NHỮNG MẢNH VỠ CỦA MỘT VÌ SAO

Truyện ngắn

Trần Duy Phiên

1.

Đầu hè, nắng vàng rực rỡ.

Tôi lần dò vạch rào bước ra đường, hai túi áo đầy ắp những quả chay vừa hái trộm trong vườn nhà chị Hà. Nhớn nhác định ù chạy, chợt nghe có tiếng gọi, tôi khựng cứng cả người. Một người đàn ông còn trẻ diện vét-tông màu xám xanh tiến lại phía tôi. Anh ta đen bóng, dáng kệch cỡm, bộ tịch đù đờ gần như đần độn.

-Em vừa trong ấy ra phải không?- Anh ta chỉ tay về phía khu vườn.

Chưa đủ nhanh trí kịp thời biến báo, tôi đơ mắt đứng nhìn khách lạ.

-Có chị Hà ở nhà không?- Anh ta ghé sát tôi hơn nữa

Chị Hà có ở nhà, tôi cầm chắc điều đó. Tôi còn biết rõ hơn nữa, chị vừa rời bàn học bước vào phòng ngủ chưa được bao lâu. Sau bữa cơm trưa, tôi lẻn ra khỏi nhà, chui vào vườn người ta và nằm im trong cỏ cho đến khi chị Hà khép cánh cửa lại. Nhanh như sóc, tôi liền nhảy lên cây chay sát cửa sổ phòng học chị, trái chín cho vào miệng, trái xanh cho vào túi. Chị Hà mà biết việc này, tôi sẽ vô cùng xấu hổ, e phải bỏ xứ ra đi. Khoảnh khắc liến láu đã qua, giờ thoát được tới đây, nếu không gặp anh ta, tôi chỉ thoắt xuống bờ sông, ém vào bộng sung, ngon ơ.

Anh ta nhìn vào mắt tôi và mò được ý nghĩ. Tôi vẫn lặng im. Anh cười. Lạ, sau khi anh cười, tôi cảm thấy yên ổn.

-Anh hỏi chị Hà có việc chi?- Tôi không ngờ mình cứng cựa đến thế.

Anh vừa cười vừa cho tay vào túi áo sơ-mi, rút ra một cái phong bì óng ánh trắng ngần, mùi nước hoa thoáng qua mũi tôi.

-Em trao giúp cái này tận tay chị Hà!- Ghé sát tai tôi, anh ta thì thầm.

-Không!- Tôi run.

Anh lại cho tay vào túi và rút ra một tờ giấy bạc một trăm đồng.

-Cầm đi!- Giọng anh dịu ngọt như có pha đường.

Tôi đứng ì. Anh vói nhét tiền vào các túi áo tôi nhưng chỗ nào cũng đã căng cứng. Tôi vẫn đứng ì. Tờ bạc len vào, những quả chay rơi ra nhưng tôi không còn tiếc cái của khỉ ấy nữa. Ba đồng một tô phở, một trăm là số tiền lớn khủng khiếp đối với tuổi tôi thời đó. Ranh ma nhất nhì xóm, tôi thường trốn học, lang thang đầu đường xó chợ và không mấy khi để vuột mất một thứ gì mình yêu thích đang trong tầm với. Tôi cầm lấy thư ém vào thắt lưng, anh ta gật đầu. Nhưng tôi vẫn dè chừng, đi giật lùi từng bước. Khi có khoảng cách đảm bảo, tôi dừng lại quan sát, giờ có đổi ý anh khó mà đụng tới nhóc này. Rồi tôi vẫy tay, anh ta quay gót đi về phía chiếc Vespa đang dựng trong bóng râm đằng kia.

Vào đến hiên nhà chị Hà, tôi len lách qua mấy chậu mai kiểng, con Vàng đâu đó lao ra gầm gừ, nhe răng cản lối. Đã từng thân quen, tôi liền xáp tới. Chỉ vỗ nhẹ vào đầu Vàng mấy cái, tôi vòng hè sau. Định bụng lùa nhẹ cái thư qua cửa sổ rồi giông ngay, nhưng tôi không ngờ chị Hà đã thức dậy, ngồi ở bàn học, bên trong khung hoa thép.

-Này ông tướng!- Chị lên tiếng- Làm chi đó?

Tôi chững bước. Chị Hà nhìn tôi chăm chăm, ánh mắt sắc lạnh. Tôi rút thư khỏi túi và đưa lên. Chị vụt đứng dậy, tay cầm cái thước kẻ đưa cao, môi mím chặt. Vẫn đẹp như thường ngày, nhưng lúc này vẻ người chị đanh ác đến kỳ lạ. Tôi lần tới, phóng cái thư qua cửa rồi chạy như bay. Ra tới đường cái, tôi còn tăng tốc hơn nữa. Những quả chay vung vãi theo từng bước chân. Đến ngã ba, tôi rẽ vào kiệt xóm và chạy dọc hàng rào chùa. Xáp mặt cánh đồng, gió mát làm nguội cơn điên, tôi dừng lại.

