NHỮNG MẢNH RỒNG (kỳ 11)

HOÀNG MINH TƯỜNG

TIỂU THUYẾT

19

Phạm Hoài Trung không hề biết anh chàng Mỹ lai ngồi ở bàn bên đang lặng lẽ giơ iphone quay trộm mình.

Khác hẳn lần cùng Ngô Bỉnh Thạc và Cao Trần Đoàn bù khú với nhau ở resort Hòn Kén mấy năm trước, bây giờ Trung xuống mã quá. Không thể nói là tiều tụy, bởi vì dẫu sao đó cũng chỉ là vẻ bề ngoài với nước da tai tái, mái tóc lẫn nhiều sợi bạc. Phải nhìn vào đôi mắt u buồn với những kẽ chân chim hằn bên khóe, đôi môi luôn mím chặt khó thốt ra lời… mới thấy rằng thời gian đã tàn phá Trung nhanh đến thế nào.

Chỉ trong vòng bốn năm qua, dường như Trung đã thành một người hoàn toàn khác. Chung quy chỉ tại nàng Aleksandra Wasak xinh đẹp, định mệnh của đời anh. Không. Không thể quy tội cho Ola. Nói đúng ra là tại hơn một nghìn héc ta đất ở cái nông trường Thống Nhất bị giải thể.

Nhờ sự giúp đỡ chí tình của Ngô Bỉnh Thạc, thủ tục bàn giao toàn bộ đất đai nhà xưởng của nông trường Thống Nhất cho Công ty Green do Phạm Hoài Trung làm giám đốc đã xong xuôi. Ola thu xếp cho con về Việt Nam, tình nguyện làm nàng dâu ngoan theo chồng để biến mảnh đất nông trường khô cằn thành cánh rừng thuần chủng gỗ gõ hương như cánh rừng sồi trăm tuổi bên dòng sông Warta của nàng, thì xảy ra chuyện vỡ nợ do thâm hụt vốn trong vụ xây dựng cảng Long Vân ngoài Bái Tử Long, buộc Trung phải liên doanh với công ty địa ốc của Cao Chiến. Cao Chiến xuất thân từ thủy thủ tàu viễn dương, là một lái buôn lừng danh đất cảng, đầy sạn trong đầu. Khi thấy Trung thiếu vốn để hoàn thành đường dẫn ra cầu cảng, Chiến đã mời Trung làm thành viên tập đoàn Địa ốc Hoàn Cầu của gã và hào phóng mở hầu bao cho Trung hoàn thiện nốt mấy chục nền biệt thự đã bán lúa non cho các soái Đông Âu. Vài tháng sau, bằng những thủ đoạn tinh vi, Chiến đã phù phép, biến cảng Long Vân và bốn trăm bẩy sáu nền đất hai bên đường ra cảng thành sở hữu của gã. Tiếp đến, gã để nghị Chính phủ và tỉnh thay đổi dự án trồng rừng tại nông trường Thống Nhất mà Trung đã xây dựng, thành dự án khu liên hợp nuôi bò và chế biến sữa. Từ vị trí phó chủ tịch Hội đồng, nay vốn cổ đông của Trung sụt giảm, Trung chỉ là thành viên hội đồng quản trị trong tập đoàn Địa ốc Hoàn Cầu, nên mặc nhiên dự án liên kết với các nông trường viên trước đây để trồng rừng của anh bị hủy bỏ. Mất nguồn lợi, các nông trường viên kết hợp với dân địa phương kéo nhau ra tỉnh, lên trung ương biểu tình, viết đơn khiếu kiện, kiên quyết đòi lại đất mà mấy chục năm qua nông trường đã chiếm dụng. Chờ xong khiếu kiện thì đến đời mục thất. Dự án nông trường Thống Nhất dường như bị phá sản.

Kế hoạch đưa con trở về nước và trồng những cánh rừng nhiệt đới xanh ngút ngát của Ola không thành. Công ty thương mại của Phạm Hoài Trung ở Varszawa teo tóp vì đã bị rút hết vốn về Việt Nam, Ola buồn nản, tuyệt vọng.

Và một điều khủng khiếp đã xảy ra với nàng, đúng hơn là với Trung, đã làm cuộc đời anh bị xô đẩy đến hẻm vực.

Một ngày mùa đông, không phải Ba Lan mùa tuyết tan, mà tuyết đầu mùa bắt đầu rơi, phủ trắng xóa những cánh đồng dọc con đường tàu thân thuộc, Phạm Hoài Trung ngồi trên toa tàu như trôi trong tuyết trắng trở về tổ uyên ương của mình ở Poznan. Bỏ mặc dự định xây cất những ngôi biệt thự lẩn giữa khe núi nhìn ra Bái Tử Long, mặc xác cái dự án cướp đất điên rồ để làm khu liên hợp chế biến sữa của Cao Chiến, anh muốn tìm lại hơi ấm nồng nàn từ tình yêu của Ola.

Trung đứng tần ngần mãi trước ngôi nhà có những ô cửa kính bám dày tuyết. Giờ này chắc con gái Alisa Ngọc Phạm của anh đang ở trường. Và Ola thân yêu, nàng tiên Ba Lan của anh, như mọi ngày vẫn đang ở phòng thí nghiệm của nàng. Cuộc cãi nhau gay gắt ở Hà Nội, sau khi dự án trồng rừng bị Cao Chiến phá bỏ, rồi Ola đột ngột đưa con gái ra sân bay về Ba Lan, vẫn khoét một vết sâu trong tim Trung, khiến anh không muốn báo cho nàng biết chuyến về đột ngột này. Anh muốn ngay lúc này đây nhìn sâu vào mắt nàng, đôi mắt xanh trong không một vết gợn, để tìm lại một thời yêu dấu, một thời tuổi trẻ tha hương đầy sóng gió nhưng cháy bỏng tình yêu với người con gái trắng trong xứ tuyết. Nhìn sâu vào đôi mắt nàng chỉ để hỏi một câu: Em còn yêu anh không? Chỉ cần nàng vẫn yêu anh, Trung sẽ bỏ hết, để rồi lại trở về với những cánh rừng sồi trăm tuổi, với dòng sông Warta êm đềm, với cánh đồng hoa macki như lửa cháy miên man…

Nhưng kìa, như có tiếng cười trong veo đang vương trong tuyết. Trung quay lại. Và anh không tin ở mắt mình: Ola khoác tay một người đàn ông cao lớn đang bước về phía anh. Họ như dính bên nhau, hòa vào nhau.

Thảng thốt như một kẻ rình trộm đang có nguy cơ bị bắt quả tang, Trung lánh vào một gốc sồi bên đường. Và anh thấy Ola mở khóa cửa. Người đàn ông bế nàng lên quay một vòng rồi hai người hôn nhau say đắm.

Không dám nhìn cặp nhân tình mở cửa đưa nhau vào nhà. Trung quay bước, như bỏ chạy.

Trung không dám tưởng tượng họ sẽ làm những gì trong căn phòng ấm sực hơi nóng ống sưởi, mặc ngoài trời gió tuyết và nhiệt độ đang xuống gần số không. Trung thấy tim mình bị bóp nghẹt, quặn thắt, có lúc tưởng sắp vỡ. Anh lao lên tàu, chẳng cần biết con tàu sẽ đi đâu. Khi định thần lại, đã thấy con tàu vượt biên giới nước Đức. Anh gọi điện cho Thầm: “ Em có ở Paris không? Anh sang với em nhé”. Thế là Trung mua vé bổ sung, sang với Thầm, người bạn gái từng một thời sống cùng ở Varszawa, từng lặng lẽ yêu anh. Cho tới khi Trung cưới Ola thì Thầm bỏ đi đâu mất. Sáu năm sau, có người bạn cho Trung biết đã gặp Thầm ở Paris. Nghe nói nàng lấy một ông già làm rượu vang ở Bordeaux, có một đứa con gái, sau đó vài năm ông ta mất vì căn bệnh hiểm nghèo, Thầm lên Paris và trở thành một chủ tiệm ăn phát đạt.

***

Với Trung, Thầm có một cái tên kép: Hương Thầm. Tên khai sinh của nàng: Mai Thị Thầm. Bạn bè trêu đùa, gọi nàng là “Mãi Thì Thầm”, vì bao giờ nàng cũng nhỏ nhẹ, thầm kín. Trung quen nàng ở một “động” toàn gái Việt ở ngoại ô Varszawa đúng vào cái năm anh buôn hàng Tàu, hàng Thổ xuyên biên giới từ Nga, từ Ucraina sang Tiệp, Ba Lan. Thầm là một gái quê có nhan sắc, và hơn thế, có một tâm hồn đầy chất thơ. Đang học dở trường sư phạm mẫu giáo, Thầm đi lao động xuất khẩu, theo một anh chàng Sở Khanh vượt biên giới Nga, rồi bị sang tay cho một chủ buôn người. Cứu Thầm ra khỏi “động”, Trung đã gửi nàng vào làm ở một nhà hàng của người bạn, trong khu thương mại của người Việt ở Krakov.

Cuộc đời thật trớ trêu. Hương Thầm giờ đã là chủ cửa hàng Phở Bắc, nổi tiếng nhất quận 13. Những ai xa quê, muốn tìm lại chút hương vị Hà Nội, muốn hoài nhớ những kỷ niệm quê Việt, đều tìm đến đây. Thương hiệu “Phở Bắc Hương Thầm”, “Phở Hương Thầm” dường như nổi tiếng khắp nước Pháp.

Thầm đã giúp Trung xóa đi nỗi đau tưởng như không thể chịu đựng nổi. Như một đại danh y tài năng, không cần phẫu thuật, cắt nối một động mạch chủ nào trong trái tim sưng tấy, trào máu, chỉ bằng phép màu của ánh mắt, đôi tay, và những lời thầm thì dịu ngọt, Thầm đã giúp Trung qua đi cơn nguy kịch. Hai tuần sau, anh đã có thể bình tĩnh để đón nhận từ Ola bản thông điệp của định mệnh:

“ Trung thân yêu của em!

