Sài Gòn – Những ngày phong thành (39)

ĐỀ KHÁNG CÀNG YẾU CÀNG DỄ MẮC COVID-19? | BÁC SĨ ƠI số 6

Báo Thanh Niên, 14.8.2021

Sức đề kháng yếu có đồng nghĩa với việc dễ mắc Covid-19 hơn không? Làm cách nào để tăng sức đề kháng, nâng cấp hệ miễn dịch khi mắc Covid-19? Trong chương trình trực tiếp BÁC SĨ ƠI! số 6 của Báo Thanh Niên phát vào ngày 13/8/2021, bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM) đã giải đáp các thắc mắc này.

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG BÌNH OXY TẠI NHÀ

Hội Phổi Việt Nam-Vietnam Lung Association

PGS.TS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp thành phố Hồ Chí Minh

CÔNG TÁC CHUYỂN BỆNH CẤP CỨU (*)

FB Bs. Hùng Lê

Mình xin chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp đang làm tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm cúm Vũ Hán về công tác chuyển bệnh cấp cứu.

Chúng ta luôn ở thế bị động vì BN có thể cầu cứu chúng ta bất thình lình khi mà họ đã rơi vào nguy kịch hoặc có khi họ chỉ muốn nhờ chúng ta để được vào bệnh viện. Tiếp nhận 1 ca cấp cứu nguyên nhóm sẽ nháo nhào, gọi điện khắp nơi, rồi tìm mọi cách để thuyết phục đội xe cấp cứu chạy qua. Có cô bác sĩ căng thẳng tột độ đến nỗi khóc mếu máo trong điện thoại cầu xin đến cứu bệnh nhân làm mình hoảng hốt theo. Đến khi xe chạy đến nơi thấy bệnh nhân tỉnh queo, tung tăng sách cái giỏ đồ to đùng đi ra xe, vì không có biểu hiện bệnh và cũng không bệnh nền nên bị sắp qua BV thu dung tầng 1, bệnh nhân gọi điện chửi cô BS sao để họ vô cái bệnh viện chẳng có 1 viên thuốc, ăn uống thiếu thốn… hai za. Nhưng cũng có ca thật là bất hạnh khi xe đến đón mà chạy lòng vòng dẫn đến những việc đau lòng. Vậy tại sao lại có chuyện xe cấp cứu chạy lòng vòng?

Không bàn về việc quá tải hệ thống Y tế vì có bàn cũng chẳng làm gì được, thôi nói chuyện tụi mình. Mình nhận thấy nhiều đội nhóm bác sĩ tình nguyện dễ mất bình tĩnh và hành động không còn chính xác: (1) gọi điện báo nhiều đội xe cùng lúc làm trầm trọng tình trạng thiếu xe cấp cứu, (2) không khai thác bệnh cho đúng/đủ nên phân loại bệnh sai, thậm chí là bịa ra tình trạng bệnh nặng để được bệnh viện nhận dẫn đến chuyển bệnh viện sai tầng, bệnh nhân bị bệnh viện từ chối chạy lung tung mất thời gian khiến xe cứu thương không cứu được người khác, hoặc mất đi thời gian vàng cứu bệnh nhân, (3) gọi điện quá nhiều làm nghẽn luôn các hệ thống thông tin,đánh mất cơ hội cứu những người khác, (4) không biết cách kết hợp với chánh quyền địa phương, các đội từ thiện phản ứng nhanh hỗ trợ tại chỗ để kịp thời hỗ trợ phương tiện khám chẩn đoán và cứu hộ. Thông tin với các bạn là có rất nhiều nhóm từ thiện phản ứng nhanh, họ sẵn sàng chở máy đo SpO2, đo nhiệt độ, máy do huyêt áp, máy tạo oxy, bình oxy, thuốc men đến ngay cho BN, (5) đây là bệnh cần phối hợp liên chuyên khoa nhưng nhiều nhóm thiếu những bác sĩ thuộc các chuyên khoa tim mạch, nội tiết, cấp cứu, nên việc giúp đỡ bị hạn chế, (6) không tìm hiểu về các loại thiết bị cấp cứu dân dụng mà người dân đang dùng, nó hoàn toàn khác với kiến thức mà trường lớp mọi người đã học, (7) nhiều kiến thức cấp cứu trong điều kiện dã chiến cần phải sử dụng một cách không chính thống nhưng bằng thực chiến mấy trăm ca chúng tôi thấy nó rất hiệu quả nhưng có BS quá ngạo nghễ và tư duy máy móc bác bỏ dẫn đến cái chết cho bệnh nhân. (Không có hành lang pháp lý cụ thể liên quan đến hoạt động tình nguyện này, nên nhiều người rụt rè lo sợ trách nhiệm dẫn đến hoạt động chăm sóc bệnh nhân kém hiệu quả. Nhiều đồng nghiệp vướng vài ca cấp cứu là cảm thấy căng thẳng áp lực, tuyệt vọng bất lực, phẫn nộ đau khổ và rút khỏi nhiệm vụ mất tiêu).

Nói chút xíu về các đội xe cấp cứu từ thiện, hầu hết các nhóm không có BS ở vị trí tiếp nhận và phân loại bệnh, không có nhân viên Y tế theo xe như 115 nên chủ yếu thể hiện ở vai trò chuyển bệnh không cấp cứu, vai trò này rất là quý. Tuy nhiên vẫn có vài vấn đề: (1) hầu hết các nhóm đều là người ngoài ngành, kiến thức về phòng hộ hạn chế nên khả năng bảo vệ bản thân không tốt, liên lụy luôn người thân và anh em trong đội xe, (2) Đội xe có trang bị cứu hộ nhưng kỹ năng và nghiệp vụ không được đào tạo, không có nhân viên Y tế theo xe nên hầu hết là không vận dụng phù hợp gây lãng phí và kém hiệu quả, (3) Chơi chiêu nhây với bệnh viện, nhiều tài xế truyền nhau kinh nghiệm là thấy một ca tội quá thì cứ chở thẳng vô cấp cứu, người ta sẽ nhận, mà không nhận thì cứ kéo bn ra đó, bệnh viện nó thấy tội quá thì cũng cứu. Đúng là bác sĩ thấy tội cũng phải cứu nhưng cấp cứu khi quá tải không ích lợi, bệnh viện cũng phải chuyển đi mà pha xử lý quá cồng kềnh của đội từ thiện làm mất đi thời gian vàng cứu bệnh nhân. (4) Nhiều kinh nghiệm bị bắt chở lòng vòng rồi nên các tài xế sẽ yêu cầu bệnh nhân tự tìm bệnh viện tiếp nhận sau đó xe mới đến, nhưng bệnh nhân không có kỹ năng liên lạc bệnh viện nên họ không liên lạc được, làm mất đi thời gian vàng cấp cứu cho bệnh nhân.

Để giải quyết bất cập này các đội xe từ thiện nên chủ động kết hợp với các đội bác sĩ đang làm công tác tư vấn sẽ giúp cho công tác cấp cứu đang quá tải trở nên hiệu quả hơn. Khi đội xe cấp cứu từ thiện và các đội bác sĩ tư vấn phối hợp với nhau thì các bác sĩ phải làm nhiệm vụ liên lạc các đầu mối. Tuân thủ quy trình tiếp nhận và chuyển bệnh nhân như sau thì mới có hiệu quả:

1/ Bác sĩ tư vấn phải đánh giá được tình trạng của bệnh nhân thuộc về bệnh viện ở tầng mấy. (Hình ảnh và tóm tắt quy định phân tầng ở hình 1,2).

2/liên lạc các bệnh viện đúng tầng, nếu bệnh viện chịu nhận bệnh thì phải cung cấp tên, tuổi, tình trạng bệnh cho bệnh viện và đặc biệt phải xin tên bác sĩ nhận bệnh (danh bạ bệnh viện có link dowload cuối bài).

3/ Cung cấp các thông tin cho đội xe bằng tin nhắn đầy đủ nội dung sau: (1) địa chỉ đón bệnh nhân, (2)số điện thoại và tên người thân, (3)Bv nhận điều trị (ghi rõ ràng và đúng tên, nhiều người chủ quan làm lẫn lộn bệnh viện ví dụ bv Thủ Đức và Khu vực Thủ Đức là khác nhau) (4)số đt và tên bs tiếp nhận.(5) tình trạng bệnh nhân.

