Sài Gòn – Những ngày phong thành (21)

NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – ĐOÀN NGỌC HẢI

FB Đoàn Ngọc Hải

Thành phố Hồ Chí Minh 11giờ31 phút trưa nay ngày 27-7-2021.

ĐẠI DỊCH COVID-19

Tôi chở bà Cụ không quen biết ở quận 8 đi cấp cứu vì bệnh tim thời đại dịch covid. Gia đình họ cầu cứu tôi vì không thể có xe cứu thương trong lúc họ cần.

02 bệnh viện từ chối nhận.

Tôi đứng giữa trời nắng trước Quân Y Viện 7A viết bài cầu cứu trên trang fb của tôi và ngồi chờ “phép lạ”.

Các sĩ quan Quân Y Viện 7A đã đồng ý tiếp nhận Cụ.

Tôi cực kỳ vui sướng vì đến bệnh viện nào cũng từ chối. Chúng ta cũng thông cảm cho họ đang tập trung hết sức vì đại dịch covid-19.

Tôi tặng các bác sĩ quân y và mọi người bài hát “Vì nhân dân quên mình”.

https://youtube.com/watch?v=-SNck1Oc6PM&feature=share

Tôi cố gắng sẽ sắp xếp quay lại quân y viện 7A sớm để thăm các y, bác sĩ và các điều dưỡng ở nơi đây.

Tôi cũng đã cầu cứu bác sĩ Hưng – bệnh viện nhân dân Gia Định mà tôi không hề quen biết, bác sĩ Hưng sau một hồi hội ý đã đồng ý tiếp nhận Cụ. Cảm ơn bác sĩ – Cụ đã vào phòng cấp cứu của 7A rồi.

Tôi rất vui sau một buổi đi phát thực phẩm ở phường 15, quận 8 và chở bệnh nhân đi cấp cứu thời covid.

Tôi sẽ về ăn cơm trưa với Mẹ già 75 tuổi và phải ngồi cách xa Cụ 10 mét.

Vợ và con cũng phải cách xa như vậy.

Trân trọng cảm ơn lãnh đạo Quân Y Viện 7A và lãnh đạo Bệnh viện Nhân Dân Gia Định!

Lưu ý: tài khoản FACEBOOK của tôi được lập ra ngày 15-12-2020, đã được cấp tích xanh từ ngày 1-7-2021 (chính chủ, dấu v màu trắng nằm trong vòng tròn màu xanh ngay bên cạnh chữ Hải).

Trang FACEBOOK của tôi được lập ra chỉ một mục đích duy nhất là để giúp người nghèo. Không có mục đích nào khác.

(bạn nào có gạo, mỗi người cứ gửi một vài ki lô gam đến nhà tôi nhé-246/11 Bình Quới phường 28 quận Bình Thạnh)

-(XE CỨU THƯƠNG CỦA TÔI NHẬN CHỞ HÀI CỐT LIỆT SĨ MIỄN PHÍ (ƯU TIÊN 1-BẤT KỂ NƠI ĐÂU), LIÊN HỆ VỚI TÔI, ĐOÀN NGỌC HẢI. TÔI CHỈ CÓ SỐ ĐIỆN THOẠI DUY NHẤT 0902976979, XIN NHẮN TIN, TÔI SẼ TRẢ LỜI- PVOIL ĐỒNG HÀNH VỚI HÀNH TRÌNH NÀY).

-QUỸ VÌ ĐỒNG BÀO. TÀI KHOẢN ĐOÀN NGỌC HẢI. SỐ TÀI KHOẢN 6868 9 6868 9 NGÂN HÀNG VIETCOMBANK CHI NHÁNH THỦ ĐỨC. MỖI NGƯỜI ỦNG HỘ 10 NGÀN ĐỒNG, 20 NGÀN ĐỒNG. CÁC BẠN VÀ TÔI SẼ LÀM NÊN NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU CHO HỌ.

image

FB Đoàn Ngọc Hải

Thành phố Hồ Chí Minh 15giờ30 phút chiều nay 27-7-2021.

Kính gửi anh Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh.

Tôi tên Đoàn Ngọc Hải, là người lái xe cứu thương 51B 50744. Tôi đã chở 22 bệnh nhân và 8 người đi cấp cứu trong 11 tháng qua.

Tôi đang đứng chờ hàng giờ đồng hồ ở trước số nhà 22 Trương Định, Phường 6, Quận 3 để chở một người phụ nữ 54 tuổi đi bệnh viện cấp cứu do sốt và khó thở, khả năng không qua khỏi (nghi đã nhiễm covid).

Tôi cần các lực lượng chức năng có mặt tại đây để xét nghiệm nhanh và đồng ý về pháp lý cho tôi chở họ đi bệnh viện.

Gia đình đã gọi y tế phường từ sáng đến giờ không ai đến.

Nhà có 3 người lớn tuổi, khả năng 2 người còn lại đã lây nhiễm nếu như người phụ nữ này “ra đi”.

Tôi đã yêu cầu 2 người lớn tuổi này không lại gần người phụ nữ đang hấp hối nữa.

Họ đang rất đau khổ, tôi đang trấn an họ.

Rất mong anh chỉ đạo gấp.

Một vấn đề liên quan nữa là Mẹ tôi đã 75 tuổi, bị bệnh nền huyết áp cần phải chích vaccine covid-19 ngay theo đúng quy định ưu tiên của thành phố để tôi có thể yên tâm giúp cho nhiều bà con đang hấp hối đợt đại dịch này.

Bản thân tôi 52 tuổi, tôi bị hen suyễn 50 năm nay, bị huyết áp 4 năm nay.

Mong anh chỉ đạo gấp, xe cứu thương tôi đang chờ ở trước nhà bệnh nhân và mong có bệnh viện chịu tiếp nhận.

Trân trọng cảm ơn anh!

image

FB Đoàn Ngọc Hải

Thành phố Hồ Chí Minh 16giờ12 phút chiều nay 27-7-2021.

Kính gửi anh Nguyễn Văn Nên, ủy viên bộ chính trị

, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi tên Đoàn Ngọc Hải, là người lái xe cứu thương 51B 50744. Tôi đã chở 22 bệnh nhân và 8 người đi cấp cứu trong 11 tháng qua.

Tôi đang đứng chờ hàng giờ đồng hồ ở trước số nhà 22 Trương Định, phường 6, quận 3 để chở một người phụ nữ 54 tuổi bị sốt và khó thở.

Đúng như tôi dự đoán.

Cô ấy vừa đã qua đời.

Tôi đã yêu cầu 2 người lớn tuổi còn lại không lại gần người phụ nữ đã qua đời, đợi cơ quan y tế đến xử lý.

Chúng tôi đều đứng cách xa nhau 8 mét để trao đổi.

Họ đang rất đau khổ, tôi đang trấn an họ.

Người phụ nữ 54 tuổi vừa qua đời là em ruột của kiến trúc sư tài năng Ngô Viết Nam Sơn, người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển đô thị của thành phố ta.

