Nét Xuân Sơn

Phạm Xuân Ðài

Thanh Cẩm_0020

Bạn có bao giờ để ý đến vẻ núi mùa xuân chưa? Và đã thấy tràn đầy trong lòng một niềm vui không cội rễ khi nhìn thấy nét tươi tắn lạ lùng của núi trong một bầu trời xuân?

Tôi đã sống bảy năm trên vùng thượng du của tỉnh Thanh Hóa, bên bờ con sông Mã, và đã bảy mùa xuân chứng kiến những kỳ diệu của đất trời, núi sông và lòng mình. Ðấy là một nơi hiểm trở, trại đóng ngay trên sườn núi trông xuống sông, bên kia sông là một bình nguyên nho nhỏ, rồi lại tiếp tục núi. Hai đầu sông được chắn bởi núi, bốn phía toàn núi, gần xa đậm nhạt khác nhau.

Mùa hè núi như cận cảnh, khô và thô thiển. Núi lúc đó đơn giản chỉ là địa hình, là cao độ khác nhau của khoa địa lý và đo đạc. Ðó là tính toán của khai thác gỗ và tre nứa. Và đối với chúng tôi, đó là mơ ước và nỗi sợ hãi của chuyện trốn trại.

Mùa thu núi bỗng mơ màng. Bầu trời trong xanh hơn và núi như phủ mờ một làn sương khói mỏng. Trời càng se lạnh núi càng xa cách, càng rời xa vẻ thực tế tầm thường để tự biến mình thành huyền ảo. Vào mùa thu sông Mã đã thôi gầm lên khúc độc hành, vẻ đục ngầu dữ tợn của mùa hè đã trôi mất, bây giờ lặng lẽ trong xanh để hòa hợp với dáng núi đang trong một chuyển cung yểu điệu. Trời, núi, sông và người cùng vào một cơn ngất ngây buồn như tiên cảm một nỗi lạnh tê đầy bất trắc. Các ruộng bắp ven sông đã úa vàng. Công việc thu hoạch mùa màng vào các buổi chiều mùa thu mang một vẻ đẹp cổ điển với ánh nắng vàng xiên xiên, lá bắp khô xào xạc và bếp lửa nấu nước ở bờ ruộng vươn cột khói lên cao… Cuối buổi làm đi tắm rửa dưới sông nghe làn nước trong bắt đầu mát lạnh thấm thía, tựa hồ càng trong càng lạnh, và bóng núi chập chờn dưới nước như lặp lại một áng thơ xưa. Lòng rỗng không với cơn đói kinh niên vẫn còn chút sức để thưởng thức một cách đau khổ tuyệt vọng vẻ đẹp não nùng của đất trời. Nhìn qua giải bình nguyên ngắn bên kia sông, mắt bắt đầu từ chỗ núi xanh xanh phía đông chuyển dần sang phía tây, lặng lẽ lướt qua một ít “bờ xanh tiếp bãi vàng” rồi thì lại gặp núi, một trái núi khá gần, to sững, ở lưng chừng há ngoác ra một cái hang đen ngòm như hang núi Văn Dú. Và sông lại mất hút vào núi, khối thủy tinh trong và lạnh mùa thu ấy như được chắt lọc từ các khối núi thẳm mờ mờ phía tây…

Cứ thế trời đất đi sâu vào mùa đông. Khí buốt căm căm, nước buốt căm căm, núi thành vô tình, xa cách, đứng riêng một cõi, hướng về trời chứ chẳng thèm hướng về người. Lạnh lẽo. Núi chẳng còn một chút cảm thông giữa làn mây khói trắng dày luôn luôn phong tỏa. Các đạo sĩ, các thần linh hoạt động trong ấy. Cả dòng sông cũng xa xôi, tê buốt chẳng còn chút tình. Người tù tơi tả đứng bên sông núi cũng quắt queo vì đói lạnh, lòng run chứ không còn rung động, các bắp thịt teo tóp căng cứng trong cơn lập cập. Mọi thứ thành từng khối riêng biệt, chặt đứt hết cảm thông. Khối núi quấn áo bông trắng, khối sông như thỏi sắt lạnh vô tri, khối người mọi giác quan gần tê liệt trong một hoảng hốt tê dại kháng cự đẩy cái chết đừng cho đến gần.

Miễn là đừng chết, miễn là qua được mùa đông.

