Quân cờ… – Trích tiểu thuyết của Lưu Trọng Văn

Văn Việt: Trích từ truyện lịch sử Mảnh ghép, chương “Quân cờ” mô tả quyết định giành lấy quyền của người chơi cờ dẫn đến quyết định thay đổi cách đánh của tướng Giáp từ phương án “Đánh nhanh” sang phương án “Đánh chắc”. Và điều đó gửi thông điệp gì cho hôm nay – đất nước chấp nhận là con cờ trong tay kẻ khác hay phải giành thế làm chủ cuộc chơi – làm chủ vận mệnh của mình.

1.

Ở một cánh rừng Tây Bắc hoa mơ, hoa mận trắng muốt, Cải và Lài hai cô dân công hỏa tuyến ngồi bên nhau trên bãi cỏ cái màu vàng của đông sắp qua chen cái màu xanh cùa xuân sắp tới. Cải hỏi Lài về chuyện “mất tích” trên đỉnh đèo Pha Đin với Quyết, anh lính đầu trọc, hai người đã “ấy” chưa? Lài đỏ mặt hỏi “ấy”là thế nào? Cải cười: “Là ấy ấy ấy”. “Anh ấy hứa sau chiến dịch sẽ đi tìm tao! Tao nói không tin. Anh ấy rút con dao ra chọc vào ngón tay thế này này, anh ấy thề”. Lài đưa chiếc khăn tay có dính máu ra. Cải cười: “Hay là của… mày sau khi ấy ấy?”. Lài bịt miệng Cải lại: “Con nỡm!”. Hai người vật ôm nhau lăn trên sườn dốc, tóc áo đầy cỏ. Một chiếc xe jeep cũ kĩ lăn bánh trên đường rừng. Trên xe là tướng Giáp và người thư ký tên Nguyễn. Hai cô gái vừa cười vừa lăn trên cỏ, Nguyễn nhìn thấy hét lên: “Đá lăn!”. Tướng Giáp kêu lái xe dừng xe. Cải và Lài nhổm dậy thấy tướng Giáp đứng bên. Hai cô luống cuống: “Ối! Em chào chỉ huy”. Qua khe áo bật cúc của Lài, tướng Giáp liếc thấy chiếc áo con cũ kĩ, bị rách. Lài thấy thế bèn quay người đi: “Ối chỉ huy ơi, em xin lỗi”. Hai cô chạy lên dốc, khuất sau cánh rừng. Từ cánh rừng ấy vang lên tiếng hò kéo pháo. Nguyễn nói: “Thưa anh, em chưa thấy đi chiến dịch nào vui như chiến dịch này, cứ như trẩy hội ạ.”. Tướng Giáp nghiêm nghị: “Làm gì có chuyện đi vào chỗ chết mà như “trẩy hội”? Nguyễn, cậu báo ngay cho cánh quân nhu phải may bổ sung khẩn cấp áo ngực cho nữ dân công”. Nguyễn đứng nghiêm đáp: “Rõ, thưa đại tướng!”. Tướng Giáp chợt cười: “Cậu biết không, mấy năm rồi từ ngày cụ Hồ phong cho tớ chức “đại tướng” cứ mỗi lần nghe ai đó “thưa đại tướng” tớ lại muốn phì cười vì nhớ lại một cậu lính quê bọ nhà tớ có lần bảo với tớ: “Thủ trưởng đừng nhận chức đại tướng mà nhận chức thượng tướng hay trung tướng thôi”, tớ hỏi vì sao, cậu ấy cười bảo “đại tướng nói lái lại là… tượng đái”.

2.

Căn cứ của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, Jean khuôn mặt như Chúa Jesus, sĩ quan trợ lí của đại tá Piroth chỉ huy pháo binh khoe tấm hình của Nhạn, người yêu của mình. Các sĩ quan tranh nhau nhìn ngắm, bình phẩm chân dung người đẹp Hà Nội. Phía ngoài đoàn xe jeep tung bụi mù mịt. Từ xe bước xuống là đại tướng Navarre tổng tư lệnh quân đội Pháp và đại tá De Castries chỉ huy căn cứ Điện Biên Phủ. Đám sĩ quan đứng nghiêm chào. Navarre chỉ một cây bên lô cốt hỏi: “Có ai biết đây là cây gì không?”. Không ai trả lời được. Navarre nói: “Đó là cây hoa ban, cây hoa chúa của các loài hoa ở Điện Biên Phủ này. Các anh luôn phải biết mình đang chiến đấu ở đâu!”. Navarre đến bên Jean, thấy tấm hình cô gái trên tay Jean, cầm tấm hình ngắm: “Cưới chưa? Jean lắc đầu. Tôi nghe nói tháng 3, hoa ban sẽ nở trắng cả núi rừng, tôi hy vọng cũng là lúc chúng ta đè bẹp quân cộng sản ở đây. Tôi sẽ rất vui được gài bông hoa chúa của loài hoa kia lên tóc cô dâu này mừng đám cưới của cậu”. Đám sĩ quan cùng nâng ly rượu lên, hò hét ủng hộ lời nói của Navarre. Đại tá Piroth nãy giờ đứng một góc tỏ ra không quan tâm tới lời động viên của Navarre, Navarre nhận ra Piroth, ông đến bên Piroth nâng cánh áo nơi cánh tay bị cụt của Piroth lên nói với Piroth: “Tôi được biết cánh tay này của ông bị mất trong cuộc chiến đấu giải phóng nước Pháp khỏi Đức phát xít, tôi cầu mong cánh tay còn lại của ông sẽ lành lặn khi trở về từ Điện Biên Phủ để ôm vợ. Tôi sẽ chi viện thêm đại bác cho ông!”. Piroth cười khẩy: “Thưa đại tướng, chỉ cần số pháo này thôi cũng đã đủ để tôi nghiền nát quân của tướng Giáp rồi”. Navarre hỏi: “Piroth, ông có biết tướng Giáp là ai không?”. Piroth đáp: “Thưa ngài, đó là một viên tướng không hề qua trường lớp quân sự nào và đã từng chỉ huy công đồn… thất bại”. Navarre nghiêm nét mặt: “Đời binh nghiệp của tôi, trận quyết định cuối cùng, tôi chỉ sợ đối đầu với tướng chẳng qua trường lớp quân sự nào và đã từng bị nhiều thất bại chứ không sợ đối đầu với tướng oai vệ bước ra từ các giảng đường quân sự, khoác trên cổ những vòng nguyệt quế vinh quang”. Piroth hỏi giọng pha chút ngạo mạn: “Vậy ngài sợ à?”. Navarre cười như để chế ngự sự ngạo mạn của Piroth: “Kẻ nào biết sợ thì kẻ đó sẽ chiến thắng”. Navarre chỉ những khẩu pháo không có chiến lũy phòng thủ: “Piroth, ông đừng quá chủ quan!”. Piroth dõng dạc: “Tôi đã chiến đấu ở khắp các chiến trường châu Phi, châu Âu, tôi biết mình là ai. Rồi ngài xem, những khẩu pháo này của tôi sẽ bắt quân của tướng Giáp câm họng. Đây là lời thề danh dự quân nhân của tôi”. (*)

3.

Xe của tướng Giáp dừng bên những người lính vừa kéo pháo vừa hò “dô ta”, ông chợt thấy một người lính luôn cúi gằm mặt lặng lẽ kéo pháo, ông đến bên người lính: “Vì sao tôi không thấy cậu hò với anh em cho có khí thế?”. Người lính im lặng, tướng Giáp lật bàn tay người lính lên thì thấy đầy vết xước và máu. “Cậu tên gì?”. “Vượt ạ”. Tướng Giáp thấy đôi mắt có gì đó bí ẩn của người lính tên Vượt, ông hỏi: “Vượt lên à?”. “Dạ không, thưa chỉ huy, tiếng Việt cổ “vượt” chính là Việt ạ”. Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái từ đâu xuất hiện, ông báo cáo phương án “Đánh nhanh thắng nhanh” trong hai ngày ba đêm bắt đầu vào đêm 25/01/1954 được tướng Vi Quốc Thanh trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc nhiệt thành ủng hộ. Các chỉ huy của ta và các cố vấn đều thống nhất rằng, Pháp mới tới Điện Biên Phủ nên chưa chuẩn bị đầy đủ thế mạnh cho căn cứ, chưa quen thổ địa, đây là thời cơ ta không được phép bỏ lỡ. Tướng Giáp đột nhiên hỏi tướng Thái: “Cậu có biết dân tộc mình tên cổ là gì không? Là tên của cậu lính kia kìa! Vượt! Tôi vừa xem tay của cậu ấy, cậu hãy bảo cậu ấy nhấc chân lên! Vượt bằng chân không dễ, vượt bằng đầu chúng ta chưa có thói quen”.