Một điều tôi rất trăn trở là các cơ quan của phường, quận không một ai xuống xét nghiệm và đưa họ đi bệnh viện từ lúc sáng nay mặc dù họ đã kêu gào trong điện thoại trước mặt tôi.

Đây là một gia đình rất trí thức và hiền lành, những gì họ nói với tôi, tôi tin là chính xác.

Rất mong anh chỉ đạo gấp.

Trân trọng cảm ơn anh!

 

 

QUẬN 3 LÊN TIẾNG VỀ THÔNG TIN TRÊN FACEBOOK ĐOÀN NGỌC HẢI

Tuổi Trẻ Online – 27/7/2021

TTO – Bí thư Quận ủy quận 3 Phạm Thành Kiên đã phản bác thông tin trên Facebook ông Đoàn Ngọc Hải gây hiểu nhầm có người mất liên quan dịch bệnh và địa phương không đưa đi cấp cứu.

clip_image013

Nội dung phản ánh trên Facebook Đoàn Ngọc Hải- Ảnh: A.N.

Mới đây, Facebook của ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM) có đăng tải nội dung phản ánh đến lãnh đạo TP về trường hợp bà Ngô Trân Châu (54 tuổi) là em ruột của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn vừa mất vào chiều nay (27-7) tại tư gia trước sự chứng kiến của ông Hải.

Phản ánh cho rằng trước đó bà Châu bị "sốt và khó thở" và mặc dù gia đình "kêu gào trong điện thoại, từ lúc sáng" nhưng các cơ quan của phường, quận không một ai xuống xét nghiệm và đưa đi bệnh viện.

Thông tin chia sẻ trên Facebook của ông Hải đã thu hút nhiều người quan tâm, ngộ nhận rằng người mất do dịch bệnh COVID-19 và địa phương không đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, gia đình bà Châu cho hay bà bị mệt từ sáng 27-7, gia đình đã gọi đến trung tâm cấp cứu, nhiều bệnh viện, y tế phường và quận nhưng nơi thì không bắt máy, có một số nơi hứa đến nhưng không đến.

Đến trưa thì người nhà mới gọi nhờ ông Hải (ông Hải có xe chở bệnh nhân cấp cứu làm từ thiện – PV), nhưng theo gia đình, vì người bệnh không có xét nghiệm âm tính COVID-19 nên không đưa đi bệnh viện cấp cứu được. Theo thông tin từ gia đình thì bà Châu bị viêm phổi cấp, âm tính với COVID-19.

Phản hồi thông tin trên, ông Phạm Thành Kiên, bí thư Quận ủy quận 3, cho hay bà Châu mất do viêm phổi, hoàn toàn không liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Kết quả xét nghiệm của bà Châu là âm tính với COVID-19. Vì vậy địa phương để cho gia đình lo hậu sự, quàn tại tư gia.

Còn về việc cho rằng địa phương nhận được cuộc gọi kêu cứu từ gia đình mà không đến đưa đi bệnh viện cấp cứu thì ông Kiên cho hay qua kiểm tra thì gia đình có cuộc gọi đến phường (phường Võ Thị Sáu – PV) vào lúc 15h36 và lực lượng y tế phường có mặt tại nhà người quá cố lúc 15h45.

"Còn gia đình gọi đi những nơi nào trước thời điểm gọi cho phường thì địa phương không biết. Kết quả test thì người mất âm tính với COVID-19. Vì vậy thông tin trên Facebook ông Hải phản ánh là không chính xác…" – ông Kiên khẳng định.

D.N.HÀ – THÁI AN

 

 

HÌNH ẢNH PHỔI TỔN THƯƠNG VÀ HẬU QUẢ SUY GIẢM CHỨC NĂNG HÔ HẤP TRÊN BỆNH NHÂN NHIỄM VIRUS – MẶC DÙ ĐÃ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ KHỎI

FB Bs. Việt Hùng

Bệnh nhân Nam sinh năm 1973 (48 tuổi) vào viện vì sốt, ho, khó thở, giảm SpO2 (SpO2 đo đầu ngón tay 75%) Bệnh nhân ho dữ dội từng cơn rất dài liên tục, không đáp ứng với các thuốc giảm ho, bệnh nhân ho đến mức khạc đàm lẫn máu đỏ tươi (bong tróc niêm mạc đường hô hấp.) Xét nghiệm RT-PCR ngày 18.7 dương tính với chỉ số Ct chỉ có 15 (thể hiện tải lượng virus tại vị trí lấy mẫu cực kỳ lớn, nguy cơ lây nhiễm rất cao!!!)

Tiền căn bệnh nhân không bệnh nền, có lao phổi cũ đã điều trị khỏi, (AFB đàm hiện tại 2 mẫu âm tính). Trước khi nhiễm virus bệnh nhân rất khoẻ mạnh, còn thường xuyên tham gia… đua xe và nổi tiếng ở bộ môn parkour (nghe đơn vị quản lý mô tả bệnh nhân có “số má” rất khó truy đuổi) (!!!). Nhưng chỉ sau 4 ngày sốt cao 39-40 độ bệnh nhân nằm bẹp, tím đầu ngón tay, SpO2 giảm sâu…

Trên hình ảnh CT Scaner Ngực (có thuốc cản quang) có thể thấy hình ảnh tổn thương lao cũ dạng hang khá rõ, kèm theo hình ảnh thâm nhiễm lan toả thuỳ dưới phổi 2 bên của bệnh nhân nhiễm virus

Rất may bệnh nhân không phải thở máy, đáp ứng tốt với oxi liệu pháp, sau 1 tuần điều trị tích cực bệnh nhân cải thiện triệu chứng tốt, không còn sốt, giảm cơn ho, xét nghiệm RT-PCR lần 2 ngày 23.7 dương tính tuy nhiên chỉ số Ct 26 (tải lượng virus thấp hơn được tí)

Bệnh nhân được rời khỏi khoa Hồi Sức chuyển về đơn vị chăm sóc bệnh nhân nhẹ và vừa.

Tuy nhiên trên phim chụp tổn thương phổi vẫn còn, bệnh nhân vẫn còn những cơn mệt và khó thở khi gắng sức: Điều này chưa từng xuất hiện trước đây ngay cả khi bệnh nhân điều trị Lao, chắc chắn rằng với tổn thương phổi như vậy, trong tương lai gần dù bệnh nhân đã không còn virus trong cơ thể, nhưng sức khoẻ sẽ bị suy giảm một phần rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian vật lý trị liệu hô hấp để có thể hồi phục một phần (chưa dám chắc có thể hồi phục hoàn toàn được hay không).

Từ một người đàn ông có “thể lực” chơi “đuổi bắt” với CA + Dân Phòng, phải tổ chức huy động lực lượng 2 phường mới “tóm” được – nay bệnh nhân tổn thương phổi mặc dù đã hồi phục tương đối: Đi từ giường bệnh ra xe vận chuyển khoảng cách đôi mét, cũng phải nghỉ mệt 3 lần…

Điều trị giúp bệnh nhân thoát “cửa tử” đã không hề đơn giản, nhưng “hậu quả” để lại trên hệ hô hấp của bệnh nhân về sau còn nan giải hơn (…)

Vấn đề ở đây không còn là 80% nhẹ hay 20% nặng nữa, mà là di chứng để lại sau khi điều trị khỏi virus cũng không nhẹ nhàng tí nào.