Rồi thì núi sẽ trở lại là núi, sông trở lại là sông, người trở lại là người. Một buổi, cơn giá lạnh như đang tan loãng dần trong không gian, cái ấm áp như nhen nhóm được một tí từ đâu đấy, cây mơ, cây đào bỗng đầy nụ, và có những toán người đi về phía núi kiếm lá giong về gói bánh chưng tết thì người tù cũng ra dần khỏi trạng thái mông muội của những ngày đông dài. Và xuống bến sông, nhìn về phía đông nơi con sông chảy dần thành chất lỏng để có thể xôn xao nhè nhẹ trong cuộc hành trình. Bạn sẽ sững người trông thấy núi, và tâm bạn, trí bạn, miệng bạn cùng lúc thốt lên: “Nét xuân sơn!”, như là chỉ có tiếng đó mới nói lên đầy đủ được những gì bạn đang thấy. Trên nền trời vừa trong sáng lại một cách kỳ dị sau mấy tháng xám xịt, như một tảng ngọc xanh có pha phơn phớt hồng, các dãy núi mới toanh như vừa lột xác. Trời nước trong một làn ánh sáng long lanh, núi đứng tiếp hàng trước sau từng dãy, trật tự và tươi cười, đường nét thanh tú rõ rệt cái đậm cái nhạt tạo thành một bức hoành tráng mỹ lệ, như một dàn hợp xướng ngợi ca điều cao cả trong lành đang ngập tràn trong trời đất. Vứt bỏ mớ áo xống lôi thôi của mùa đông, dáng núi trở nên uyển chuyển duyên dáng lạ lùng, một thân thể người nữ tuyệt hảo trong tuổi thanh xuân cũng không thể hơn thế. Ðường cắt trên bầu trời như một nét hân hoan, một tiếng cười chưa thành, một niềm vui mới chớm. Chứa chan. Người đứng trên bờ sông cảm thấy mắt mình đẫm lệ vui, biết mình đã bắt lại được với nguồn sống đang chỗi dậy trong đất, trong nước, trong cây đá ở trên núi. Núi có vẻ đang vẫy tay, đang chuẩn bị bước lên đường trong một hành trình đầy hứa hẹn. Không chỉ là trái núi mà là trái núi trong một bầu trời xuân, với dòng sông trở lại khe khẽ róc rách, với dương khí trở lại nhu hòa, với chim chóc cất tiếng hót, với bầu trời trở nên quang quẻ ửng hồng. Một toàn thể đang thức giấc, vươn vai, mà nét núi là một đường cắt tiêu biểu hiện trên nền trời. Ðó là chỗ đất trời giao nhau. Là cái hôn đầy âu yếm của đôi tình nhân lâu ngày xa cách.

Người đứng bên bờ sông Mã đã bảy lần được tiếp sức như thế để tiếp tục sống còn. Không còn gì hữu hiệu hơn là mùa xuân. Một niềm vui từ đâu trong sâu thẳm bỗng được khơi dậy cùng một lần với núi thay áo mới, sông hết đông lạnh và bầu khí ôn hòa. Cái gì làm cho tôi vui thế? Không có gì làm tôi vui cả, bản thân tôi lúc ấy niềm vui. Cái mà tôi gọi là niềm vui ấy thật ra là một sự cựa quậy chuyển mình của chính tôi như là một phần của sự chuyển mình chung của vạn vật. Có thể thiên nhiên vô tình, chuyển mình như thế chắc chẳng vui mà cũng chẳng buồn, cái nẩy mầm với cái tàn lụi đối với vũ trụ vần xoay thì có gì là quan trọng đâu, chỉ là các chu kỳ được lặp lại. Nhưng đối với tôi, một sinh vật ốm o đói rét và tuyệt vọng đứng bên sông Mã một buổi sáng mùa xuân thì cái “cựa mình mùa xuân” xảy ra trong tôi thật cực kỳ quan trọng, nó cho tôi một nỗi phơi phới không điều kiện, nỗi phơi phới tự thân, đưa tôi ngang tầm với núi sông và với bầu trời rộng lớn khiến trong chốc lát tôi thấy nỗi khổ đau tuyệt vọng đang mang chỉ là cái nhỏ bé buồn cười.

Tôi biết đó cũng chỉ là ảo giác mùa xuân thôi, cũng như làn thu thủy nét xuân sơn chỉ là những nét đằm thắm hoặc rực rỡ trong chốc lát mà con người nắm bắt được từ thiên nhiên, và những nét ấy dù được thể hiện trên một con người nhan sắc khuynh thành như nàng Kiều thì chẳng qua cũng sớm nở tối tàn… Nhưng vấn đề là con người phải nắm bắt được những khoảnh khắc đó, sự thông cảm giữa con người và thiên nhiên biểu hiện ra bằng Nghệ Thuật khiến các khoảnh khắc ấy thành thiên thu, và con người cũng lên ngôi theo… Tiếc thay tôi không biến giây phút bên sông Mã ấy thành nghệ thuật được vì tôi không có khả năng ấy, nhưng tôi biến nó thành cảm hứng cho sự sống của chính tôi để có thể tiếp tục tồn tại trong cơn tuyệt vọng. Tiếp tục sống… đó cũng là một tác phẩm đáng kể đấy chứ?

Núi mùa xuân là một trong những vẻ đẹp tươi tắn nhất ở đời, giống như vẻ đẹp của những con người nam nữ ở tuổi thanh niên. Xanh như ngọc, sắc nét, đa tình, hùng tráng. Cả mùa xuân tạo nên vẻ ấy chứ không phải chỉ núi có được cái ấy. Và phải có con người đang trong cơn say xuân mới cảm nhận được nét xuân sơn.