4/ Trấn an bệnh nhân và người nhà, hướng dẫn người nhà thực hiện các biện pháp cấp cứu từ xa. Liên hệ các đội phản ứng nhanh để được hỗ trợ trước khi xe cấp cứu đến.

Chúc các đội tình nguyện chân cứng đá mềm.

Danh sách liên lạc các bệnh viện theo đúng tầng:

https://docs.google.com/…/1a2a9cO2hv7ybm9ZSsdCv…/edit…

clip_image002

clip_image004

(*) Nhan đề của Văn Việt.

VIỆT NAM: CHÍNH QUYỀN BỊ ĐỘNG TRƯỚC COVID DO THIẾU ‘‘ĐIỀU TRA KHÁNG THỂ’’

Trọng Thành – RFI, 14/8/2021

clip_image006

Nhân viên y tế lấy mẫu cho xét nghiệm kháng nguyên tại tỉnh Đồng Tháp, ngày 08/08/2020.

Trong điều tra dịch tễ về đại dịch Covid-19 tại Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng vai trò của xét nghiệm kháng thể. REUTERS – MAI NGUYEN

Đợt dịch Covid, dữ dội hơn nhiều so với đợt trước tại Việt Nam đã bùng phát vào đầu mùa hè năm 2021. Đến nay, theo số liệu chính thức, hơn 250.000 người nhiễm virus, và hơn 5.000 người tử vong. Chính quyền Việt Nam đã và đang buộc phải thay đổi nhiều biện pháp chủ yếu trong chiến lược phòng chống dịch, vốn được coi là mang lại thành công cho đến thời điểm đó (*). Liệu Việt Nam có sớm vượt qua đại dịch?

Sau hơn một năm tưởng như đã khống chế thành công đại dịch, chính quyền Việt Nam gần như bất ngờ rơi vào thế bị động trước đợt dịch Covid-19 lớn đầu tiên (**). Trong chính sách chống Covid tại Việt Nam, nhiều chuyên gia ghi nhận sự vắng mặt đáng ngạc nhiên của các điều tra dịch tễ học với “xét nghiệm kháng thể” (antibody test). Việc thiếu vắng “điều tra kháng thể” phải chăng đã và đang góp phần không nhỏ vào cuộc khủng hoảng nhiều mặt đang diễn ra, không chỉ về y tế, mà cả về kinh tế – xã hội, tâm lý – xã hội, đặc biệt tại “tâm dịch” TP HCM?

Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy, con số ca nhiễm chính thức được phát hiện bằng các xét nghiệm kháng nguyên, PCR, chỉ cho thấy “phần nổi của tảng băng chìm”, số lượng người nhiễm thật có thể cao hơn gấp vài lần, thậm chí hàng chục lần (***). Chỉ có điều tra dịch tễ học bằng các xét nghiệm kháng thể mới cho phép xác định được tương đối chính xác quy mô thực sự của dịch bệnh. Xác định không đúng mức “khối người đã nhiễm”, và đạt được miễn dịch ở mức độ nhất định, và “khối người chưa nhiễm” có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách phòng chống dịch, kể cả trong bối cảnh đã có vac-xin, và vac-xin bắt đầu được sử dụng rộng rãi.

Vì sao điều tra dịch tễ học bằng xét nghiệm kháng thể, vốn được giới y khoa quốc tế coi như các cơ sở căn bản cần thiết, cho phép hoạch định các chính sách tương đối sát hợp với thực tế, lại vắng mặt tại Việt Nam? Không rút ra đủ mức các bài học thất bại, trong đó có nguyên do gạt sang một bên “điều tra kháng thể”, không nhận diện đúng mức tác động thực tế của virus SARS-CoV-2 đến con người Việt Nam, liệu Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách chống dịch sát hơn với thực tế trong thời gian tới? RFI đặt câu hỏi với Bác sĩ, Tiến sĩ y khoa Trần Tuấn (Hà Nội), thành viên Liên minh Vận động Phát triển Chính sách Y tế dựa trên Bằng chứng Khoa học (EBHPD).

***

RFI: Trước hết, xin Bác sĩ cho biết nhận xét chung của Bác sĩ về vấn đề sử dụng xét nghiệm kháng thể tại Việt Nam trong đại dịch Covid này.

BS Trần Tuấn: Trước hết chúng ta xem test kháng thể là gì? Đó là phương tiện để xác định xem anh đã tiếp xúc với virus này chưa. Thường sau khi tiếp xúc với virus, cơ thể thường để lại dấu ấn, cho thấy hệ thống miễn dịch được huy động để chống trả, để lại dấu vết gọi là “kháng thể”. Thường sau khi nhiễm từ một đến hai tuần, sẽ xuất hiện kháng thể, thậm chí khoảng 5 ngày sau, ví dụ như kháng thể tại chỗ trong các tế bào. Sau khoảng hai ba tuần sau, mức kháng thể tăng cao. Sau đó mức kháng thể này còn được duy trì trong thời gian dài, tối thiểu là khoảng 6 tháng. Có đủ kháng thể thì người ta gọi là “được miễn dịch với tác nhân gây bệnh”.

Muốn chống dịch tốt, thì chúng ta phải đánh giá đúng thực trạng nhiễm trùng đang diễn ra ra sao, và dự kiến được diễn biến tới đây thế nào. Công cụ để làm việc này là các nghiên cứu dịch tễ học, sử dụng các test có khả năng chẩn đoán được tình trạng miễn dịch hiện tại, cũng như sự tích lũy của tình trạng nhiễm trùng đã qua trong cộng đồng. Ở đây có vấn đề không ổn trong nhận thức, giữa cái gọi là test đánh giá, phát hiện tình trạng nhiễm trùng trên một cá thể, hay trong môi trường lâm sàng, với vấn đề dùng công cụ đó, test đó để đánh giá tình trạng nhiễm trùng của cả quần thể. Vấn đề này cần được sự chỉ đạo khoa học một cách rõ ràng. Việc phòng chống dịch ở Việt Nam dường như chưa đạt được điều này.

Cụ thể là ngay đến báo cáo gần đây nhất là báo cáo của Tổ tư vấn Chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/08/2021 của TP Hồ Chí Minh. Khi đọc Chiến lược phòng chống dịch này, câu hỏi đầu tiên là: nếu anh muốn khuyến nghị về chiến lược phòng chống dịch và bàn về giai đoạn phục hồi kinh tế sau giai đoạn cao trào của dịch, thì anh phải đánh giá thật đúng tình trạng của dịch trong hiện tại. Cụ thể là mức độ hiện tại nhiễm trùng mức độ ra sao, tốc độ lây nhiễm đến đâu và bao nhiêu phần trăm đã nhiễm, đã có miễn dịch. Bao nhiêu phần trăm do con đường tự nhiên, và bao nhiêu do tiêm chủng. Để từ đó chúng ta mới hình dung là đỉnh dịch đã lên đến chưa, bao giờ đi xuống, sự can thiệp của vac-xin sẽ giúp cho dịch xuống nhanh như thế nào. Tất cả những câu hỏi đó phụ thuộc vào khả năng đánh giá chính xác tình trạng hiện tại. Về việc này, tôi nhận thấy trong báo cáo của Tổ tư vấn về Chiến lược Covid của TP HCM, thiếu mất một công cụ rất cơ bản để có thể đo được mức độ nhiễm trùng đã qua ở TPHCM, đó là đã không sử dụng test kháng thể.

RFI: Xét nghiệm kháng thể có thể giúp làm sáng tỏ những vấn đề gì?

BS Trần Tuấn: “Test kháng thể” là loại test đo lường được tình trạng nhiễm trùng đã xảy ra trong cộng đồng, trong tối thiểu từ một tuần trước đó, và nó được tích lũy trong suốt cả một thời gian dài, cụ thể là từ đầu năm 2021 (cứ coi là năm trước hoàn toàn không có dịch). Đánh giá được tỉ lệ người đã nhiễm virus, và đã hết, cho đến nay là cần thiết để hiểu rằng còn bao nhiêu phần trăm nữa có nguy cơ có thể bị lây nhiễm, và bao giờ chúng ta đạt được “Miễn Dịch Cộng Đồng”.

