Người “gánh cái đẹp” đi giữa cuộc đời

Tương Lai

clip_image002Sao lại “gánh” cái đẹp? Không chỉ “gánh”, mà còn “gánh gánh gồng gồng” nữa cơ chứ. Mà đúng như thế với một lão bà đã 93 tuổi vẫn còn cường tráng về bản lĩnh, minh triết về trí tuệ, tràn đầy sức sống để viết lên lời tự bạch, và chắc cũng là lời nhắn nhủ với bạn bè: “Chúng ta chỉ có một cuộc đời. Hãy trân trọng, biết ơn và cố gắng sống sao cho thật xứng đáng…”.

Và bà đã “cố gắng sống như vậy.

Cầm tấm thiệp mời rất trang trọng màu đỏ đặt trong chiếc phong bì màu đen, chính giữa in hình con dấu thiếp vàng tên hiệu “LOTUS GALLERY” đẹp một cách độc đáo và thật ấn tượng. Ngạc nhiên và xúc động, định móc điện thoại hỏi xem vì sao bà chị thân mến của tôi lại “chơi màu độc đáo” làm vậy. Nhưng rồi lại thôi.

Trong cảm thức chủ quan, tôi cứ loay hoay tự hỏi phải chăng đây là một ẩn ý gợi lại tên một tác phẩm bất hủ thế kỷ XVIII Đỏ và Đen (Le Rouge et le Noir) của nhà văn Pháp Stendhal với lời nhắn gửi của tác giả mà tôi nhớ (có thể là không đúng nguyên văn): “Một tác phẩm nghệ thuật chỉ trở thành bất hủ khi nó trở thành suối nguồn tình cảm vĩnh cửu”. Một loại nguồn mạch na ná như suối nguồn trong “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn “Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe” chăng.

clip_image004E rằng hỏi như vậy qua điện thoại là thiếu tế nhị, nên dành câu hỏi đó cho lúc đến dự buổi thưởng lãm “Lotus Since 1991Hơn 30 năm một hành trình” vào ngày 21. 5.2022, thì hay hơn. Đến nơi mới biết đây là một buổi “giao lưu” của một cuộc “bàn giao thế hệ”, Lotus Gallery sẽ được điều hành bởi Công ty Cspace với sự cố vấn của bà Xuân Phượng, nguyên là người chủ của Lotus Gallery trong ba thập kỷ.

Không giấu được sự ngỡ ngàng chen lẫn với sự bùi ngùi của một nỗi buồn cồn cào bâng quơ trong một tâm trạng hụt hẫng như vừa mất một cái gì, nhưng không hiểu là mất gì. Mất “một cõi đi về” ư, chẳng phải. Vẫn “mây che trên đầu và nắng trên vai, đôi chân ta đi sông còn ở lại” đấy thôi.[1] Vả chăng “Bảo sóng cồn cào là sóng nhớ chớ quên đâu”![2] Vâng, “sóng nhớ chớ quên đâu”.

Nhưng quả thật, hơn ba thập kỷ, từ ngày Lotus Gallery còn đặt ở đường Đồng Khởi, chỉ cách mấy số nhà là trụ sở của chi nhánh báo Văn Nghệ của Nguyễn Duy cũng đặt tại đây. Mỗi lần hội họp thường kỳ hàng tháng xong tôi hay kéo anh Nguyễn Khải ra cái quán cà phê vỉa hè gần đấy nhâm nhi chuyện đời mà lối nói dí dỏm sâu lắng và rất có duyên của một con người từng trải trong nghề văn có sức cuốn hút kỳ lạ đối với tôi. Xong cuộc cà phê vỉa hè, nhiều lần chúng tôi hay tạt vào Lotus Gallery của chị Xuân Phượng, người mà anh Nguyễn Khải thân quen và hay nói về “đôi mắt thẩm mỹ bẩm sinh” của người phụ nữ mà anh quen và trân trọng. Tôi biết và dần thân quen với chị Xuân Phượng từ đó, mãi về sau, tôi mới rõ chị là bạn thân của chị Toản tôi, chị ruột tôi hồi học ở Huế và cùng chung một thân phận trí thức dấn thân cho lý tưởng cao cả.

Sự hiểu biết của tôi về hội hoạ quá kém cỏi nên không cảm thụ được chiều sâu của màu sắc và đường nét thể hiện trên bức tranh, chỉ biết là nó đẹp. Tôi nói điều ấy với anh Nguyễn Khải những mong anh giải thích cho tôi. Anh Khải chỉ cười: “Tôi chẳng biết gì hơn anh, nhưng nếu anh thấy bức tranh ấy đẹp thì là nó đã đẹp trong cảm xúc của anh. Thế là đủ, chẳng cần phải băn khoăn, giải thích, phân tích làm gì cho mệt. Mình nghĩ vậy”. Nguyễn Khải có lý. Nước mắt xúc động trước cái đẹp đến từ nhịp đập trái tim, không phải từ sự phân tích của bộ não, tôi cũng hiểu được như thế.