Đừng vội nghĩ đến việc “sống chung với lũ”, mà hãy tập trung vào phòng dịch và tiêm vaccine để tránh bị nhiễm bệnh vẫn là tối ưu hơn (!!!)

#DrKitchen

#Day24

image

 

image

 

 

CÒN… 1 GIƯỜNG

FB Bs. Việt Hùng

Bệnh nhân Nam 50 tuổi, tiền sử khoẻ mạnh, không bệnh nền, bệnh nhân sốt nóng 4-5 ngày (không rõ nhiệt độ), sang ngày thứ 06 bệnh nhân khó thở, mệt, bước đi choáng váng không vững (dấu hiệu thiếu oxi não) Kiểm tra thấy chỉ số SpO2 giảm nghiêm trọng – SpO2 còn 40% (!!!). Nên được nhập viện cấp cứu.

Gia đình bệnh nhân có 3 người đều nhiễm bệnh, trong đó người chồng – là bệnh nhân – bị nặng nhất, vợ và con gái triệu chứng nhẹ hơn, hiện đang cách ly…

Bệnh nhân vào viện nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, nội khí quản thở máy chỉ số SpO2 cải thiện rất ít: Hình Ảnh XQ ngực hai phế trường gần như “nát” hết, Chụp Cắt Lớp CT-Scaner Ngực hình ảnh còn tệ hơn rất nhiều, bệnh nhân gần như đông đặc toàn bộ 2 phổi, không còn vùng phổi lành để thực hiện chức năng hô hấp, với lá phổi đông đặc nghiêm trọng như thế này cộng thêm tình trạng oxi máu không cải thiện – bệnh nhân cần can thiệp các kỹ thuật cao (có thể cần ECMO mới mong giữ được mạng sống) (!!!)

Mặc dù các bác sĩ điều trị đã cố gắng liên hệ, kể cả liên hệ chính thống và những mối quan hệ riêng, bằng mọi cách mong cứu được mạng sống cho bệnh nhân… Nhưng thực tế các tuyến cao hơn cũng đều đang chật kín không còn chỗ trống (!!!) Bệnh nhân đã không chờ đợi được và không qua khỏi chỉ sau 72h nhập viện (…)

Mọi thứ diễn ra quá chóng vánh…

Liên lạc với gia đình bệnh nhân (đang ở khu cách ly) thông báo bệnh nhân đã không qua khỏi… vợ bệnh nhân phải rất lâu sau khi nghe bác sĩ thông báo mới có thể bình tĩnh lại cùng bác sĩ bàn giải pháp lo hậu sự cho bệnh nhân. Khi đã trấn tĩnh lại, vợ bệnh nhân qua điện thoại… cầu xin bác sĩ tìm cách cứu con gái bệnh nhân, vì cháu nó ở khu cách ly cũng đang diễn biến nặng lên, sốt cao, khó thở đã 2 hôm nay rồi mà không được thở oxi, không có nhân viên y tế thăm khám, càng không có bệnh viện nào còn giường để chuyển đi…

Mình đang hướng dẫn chị vợ bệnh nhân lo thủ tục cho anh chồng, nghe như vậy cũng không khỏi chạnh lòng, vội rà soát một loạt số bệnh nhân trong khoa hiện tại cũng đã kín tất cả các giường, bệnh nhân nằm tràn ra cáng, chưa kể bệnh nhân đều đang suy hô hấp thở máy rất nặng nề…

Mình bèn giải thích với vợ bệnh nhân:

-Chị báo nhân viên y tế tại khu cách ly cố gắng liên hệ bệnh viện phụ trách điều trị tầng thứ 2 thứ 3 (cơ sở y tế điều trị bệnh nhân vừa và nặng) xem có chuyển cháu đi được không, bác sĩ rất muốn giúp nhưng hiện tại trong khoa đã kín tất cả các giường rồi…

Vợ bệnh nhân vừa khóc vừa nói vọng trong điện thoại:

-Các bác sĩ ở đây đã liên hệ khắp nơi mấy ngày rồi, nhưng không có nơi nào còn giường cho cháu, bình ô xi ở đây cũng đã hết rồi cháu không có oxi để thở, bố cháu mới mất, bác sĩ đưa bố cháu đi thế là còn 1 giường, nhờ bác sĩ cho cháu được “nằm thế chỗ” vào đấy…

Tôi đã mất chồng rồi, chỉ còn mỗi đứa con gái thôi, mất nó nữa thì tôi không sống nổi mất…

Và rồi những hoàn cảnh như vậy đối với bác sĩ Hồi Sức trong vùng dịch như mình không biết từ lúc nào – đã trở nên không còn “hiếm gặp” nữa (!!!???)

Không thể làm gì

Không ai có thể làm gì

Sự thực đang diễn ra là như vậy đấy

Chỉ có những số liệu đẹp trên các trang báo (…)

#DrKitchen

#Còn1Giường

#Day25

———***———

(*) Là bác sĩ trực tiếp nhận bệnh nhân, cũng như bám sát diễn biến và điều trị cho bệnh nhân trong 72h, cũng là người nhận đoạn ECG (đường đẳng điện) cuối cùng của bệnh nhân: Có đầy đủ hồ sơ bệnh án (đã che thông tin cá nhân) cũng như ghi âm khi gọi điện thông báo cho gia đình, sẵn sàng đối chất với những thành phần [Chống Dịch Bằng Mồm] gây dư luận chủ quan về sự nguy hiểm của dịch bệnh…

(*) Bác sĩ không thể tự nhiên “đẻ” ra cái phim phổi nát bét kia được

(*) Tất cả chúng ta đều cần nhìn nhận lại…

image

 

image

 

image

image

 

image

clip_image045

image

 

 

LẬP TỔ TƯ VẤN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ PHỤC HỒI KINH TẾ TP.HCM

Tuổi Trẻ Online, 27/07/2021

TTO – Tổ tư vấn gồm 8 chuyên gia đến từ các trường đại học hàng đầu TP.HCM tư vấn cho Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về chính sách phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

clip_image048

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiểm tra công tác cập nhật dữ liệu trên hệ thống công nghệ thông tin tại Trung tâm Cấp cứu 115 – Ảnh: HOÀNG LỘC

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định thành lập Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế cho TP.HCM.

Tổ tư vấn gồm 8 thành viên do TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, làm tổ trưởng và TS Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia TP.HCM, là tổ phó.

Các thành viên của tổ tư vấn gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đến từ các trường như Đại học Luật TP.HCM, Đại học Kinh tế – luật, Đại học Fulbright Việt Nam, Đại học Y dược TP.HCM.

Tổ tư vấn dự các buổi họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP và dự một số cuộc họp cần thiết về công tác phòng, chống dịch và được cung cấp thông tin liên quan, phối hợp với Trung tâm Phân tích dữ liệu của TP để chuẩn hóa dữ liệu và hoàn thiện hệ thống dữ liệu liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Nhiệm vụ của tổ tư vấn là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể cho Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong để lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác chống dịch, phục hồi sản xuất góp phần thực hiện "mục tiêu kép".