Đây không phải là đánh giá Diễn Biến Dịch, mà là đánh giá liên quan đến việc giải thích “Mức Độ Nặng” của dịch, giúp giải thích tình trạng biểu hiện, “mức độ nặng về lâm sàng”, hay trong thuật ngữ chuyên môn chúng tôi gọi là “Phổ Lâm Sàng” của bệnh. “Phổ Lâm Sàng” tức là khi một người bị nhiễm “tác nhân gây bệnh”, thì mức độ diễn biến được phân bố thế nào? Nó có thể xảy ra theo nhiều khả năng: không có triệu chứng hoàn toàn, rồi bao nhiêu phần trăm có “biểu hiện lâm sàng”, và trong biểu hiện lâm sàng thì bao nhiêu là diễn biến gọi là “mức độ điển hình” rồi bao nhiêu phần trăm là “điển hình” chuyển sang nặng. Và trong số này, bao nhiêu phần trăm thì kể cả có can thiệp y tế cũng thất bại. Tóm lại, từ xuất phát điểm 100 người bị nhiễm trùng cho đến khi hết nhiễm trùng, sẽ diễn biến cụ thể thành các cấp độ thế nào. Người ta gọi đấy là cái “Phổ Lâm Sàng”.

Virus SARS-CoV-2 này chắc chắn có “Phổ Lâm Sàng”, các biểu hiện lâm sàng rất khác nhau giữa các nước. Ít nhất là giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Lẽ ra trách nhiệm của Tổ chức Y tế Thế giới phải làm rõ vấn đề này. Nhưng cho tới nay, chúng tôi chưa thấy có nghiên cứu quốc tế nào như thế. Rõ ràng là trong năm đầu tiên, khi chưa có vac-xin, con virus đã được lưu hành không gặp trở ngại, can thiệp nào, trừ vấn đề về vệ sinh cá nhân, cũng như là các biện pháp “giãn cách”, “phong tỏa” cộng đồng. Mà mỗi nước có thể thực hiện khác nhau, nhưng tất cả các nước đều chỉ có các biện pháp này thôi.

Thế thì tại sao ở các nước đang phát triển không thấy bùng lên dịch so với các nước phát triển phương Tây, trong suốt một thời gian dài cả năm, chứ không phải chỉ có một hai tháng? Đây là câu hỏi rất đáng được trả lời. Mà để trả lời được câu hỏi này, xét nghiệm kháng thể có thể giúp được chúng ta. Tôi nói ví dụ, nếu như test kháng thể này được thực hiện định kỳ, 3 tháng,  6 tháng, 9 tháng, 12 tháng ở một loạt các nước, như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia… so sánh với các nước phát triển. Các nước phát triển họ đã làm, mình không nói làm gì. Còn ở mình, nếu đã làm thì mình lý giải được quá chứ? Nhưng có ai làm đâu ! Đến bây giờ thì lại không nói làm gì rồi, vì có sự can thiệp của vac-xin vào rồi, đã làm cho phức tạp vấn đề thêm.

Phải chăng virus Vũ Hán, và kể cả chủng Alpha (Anh quốc) mức độ nặng với các nước đang phát triển là khác hẳn so với các nước phát triển? Phải đến chủng Delta thì mới thấy có sự trùng hợp, tức là nó tác động lên tất cả các nước, cả đang phát triển lẫn phát triển.

Tóm lại, xét nghiệm kháng thể cho phép đánh giá được tình trạng nhiễm virus và miễn dịch đạt được trong một cộng đồng kể từ đầu dịch, tức mức độ Miễn Dịch Cộng Đồng đạt tỉ lệ bao nhiêu. Từ đó, có thể xác định là khả năng bao lâu, với các biện pháp can thiệp nào, sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng trong phòng chống dịch, hay là triển vọng ra khỏi dịch. Hiểu được tình trạng nhiễm trùng đã mắc, hiểu được “Khối Cảm Nhiễm” (tức những người chưa nhiễm) là bao nhiêu, sẽ định hướng được việc can thiệp vac-xin, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng cần gấp rút thế nào (cần ưu tiên các đối tượng nào) và đồng thời nhìn ra khả năng điều chỉnh hệ thống y tế cẩn phải như thế nào…

Bên cạnh đó, test kháng thể còn giúp chúng ta giải thích được diễn biến dịch cụ thể ở Việt Nam, vì sao lại khác biệt so với các nước khác, tác động của virus đến người Việt Nam ra sao (tức cái “Phổ Lâm Sàng” đặc thù của virus SARS-CoV-2 trong xã hội Việt Nam). Để từ đó điều chỉnh lại, từ nhận thức, tâm lý, cho đến các biện pháp phòng chống, điều trị. Bởi vì, nếu nó nhẹ, thì có thể tin tưởng để phát huy mạnh vai trò của cá nhân, cộng đồng lên, còn ngược lại, nếu nó nặng đáng kể, thì phải chú tâm nhiều hơn đến vấn đề, bên cạnh vai trò của mỗi cá nhân, hệ thống y tế cần phải được củng cố thế nào.

RFI: Cần tiến hành điều tra dịch tễ thế nào?

BS Trần Tuấn: Liên quan đến các xét nghiệm giúp cho việc phòng chống dịch, chúng ta có hai nhóm lớn. Hai loại xét nghiệm này mỗi loại có chức năng riêng. Đó là test phát hiện “kháng nguyên” (bằng test nhanh hoặc PCR) và test phát hiện “kháng thể”. Test “kháng nguyên” là nhằm nhận diện trong cơ thể người xét nghiệm có virus tồn tại hay không. Kháng nguyên tức các protein của virus, nói chung là như thế. Nếu có kháng nguyên là đang nhiễm trùng, và có khả năng lây nhiễm.

Dùng xét nghiệm kháng nguyên, xét nghiệm PCR, để xác định người dương tính với virus nói lên tốc độ lây nhiễm của virus. Tức chỉ số R0. Khi chúng tôi xác định được đối tượng bị lây nhiễm (ở Việt Nam gọi là “F0”), chúng tôi biết “F0” này có tiếp xúc với bao nhiều người, theo dõi các đối tượng tiếp xúc đó, để xem họ có xuất hiện hay không các dấu hiệu “dương tính” sau đó. Đó chính là để đo khả năng gây lây nhiễm của người mang virus. Xét nghiệm kháng nguyên làm được điều đó. Dùng test kháng nguyên có thể xác định được tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng, để chỉ ra việc áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm đã tốt đến đâu, để có điều chỉnh.

Về phía test kháng thể, nếu làm xét nghiệm kháng thể với một cá nhân, có thể xác định người này đã từng nhiễm virus chưa, và mức độ kháng thể để lại, gọi là “hiệu giá kháng thể” cao thấp thế nào, có thể tiếp tục bảo vệ anh không bị nhiễm trùng trở lại. Có được mức độ kháng thể như thế gọi là miễn dịch. Khi áp dụng xét nghiệm này cho cả cộng đồng, người ta có khái niệm gọi là Miễn Dịch Cộng Đồng. Có nghĩa là ở cộng đồng đó, dịch không còn khả năng xảy ra, khi dân cư trong cộng đồng đạt tỉ lệ miễn dịch cao, khiến virus bị ngăn chặn, không lây lan được. Mức miễn dịch cộng đồng cao bao nhiêu là đủ?

Tôi kiến nghị là nên tiến hành các nghiên cứu này một cách chuyên nghiệp, và nên thiết kế thành các “điểm theo dõi”, chúng tôi gọi là các “sentinel side”, tức là tại đó sẽ tiến hành các nghiên cứu được lặp đi, lặp lại để đánh giá các diễn biến để xem cái tốc độ tiến triển dịch, để phục vụ cho việc điều tra có hệ thống. Các điểm theo dõi này có thể được bố trí tại một số trung tâm như Hà Nội, TP HCM, và nên có các điểm tại tất cả 6 vùng kinh tế xã hội của Việt Nam. 

Về xét nghiệm có thể dùng hai loại test, test “đánh giá nhanh” (để xác định có hay không có kháng thể) và test “định lượng” (có đến mức độ nào). Test kháng thể định lượng cho phép phân loại được kháng thể với protein S và kháng thể với protein N (thường chỉ có ở người nhiễm virus theo con đường tự nhiên). Điều tra bằng xét nghiệm kháng thể định lượng cũng cho phép xác định được “hiệu giá kháng thể”, tức khả năng sinh miễn dịch của vac-xin, bên cạnh “hiệu giá kháng thể” sinh ra ra bằng con đường miễn dịch tự nhiên.