Trong đầu tôi thoáng gợi ý tưởng của thiên tài Leonardo Da Vinci thế kỷ XVI: “Hội họa là thi ca được ngắm thay vì được cảm nhận, và thi ca là hội họa được cảm nhận thay vì được ngắm”. Nhà văn Nguyễn Khải chắc là muốn nhắc lại điều đó với tôi, một người nghiên cứu triết học và mỹ học đang đứng bên anh giữa một phòng tranh với những tác phẩm chọn lọc qua đôi mắt tinh nhạy của nhà sưu tầm, để hiểu sâu hơn câu “cái đẹp nằm trong mắt của người ngắm” của Plato, nhà triết học của Athens thời Hy Lạp cổ đại.

Nhưng quan trọng và thiết thực hơn cả – trong buổi nhiễu nhương và bế tắc lúc này đây – thì “yêu cái đẹp là thấy ánh sáng” như đại văn hào Pháp Victor Hugo đã viết. Với ý nghĩ đó, tôi gượng đau bảo cháu gọi taxi rồi dìu tôi ngồi vào xe tìm đến trụ sở Công ty Cspace, nơi sẽ diễn ra cuộc “bàn giao thế hệ” giữa những người quản lý mới và người phụ nữ có “đôi mắt thẩm mỹ bẩm sinh” – như Nguyễn Khải nói – từng quản lý Lotus Gallery suốt ba mươi năm nay kể từ ngày 21.5.1991. Quản lý phòng tranh – nơi những đôi mắt tìm cái đẹp ghé lại ngắm nhìn – chứ không phải là và cũng không thể là “quản lý cái đẹp”, vì vậy mà người có “đôi mắt thẩm mỹ bẩm sinh” sẽ phải nán lại một năm để làm cố vấn cho Công ty Cspace. Liệu có phải là một cuộc bàn giao đúng lúc?

clip_image006Thế là, người có đôi mắt đủ tầm để phát hiện ra cái đẹp và cái tâm đủ sáng để ươm mầm và phát triển những tài năng đủ sức góp phần sáng tạo cái đẹp vẫn chưa được nghỉ ngơi, và tôi e rằng bà vẫn chưa thật muốn nghỉ ngơi và buông bỏ. Phải chăng như là một “cái nghiệp”, sức đam mê vẫn chưa vơi cạn để có thể buông bỏ. Liệu rồi có phải bà vẫn cứ gánh gánh gồng gồng cái đẹp giữa cuộc đời để góp vào sứ mệnh cứu rỗi mà văn hào Nga Fyodor Dostoevski khuyến cáo. Điều ấy khó mà tiên đoán, cho nên hãy bàn về những gì cuộc sống đã ghi nhận về những cống hiến không biết mệt mỏi của người phụ nữ ấy.

Người đã

Gánh gánh gồng gồng

Gánh sông gánh núi

Gánh củi gánh cành

Ta chạy cho nhanh

Về xây nhà bếp

Nấu nồi cơm nếp

Chia ra năm phần…

…Gánh gánh gồng gồng...[3]

Đây là bài đồng dao mà tác giả đã trang trọng đưa lên đầu cuốn sách với một cảm hứng lạc quan cho một Hồi ký của một người phụ nữ trí thức “học trường Tây, mặc váy đầm, nói tiếng Pháp, con nhà khuê các” từ bỏ con đường “hồng mai trải một thảm hoa ngát thơm ngập lối đi… những cánh hoa mong manh màu vàng nhạt tinh khiết đêm đêm toả hương” để “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu… coi thường công danh như phù vân” chẳng chịu thua kém những trang nam nhi cùng trang lứa mười sáu đôi mươi. Cắn răng vượt lên những bầm dập khủng khiếp của thân phận người trí thức lại là nữ trí thức xuất thân từ tầng lớp “danh gia vọng tộc” vứt bỏ tất cả để dấn thân cho lý tưởng cứu nước, chống ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ quốc, dám vượt lên tất cả để bảo toàn nhân cách, phẩm giá làm người – người phụ nữ trí thức – trên chặng đường dài của lịch sử lắm chông gai và đầy cạm bẫy.

clip_image008Nồi cơm nếp” được “chia ra năm phần”, bài đồng dao thanh thoát như một vẻ đẹp được thăng hoa trong “lúa nếp thơm nồng” của lời thơ Hoàng Cầm trong

tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong,

màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

với

từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
[4]

như một mảng màu tương phản trên bức tranh về cuộc đời của tác giả Hồi ký Gánh gánh gồng gồng mà tôi đã dừng lại suy ngẫm trên từng trang để viết về người phụ nữ “gánh cái đẹp can trường đi giữa cuộc đời” vẫn còn miệt mài đi tiếp với tuổi 93. Bà vẫn đang vui vẻ và thoải mái thực hiện lời nguyền “cố gắng sống sao cho thật xứng đáng với cuộc đời mà bà trân trọng, biết ơn.