Tổ tư vấn bảo đảm tính độc lập, khách quan, khoa học và chịu trách nhiệm về nội dung, ý kiến tư vấn, đề xuất.

Bên cạnh đó, các thành viên tổ tư vấn phải tuân thủ các quy định về phát ngôn, bảo mật những nội dung được yêu cầu tư vấn, tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và không được cung cấp thông tin, tài liệu rộng rãi có liên quan trong quá trình tư vấn.

D.N.HÀ

 

 

ĐỀ XUẤT THÊM MỘT LẦN NỮA

FB Bs. Xuân Sơn Võ

Kính gởi ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành ủy TPHCM.

Đọc báo Tuổi trẻ, thấy ông phát biểu “chúng ta xin nhân dân lượng thứ”. Thực tình thì tôi không hiểu lắm khi ông sử dụng đại từ “chúng ta”. Tuy nhiên, qua cách mô tả của Báo Tuổi Trẻ, thì đây là một phát biểu chân thành. Và tôi cảm động vì điều đó.

Mặc dù chưa có quan chức nào như ông nói theo cách như vậy, nhưng tôi cho rằng, nói vẫn dễ hơn thực hiện. Cái mà nhân dân mong muốn, là những người nắm chính sách phải thấy được thực tế, và đưa ra những quyết sách mang lại kết quả thực sự. Nếu thực tâm, ông có thể tìm thấy đề xuất của tôi cách đây 1 tuần ở Sở Y tế TPHCM (tôi không rõ nó có được chuyển đến văn phòng của ông không). Hoặc ông có thể xem lại nó tại đây: https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/2079392185551230.

Tôi đề nghị hai vấn đề, thứ nhất là thay đổi cách chống dịch, thứ hai là bảo đảm an sinh cho người dân. Thực ra, hai vấn đề này liên quan mật thiết với nhau. Có những nội dung sau mà thành phố cần thực hiện:

1. Tập trung giảm số lượng tử vong

– Chấm dứt ngay việc cách li F1, F2, chỉ khuyến cáo họ hạn chế tiếp xúc. Chỉ tiến hành cách li người đã có bằng chứng nhiễm (F0), và người có triệu chứng nhưng xét nghiệm âm tính và được bên y tế đánh giá là nghi nhiễm mức độ cao.

– Tiến hành cách li F0 và những người được y tế đánh giá là nghi nhiễm mức độ cao. Trong đó, F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ (theo phân độ 1 và 2 của Bộ Y tế theo quyết định 3416 /QĐ-BYT) chỉ cần cách li tại nhà. Riêng mức độ vừa (mức độ 3) thì có thể để chăm sóc tại nhà nếu có điều kiện theo dõi và điều trị tại nhà.

– Giải tán các khu cách li, chỉ giữ lại 2 hoặc 3 khu cách li, dành cho những người cần cách li nói trên nhưng không có nhà, hoặc nhà không có điều kiện tối thiểu để cách li (đây là việc khó vì nó liên quan đến lợi ích của một số người). Tập trung bảo đảm điều kiện sống và thuốc thiết yếu trong các khu cách li này. Đối với các khu cách li này chỉ cần có bác sĩ tư vấn từ xa.

– Chỉ cho nhập viện những người được y tế đánh giá mức độ 4 hoặc mức độ 5 (nặng và nguy kịch), hoặc mức độ 3 nhưng không có điều kiện chăm sóc tại nhà, cùng những người xét nghiệm âm tính nhưng có triệu chứng đủ nặng và được bên y tế đánh giá là nghi nhiễm mức độ cao.

– Kêu gọi nhân viên y tế về hưu tham gia, thành lập các đơn vị tư vấn từ xa cho những F0 cách li tại nhà, đề nghị các công ty truyền thông bảo đảm đường truyền để liên lạc thông suốt. Nhanh chóng ban hành hướng dẫn theo dõi F0 tại nhà chính thức, cho cả người nhiễm và bác sĩ tư vấn. Nếu Bộ Y tế chưa có thì Sở Y tế chịu trách nhiệm ban hành.

– Bảo đảm cung cấp đủ các phương tiện theo dõi như máy đo SpO2, kid thử kháng nguyên nhanh có thể cho tự thử tại nhà cho người F0 theo dõi và cách li tại nhà.

– Thành lập các đội phản ứng nhanh, bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên vận chuyển, xe cấp cứu dành cho các F0 theo dõi và cách li tại nhà. Có thể thành lập theo thành phố (như một bộ phận của cấp cứu 115), hoặc theo từng quận huyện. Các đội này phải giữ liên lạc với các nhóm tư vấn, và có thể hỗ trợ nhau, bảo đảm có mặt kịp thời theo yêu cầu của bác sĩ tư vấn. Các đội này có trách nhiệm cấp cứu, vận chuyển các F0 mức độ 4 hoặc mức độ 5 (nặng và nguy kịch), hoặc mức độ 3 nhưng không có điều kiện chăm sóc tại nhà đến bệnh viện. Các đội này cũng có quyền quyết định F0 nào đang ở mức độ 3 có thể được phép tiếp tục theo dõi và điều trị tại nhà hay phải nhập viện.

– Tập trung nhân lực, vật lực, vật tư y tế cho các bệnh viện điều trị các bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán mức độ 4 và 5.

– Tập trung chích vaccine cho nhân viên y tế với loại vaccine nhanh tạo ra kháng thể. Song song đó ưu tiên chích vaccine cho người lớn tuổi, người có bệnh nền, giới lái xe tải, lái taxi, xe công nghệ, giao hàng, người lao động trong ngành dịch vụ phải tiếp xúc nhiều như bán hàng, thu ngân, buôn bán tự do…

– Hỗ trợ tối đa để bảo toan hệ thống y tế, cả công và tư.

2. Bảo đảm an sinh cho người dân.

Theo tôi, các biện pháp phong tỏa như hiện nay đang áp dụng, kể cả giới nghiêm, đều không có hiệu quả. Nếu số nhiễm có giảm thì đó là may mắn, do đã qua đỉnh dịch, số nhiễm giảm tự nhiên. Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa và ngăn sông cấm chợ đã làm cho người dân khốn đốn, đặc biệt là những công nhân, người lao động tự do, người buôn bán nhỏ… Ngay cả khá đông nhân viên văn phòng, và cả nhân viên y tế cấp thấp hiện nay cũng rất khó khăn.

Hiện số này rất đông, nhà nước thì không có tiền để hỗ trợ. Nên biện pháp duy nhất là bảo đảm cho họ công ăn việc làm và bảo tồn khả năng kiếm sống cho họ. Nếu không bảo đảm cuộc sống, thì họ bắt buộc phải kiếm sống và không thể chấp hành các yêu cầu phong tỏa. Việc lén lút “xé rào” sẽ nguy hiểm nhiều hơn là nới lỏng phong tỏa nhưng kiểm soát 5K. Từ đó tôi đề nghị:

– Bỏ phong tỏa, giới nghiêm tràn lan. Chỉ phong tỏa khu vực trong 2 trường hợp: (1) có chứng cứ rõ ràng, rằng tốc độ lây nhiễm đang tăng rất nhanh; và (2) tỉ lệ ca nhiễm đạt mức nguy hiểm.