Trong bối cảnh triển khai tiêm chủng trên quy mô lớn, việc điều tra với xét nghiệm kháng thể vẫn là cần thiết để trả lời cho câu hỏi mức độ miễn dịch từ trước đến nay trong cộng đồng, miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhân tạo (tiêm chủng). Về định hướng lâu dài, việc điều tra như vậy cho phép xem xét được hiệu lực của vac-xin được duy trì theo thời gian như thế nào, trong thời gian tới, để có được cơ sở hoạch định chính sách rõ ràng hơn. Hiệu lực vac-xin trong điều kiện thực tế Việt Nam có hiệu lực đến đâu, cũng như việc có cần thiết tiêm chủng hay không “mũi nhắc lại” (thường là mũi thứ ba với đa số vac-xin) trong trường hợp hiệu lực vac-xin giảm nhanh hơn so với báo cáo từ phòng kiểm định xét nghiệm vac-xin của nhà sản xuất. Thông thường khả năng sinh miễn dịch trong cộng đồng khi tiêm chủng bao giờ cũng thấp hơn mức độ miễn dịch khi làm các nghiên cứu khoa học.

RFI: Các điều tra dịch tễ học, trong đó có điều tra với xét nghiệm kháng thể, giúp hiểu gì về dịch bệnh đang diễn ra  Việc thiếu vắng các điều tra dịch tễ bằng kháng thể có hậu quả như thế nào đối với chính sách phòng chống dịch trong thời gian qua?

BS Trần Tuấn: Thông tin hiện tại, theo các xét nghiệm kháng nguyên cho thấy là ở TP HCM tốc độ lây nhiễm nhanh. Tuy nhiên, còn vấn đề mức độ nặng như thế nào, theo tôi các con số chưa cho chúng ta các nhận định đầy đủ. Bởi vì số lượng người chết, ví dụ như bảo bây giờ là hàng trăm (mỗi ngày), nhưng trong những cái chết đó, bao nhiêu là do Covid, còn bao nhiêu là do các bệnh khác, do điều trị không tốt dẫn đến? Mà có thể có những người nhiễm Covid mà qua đời nằm trong số 80% bình thường (tức người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng bệnh), có dương tính với virus nhưng bình thường, chết là chết do các bệnh khác? Phải nói rằng, rất có thể những cái chết hiện nay là do hậu quả gián tiếp của dịch Covid mà thôi, chứ không phải bản thân bệnh này. Hậu quả gián tiếp là gì? Ví dụ như phong tỏa lâu dài quá, thì thiếu ăn, rồi trên cơ sở các bệnh khác. Như một số mô tả cho thấy, đã bị bệnh nặng, mà 6 hay 7 ngày không có gì ăn, rồi nằm co ro, lúc đấy chết có thể là như vậy, chứ chưa chắc đã do Covid, mặc dù xét nghiệm có thể dương tính với Covid. Tại sao nhiều nước có thể làm được chuyện này? Bởi vì “hệ thống sinh tử”, hệ thống record các căn nguyên khi chết, họ làm rất tốt. Cho nên nước Mỹ có thể chỉ ra được các gánh nặng bệnh tật, của từng loại một, kể cả bệnh cúm, tham gia vào bao nhiêu, và chết do bệnh Covid mới này là bao nhiêu.  Ở Việt Nam không làm được như thế, nên tình hình “dịch” (được coi là nặng nề) tại TP HCM hiện nay có thể chỉ là những diễn biến do tình trạng tạm thời gọi là “khủng hoảng” do mức lây nhiễm mạnh của virus, chứ không phải là do mức độ nặng của virus. Virus chưa chắc đã gây bệnh nặng hơn. Độ lây nhiễm và mức nặng, hai chuyện đó là khác nhau.

Có thể bổ sung là, nếu đo lường được tình trạng miễn dịch đã có, thì chúng ta có thể biết là dịch đang dịch chuyển thế nào. Ba tuần nữa, một tháng nữa lại đo lường tình hình dịch. Ví dụ chẳng hạn từ chỗ dân số 20% người nhiễm chuyển thành 40%, thì chúng ta có thể so với diễn biến của số lượng người tử vong kia, lúc đó chúng ta mới có thể có cơ sở để tìm hiểu vấn đề “độ nặng” của dịch. Còn lúc này (căn cứ trên các thông số hiện có), mà kết luận là dịch tại TP HCM rất nghiêm trọng, Covid gây bệnh rất nặng, thì tôi chưa đồng ý. Nhận định như thế chưa đủ thuyết phục. Còn chưa kể đến vấn đề họ có báo cáo đầy đủ số chết và các nguyên nhân tử vong hay không.

Riêng trong trường hợp thiếu điều tra dịch tễ cơ bản với xét nghiệm kháng thể, chính sách phòng chống Covid dễ dàng bị đẩy vào thế bị động và mang tính “bất định”. Người soạn thảo chính sách phòng chống dịch dễ bị lôi cuốn theo các đòi hỏi nhất thời, áp lực của dư luận, vì thiếu căn bản khoa học.

RFI: Xét nghiệm kháng thể trong điều tra dịch tễ học được coi là rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối phó dịch. Vì sao lại có tình trạng gạt loại xét nghiệm này ra khỏi các cơ sở xây dựng chính sách trong thời gian vừa qua?

BS Trần Tuấn: Ở đây tôi muốn nói chính đến vấn đề năng lực và đạo đức của người làm tham mưu, bởi vì chúng ta đều biết là mỗi lĩnh vực đòi hỏi những vấn đề chuyên môn riêng, đúng, chính xác và phù hợp với các hoàn cảnh. Để làm được như thế, thường phải là các chuyên gia ở lĩnh vực đó. Chắc chắn người làm chính sách, người lãnh đạo, bao giờ cũng cần đến bộ phận tham mưu chuyên môn. Những người thuộc bộ phận tham mưu này đã đặt khoa học phòng chống dịch ở đúng tầm hay chưa, đó là cái then chốt cho sự thành công của chính sách.

Tôi cho rằng trong việc phòng chống dịch ở Việt Nam hiện nay, quyết tâm của các nhà lãnh đạo là lớn, là có, là rất đáng trân trọng trong thời gian vừa qua. Nhưng mà bộ phận tham mưu, tôi thấy rằng, chưa đạt được yêu cầu, do đó mà dịch bệnh, và việc phòng chống dịch có những vấn đề còn tồn tại. Ngay cả đến khi lãnh đạo đặt yêu cầu cho Tổ tư vấn Chiến lược, như tôi thấy ở TP HCM, thì khi đọc báo cáo của Tổ tư vấn Chiến lược, chúng ta thấy ngay rằng thiếu việc nhìn nhận vai trò của cái test đánh giá thực trạng hiện tại, đặc biệt là về vấn đề “Miễn Dịch Đã Đạt Được”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh chính sách trong thời gian tới đây. Trong báo cáo của Tổ tư vấn này, không thấy thể hiện được là họ đã nhận diện được đúng vai trò cần sử dụng của test kháng thể, để đánh giá mức độ “Miễn Dịch Đã Đạt Được” tại TP HCM, kết hợp với các thông tin khác để giải thích được tình trạng hiện tại, làm cơ sở cho việc định hướng tương lai. Tôi có thể nói rằng những thiếu hụt trong việc sử dụng test kháng thể hiện nay đòi hỏi phải có chuyên gia đủ tầm nằm trong bộ phận tham mưu, để có thể khuyến cáo cho lãnh đạo. Theo tôi, sự thiếu hụt này là do vai trò của bộ phận tham mưu.

RFI: Xin cảm ơn Bác sĩ Trần Tuấn.

Ghi chú:

(*) “Việt Nam: Cách phòng chống không thích ứng với đợt dịch Covid mới”, RFI 02/08/2021.

(**) “Covid – Việt Nam: Y tế phía Nam quá tải, nhiều "F0" không cứu kịp”, RFI 07/08/2021.

(**) Kết quả cuộc điều tra dịch tễ quốc gia lần thứ tư tại Ấn Độ, do Indian Council of Medical Research (ICMR) thực hiện với xét nghiệm kháng thể, công bố cuối tháng 7/2021, cho thấy khoảng 900 triệu dân Ấn đã nhiễm SARS-CoV-2, gấp khoảng 30 lần so với số ca nhiễm chính thức. Đầu tháng 7, điều tra do CDC Hoa Kỳ hỗ trợ tại vùng thủ đô Jakarta (Indonesia) với xét nghiệm kháng thể cho thấy gần một nửa dân cư đô thị hơn 10 triệu dân này đã nhiễm virus, gấp hơn 5 lần so với số chính thức.

