quen ngồi quanh bàn sát vào nhau nói cười la hét ầm ĩ. Đó là bữa ăn Việt Nam thực sự đầu tiên đối với tôi, sau nhiều năm đi học.

Những người đàn bà lúi húi trong bếp chạy đi chạy lại mang thức ăn. Mặc dù ở Canada chín, mười năm, cảm thấy hoàn toàn ngang hàng với đức ông chồng, nhưng họ vẫn giữ thói quen cũ, ít khi ngồi ăn cùng một lúc, nhất là khi những người đàn ông vừa uống rượu uống bia, vừa nhả khói mù trời, la hét. Phụ nữ thương chồng nhưng tính vốn sạch sẽ.

Mùa xuân năm nay kéo dài, không phải vì thời tiết mà vì con người. Nhưng cuối cùng hè cũng đến, hơi nóng ngoài mặt đường nhiều hôm gặp nắng bốc lên ngùn ngụt, mặc dù một vài nơi trong thị trấn tuyết vẫn chưa kịp tan. Sau mùa xuân Thiên An Môn 1989, trong một vài tháng, tình hình Đông Âu diễn biến mau lẹ, ngoài sức tưởng tượng.

Ba Lan. Công đoàn Đoàn kết. Tiệp Khắc. Cách mạng nhung. Bức tường Berlin. Hungary. Rumani. Xử bắn vợ chồng Ceaucescu. Chúng tôi trò chuyện khi miệng vẫn còn nhai nhồm nhoàm, có khi bắn cả nước bọt sang người khác.

Thằng bạn tôi làm đổ ly bia lên quần jeans của tôi. Anh tôi bị sặc vì vừa hút thuốc lá vừa nhai một cái đùi gà. Chuyện nhỏ. Anh đưa điếu thuốc Winston cho ông bạn trung úy pháo binh hút giùm, hồi ấy ai mà chẳng hút thuốc, rồi hét to:

– Khi nào thì đến lượt Việt Nam?

Một người trả lời: Ba năm. Chắc như bắp. Ông luật sư dân biểu đi học tập cải tạo về, vượt biên bằng đường bộ đến trại tỵ nạn Thái Lan, đặt ly rượu whisky màu hổ phách xuống bàn, khoanh tay ngẫm nghĩ.

Mọi người nhao nhao tranh luận nhưng cuối cùng quay lại nhìn ông chờ đợi. Ông được xem là người đọc nhiều hiểu rộng, trong quốc hội Việt Nam Cộng Hòa đã từng hạ đo ván các đối thủ chính trị bằng các lý thuyết với lập luận vững chắc; trong trại cải tạo ông cũng không thôi tìm dịp tranh luận với cán bộ quản giáo, vì vậy thời gian học tập từ ba năm đã thành sáu năm.

Ông dân biểu hạ giọng: Sáu tháng.

Thực sự ông đã điện thoại nhiều nơi để hỏi giá vé từ Canada qua Los Angeles về Việt Nam. Hồi đó việc du lịch gặp dư luận khó khăn, những người về Việt Nam bị tai tiếng, ngay cả bạn bè thân cũng không ủng hộ, nên họ thường bay tránh qua các nước khác.

Ông dân biểu độc thân đã lớn tuổi không có ý định trở lại tham chính, nhưng lòng đầy nhiệt huyết, ông tin rằng với chút ít kiến thức của mình có thể góp một tay cho chính quyền dân chủ non trẻ ở Việt Nam sau khi chế độ đương thời giải thể, ít nhất là về tư pháp, vốn là ngành của ông.

Một người bạn của anh tôi, một ký giả nổi tiếng, nghe đồn là người tình cũ của Mỹ Châu, tóc anh bạc như cước, trước có viết bài trên báo Sóng Thần của Chu Tử, trầm tư: Sự sụp đổ nhanh như ở Đông Âu tạo ra tình huống nguy hiểm, khoảng không quyền lực, tránh khỏi cướp bóc loạn lạc. Phải giữ nguyên các công chức hành chánh, các thứ trưởng trở xuống, của chánh quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Anh ngậm pipe màu nâu có nạm bạc, vừa nói vừa nhả khói, trông như một tài tử điện ảnh, sang trọng không chịu được. Mon père fume la pipe. Bạn nào học tiếng Pháp hồi nhỏ như tôi thì nhớ câu này.

Anh tôi nghiêm nghị bảo: Tôi sẽ bán căn nhà này và đem hết vốn liếng dành dụm được, về quê, sống như một người nông dân bình thường, sáng cày ruộng chiều đọc sách, mở trường dạy trẻ.

Tôi nghĩ thầm nhưng không nói ra: Mặc dù có lúc nhảy bưng theo Mặt trận Giải phóng, anh vốn con nhà giàu, lớn lên ở Thành Nội, chưa từng cuốc đất hay cày ruộng.

