Nước Mỹ, hãy gọi tên tôi

Tôi đã thử tên Troy. Tôi bị mắc kẹt với tên Viet.

Nguyễn Thanh Việt, The New York Times, ngày 9/3/2019

Hồng Anh dịch

clip_image001

Ảnh: Na Kim

 

LOS ANGELES — Bạn tên gì? Tôi tên Viet Thanh Nguyen, dù tôi sinh ra tại Việt Nam với tên Nguyễn Thanh Việt. Dù bạn sắp xếp tên tôi theo cách nào, đó cũng không phải là một cái tên Mỹ điển hình. Lớn lên ở Hoa Kỳ, tôi được các thế hệ người Mỹ truyền thống khuyến khích tin rằng việc lấy một cái tên Mỹ, hay thậm chí đổi cả họ Mỹ, là bình thường, đáng mong ước và thực tế.

Dĩ nhiên, nó làm dấy lên câu hỏi – chính xác thì tên Mỹ là gì?

Khi cha mẹ người Việt của tôi trở thành công dân Mỹ, họ đi theo con đường thực dụng là đổi tên thành Joseph và Linda. Cái tôi thời niên thiếu của tôi đã bị sốc. Có phải chính họ đã nói với tôi nhiều lần rằng tôi là “người Việt 100 phần trăm”?

Họ hỏi tôi có muốn đổi tên không. Có lý do chính đáng để tôi đổi tên, vì suốt thời thơ ấu, các bạn cùng lớp đã trêu chọc tôi khi hỏi họ của tôi có phải là Nam không. Như trong “Việt Nam”. Hiểu chưa ạ? Chức năng tự động trên iPhone chắc chắn nghĩ như vậy, vì đôi khi tôi vẫn nhận được tin nhắn – từ bạn bè – gửi cho Việt Nam.

Tôi đã thử nhiều tên khác nhau. Tôi không muốn bất cứ cái tên gì quá điển hình, như tên thánh của tôi, Joseph. Hay Joe. Hay Joey. Tôi muốn tên gì đó khác biệt một chút, như chính tôi. Thế còn Troy?

Thật không hiệu quả. Tên đó, hay bất kì cái tên ứng viên nào khác, dường như xa lạ với tôi. Việc cha mẹ tôi liên tục nhắc nhở rằng tôi là người Việt Nam 100 phần trăm đã tạo nên điều kì diệu. Tôi cảm thấy có một mối liên hệ tâm linh nào đó với Việt Nam, đất nước nơi tôi sinh ra nhưng tôi không nhớ gì cả, vì đã ra đi khi mới 4 tuổi. Kết nối tâm linh này thật mỉa mai vì những đồng bào tị nạn người Việt của tôi ở San Jose, Calif. những năm 1980 – những người không bao giờ tự gọi mình là người Mỹ – sẽ xem tôi như người Mỹ hóa hoàn toàn. Một sự quét vôi. Một quả chuối, ngoài vàng, trong trắng.

Nếu thực sự tôi là một quả chuối, nhiều người Mỹ khác có lẽ chỉ nhìn thấy phần màu vàng chứ không thấy phần màu trắng mềm mại bên trong. Tình thế tiến thoái lưỡng nan khi bị cuốn vào giữa các nền văn hóa đối lập hầu như không mới và chưa biến mất, nhưng tôi và nhiều người khác vẫn gặp khó khăn khi phải trải nghiệm điều đó.

Tôi hầu như không yên tâm khi tôi đi thăm Học viện Ngôn ngữ Bộ Quốc phòng [Defense Language Institute] ở Monterey và một người lính Mỹ da trắng trẻ trung dễ chịu, mặc trang phục Việt Nam và thông thạo tiếng Việt, đã dịch tên tiếng Việt của tôi sang một kiểu tên Mỹ tương đương: Bruce Smith.

Họ Smith là một cách dịch tốt, giống như Nguyễn là họ phổ biến nhất của người Việt, được kế thừa từ một vương triều. Ở Úc, nơi có nhiều người tị nạn, Nguyen là họ phổ biến nhất. Tôi tự hỏi liệu người Úc có tìm ra cách để phát âm tên tôi với tất cả vẻ đẹp âm sắc của nó hay không. Ở Hoa Kỳ, hầu hết người Mỹ gốc Việt, vì mệt mỏi chuyện giải thích, chỉ đơn giản nói với những người Mỹ khác cái tên kiểu như “Win” [“thắng”][1], dẫn đến nhiều cách chơi chữ về tình huống đôi bên cùng thắng [win-win situations.]

Với cái tên Bruce, thì tôi nghĩ tên George có lẽ chính xác hơn. Viet là tên dân tộc, và George là tên tổ phụ của quốc gia. Hoặc có lẽ America nên là tên của tôi, sau khi Amerigo Vespucci, tên của người vẽ bản đồ – Americus trong tiếng Latin – trở thành một phần căn tính của tất cả người Mỹ chúng ta.

Hoặc có thể, thay vì bóp méo mình qua dịch thuật [translation]– từ này bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “mang qua”, như ba mẹ tôi đã mang tôi qua Thái Bình Dương – tôi chỉ nên đơn giản là Viet.