4.

 Nhưng rồi quyết định “Đánh nhanh thắng nhanh” vẫn được chính tướng Giáp chấp thuận tạo nên sự phấn khởi cao độ trong toàn quân, bất cứ ai bàn lùi đều bị cho là “phản động”, “hèn nhát”. Bộ ba lính đầu trọc quê ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây tỏ ra hăng hái nhất, họ vui hát ỏm tỏi. Quyết – anh lính trọc – kể về “chiến tích” với cô dân công tên Lài mà anh chàng gặp trên dốc Pha Đin và chớp nhoáng chiếm lĩnh được nàng để minh chứng bài học “đánh nhanh thắng nhanh”, “diệt gọn” thành công như thế nào: “Chúng mày biết không, tao không cho “địch” kịp trấn tĩnh mà ào ạt “công đồn” luôn”. Anh lính trọc cao kều tỏ ra ngây ngô hỏi: “Vậy mày đã “đánh” thẳng vào “trung tâm” của “địch” à?”. Quyết vuốt cái đầu trọc cười toe toét: “Đương nhiên!”. Anh lính trọc lùn tịt vừa khều khều một con kiến đen đang bò dưới đất vừa quắc mồm: “Trung tâm ấy ở đâu?”. Quyết trợn mắt: “Mày ngốc lắm! Muốn biết “trung tâm” ở đâu việc đầu tiên là phải “dập” không cho “pháo địch” nổ đã, tức là phải bịt mồm “địch” lại. Hiểu chửa?”. Anh lính trọc lùn tịt phùng má:“Mẹ kiếp!Thế mày bịt mồm bằng tay hay bằng giẻ?”. Quyết gào lên: “Đồ ngu! Bằng mồm”. Trong lúc đó tại một cánh rừng bên suối nơi cánh dân công hỏa tuyến dừng chân, Cải và Lài cũng say sưa chuyện không kém. Cải nói: “Nhanh chóng như chớp mắt thế, đếch phải là tình yêu”. Lài đanh giọng lí sự: “Nhanh hay chậm nào quan trọng quái gì? Cái chính là tao thấy thích!”. Cải soi mói: “Khi lão đầu trọc bịt mồm mày lại, tức là sợ mày không đồng tình, mày la hét, chứ yêu đương quái gì lại bịt mồm nhau?”. Lài cười nắc nẻ: “Thế con nỡm chưa có ai bịt mồm à?”. Cải ra vẻ lên giọng: “Đồng chí Lài nghiêm túc nhá, con Cải này chẳng đứa nào bịt mồm nó được hết, thằng thực dân, thằng đế quốc có súng… to, súng… nhỏ cũng không bịt mồm được nó nhá”. Lài cười: “Ối giời ơi! Đồng chí Cải ơi, sao đồng chí ngu thế? Ở thành phố, bịt mồm là “hôn” đấy. Tao thích anh ấy, chỉ cái liếc mắt thôi là thích. Chỉ cái chạm tay thôi là nóng hết cả người. Mày tưởng tay đầu trọc ấy dụ dỗ tao à? Không! Đồng chí Cải ơi, chính tao dụ dỗ, chính tao tấn công, chính tao chuẩn bị giả vờ la lên để tay ấy lấy miệng bịt mồm tao lại. Chính tao… tiêu diệt anh chàng trước”. Cải cũng ré lên cười đáp trả: “Ối đồng chí Lài ơi, thế đồng chí hiểu súng to súng nhỏ là… súng thật à?”.

5.

Tại Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Hà Nội, Cogny tư lệnh quân Pháp ở miền bắc Việt Nam giương cặp mắt mệt mỏi vì nhiều đêm mất ngủ lên: “Thực ra ngài muốn gì ở Điện Biên Phủ? Mà, tại sao lại phải ở Điện Biên Phủ?”. Navarre gằn giọng: “Cuộc chơi nào cũng phải đến hồi kết thúc. Vấn đề là chúng ta kết thúc thế nào trong danh dự. Ngài hiểu chứ, Điện Biên Phủ là nơi ta và Việt Minh ngấm ngầm cùng hẹn ước cho cuộc đấu cuối cùng. Lòng chảo Điện Biên là “cái bẫy” Việt Minh có lợi cho ta nhất khi ta đã xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Tổng thống vừa chỉ thị cho tôi, chúng ta không được quyền thua trong cuộc đấu này”. Cogny cũng gằn giọng không kém: “Thế còn người Mỹ, thưa ngài?”. Navarre hiểu câu hỏi đầy móc xéo của Cogny, giọng trở nên bình thản hơn: “Mỹ muốn thay Pháp ở Việt Nam để trực tiếp gánh sứ mệnh ngăn chặn làn sóng đỏ từ Liên Xô, Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Họ thích thì xin mời!”.

6.

Tướng Giáp ngồi bên đống lửa trong khu rừng già, đêm đã hút gần đáy, sương đẫm tua tủa những mũi kim nhọn hoắt. Tướng Hoàng Văn Thái nói: “Hình như anh vẫn còn băn khoăn trước quyết định “Đánh nhanh thắng nhanh” mà… toàn quân đã rất nhất trí?” Tướng Giáp im lặng một lúc hỏi tướng Thái: “Vì sao anh ngấp ngứ? Phải chăng anh lúc đầu muốn nói “mà các cố vấn Trung Quốc” rất nhất trí?”. Tướng Thái cười: “Chả cái gì có thể giấu được anh”. Tướng Giáp độp hỏi tiếp: “Anh có biết chơi cờ không?”. Tướng Thái ngạc nhiên trước câu hỏi như chẳng liên quan đến câu hỏi mà mình vừa hỏi, nhưng vì quá hiểu người chỉ huy của mình không hỏi một câu gì vu vơ cả bèn thận trọng hỏi lại tướng Giáp: “Phải chăng anh lo ngại chúng ta sẽ là con cờ cho kẻ khác chơi ở chiến trường Điện Biên Phủ này?”. Lấy tay khều khều lửa, tướng Giáp nói: “Cụ Hồ nói với tôi rằng đây là cuộc chiến của chúng ta, chúng ta phải là người chủ động chơi cờ, vì vậy cụ trao cho tôi toàn quyền quyết định”. Tướng Thái như đọc được ý nghĩ của tướng Giáp: “Theo anh, có ai đó muốn chúng ta chỉ là những con cờ? Tôi nhớ tướng Nguyễn Sơn người từng tham gia cuộc Vạn lí trường chinh có nói rằng, tốt nhất hãy tự mình chủ động lấy súng giặc đánh lại giặc. Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì, có vay thì phải có trả, nếu vay nhiều quá thì từ lúc nào không biết sẽ thành của người ta”. Tướng Giáp nghiêm nét mặt nói: “Dù sao chúng ta không còn con đường nào khác là huy động mọi lực lượng để nhanh chóng đánh Điện Biên Phủ, kết thúc sớm chiến tranh”. Tướng Thái nói: “Chưa bao giờ có sự đồng thuận như vậy về việc “đánh nhanh thắng nhanh”. Nhưng tôi nghĩ rằng anh vẫn đang e ngại Điện Biên Phủ này có thể là cái bẫy của những kẻ chỉ muốn dân tộc chúng ta là quân cờ?”. Tướng Giáp quả quyết: “Tôi không sợ những cái bẫy do kẻ thù dựng lên mà tôi chỉ sợ những cái bẫy do chính chúng ta vô tình dựng lên cho chúng ta mà người bị tổn thất về lâu về dài là chính chúng ta chứ không phải kẻ thù”.