 

MINH BẠCH VÀ THỰC THÀ VỚI DÂN

FB Vu Kim Hanh

Phải nói là càng ngày mình càng thương người dân Sài Gòn đứt ruột. Dù nhỏ lớn mình sinh ra và vẫn sống ở đây. Những con số tử vong lạnh lùng không làm mình đau đớn và tím tái trong lòng bằng những câu chuyện thật về những trường hợp ra đi của nhiều người thân và quen.

Cách đây hơn tuần, khi mình vào còm ở trang một bằng hữu về vc, có một ông thầy giáo dạy Đại học nhảy vô bình một câu: “Thôi, chị phải biết, đã đến bước đường cùng rồi, có vc cứu mạng là may, kén cá chọn canh chi nữa”. Mình kiên nhẫn với cái anh này đã lâu, đụng tới Sino xa gần anh ta đều nhảy ra nói lê thê thiếu điều chiếm luôn trang nhà người ta. Thế là sau câu “bước đường cùng” đó, mình block luôn anh ta. Vì nói như vậy, khác gì xúi người ta hỏi tiếp: ai đẩy tui tới bước đường cùng, anh và gia đình anh chích thuốc gì…

Gần đây mình không nói chuyện vc nữa vì biết là FB nó sẽ bóp cổ mình tức thì (nó đã làm 2 trận liên tiếp rồi, dù mình chỉ nhắc qua). Còn nhiều chuyện khác cần nói và mình tin dân SG không ngu không hèn, nên mình lảng sang chủ đề khác. Nhưng hôm qua, nghe chuyện ở ngay SVD Tao Đàn quận 1. À, thế đấy, lại có một viên chức cầm loa tay nói “Giờ có thuốc chích là may rồi, muốn đòi hỏi gì nữa?”, đúng y chang câu khó nghe trên…

Không phải người dân bỏ về vì nghe câu chối tai đó, đừng tưởng dân “nhạy cảm” thôi, không, đó chỉ là giọt nước cuối cùng tràn một cái ly đã đầy. Đó là chữa cháy bằng xăng. Làm nghề thông tin, mình thường “ khảo sát” cách đưa tin các báo, nhất là mấy báo “ngoan” để đoán ra sự thực. TP nhận được 44.000 liều VC chuẩn bị tiêm cho dân. Báo nào cũng nói thế, giấu tiệt tên VC, trong khi có Pfizer thì là cứ dí sát mặt người đọc? Rồi sao lại có tới mấy chỗ nửa chừng hết thuốc Astra? Chuẩn bị kiểu gì bất cẩn vậy, vô tình sao cùng nửa chừng hết thuốc giống nhau vậy? Mình nghĩ, báo chí muốn ngoan cũng phải khôn, và luôn phải liệu hồn. Có tin đưa từ chính sách tiêm chủng quốc gia Singapore, mình nghi sai, phải tra cứu lại, thì báo đăng không đúng thật, hay ít nhất là không cập nhật. Dân họ không ngu ngơ đâu, nhất là dân Sài Gòn siêng đọc, nên cứ đưa tin không đúng, coi chừng “nghiệp quật”.

Ngay sau hôm qua, ông bí thư Nguyễn Văn Nên đã phải nói với dân. Ít nhất là như vậy. Phải nói trước với dân là tiêm thuốc gì và người dân nghe rõ rồi thì tùy ý lựa chọn. Bằng một số kênh riêng, tôi biết các anh lãnh đạo TP biết hết, dự báo được hết lòng dân Sài Gòn và cả lựa chọn của họ. Tính mạng họ, họ phải biết quý hơn bất kỳ ai chứ? Và minh bạch với dân vậy là chọn lựa đúng.

Tôi có biết một group chuyên đi tuyên truyền cổ cũ vc tàu, có cả các nhà báo quen tên và họ viết bài gần đây đều theo hướng đó. Người khéo léo thì nói (không loại trừ có người không liên quan group cũng nghĩ vậy) “mũi tiêm tốt nhất là mũi tiêm sớm nhất”. Và trong nội bộ group, cũng có những kiểu sỗ sàng: “thì tại mấy đứa KOL cứ xúi dân đừng tiêm, phải cấm cửa bọn đó”. Lại thòi ra cái đuôi khinh dân rồi. Cứ đến hỏi mấy người dân quận 1 hôm qua, có ai bỏ về vì bị FB xúi bẩy không? Theo tôi thì trái lại, sự không minh bạch, không tôn trọng dân mới chính là một cách xúi họ “dị ứng” với vc tàu mạnh nhất.

Nên mình thông cảm sau đợt chần chừ ngần ngại vừa rồi, hình như vì bị dân phản ứng dữ quá, nhưng, như gặp phải trò chơi “ô tô đụng”, vòng quanh một hồi, rồi cuối cùng cũng tới đích. Cạn ao thì bèo tới đất. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, chứ biết sao?

Vì vậy, mình muốn nói lại một điều xưa cũ, mà vì nó khó thực hiện nên dù xưa cũ vẫn phải nói “dai như giẻ rách”: Hãy minh bạch và thực thà với dân. Có công khai mới có công bằng và công tâm. Hãy biết tôn trọng dân, cũng là biết tự trọng, vậy thôi.

Hơn lúc nào hết, người dân đã đủ thông tin để lựa chọn cái sống cái chết cho chính họ và gia đình họ. Thấy thông tin nào hay, thậm chí chuyện những nơi tiêm chủng vc tàu rất "êm", thì kể cho họ nghe, lý giải cho họ biết, mà phải rất thực thà.

Ai đó sẽ bật cười, bà này điên, làm chính khách mà xúi họ thật thà. Thì “điên” mới nói vậy, nghe hay không thì tùy.

Mấy hôm nay, nhiều tin nhắn đã inbox cho tôi hỏi rất thấy thương. Em suy nghĩ kỹ rồi, em chích vc tàu rồi, nhưng mai mốt có điều kiện, em chích thứ khác của Âu Mỹ cho chắc ăn hơn, được không cô? Cô ơi, thông tin minh bạch về VC nhập, phân bổ cho các nơi, Bộ Y Tế đang đăng ở đâu, con cần đọc để thuyết phục cả nhà con đi tiêm. Phường con dọa sẽ bắt nhốt nếu không đi tiêm (tiêm gì lúc này, cô biết rồi), họ nói vậy mà dám làm thiệt không cô? Cô có biết trường hợp nào lãnh đạo chích thuốc tàu không cô, chắc có mà sao không ai nói hết?

Tôi tin còn nhiều câu hỏi thắc mắc nữa. Dân Sài Gòn “có sao nói vậy”. Đó, những thắc mắc đó, quí vị đối đáp đi, đừng tung hỏa mù, hay nói nửa sự thật với dân nữa.

Lãnh đạo TP đã có những lời nói minh bạch với dân. Và ai nói thật, dân cũng biết hết chứ. Hãy luôn là như vậy, cố gắng dần dần là như vậy.

clip_image008

Một tấm bảng ghi rõ loại vc được tiêm tại một trường học.

clip_image010

Thông báo rõ với dân (ảnh báo Thanh Niên)

TÚI THUỐC ĐIỀU TRỊ FO VÀ HUY ĐỘNG 4000 NHÀ THUỐC Ở SÀI GÒN VÀO CUỘC

FB Lưu Trọng Văn

Ông Lương Ngọc Khuê cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh bộ Y tế nói:

"Để quản lý ca nhiễm tại nhà, vấn đề sử dụng thuốc ở gia đình cũng rất quan trọng. Hiện Bộ Y tế có chiến lược cấp các túi thuốc an sinh cho các gia đình”.

Gã cho rằng việc bộ Y tế cấp túi thuốc an sinh có thể hiểu là túi thuốc cùng chỉ dẫn của nó điều trị FO tại nhà cho các gia đình.

Nếu bộ Y tế làm ngay việc này thì tạo được thế chống dịch tích cực cho các vùng đỏ hiện nay.

Trong khi chờ các túi thuốc của bộ Y tế, gã nghĩ hiện TP.HCM có khoảng 3000-4000 nhà thuốc. Bộ Y tế và lãnh đạo TP cần huy động lực lượng dược sĩ và các nhà thuốc này vào chống dịch. Họ sẽ làm sẵn các gói thuốc theo phác đồ chỉ dẫn chữa FO hoặc những người bị dương tính cũng như có triệu chứng bị nhiễm virus, người nhà bệnh nhân chỉ cần mua gói thuốc đó để tự chữa tại nhà.