Cuối cùng, đó là lựa chọn tôi đưa ra. Không thay đổi. Không dịch. Không thích nghi với nước Mỹ, trong trường hợp này. Đúng là tôi sinh ra ở Việt Nam nhưng được tạo thành tại Mỹ. Hoặc tái tạo. Nhưng ngay cả khi tôi đã trở thành người Mỹ vào lúc tôi tuyên thệ quốc tịch, tôi đã từ chối thực hiện bước thay đổi tên này.

Thay vào đó, tôi biết theo trực giác điều một ngày nào đó tôi sẽ biết một cách tường minh, rằng tôi sẽ khiến người Mỹ gọi tên của tôi. Tôi cảm thấy, về mặt trực giác, thay đổi tên tôi là một sự phản bội, vì chính hành động dịch mang trong nó khả năng phản bội, làm cho mọi thứ trở nên sai lầm, một cách cố tình hay vô ý. Một sự phản bội cha mẹ tôi, ngay cả khi họ để ngỏ cho tôi thay đổi tên mình; một sự phản bội lại việc là người Việt Nam, ngay cả khi nhiều người Việt nửa thích nửa không thích tôi. Cuối cùng, là sự phản bội lại chính tôi.

Tôi không phán xét những người thay đổi tên của mình. Tất cả chúng ta tác tạo và tái tạo chính bản thân mình. Nhưng cũng không nên có sự phán xét đối với những người không thay đổi tên của họ, những người khăng khăng là chính họ, ngay cả khi tên của họ gây ra chứng khó đọc đối với một số người Mỹ. Họ của tôi luôn bị viết sai là Ngyuen hoặc Nyugen – ngay cả trong các ấn phẩm xuất bản cho tôi.

Ở Starbucks và các quán cà phê khác, tên của tôi thường bị nhân viên pha cà phê đánh vần sai thành Biet hay Diet. Tôi từng bị cám dỗ chấp nhận một cái tên Starbucks, cách gọi của Thuy Vo Dang – một người bạn của tôi, để khiến cuộc sống tôi dễ dàng hơn. Tên Starbucks của cô ấy là Tina. Của tôi là Joe. Tôi đã nói nó một lần với nhân viên pha cà phê và ngay lập tức tôi thấy xấu hổ về mình.

Chưa bao giờ tôi làm vậy một lần nữa. Tôi muốn mọi người nghe nhân viên gọi tên tôi. Công khai xác nhận tên gọi là một phương cách nhỏ để xác nhận sự riêng biệt, là cái có thể gây xấu hổ và bối rối, và thay đổi ý nghĩa của nó. Chúng ta bắt đầu ở nơi nào đó như Starbucks, chính nó là một cái tên khác thường, bắt nguồn từ một nhân vật trong “Moby Dick”, cũng là một cái tên khác thường. Starbucks và Moby Dick là một phần của từ vựng và huyền thoại Mỹ. Vì vậy, tất cả tên của chúng ta, bất kể nguồn gốc, là một phần của đất nước này. Tất cả những gì chúng ta phải làm là tự hào và công khai khẳng định chúng.

Gần đây tôi có đến thăm Phillips Exeter Academy, một tổ chức toàn người da trắng được thành lập năm 1781 và hiện nay có khoảng 20% là người Châu Á. Trước toàn thể sinh viên, một sinh viên đã miêu tả cách anh ta sợ hãi chuyện phải giới thiệu bản thân khi anh lớn lên và tự đặt biệt danh cho mình để không phải giải thích phát âm tên mình. Anh hỏi tôi tôi sẽ nói gì với những người đang vật lộn để giữ lấy tên của mình.

“Anh tên gì?”, tôi hỏi.

“Yaseen”, anh nói.

Tôi nói với anh rằng tên anh thật đẹp, rằng ba mẹ anh đã đặt nó với tình yêu. Tôi nói với anh về cái tên mà tôi đã đặt cho con trai mình, Ellison, theo tên của tiểu thuyết gia Ralph Waldo Ellison, người được đặt tên theo Ralph Waldo Emerson. Tôi đã khẳng định cho con trai tôi một phả hệ người Mỹ mà cũng là một phả hệ một người Mỹ gốc Phi, mà qua tôi và con trai, phả hệ ấy cũng sẽ là một phả hệ người Mỹ gốc Việt. Ellison Nguyen, cái tên đã nén lại tất cả lịch sử đau đớn, khao khát của chúng ta như một quốc gia.

America cũng là một cái tên. Một cái tên mà công dân và cư dân Hoa Kỳ đã tự đặt cho mình, một cái tên mang tính huyền thoại hoặc phỉ báng trên khắp thế giới, một cái tên gây ra sự thất vọng vô tận cho tất cả những người Châu Mỹ khác, từ Bắc chí Nam, từ Canada đến Chile, những người không phải là một phần của Hoa Kỳ. Một cái tên phức tạp, như mọi tên gọi, nếu chúng ta có một độ lùi khoảng cách đủ để quan sát chúng.

Yaseen. Ellison. Viet. Nguyen. Tất cả đều là những cái tên Mỹ, nếu chúng ta muốn. Tất cả những cái tên này nhắc nhở rằng chúng ta lần lượt thay đổi quốc gia Hiệp Chúng Quốc này bằng từng cái tên một.


[*] “Nguyễn” rất khó đọc đối với người Mỹ, thành ra nhiều người Mỹ gốc Việt chọn “Win” là cách đọc na ná với “Nguyễn”, mà lại có nghĩa tốt, (Chú thích của người dịch)

Comments are closed.