Hãy bình tĩnh để nghe em nói: Em vẫn còn yêu anh, nhưng không thể sống cùng anh nữa. Nước Việt của anh đầy bất trắc. Hạnh phúc của chúng ta, và con gái Alisa của chúng ta, đầy bất trắc. Em buộc phải tìm cho mình người đàn ông khác. Và em đã có. Anh ấy tên là Bogdan. Chắc anh đã gặp. Bogdan là người đồng hương với em, có ngôi nhà gần lâu đài bá tước Kuznhik trong rừng sồi ấy. Sống với Bogdan, chắc chắn em sẽ không còn cảm giác bất trắc. Đời người đàn bà, chỉ luôn mong được yên bình…

Em đã làm xong mọi giấy tờ thủ tục ly hôn. Chỉ chờ anh về ký. Nếu anh thấy khó khăn, em sẽ gửi giấy tờ qua đường chuyển phát nhanh. Anh ký và gửi lại.

Con gái Alisa sẽ ở với em, cho đến khi con 18 tuổi, đủ khôn lớn để làm theo ý con. Tất nhiên, lúc nào anh nhớ con, em sẽ đưa con đến.

Cầu Chúa luôn che chở cho anh.

Ola của ngày xưa.”

Một kết cục mà Trung không bao giờ mong đợi. Còn hơn cả cơn đau khi anh gặp Ola và anh chàng Bogdan của nàng ôm nhau vào căn phòng đã từng là tổ ấm của anh. Trung như một con giun khắc khoải nằm giãy chết trong vòng tay của Thầm.

– Thôi nào, rồi mọi việc sẽ qua. Nếu em không giúp được gì cho anh, thì một ngày nào đó, sẽ có một cô nàng nào đó, đến và sưởi ấm trái tim anh…

Nói vậy và Thầm chợt nhớ. Nàng mở ngăn kéo, lấy một cuốn sổ tay, giở đúng bài thơ đã chép từ lâu.

– Đây rồi, nhà thơ Nga Esenin đã nói hộ anh đây:

“… Nhưng thôi mà, thôi nhỉ, có sao đâu

Quê kiểng, người thân… tôi đều đã biết

Giờ tôi nhận cái rùng mình giãy chết

Như một điều âu yếm mới thêm thôi…”(*)

Những câu thơ của Esenin hay chính Thầm đã giúp Trung nhanh chóng hồi phục vết thương?

***

Vào thời gian ấy, tiệm phở Hương Thầm bỗng tấp nập khách người Việt. Từ các nước Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Anh, Nga, Ba Lan, Sec, Slovac, Đức, Áo, Hungari, Bungarri, Belorusia, Ucraina, Hàn Quốc, Nhật Bản… người Việt hải ngoại khắp thế giới tụ tập về Paris để tổ chức hội thảo về Vương triều nhà Mạc và thành lập Ban liên lạc Mạc tộc hải ngoại tại thị trấn Moret-sur-Loing gần Fontainnebleau.

Fontainnebleau, khu rừng thơ mộng xanh ngút ngát rộng tới mười bẩy ngàn hecta và những lâu đài tráng lệ kiến trúc theo trường phái Phục Hưng, từ thời vua Fransois Ier thế kỷ XVI, nơi từng diễn ra hội nghị bàn về mối quan hệ Pháp – Việt năm 1946, phía Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thầm đã tự lái xe đưa Trung đến đó cả một ngày. Đường vào cổng chính lâu đài chật kín những hàng xe. Những đoàn xe du lịch hai tầng nối đuôi nhau. Những dãy xe con đủ mọi kiểu, mọi hãng, kiên nhẫn nhích từng mét. Biết đi cổng chính sẽ chờ cả buổi, nhanh trí, Thầm ngoặt tay lái chạy vòng một cánh rừng rồi cho xe vào lâu đài bằng cổng sau. Một cách đi khôn ngoan và chỉ dành cho những ai quá thông thạo vùng này.

Đi dưới cánh rừng Fontainnebleau, tưởng như đang đi giữa rừng sồi trăm tuổi bên sông Warta. Chỉ có điều đi bên Trung không phải Ola.

– Anh lại nghĩ đến nàng tiên Ba Lan phải không? – Thầm như có con mắt thần, nhìn thấu trái tim Trung – Để anh thoát khỏi những cánh rừng ký ức, chúng mình sẽ không nghỉ trưa trong rừng nữa. Em sẽ đưa anh ngược sông Loing, đến làng Moret-Sur-Loing, nơi mà hoàng đế Napoléon bị bắt sau trận đại bại ở Waterloo năm 1815. Anh sẽ thấy tại sao người Pháp khi buồn nản nhất họ thường tìm đến đây…

Trung như trôi đi trong cảnh thần tiên. Nông thôn nước Pháp như những miền cổ tích. Chỉ cần ra khỏi thành phố là thiên nhiên đã ùa tràn vào mọi ngóc ngách. Con đường có lúc như chơi trốn tìm với dòng sông. Và con sông, nước trong như thuở hồng hoang, đôi khi thu hẹp dòng, tạo thành mạch nước xiết chảy tràn qua những ghềnh đá, đôi khi mở lòng tạo thành những mảnh hồ cho những bầy thiên nga, những chú vịt trời bơi lội. Và, đột ngột hiện ra một cối xay nước bên đường, gợi nhớ cái thời của các văn hào Alphonse Daudet, Guy de Maupassant. Không còn ai xay lúa nhưng thác nước vẫn đổ, bánh xe vẫn mải miết quay, nước tung trắng xóa.

Mấy ngày sau, cơ duyên lại đưa Trung đi qua pháo đài cổ để về lại thị trấn Moret-Sur-Loing. Anh đã nhanh chóng nhập vào hội những người con Mạc tộc đang tìm về cội nguồn.

Thầm bảo:

– Anh có nhớ nhà văn Lưu Sơn không?

Trung không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, mừng rỡ:

– Ông ấy cũng đến đây ư? Cuốn sách “Hộp đen quyền lực đỏ” của nhà văn Lưu Sơn là một trong những danh tác của văn học Việt Nam đương đại.

– Tuần nào bác ấy chẳng ăn phở ở nhà hàng em. Bác ấy bảo họ Mai của em cũng từ họ Mạc mà ra đấy. Khổ cho bác ấy, anh nhỉ. Đang dưng bỗng bị bắt giam vì vụ xét lại, mười năm không án, ra tù liền tìm cách trốn sang định cư ở Paris.

– Hình như vợ con ông Lưu Sơn vẫn còn ở trong nước? Sao ông ấy không đón vợ sang nhỉ?

– Trời ơi, anh chẳng hiểu gì dân lưu vong, chẳng hiểu gì nước Pháp. Để được chính phủ Pháp cho cư trú và trợ cấp lương để sống, phải là người danh tiếng như bác Lưu Sơn, chứ ngữ chúng em thì còn đến đời mục thất. Vả lại bên Việt Nam mình họ đâu có cho vợ con bác ấy sang. Mà sang ở Paris đắt đỏ thế, một tuần là hết cả tình lẫn tiền. Nhớ nhau quá, mỗi năm đành hẹn nhau qua Nhật Bản, Hàn Quốc vài tuần, sau rồi để tiết kiệm tối đa, lại hẹn nhau qua Singapore… Thảm cảnh quá anh ạ. Người tài và có tâm với đất nước như thế mà bị mắc oan. Thời em đi học từng say mê đọc Puskin, Lecmontop, Pautopski qua bản dịch tiếng Nga của bác ấy…

– Những người như Lưu Sơn không bao giờ là kẻ vong bản… – Trung thở dài, như nói với chính mình.

– Giờ bác ấy trong Ban tổ chức Hội thảo về triều Mạc. Bác ấy bảo, người Việt khắp thế giới đang lần theo các tộc phả để tìm đến nhau… Nước mình sao mà khổ thế anh nhỉ. Thời nhà Trần soán ngôi nhà Lý, tất cả con cháu họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn hết. Đến khi Lê, Trịnh diệt Mạc thì họ Mai của em, họ Phạm của anh phải giấu biệt gốc họ Mạc đi…

– Và đến thời này, sau năm 1975, thì tất cả các dòng họ nước Việt tan tác, đến bây giờ vẫn chẳng tìm thấy nhau nữa… – Trung cười ruồi cay đắng.

– Em tin, rồi anh sẽ tìm thấy anh trai Phạm Hoài Bắc của anh. Biết đâu anh ấy cũng có mặt ở cuộc hội thảo này. Họ Phạm của anh chắc chắn là từ gốc Mạc. Ông trưởng ban liên lạc Mạc tộc hải ngoại là bác sỹ Phạm Đình Ngạn đang sống ở Moret-Suir-Loing, hôm qua mới chiêu đãi mấy ông họ Phạm từ trong nước và Canada sang, vừa ăn phở vừa tranh luận hăng lắm. Họ bảo tổ phụ họ Phạm, chính là tôn thất nhà Mạc về trú ở Xuân Kiên, Xuân Trường, Nam Định…

Về chi họ Phạm ở Xuân Trường thì Trung biết. Vài năm trước anh đã đọc một tài liệu nói về thanh đại đao của Mạc Đăng Dung mới tìm thấy dưới đáy ao nhà thờ họ. Thanh đại đao này do Mạc Đăng Thận, cháu ba đời của Mạc Đăng Dung mang về chôn giấu cùng các đồ tế khí của dòng họ. Mạc Đăng Thận sau đổi tên là Phạm Đình Trú, thủy tổ của dòng họ Phạm, Nam Định.