*

* *

Buổi chiều nay, hăm bốn tháng chạp năm chín hai, tôi ngồi bên cửa sổ trong một ngôi nhà ở vùng Irvine, California, nhìn ra cảnh vật xinh tươi bên ngoài, bỗng tim như đập hụt một nhịp khi nhìn thấy bóng núi phía xa xa. Chính là nó hay là một hoài niệm? Tôi tưởng tôi đang sống trong mùa xuân giữa một buổi chiều Giáng Sinh thế này hay sao? “Mùa xuân có không, hay là cõi tâm?” Ðạo Ca 10 của Phạm Duy và Phạm Thiên Thư có một vấn nạn như thế. Tôi cũng tự hỏi tôi như thế. Ðiều có thật là rặng núi xa xa kia quả đã mang lại cho tôi một vẻ gì gần gần như là một nét xuân sơn. Thiên nhiên ở đây tươi đẹp quá, có thể tạo cho tôi một ảo giác mùa xuân; buổi chiều này mang vẻ như buổi chiều cuối năm bên nhà, tạo nên cảm tưởng tết nhất; cái lạnh vừa phải của vùng Cali mùa đông giống mùa tết ở Việt Nam. Cái gì cũng “như là”, “giống như”, tất cả đều là vay mượn cả chăng? Bóng núi vừa làm tim tôi đập hụt một nhịp ấy là giả chăng? Trong một xứ sở được sắp xếp tổ chức quá chu đáo, cả thiên nhiên cũng được “tổ chức”, liệu nó có cho con người một mùa xuân chính hiệu như đất trời vẫn mang lại từ hồi nào tới giờ? Liệu cái cảm giác như chuyển mùa mình cảm thấy rưng rưng trong lòng ấy là thật hay cũng là một sản phẩm làm sẵn giống như hàng vạn lời chúc in trong hàng triệu tấm thiệp mừng? Cái nào là tiền chế, cái nào mới xuất phát nóng bỏng tự trái tim, đến một lúc lẫn lộn thật cũng khó phân biệt.

Nhưng chẳng lẽ mùa xuân mà cũng tiền chế được sao?

Thật ra không nên đặt vấn đề như thế. Từ thời con người còn ăn lông ở lỗ cho đến trình độ văn minh như ngày nay đã qua biết bao lần phải chế ngự thiên nhiên để tổ chức xã hội, chuyện đó đâu phải ngày nay mới có. Chắc trong lịch sử của mình con người đã nhiều lần cảm thấy ngờ ngợ về mối tương quan mới của mình với cái thiên nhiên mà mình vừa mới khai phá và chế ngự xong. Cảm thấy bất mãn như mình vừa phá vỡ một cái gì nguyên thủy để không bao giờ tìm gặp lại được nữa, và tình trạng mới thì không biết nó sẽ dẫn mình đi tới đâu. Nhưng rồi quen đi cả, và một trạng thái mới về tinh thần sẽ được đạt tới để đáp ứng với điều kiện sống mới. Ðón xuân khi còn ngồi trong hang động bên cạnh đống lửa thì hẳn là khác với khi ngồi ở trường kỷ bên cạnh vườn hoa khề khà chén rượu ngâm vịnh xướng họa cùng nhau. Khác về trình độ trí óc lẫn trạng thái tâm hồn. Và chẳng có gì bắt con người phải dừng lại tại một chỗ nào trên đường tiến hóa cả, con đường đó không bao giờ hoàn tất, và ở vào bậc thang nào thì ta cần phải ứng xử với tầm vóc trí óc và tâm hồn tương ứng vậy.

Hình như có chỗ khác nhau giữa nét xuân sơn Thanh Hóa và nét xuân sơn Cali. Có, mỗi nơi có một toàn cảnh khác, mang một vẻ riêng, và không nên lấy điều ấy làm quan trọng. Cũng không nên thắc mắc niềm vui rộn rã vừa thấy là giả hay thật, vấn đề là có nó hay không thôi. Cảm giác mùa xuân giữa buổi chiều đông, cũng được chứ sao, thời điểm, khí hậu trên quả đất mỗi nơi khác nhau, không nên coi một cái mốc nào là cố định để đo đạc mọi chuyện. Ta đang ở trong cái mênh mông của sự tương đối, thì cứ vui cái vui của tương đối, hoài niệm là một trang điểm cho hiện tại nhưng không phải là hiện tại, và càng không phải tiêu biểu cho tất cả các sợi tơ xao động một cách vô cùng rắc rối trong tâm ta.

Nhiều thứ của cuộc sống có thể lừa dối ta nhưng núi thì không. Những vết nhăn nhúm trên vỏ địa cầu nhìn chung chỉ như cái gợn sóng nhưng ở gần mà đối diện thì nó to lớn, vững chãi, đầy tin cậy. Và mỗi khi nó cho ta một vẻ đẹp ngây ngất, mà ta gọi là “nét xuân sơn” thì cứ hãy biết rằng tín hiệu tốt đã tới rồi, vì chính con người ta đang trong một cơn chuyển dịch, tương ứng với một chuyển dịch đang diễn ra ở ngoại giới, mà xưa nay cả loài người gọi là Mùa Xuân.

Irvine 25-12-1992

P.X.Đ.

Comments are closed.