7.

Trận địa pháo trên đỉnh núi chĩa về lòng chảo Điện Biên Phủ. Những người lính thảnh thơi chờ lệnh nã pháo xuống lòng chảo. Trận địa mở, không hầm cố thủ, không trận địa phòng bị. Vượt, người lính pháo không “hò” khi kéo pháo nói với tiểu đoàn trưởng sự lo lắng của mình nếu bị phản công sẽ vô cùng nguy hiểm. Tiểu đoàn trưởng sa sả mắng Vượt là kẻ thủ bại, hèn nhát, chưa đánh đã lo đường lùi. Trong lúc đó ở chiến tuyến khác Jean viết thư cho người yêu: “Điện Biên Phủ, hoa mơ, hoa mận nở trắng đồi. Cánh đồng Mường Thanh thảm lúa non xanh rì. Ồ, có lần anh dùng ống nhòm trên điểm cao thấy được các cô gái Thái tắm suối, tắm truồng rất đẹp bên guồng nước làm anh nhớ em vô cùng. Tổng chỉ huy Navarre thấy tấm hình của em, ông bảo, Điện Biên Phủ sẽ sớm kết thúc, ông sẽ rất vui khi được cài bông hoa ban lên mái tóc của em trong đám cưới của chúng ta”. Viết xong thư Jean tự lái xe jeep phóng ra sân bay Mường Thanh để nhờ gửi về Hà Nội. Dọc đường thấy một bụi hoa đẹp anh dừng lại định ngắt một bông ép cùng trang thư, gió đột nhiên thốc mạnh, phong thư bị cuốn vào trảng cỏ rồi vượt qua hàng rào kẽm gai của căn cứ, Jean không thể tìm thấy được. Một chiến sĩ trong lúc đi trinh sát nhặt được bức thư tình của Jean bị đánh rơi. Bức thư ai đó đã bóc ra. Tướng Giáp đọc thư cảm nhận sự vững tin và rất bình thản của người lính Pháp tại nơi chuẩn bị là chiến trận ác liệt này. Tại sao có sự vững tin ấy? Chứng tỏ căn cứ đã được xây dựng rất vững mạnh khác với những tìm hiểu và nhận định ban đầu của ta là “địch chưa kịp phòng thủ tốt ta cần phải chớp thời cơ”. Tướng Giáp quyết định cho các trinh sát giỏi nhất, gan dạ nhất luồn sâu vào các trận địa của Pháp để nắm lại thực tiễn. Tướng Giáp giật mình khi biết các con số về lực lượng, hệ thống phòng thủ, khí tài của quân Pháp đã được tăng lên nhiều lần so với những điều nghiên ban đầu. Họp các tướng chỉ huy lại ông quyết định tạm thời rời ngày tấn công theo kế hoạch muộn hơn một chút. Ông gọi người lính nhặt được bức thư tình lên. Đó là Thi, một chàng trai Hà Nội.

– Cậu bóc thư à?

– Dạ, tôi không cưỡng được tò mò, thưa Đại tướng!

– Tôi muốn hỏi cảm nghĩ của riêng cậu. Cậu phải nói thật lòng mình!

– Tôi nhận ra rằng kẻ thù của chúng ta cũng là con người…

– Đừng ngần ngại, cứ nói tiếp!

– Tôi muốn bức thư này vẫn được gửi đến người nhận ạ.

– Hình như cậu còn điều gì muốn nói nữa phải không?

– Dạ thưa Đại tướng, đúng vậy ạ. Tôi có một người bạn rất thân ở trung đoàn pháo, cậu ta bị kỷ luật nhốt trong rừng vì phản ứng về trận địa pháo không có hệ thống phòng thủ. Chỉ huy tiểu đoàn pháo nói “đánh nhanh thắng nhanh” với lại khí thế ta trên đầu thù, pháo ta dập nát pháo địch, chúng thất bại rồi, sao phản công lại được, việc gì phải phòng thủ cho tốn sức bộ đội. Cậu ấy bảo, binh pháp xưa nay nói “chỉ khi phòng thủ tốt mới tấn công” thế là cậu ấy bị tiểu đoàn kiểm điểm cho là có tinh thần thủ bại, hèn nhát.

Tướng Giáp nhìn Thi rồi hỏi:

– Nếu cậu là tôi thì sẽ làm thế nào?

– Thưa Đại tướng, tôi xin phép được hỏi lại Đại tướng, với người chỉ huy thì xương máu của người lính là gì ạ?

– Thế theo cậu là gì?

– Dạ thưa Đại tướng, xin Đại tướng trả lời trước ạ!

– Vấn đề là cần thiết hay không cần thiết. Vấn đề là có cách nào khác để đỡ tốn xương máu hoặc không phải tốn xương máu không.

– Dạ thưa Đại tướng, nếu vậy thì, nếu tôi là Đại tướng, tôi sẽ đến đơn vị pháo kia để xem có thực là trận địa pháo không hề có hệ thống phòng thủ hay không ạ. Bởi vì khi Đại tướng quan tâm tới việc đỡ tốn xương máu cho lính của mình chắc chắn Đại tướng sẽ kỉ luật tay tiểu đoàn trưởng và “giải oan” cho anh lính pháo ạ.

Tướng Giáp bật cười trước lời nói của chàng lính Hà Nội nhìn mắt là biết rất đa tình, rất lãng mạn này. Bắt tay Thi rất chặt, tướng Giáp dặn lại Thi: “Hãy tìm mọi cách gửi thư cho cô gái tên Nhàn ấy nhé, đó là mệnh lệnh của tôi”. Nhìn theo Thi cho đến khi Thi đi khuất, tướng Giáp vội vã đến trận địa pháo, ông sững sờ tận mắt nhìn thấy trận địa pháo không có hầm phòng thủ, vậy mà, chẳng ai báo cáo sự thật ấy cho ông. Sau khi điện cho chỉ huy pháo binh của chiến dịch khiển trách nặng nề viên chỉ huy này, ông tìm đến chỗ người lính bị nhốt. Ông nhận ra ngay đó chính là Vượt, người lính mà ông phát hiện không hò héo pháo khi kéo pháo lên núi ngày nào. Ngồi cùng Vượt trên một thân cây đổ, ông khẽ khàng hỏi chuyện người lính.

– Tôi muốn biết cậu sợ nhất điều gì?

– Niềm khát vọng sống lại bị hiểu là sự hèn nhát sợ chết, thưa Đại tướng.

– Cậu có cảm thấy mình là kẻ cô đơn không?

– Phải chăng Đại tướng không cô đơn?

 8.