Hội thảo về vương triều Mạc và thành lập Ban liên lạc Mạc tộc hải ngoại diễn ra tại hôtel Rosa thị trấn Moret-Sur-Loing, có một trăm bốn mươi hai đại biểu. Kỳ lạ, hơn một trăm gương mặt người Việt hải ngoại từ khắp các châu lục hội tụ về đây, tất cả đều một khuôn hao hao giống nhau, như cùng một ông tổ sinh ra. Thật đúng cái nghĩa “đồng bào”, cùng một bọc, mà dân gian vẫn gọi. Hoạt náo nhất là mấy ông bạn Moi, Toi cùng là đồng môn với nhau ở Hà Nội xưa. Nhà văn Nhân Mục và ông Thái Đàm vừa đi một vòng qua Đông Âu, Bắc Âu, rồi tranh thủ ghé qua Anh trước khi sang đây. Ông Phạm Đăng Sinh về Việt Nam cùng vợ, kết hợp du lịch qua Nga, Ba Lan, Đức. Mọi người ôm hôn nhau, tranh nhau nói, vừa hỏi chuyện nhau vừa gạt nước mắt.

– Cuộc gặp gỡ này càng gợi nhớ phong trào Việt kiều yêu nước trước năm 1975 – Ông Phạm Đình Ngạn nói oang oang – Hồi ấy, ngày nào chúng tôi cũng tụ họp nhau, cũng cầm băng rôn biểu ngữ xuống đường. Kiều bào Pháp và kiều bào cả thế giới nhất tề ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng, hướng về Tổ Quốc. Ai cũng mong muốn Việt Nam thống nhất…

Có tiếng ai đó, giọng đặc Quảng Bình, nói trong nghẹn ngào:

– Bây chừ thống nhất rồi, thì ngược lại, lòng người li tán, chẳng ai muốn về nước nữa… Người trong nước, ai cũng muốn sang Mỹ, Cannada, Úc định cư. Những quan chức giàu có, những ai có chút tiền đều muốn đưa con ra nước ngoài du học rồi tìm cách ở lại, thì tim đâu để máu chảy về? Các vị thử nói tôi nghe, rứa là cái chi mô?

– Thôi, chuyện chính trị chính em buồn lắm – Ông Phạm Đăng Sinh đưa hai tay vỗ vỗ, xin mọi người chuyển chủ đề – Chúng ta gặp nhau đây, hãy biết tập trung lo công việc dòng tộc nhà Mạc. Xin giới thiệu dòng Mạc tộc gốc ở quê hương Kiến An do ông Mạc Đĩnh Trang đại diện. Xin lưu ý, ông Mạc Đĩnh Trang là hậu duệ đời thứ 28 của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Dòng Mạc tộc quê ở Hòa An, Cao Bằng do ông Mạc Ích Ló làm đại diện… Từ Việt Nam sang còn có đại diện các họ Bế, họ Lò, họ Hoàng, họ Lều, họ Đàm ở Cao Bằng, Lạng Sơn; họ Mai, họ Thái, họ Bùi ở Thái Bình; họ Dương, họ Ngô ở Quảng Trị…

Mọi người cùng hướng về các đại biểu vừa từ Việt Nam sang, vỗ tay chào mừng. Dòng Mạc quê gốc Dương Kinh, Thủy Nguyên, Hải Phòng mang sang mười tám cân tài liệu gồm các khảo cứu, kỷ yếu hội thảo, tham luận, các tộc phả chi họ, các văn bia, sắc phong, các sáng tác thơ văn… Tại đây, Phạm Hoài Trung đã làm quen với các nghệ sỹ nổi tiếng trong đoàn nghệ thuật Thúy Nga, nhiều trí thức hải ngoại là hậu duệ của Mạc tộc, hoặc có nghiên cứu, tham luận về triều Mạc và dòng họ Mạc. Đặc biệt ấn tượng là nhóm bạn Toi, Moi , mà hai vị chủ nhà Lưu Sơn và Phạm Đình Ngạn là tâm điểm.

Bài tham luận của ông Phạm Đăng Sinh, đến từ Canada, khiến Trung đặc biệt chú ý:

– Nghệ An là một tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của Đại Việt. Quả là: “Hoan Diễn do tồn thập vạn binh”…

Ai đó ngồi cạnh Thầm nói rất khẽ, nhưng Trung vẫn nghe thấy:

– Ông này là cháu ruột của trùm cộng sản bị Pháp xử bắn trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đấy. Với lý lịch ấy, nếu không di tản, cũng lãnh đạo cỡ bự rồi. Nhưng không trốn khỏi Sài Gòn sang Cannada, có khi bây giờ vẫn ngồi tù trong khám Chí Hòa. Chỉ vì can tội muốn trái ý đảng…

Người đang nói bỗng im bặt vì cái lừ mắt của Trung.

– Sau khi nối ngôi cha, Thái tông Mạc Đăng Doanh đã cử ngay Mạc Đăng Lượng vào trấn thủ Nghệ An – Vẫn tiếng ông Sinh trên diễn đàn – Sau này, khi bị thế lực Lê -Trịnh đánh bại, Nghệ An đã được con cháu họ Mạc chọn làm quê hương thứ hai của mình. Có tới một trăm tám mươi nhăm chi họ Mạc và gốc Mạc sống hầu hết ở hai mươi mốt huyện thị trong tỉnh. Phái hệ của phó vương Mạc Đăng Lượng hiện có tám chi, hầu hết đổi sang họ Hoàng Hoà, sống chủ yếu ở huyện Đô Lương. Phái hệ của thế tử Mạc Đăng Bình với ba mươi tám chi họ, chủ yếu đổi sang họ Thái. Phái hệ của Mạc Kính Vũ với sáu chi họ chủ yếu đổi sang họ Phạm…

Họ Phạm của mình bắt đầu từ Nam Định hay Nghệ An? – Câu hỏi cứ day trở trong đầu Trung – Mình thuộc phái hệ của Mạc Đăng Thận hay Mạc Kính Vũ? Họ Phạm nào sau này sẽ vào xứ Quảng, đến lập làng ở Cầu Đá, Cây Dầu?

Đang hoang mang mù mịt dò đường về lịch sử, thì Trung bỗng chú ý đến một ông già, râu dài phơ phất, đội khăn xếp, vận áo the lam, quần trắng, giận đôi guốc mộc, như một hình mẫu người đàn ông Việt thế kỷ XIX, lập cập bước lên diễn đàn.

– Thưa các quí vị anh em Mạc tộc. Tôi có tên Việt là Phạm Trọng Việt, tức Antoine Việt Phạm, đến từ Nouvelle Calédonie…

Tiếng vỗ tay rào rào cổ vũ ông già nói tiếng Việt ngọng ngịu. Trung bỗng thấy sởn da gà khi ông già nhắc đến họ Phạm Trọng của bố, của chú ruột và ông nội mình.

Antoine Việt Phạm giơ lên một quyển sách giấy dó bìa nâu, làm bằng một thứ nhựa cây bồi nhiều lớp giấy. Ông bảo đó là gia phả của tổ phụ mang từ Việt Nam sang từ thời Nguyễn. Tổ phụ ông là Phạm Trọng Bỉnh, tham gia phong trào Cần vương chống Pháp, bị đi lưu đày. Trong gia phả bằng chữ nho ghi lại rằng, họ Phạm xứ Quảng của ông vốn là gốc họ Mạc, từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong theo chúa Tiên…

– Thưa các quí vị anh em Mạc tộc. Trong cuốn gia phả này có ghi một dòng duy nhất bằng nét son đỏ ở trang đầu, với một thứ chữ khác, như sau: “Tha hương tắc tồn”, tức là: “Hãy đi thật xa chắc chắn sẽ tồn tại được…” Chắc hẳn vì lẽ đó, mà hôm nay Antoine Việt Phạm tôi có mặt ở diễn đàn này.

Chỉ đợi ông già từ bục bước xuống, Phạm Hoài Trung liền đến ôm chầm lấy ông như người ruột thịt. Rồi anh liên hệ với ban tổ chức xin một bản phô tô cuốn gia phả mang từ tít tắp giữa trùng khơi Thái Bình Dương, quý hơn rất nhiều báu vật trên đời.

***

Nhưng tổ phụ Phạm Trọng gốc Mạc theo chúa Tiên vào Đàng Trong, bắt đầu từ đâu? Nam Định hay Nghệ An? Thái Bình? Chính gia phả của ông già Antoine Việt Phạm cũng không hề viết một dòng. Câu hỏi về cội nguồn, như một tiếng thở dài không lời đáp vọng.

Xa tít từ thời nhà Mạc, thì Trung đành chịu. Nhưng mới từ năm 1954, khi ba đi tập kết, chỉ hơn nửa thế kỷ, mà quê hương bản quán, anh em họ hàng tan tác, mờ mịt, không tìm ra dấu tích, thì không thể hiểu nổi. Không thể trách ba, ông Phạm Trọng Bửu, hay chú, ông Phạm Trọng Bối. Ba ra đi là để trở về. Đã hai lần ba vượt vĩ tuyến 17 để trở về. Ba đặt tên các con là Hoài Bắc, Hoài Nam, Hoài Trung, là bộc lộ nỗi khát vọng, nhớ thương, là ghi lại những ký hiệu để sau này anh em nhận ra nhau. Vậy mà mấy chục năm qua, dấu tích anh Phạm Hoài Bắc càng mờ mịt. Tại Trung tất cả. Không thể trách chị Hoài Nam phận gái. Chính Trung mới là kẻ vô cảm, vô nghĩa, vô tình.

Như cánh chim phiêu bạt cuối trời, rã rời, tơi tả, đầy mình thương tích, Phạm Hoài Trung từ Paris trở về, cô đơn, buồn chán, vô vọng. Không thiết gì đến kinh doanh, tái nghiệp, cứu vãn lại gia đình. Điều mà Trung cần làm duy nhất là đi dọc lại dải cát ven biển vùng Cửa Đại, Kỳ Hà, để cố tìm một cây cầu đá, một gốc dầu cổ thụ…

Còn hơn mò kim đáy biển.