Bên cạnh đó các gia đình nên mua các gói thuốc đó để sẵn trong tủ thuốc gia đình để không bị lúng túng khi trong nhà có người có triệu chứng bệnh.

Việc người dân có sẵn những túi thuốc với chỉ dẫn chữa bệnh, nếu có triệu chứng dập ngay lập tức sẽ tạo sự yên tâm và sự chủ động cho người dân.

 

“KHI BÓP BÓNG CHO BỆNH NHÂN, EM CẦU NGUYỆN CHO BỆNH NHÂN RỒI ĐỘNG VIÊN CHÍNH MÌNH!”

Bệnh viện Chợ Rẫy

Đôi mắt Ức My Sa – Điều dưỡng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy rưng rưng khi nói về cảm xúc trong hành trình vận chuyển bệnh nhân COVID -19.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong những ngày này, bệnh nhân COVID -19 nặng liên tục được chuyển đến. Bất kể ngày đêm, mọi thứ cứ như mặc định, liên tục, nhanh chóng, khẩn trương chỉ với mục tiêu duy nhất: cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt.

Trong khu phòng bệnh COVID -19 của khoa Cấp cứu, 18 giờ 45, mặc xong bộ đồ bảo hộ, điều dưỡng Ức My Sa bắt đầu bước vào ca trực của mình. Trước dịch, mỗi ngày khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 300 – 400 bệnh nhân. Nay dịch bệnh bùng phát, lượng bệnh nhân ngày càng đông hơn, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy buộc phải phân tán toàn bộ khoa Chấn thương sọ não để giải áp cho khoa Cấp cứu. Đêm đến, toàn bộ khuôn viên của khoa Chấn thương sọ não chính là nơi tiếp nhận bệnh nhân của khoa Cấp cứu!

“Mỗi ngày, chúng em làm việc 12 tiếng đồng hồ. Hôm nay em làm ca tối, sau khi nhận bàn giao xong, chúng em bắt đầu kiểm tra dụng cụ và mọi thứ liên quan như theo dõi tình trạng của bệnh nhân trong khu cách ly, từ bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng đến bệnh nhân thở máy, thở oxy… Sau đó, chúng em sẽ ghi thông tin vào hồ sơ và báo bác sĩ ngay khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu bất thường. Có lần, em làm trong buồng bệnh cách ly, nơi có hai bệnh nhân nặng. Khi em đang chăm sóc cho bệnh nhân này thì bệnh nhân kia ngưng tim, ngưng thở, nên em vừa gọi cấp cứu bên ngoài, vừa tự xử lý cho bệnh nhân. Bên ngoài bệnh rất đông, các anh chị đồng nghiệp cũng chạy liên tục. Trong lúc xử lý cho bệnh nhân và đợi bác sĩ đến, em cũng lo lắm, cứ sợ bệnh nhân có chuyện gì nên em vừa động viên mình “cố lên” vừa cầu nguyện cho bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch. Đến khi bệnh nhân tỉnh lại, tụi em vừa mừng vừa run” – giọng điều dưỡng Ức My Sa ngắt quãng.

Ngoài nhiệm vụ chăm sóc và theo dõi bệnh nhân, chuyển bệnh trong khu điều trị của Bệnh viện Chợ Rẫy, Ức My Sa cùng các điều dưỡng còn có nhiệm vụ chuyển bệnh đến các bệnh viện điều trị COVID-19 như Bệnh viện hồi sức COVID -19, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện dã chiến số 6… Do lượng bệnh nhân nặng chuyển đến liên tục, nên số lượng nhân sự trong một ê-kíp chuyển bệnh phải linh động theo tình hình thực tế. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp, điều dưỡng sẽ phụ trách chuyển bệnh. Khi có những ca bệnh rất nặng, sẽ có bác sĩ cùng tham gia.

“Có những đêm chuyển bệnh nhân nặng qua Bệnh viện hồi sức COVID -19, em cũng lo lắm. Trước khi đi, em cũng đã chuẩn bị thuốc men, đo sinh hiệu thật kỹ và em cũng dặn anh tài xế trên xe cấp cứu lúc nào cũng đầy đủ oxy… Dọc đường đi, em ngồi bên cạnh bệnh nhân, quan sát bệnh nhân từ đầu tới cuối. Có lần có bệnh nhân đột ngột trở nặng trên đường đi, là người trực tiếp bóp bóng cho bệnh nhân, em tự nhắc mình phải thật bình tĩnh bóp bóng đúng để bệnh nhân được đến nơi an toàn. Khi bệnh nhân ổn định trở lại, thoát qua cơn nguy hiểm và được tiếp nhận chuyển lên buồng bệnh an toàn, em thấy vui lắm” – giọng Ức My Sa nghèn nghẹn.

Khi được hỏi “Có sợ không khi làm công việc áp lực và nhiều nguy cơ như vậy”, My Sa cười hiền, ánh mắt ẩn chứa một niềm tin trong trẻo: “Trong đợt dịch này, em thấy các bác sĩ điều dưỡng ai cũng tham gia chống dịch để góp một phần nào đó mang lại cuộc sống bình thường cho mọi người. Tụi em thì mỗi ngày, từ lúc nhận ca là tụi em mặc bảo hộ suốt, cách khoảng 6 tiếng thì ra uống nước một lần rồi lại vào tiếp tục công việc. Vậy nên mỗi lần về nhà mệt mỏi không làm gì nổi, nhưng mà tụi em vẫn tin là thành phố sẽ sớm bình thường trở lại. Em cũng sợ bị nhiễm bệnh, nhưng mà nếu cứ nghĩ tới nỗi sợ ấy hoài thì ai sẽ tiếp tục chăm sóc và điều trị cho người bệnh!?”.

Chúng tôi ra về khi kim đồng hồ cũng bắt đầu chuyển ngày. Và bên trong buồng bệnh, điều dưỡng Ức My Sa cùng các đồng nghiệp đang chuẩn bị chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 đến bệnh viện khác. Nhanh chóng và khẩn trương, các nhân viên y tế đang chuẩn bị cho một hành trình an toàn để chuyển bệnh. Ức My Sa vẫy tay chào chúng tôi với đôi mắt biết cười: “Em thích làm việc ở môi trường năng động, được học hỏi và được trưởng thành. Em yêu thích công việc này nên em chọn ở đây. Vì ở xa gia đình, mùa dịch, đi làm về mệt nên thỉnh thoảng cũng tủi thân nhưng em thường được mẹ gọi điện thoại động viên dặn giữ gìn sức khỏe thì mới làm tốt được công việc, mới giúp được mọi người. Vậy nên cứ mỗi lần chuyển bệnh thành công, đưa được một bệnh nhân đến nơi an toàn thì em cũng thấy ấm áp và nhẹ lòng”!

clip_image020

clip_image022

clip_image024

clip_image026

KINH NGHIỆM ‘SỐNG CÒN’ TỪ BÀ MẸ TRẺ GIÚP 6 NGƯỜI TRONG GIA ĐÌNH VƯỢT QUA COVID-19

Nguyễn Loan – Thanh Niên, 14/8/2021

6 người trong gia đình đều bị nhiễm Covid-19, đặc biệt là mẹ chị đã 80 tuổi. Là người khỏe nhất, chị Nguyễn Thanh Mai chăm sóc, vực dậy tinh thần và liên lạc với bác sĩ để giúp mọi người vượt qua Covid-19.

clip_image028

22 ngày cố gắng, giúp cả 6 người trong gia đình chị Mai về 1 vạch

NVCC

Bất ngờ khi cả nhà đều ‘hai vạch’

“Khi mọi sự đã xong, nhìn cả 6 que thử đều một vạch, mọi người đã vượt qua Covid-19 thì đêm mình lại mất ngủ. Lúc này mới có thời gian nghĩ tới bản thân và thấy sợ khi nghĩ lại hành trình 22 ngày qua”, chị Thanh Mai (36 tuổi, CEO Anh Minh Gift, Q.8) bắt đầu câu chuyện của mình.