Hà Nội ngày cuối đông những cơn gió xám ngắt chùm lên những hàng sấu già nua, Navarre đến thăm Nhạn khi biết chuyện bức thư của Jean bị thất lạc không hiểu vì sao lại đến được tay Nhạn. Navarre trầm tư suy nghĩ, rồi hỏi luật sư Hòa cha của Nhạn về tướng Giáp, bạn dạy học với ông ở trường Thăng Long. Ông Hòa kể bố ông Giáp bị Pháp giết, bà vợ đầu tiên cũng bị chết trong tù của Pháp. Navarre im lặng, lúc sau khẽ cười bí hiểm: “Theo kinh nghiệm chiến trường của tôi, kẻ nào vào trận với lòng thù hận ghê gớm thì kẻ đó sẽ mất đi sự sáng suốt, dẫn đến thất bại”. Quay qua Nhạn, Navarre chậm rãi nói như muốn cô gái Hà Nội này nhận biết được đằng sau câu nói mình sắp nói ra còn âm hưởng của nó, một thứ âm hưởng tinh tế vì nó luôn được quyến luyến bởi sự lịch lãm đã thành thương hiệu của người Pháp: “Tôi biết tôi chỉ có thể ủng hộ tình yêu của em với một chàng trai Pháp, nhưng không thể bắt buộc được em có tình yêu với nước Pháp”. Nói rồi viên đại tướng, tổng chỉ huy quân đội Pháp chào ông luật sư và con gái của ông ra xe. Những tiếng còi hụ của xe dẫn đường cho đoàn xe của Navarre vang lên phá tan sự yên bình đến heo hắt lúc này của Hà Nội. Trên xe jeep nhà binh, giữa phố cổ Hà Nội, Navarre trầm lắng hẳn. Sĩ quan tùy tùng hỏi: “Có điều gì ngài không vui ạ?”. Navarre đáp: “Tôi muốn Điện Biên Phủ là mồ chôn cộng sản. Nhưng, quả thật, tôi còn chưa hiểu nhiều về họ và cũng không biết được họ thực sự là ai? Ha ha, một bức thư của một sĩ quan của chúng ta bị thất lạc bên chiến tuyến của họ, và họ đã tìm mọi cách gửi đến người nhận. Phải chăng họ muốn gửi một thông điệp cho chúng ta biết họ là ai?”. Sĩ quan tùy tùng rụt rè hỏi: “Điều này có ảnh hưởng gì đến trận đánh này ạ?”. Navarre thở dài: “Có thể là ảnh hưởng mang tính quyết định”.

9.

 Trong khu rừng già Điện Biên, tướng Lê Liêm hỏi câu hỏi mà từ lâu ông rất muốn hỏi: “Phải chăng bao lâu nay anh trằn trọc suy nghĩ là muốn thay đổi cách đánh ạ?”. Tướng Giáp không trả lời lúc sau ông hỏi tướng Lê Liêm: “Anh vẫn đang học đánh đàn chứ?”. Tướng Lê Liêm gật đầu mặc dù ông chưa thể đoán ra đằng sau câu hỏi ấy là cái gì. Tướng Giáp cười: “Tôi từng mơ mình là nghệ sĩ đàn piano đấy”. Tướng Giáp đưa cây ghi-ta cho tướng Lê Liêm. Tướng Lê Liêm đặt những ngón tay trên dây đàn hồi lâu, như chợt hiểu ra điều gì đó ông bèn gẩy lên giai điệu bản nhạc “Anh hùng” của Beethoven. Tướng Giáp im lặng lắng nghe, khi tiếng đàn dứt, ông nói: “Bản nhạc này Beethoven viết ra để tặng cho Napoléon. Ban đầu ông đặt tên là bản giao hưởng “Anh hùng”, sau, không đồng tình với những cuộc xâm chiếm các nước khác của Napoléon, ông đã đổi tên và không đề tặng Napoléon nữa. Phải chăng anh có ý gì khi đàn bản nhạc này cho tôi nghe?”.

– Anh đang lo cho anh à?

– Tôi không phủ nhận, đúng là có một phần như thế. Tất cả tướng lĩnh, tất cả các cố vấn Trung Quốc, những người dày dặn kinh nghiệm chiến trận và toàn quân, toàn dân đang đồng lòng phương án “Đánh nhanh thắng nhanh”. Ủng hộ cách đánh này, nếu thất bại thì tôi có thể lẩn khuất núp bóng trách nhiệm lịch sử của mình, tôi sẽ chỉ mang tiếng là một tên tướng bất tài. Nhưng nếu tôi một mình quyết định khác, thay đổi cách đánh…

– Thưa anh, đó là cách đánh gì?

– Lúc này tôi chưa thể nói là cách đánh gì và như thế nào. Nhưng, nếu quyết định khác ấy mà thất bại thì tôi sẽ là tội đồ của lịch sử. Chắc chắn là như vậy!

– Nhưng, nếu ngược lại, thưa anh?

– Tôi không bao giờ mong ước mình sẽ là anh hùng. Không, không bao giờ! Nên tôi không bao giờ thích ai đó kể cả Beethoven sống lại viết tặng tôi bản “Anh hùng” nào đó. Vô nghĩa, vô nghĩa!

10.

Căn cứ Điện Biên Phủ, bên ngọn nến, Jean say sưa đọc thư của Nhạn. Nhạn kể lại chuyện Navarre đến thăm khi biết bức thư của Jean bị thất lạc đã được gửi đến địa chỉ người nhận là Nhạn và nhắc lại lời của Navarre: “Tôi biết tôi chỉ có thể ủng hộ tình yêu của em với một chàng trai Pháp, nhưng không thể bắt buộc được em có tình yêu với nước Pháp”.

Nhạn viết: “Anh có nước Pháp của anh, ông Navarre có nước Pháp của ông ta, còn em có nước Pháp của em. Nước Pháp của em là thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà, là những câu thơ của Charles Baudelaire viết về dòng sông Seine…”

Jean viết: “Anh chẳng hiểu tại sao anh lại có mặt ở Điện Biên Phủ xa xôi này. Anh cứ nghĩ, nếu như mình không có mặt ở đây thì vẫn tốt hơn, trước hết cho em. Đại tá Piroth nói với anh, ông cũng chẳng bao giờ thích chiến tranh nhưng chiến tranh vẫn cứ là chiến tranh và người lính luôn làm bổn phận người lính, một bổn phận của lòng danh dự quân nhân. Lúc này, anh muốn cuộc chiến kết thúc, bên nào thắng cũng được, miễn là anh sớm được trở về với em. Đại tướng Navarre lo sợ Việt Minh sẽ không đánh Điện Biên Phủ, còn anh và nhiều người lính ở đây lại muốn ngược lại, Việt Minh sẽ bỏ Điện Biên Phủ. Một ngày không tiếng súng vẫn là một ngày hạnh phúc vì không có ai phải đổ máu”.

11.

Tại Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội, Navarre lặng lẽ xem bảo tàng, gặp giáo sư lịch sử Bernard, Navarre hỏi người Đại Việt chiến đấu chống quân xâm lược Nam Hán, Tống, Nguyên Mông, Minh, Thanh là vì đức vua của họ hay vì điều gì? Bernard đọc “Hịch Tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi nói về lòng yêu nước của người dân Đại Việt cho Navarre nghe.

– Theo ông một nhà sử học Pháp nghiên cứu lịch sử Việt thì tại Điện Biên Phủ người lính Việt sẽ chiến đấu vì điều gì?

– Ngài sẽ nhầm lẫn lớn nếu nghĩ rằng họ chiến đấu để bảo vệ cái “chủ nghĩa” nào đó mà các ngài căm ghét. Mà thực ra theo tôi các ngài cố tình gán cho họ cái “chủ nghĩa” đó để có cớ mà căm ghét, để muốn chính nghĩa thuộc về mình mà che đậy cái thực chất của cuộc chiến tranh này nhằm bảo vệ những quyền lợi của riêng nước Pháp. Tôi ở đây đã lâu, tôi hiểu rằng người dân hầu hết chẳng biết “chủ nghĩa” nào hết cả ngoài “Chủ nghĩa yêu nước”. Nếu họ theo cộng sản thì chẳng qua chỉ vì họ tin vào cộng sản muốn giải phóng dân tộc cho họ. Họ có bị lừa không thì đó là việc của họ. Tôi có thể khẳng định với ngài với tư cách một người nghiên cứu lịch sử khách quan rằng, hiện nay niềm tin ấy là có thật.

Navarre lặng lẽ đi ra nhưng rồi chợt quay lại đến trước Bernard, ông đập bàn mạnh mẽ: “Không! Tôi vẫn muốn lịch sử phải ghi nhận rằng Điện Biên Phủ là mồ chôn cộng sản”.

Bernard không kém cạnh: “Thưa ngài, lịch sử của bất cứ dân tộc nào cũng đều có tiếng nói của nó và ngài đừng quên rằng trước khi là một nhà chỉ huy quân sự, tướng Giáp là một thầy giáo dạy sử”.