Trung nhớ lại lần thứ hai, cùng chị Hoài Nam về quê, sau chuyến đi tìm mộ ba. Vẫn người đàn bà cũ kỹ và chân thật của hai mươi năm trước, hay là con gái của bà ta, xởi lởi đưa hai chị em đến một bãi đất hoang. “Bà cụ Hai Trầu chết rồi. Cụ không theo con dâu chạy sang Mỹ, mà về ở chỗ tê, nơi cái đầu hồi nhà đổ đó. Ở với cô con gái dở người. Trước khi cụ chết, có thằng cháu đích tôn đi lính nguỵ dắt vợ và đứa con gái về thăm…” Hai chị em nhìn nhau, rồi cùng reo lên như tìm thấy vàng: “Thật vậy hả thím? Trung ơi, anh Phạm Hoài Bắc đó – Chị Hoài Nam cuống quýt – Có đúng anh ấy tên là Phạm Hoài Bắc phải không thím? Anh trai chúng cháu đó”. “Tui nào có biết nam bắc chi mô. Chỉ thấy ổng và vợ con về chôn cất cụ Hai Trầu rồi bỏ đi từ bấy đến chừ…” Đó là thông tin duy nhất về bà nội, về quê cha đất tổ và người anh trai bên kia giới tuyến của chị em Trung.

– Chị em mình thử đăng tin tìm anh trai trên báo chí truyền hình xem – Chị Nam bảo Trung – Rất nhiều trường hợp tìm thấy gia đình, người thân sau mấy chục năm thất lạc đấy em ạ.

Và Phạm Hoài Trung đã tìm gặp chị Yến Thu ở buổi truyền hình “ Như chưa hề có cuộc chia ly”.

20

Tấm ảnh người đàn ông do David Bùi chuyển cho Hành và tiếp đó là tin nhắn tìm người anh trai Phạm Hoài Bắc trên buổi truyền hình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, đến với Hành trong khi anh đang cùng đoàn làm phim chuẩn bị cho một cảnh quay tại một làng nghề bên sông Đáy.

Cả một đêm Hành không ngủ. Người đàn ông trong bức hình David chụp hao hao nhiều nét giống Hành. Có gì sâu thẳm trong tiềm thức, mênh mang trong cội nguồn, khiến Hành có một cảm giác khó tả. Đau nhất là mẹ không còn giữ được tấm hình nào của cha. Tất cả đã bị nhấn chìm dưới đáy biển. Mẹ bảo Hành giống cha như đúc. Vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, cô Phạm Thị Hoài Nam và chú Phạm Hoài Trung là em ruột của cha thật rồi.

Nếu không vướng chuyện làm phim thì Hành đã bay vào Sài Gòn, qua chị Yến Thu ở đài truyền hình, để tìm gặp cô chú ruột.

Hành gọi cho David Bùi:

– Tìm thấy cội nguồn rồi. Chắc chắn chú Phạm Hoài Trung là chú ruột Thuyền Nhân. Chúng mình hên rồi. Cả má Tạ Kiều Sương của Bùi, chắc cũng sẽ gặp Bùi nay mai. Chờ nhé.

David reo lên trong máy:

– Tao chờ mày vào để cùng xuống An Giang gặp má Kiều Sương. Đã có manh mối gì về Diễm chưa? Đừng dò la nữa. Cứ đến tận nhà ông Ngô Bỉnh Thạc là rõ mọi việc.

Hành như người đứng trên tổ kiến lửa. Nhiệm vụ với đoàn làm phim không cho phép anh lơi là công việc. Ngay sau khi đến Hà Nội, đạo diễn Thomas Huỳnh đã gửi Hành về sống ở làng Chuông một tuần. Đây là một làng cổ có nghề làm nón từ bao đời. Hành phải thực sự nhập hồn mình trong không gian làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, để rồi sau đó chỉ quay một trường đoạn ghi lại kỷ niệm trước ngày nhập ngũ vào Nam chiến đấu, chàng sinh viên Đại học Bách khoa Lê Tao Phùng đã cùng cô người yêu tên Mai, về thăm bà ngoại. Một cuộc giã từ, như lìa xa những gì thân yêu máu thịt nhất: con sông quê, mái đình cổ, cây đa, giếng nước, bến đò, tiếng gà ban trưa, khói bếp lan trên mái rạ, dáng mẹ, dáng em tất tả ngoài đồng…, để rồi có thể vĩnh viễn không trở lại.

Lần đầu tiên trong đời diễn viên điện ảnh, được đóng một vai phụ, rất tâm đắc, nhưng đầu óc Thuyền Nhân lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Diễm. Cái cô người yêu của Lê Tao Phùng, tên Mai, cũng chính là Diễm. Người con gái làm trong sở Mỹ có tên Mai Nhung, đã xả thân cứu Lê Tao Phùng khi anh bị truy đuổi, cũng mang hình bóng Diễm.

Một chủ nhật, Hành gọi taxi từ làng Chuông ra Hà Nội, rồi tha thẩn quanh ngôi biệt thự của ông Ngô Bỉnh Thạc, có lúc lén lút chỉ sợ ai đó bắt gặp, có lúc thất thần như người mộng du.

Diễm đang ở đâu? Nhất định Diễm còn sống. Diễm đang cố tình lẩn trốn Hành vì một lý do nào đó. Nếu nàng đã chết (vì phẫn chí mà tự tử; vì căn bệnh hiểm nghèo; vì tai nạn bất ngờ…) thì mộ nàng ở đâu? Không thể chôn một người khi người đó vẫn đang sống trong một người.

Người làm Hành thất vọng nhất, lại là dì Mỹ Hằng và chú Vũ Bảo Huy. Hành đã tốn bao nhiêu cuộc gọi, bao nhiêu tin nhắn email. Hình như họ biết về Diễm. Nhưng họ cố tình lảng tránh, hoặc họ đang đồng lõa, đang đóng những vai kịch do ông Ngô Bỉnh Thạc đạo diễn. Cuộc họp báo ở Sài Gòn hôm đoàn làm phim ra mắt, đạo diễn Thomas Huỳnh có nhờ Hành và David mời chú Vũ Bảo Huy với tư cách chủ trang Web Cuội Blog. Lúc Bùi nháy mắt với Thuyền Nhân, làm như vô tình hỏi về Diễm, lập tức chú Huy lảng đi ngay: “Lâu quá rồi không gặp ông Ngô Bỉnh Thạc. Không biết tin gì về Diễm. Bà Mỹ Hằng nhà mình, anh em thân thiết với vợ chồng ông Thạc là thế mà cũng mù tịt. Cái nhà ấy là một chiếc hộp đen khổng lồ…” Có thật vợ chồng chú Huy không biết gì về Diễm, hay họ đang hùa nhau lừa dối Hành?

Hành đã ngồi hàng giờ liền trong quán nước xế bên kia đường. Lừa lúc vắng khách, lân la hỏi chuyện bà cụ chủ quán. “Ngôi biệt thự kia là của ông Ngô Bỉnh Thạc hả bà?”. Giọng của Hành khiến bà cụ nghi ngờ: “Chú ở vùng nào đến đây? Nghe giọng chú, như người ở tận đẩu đâu ấy nhỉ? Sang mà hỏi người ta. Tôi chỉ biết bán quán thôi chú ạ. Kín cổng cao tường thế kia, chẳng mong sơ múi gì đâu”. Đến Hành mà cũng bị nghi ngờ là kẻ rình mò chôm chỉa.

Hành đành thay đổi chiến thuật. Anh đóng vai một chàng sinh viên thất nghiệp, đang tìm kiếm nơi cần gia sư. Người lái xe ôm đưa anh đi lòng vòng qua khu biệt thự, tỏ ra xởi lởi, dễ bắt chuyện.

– Soái Nga Ngô Bỉnh Thạc phải không? Chú định làm rể ông ta hay muốn dạy ngoại ngữ cho ông ấy? Cánh tay phải của ông Chín đấy. Từ ngày được ông Chín tin dùng, soái Thạc trở thành trùm bất động sản số một. Tỷ phú dola hàng đầu Việt Nam đấy. Khu đất bên Sông Văn khiếu kiện tùm lum mấy năm nay là dự án của Beroza Group đấy. Có ông Chín chống lưng, dân đen có kiện đằng trời…

– Nghe nói ông Thạc có cô con gái xinh đẹp mới du học bên Mỹ về?

– Thì thiên hạ cũng kháo nhau thế. Cô này vừa đẹp, vừa học giỏi. Thế nên ông Chín mới chọn cho con trai mình chứ. Hai nhà ấy mà hợp lực thì lấy được cả thiên hạ. Họ liên kết với nhau để duy trì lợi ích nhóm đấy chú ạ. Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa. Hệt như ngày xưa. Bây giờ không chỉ có một vua, mà là vua tập thể, mười lăm ông. Ông Chín là vua bộ tứ, dưới một vài người, trên chín chục triệu người. Mà vua ngày xưa khổ. Lo cho dân bạc đầu. Chứ bây giờ, chỉ cần ra cái nghị quyết…

Hành bỗng đột ngột chuyển đề tài:

– Anh ơi… Em nghe nói cô Diễm mới bị chết vì một tai nạn?

– Tin đồn nhảm. Chú nghe ai nói? Nhà ấy chỉ đánh cái rắm, đã ầm ĩ trên các trang mạng. Ngày nào tôi chẳng lái xe ôm quanh đây. Chuyện tày trời như thế, sao qua được mắt tôi ?…

Tim Hành như muốn nhảy cẫng trong lồng ngực. Vậy là Diễm không việc gì. Nàng đang bị quản thúc trong ngôi biệt thự kia, hoặc là đang bị giấu kín ở một nơi nào đó. Và anh lại phập phồng một tia hy vọng…

***

Hành không biết rằng, chính cái lúc anh ngồi phía sau người lái xe ôm, bỏ mũ bảo hiểm để ngước nhìn lên sân thượng ngôi biệt thự, thì Diễm nhận ra anh.