Mảng màu tương phản ấy làm đậm nét cho bức tranh về cái đẹp khi người mẹ “không một xu dính túi… nhặt nhạnh mấy bộ quần áo rách, vài tã lót và một cái xoong. Số bột còn lại mấy ngày trước tôi làm mấy cái bánh nước để đi đường. Các con tôi vẫn ngủ yên trong màn. Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi rời Gò Gai. Một bên đòn gánh là một cái thúng với với ba con gà nhốt trong lồng và một cái xoong khuấy bột. Đầu bên kia Phước ngồi với túi quần áo. Tôi địu cháu Phương sau lưng. Chúng tôi xuống lưng đồi, bỗng Phước quay lại “Không về nhà mình à?”. “Không, mình về nơi nơi có nhiều đèn điện sáng lắm” – “Con không đi đâu. Con muốn ở đây thôi”. Tôi bỗng khóc oà: “Còn ai đâu mà ở?”. Phước cũng khóc theo. Cảnh trở về trong chiến thắng lôi thôi lếch thếch, thật không bao giờ tôi tưởng tượng nổi”.[5]

Thế là, trên lưng địu con gái, vai gánh một đầu là đứa con trai, một đầu là mấy con gà và xoong quấy bột cho con, chị một mình đi bộ từ Gò Gai Tuyên Quang về Thủ đô đã được giải phóng. Có lúc nặng quá, phải tạm đặt quang gánh giữa đường, địu cháu gái đến gửi ở một quán bên đường rồi vội chạy trở lại gánh cháu trai và mấy con gà. Cứ luân chuyển như thế qua mấy trăm cây số. Về gần đến Hà Nội thì chị đói lả, ngất đi trước một ngôi chùa. Bà Tùng Hiên, chủ tiệm vải ở Hàng Ngang đi chùa tình cờ trông thấy tưởng đấy là ba mẹ con ăn mày, động lòng trắc ẩn trước cảnh ngộ thương tâm, bà đưa cả ba mẹ con lên xe ô tô chở về Hà Nội chăm sóc cho đến khi chị tỉnh lại trong xúc động ngỡ ngàng.

Trong đầu tôi cứ vấn vương một ý nghĩ lẩn thẩn, liệu trong những tài năng hội hoạ mà bà chủ Gallery Lotus phát hiện và gầy dựng có ai vẽ được một bức tranh “gánh gánh gồng gồng” với những mảng màu đan chen hoà hợp và tương phản để phản ánh được sự bi tráng đầy kịch tính của lòng yêu thương và sự phẫn nộ, tính nhân văn và sự tàn nhẫn về thân phận một nữ trí thức trong dòng chảy ào ạt và trầm lắng, dữ dội và hỗn loạn, của cuộc sống một thời. Chắc rồi cũng sẽ có thôi, tôi tin như vậy. Nhưng cứ nghĩ đến điều mà những nhà nghiên cứu nghệ thuật nói “chỉ riêng đôi môi của nàng Mona Lisa trong kiệt tác của Leonardo da Vinci phải mất mười năm thì hoạ sĩ thiên tài ấy mới hoàn thành mà hãi hùng.

Nhưng đấy là chuyện thiên tài, còn ở đây tôi đang nghĩ đến những tài năng của sáng tạo và của năng khiếu thiên bẩm mà tôi đã có dịp gặp gỡ và treo tranh của họ trong nhà mình.

Hôm rồi được gặp tác giả bức tranh tôi đang treo giữa phòng khách, tay bắt mặt mừng khi anh đến tìm tôi mà xúc động nghĩ đến người đã tặng tôi bức tranh đó. Dạo ấy, thấy tôi chăm chú nhìn ngắm bức tranh đó treo trong phòng tranh, bà chủ phòng tranh tươi cười nói: “Em thích bức hoạ này à, thế thì chị tặng em, hôm nay sẵn xe, em mang về luôn đi, không thì có người lấy mất đấy”. Bức hoạ được treo lên, bạn bè thích thú nhìn ngắm, trầm trồ bàn tán.

clip_image010 Nhà báo Thomas Fuller, phóng viên của The New York Times đến phỏng vấn tôi, đứng nhìn bức tranh chỉ im lặng thoáng một mỉm cười tinh quái, không nói gì. Nhưng ông Andrej Motyl, Đại sứ Thuỵ Sĩ trong một dịp đến thăm, sau cuộc trò chuyện, trước khi chia tay, đứng hồi lâu trước tác phẩm hội hoạ có sức thu hút ông, đã im lặng đứng ngắm rồi thành thật tỏ bày: “Giá mà ông giải thích cho tôi vì sao ông treo bức hoạ này ở vị trí mà thoạt bước vào đã đập ngay vào mắt thì thật thú vị”. Dạo ấy tác giả của bức tranh chưa được nổi tiếng như bây giờ nên tôi chưa thể nói gì hơn ngoài chuyện bày tỏ cảm nhận riêng tư về cái đẹp của bức tranh. Mà cảm xúc riêng tư thì không nên giãi bày vào lúc này. Nên tôi đành tế nhị đáp: “Vì đã đến lúc chia tay nên tôi sẽ rất cám ơn nếu ngài Đại sứ vui lòng cho tôi biết đôi lời phẩm bình về bức tranh thì hơn, vào một dịp khác nếu lại hân hạnh được tiếp chuyện, tôi sẽ trình bày điều ngài vừa hỏi”. Ông Andrej Motyl cười: “Ông hóm và khôn lắm, tôi thích bức tranh này, nhưng phải thú thật là thích bức tranh treo đối diện kia hơn”. Ông chỉ bức tranh treo đối diện. Thôi hẹn dịp khác chúng ta sẽ nói chuyện dài”.