Nắng chấp chới. Lúa vàng tít tận chân mây.

Tựa lưng vào gốc bàng có tán toả rộng, tôi ngồi thở dốc, khát cháy cổ họng. Không quả chay nào lưu lại trong túi, nhưng tờ bạc mệnh giá một trăm vẫn còn. Tôi xúc động cầm lấy nó rồi đặt lên đùi vuốt thẳng từng xếp li, sướng đến mê. Từ nay, tôi không còn lang thang dọc theo đường phố ngắm đồ chơi sau tủ kính nữa. Tôi cũng không còn ngang qua những cửa hàng ăn lén hít nhẹ nhưng thật sâu mùi vị béo thơm đến tứa dãi. Chúng mày phải biết tao sẽ mang giày da nâu và cả tất lụa trắng. Tao sẽ vào cửa xi-nê đường hoàng với cái vé thượng hạng trong tay, cha gác cửa mắc dịch còn lâu mới dám bợp tai nhóc này như thường khi đi cọp. Chủ nhật tới, tao sẽ vào sân vận động ngay trước nhót mũi cà chua của lão cảnh sát… Tôi sung sướng tưởng đến lúc chạy nhong dẫn đầu đám bạn nhí đường phố, đứa nào cũng năn nỉ xin mình vật này thứ nọ. Nhưng ngay khi ấy, một bức màn đen loang loáng, bên dưới cây thước kẻ sắc cạnh của chị Hà. Tôi chớp mắt, bần thần cúi mặt, muốn khóc. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận mình là kẻ phạm tội. Tội gì? Tôi không rõ.

2.

Nhiều lần đi lơ ngơ, tôi nhặt những tờ báo cũ trên đường phố, ngoài bãi rác hoặc mân mê mớ giấy gói hàng mẹ mang về. Trong ấy in hình cô bà Tây, Tàu, Nhật… đủ cả, nhưng tôi chưa thấy ai đẹp như chị Hà. Con bé hàng xóm được dì nó cho tấm ảnh màu tài tử đem khoe với tôi. Nhìn vào, tôi muốn sổ toẹt, chị Hà còn đẹp hơn nhiều. Thằng nhóc bạn tôi lén cắp tờ báo của chú nó có in hình hoa hậu thế giới, hẹn tôi gặp nhau dưới gầm cầu. Hai đứa nằm sấp lên mặt giấy, tôi nhìn đến nứt mắt. Tưởng hoa hậu thế giới làm sao, thì ra, còn đứng sau chị Hà một khoảng khá xa.

Theo cách nói của bà tôi, chị Hà phải lấy vua, hoàng tử, quận công, chí ít cũng tân khoa trạng nguyên mới xứng đôi vừa lứa. Nghĩ đến đó, tôi nghe đau. Không, người như chị ấy không nên lấy ai. Anh nào ngấp nghé chị Hà, đối với tôi, là xúc phạm đất trời. Nhiều lần đi rong buổi phố đông người, tôi ngắm hết thảy đám đàn ông con trai, không một ai đáng xách dép cho chị ấy. Thế mà, tôi lại đẩy về phía chị một anh chàng vừa đen vừa thô vừa đần. Đáng tội chết vì tham tiền, tôi đã trừng phạt mình bằng cách lấy gai bưởi chích vào đầu mười ngón tay. Trời hỡi, tôi được gì nào? Mấy bát phở ăn no quá nôn thốc tháo ngay trước cửa tiệm. Cây súng nhựa qua một trận giặc giả với chúng bạn, tan tành. Chiếc áo thun có hình siêu nhân chưa kịp thấm mồ hôi, đánh lộn với bọn ve chai ở bến xe, rách làm ba mảnh. Còn đôi giày, chân cẳng không quen đi, phải một phen phồng da giộp móng. Chúng nó thèm, tôi cho mỗi đứa nính nhờ nửa buổi. Ăn chung mà tội riêng, trăm bạc thế đó! Vi vu như mây như gió. Chỉ lưu lại mấy vết sưng tấy ở tay chân, nhức nhối. Nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa thoả đáng với cái tội thả bọ vào hoa.

-Có chị Hà ở nhà không em?- Nghe hỏi, tôi nhìn lên, rõ ràng anh ta đang sừng sững trước mắt.

-Không! Em chịu thôi!- Tôi giật thót, ú ớ. Nhưng anh ta biết tôi muốn gì. Lại một tờ bạc trăm sáng ngời dưới nắng.

-Anh tha cho em!- Tôi cầu xin, nước mắt lưng tròng.

-Vì sao? – Anh cười, cái cười như dạo trước, vẫn không bớt đần độn tí nào.

– Em sợ… – Tôi bước lùi, kinh hãi dãn xa tờ giấy bạc đang mỗi lúc một gí tới.

– Ai cơ?

– Em không biết.