Lúc ấy nàng đang dùng kẹp nhựa, kẹp những chiếc áo, chiếc bao tay bé tí xíu, cho gió khỏi cuốn đi.

Thực ra giặt giũ phơi phóng không phải việc của Diễm. Đã có người giúp việc. Nhưng linh cảm mách bảo cho nàng, đúng giờ ấy, thời khắc ấy, hãy lên sân thượng và nhìn xuống con đường qua nhà. Có một vùng trường sinh học tác động vào từng nơ-ron thần kinh của nàng từ mấy hôm nay, khiến lúc nào nàng cũng nghĩ đến anh. Rồi máy mắt. Nấc. Nóng tai. Anh đang ở quanh đâu đây? Hay đang có sự cố gì với anh? Rất lâu rồi Diễm không mở ti vi, không dùng mạng. Đột nhiên Phương Nga báo tin: “Mở tivi đi. Kênh Thuần Việt đang giới thiệu đoàn làm phim “Thung lũng tử thần”. Thuyền Nhân đóng vai chính đấy. Mới về Việt Nam để quay những cảnh đầu tiên”. Thật vậy sao? Thảo nào, như có thần nhân mách bảo, Diễm tin anh đang đi tìm… Và kia, đúng là Thuyền Nhân rồi. Anh ngồi sau xe ôm và vừa ngước nhìn lên. Nàng định thốt gọi: Thuyền Nhân ơi!. Không còn nghi ngờ gì nữa, anh đang tìm Diễm. Nàng thổn thức, cố nén khóc, chạy ào xuống cầu thang.

– Đi đâu thế con? – Bà Cảnh như chờ sẵn ở đâu đó, chặn lại – Mẹ đã nói bao lần rồi. Mọi việc mẹ và cô Lanh lo hết. Con chỉ nghỉ ngơi dưỡng sức để dồn sữa cho thằng bé… Khoa học người ta đã khuyến cáo rồi. Không gì bổ bằng sữa người. Phải cho thằng bé bú sữa mẹ ít nhất một năm…

Diễm vào phòng, nằm úp mặt trên gối.

Làm sao Diễm có thể nghi ngờ ánh mắt và giác quan của mình. Đúng vào cái lúc anh bỏ mũ bảo hiểm nhìn lên, thì ánh mắt Diễm bắt gặp ánh mắt anh. Chỉ hai luồng tín hiệu cùng tần số mới bắt gặp nhau trong tích tắc như thế. Có thể Hành không nhận ra. Nhưng Diễm thì không thể nhầm lẫn. Anh đang đi tìm Diễm. Anh tin rằng Diễm không thể chết.

Vậy mà, buổi sáng tinh mơ ở Tuần Châu ấy, Diễm đã quyết chết.

Một đêm ác quỷ. Một buổi sáng khốn nạn. Điếm nhục quá, dơ dáy quá. Diễm thật sự không muốn sống. “ Khi anh đọc những dòng này thì em không còn ở trên cõi đời …” Đó là ý nghĩ và hành động quyết liệt, dứt khoát nhất của Diễm, từ khi biết làm người. Rồi Diễm nhấn enter gửi thông điệp lên bầu trời và quả quyết đi ra bể bơi. Chỉ dăm phút nữa, sẽ không còn đau đớn, nhớ thương, thù hận, giận hờn… Sẽ là con số KHÔNG hư vô.

Nhưng số phận vẫn bắt Diễm sống tiếp.

Hình như Phương Nga nhìn thấy Diễm, khi bóng áo trắng vụt qua khoảng sân gạch. Cô nàng có giọng hát chua loét cả đêm qua hú hét và động tình đến không thể ngủ nổi, tinh mơ đã ra sân thượng uốn éo để giữ eo, khi phát hiện ra Diễm choàng áo trắng xuống bể bơi đã có ý nghi ngờ. Cho đến khi Diễm đi dần xuống mớm nước sâu và thụp đầu xuống thì Nga bủn rủn khắp người, ú ớ kêu không thành tiếng:

– Có người tự tử… Cứu… với… Đoan Diễm…

Dường như chỉ kêu lên chưa đủ, Phương Nga chạy bổ về phòng, kéo An Đông dậy. Anh chàng người nhái không kịp mặc quần áo, chỉ chiếc quần sịp, lao ùm xuống bể.

Chậm một phút nữa thì không cứu được.

Diễm nằm thiêm thiếp, mê mệt tại phòng cấp cứu bệnh viện. Nàng xấu hổ, ê chề vì mình không chết hơn là vui mừng khi thấy được cứu sống. Cái quả cherry có tội tình gì, vậy mà chớm nghĩ đến nó, Diễm đã buồn nôn. Thoáng thấy bộ mặt trắng bệch của Minh Hoàng là Diễm nghĩ đến quả cherry, và lại muốn nôn. Chưa bao giờ nàng thấy ghê tởm Minh Hoàng và kinh tởm mình đến thế. Nhưng con người ấy hầu như không biết Diễm đang nghĩ gì, cứ nhẫn nhục lăng xăng bên cạnh và tỏ ra rất hối hận vì đã đẩy nàng đến bước này.

Trước khi báo cáo bằng điện thoại cho hai ông bố, ông Chín và ông Thạc, một ông đang trong Sài Gòn, một ông ở văn phòng Beroza Group, biết về sự việc của Diễm, bà Loan và bà Cảnh, hai bà mẹ vừa như chết hụt cùng với cô con gái, con dâu tương lai liều lĩnh, đã họp bàn với nhau, sẽ giấu kín sự cố này. Mọi người trong hai gia đình, kể cả cặp đôi An Đông – Phương Nga, tuyệt không được hé lộ ra ngoài. Thậm chí không có chuyến đi Tuần Châu. Không có cuộc gặp gỡ nào giữa anh ả Minh Hoàng – Đoan Diễm.

Hai tháng liền Diễm tự giam mình trong nhà, không giao tiếp với ai. Đặc biệt, nàng không cho phép Minh Hoàng đến thăm. Hai tháng dòng, bà Cảnh canh chừng con, để mắt tới con từng giờ, an ủi động viên con, chỉ sợ Diễm lại dại dột làm một điều gì.

Tưởng vết thương rồi sẽ lên da non, sẽ thành sẹo, sẽ xóa mọi dấu vết.

Nhưng, qua tháng thứ hai, thì bà Cảnh bắt đầu nghi ngờ: Con gái bà có những biểu hiện lạ.

Rồi chính Diễm thú nhận với mẹ: Nàng đã có thai.

Có thai với Trịnh Minh Hoàng. Dĩ nhiên rồi. Cái đêm Tuần Châu ấy là đêm định mệnh của đời Diễm.

Phá thai hay để? Nhà trai ban đầu có ý ngãng ra. Chả biết có phải con cái nhà mình không, hay thằng Hoàng chỉ là kẻ đổ vỏ? Nhưng Hoàng khảng định như đinh đóng cột, rằng Diễm là gái trinh. Vợ ông Chín sắm lễ lên chùa, bí mật gặp các thầy tử vi, trừ ông Ngô Cang, so tuổi đứa con với Diễm và Hoàng. Chúng khẩu đồng từ: Đứa bé sẽ đem phúc lộc đầy nhà. Nó hợp tuổi với ông nội. Có nó, ông nội thêm quyền, thêm lộc, có thể thống lĩnh muôn triệu người, có thể thoát mọi hiểm họa từ các thế lực hung hãn nhất… Thế là hai ông bố bà mẹ gặp nhau hằng tuần, bàn tính đủ các phương án. Nếu Diễm dở quẻ, đòi phá thai thì tính sao? Không đời nào. Phải khuyên Diễm giữ bằng được. Ông Chín quyết: Tổ chức cưới ngay tháng sau, khi mọi người chưa thấy bụng cô dâu. Ông bà Thạc ký cả mười ngón tay. Chưa đầy năm mẹ đã đầy tháng con là một phương án rất đẹp.

Nhưng…

Không có đám cưới nào cả. Diễm quyết không đồng ý cưới. Ít ra là cho đến khi đứa bé ra đời. Diễm sẽ gìn giữ giọt máu trong bụng mình hơn cả báu vật. Diễm sẽ là người mẹ đơn thân, không cần biết bố đứa bé là ai.

Không gì lay chuyển được quyết tâm ấy.

Theo nguyện vọng của Diễm, và cũng để che mắt thế gian, vợ chồng ông Ngô Bỉnh Thạc thu xếp cho nàng lên vùng lòng hồ Thác Bà, nơi có một đảo đất ông Thạc mua từ hồi vẫn còn ở bên Nga, định làm điểm du lịch. Trên đó có một nhà nghỉ, một nhà sàn và khoảng ba chục héc ta keo tai tượng do gia đình một người bà con trông coi. Ngôi nhà nghỉ hai tầng, ba phòng, trước khi Diễm lên được sửa sang lại, có máy phát điện. Để cho Diễm đỡ hưu quạnh, một cặp vợ chồng với đứa con nhỏ ba tuổi, được điều từ Sông Văn lên, để lo chuyện hậu cần.

***

Anh chồng tên Khắc, chị vợ tên Diệu, đứa con tên Kỳ. Sau này, khi đã gắn bó thân mật, Diễm thường gọi đùa gia đình họ là Khắc – Khổ – Diệu – Kỳ.

Họ sống khắc khổ quá đi. Cả tuần không mua sắm gì, ngoài những thứ kiếm được quanh đảo. Diễm không xem tivi, nhường lại, nhưng họ cũng chẳng dám dùng. Chị vợ chỉ có hai bộ quần áo thay đổi, còn anh chồng hình như lúc nào cũng độc bộ. Đến đứa bé cũng thiếu bánh, sữa… Anh chồng chỉ ba mươi mà hom hem như trung niên, râu tóc bờm sờm. Chị vợ, trái lại, béo mũm mĩm như trái xoài, má lúc nào cũng đỏ hây hây. Tưởng chị là gái một con, hóa ra, Diễm bé cái nhầm. Diệu cười khanh khách: “Bốn rồi đấy. Bỏ mất một, còn ba. Hai đứa gái lớn đang ở nhà với ông nội.” Chà chà. Thảo nào anh chàng Khắc trông lúc nào cũng khổ. Tốt mái hại sống, dân gian có sai bao giờ.