Vì thế mà tôi chưa có dịp nói đôi lời trước cái nhìn ngụ ý tán thưởng của người bạn nước ngoài về bức hoạ của hoạ sĩ Ông Thế Công vẽ tặng tôi tại nhà anh ở Paris nhân tôi ghé thăm anh trong một chuyến đi. Bức tranh mà “đôi mắt thẩm mỹ tuyệt vời” của bà Xuân Phượng đã phát hiện vẻ đẹp chìm sâu trong mảng màu, đường nét và giá trị của nó khiến tôi bàng hoàng sửng sốt về báu vật mình đang giữ để có đôi lời khiêm nhường giới thiệu với bạn.

Hôm rồi, tác giả của bức tranh – bây giờ đã “thành danh” qua sự phát hiện và hết lòng giúp đỡ của bà chủ Lotus Gallery – đến ngồi cạnh tôi trong buổi “giao lưu” vừa kể. Chúng tôi nắm chặt tay nhau, anh cho biết là đã nhìn thấy bức tranh của anh treo trong phòng khách của tôi qua bài viết của Lưu Trọng Văn chụp, nhân hôm Văn đến thăm tôi.

Tôi nói với tác giả của bức tranh (giờ đã rất nổi tiếng): “Tri thức của tôi về hội hoạ rất ít nên khó mà bình luận về bức tranh, tôi chỉ nói được về sự cảm nhận có tính liên tưởng trong tôi về biểu tượng trong “Còn hai con mắt” của Trịnh Công Sơn mà cũng chẳng hiểu tại sao nữa. Cũng đang định hỏi tác giả cảm hứng và những ý tưởng gửi gắm vào bức hoạ thì người ta đã hối hả sắp xếp cuộc giao lưu nên đành dừng lại chờ dịp anh hứa sẽ đến thăm tôi.

clip_image012Mà thật ra, có nên hỏi không cũng lại là một vấn đề. Bởi lẽ, “bằng nghệ thuật để ngắm tâm hồn mình”, hình như Bernard Shaw viết như thế. Nên nhớ rằng ông là nhà viết kịch từng nhận cả giải Oscar điện ảnh và giải Nobel văn chương. Vậy thì, tự nhìn ngắm tâm hồn mình phải là chính mình, phải là sự cảm thụ của riêng mình, sao lại đi hỏi người khác nhỉ. Vả chăng, càng suy ngẫm, tôi cành thấm thía câu nói của Goethe mà tôi chép trong sổ tay mỹ học: “Tâm hồn biết nhìn cái đẹp đôi khi phải bước một mình”.

Và hôm nay mất ngủ, ngồi một mình ngắm bức hoạ treo trên tường, mà mông lung suy ngẫm về câu “Một tác phẩm nghệ thuật chỉ trở thành bất hủ khi nó trở thành suối nguồn tình cảm vĩnh cửu” của tác giả cuốn Đỏ và Đen nhân cầm trên tay thiệp mời hai màu “đỏ và đen”.

Nhớ đến nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết mở đầu cho trào lưu chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học Pháp. Phải chăng đây là nơi giao hòa giữa ánh sáng và bóng tối, con người hiện ra hai nửa. Một nửa tình yêu và một nửa tham vọng giằng xé trong nội tâm nhân vật của Stendhal. Có lúc tưởng là con người tham vọng chiến thắng, nhưng kết cuộc thì con người của tình yêu mới là cứu cánh tuy quá muộn màng. Muộn, nhưng nó đã rọi một ánh sáng tỉnh thức. Đỏ và Đen có phụ đề là “Ký sự của năm 1830” và lời đề từ: “Sự thật, sự thật cay nghiệt”. Tác phẩm của Stendhal bất hủ là vì vậy.

Ánh sáng tỉnh thức ấy hình như ở đâu đó trong liên tưởng về “Con mắt còn lại” trong giai điệu Trịnh Công Sơn phỏng chiếu thơ Bùi Giáng :

Còn hai con mắt khóc người một con

Còn hai con mắt một con khóc người

Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi

Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp

Con mắt còn lại nhìn mây trắng bay

Con mắt còn lại nhìn tôi bùi ngùi…

Đương nhiên, đó là một liên tưởng, một cảm nhận riêng tư trước một tác phẩm hội hoạ, ẩn chứa một tâm trạng cá nhân – một chủ thể trước một đối tượng được nhìn ngắm – để cảm thụ cái đẹp. Thì chẳng phải Bernard Shaw từng “dùng nghệ thuật để ngắm tâm hồn mình” đó sao. Sẽ thấu hiểu câu nói ấy sâu hơn khi nhớ rằng, ông là một kịch tác gia được coi là chỉ đứng sau thiên tài William Shakespeare một bậc.