– Siết chặt kiểm soát 5K, đặc biệt hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người, giữ khoảng cách vật lí tại các siêu thị, chợ… nhưng vẫn bảo đảm duy trì các hoạt động sản xuất, dịch vụ. Chỉ cấm hoặc hạn chế những dịch vụ không thiết yếu và không thể bảo đảm 5K.

– Xử lí nghjiêm và nhanh chóng các hành vi của những người thi hành công vụ lợi dụng công tác chống dịch nhằm gây khó, nhũng nhiễu hoạt động làm ăn, kiếm sống, và sinh hoạt của người dân.

– Nhà nước hỗ trợ, và tạo điều kiện để người dân, các tổ chức từ thiện hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn. Tổ chức kiểm soát 5K trong công việc từ thiện, đồng thời xử lí các trường hợp cố tình gây khó cho công tác cứu trợ người dân khó khăn.

Đôi điều đề xuất. Với sự chân thành mà tôi cảm nhận từ phát biểu của ông thông qua cách diễn đạt của Báo Tuổi Trẻ, tôi hi vọng ông sẽ phản hồi cho tôi (địa chỉ, số điện thoại của tôi Sở Y tế TPHCM có đầy đủ), để tôi biết rằng ông có quan tâm đến đề xuất của tôi. Vì từ đó giờ tôi có hàng chục kiến nghị gởi Thành ủy TPHCM, nhưng chưa bao giờ nhận bất cứ phản hồi nào.

Vì tình hình thay đổi từng ngày, tôi không in ra rồi gởi đến văn phòng thành ủy TPHCM. Mong các bạn nào có điều kiện chuyển tiếp đến ông Nguyễn Văn Nên giùm tôi. Chân thành cám ơn.

 

 

THÔNG BÁO VỀ ĐỀ XUẤT CỦA TÔI

FB Bs. Xuân Sơn Võ

Khuya hôm qua, một số bạn nhắn cho tôi, rằng Bí thư Nên đã đọc đề xuất của tôi. Một bạn còn cho biết cụ thể, thư kí của Bí thứ Nên có nói, những đề xuất của tôi thuộc nhóm 1 (tập trung giảm tử vong) một số đã làm, một số đã chỉ đạo, còn nhóm 2 (bảo đảm an sinh cho người dân) thì một số đã làm, một số chưa làm được vì còn vướng thủ tục.

Sáng nay, Bí thư Nên đã trực tiếp gọi điện cho tôi. Ông cám ơn tôi đã gởi đề xuất. Ông cho biết đã đọc các đề xuất của tôi, đã chuyển cho các bộ phận chức năng nghiên cứu, và khi có kết quả ông sẽ trả lời lại cho tôi. Ông cũng đề nghị tôi, nếu có thêm đề nghị gì thì có thể nhắn tin qua điện thoại hoặc gởi email trực tiếp cho ông.

Thật tiếc là khi ông Nên gọi điện cho tôi, tôi đang lái xe qua đoạn đường hẹp nên vừa nói chuyện, vừa phải tìm chỗ để dừng lại, nên có lúc không tập trung hoàn toàn vào câu chuyện. Tuy nhiên, tôi cảm nhận ở ông sự chân thành và cầu thị. Theo tôi, đó là một trong các điều kiện cần để lãnh đạo có thể quan tâm xem xét áp dụng các đề xuất, giúp chúng ta vượt qua vụ dịch lần này với thiệt hại ít nhất có thể.

Bản thân tôi cũng sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh những vấn đề thực tế, đề xuất những giải pháp mà tôi thấy là có thể giúp tất cả chúng ta trong thời điểm khó khăn này. Lúc này, tất cả chúng ta cần cùng chung sức để giảm bớt những tổn thất, giảm bớt những đau thương cho Sài Gòn của chúng ta.

Sáng nay, hẻm nhà mẹ tôi ở quận 10 có một gia đình có nhiều người bị nhiễm virus Vũ Hán. Tôi không rõ tình hình sức khỏe của những người trong nhà, và họ có được đưa đi hay không. Nhưng chính quyền đã không giăng dây cả hẻm, mà chỉ giăng dây một nhà đó thôi. Có lẽ đó là thay đổi đầu tiên tôi thấy được.

Nhân thể, tôi xin thông báo tình hình củ cải trắng. Ngày hôm qua, khi xe định vô vườn để lấy củ cải, thì khu vực đó (thuộc Đức Trọng) đã bị giăng dây. Sau đó, nhân viên của cô Nguyễn Võ Xuân Thuỳ đã tìm nhiều đường nhưng không thể tiếp cận vườn. Trưa nay, thông tin cho biết sẽ phải chờ test hết cư dân khu vực đó, nếu âm tính mới giải tỏa dây giăng.

Tôi xin lỗi các bạn đã đăng kí và chờ đợi. Tôi và cô Thùy đang bàn tính xem có thể có phương án thay thế cho củ cải trắng hoặc tiếp tục chờ. Chúng tôi nghiêng về phương án thay thế bằng các mặt hàng khác. Đến ngày mai chúng tôi sẽ có quyết định về việc này và tôi sẽ thông báo cho các bạn.

Hôm qua đến nay có nhiều thông tin khá tiêu cực về tình hình dịch bệnh. Tôi sẽ viết về những việc này. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nói với các bạn: hãy bình tĩnh. Tất cả những hoang mang hay hoảng sợ, đều ảnh hưởng không tốt đến khả năng đề kháng của chúng ta, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe chung của chúng ta.

Trong cơ thể chúng ta, chúng ta càng yếu đi thì con virus Vũ Hán càng mạnh lên. Tôi nói theo nghĩa đen. Cho nên, bình tĩnh, lạc quan, không hoang mang, không hoảng loạn, là điều cần thiết bây giờ.

 

 

ĐỪNG TRÓI CHÂN TAY ANH EM NHÂN VIÊN Y TẾ

FB Bs. Hùng Lê

Vaccine ngừa cúm Vũ Hán hiện tai không phải là cái giáp hoàn hảo đề ngăn bệnh nhưng nó vô cùng cần thiết để người nhân viên Y tế bảo vệ bản thân. Các bằng chứng khoa học cho thấy tiêm vaccine đúng, đủ giúp: giảm nguy cơ mắc bệnh, người mắc chủ yếu không biểu hiện bệnh hoặc ở thể nhẹ, giảm thiểu nguy cơ tử vong. Do đó vaccine là cái tối thiểu phải đáp ứng đúng, đủ cho nhân viên Y tế để họ có thể tham gia chống dịch.