Cái tên Khắc, có điển tích của nó. Mẹ mang thai anh năm cha anh đi lao động xuất khẩu bên Tiệp Khắc.

– Bố tôi là bạn cực thân của bố chị đấy – Mặc dù hơn tuổi, nhưng vợ chồng Khắc luôn gọi Diễm là chị hoặc gọi tên – Hai ông bô cùng đi xuất khẩu lao động Tiệp Khắc, cùng làm một nhà máy, mà bây giờ bố chị là đại gia, đại biểu Quốc hội, tổng giám đốc, còn bố tôi vẫn là anh nông văn dân, vặt mũi không đủ đút miệng…

Câu chuyện của Khắc khiến Diễm như thấy một khung trời khác, một khung trời xám màu chì, gió rét thổi vù vù trên cánh đồng, ở đó chỉ có những người đàn bà trùm áo tơi cúi gập người trên những thửa ruộng đang cấy dở, cạnh đó là những người đàn ông theo trâu lầm lũi bừa ruộng.

– Thế mà không thấy ba tôi nhắc đến những ngày ấy bao giờ. Cũng ít thấy ba tôi nhắc đến bố anh. Mà ông cụ tên là gì nhỉ?

– Tô Trung Tâm. Tên ông cụ oách đấy chứ. Hồi học cấp hai, bố tôi từng là học sinh giỏi toán cấp tỉnh. Đi chiến trường, ông bị pháo vùi, nặng tai. May mà vừa xuất ngũ liền được đi xuất khẩu lao động bên Tiệp. Bố tôi có họ hàng với đồng chí Tô Hiệu nên mới có xuất ưu tiên ấy. Khi Đông Âu tan vỡ, mẹ tôi chỉ sợ bố trốn sang Tây Đức, bỏ mẹ con bơ vơ ở nhà. Nhưng bố tôi ghê lắm. Ông khuân về cả một công-tơ-nơ, toàn xe mi-pha, xe đi-a-măng, máy khâu xanh-gie, quạt bàn, nồi cơm điện… Hồi ấy nhà tôi giàu nhất làng. Bố tôi đập cái nhà cũ, làm hẳn một dinh cơ năm gian lợp ngói mũi hài, gỗ xoan sáng bóng. Nhưng rồi mẹ tôi bị suy thận, tháng nào cũng đi viện. Của nả lại đội nón ra đi. Mình ông cụ quần quật với hơn mẫu ruộng khoán và mảnh ao vườn sau nhà, nuôi vợ ốm và năm cái tàu há mồm…

– Thế sao chú Tâm không gặp ba em từ mấy năm trước nhỉ? Năm nào ba em cũng tổ chức một ngày “đi tìm đồng đội” vào dịp 27 tháng 7 – Diễm thở dài, tiếc nuối.

– Tính bố tôi khí khái lắm. Không muốn nhờ vả ai đâu. Mẹ tôi thay thận, tốn kém thế mà ông quyết không vay nợ. Sau khi mẹ tôi mất, họ hàng khuyên ông lấy vợ bé, ông không nghe, suốt ngày hùi hụi ngoài ao, vườn.

– Thế hai cụ gặp nhau lúc nào? Ba em với bố anh ấy.

Vẻ mặt Khắc thoáng buồn, như không muốn gợi lại chuyện đau lòng. Chị vợ ruột để ngoài da, được dịp trút hết bầu tâm sự:

– Chuyện làng em lên đài báo ầm ầm cả năm nay mà chị Diễm không biết gì ư? Cái dự án Beroza cướp đất hai làng bên Sông Văn ấy. Bọn tư bản nước ngoài liên kết với quan chức thoái hóa hòng cướp không gần hai nghìn mẫu ruộng của làng em và làng Vân Nội. Dòng họ Tô nhà em cùng họ Nguyễn Văn, họ Trần, họ Đặng lập đàn tế ngoài đình, cắt máu ăn thề, quyết giữ đất đến cùng…

– Nói dài dòng, mất thì giờ – Khắc gắt vợ – Đại khái là lần nào tập đoàn Beroza cho máy ủi đến san ruộng, dân làng tôi đều cử người ra giữ đất. Chúng tôi đòi nâng giá bồi thường, đòi được góp cổ phần bằng đất, vì đó là mồ hôi nước mắt nghìn đời cha ông chúng tôi đã khai phá… Bố tôi từng bị bọn đóng giả côn đồ đánh trọng thương hai lần. Hôm ấy, được tin báo chính quyền và tập đoàn lại điều máy san ủi đến cưỡng chế khu đất bên sông Văn. Bố tôi chít khăn trắng, cầm đòn xóc, hô mọi người lăn xả vào máy ủi giữ đất. Khi người và máy còn cách nhau hai chục mét, thì bỗng từ đâu một lũ côn đồ kéo đến. Dân làng tôi biết ngay đó là bọn người của công ty vệ sỹ do Beroza thuê, có cả dân phòng và công an mặc thường phục trà trộn vào, chúng đội mũ phòng hộ, mặc áo giáp, giấu đoản côn trong người. Bố tôi hô lớn: “Bà con ơi, lũ cướp đất hành hung”, và ông níu tay mọi người giăng hàng ngang. Bọn côn đồ xông đến, đấm , đá, vụt côn túi bụi. Một vài người bỏ chạy. Bố tôi lăn xả, định cướp một chiếc côn làm tang chứng. Bỗng đâu chiếc côn phạt ngang, trúng thái dương bố tôi, khiến ông ngã lăn quay, máu chảy lênh láng. “Ối làng nước ôi, lũ cướp đất giết người”. “ Ông Tâm bị đánh chết rồi, dân làng ơi…” Tiếng hô hoán, la khóc náo loạn. Bỗng từ trên buồng lái chiếc xe ủi đi đầu, một người đầu hói nhảy xuống, hét lên: “ Đưa gấp đi cấp cứu. Trời ơi, thằng Tâm. Tô Trung Tâm phải không? Tao đây. Ngô Bỉnh Thạc đây. Bạn chiến trường và bạn xuất khẩu lao động Tiệp Khắc đây…” Nghe gọi tên mình, bố tôi liền bật dậy. Ông muốn giang tay níu lấy ông cán bộ : “Trời ơi, anh Ngô Bỉnh Thạc. Anh đi lái thuê cho bọn Beroza à?”. Bạn lính gặp nhau như thế đó. Bố tôi tưởng ông Thạc là công nhân lái xe ủi. Thế rồi ông Ngô Bỉnh Thạc cho người đưa bố tôi đi cấp cứu, lệnh cho đội máy ủi giải tán. Dân làng cũng hoãn binh, kéo nhau về làng…

Diễm buồn rũ:

– May mà bố anh qua khỏi… Rồi ba tôi giải quyết thế nào với bố anh, với dân làng?

Chị Diệu lại cười tít mắt:

– Ba chị là Tổng giám đốc có khác. Có ý kiến của bác ấy, mọi chuyện khác ngay. Đầu tiên là gạt bỏ bọn cán bộ trung gian cấp thôn, xã, huyện. Tập đoàn làm việc thẳng với từng hộ dân. Rồi khung giá đất đền bù tăng. Rồi hứa hỗ trợ chuyển đổi và đào tạo ngành nghề, hứa nhận con em trong làng vào làm việc, cam kết sẽ xây dựng trường học, thư viện, trạm y tế, khu thể thao, chăm sóc bảo trợ người già, gia đình khó khăn… Và việc nhỡn tiền là bác Thạc nhận vợ chồng em lên đây trông coi trang trại và làm vệ sỹ cho chị…

Thì ra là một cuộc đánh đổi, chứ chưa hẳn đã là lòng tốt. Diễm hiểu ngay ra cái nguyên nhân đưa vợ chồng Khắc lên đây. Và nàng thấy mình mắc nợ họ nhiều quá. Chính cha nàng, ông Ngô Bỉnh Thạc, bằng mối quan hệ đồng ngũ, đồng nghiệp với ông Tô Trung Tâm, đã tháo được ngòi nổ vùng đất nghịch Sông Văn, làm cho những người nông dân bị tước đoạt trắng trợn, bị cưỡng bức và lừa phỉnh, đồng ý nhượng bộ và thỏa hiệp để tồn tại… Vậy mà ông Tô Trung Tâm và vợ chồng Khắc lại như phải hàm ơn, suốt đời mang ơn. Họ sung sướng vì cuối cùng kẻ cướp đất đã không cướp hết của họ, đã cho họ cùng được sống trên mảnh đất nghìn đời, rồi cho họ và con cái họ được kết thân, được bình đẳng, thắm tình đồng chí, đồng bào… Ôi, thật cay đắng, mỉa mai. Nếu còn ở đại học Fullerton hay tiếp tục học lên Harvard, thì biết đến bao giờ luật gia Ngô Đoan Diễm mới hiểu được “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không kinh qua tư bản chủ nghĩa” mà triết học kinh điển Marx-Lénine đã nhồi nhét vào đầu hàng triệu người bao năm nay, nhồi nhét không mệt mỏi, suốt năm này qua năm khác, nó tàn nhẫn, khốc liệt, đẫm máu và nước mắt như thế nào.