Thêm một tờ bạc nữa sáng ngời dưới mắt tôi nằm ngay trên cái phong bì trắng ngần. Như con chó đói quen mồi, tôi ngoạm lấy tất cả rồi thốc ngay vào nhà chị Hà chẳng khác gì bị ma đuổi. Lúc ngang qua bình phong, tôi nhớ có va vấp một vật gì đó, nhưng nào hay.

Chị Hà ngồi trên bệ đá dưới giàn hoa thiên lý như phục sẵn. Thấy tôi, chị giả vờ đặt sách xuống, đứng dậy, vẫy vời. Trong tay chị không có thước kẻ nhưng đừng hòng tôi mắc mưu. Thấy tôi nháo nhác, chị mỉm cười, mắt xanh biếc im mát dưới bờ mi cong in bóng lên da mặt mịn màng. Chị Hà là người tiên. Chị muốn đẹp bao nhiêu, muốn dịu dàng đến mức nào mà chả được. Nhưng chớ tưởng em ngu. Tôi đảo mắt nhìn quanh, tính kế. Màu tường vôi bạc lạnh. Khu vườn rộng âm u hơn thường ngày, thành bao quanh ngợp mắt. Hốt hoảng, tôi đặt vội chiếc phong bì vào gốc tường vi rồi tháo chạy.

Thoát lần này, tôi chạy thục mạng về phố. Với số tiền hai trăm, tôi sống như một tiểu vương bụi đời, ra sức đốt phá, ra sức tiêu xài. Phải mất nửa tháng, tôi mới quay về nhà. Người gầy đen như xác mắm, vẫn còn chếnh choáng say sưa, tôi nằm dài sát đất, nhận trận đòn bố tôi tra vào mông tới tấp.

Nhưng tuần sau tôi lại gặp anh ta. Và tái lập cái tội ác có một không hai trên đời. Những miếng ăn ngon pha lẫn nước mắt, những trò vui dư vị chua cay cùng tôi rải dọc phố phường.

3.

Chưa tới mười tuổi, tôi đã biết đi xe đạp. Bọn trẻ cùng phố nhìn tôi lướt lách đến ngẩn tò te. Bố tôi có chiếc xe đạp nữ hiệu Sterling. Ông cưng xe hơn vợ, quí xe hơn con, răn đe tôi chớ máy mó từ khi mua về. Bố không ngờ chỉ việc bắt tôi chùi rửa hằng ngày, dắt xe vào ra, lò cò cong tớn đít, tự nhiên tôi biết cỡi. Thuở ấy các tiệm sửa chữa thường cho thuê xe. Có tiền tôi mướn một chiếc dàn ê-ke, mông không với tới yên nhưng cũng đủ sức phóng như điên qua các phố. Tôi thạo cỡi xe đến độ có thể buông thả tay lái mà vẫn vòng vèo lượn lách như xiếc. Đôi khi đèo thêm thằng bạn, hứng chí tôi vừa đạp vừa huýt sáo,  ngồi sau nó toe toét luôn miệng thay còi.

Cuối thu, trời dìu dịu.

Con đường ngang qua nhà thờ Francisco rộng thênh thang thường vắng khách, là nơi tôi thích bay lượn hơn cả. Nhưng hôm nay sao khác lạ. Nhiều xe hơi bóng lộn đậu sát lề. Ngay cửa nhà thờ, dưới tháp thánh giá, một đám người quần tụ, khăn áo tươi sắc như góc chợ hoa.

Xáp lại, tôi cặp xe đứng sát bên mấy mống ăn xin. Trên bậc thềm cao nhất, người ta đang xếp hàng chụp ảnh. Đám cưới! Bây giờ tôi biết tỏng ra rồi. Ngước mắt nhìn lên, tôi thấy chị Hà ôm hoa đứng bên anh ta. Áo nhung đỏ, khăn vành vàng, xiêm voan trắng muốt, chị Hà đẹp tựa hằng nga. Vét-tông nâu, cà-vạt xám, tóc tai chơm chởm, anh ta xấu như quỷ dạ xoa. Tôi rùng mình quay bước.

Cỡi được lên xe, tôi bay, nước mắt tứa ra. Mặt đường vờn khúc, nhà hai bên dật dờ chao lượn, hàng cây vật vờ nghiêng ngả. Có thật chị Hà đấy không? Nước mắt như từ một vết thương nào đó tràn ra lạnh ngắt trên mặt. Không phải khóc đâu! Tôi mà khóc được thì chuông nhà thờ đã im tiếng từ lâu. Tôi uất. Tôi dẫn đi nhưng không mong anh ta đến. Tôi đưa đến nhưng không mong chị ta ra đi. Bây giờ họ đã đi và đến. Còn tôi, không biết mình ở đâu.

Những đồng bạc vung vãi phố chợ nay đã hoen mờ vết tích, nhưng lòng tôi không vơi nhẹ tí nào. Chị Hà không còn nữa, thay vào đó những mảnh vỡ của một vì sao chợt tắt.

1989

Comments are closed.