12.                                                

Tướng Giáp và nhạc sĩ Hoàng Vân bên một con suối trong rừng. Họ lặng lẽ bên nhau hình như để không gian cho lá reo, cho suối róc rách, cho chim hót. Nhưng rồi đột nhiên tướng Giáp phá cái không gian của gió, của suối, của chim chóc ấy, ông nói: “Tôi vừa được báo cáo lại là tướng Navarre đến thăm Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ. Ông ta muốn tìm câu trả lời nào ở đấy? Ở trong lịch sử theo cách nhìn của ai? Nhiều người cho rằng ông ta ngạo mạn, tôi không nghĩ như thế. Một khi ông ta muốn tìm hiểu chúng ta có nghĩa là ông ta chưa hiểu chúng ta. Nhưng chính chúng ta nhiều khi còn chưa hiểu chúng ta nữa là. Cậu Vượt ấy không thích lời “Vực nào sâu bằng chí căm thù” trong “Hò kéo pháo” của anh, vì vậy đã không hát bài ấy khi kéo pháo à?”. Tướng Giáp cười: “Vậy nhạc sĩ có định sửa lại lời hát ấy không? Hồi nhạc sĩ Văn Cao sáng tác “Tiến quân ca”, có câu “Đường vinh quang xây xác quân thù”, nhiều người nhất là cánh trí thức phản ứng, Văn Cao cũng muốn sửa lại.

– Vậy theo ý của anh thì sao ạ? Nhạc sĩ Hoàng Vân hỏi.

– Với tư cách người dạy lịch sử tôi ủng hộ cậu Vượt ấy. Nhưng với tư cách tổng tư lệnh quân đội tôi không cho phép cái ý nghĩ ấy trong bất cứ người lính nào lúc này. Chúng ta không được quyền thua trong trận chiến này. Vì vậy tất cả những gì giúp cho tinh thần, ý chí người lính để giành chiến thắng đều cần thiết với chúng ta. Anh hãy nói với cậu Vượt như vậy. Và đó chính là mệnh lệnh của tôi.

13.

Trong hầm chỉ huy của De Castries, Navarre phấn khích tuyên bố: “Đến lúc này tôi có thể nói với toàn thế giới rằng Điện Biên Phủ là cứ điểm hùng mạnh nhất, bất khả xâm phạm của chúng ta”. Navarre tỏ ra sung sướng khi nghe sĩ quan tình báo báo cáo là hầu hết các sư đoàn chủ lực của Việt Minh đã được điều lên cái bẫy Điện Biên Phủ. Navarre hỏi viên sĩ quan tình báo: “Tôi quan tâm nhất là trong số các sư đoàn chủ lực ấy của tướng Giáp có đại đoàn 308 quả đấm thép của Việt Minh không?”. Khi được viên sĩ quan tình báo khẳng định đại đoàn 308 con cưng của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp dưới sự chỉ huy của Vương Thừa Vũ hiện đang có mặt ở Điện Biên Phủ, Navarre thốt lên: “Vậy là tướng Giáp đã chấp nhận cuộc đối đầu lịch sử này rồi. Trong lúc đó tướng Giáp bị sốt, cần vụ hái lá ngải cứu đắp cho ông, các tướng Hoàng Văn Thái, Đặng Kim Giang và Lê Liêm bước vào hỏi thăm sức khỏe tướng Giáp. Tướng Thái báo cáo về việc ta đã hoàn tất việc chuẩn bị trận đánh. Các sư đoàn chủ lực đã tập kết, pháo đã vào trận địa. Tướng Lê Liêm nhắc lại khí thế bộ đội đang rất hừng hực, mong muốn vào trận sớm. Tướng Giáp hỏi tướng Giang về hậu cần. Tướng Giang đáp:

– Đã có đủ lương thực cho bộ đội và dân công trong ba ngày ba đêm.

-Còn sau đó? Tướng Giáp hỏi.

– Chúng ta sẽ có chiến lợi phẩm của địch ạ. Tướng Giang đáp.

 -Thế còn áo ngực cho dân công thì sao?

– Thưa anh bộ phận quân nhu đang lo ạ.

– Đang lo tức là chưa có, hay các anh cũng định chờ lấy chiến lợi phẩm …

Nguyên nãy giờ ngồi ghi chép cuộc hội ý của lãnh đạo bật cười trước câu nói của tướng Giáp vì áo ngực của phụ nữ Pháp rất to và rộng, tướng Giáp nghiêm sắc mặt: “Cậu cười được à? Là đàn ông chúng ta không thấy xấu hổ khi để chị em dân công đã bỏ nhà, bỏ cửa đi cứu nước mà mặc áo ngực rách hay sao?”. Tướng Giáp ra hiệu mọi người lui ra, chỉ còn lại Lê Liêm.

– Tại sao tôi không hề nghe ai nói về khó khăn? Cả hai đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn và Vương Thừa Vũ, những người nổi tiếng dám nói thẳng nói thật cũng không một lần hé miệng nói về khó khăn, trở ngại. Tại sao vậy? Có chuyện gì đang xảy ra? Duy nhất một người lính pháo dám nói về khó khăn và cậu ta đang bị đơn vị cách ly vì họ cho cậu ta là một kẻ hèn nhát.

– Tất cả họ tin vào anh, thưa anh.

– Bi kịch chính ở đó, khi mọi người chỉ biết đặt niềm tin vào một người.

– Họ còn nghĩ bên anh có các cố vấn tài ba của quân đội Trung Quốc.

Tướng Giáp đập mạnh tay lên thành giường: “Chúng ta chiến đấu trước hết cho chính đất nước chúng ta chứ không phải cho bất cứ ai”.

– Có nghĩa là đến giờ phút này anh vẫn không yên tâm, anh vẫn muốn thay đổi cách đánh?

Tướng Giáp gạt tấm lá thuốc, ông đứng dậy đi đi lại lại rồi nói: “Chúng ta không thể dùng “chiến thuật biển người”, chúng ta không thể dùng “chiến thuật lấy thịt đè người”. Xương máu của lính là xương máu nhân dân, chúng ta không được quyền muốn làm gì thì làm. Khi cha tôi bị Pháp giết, rồi người vợ đầu tiên của tôi bị chết trong tù để lại bé Hồng Anh còn bồng bế, tôi đã đau đớn đến thế nào, thì, những người cha, người mẹ, người con của đất nước này cũng đau đớn như thế khi biết người thân của mình không còn nữa ở Điện Biên Phủ này.

– Theo anh chúng ta phải dừng ngày tấn công 25 tháng 1 như theo kế hoạch đã định? Tướng Giáp nằm xuống giường đắp lá thuốc lên đầu, rồi từ từ nhắm mắt lại mà không trả lời câu hỏi của tướng Lê Liêm.

14.

De Castries điện thoại cho Navarre đang ở Hà Nội: “Thưa ngài, chúng ta vừa bắt được một tù binh cộng sản, người này khai 17g ngày 25/01/1954 Việt Minh sẽ tấn công”. Navarre nhếch cười: “Hãy rải truyền đơn chào đón họ!”. Quyết cùng đám đầu trọc của mình nhặt được một tờ truyền đơn. Quyết đọc to: “Điện Biên Phủ sẽ là mồ chôn các chiến binh cộng sản”. Quyết đưa tờ truyền đơn cho tiểu đội trưởng Ảnh: “Giành cho cậu đấy, đồng chí đảng viên ạ”. Ảnh tỏ ra giận dữ: “Thế không phải giành cho cả cậu nữa à?”. “Không! Vì tớ phấn đấu vào đảng cậu cứ phê tớ, thằng này lãng mạn, tư tưởng lung tung, yêu đương lăng nhăng không có lập trường, đạo đức cách mạng, không thể cho tớ vào đảng. Hơ! Hơ! Hơ…”

Cả đám lính đầu trọc cùng hát: “Hơ hơ hơ… Tây tiến đoàn quân không mọc tóc”, rồi cùng bước đi đều, lắc đầu trọc qua bên này, bên kia rất hài hước.

 Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

 Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

 Có nhớ dáng em trên độc mộc

 Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tướng Giáp xuất hiện từ lúc nào, ông trông có vẻ mệt mỏi vì nhiều đêm mất ngủ. Tiểu đội trưởng Ảnh thấy tướng Giáp liền đứng nghiêm chào: “Chào Đại tướng!”. Đám đầu trọc cũng đứng nghiêm chào: “Chào Tổng tư lệnh!”. Tiểu đội trưởng toe toe miệng: “Tụi nó xuyên tạc thơ, thưa Đại tướng”. Tướng Giáp cầm tờ truyền đơn đọc rồi hỏi: “Cái gì?”. Tiểu đội trưởng Ảnh giọng trở nên nghiêm trọng:“Dạ, bài thơ của Quang Dũng là “dáng người”, chúng nó láo lếu đổi thành “dáng em” ạ. Chúng nó đúng là bọn đầu trọc chẳng coi nhà thơ cách mạng ra gì hết ạ”. Tướng Giáp khẽ cười đến bên Quyết, hỏi Quyết: “Tại sao cậu cầm súng ở Điện Biên Phủ này?”. Quyết gãi đầu đáp: “Dạ, ở làng em có một anh giáo, anh ấy hay đọc bài thơ Tây tiến:

 “Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi

 Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

 Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

 Heo hút cồn mây súng ngửi trời”.

Và thế là em cứ ước một ngày nào đó…”

Anh lính trọc lùn xen vào: “Thằng Quyết nói thế thôi chứ không phải vậy đâu ạ! Thưa Đại tướng, nó lập trường lắm đấy ạ, nó bảo tao đi đánh tụi Tây đế quốc giành lại độc lập tự do cho nước mình. Đây này, Đại tướng xem nó xăm chữ gì trên ngực nó này. ”

Anh lính trọc lùn kéo vạt áo của Quyết lên, hiện lên dòng chữ “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Tướng Giáp ôm lấy Quyết như để ngực ông áp lên ngực Quyết nơi có lời thề thiêng liêng kia. Cả hai im lặng hồi lâu rồi tướng Giáp lùi ra, tay cầm tờ truyền đơn, giọng dõng dạc: “Người Pháp đã quyết chiến, còn chúng ta?”. Quyết và đồng đội cùng vung tay hét toáng lên: “Quyết chiến! Quyết chiến! Quyết chiến!”.

 Rời đơn vị của cánh lính đầu trọc tướng Giáp đến nơi anh lính bị cách ly. Ông im lặng nhìn Vượt một lúc lâu rồi nắm lấy khuỷu tay gầy guộc củaVượt, giọng ông trầm ấm:

– Cậu hãy trở về đơn vị đi!

– Vậy là Đại tướng cho lệnh kéo pháo xuống rồi ạ?

Tướng Giáp ngạc nhiên trước câu nói ấy của anh lính.

– Sao cậu nghĩ vậy?

– Vì Đại tướng cho tôi trở về đơn vị ạ.

– Nhưng tại sao cậu có thể đoán được điều ấy… kéo pháo xuống? Tôi tin cậu sẽ là một nhà quân sự tài ba trong tương lai.

– Tôi cũng từng mơ ước như vậy, thưa Đại tướng. Từ nhỏ cha tôi đã cho tôi đọc binh pháp của Tôn Tử, của Khương Tử Nha rồi binh pháp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, và đặc biệt Nhân pháp của Nguyễn Trãi.

-Nhân pháp của Nguyễn Trãi ư? “Nhân pháp”? Thú thật với cậu lần đầu tiên tôi nghe đến hai chữ ấy. Cha cậu là ai?

– Dạ, cha tôi là một Việt nho theo phong trào Cần vương của vua Hàm Nghi nhưng thất bại, sau đó ông bị người Pháp bắt rồi treo cổ.

– Vậy tại sao cậu lại không muốn “nuôi chí căm thù”?

– Dạ, vì cha tôi nói, kẻ nào chỉ nuôi chí căm thù kẻ đó có thể chiến thắng trong chiến tranh nhưng không bao giờ chiến thắng để làm Người.

– Tôi quyết định lại, cậu về Bộ Chỉ huy của tôi.

– Dạ, thưa Đại tướng, xin Đại tướng cho phép tôi ở lại đơn vị kéo pháo xuống núi. Kéo pháo xuống sẽ gian khổ hơn nhiều so với kéo pháo lên trận địa, tôi không muốn…

– Vì sao gian khổ hơn?

– Dạ, vì lòng người không đồng nhất, vì không còn ca khúc ấy, hò dô ta nào…

Tướng Giáp nhìn Vượt rồi lặng lẽ bỏ đi. Một quãng, ông dừng lại, ông quay đầu lại nhìn theo Vượt đang lùi lũi leo lên dốc về đơn vị.

Từ trong tướng Giáp vang lên lời nói hướng về người lính: Vì không muốn con người là kẻ thù của nhau nên chúng ta mới có mặt ở đây, Điện Biên Phủ, cậu lính của tôi ạ.

Từ trong Vượt vang lên lời nói hướng về người tướng: Làm Người với đúng bản thể mà Tạo hóa mong muốn mới là chiến thắng cuối cùng của mọi chiến thắng, thưa Đại tướng!

15.

Bộ Chỉ huy của Navarre ở Hà Nội. Navarre đứng ngồi không yên. Điện thoại reo, đầu dây bên kia là De Castries. De Castries báo 17g đã trôi qua, không hề có tiếng súng tấn công của Việt Minh. Có thể họ biết kế hoạch tấn công đã bị lộ nên đã dời ngày tấn công sang ngày khác. Navarre gật đầu đồng ý. Trong lúc ấy tại trận địa pháo của Piroth, Piroth nhìn đồng hồ nói với Jean: “Đã quá giờ. Chúng đã không đánh, có thể chúng đổi kế hoạch. Jean! Ngày cưới của cậu, tôi sẽ tặng cậu một thùng rượu vang chính hiệu ở quê tôi”.

– Cám ơn đại tá.

– Có thật là cậu đánh rơi bức thư tình ở gần chỗ quân Việt Minh?

– Dạ đúng.

– Và cậu tin rằng người của tướng Giáp đã đưa bức thư ấy đến cho người tình của cậu?

– Dạ đúng.

– Cả cuộc đời tôi đã chiến đấu vì Liên hiệp Pháp. Tôi, một người Pháp không thể chấp nhận Liên hiệp Pháp bị tan rã. Cậu hiểu điều đó chứ?

– Tôi chưa hiểu hết, thưa đại tá.

– Nếu trận Điện Biên Phủ thất bại có nghĩa là người Việt Nam sẽ làm nền tảng Liên hiệp Pháp suốt 100 năm nay, niềm tự hào của nước Pháp, sự hùng mạnh của nước Pháp bị tan vỡ ra từng mảnh. Tiếp theo sẽ là gì? Là Lào, Campuchia, rồi Ma-rốc, Angeri, rồi… Cậu hiểu hết ý nghĩa của trận đánh Điện Biên Phủ này chứ? Tôi luôn có tài dự cảm về chiến tranh. Trời phú cho tôi cái tài ấy, rồi cậu sẽ thấy, nếu Điện Biên Phủ thất bại thì tất cả hệ thống thuộc địa làm nên sự hùng mạnh của nước Pháp, nước Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha sẽ sụp đổ. Cậu hiểu ý nghĩa của Điện Biên Phủ như thế nào rồi chứ?

– Dạ, như một Waterloo.

-Còn hơn một Waterloo. Cả thế giới đang hướng về Điện Biên Phủ.

-Nhưng tại sao chúng ta mong muốn khai phá văn minh cho các nước thuộc địa, họ lại luôn đòi giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa, thưa đại tá?

– Cậu hỏi tôi hay cậu muốn truy tôi?

– Ngài rất có tài dự cảm về chiến tranh nhưng tôi tin chắc, ngài không thể dự cảm được vì sao tôi lại yêu một cô gái Việt?

– Ý cậu là sao? Cậu muốn cho người Việt biết rằng còn có một nước Pháp khác chứ gì?