Ông bác sĩ quân y gốc Hải Dương, quen anh tôi từ thuở tiểu học, rút trong túi ra một bức thư viết trên giấy học sinh nhàu nát: bức thư của một người bà con đang làm trưởng phòng công nghiệp huyện. Ai cũng biết thư ấy, vì ông đã đọc nó ít nhất hai lần rồi trong bữa tiệc này. Ông đọc lại, thong thả từng chữ:

Thưa chú,

Cháu biên thư hỏi thăm sức khỏe chú thím. Công tác của chú bên ấy có hoàn thành tốt không. Về phần cháu mọi sự vẫn thường, các em ngoan, học giỏi đi làm về biết giúp bố mẹ, phần cháu từ bốn tháng nay không có lương. Lương thực bị cắt giảm, tem phiếu không mua được vì cửa hàng không còn gì để bán. Đi làm về cháu liền xách giỏ đi bắt cua, đi nơm cá, nhưng sản lượng kém vì ai cũng ra đồng bắt cua mò ốc, có ngày cháu về tay không. Vẫn biết chú mới qua bên đấy cũng còn nhiều lo toan ở xứ người, nhưng

Ông luật sư vừa húp bát canh vừa mắng một người đàn ông ngồi bên cạnh:

– Chú chẳng biết đếch gì. Đây là lúc phải hòa giải, chứ giết chóc nhau làm gì nữa. Chúng ta muốn một Đông Âu cho Việt Nam là để làm gì?

– Là để thiết lập một chính quyền quốc gia mạnh hơn Việt Nam Cộng Hòa đầy tham nhũng ngày xưa.

Anh tôi quay lại nhìn người nói câu ấy một lúc thật lâu rồi từ tốn nói:

– Tôi không nghĩ vậy. Là để tiến hành một cuộc hòa giải dân tộc chưa từng có trong lịch sử từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

Mọi người lại im lặng một lúc lâu.

Một người gọi: Em ơi, còn nước đá không?

Nước đá được đem ra, cùng với món bò xào lăn trộn xà lách xoong.

Người đàn ông ngồi bên tay phải của anh tôi, một người thợ nhà in, một nhà thơ chuyên làm thơ Đường luật cổ phong và lục bát song thất, nghe nói có đến một ngàn bài, tương tự như Lý Bạch hồi xưa, về số lượng, lớn tiếng:

– Hòa giải là mắc mưu cộng sản. Đồ ngây thơ.

Ông trung úy pháo binh đáp lễ:

– Mày mới ngây thơ. Tao ủng hộ hòa giải, không nam bắc, không cộng sản quốc gia mẹ gì cả, anh em một nhà có phải vui không?

Hai người đàn ông cùng nổi dóa. Nhà thơ hùng hổ xắn tay áo, ông pháo binh bất ngờ đấm vào mặt nhà thơ, quên mất lý thuyết hòa giải. Họ kéo nhau ra bãi cỏ.

Chẳng ai để ý đến họ vì món lẩu chua của chị tôi rất ngon. Trời quá nóng còn làm cho mùi bia ướp lạnh thêm quyến rũ, và tin tức từ Đông Âu dồn dập mang lại còn quyến rũ hơn nhiều.

Thời gian đó tôi bận đi học, suốt ngày lang thang trong hành lang bệnh viện dài hun hút. Ra đi từ năm giờ sáng, về nhà lúc chín giờ tối, suốt mấy tuần lễ không thấy mặt trời. Anh tôi đi làm trong xưởng hóa chất nên mỗi buổi tối đều về nhà đúng giờ. Vừa bước vào nhà, ôm hôn vợ và con xong, là anh lao ra phòng khách, dán mắt vào màn hình ti vi, anh chỉ xem đài truyền hình CNN và ăn bữa tối tại chỗ. Khắp nơi trên thế giới, nhiều người đều như thế.

Hàng triệu người Việt Nam ở hải ngoại như thế. Tim đập rộn ràng trong hàng triệu lồng ngực. Đến Canada vài năm, anh tôi được hãng cho đi học thêm và sau đó được trả lương khá hậu, anh chị có ba con nhỏ, đều gửi nhà trẻ, nhưng chị làm hai công việc khác nhau nên thu nhập cũng khá. Ở thị trấn nhỏ này chỉ có độ vài chục gia đình người Việt mới đến từ các trại tị nạn Đông Nam Á.

Sau khi thanh toán xong một cái đùi gà chiên, tôi biểu lộ tư tưởng của mình rằng thời gian ba tháng mà ông dân biểu đưa ra cho chế độ hiện hành ở Việt Nam có lẽ là hơi quá lạc quan. Ông trừng mắt nhìn tôi có vẻ bực bội rồi hỏi: Thế cậu nghĩ bao lâu?