Diễm thầm nhủ, một ngày nào đó nàng sẽ về Sông Văn, gặp chú Tô Trung Tâm, gặp những người nông dân giữ đất, để cám ơn họ. Họ không nỡ làm một cuộc cách mạng, vì kẻ cướp đất của họ lại chính là đồng ngũ, đồng chí, đồng bào của họ…

***

Diễm không phải đợi lâu. Mấy tháng sau, khi lứa lợn Mán mười bốn con do vợ chồng Khắc nuôi thả, chuẩn bị xuất chuồng, thì ông Ngô Bỉnh Thạc rầm rầm kéo một đám bạn từ Hà Nội lên. Họ để xe bên khu du lịch, đi canô sang đảo.

Diệu hớt hải chạy vào phòng Diễm, khi nàng đang viết nhật ký.

– Chị Diễm ơi, bác Thạc đưa khách lên. Có cả bố chồng em nữa.

– Ối, bác Tô Trung Tâm, ông nội thằng cu Kỳ lên thăm chúng ta ư? – Diễm cuống quýt – Thế thì em phải giúp anh chị và bác Tửu một tay. Cho em làm món thịt nướng. Ở bên Mỹ chúng em hay vào rừng làm món babykiu lắm…

– Mãi đêm qua bác Thạc mới điện báo cho nhà em. Phải chuẩn bị cỗ cho bẩy khách và hai lái xe. Anh Khắc dậy từ bốn giờ cùng vợ chồng ông Tửu bắc bếp nổi lửa. Gà, cá, lợn đều có sẵn. Sẽ có món lòng lợn Mán đặc biệt đãi khách nhé. Ông nội thằng cu Kỳ gọi điện lên bảo đợi ông lên mới được đánh tiết canh…

Từ ngày giải quyết êm vụ nông dân Sông Văn, ông Tổng giám đốc tập đoàn Beroza càng đầy uy lực. Cùng lên với ông có Cao Trần Đoàn, Phạm Hoài Trung, tiến sỹ La Thế Dũng, bạn Trung, và hai ông bạn cố tri Hồ Khải, Trịnh Lê Ban thời xuất khẩu lao động. Khách đặc biệt là Tô Trung Tâm, người mà ông Thạc trêu đùa là mới lôi từ hố khảo cổ lên. Trừ tiến sỹ vật lý phân tử La Thế Dũng, bạn học phổ thông với Trung, còn lại đều là bạn thuở hàn vi của Thạc. Còn có dịp nào ôn cố tri tân hơn cuộc lên rừng này?

Khác hẳn với đám doanh nhân thành đạt, ông Tô Trung Tâm vẫn trăm phần trăm nông dân. Vừa đặt chân lên đảo, ông đã xách túi rau thơm, gia vị mua sẵn sang ngay khu nhà sàn, sắn tay cùng con trai và ông Tửu, có thêm Diễm trợ giúp, lo bữa ăn cho các đại gia. Vốn là dân câu đương dòng họ Tô, chuyên lo các bữa giỗ chạp trong họ, một mình ông lo một trăm mâm cỗ ngon ơ. Khó nhất là đánh tiết canh vịt, không biết hãm tiết, hoặc là chưa đánh đã đông đặc như bát tiết gà, hoặc là bổi đi đằng bổi, nước đi đằng nước, nhưng vào tay ông Tâm, bát nào cũng đặc như thạch.

– Bố cứ để con với ông Tửu làm – Khắc mấy lần xua tay đuổi bố quầy quậy – Bố là bạn chiến hữu với bác Thạc, chú Đoàn, chú Trung, phải lên trò chuyện cho nó hòa đồng…

– Các ông ấy đều là Quốc hội, chánh, phó giám đốc, đi xe bạc tỷ, tao biết nói chuyện gì? Họ đi mấy trăm cây số lên đây, cốt chỉ để thưởng thức đặc sản lợn Mán, gà đồi. Tao lên đây chỉ mỗi nhiệm vụ làm cỗ cho họ đánh chén.

Quả nhiên, có bàn tay ông Tâm, cả khu đảo bỗng dậy mùi thơm phức. Con lợn Mán nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên, vừa độ hai mươi ký, hệt như lợn rừng. Món BBQ (babykiu), của Diễm, thịt ba chỉ ngâm tẩm hương vị nướng trên than củi, nức mũi, gợi nhớ dịp nghỉ cuối tuần kéo nhau vào cánh rừng ven hồ dựng lều trại, đầy không khí hội hè. Món thịt giả cầy đẫm vị giềng mẻ nôn nao một khung cảnh chiều đông giá rét đi ngược chiều gió đến đám cất nhà. Mùi cá trắm đen nấu ám quện hương thìa là, hành hoa ngậy thơm quyến rũ. Và hương lá chanh thoang thoảng gợi nghĩ đến đĩa thịt gà muối ớt trong đám mừng sinh nhật, chưa ăn đã tứa nước chân răng… Tất cả được trưng ra trên chiếc bàn gỗ lát chun liền tấm dầy gang tay, rộng mét hai, dài hơn hai mét, như chiếc sập đại, kê giữa khoảng sân, như một boong tàu nhô ra ngoài hồ nước mênh mông.

– Cỗ sang quá. Nhà giàu dù có ở chốn rừng xanh núi đỏ thì vẫn cứ nườm nượp tao nhân mặc khách. Phú tại sơn lâm hữu khách tầm… ha ha. Nghị sỹ Ngô Bỉnh Thạc muôn năm! – Cao Trần Đoàn phập phồng hai cánh mũi, liếc mâm tiệc rồi nhìn chủ nhân, tự cất lên câu thơ cổ điển.

Riêng Phạm Hoài Trung có vẻ tư lự. Từ lúc đặt chân lên đảo, anh chỉ ra lan can hồ đốt thuốc liên tục. Tiến sỹ La Thế Dũng chỉ ngón tay cái về phía Trung, nói với Thạc:

– Bị nàng Ola cho đi tàu suốt, nó suy sụp thế đấy. Em đang định gả cô em họ cho nó. Anh cố giúp nó qua cái đận này.

– Tớ biết tình bạn giữa hai cậu – Thạc nói – Chúng mình phải xúm vào để cứu thằng Trung. Nó đang muốn bán xới hết để sang Paris sống với Hương Thầm. Nhưng tao khuyên nó đừng có tự sát một lần nữa. Chẳng có gì bằng quê cha đất tổ. Giờ là lúc dễ sống nhất. Đang đục nước béo cò. Đất đai vô chủ, kinh doanh địa ốc một vốn mười lời. Tao định cho nó mượn cái đảo này làm vốn để gỡ lại những gì đã mất.

– Em cũng khuyên Trung thế. Nếu dự án tới của em triển khai, em sẽ mời nó làm giám đốc điều hành…

– Cậu giỏi lắm. “Dũng chui” có khác. Quả danh bất hư truyền…

– Ai nói với anh cái biệt danh ấy thế? Thằng Trung phải không?

– Không phải Trung, mà các nhà khoa học ở Viện cậu kháo với tớ. Mười hai năm ở Pháp, đào tạo ở Sorbonne, rồi từ lò vật lý hàng đầu thế giới, tiến sỹ đầu ngành về vật lý phân tử, mà cậu vẫn bị cho ra rìa, sáng cắp ô đi tối cắp về, mỗi tháng lãnh lương hai trăm đôla. Vì cậu không cùng cánh hẩu với lãnh đạo, không chịu làm khoa học rỏm, viết báo cáo lấy lệ để bòn rút tiền nhà nước. Và vì thế mà mãi mãi cậu không có cái hàm nghiên cứu chính, giáo sư… Nhưng tớ ủng hộ hướng đi của cậu. Không chịu để phí hoài kiến thức, cậu xoay ra làm khoa học chui, tự nghiên cứu, lập xưởng sản xuất ra sứ chống sét, làm gỗ sàn công nghiệp từ trấu và mùn cưa, và hình như đang làm “Nano đa khoáng sông Hồng”, đưa nông nghiệp xanh lên một tầm mới?

– Anh động viên em quá – Dũng ngẩn người – Xin bái phục ông anh đã biết nhiều thông tin về thằng em. Riêng thằng em, cũng biết không hề ít về ông anh đâu nhé – Và Dũng ghé tai Thạc – Khi nào thì ông anh chính thức làm thông gia với ông Chín đấy?

– Các cậu biết hết cả rồi, còn vờ hỏi… Nhưng đừng nói với ai rằng con gái tớ đang ở đây nhé… Chuyện riêng gia đình, mình không muốn thiên hạ đàm tiếu …

Lái xe của Thạc mang ra hai chai vang thượng thặng của Pháp, Chile và một chai Chivas Regal 18, hộp xanh, một chai xanh Ballantines 17 năm.

– Còn chai nào cứ mang hết ra đây – Ông Thạc kéo tiến sỹ La Thế Dũng và mọi người vào bàn tiệc – Hôm nay không say không dừng. Say thì ngủ lại đảo. Chưa say thì ra khách sạn ngoài thành phố nghỉ và uống tiếp – Ông Thạc nói nhưng lại đưa mắt xuống chỗ nhà sàn. Hình như ông còn chờ một ai đó.

Thì kia, ông Tửu lễ mễ bưng lên một vò, thứ vò sành da lươn miệng nút lá chuối.

– Thưa… Đây là rượu làng Vân do chính bà Tom cô họ tôi tự tay nấu – Ông Tửu trịnh trọng đặt vò rượu giữa bàn – Rượu bà Tom danh truyền khắp cả nước. Tôi đã hạ thổ đúng ba năm. Nay dâng ông Thạc và các vị thưởng thức.

– Thấy chưa? – Ông Thạc vỗ tay, giọng trầm đục – Bữa đặc sản bây giờ mới đồng bộ, ẩm thực Việt một trăm phần trăm. Uống rượu bà Tom làng Vân các vị sẽ thấy những chai rượu bạc triệu kia bớt đi thói kiêu căng trưởng giả…

Diễm ra chào khách lần nữa, rồi để ba và các bác các chú tự nhiên, xin phép lên phòng mình. Đến lúc đó, nàng bỗng giật mình, hốt hoảng, chân muốn ríu lại khi chợt nhận ra Phạm Hoài Trung đang lững thững từ mép hồ đi vào. Sao có người giống Thuyền Nhân kỳ lạ. Mắt Diễm bị loạn thị, hay căn bệnh hoang tưởng vẫn hành hạ nàng?