Tôi nhìn ngắm bức tranh với con mắt của tôi, với cảm thức và tâm trạng của riêng tôi, và trong chừng mực nào đó cũng có thể “nhìn thấy” tâm hồn mình. Mà “Thế giới của riêng mình là một thế giới của thơ mộng hão huyền, vừa thực mà không thực. Tuy nhiên bao giờ cũng ở cao hơn thực tại một chút”.[6]

clip_image014Đó là bức tranh của hoạ sĩ Ông Thế Công (tức Công Cường mà bạn bè thường gọi) vẽ tôi tại nhà anh ấy tại Paris. Dạo ấy, sau ngày Trịnh Công Sơn mất được bốn tháng, anh đón tôi tại sân bay và đưa ngay về nhà anh ở quận 13. Hai anh em ngồi nhâm nhi ly rượu vang đỏ với mấy lát phômai và chuyện trò xoay quanh chủ đề Trịnh Công Sơn, người bạn chí thân vừa ra đi và hẹn ngày mai sẽ cùng tôi lang thang trên đường phố để tìm đến một vài ngôi nhà nay trở thành bảo tàng danh nhân mà Công Cường đã có ý tưởng về việc thiết kế ngôi nhà 47C Phạm Ngọc Thạch thành ngôi nhà bảo tàng Trịnh Công Sơn.

Anh kéo tất cả những bức hoạ Trịnh Công Sơn, kể cả những phác thảo bằng bút chì, bút sắt đặt trên nóc tủ, trong buồng bếp, trong gậm giường rồi bày la liệt khắp phòng để hai chúng tôi vừa nhâm nhi vừa im lặng nhìn ngắm. Bỗng Cường đứng dậy: “Anh ngồi để Cường vẽ anh”. Tôi xúc động ngồi yên nhìn anh vẽ. Quãng 25 phút sau Cường buông một câu: “Xong, rồi Cường sẽ đem về Sài Gòn cho anh”.

Trịnh Vĩnh Trinh đã thân thiết nói với tôi “Em phải cho làm một cái khung thật đẹp cho bức hoạ tuyệt vời của anh Công Cường để anh treo lên tường. Khoan treo vội, chờ em nhé”. Khi bức tranh được trang trọng treo lên giữa phòng khách, hai đứa cháu nhỏ thì thầm: “Bà nói ông cất đi, nhìn con sợ lắm”. Bà thương cháu, nói lại với ông. Nhưng tôi chỉ cười: “Kệ chúng nó, rồi đến lúc chúng sẽ hiểu thôi”.

Một hôm chị Xuân Phượng đến chơi, đứng ngắm bức tranh và nói: “Em có bức tranh quý quá, rất có thần, phải một bàn tay tài hoa mới vẽ được như vậy, chiều sâu của bức tranh nói được rất nhiều về nhân vật trong tranh bằng những mảng màu, đường nét và ánh sáng của bức hoạ với chất liệu sơn dầu rất độc đáo”. Vợ tôi sửng sốt vì trước đó chẳng hiểu gì về giá trị của bức tranh ngoài sự trân trọng về tấm lòng của nhà hoạ sĩ.

Có những lúc mất ngủ, tôi hay ra ngồi ở phòng khách, ngắm nhìn hai bức ảnh của hai cụ thân sinh treo chính giữa phòng và bức hoạ sơn dầu của người bạn tài hoa mà mông lung những suy tư. Bốn chữ “tiến thoái lưỡng nan” ghi giữa mảng màu như điểm nhấn lời thầm thì của những mảng màu và đường nét, người hoạ sĩ đã dẫn dắt tôi trong cuộc “phiêu bồng”, “một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình”.[7]

clip_image016Tiến thoái lưỡng nan
Đi về lận đận
Ngày xưa lận đận
Không biết về đâu
Về đâu cuối ngõ
Về đâu cuối trời
Xa xăm tôi ngồi
Tôi tìm giấc mơ
Xa xăm tôi ngồi
Tôi tìm lại tôi

Nhưng nếu với những bức hoạ, thì chỉ“con mắt cảm thấy cái đẹp[8] như Marx viết, mới có thể cảm thụ được hết giá trị của nó, còn với những bức ảnh chụp thì chắc không khó như vậy.

Phải chăng vì thế mà bà chủ Lotus Gallery đã khiến tôi quá xúc động và ngạc nhiên khi nhận đươc hai tấm ảnh của mình được bà đặt trong khung ảnh lồng kính và cho người đem đến tặng tôi. Đó là hai tấm ảnh bà tình cờ nhặt được trên mạng chụp tôi đang biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nhân kỷ niệm các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma với những lời đề tặng mà tôi không muốn đưa vào đây vì tôi chưa được như thế. Tôi chỉ trân trọng treo lên trên khung giá sách để tự nhắc mình phải làm sao xứng với sự tri ngộ của người bạn vong niên quả cảm và nhân hậu, một tấm lòng yêu nước cao đẹp, thầm kín và sâu nặng.

Tôi không biết ai đã chụp bức ảnh ấy và chị Phượng tìm thấy lúc nào mà lẳng lặng gửi cho tôi sau sự kiện đó khi chính tôi cũng không còn nhớ.

Viết đến những dòng này, tôi nhớ hình ảnh chị gặp lại mẹ từ Mỹ bay sang Paris tìm gặp con trong cái ôm nghẹn ngào: “Phượng ơi con theo họ làm chi để cho gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ hả con?”[9]. Quãng đường chông gai mà cô tiểu thư 16 tuổi con nhà khuê các ấy đã trải qua cho đến hôm nay thành cụ bà 93 tuổi “gánh cái đẹp đi giữa cuộc đời” phản chiếu tính bi hùng của một giai đoạn lịch sử. Vượt qua “những trận đau cùng cực của đôi chân trần vượt lên đá nhọn[10] để đi về phía trước, quyết không chịu gục ngã, không lùi về phía sau, không ngã lòng trước sự giằng co dữ dội của số phận. Bi hay hùng?