Tôi rụt rè trả lời: Em không biết được, nhưng chắc cũng khá lâu.

Một người đàn ông để tóc dài, râu không cạo, nhỏ thó trong bộ quần áo dính đầy sơn, nhìn tôi rồi phán: Thế thì cho chú này lấy đàn bà mọi da đỏ rồi cho nó ở lại Canada luôn; còn chúng mình thì trở về quê hương chứ?

Ông cựu tù cải tạo, bạn của ông dân biểu, bảo: Trước hết phải bắt nhốt một triệu đảng viên cộng sản, cho chúng đi học tập cải tạo về hòa giải dân tộc trong một tháng.

Ông này có lẽ đọc thơ Cao Tần hơi nhiều. Câu nói của ông làm không khí bỗng trầm xuống.

Trung úy pháo binh, có tật nói lắp khi xúc động, sau khi vật nhau với đối thủ, ra hết mồ hôi, bình tĩnh lại, ngồi vào bàn không nói thêm câu nào, không nhìn được bảo: Tha thứ hết. Chính quyền dân chủ mới cần ổn định cái đã. Nhưng cần nhất là khuyến khích đồng bào làm ăn buôn bán, xây nhà thờ, xây trường học, xây chùa. Mà một tháng học tập là một tháng đó nghe. Thằng nào giữ bọn tù binh lâu hơn nữa, tao bắn bỏ chúng nó trước, thề có Chúa.

Anh tôi cũng trở về đạo Công giáo sau khi lập gia đình với chị tôi. Ông dân biểu, tham gia phong trào Phật giáo chống tổng thống Ngô Đình Diệm, hồi trước quen thân thầy Trí Quang và các thầy ở Ấn Quang, bị vợ bỏ lúc mới xuống thuyền rời khỏi Việt Nam, đả kích: Nhà thờ thì cần gì phải xây vội, Chúa với Phật ở trong lòng mình. Cần nhất là khuyến khích tự do ngôn luận. Tôi đi cải tạo ngoài Bắc thấy bà con ngoài đó không có tự do ngôn luận gì cả.

Anh tôi ngước nhìn cây lê, lá xanh mầm nhú còn non, mây đen trắng bay lưng trời, trầm ngâm một lát rồi bảo: Thôi quên hết đi. Quên hết hận thù, quên tội ác, quên nguyên cớ chiến tranh. Không cộng sản cũng chẳng quốc gia. Nếu có nhân tài ra giúp đất nước, tôi sẽ vận động xây một đường tàu hiện đại từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, cho đồng bào đi vé free một năm để thăm họ hàng trong Nam ngoài Bắc. Tôi sẽ ra Hà Nội, đi Bắc Ninh, đi Yên Tử, ngồi xuống bên Hồ Tây, lên đê Yên Phụ để ngắm sông Hồng cuồn cuộn chảy.

Mọi người thi nhau phun khói thuốc lá. Mấy đĩa bánh phồng tôm được đưa lên cùng với nước giải khát. Hai người đàn ông mới vật lộn ngoài bãi cỏ đang ngồi bên nhau thủ thỉ trò chuyện.

Tôi im lặng nhớ về những ngày đầu tiên lang thang với Hoàng trên xứ Canada tuyết trắng, nhớ trại tị nạn tôi đã sống ba năm mấy tháng, nhớ mười bảy ngày lênh đênh trên biển, bốn lần gặp cướp biển, sáu mươi ngày trên vịnh Thái Lan, nhớ làng tôi, bến đò cũ liễu xanh cát trắng như mơ, trước chùa sư nữ của thầy Thích Đôn Hậu. Nhớ ba tôi đã nằm xuống khi tôi vừa đi xa. Nhìn thấy ngôi mộ nhỏ của ông mới đắp trong vườn. Nhớ anh tôi, nằm xuống ở Bến Tre khi vừa hai mươi tuổi, chưa biết hôn lần đầu.

Ông trung úy pháo binh nâng chiếc đàn ghita lên, hát Người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín

Mặt trời bắt đầu lặn xuống sau đỉnh núi xa, vài giọt mưa lác đác rơi trên mặt, trời chập choạng tối nên không ai nhìn rõ anh tôi đang khóc. Chỉ tôi nhìn thấy. Những người khác im lặng thẫn thờ. Một người đàn bà đến bên cạnh anh tôi, ghé tai nói một điều gì, đèn trong nhà bật sáng. Con chim sáo đen trong lồng treo trước thềm nhà bỗng cất tiếng hót, khi ngoài trời bắt đầu mưa bụi.