Đầu tháng 5, nhiều nhân viên Y tế thuộc các bệnh viện công ở Sài Gòn đi tiêm vaccine, cùng với công nhân viên các cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế.. Lúc đó những bác sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực tư nhân liên tục hỏi Phòng Y tế quận bao giờ được tiêm vaccine. Phòng chỉ trả lời là đợi lịch. Khi đọc báo thấy công nhân viên các tập đoàn nhà nước đi tiêm vaccine ầm ầm họ lại hỏi sao chúng tôi không được tiêm. Phòng trả lời là đang chờ lịch. Và một ngày cách đây khoảng 1 tháng, lúc 10h30 trưởng phòng Y tế thông báo, toàn bộ nhân viên Y tế tư nhân đã đăng ký danh sách đi tiêm vào 2h chiều ngày hôm đó và chỉ tiêm trong 1 buổi chiều. Các phòng khám quáng quàng thông báo cho nhân viên các nơi chạy về để tiêm. Người đã đi về nhà ở xa thì coi như bó tay nên nhiều người không được tiêm. Cách đây vài ngày phòng Y tế gọi đi tiêm vét những người chưa tiêm, có gần 1000 người trong danh sách tiêm vét cho riêng một quận bé nhỏ mà tôi biết. Vẫn cái cách làm việc quáng quàng nên nhiều người vẫn chưa đươc tiêm. Như vậy, ở SG nhân viên Y tế khối tư nhân mới tiêm được 1 mũi, rất nhiều người chưa có mũi nào, chỉ những vị có ông ngoại xịn thì may ra được 2 mũi.

Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến cho nhân viên Y tế công quá tải. Lãnh đạo ngành Y tế kêu gọi mọi thành phần nhân viên Y tế tham gia chống dịch. Những bác sĩ khối tư nhân cũng tham gia nhưng vì không đươc bảo vệ nên hầu hết chỉ tham gia vào vị trí tư vấn sức khỏe. Một vị trí tào lao, chủ yếu cho người ta có cái thùng rác để trút các thứ vào đó. Khi có bệnh nhân gọi điện báo họ đã dương tính, bác sĩ gọi tùm lum nhưng có đơn vị nào giải quyết đâu. Bệnh nhân tự đi ra trung tâm Y tế, kêu bị dương tính và đưa cái miếng xét nghiệm mà họ tự ngoáy mũi ra thì mới có người giải quyết. Một hệ thống điều hành quản lý tồi tệ thì khi đứng vào đó bác sĩ tụi tui chỉ là cái đồ vô dụng.

Lực lượng Y tế tư nhân vốn không thể bị bắt buộc làm nhiệm vụ bởi các vị lãnh đạo. Họ có lương tâm nên chỉ cần việc đúng họ sẽ làm. Họ có trí tuệ, kỹ năng để tham gia chống dịch, nhưng cái gì để họ đồng ý hi sinh sức khỏe và có thể cả tánh mạng của họ để lao vào vòng hiểm nguy mà không có sự bảo vệ? Các vị lãnh đạo có thể liệt kê ra nhiều thứ như lương tâm, lòng nhân ái, Y đức… vâng vâng và vâng vâng, nhưng quý vị đã làm gì để họ có thể chống dịch?

Nếu quý vị làm điều tử tế thì mới có đủ tư cách nói lời chánh nghĩa kêu goi mọi người. Nhưng không, hãy nhìn những gì quý vị đã làm:

1/ Quý vị phân biệt công tư, tiêm cho đối tượng công trước, bao gồm công nhân viên các tập đoàn kinh tế nên không đủ vaccine cho toàn thể nhân viên Y tế. Nếu không phân biệt công tư, ngay từ tháng 5 quý vị ưu tiên tiêm cho nhân viên Y tế cả công và tư bằng vaccine Astra Zeneca thì hôm nay mọi người đều đã đủ khả năng tham gia chống dịch toàn diện.

2/ Vaccine Moderna thời gian giữa 2 liều tiêm là 4 tuần và Pfizer là 3 tuần. Và 2 loại vaccine này tỷ lệ đạt miễn dịch cũng cao hơn. Nếu dùng 2 loại vaccine này cho lực lượng Y tế thì quý vị sẽ có một đạo quân hùng hậu trong thời gian ngắn. Hoặc dùng giải pháp phối hợp Astra Zeneca với Pfizer thì cũng rút được thời gian có đủ nhân lực. Nhưng không. quý vị đem đi tiêm cho công nhân viên các tâp đoàn kinh tế nhà nước hoặc các tập đoàn tư nhân lắm tiền. Có bằng chứng là văn bản mật cho tập đoàn Vingroup mượn vaccine, hay văn bản tiêm cho Novaland.

Đừng câm lặng, chúng ta phải đồng loạt kiến nghị:

1/ Yêu cầu toàn bộ vaccine hiện có phải được ưu tiên tiêm trước cho lực lượng Y tế trong cả nước.

2/ Yêu cầu tiêm loại vaccine Moderna và Pfizer ưu tiên cho nhân viên Y tế trong vùng dịch nghiêm trọng.

3/ Yêu cầu Bộ Y tế ban hành quy chế hoạt động khám điều trị bệnh nhân nhiễm covid 19 cho phòng khám tư nhân, bệnh viện tư nhân.

Chúng ta (tất cả nhân viên Y tế không phân biệt công tư, không phân biệt chuyên khoa, không phân biệt vị trí vai trò) vì lương tâm và trách nhiêm sẽ chống dịch bằng kiến thức, kỹ năng và thái độ của người nhân viên Y tế chứ chúng ta không chấp nhận trở thành quân tốt thí.

clip_image050

clip_image052

GIỚI NGHIÊM!!! *

FB Bs. Nguyen Duc Khai

Tui ko hiểu giới nghiêm & thắt chặt để làm gì? Có ai ra đường đâu?

1-Cả ngày hôm nay tất cả các xe bán tải chở hàng y tế như Quần áo bảo hộ Y tế + Bình Oxy + Khẩu trang Y tế đang đi giao cho Bv dã chiến thì bị ách lại! Công an GT quầng cho ra xương, bị phạt te tua! Xong họ ko đi giao hàng cho chúng tôi nữa!

2- Sau 18 h giới nghiêm nên Tiệm thuốc Tây đóng cửa, có nhiều ca gọi kêu cứu, chúng tôi ko đặt được hàng gửi cho ngừoi bệnh tại Khu dân cư nghèo & Trại cách ly.

3- Nhà máy gia công áo quần bảo hộ Y tế bị đóng cửa vì công nhân may ko đi làm được do bắt ra đường phải có giấy thông hành!

Trời ơi dân khổ & nhân viên Y tế ko đủ đồ trang bị tự bảo vệ mình thì chữa bệnh & cứu người bằng cách nào????!!!!!!

*Tiêu đề do Văn Việt đặt.