Tôi muốn chép ra đây một đoạn về sự “giằng co” mang tính bi hùng ấy: “Một buổi chiều, H. Tr. rủ tôi đến một ngôi miếu có gốc cây thị trăm năm. H. Tr. bảo “Đêm nay chúng mình thức với nhau, ngày mai biết đâu không còn gặp lại”, Tr. vừa đàn vừa hát… Trăng rọi vào thềm đất, chiếu vào hai chúng tôi. Tôi thiếp đi trong tiếng đàn. Khi tỉnh dậy, trên tay tôi có mảnh giấy: “Không thể ở lại được. Mình đi đây. Ph. Ở lại, gắng chịu đựng phong ba bão táp. Thương nhớ bạn mãi. H. Tr.”.

Hơn nửa thế kỷ sau. H. Tr. đã sang Mỹ. Bạn gửi cho tôi mấy cuốn sách với lời đề tựa: “Gởi Ph. Thân yêu, để nhớ mãi đêm trăng sáng ở miếu hoang. Mãi mãi là bạn của nhau”.[11]

Thôi thì mỗi người một con đường, chị Phượng cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác, đã đi tới với “đôi chân trần vượt lên đá nhọn và rồi sách của chị được cuộc đời đón nhận với niềm cảm phục và yêu thương, vì ở đó ghi lại những giai đoạn hào hùng đầy kịch tính của những đôi chân trần trên đá nhọn của những cuộc đi. Đi từ Đà Lạt về lại Huế để rồi giã từ ngôi trường thân yêu nằm cạnh con sông quê hương đẹp tuyệt vời để bắt đầu một cuộc đời mới. “Cuộc “trường chinh” bằng đôi chân trần bắt đầu hành hạ tôi. Tôi đau đến nỗi vừa đi vừa thét lên… Có lúc vừa đi vừa ngủ, lúc choàng tỉnh dậy thấy mình đã ở giữa một con suối… Hơn nửa thế kỷ qua, mỗi khi nhắc đến chuyến đi ấy, cảm giác đau rợn người vẫn còn nguyên”.[12] Và rồi cuộc đi làm phim giữa mưa bom bão đạn cùng với nhà đạo diễn Jovis Ivens và Marceline Loridan, vợ của ông. Vừa làm nhiệm vụ phiên dịch, vừa làm nhiệm vụ người thầy thuốc: “Mỗi phút trôi qua bom bi càng nổ chát chúa, những tia chớp xanh lạnh, chói loà cả căn hầm. Bình hét lên: “Tôi bị thương rồi”. Tôi đưa tay chạm vào cổ anh. Một dòng nước ấm nhơn nhớt chảy nhầy nhụa… Một tia chớp, một bom bi lại nổ.“Ông Iven hét lên Phượng hãy bình tĩnh! Săn sóc gấp cho Bình”. Tôi cầm dao mổ, một tay bóp mạnh để cố gắng cố định viên bi đang nằm dưới làn, tay kia khía mạnh. Viên bi tròn còn nóng máu Bình đã rơi thỏm xuống lòng bàn tay tôi”… Người cầm dao mổ ấy còn phải làm nhiệm vụ đỡ đẻ: “Bóng một người đàn ông cầm một ngọn đèn dầu leo lét, nghẹn ngào “Đoàn [làm phim] ơi! Cứu chúng tôi với. Vợ tôi đau đẻ đã hai ngày nay. Chắc là sắp đi rồi.” Chơn, phó thu thanh của đoàn, và tôi dò dẫm theo bước chân của anh ta. Địa đạo Vĩnh Linh chằng chịt hào ngang hào dọc, hầm nối tiếp hầm, thực là lạc vào mê cung trong lòng đất. Tiếng rên khe khẽ rõ dần. Tôi lấy tay sờ. Một phụ nữ đang nằm, bụng căng cứng, người lạnh ngắt, ló nhố bóng nhiều người sau lưng tôi. Để lấy không khí cho người sắp đẻ, tôi hét lên: “Nấu cho tôi một nồi nước”… Đến khi áo tôi ướt đẫm mồ hôi, gần đuối sức thì cũng là lúc đầu em bé nhô ra. Một tiếng oe oe đầu tiên oà lên. Người chồng bật khóc…

Lo cho hai mẹ con xong, chúng tôi lại dò dẫm trở về gian hầm của mình. Không ngờ Joris và Marceline vẫn… đang chờ tôi ở cửa hầm. Tôi vừa mệt vừa vui “Ça va (được rồi)”. Marceline ôm tôi vào lòng.