Giữa tháng 7, hai đứa con của chị (11, 13 tuổi) lần lượt bị sốt, nhưng nhìn lũ trẻ vẫn chơi đùa ăn uống bình thường nên chị không hề nghĩ tới Covid-19. Hai ngày sau đó, thấy con vẫn tiếp tục sốt nên chồng chị ở nhà đã tự test thử, không ngờ hai vạch.

“Lúc đó, mình đang đi khảo sát ở quận 8 để làm ATM gạo, đến chiều đang chạy ngoài đường để lo mọi việc thì nhận được điện thoại của người nhà thông báo hai đứa nhỏ đã dương tính với Covid-19, mình thất thần, hoảng hốt. Mình không nghĩ tới bản thân mà lo cho mọi người trong gia đình khi mẹ đã 80 tuổi”, chị Mai chia sẻ.

Nhưng chị sau đó nhanh chóng lấy lại tinh thần, bàn giao hết mọi việc rồi vội vã chạy về nhà. Việc của chị đầu tiên là kiểm tra lại sức khỏe, tình trạng của con. Vào ngày thứ 6, lần lượt từng người trong gia đình từ mẹ, đến chồng, chị gái và bản thân chị đều dương tính. Mọi người người rất lo lắng và căng thẳng.

Đặc biệt, mẹ chị là người khá “tối cổ”, không chịu hợp tác. Bà bị sốt cao sau đó bỏ ăn, không chịu uống thuốc, súc miệng nước muối và mất tinh thần. Đến ngày thứ 6, bà bắt đầu bị sốt cao không hạ, thở mệt.

“Khi đo nồng độ oxy của mẹ còn 82-83 lòng mình rối bời. Gọi cho bác sĩ tư vấn xem có nên đi cấp cứu không mà khi nghe tiếng bác sĩ bên kia đầu dây mình nói không nên lời, nấc nghẹn. Trước tình hình của mẹ, mình quyết họp gia đình lại nói hết mặt ưu điểm mặt hạn chế, nói với mẹ tâm tư nguyện vọng và tình hình dịch bệnh hiện tại.

Mình nói rằng con đã làm hết tất cả những gì con có thể làm, từ máy móc thiết bị, bác sĩ thăm khám, thuốc men, đến việc lo đồ ăn thức uống… Những gì con có thể làm trong khả năng thì con đã làm hết rồi. Việc còn lại là ở mẹ. Mẹ phải khỏi và phải mạnh mẽ lên, vì con vì cháu mà vượt qua. Nếu tự bản thân mẹ không cố gắng để vượt qua thì không ai có thể giúp mẹ. Giờ lỡ mẹ chuyển biến nặng, phải nhập viện thì con cháu cũng không thể vào chăm sóc được”, chị Mai nói.

clip_image030

Là người khỏe nhất trong gia đình, chị Mai cố gắng bình tĩnh xử lý mọi tình huống, động viên mọi người 

NVCC

Tinh thần là mấu chốt quan trọng

Chồng chị sau đó cũng trở nặng, nằm li bì trong phòng riêng. Là người khỏe nhất, dù có lúc rất mệt mỏi nhưng chị Mai cố gắng không để bản thân bị đánh gục. Chị liên lạc với các bác sĩ chuyên khoa, cả đông y lẫn tây y. Trong khi bác sĩ đông y hỗ trợ các loại thuốc xông, cách pha nước uống, những bài tập thở đúng cách và xử lý các tình huống khi thở mệt… thì bác sĩ tây y tư vấn và lên đơn thuốc cho từng người.

“May mắn, từ bạn bè người quen mình liên hệ được với 8 bác sĩ chuyên khoa, đều có kinh nghiệm. Nhiệm vụ của mình là theo dõi tình trạng sức khỏe, nồng độ oxy của từng người trong gia đình sau đó báo cáo chi tiết với bác sĩ mỗi ngày.

Đặc biệt, khi mẹ và chồng trở nặng mình liên hệ bác sĩ liên tục, có khi nửa đêm còn nhắn tin, gọi điện nhờ tư vấn. Họ không chỉ tư vấn, hỗ trợ thuốc còn chỉ cách đo oxy trong máu sao cho đúng, chỉnh máy oxy sao cho phù hợp… Thật sự, mình rất biết ơn các bác sĩ đã hỗ trợ gia đình gần nửa tháng qua, nếu không có họ có lẽ gia đình mình khó lòng bình an mà vượt qua được Covid-19 như vậy”, chị Mai chia sẻ.

Một điểm mấu chốt quyết định đến việc sống còn của cả gia đình nữa, theo bà mẹ trẻ này chính là tinh thần tích cực của mỗi người. Những ngày đầu khi nhận tin bị Covid-19, hầu hết mọi người trong nhà đều hoang mang, mất tinh thần. Dù bản thân cũng rất lo lắng nhưng chị phải cố gắng lấy lại bình tĩnh để động viên, chia sẻ với mọi người.

Trong khi chị lo vấn đề sức khoẻ, liên lạc với bác sĩ thì chị gái đảm nhận việc nấu nướng, ăn uống cho mọi người. Mỗi bữa ăn, đều cố gắng có đầy đủ món và thay đổi thực đơn đa dạng mỗi ngày, ăn đầy đủ từ rau củ, thịt cá, trái cây, uống thêm nước ép, bổ sung vitamin… Có những lúc, mọi người đều mất vị giác, khứu giác dù ăn không ngon nhưng chị đều đặt ra chỉ tiêu để mỗi người đều hoàn thành phần ăn của mình với tinh thần “có thực mới vực được đạo”.

Đặc biệt, vì nhà khá rộng nên chị để cửa nhà thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày, đồng thời lên lịch vận động tập luyện phù hợp cho từng người, tránh tình trạng nằm li bì trong nhiều giờ liền.

Ngoài ra, trong thời gian cả nhà bị bệnh, chị Mai cũng “cấm cửa” việc mọi người tiếp cận những thông tin tiêu cực từ mạng xã hội. Tất cả chỉ việc sinh hoạt bình thường, ăn uống và nghỉ ngơi, vận động điều độ, đồng thời thực hiện chăm sóc sức khoẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nhờ vậy, dù mọi người đều phải trải qua hầu hết các triệu chứng của bệnh từ sốt, ho, mất khứu giác, vị giác… nhưng sau hơn 15 ngày lần lượt từng thành viên trong gia đình dần bình phục. Riêng chồng và mẹ chị đều trở nặng khi sốt cao liên tục, nồng độ oxy trong máu giảm, ho mạnh, có lúc khó thở… nhưng sau đó cũng chiến thắng được bệnh.

“Mới đây, mình vừa thực hiện test nhanh lại cho tất cả mọi người, nhìn 6 que thử đều một vạch mà vui muốn khóc. Đây đã là lần thứ 3 cho kết quả âm tính, xem như cả gia đình đều đã vượt qua được giai đoạn sóng gió.

Mình muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: Nếu không may bị lây nhiễm, để vượt qua Covid-19 việc đầu tiên là phải bình tĩnh. Có bình tĩnh mới sáng suốt để xử lý được mọi tình huống, và tự bản thân mọi người phải cố gắng, đừng buông xuôi hay mất tinh thần. Việc phát hiện bệnh sớm cũng rất quan trọng, giúp chúng ta chủ động đối phó ngay từ đầu, không để bệnh chuyển tiến nặng”, chị Thanh Mai nhắn nhủ.

BAN GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN CHỢ RẪY VÀ ĐẠI DIỆN TÒA TỔNG GIÁM MỤC THĂM CÁC TU SĨ PHỤC VỤ BỆNH NHÂN COVID

Bài & Ảnh: Sơn Nữ, SPC – TGP Sài Gòn, 14/8/2021

clip_image032

TGPSG– “1 bác sĩ khám 5 bệnh nhân, có thể gánh thêm 10 bệnh nhân cũng được, nhưng nếu thiếu lực lượng Tình Nguyện Viên (TNV) này là thua, bệnh viện không hoạt động được”. Tiến sĩ Bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – đã chia sẻ như trên trong buổi gặp gỡ các TNV Tu sĩ vào lúc 15g30 ngày 13-8-2021. Sau 3 tuần các Tu sĩ và các TNV lên đường phục vụ bệnh nhân covid-19 tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức), Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại diện Tòa Tổng Giám mục đã đến thăm hỏi và động viên tinh thần các tu sĩ đang phục vụ tại đây.

clip_image034

Mở đầu cuộc gặp gỡ, TS. BS Nguyễn Tri Thức cho biết tuần trước đã có một buổi gặp gỡ các TNV, sau thời gian các TNV công tác ở bệnh viện. Tất cả lực lượng cộng tác tại đây đều quan trọng, tất cả như một đội bóng, riêng bác sĩ đóng vai trò tiền đạo, khi ghi bàn thì người ta chỉ nhớ đến tiền đạo, nhưng muốn có bàn thắng cần phải có tiền vệ, hậu vệ và tất cả mọi lực lượng.

clip_image036

TS.BS Tri Thức khẳng định: “Nếu như không có lực lượng TNV, cụ thể là các tu sĩ, thì ngay cả đại giáo sư hay máy móc hiện đại thế nào cũng không thể hoạt động được”. TS.BS đã đưa ra ví dụ cụ thể: “Nếu bệnh nhân đi vệ sinh thì bác sĩ không thể làm gì được, vì có nguy cơ nhiễm trùng, vì thế tầm quan trọng của TNV cực kỳ quan trọng”.