SAIGON NGỦ SỚM…

FB Minh Hòa

18:31 – Ngày đầu tiên "người dân không được phép ra đường sau 18:00"

SaiGon – July 26, 2021

Minh Hoà Photography

Instagram: minhhoaphoto

clip_image054

FB Do Dang Thuong

Lần đầu tiên thấy cầu SG ko một bóng xe

That silence…

clip_image056

WHO KHUYẾN CÁO KHÔNG NÊN PHUN HÓA CHẤT TRÊN ĐƯỜNG PHỐ VỚI MỤC ĐÍCH DIỆT COVID-19

FB Dũng Hoàng

"Trong không gian ngoài trời, không nên phun hoặc tẩy độc quy mô lớn ở các khu vực như đường phố hoặc các khu chợ mở đối với vi-rút COVID-19 hoặc các mầm bệnh khác. Đường phố và vỉa hè không được coi là những con đường lây nhiễm COVID-19. Phun chất khử trùng, ngay cả ở ngoài trời, có thể độc hại cho sức khỏe của con người và gây kích ứng hoặc tổn thương mắt, hô hấp hoặc da.

Cách làm này không hiệu quả vì sự hiện diện của bụi bẩn hoặc rác, chẳng hạn, làm mất hoạt tính của chất khử trùng, và việc làm sạch thủ công để loại bỏ tất cả các thứ đó là không khả thi. Điều này thậm chí còn kém hiệu quả trên các bề mặt có nhiều lỗ rỗng như vỉa hè và lối đi không được lát đá. Ngay cả khi không có bụi bẩn hoặc rác rưởi, việc phun hóa chất sẽ không bao phủ đầy đủ các bề mặt cho phép có thời gian tiếp xúc cần thiết để vô hiệu hóa mầm bệnh."

(In outdoor spaces, large-scale spraying or fumigation in areas such as streets or open market places for the COVID-19 virus or other pathogens is not recommended. Streets and sidewalks are not considered as routes of infection for COVID-19. Spraying disinfectants, even outdoors, can be noxious for people’s health and cause eye, respiratory or skin irritation or damage."

This practice will be ineffective since the presence of dirt or rubbish for example, inactivates the disinfectant, and manual cleaning to physically remove all matter is not feasible. This is even less effective on porous surfaces such as sidewalks and unpaved walkways. Even in the absence of dirt or rubbish, it is unlikely that chemical spraying would adequately cover surfaces allowing the required contact time to inactivate pathogens.)

https://www.who.int/…/coronavirus-disease-covid-19…

clip_image058

TRỞ LẠI CÂU HỎI: CÁI GÌ LÀ THIẾT YẾU?

FB Dũng Thế Vũ

Sài gòn tiếp tục gia hạn thời gian giãn cách với mức độ tăng cao hơn so với CT16. Lúc này câu hỏi cái gì là thiết yếu có lẽ phải được lãnh đạo thành phố nhận thức rõ hơn và có phương án tốt hơn. Theo mình, cái gì thiết yếu phụ thuộc vào thời gian cách ly xã hội.

Ví dụ 1: nếu đi họp 1 tiếng, thì ăn không phải là thiết yếu. Nhưng họp trên 4 tiếng thì ăn là thiết yếu.

Ví dụ 2, ba má mình, đều trên 80 tuổi và sống riêng ở quận 7. Giãn cách theo CT16 vài hôm thì bếp điện của má mình bị hư cả hai cái. Nhu cầu mua bếp điện của má mình là thiết yếu cho 2 cụ. May lúc đó mình còn xuống được siêu thị, mua bếp, và nhờ shipper chuyển lên cho ông bà. Nếu giờ cấm shipper và đóng cửa các cửa hàng bán bếp thì 2 ông bà cụ có thể vô cùng khó khăn.

Ví dụ 3: SG bắt đầu vào mùa mưa, nhiều hẻm, đường ngập nước, dẫn đến tắc cống, tắt điện ở các gia đình. Nếu nhẹ tự rút thì không sao, nếu nặng cần có người thông cống, sửa điện thì 1 ngày không sao, nhưng nếu kéo dài nhiều ngày thì có sao…, rất sao. Đây cũng là thiết yếu.

Ví dụ 4: internet bị ngắt, máy tính hư, điện thoại hư cũng sẽ là thiết yếu với rất nhiều người đang ở nhà làm việc khi thời gian kéo dài.

Có rất nhiều thứ, trường hợp như kể trên khi giãn cách kéo dài. Đây là các vấn đề thực sự thiết yếu với từng gia đình, câu hỏi là giải pháp cho những việc này là gì? Lãnh đạo thành phố đã nghĩ đến chuyện này chưa?

Mình đề nghị:

1- Lãnh đạo thành phố cần nhận thức rõ và cụ thể hơn về vấn đề này và có phương án giải quyết ngay.

2- Nên hình thành các đội phản ứng nhanh đa nhiệm và các số điện thoại nóng của các quận huyện để hỗ trợ người dân. Các đội này cần nhận thức rõ là khái niệm thiết yếu là khái niệm rất đa dạng và phụ thuộc vào tình huống từng gia đình để không phân biệt đối xử.

3- Cho phép 1 danh sách dài hơn các dịch vụ gia đình đa năng (điện, nước, cống, gia dụng, bác sĩ gia đình, sửa máy tính, internet, điện thoại..) được hoạt động theo sự hướng dẫn phòng dịch của y tế thành phố. Có thể hình thành 1 ứng dụng để giải quyết các vấn đề cấp thiết và thiết yếu.

Có thể có thêm nhiều sáng kiến nữa, nhưng chắc chắn khi giãn cách kéo dài về thời gian và cường độ thì cần có các suy tính cụ thể cho các ván đề dân sinh cấp thiết này.

Với bạn, cái gì là thiết yếu, nếu giãn cách kéo dài?

 

 

SÀI GÒN, CÓ TÔI TRONG CHÚNG TA

FB Nguyễn Tiến Tường

Sài Gòn như anh Minh Râu tiếu ngạo nhân quần. Anh Minh Râu bán rau cho rau, viết chữ sai chính tả tèm lem, nhưng chữ lòng anh tròn trịa. Anh Minh Râu ở giữa mọi người mà thành f1, bây giờ ngơi nghỉ ít lâu. Có một chút nhớ trong lòng mọi người, có một khoảng trống và niềm mong đợi. Có một niềm cảm hứng bất tận từ một con người bình thường.

Sài Gòn như giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức được điều động điều hành Bệnh viện hồi sức 1.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Đó là lần đầu tiên ông đối mặt trọng trách lớn. Ông cũng có một lần đầu tiên khác: Dự họp Quốc hội. Ông xin vắng họp để ở lại chống dịch!

Tôi không bên trọng bên khinh nhưng thấy rung động bởi lựa chọn can trường của trí thức. Thiết triều vắng một cánh tay là mất một nhưng sa trường vắng một mãnh tướng sẽ mất nhiều. Lựa chọn của ông, vun đầy niềm tin cho Sài Gòn.

Sài Gòn như doanh nghiệp Hưng Thịnh, mấy nghìn lao động gửi tâm thư xin giảm lương chia sẻ, ông chủ gửi thư cám ơn và nói rằng còn gắng duy trì được, “hãy dành phần các bạn muốn giảm ủng hộ cho người dân khó hơn”. Hưng Thịnh gọi là dân chơi cũng được, gọi tài phiệt gia cũng được, ai nói này nói kia cũng kệ, họ chạy như con thoi theo các chương trình ủng hộ, từ thiện.