Bỗng trong địa đạo vang lên tiếng tôi quát ầm ĩ, tiếng khóc của người mẹ, tiếng lao xao của những người đứng gần sản phụ. Rồi bật vang lên tiếng khóc oe oe của đứa trẻ sơ sinh hoà với tiếng khó nức nở của người cha. Thì ra trong lúc lúc tôi vô cùng bấn loạn vì trường hợp đỡ đẻ không đèn, không phương tiện cấp cứu, không nhìn thấy rõ mặt sản phụ, thì Chơn đã mở máy thu hết những tiếng động này.[13]

Trong căn hầm, mọi người đã tỉnh dậy, quây quần bên chiếc máy ghi âm. Joris đặt tay lên vai tôi: “Các bạn hiểu tại sao tôi yêu suốt đời cái nghề làm phim chiến trường không? Giữa cái chết và cái sống, chúng ta có hạnh phúc, có may mắn ghi được sự sống ngay cả trong lòng đất, ngay khi cái chết cận kề”…

clip_image018“Nghề bác sĩ hay nghề phiên dịch rất cần thiết nhưng tìm được một nữ làm phim chiến trường thật không phải dễ dàng. Vì vậy, tôi hết lòng mong muốn Phượng mạnh dạn làm cuộc cách mạng cho chính đời mình. Hãy đến với những công việc mà đất nước đang còn chiến tranh của bạn đang rất cần”.[14]

Sau một thời gian trăn trở, được chồng hết lòng khuyến khích và hỗ trợ, chị xin chuyển sang xưởng phim vô tuyến truyền hình thuộc Bộ Thông tin “nên mức lương bị sụt xuống thảm hại. Từ lương của một bác sĩ, tôi phải nhận lương của một tập sự. Mức lương khởi điểm bằng mức lương của người lao động quét đường”. .Chị tâm sự: “Khi trở lại phòng khám đầy đủ tiện nghi của mình[15] khi hỏi thăm sức khoẻ của những vị khách, bỗng nhiên tôi nhớ da diết những ngày sống trong bom đạn Vĩnh Linh. Có lần bị bom đạn dập vùi, người đau ê ẩm mà vẫn có thể thanh thản đi vào giấc ngủ sâu trong địa đạo tối tăm ngột ngạt”.[16]

Thế rồi lần lượt những bộ phim của chị ra đời trong sự đón chào và những giải thưởng danh giá. Trong đó có bộ phim “Tôi viết bài ca Hồi sinh” nói về tội ác diệt chủng của lũ Pôn Pốt do Bắc Kinh hà hơi tiếp sức. Chị gửi cho tôi đọc nội dung của truyện phim “bài ca Hồi sinh” ấy. Từng trang từng trang tôi dừng lại để cảm thông với sự can trường của người phụ nữ trí thức từng bị bầm dập trong những gian nan thử thách để luyện thêm bản lĩnh sống mà nhiều lúc mấy anh em chúng tôi ngồi lại với nhau, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Chức, Ngô Tiến Nhân… vẫn chỉ một câu vừa thắc mắc vừa ngạc nhiên đến ngỡ ngàng: “Không hiểu “Bà Chị” lấy đâu ra một sức sống mãnh liệt như thế?

Ngay khi đã lui về mở một phòng tranh, ba mươi năm qua bà vẫn miệt mài đi. Đi đâu? Đi tìm những bức tranh đẹp của những bàn tay tài hoa chưa “có đất dụng võ”: Tranh vẽ ra phải cuộn tròn đặt trên góc tủ, dưới gậm giường hoặc giắt trên xà nhà như trường hợp của tác giả ngồicạnh tôi tại buổi “thưởng lãm tranh” trong “cuộc bàn giao” của Lotus Gallery tại Trung tâm Cspace ngày 21.5 vừa rồi. Bà đã phủi bụi thời gian nghiệt ngã phủ lấp những viên đá sỏi, để hiện rõ lên những viên ngọc ngời sáng trước đôi mắt biết nhìn ngắm và cảm thụ cái đẹp.

Tôi nghĩ rằng “cuộc đi” này nối liền một mạch với “cuộc đi của đôi chân trần trên đá nhọn mà hơn nửa thế kỷ qua mà mỗi khi nhắc đến chuyến đi ấy, cảm giác đau rợn người vẫn còn nguyên.[17]

Vẫn còn nguyên để xác nhận rằng, nếu không có cuộc đi chân trần đó thì cũng không có, không thể có cuộc đi làm phim dưới mưa bom bão đạn của không lực Mỹ trút xuống địa đạo Vĩnh Linh chằng chịt hào ngang hào dọc, hầm nối tiếp hầm, như mê cung… để “ghi được sự sống ngay cả trong lòng đất, ngay khi cái chết cận kề mà nhà đạo diễn tài ba người Hà Lan Joris Event nói.

Vì xét đến cùng cái hạnh phúc ghi được sự sống ngay cả trong lòng đất, ngay khi cái chết cận kề chính là cái đẹp mà mọi thời đại đều trân trọng chiêm ngưỡng. Vì, tình yêu thương trao cái đẹp cho mọi thứ nó chạm vào, và cũng vì, suối nguồn của cái đẹp là trái tim mà tôi đã dẫn giải ở trên, từ câu chuyện với Nguyễn Khải. Phải chăng đó là một sự bí ẩn cần khám phá. Bởi lẽ “trải nghiệm đẹp đẽ nhất chúng ta có thể có, chính là sự bí ẩn… Bất cứ ai không còn trải nghiệm cảm giác này, cũng đồng thời là không còn biết ngạc nhiên, biết thán phục. Điều đó giống như bạn đã chết rồi, bởi đôi mắt đã hoàn toàn u tối”![18]

Lại “đôi mắt”. Thì chẳng phải Marx nói con mắt biết thưởng thưc cái đẹp vừa dẫn ra ở trên là “cảm giác có khả năng về những sự hưởng thụ có tính chất người và tự khẳng định mình như những lực lượng bản chất của con người[19] đó sao.