***

Hai mươi năm đã trôi qua khi tôi về thăm lại anh tôi ở vùng ngoại ô Edmonton. Nhà cũ còn, vườn còn đó. Anh tôi không bán nhà đi vì vẫn thích chỗ ở của mình và đã thôi ý định hồi hương về Việt Nam.

Ông luật sư đã chết trong nhà dưỡng lão vì bệnh thiếu máu cơ tim.

Bác sĩ quân y đã lấy vợ và di cư sang Úc.

Trung úy pháo binh trở thành một người nghiện rượu, cưới một cô vợ trẻ tuổi từ Việt Nam, quê Vĩnh Long, được ba năm thì cô ta bồng con đi mất với một chàng Tây làm việc cùng sở.

Anh tôi từ trong nhà bước ra đứng sau lưng tôi, không nói gì. Trời tối dần. Thấy tôi im lặng nhìn cây mấy cây lê, chỗ đặt cái bàn gỗ cũ, anh nói thêm: Ngày ấy chúng mình thật ngây thơ. Nghĩ lại vẫn hơi xấu hổ. Anh chị về Việt Nam hai lần rồi không về nữa vì cha mẹ, bà con thân thuộc, người thì đi nước ngoài, người thì qua đời, phố phường và xóm làng thay đổi, người mới đến lạ hoắc, đời sống ngày càng nặng về tiền bạc, tình cảm ngày càng nhạt dần. Ai cũng tìm cách bỏ đi, dần dần đi hết. Tình yêu quê hương của mình như mối tình đầu ngây thơ, ngu dại, quê một cục. Anh ít đọc báo tiếng Việt và không buồn xem tin tức, hai vợ chồng chờ cho con cái lớn sẽ bán nhà dọn về đảo Nanaimo ngoài khơi Vancouver.

Ở bên đảo ấm áp hơn, anh bảo tôi, khi chết, cũng tiện cho con cái. Anh đã dặn vợ con về chuyện hậu sự, là khi mất, anh muốn được chôn ở chốn thân thuộc, gần bên dòng sông Hương mà anh bơi lội mỗi ngày thời tuổi nhỏ trong mùa hè nóng nực, quãng gần chùa, để những khi trời trong sáng, nghe được tiếng chuông. Bơi lội nô đùa trên sông, rồi trèo lên gò cao hứng gió chờ khô quần áo, cùng với dăm người bạn vừa đi trên phố vừa thổi sáo, anh nói thêm.

Anh tôi ra hiệu cho tôi đi theo. Hai chúng tôi lặng lẽ đi ra góc vườn chỗ gần ngọn đèn đường có một băng ghế nhỏ, trước tôi chưa để ý, kê gần bên gốc cây cưa ngang làm bàn cà phê. Anh từ từ rút trong túi áo khoác ra một gói giấy báo cũ rồi để hẳn xuống mặt bàn bảo tôi mở ra.

Tôi làm theo, mở mấy lớp giấy báo gói thật kỹ: Cục gạch nằm trên bàn, tôi nhận ra ngay, vẫn màu xám với màu sơn xanh, sần sùi cát sạn, những vệt sơn vẫn còn như mới nguyên.

– Cậu còn nhớ nó không?

Làm sao tôi quên được. Anh bảo: Chị định vứt nó đi mấy lần nhưng anh giữ lại, dù gì cũng là kỷ niệm.

Tôi nghĩ thầm: Kỷ niệm của một giấc mơ.

Tôi đưa tay sờ vào chỗ có hòn sỏi nhô ra, nơi ngày trước ông dân biểu từng chậm rãi hôn phớt lên nó, sau khi phi xong hai điếu thuốc lá Con Mèo.

– Thế còn cái hộp đựng nó ngày xưa đâu?

Anh nhìn tôi ngạc nhiên. Dọn nhà nhiều lần, những thứ lỉnh kỉnh từ từ mất đi mà anh không để ý. Cục gạch gói trong giấy báo anh nhét trong góc tủ áo quần vì như thế tiện hơn là để trong một cái hộp sơn mài.

Anh nhìn tôi hát: Em tôi đi màu son lên đôi môi, khăn san bay lả lơi trên vai ai. Hà Nội mừng đón Tết…

Nó cũng như giấc mơ của người Việt Nam, vẫn còn đó, nằm im trong góc tủ, nhắc chừng chúng ta, sâu xa, đau đớn, âm ỉ, mỗi ngày như vết thương…

Nhưng nó hơn con người ở chỗ biết tự mình làm mất đi cái vẻ huy hoàng rực rỡ bên ngoài, coi bộ không xứng đáng lắm với vị trí bây giờ của mình…

Vì trong xã hội ngày nay, chẳng mấy ai còn xem cái cục đá ấy như là một chuyện lớn lao…

Comments are closed.