Doanh nghiệp ủng hộ 35 tỷ cho TP.HCM trong tình hình khẩn cấp. Tổng số tiền ủng hộ đầu năm đến nay 130 tỷ. Tiền của HT không phải ban ơn, như sông suối thấm vào từng việc lớn nhỏ: mua xe cấp cứu máy thở, lập gian hàng 0 đồng.

Sài Gòn như bí thư Nên, mẫn cán và chân thành. Một con người giản dị nên lời xin nhân dân lượng thứ nghe nhẹ nhàng tình cảm, không nặng nề khuôn sáo. Một lời ngỏ kêu gọi góp kế chống dịch cũng thiết tha và cầu thị. Trong cơn bối rối chung lại có những năng lượng này, dân sẽ cảm thông hơn và hiểu rằng những chính sách khắc kỷ là lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết.

Sài Gòn là vậy thôi! Tôi nhìn thấy tôi trong mọi người. Không cần cố gắng tìm biểu trưng để xướng tụng, không ta thán vì nghịch cảnh. Sài Gòn “ra ngõ gặp lòng nhân”, là bến đời của mọi người mọi giới.

Sài Gòn sẽ vắng nhưng không hoang, sẽ nghèo nhưng không ngặt, bi nhưng không luỵ. Sài Gòn sẽ sớm trở lại để nhìn thấy tôi ở giữa chúng ta…

NHỮNG HÌNH ẢNH KHÔNG THỂ NÀO QUÊN VỀ 1 SÀI GÒN THƯƠNG ĐỨT RUỘT ĐỨT GAN,

Thương quá Sài Gòn ơi…..

(Bài hát được sử dụng trong video là “Sài Gòn tôi sẽ” do thầy giáo Nguyễn Thái Dương sáng tác và thể hiện.)

FB Quyền Linh:

 

 

MỘT THOÁNG SÀI GÒN NGÀY GIÃN CÁCH

Tuổi Trẻ Cười, 27/7/2021

Bức tranh thành phố ngày giãn cách qua cảm nhận của họa sĩ NOP. Cùng mong Sài Gòn mau ồn ào trở lại…

clip_image062

 

 

SÀI GÒN IM RU CHIỀU TỐI QUA

Tuổi Trẻ Cười, 27/7/2021

Khi thành phố siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, người dân Sài Gòn bỗng có trải nghiệm mới…

Đô thị sôi động nhất nước trở nên im ắng lạ thường chiều tối hôm qua, chưa bao giờ Sài Gòn "im ru" đến vậy. Điều đó cho thấy người dân đang đồng lòng, chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Cầu mong Sài Gòn mau mạnh khỏe trở lại.

clip_image064

“AI TEST NHANH BÀ-VY HÔNNNN?”

FB Ở Đâu Cũng Chụp

Hôm nay xin giới thiệu tới bà con cô bác “đội hình ba gác” chống dịch lưu động đến từ các bạn tình nguyện viên y tế quận Tân Bình. Hành trình “ba gác” sẽ dạo khắp các hẻm các phố, gõ cửa từng nhà để test nhanh bà-Vy cho bà con đỡ cực xếp hàng, lại tiện lợi dễ dàng hơn cho các bạn tình nguyện viên. Hồi xưa có năm anh em trên một chiếc xe tăng, bi chừ thì có năm anh em trên chiếc xe ba gác, tuy hổng ngầu bằng nhưng máu lửa, nhiệt huyết hổng kém ời nghen,

/

Bức vẽ được tụi mình hoạ lại từ khoảnh khắc “đội hình ba gác” đang trên đường làm nhiệm vụ ở Tân Bình. Ý tưởng tích cực này được bác sĩ Nguyễn Thanh Trang đề xuất (theo ZingNews)

clip_image066

“CON THƯƠNG SÀI GÒN, THƯƠNG VIỆT NAM Y CHANG THƯƠNG BA MÁ DỊ ĐÓ!”

FB Ở Đâu Cũng Chụp

Bữa chừ, cứ mỗi sáng lại được đọc biết bao nhiêu nhật ký đi chống dịch của các bạn trẻ tình nguyện viên trong group GO VOLUNTEER ! vừa vui mà vừa thương. Ai ai cũng nhiệt huyết hết mình xông pha tuyến đầu hỗ trợ hết ráo, có bé thì làm ở đội xịt khuẩn, có anh thì làm ở đội điều phối lấy mẫu, có bạn thì làm ở đội hình hỗ trợ tiêm vacxin, ai cũng tự hào kể về một ngày cống hiến sức trẻ của mình, và lúc nào cũng hổng quên cảm ơn và xin lỗi ba má. Cảm ơn vì đã sinh ra đứa con lì lợm này và xin lỗi vì đã lỡ giấu ba má đi tình nguyện viên chống dịch trong màu áo xanh bịt kín người đầy khó khăn nguy hiểm này,

Hôm nay có dịp chuyện trò với đứa em cũng lỡ giấu ba má đi tình nguyện. Nó kêu hổng muốn làm ba má buồn nhưng mà bi chừ lỡ thương Sài Gòn, thương Việt Nam y chang thương ba má dị rồi hổng đành khi ngó Sài Gòn đang bệnh nặng như dậy. Nó tham gia tình nguyện từ cái hồi đầu tháng sáu, tới bi chừ đã gần hai tháng, nó kêu mệt dữ lắm, cực dữ lắm, nhiều bữa chạy dìa tới nhà mà người hổng còn miếng sức, có bữa nức nở sau lớp khẩu trang. Nhưng rồi có mệt có sợ, sớm mai thức giấc lại một cuộc chiến mới và sức trẻ lại được nạp đầy, lại lên đường tiếp mà hổng nghĩ ngợi chi. Hai tháng rồi thấy có lỗi với ba má dữ lắm nhưng mong ba má hiểu, vì những việc nó làm bây giờ khiến nó thấy hạnh phúc, nó đi theo mệnh lệnh của trái tim và có thiệt nhiều niềm tin sẽ chiến thắng được đại dịch, rồi đem cái tự hào tuổi trẻ của nó dìa cho ba má. Nghe nó nói hừng hực khí thế mà thương quá chừng, thương nó với thương biết bao nhiêu áo xanh áo trắng tuyến đầu ngoài kia, thiệt nhiều,

/

Bức vẽ được tụi mình hoạ lại từ nhiều khoảnh khắc tích cực đáng yêu cống hiến hết sức trẻ của các bạn chống dịch tuyến đầu. Mong mọi người luôn giữ được thiệt nhiều thiệt nhiều sức khoẻ nghennnn.

Bức vẽ nằm trong một project nhỏ mang tên “Sài Gòn chơn thành” vẽ lại những khoảnh khắc thiệt đẹp, biên lại những tỉ tê tử tế giữa Sài Gòn này, mong lan toả được thiệt nhiều năng lượng tích cực đến khắp mọi người.

Project nhỏ bắt đầu thực hiện của @odaucungchup và @p.n.a.r.t

clip_image068

Comments are closed.