– Tôi nghĩ, nếu có nước Pháp ấy, sẽ không có cuộc chiến tranh này. Sẽ không có Điện Biên Phủ và những cỗ pháo của chúng ta ở đây, thưa ngài.

Piroth gầm lên:

– Ước gì tôi có thể đưa cậu ra Tòa án binh với những ý nghĩ như thế.

– Và, ngài sẽ không còn muốn tặng tôi thùng rượu vang như ngài đã hứa?

– Với một điều kiện. Đó là, cậu phải nói thật cho tôi biết sự khác biệt khi cậu làm tình với một cô gái Pháp và một cô gái Việt như thế nào?

– Phụ thuộc ở tôi “hưởng thụ” hay “dâng hiến” thưa ngài.

– Ngày mai tôi muốn cậu lên máy bay về Hà Nội. Không phải tôi muốn mà là mệnh lệnh của tôi. Dâng hiến, mẹ kiếp! Chinh chiến cả cuộc đời, tôi chưa bao giờ được dâng hiến cả.

16.

Phòng khách nhà luật sư Hòa Navarre nói với Nhạn: Rất cảm ơn em vừa rồi em đã cho tôi đọc những bức thư của Jean. Thực lòng tôi muốn hiểu những người lính Pháp ở Điện Biên Phủ kia đang nghĩ gì và đó cũng chính là lí do vì sao đang lúc nóng bỏng này tôi lại có mặt ở đây.

-Và ngài đã hiểu?

– Nhưng người ta đã không cho phép tôi hiểu.

– Ngài là tổng chỉ huy cơ mà.

– Tôi rất tiếc để thú nhận với em một sự thật rằng chính tôi cũng đang là một quân cờ trên một bàn cờ của những mưu tính toàn cầu. Những bước đi của tôi do người chơi cờ quyết định.

– Việt Nam của chúng tôi cũng đang là một quân cờ, thưa ngài?

– Không dễ gì có thể chủ động được cuộc chơi nếu anh chấp nhận chỉ là một nước nhỏ, nếu anh không có khát vọng lớn cho dân tộc của mình.

– Tại sao ngài lại muốn nói những điều khó hiểu và rất xa lạ ấy với em?

– Vì em là cô gái Việt trong sáng quá, thánh thiện quá, vì một chàng trai đáng yêu của nước Pháp đã và đang yêu em với tất cả trái tim của mình. Mà ở đời này chỉ những người đang thực sự yêu nhau mới có thể làm chủ được trái tim của mình mà thôi.

Navarre ra xe jeep. Xe jeep phóng trên đường phố cổ xưa của Hà Nội rồi lên bờ đê sông Hồng. Navarre lặng nhìn ngắm cầu Long Biên một công trình kiến trúc kì ảo của người Pháp rồi đột nhiên ông nói với sĩ quan tùy tùng của mình hãy đến Thành cửa Bắc. Xe đến Thành, Navarre bước xuống đến chỗ vết đạn đại bác bắn ở cổng thành: “Chúng ta đã bị dồn đến chân tường rồi. Không có cách nào khác, chúng ta cần nhiều hơn nữa những phát đại bác như thế. Đây không còn là cuộc chiến của riêng chúng ta nữa. Hãy gửi thông điệp này đến London, Paris, Washington”.

– Ngài đã chấp nhận thân phận chỉ là một quân cờ trên bàn cờ? Viên sĩ quan tùy tùng hỏi.

-Nếu ngày mai tướng Giáp không ra lệnh tấn công Điện Biên Phủ thì có thể là họ đã muốn chủ động cuộc chiến, chủ động là người chơi cờ.

17.

Bộ chỉ huy của Cogny, Cogny điện thoại cho De Castries: “Tôi không thể hiểu được thực sự ngài Navarre của chúng ta đang nghĩ và muốn gì? Trước đây ông ta thúc ép tôi ủng hộ Điện Biên Phủ, tôi đã không tin một nơi khỉ ho cò gáy chẳng có ý nghĩa chiến lược lại có thể trở thành mồ chôn bọn Việt Minh và là nơi quyết định cuộc chiến. Đến khi tôi trực tiếp thấy căn cứ Điện Biên Phủ thật sự tuyệt vời, tôi ủng hộ thì chính ông ta lại đang có vẻ sao nhãng. Trong ông ta đang có một mâu thuẫn nào đó. Thôi, tôi dừng đây, ông ta đang muốn gặp tôi”. Cogny dừng điện thoại khi Navarre bước vào. Cogny vào thẳng câu chuyện: “Tôi nghĩ, ngày mai tướng Giáp sẽ tấn công”. Navarre cũng vào thẳng điều muốn nói với viên tướng chỉ huy quân Pháp ở Mặt trận Bắc Việt Nam này: “Nếu tôi nói rằng, không những tôi nghĩ rằng mà tôi còn mong rằng ngày mai tướng Giáp sẽ tấn công thì tôi biết ngài sẽ không tin tôi đâu. Không tin cũng phải thôi vì chính tôi lúc này còn không tin vào chính mình nữa là…”. Cogny dò xét: “Dù thế nào chăng nữa chúng ta bằng mọi cách vẫn phải giữ quân chủ lực của tướng Giáp ở Điện Biên Phủ”. Navarre cười vì biết được ý đồ của Cogny: “Phải chăng ngài cho rằng trước đây tôi quyết coi Điện Biên Phủ là trận đánh cuối cùng vì tin rằng mình sẽ chiến thắng nếu đội quân của tướng Giáp là những người lính chiến đấu vì một hệ tư tưởng xa lạ nào đó mà cả hai chúng ta đều căm ghét, được áp đặt từ bên ngoài. Nhưng khi nhận ra mình có thể nhầm, Navarre này sợ sẽ phải đụng đầu với một đội quân yêu nước mãnh liệt như lịch sử Việt Nam chống ngoại xâm đã chứng minh nên ông ta sợ thất bại. Có đúng vậy không? Có nghĩa là Điện Biên Phủ sẽ thành mồ chôn cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của chính Navarre này, có đúng vậy không?”.

18.

 Điện Biên Phủ, sớm vọng lại đâu đó tiếng gà rừng gáy, tướng Giáp và tướng Lê Liêm ngồi bên đống lửa.

– Mấy ngày nữa là Tết? Hả anh Lê Liêm!

– Đêm mai giao thừa rồi anh ạ. Thưa anh, 17g mai anh vẫn cho lệnh tấn công chứ ạ?

– Cụ Hồ là cộng sản, tôi là cộng sản, nhưng trước hết, trên hết chúng ta còn là những người yêu nước. Người Pháp, người Mĩ sẽ thất bại nếu không nhận ra sự thật này. Bộ đội, nhân dân ta hiện giờ mấy ai biết lý tưởng cộng sản là gì, họ chỉ là những người yêu nước, họ xả thân hy sinh vì đất nước tự do, độc lập. Đó là sức mạnh hơn hẳn của chúng ta và cũng là sự nhầm lẫn tệ hại của phía bên kia. Và, nếu chính chúng ta cũng nhầm lẫn cái sự thật ấy thì chúng ta cũng thất bại.

– Như vậy anh đã tin chắc chúng ta sẽ chiến thắng ở Điện Biên Phủ.

– Với điều kiện chúng ta phải có sách lược đúng, cách đánh đúng. 17g ngày mai chúng ta chưa tấn công. Gà gáy lần thứ mấy rồi nhỉ?

– Dạ không rõ, anh đã thức trắng một đêm rồi…

-Anh cho triệu tập Bộ chỉ huy Chiến dịch, tôi sẽ đưa ra một quyết định quan trọng.

Điện Biên Phủ trời đã sáng rõ, chiếc xe jeep chở Jean và Piroth ra sân bay để Jean về Hà Nội. Điện thoại trong hầm De Castries vang lên. De Castries nhấc lên nghe, đầu dây là Navarre.

– Đại đoàn 308 của Vương Thừa Vũ hiện đang ở đâu?