TS. BS cũng nói lên niềm ưu tư lo lắng khi biết một nửa TNV sẽ rút về sau 1 tháng tham gia. Lý do mà TS. BS lo lắng là: “1 bác sĩ khám 5 bệnh nhân, có thể gánh thêm 10 bệnh nhân cũng được, nhưng thiếu lực lượng TNV này là thua, bệnh viện không hoạt động được”.

clip_image038

Sau khi cảm ơn linh mục (Lm) Giuse Đào Nguyên Vũ – Đại diện Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, TS.BS Tri Thức đã đánh giá rất tốt về hoạt động của các TNV Tu sĩ. Những hoạt động ấy không chỉ giúp ích nhiều cho bệnh nhân, mà còn đóng góp vai trò cực kỳ to lớn cho chủ trương chung của nhà nước, cùng với ngành y tế chăm sóc các bệnh nhân cách tốt nhất để giúp giảm tốt đa tỉ lệ tử vong. Sau khi tham khảo nhiều ý kiến của các khoa, TS. BS cũng cho biết các khoa đánh giá rất cao. Có bệnh nhân đã nói: “Tình Nguyện Viên” là “Phao cứu sinh”.

Tiếp sau những chia sẻ của TS.BS Tri Thức, Lm Giuse đã cảm ơn bệnh viện, cảm ơn từng bác sĩ, từng điều dưỡng, cảm ơn các bệnh nhân, vì qua những chia sẻ của các tu sĩ, chúng tôi học được rất nhiều; học biết và chứng kiến được những khổ đau mà trước đây chỉ nghe nói, bây giờ đã được chạm đến. Chúng tôi cũng có cơ hội được trở thành 1 chuỗi mắt xích trong cả một quy trình chữa lành. Chắc chắn các tu sĩ sẽ không bao giờ quên chuyến phục vụ này. Chúng tôi biết ơn chính quyền, các y bác sĩ, sở y tế và các ban ngành đã tạo điều kiện để các Tu sĩ được phục vụ. Đây chỉ là bước khởi đầu, hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hướng phục vụ mà các tu sĩ có thể dấn thân trong nhiều lãnh vực để phục vụ con người. Chúng tôi ở trong Giáo hội dù thuộc cấp bậc nào đi nữa thì niềm vui và hạnh phúc vẫn là "có được cơ hội phục vụ". Sau gần một tháng làm việc mà thấy các tu sĩ vẫn hăng hái, đam mê phục vụ là an tâm rồi.

clip_image040

Lm Giuse cũng thay lời Đức Tổng Giuse cảm ơn các anh chị em tu sĩ đã làm cho khuôn mặt đầy yêu thương của Chúa luôn hiện diện khắp nơi. Ngài cũng khuyến khích các tu sĩ: Nếu có thể tiếp tục thì hãy tiếp tục vì đây là cơ hội tốt để chúng ta trao tặng, dấn thân và dâng hiến. Chúng ta đã thấy sự hiện diện của chúng ta mang lại rất nhiều ích lợi cho chính bản thân mình, đó là cảm nghiệm được tình yêu dâng hiến qua chính việc phục vụ các bệnh nhân Covid.

ThS. BS Phạm Thanh Việt – Phó Giám đốc – đã báo cáo chi tiết hơn về tình hình chữa trị bệnh nhân covid trong bệnh viện để mong nhận được thêm sự hỗ trợ từ các TNV cho thời gian tới: “Tới đây, bệnh viện hoạt động 700 giường để phục vụ bệnh nhân trong giai đoạn hồi sức cấp cứu. Chúng ta phục vụ từ "thời kỳ sơ khai" đến nay, nguồn hoạt động đã chạy tốt. Theo bác sĩ Thanh Việt các tu sĩ đang phục vụ rất cực, bởi vì dự kiến 700 giường cần phải có 300 tu sĩ nhưng hiện nay chỉ có 160 tu sĩ, nên công việc của các tu sĩ hiện rất căng thẳng, vì số lượng người chưa đủ theo cơ chế. Nhân lực hồi sức nặng gấp ba nhân lực bình thường, một ngày ba ca, phục vụ bệnh nhân nhiễm covid nặng hơn bệnh nhân thường. ThS. BS Phạm Thanh Việt cũng trình bày nhu cầu thực tế để mong Tòa TGM/TGPSG tiếp tục hỗ trợ nhân sự, giúp cho bệnh nhân ở đây được hồi phục nhanh để về với gia đình. Ước mong các tu sĩ đang phục vụ hãy tiếp tục ở lại, chính các tu sĩ đã tạo ra “lối đi”, mọi việc đã quen.

clip_image042

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Oanh là người trực tiếp làm việc với các TNV chia sẻ: “Ngày đầu chưa có các Tu sĩ, bước chân vô bệnh viên thật là kinh hoàng, nhưng từ khi có các Tu sĩ mọi thứ đã vào trật tự, đem đến một bộ mặt khác hẳn cho các khoa. Không chỉ các khoa phòng được thay đổi mà các bệnh nhân cũng được hưởng rất nhiều "lợi ích" từ sự chăm sóc của các Tu sĩ".

clip_image044

Sau khi nghe Ban Giám đốc và vị đại diện TTGM trao đổi, nữ tu Loan Anh đại diện những tu sĩ trình bày lí do không thể tiếp tục ở lại để phục vụ: “Thực sự, các sơ không muốn về khi bệnh nhân nhiễm covid còn trong bệnh viện, nhưng vì các trường học đã có lịch khai giảng khóa học online nên một số sơ phải về. Có những sơ thấy thời gian sắp “bị” về đang đến gần đã thốt lên: “Buồn quá!”.

clip_image046

Tiếp lời người chị em, nữ tu Maria Thu Nguyệt chia sẻ: Sau buổi họp với Ban Giám đốc về, anh chị em TNV đã ngồi lại với nhau xem nên tiếp tục ở lại hay về thì tất cả đều ước mong được ở lại. Riêng nhóm chị (11 nữ tu Bác Ái Vinh Sơn) đã gọi điện thoại xin bề trên để được tiếp tục. Bề trên đã cho phép và viết đơn gửi Tòa Giám mục xin cho các chị được phục vụ thêm 1 tháng nữa. Khi nhận được tin từ văn phòng Tu sĩ chấp thuận, các chị mừng ơi là mừng”.

clip_image048

Buổi gặp gỡ trao đổi diễn ra trong bầu khí chân tình, tất cả mọi người đều mong sao cho các bệnh nhân nhiễm Covid được chữa trị các tốt nhất. Kết thúc buổi gặp gỡ, Linh mục Giuse đã đến thăm nơi lưu trú của TNV các Tôn giáo tại nhà thiếu nhi Q.9, TP Thủ Đức.

clip_image050
Lm Giuse Đào Nguyên Vũ – Đại diện Tòa TGM thăm các TNV

clip_image052
Các Tu sĩ , một số vừa xong ca trực, một số chuẩn bị vào ca đón Lm Giuse trong niềm vui

clip_image054

clip_image056

“Ở đâu có Tu sĩ ở đó có niềm vui”, lời mời gọi của Đức Thánh cha Phanxicô đang được thể hiện tại nơi đây. Được phục vụ, được chia sẻ và được dâng hiến cho Đức Kitô qua từng bệnh nhân là sứ mạng mà chính từng tu sĩ đã và đang cảm nhận.

 

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Tứ đại đồ điện mùa dịch

clip_image058

Comments are closed.