Thì ra, chẳng cần phải đến buổi hoàng hôn mới nhìn thấy được cái đẹp buổi bình minh của một thân phận giữa cuộc đời mà “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng[20], một đời người với tuổi 93 của bà Xuân Phượng càng làm sáng lên hình ảnh của một người can trường gánh cái đẹp đi giữa cuộc đời, góp phần vào việc nâng cao hiểu biết, và cảm nhận, và trân trọng, và lan toả Cái Đẹp.

Khi tôi kết thúc bài này thì nhận được email của bà đúng vào ngày 2.6.2022: “Ngày mai, chị lại bắt đầu một chuyến đi xuyên Việt, vừa để thăm lại những nơi mình đã có những kỷ niệm không thể quên, vừa giã từ những hoạ sĩ từ Nam đến Bắc đã cùng hợp tác với chị trong mấy chục năm qua… Cứ nhẩn nha đi, nhẩn nha đến. Tới nơi nào thích sẽ ở lại vài ngày, như ngôi chùa mà chị đã được bà Tùng Hiên cứu vớt, hay một đêm ngủ ở cửa rừng Cúc Phương để lắng nghe và đón nhận bình minh của một cánh rừng nguyên sinh... Thời gian không còn nhiều, may mắn còn tỉnh táo, chị đem theo xe lăn, dụng cụ cấp cứu, cháu Thắng lái xe, cháu Huệ giúp đỡ, ba bà cháu sẽ bắt đầu chuyến đi…”. Liệu có thể nói đây cũng lại là một chuyến đi can trường và thật đẹp. Một cuộc đi tiếp giữa những bộn bề của cuộc đời cay nghiệt và thơ mộng, phũ phàng và nhân hậu, nhưng bà cụ 93 tuổi từng bước bàn chân trần trên đá nhọn trong cuộc trường chinh của đời mình dọc theo cuộc trường chinh của dân tộc sẽ vẫn tìm thấy những điều mà vì chúng mà chị dấn thân. Ở cửa rừng Cúc Phương, như chị viết, “để lắng nghe và đón nhận bình minh của một cánh rừng nguyên sinh” chắc chị sẽ nhớ đến câu thơ của người viết lời bình cho phim “Khi những nụ cười trở lại” và “Tôi viết bài ca Hồi sinh” của chị. Đó là câu “Đừng sợ mất gỗ đi, nếu anh có ý niệm trầm”.[21]

Và rồi chị sẽ tiếp tục phát hiện ra cái đẹp. Cái đẹp cứu rỗi thế giới.

Ngày 2.6.2022


[1] Trịnh Công Sơn, Một cõi đi về.

[2] Chế Lan Viên, Di cảo thơ, tập II. NXB Thuận Hoá, Huế, 1993, tr. 168.

[3] Xuân Phượng, hồi ký Gánh gánh gồng gồng, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr.13

[4] Hoàng Cầm, Bên kia sông Đuống.

[5] Xuân Phượng, hồi ký Gánh gánh gồng gồng, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr. 92.

[6] Trịnh Công Sơn. Tôi là ai, là ai..., NXB Trẻ, 2011, tr. 198.

[7] Trịnh Công Sơn. Tôi là ai, là ai..., NXB Trẻ, 2011, tr. 147.

[8] Bản thảo kinh tế – triết học 1844, Thuần Đức (Trần Đức Thảo) dịch. Mác-Ănghen Toàn tập, tập 42, tr. 176.

[9] Xuân Phượng, hồi ký Gánh gánh gồng gồng, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr. 230

[10] Xuân Phượng, hồi ký Gánh gánh gồng gồng, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr. 38.

[11] Xuân Phượng, hồi ký Gánh gánh gồng gồng, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr. 40.

[12] Xuân Phượng, hồi ký Gánh gánh gồng gồng, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr. 40.

[13] Xuân Phượng, hồi ký Gánh gánh gồng gồng, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr. 158.

[14] Xuân Phượng, hồi ký Gánh gánh gồng gồng, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr. 158.

[15] Phòng khám cho khách nước ngoài tại trụ sở Uỷ ban Liên lạc Văn hoá với nước ngoài.

[16] Xuân Phượng, hồi ký Gánh gánh gồng gồng, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr. 158.

[17] Xuân Phượng, hồi ký Gánh gánh gồng gồng, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr. 158.

[18] Lời của Einstein – thiên tài thế kỷ XX.

[19] Bản thảo kinh tế – triết học 1844, Thuần Đức (Trần Đức Thảo) dịch. Mác-Ănghen Toàn tập, tập 42, tr. 137.

[20] Trịnh Công Sơn, Một cõi đi về.

[21] Chế Lan Viên, Di cảo thơ, tập II. NXB Thuận Hoá, Huế, 1993. tr. 196.

Comments are closed.