***

Diễm gục đầu trên trang nhật ký đang viết dở. Từ ngày lên hoang đảo này, nàng tự giam mình trong căn phòng bốn bề trông ra hồ và rừng, không dùng điện thoại, internet, đài, tivi. Cứu cánh tinh thần duy nhất của nàng là chiếc cassette Sony để nghe nhạc, và cuốn sổ để ghi nhật ký.

“… Thuyền Nhân ơi, em muốn quên anh đi mà không thể được. Không thể quên được. Chọn nơi hoang đảo này, tưởng sẽ được yên tĩnh để quên lãng, nào ngờ đêm nào thức dậy, nghe tiếng sóng hồ, tiếng cây rừng, là kỷ niệm chuyến đi Lake Tahoe lại hiện về. Ôi, giá đêm ấy em dâng hiến hết cho anh, thì bây giờ em đỡ bị dày vò… Biết thân đến bước lạc loài. Nhị hồng thà bẻ cho người tình chung. Cụ Nguyễn Du cũng thương tiếc cho em đấy…”

Đó là đoạn ghi chép sáng nay. Bây giờ, Diễm ghi tiếp mạch viết bỏ dở:

“… Anh biết không, ba em vừa rủ các bạn chiến đấu và bạn làm ăn từ thuở hàn vi bên Đông Âu lên chơi. Có chú Trung, một soái Ba Lan, giống anh đến kỳ lạ. Mà hình như chú cũng họ Phạm với anh. Lần đầu chợt nhìn thấy chú, em suýt kêu lên: Thuyền Nhân!…”

Có tiếng ai đó nói như hét. Diễm buông bút, chạy tới bên cửa sổ, nhìn xuống bàn tiệc.

Chừng như đã uống tới ngưỡng, tức là đã đến lúc “rượu nói”, Cao Trần Đoàn cầm ly rượu huơ lên:

– Anh Thạc ơi, có nhớ cái lần thằng em Cao Trần Đoàn này đưa anh “vào đời” không?

Mặt Thạc nghệt ra, rồi bỗng nhớ, vỗ đánh bốp vào vai Trung.

– Nhớ rồi. Cái lần mày rủ tao lên Saint Pétersbourg chơi. Hồi ấy mày đang cặp với nàng Hồ Điệp, đi đâu cũng mang nàng theo. Khi tàu gần đến Novgorod chợt nhớ có thằng bạn thân tên Oleg Bavykov, sống bên hồ Vandai…

Đoàn bỗng ngả người lắc lư, rồi vỗ hai tay trên mặt bàn bắt nhịp một bài hát Nga:

“Chiều dần buông màu tím. Vẳng bên sông lời hát êm đềm…” Trời ơi Vandai, cái hồ nước sạch nhất nước Nga, trong xanh đến mức có thể uống được. Thằng bạn Oleg, có cái nhà gỗ thông đặc sệt phong cách Nga nằm bên hồ Vandai. Cha nó ngày trước vốn là quản gia cho Stalin. Ông lãnh tụ cộng sản này có ngôi biệt thự phía bên kia hồ, hay về đây nghỉ. Thằng Oleg thừa hưởng gia tài của cha, chọn hồ Vandai làm nhà nghỉ dưỡng. Hôm ấy, Oleg cùng người yêu đãi bọn mình một bữa cá hun khói với rượu vodka túy lúy, rồi rủ thêm một cô gái Nga cho anh, để thành ba cặp, cùng xuống nhà tắm hơi mép hồ, tiếng Nga gọi và Vasonhia, tắm theo kiểu Nga…

– Chết cũng không quên bữa tắm hơi ấy. Cả bọn chui trong Vasonhia nóng sáu mươi độ, trần như nhộng, thi nhau lấy lá bạch dương khô quất lên mình cho đỏ rực như tôm luộc, rồi cùng nhảy xuống hồ nước mười hai độ. Đoàn ơi, đêm ấy thằng Oleg bạn mày thương tao, đã làm mối nàng Natalia cho tao… Lần đầu tiên trong đời tao biết một người đàn bà ngoại quốc…

Tô Trung Tâm không uống, cứ ngửa cổ như nuốt lấy từng lời câu chuyện về nước Nga thần tiên ấy. Ngô Bỉnh Thạc bỗng nhìn Tâm trừng trừng, dí ly rượu vào mặt Tâm.

– Tô Trung Tâm, ông chưa biết gái Nga, hả? Thế ông còn nhớ cái đận tôi với ông cùng làm cu ly ở nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay ở ngoại ô Praha không? Ông có nhớ thằng Mazek bạn tôi, làm thủ kho của nhà máy không?

Tâm giật mình, nhìn Thạc, phân vân. Thấy ánh mắt Thạc có vẻ động viên khích lệ, Tâm cười méo xệch:

– Dạ nhớ. Quên thế nào được hả anh? Thỉnh thoảng anh vẫn cho thằng Mazek chai rượu Lúa Mới, mời nó đi ăn…

– Trời ơi, trí nhớ của chú mày quá giỏi. Nào uống. Trăm phần trăm… Tâm ơi, mày biết không, cái thằng Mazek ấy, là cứu tinh của đời tao đó. Hớ hớ… Lúc nãy tiến sỹ Lã Thế Dũng hỏi tớ kể lại câu chuyện tớ đã làm cách nào vận chuyển một trăm mười lăm ký niken về nước trót lọt. Chuyện này mình đã kể cho thằng Đoàn, thằng Trung hôm ở resort Hòn Kén rồi. Hôm nay kể lại để tiến sỹ Lã Thế Dũng, chiến hữu Tô Trung Tâm và mọi người biết thêm một phần đời của tớ, rằng cái thằng Ngô Bỉnh Thạc này từng có lúc nhục nhã như một con chó, từng đi ăn cắp hàng tạ kim loại quý hiếm, có liều không? Hồi cùng làm ở nhà máy với thằng Tô Trung Tâm đây, biết trong kho vật tư có nhiều niken tấm, loại 30 x 60 centimet, nặng 11,5 kg một tấm, tớ liền đi mua một cái valy, nghĩ cách lừa thằng thủ kho, thỉnh thoảng thó một tấm niken cho vào valy mang về dải trên ván giường, rồi phủ nệm lên. Cho đến khi ăn cắp được 10 tấm thì cái giường tớ ngủ trên tầng ba đã phủ kín niken. Các vị ạ, tớ đã tính toán kỹ. Nếu mang số niken này về Việt Nam chót lọt, tớ có hơn chục nghìn đô la….

Cả mâm rượu nhìn nhau, mắt xanh lè. Phải có gan ăn cắp như thế, mới đủ tầm cỡ để lo nghiệp lớn.

Từ nãy, Tô Trung Tâm cứ cúi gầm mặt. Câu chuyện của Thạc không đơn thuần chỉ là chuyện hồi cố mà hình như đang muốn nhắn gửi một điều gì?

– Kìa, Tô Trung Tâm, mày sao thế? Uống đi chứ – Thạc bỗng trừng mắt – Tâm ơi, mày có biết cái đêm tao lật tấm trải giường lên và bủn rủn khắp người vì thấy mất một tấm niken?

Ly rượu trên tay Tâm bỗng rơi xuống sân, vỡ tan. Rồi đột ngột Tâm quỳ sụp xuống trước mặt Thạc.

– Anh Thạc ơi, tha tội cho em – Giọng Tâm run bắn lên – Lẽ ra em phải thú nhận với anh từ hôm ấy… Em đã theo dõi anh từ lâu… Trong phòng, chỉ mình em biết anh lấy niken giấu dưới nệm giường… Em không thân với Mazek, em không có gan… Em nghĩ đời em sẽ lên hương, nếu lấy cắp được của anh vài tấm…

Đến lượt Ngô Bỉnh Thạc sững sờ. Trời ơi, sau bao nhiêu năm, hôm nay vô tình kẻ đã định nẫng tay trên kho báu của Thạc ở cái xứ Tiệp xa xôi ấy đã tự đầu thú. Vậy mà, Thạc cứ lầm lũi tìm kiếm, truy lùng thủ phạm. Thạc hoài nghi tất cả bọn đầu đen trong nhà máy, nhưng với Tâm, người bạn nằm giường đối diện, thì Thạc không mảy may nghi ngờ.

– Có thật thế không?- Thạc vội cúi xuống, nâng Tâm đậy – Hóa ra mày là thủ phạm? Tâm ơi, thế thì tao phải quì lạy tạ ơn mày. Tao cắn rơm cắn cỏ lạy mày. Mày vừa là tội đồ vừa là cứu tinh. Chính mày đã cứu tao. Mày đã giúp tao cảnh giác, không những đi tìm tấm niken mày giấu, mà còn đưa hết mười tấm niken ra sông, để sau này đưa về nước an toàn. Tâm ơi, chỉ cần mày báo với bảo vệ nhà máy rằng thằng Thạc này ăn cắp niken, thì đời tao đã ra tóp rồi, công an Tiệp Khắc đã gô cổ tao rồi… Vậy mà mày thương tao… Mày chỉ nhắc tao, mày cảnh báo tao rằng việc ăn cắp của tao đã có người biết… Và, bây giờ, mới có thằng tao, Tổng giám đốc Beroza Group, đại biểu Quốc hội Ngô Bỉnh Thạc hôm nay, ha ha… ha…h…a…

Ông Thạc cười ngất, cười như điên dại. Cười mà nước mắt giàn giụa. Tiếng cười lan theo gió, va đập với sóng nước, với rừng cây, núi đồi, vang mãi…

H.M.T.

————————————————–

(*) Từ biệt – Thơ Serghei Esenin, Bằng Việt dịch.

Comments are closed.