– Thưa ngài vẫn đang ở Điện Biên Phủ.

– Theo dõi chặt mọi hoạt động của đại đoàn chủ lực này rồi báo cáo cho tôi.

– Rõ!

-Nếu 308 rút lui thì sẽ không có cuộc tấn công nào hết vào lúc này.

– Rõ!

Tại Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Minh, tất cả tướng lĩnh có mặt. Tướng Giáp bước vào mặt ông xanh xao vì bị sốt và nhiều đêm không ngủ, tất cả tướng lĩnh đứng lên chào. Tướng Giáp chậm rãi nói vẫn với âm sắc khá nặng của người Quảng Bình: “Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ tôi đi đến quyết định, đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi vì quyết định này chống lại quyết định của chính tôi và tất cả các tướng lĩnh, bộ đội, dân công và của cả các cố vấn quân sự Trung Quốc. Tôi ra lệnh kéo pháo khỏi trận địa!”. Tất cả tướng lĩnh nhao nhao lên, trừ Lê Liêm đã cảm nhận được từ trước. Tướng Giáp giơ tay ra hiệu im lặng: “Chúng ta tạm thời rút lui để chuẩn bị cách đánh khác, đó là chuyển từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc thắng chắc”. Bởi, theo nghiên cứu của tôi cách đánh nhanh lúc này không thể thắng nhanh được mà chắc chắn sẽ hao tổn vô vàn xương máu dẫn đến thất bại. Còn cách “đánh chắc thắng chắc”, chắc chắn sẽ chiến thắng và ít hao tổn xương máu nhất”. Các chỉ huy vẫn không thôi nhao nhao: “Chúng tôi nghĩ đánh nhanh vẫn có thể thắng nhanh”. Tướng Giáp nghiêm giọng: “Trong quân sự không có từ “có thể”. Ai trong các anh dám đảm bảo đánh nhanh sẽ chắc thắng 100% không? Tất cả im lặng. Vì vậy tôi quyết định chuyển sang “đánh chắc thắng chắc””. Một vị chỉ huy hỏi: “Vậy còn ý kiến của các cố vấn Trung Quốc, thưa anh?”. Tướng Giáp quả quyết: “ Tôi một lần nữa nhắc lại, đây là cuộc chiến của chúng ta!”.

19.

Đêm mù mịt cảm giác như cây rừng và con người cũng như muôn thú hòa làm một, tại một con dốc bộ đội kéo pháo xuống, tất cả im lặng, sự im lặng đáng sợ. Một người thì thào trong hơi thở: “Chỉ còn vài giờ nữa là giao thừa”, rồi tất cả lại im lặng. Cũng trong màn đêm ấy tướng Giáp rảo bước đến lán trại của đại đoàn 308. Tướng Giáp nói với đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ: “Trong ngày mai, đại đoàn 308 phải rời Điện Biên Phủ, rời công khai sang Thượng Lào”. –“Lúc nào quay lại ạ?” –“Cứ tiêu diệt địch ở Thượng Lào rồi chờ lệnh!”. “Thưa anh, nếu rời công khai, máy bay và pháo của địch chắc chắn sẽ oanh tạc đội hình ạ”. Tướng Giáp im lặng một lúc giọng của ông tuy có trùng lại nhưng vẫn toát lên vẻ cương quyết của một nhà cầm quân dám quyết đoán vào thời khắc quyết định: “Vì đại cục của cả Chiến dịch, đó là tổn thất bắt buộc”. “Tôi hiểu, thưa tổng tư lệnh!”.

Cũng đêm, con đường rừng, Quyết đầu trọc một mình băng băng chạy.

Cũng đêm, Hà Nội, cầu Long Biên, Jean và Nhạn đi dạo trên cầu. Họ dừng lại ở chỗ lộng gió, họ nồng nàn ôm hôn nhau.

Vẫn đêm, tại lán của Lài. Quyết thở dốc khều Lài ra. Hai người ôm hôn nhau trong rừng. “Mai anh rời Điện Biên Phủ rồi”. “Anh có trở lại?”. “Chắc chắn trở lại. Nếu em còn ở Điện Biên Phủ anh sẽ đi tìm em”.

Vẫn đêm, Jean và Nhạn ở cầu Long Biên. “Đại tướng Navarre đọc những bức thư của anh gửi cho em, ông ta nói sao?”. “Ông ta im lặng một lúc lâu rồi hỏi em có mong người Pháp chiến thắng ở Điện Biên Phủ không? Em nói em chỉ mong anh trở về vẹn nguyên. Kết thúc rồi phải không anh? Không đánh nhau nữa phải không anh?”. “Anh cảm nhận rằng ngược lại”. “Vì sao?”. “Một người dày dặn kinh nghiệm như đại tá Piroth không dưng lại cho phép anh về Hà Nội với em lúc này. Không dưng đâu. Ông ta có tài dự cảm về chiến tranh, về máu”. “Có nghĩa là…”. “Ông ta nói anh hãy tận hưởng tất cả những gì mà anh đang có, tận hưởng cho cả ông ta nữa”.

Chia tay Vương Thừa Vũ và đại đoàn chủ lực quả đấm thép của mình, tướng Giáp đến đội kéo pháo xuống của đơn vị của Vượt. Bỗng khẩu pháo đứt dây, Vượt xoay càng chuyển pháo lật vào thành ta luy để pháo không rơi xuống vực. Mọi người nháo nhác. Càng pháo hất mạnh Vượt xuống đất rồi bánh pháo chèn lên người Vượt. Tướng Giáp thấy sự cố, chạy lại. Pháo được dừng lại vì vướng vào người Vượt. Vượt nằm bất động. Tướng Giáp đi tới, mọi người dãn ra nhường đường cho ông. Tướng Giáp nhìn thấy Vượt nằm bất động, đôi mắt vẫn mở trừng trừng, ông cúi xuống lấy tay vuốt mắt cho Vượt, ông cố ghìm nước mắt, miệng lẩm bẩm: “Vậy là tôi đã không được gặp cậu để mong hỏi cậu cái câu hỏi mà chính cậu – một người lính đã gieo vào trong tôi, phải chăng “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” chính là “Nhân pháp” của Nguyễn Trãi? Và chỉ kẻ nào nắm được “Nhân pháp” ấy kẻ ấy mới thoát khỏi cái thân phận là một quân cờ”. Tướng Giáp chợt như thấy Vượt đứng trước mặt ông, ông rùng mình cảm nhận như từ người lính này vang lên câu hỏi dành cho chính ông: “Thưa Đại tướng, bàn cờ hay quân cờ chúng ta đang chơi là bàn cờ, quân cờ của chiến tranh, khi ấy ông nói tới “Chiến tranh nhân dân” như chiến lược của chiến thắng, nhưng ông có bao giờ nghĩ đến một bàn cờ khác, với những quân cờ khác sau cái chiến thắng ấy là gì không?”. Tướng giáp lẩm bẩm: “Cậu hãy nói đi, là gì?”. Giọng của Vượt vang lên: “Là “Bình lược Thái bình nhân dân”… thưa ông”. Tướng Giáp thủ thỉ: “Cậu hãy tha lỗi cho tôi, tôi chưa được chuẩn bị cho câu hỏi lớn ấy của dân tộc. Trước mắt tôi lúc này đây sứ mệnh của chúng ta làm sao phải chiến thắng trong trận chiến lịch sử này đã. Thật đau đớn cho tôi, giờ phút của chiến thắng tất yếu ấy một người vô cùng cần thiết cho cái “Bình lược Thái bình nhân dân” kia lại vắng mặt”.

Tướng Giáp một mình đi xuống dốc, không kìm được nước mắt nữa, ông bật khóc như một đứa trẻ.

———————————-

Chú thích (*): Ngày 15.3.1954 khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, bất ngờ trước làn đạn pháo tấn công của Việt Minh vào trận địa pháo của mình gây nên tổn thất to lớn, thực hiện lời hứa danh dự quân nhân đại tá Piroth chỉ huy pháo binh của quân Pháp đã tự sát.

 Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.