Sài Gòn – Những ngày phong thành (56)

*Ngày 31-8, TP HCM và Bình Dương giảm gần 2.000 ca nhiễm mới

https://nld.com.vn/suc-khoe/ngay-31-8-tp-hcm-va-binh-duong-giam-gan-2000-ca-nhiem-moi-20210831170555861.htm

*Đề xuất tiêm vắc xin cho hơn 640.000 học sinh TP.HCM

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/de-xuat-tiem-vac-xin-covid-19-cho-hon-640-000-hoc-sinh-tp-hcm-770754.html

*TP HCM cần khoảng 8.145.900 liều cho 4 giai đoạn tiêm vắc-xin Covid-19

https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-can-khoang-8145900-lieu-cho-4-giai-doan-tiem-vac-xin-covid-19-20210831183104074.htm

*’Đi chợ hộ’ vào cuộc, sẵn sàng giao 100.000 combo nông sản giá 100.000 đồng ở TP.HCM

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/di-cho-ho-vao-cuoc-san-sang-giao-100000-combo-nong-san-gia-100000-dong-o-tphcm-1442451.html

*TP HCM: Dừng cấp giấy nhận diện có mã QR từ 1-9

https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-dung-cap-giay-nhan-dien-co-ma-qr-tu-1-9-20210830225045799.htm

*Thủ tướng: Thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội ‘ai ở đâu ở đó’ dịp Quốc khánh 2/9

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-thuc-hien-nghiem-ngat-gian-cach-xa-hoi-ai-o-dau-o-do-dip-quoc-khanh-2-9-770785.html

*Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Lùi năm học mới tại những tỉnh dịch Covid-19 phức tạp

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-truong-nguyen-kim-son-lui-nam-hoc-moi-tai-nhung-tinh-dich-covid-19-phuc-tap-20210831092714714.htm

THÔNG ĐIỆP HY VỌNG CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN NĂNG

FB Tổng giáo phận Sài Gòn

Ngày 31-08-2021

Thư gửi gia đình Tổng giáo phận

“HÃY NẮM GIỮ NIỀM HY VỌNG DÀNH CHO CHÚNG TA” (Dt 6, 18)

Kính thưa quí cha và anh chị em,

Người dân Sài Gòn đã qua ba tháng giãn cách xã hội, từ nghiêm ngặt tới rất nghiêm ngặt, hy vọng sớm kiểm soát dịch bệnh lây lan. Chúng ta mong đợi từng ngày, nhưng tới hôm nay tình hình vẫn còn nguy cơ rất cao. Số ca lây nhiễm vẫn tăng lên, nhất là trong tháng 7 và tháng 8, và vì thế từ mấy tuần qua, con số tử vong mỗi ngày là vài trăm. Dịch bệnh kéo dài, rất nhiều gia đình ngày càng thiếu tiền bạc, thiếu của ăn. Virus đã vào trong nhà chúng ta và cướp đi sinh mạng những người thân yêu. Khó khăn thử thách giờ đây không còn chỉ là phương tiện y tế, là tài chánh, là lương thực, nhưng còn là những đau khổ tâm lý và tinh thần vì những người thân yêu nhiễm bệnh, vội vã ra đi mà vẫn chưa được hỏa táng, và sẽ trở về trong phận bụi tro.

Đã có những linh mục bị nhiễm và tử vong. Nhiều cộng đoàn dòng tu đã có các tu sĩ lây nhiễm, đến nay nhiều người đã khỏi, nhưng cũng có nhiều tu sĩ đã lặng lẽ ra đi. Nhiều giáo xứ có 10, 20 người tử vong. Riêng giáo xứ Bình An trong hai tháng qua đã có 70 người qua đời vì Covid-19. Có khi 2, 3 người trong một gia đình đã chết, có gia đình 2 người chết trong một ngày, có gia đình không còn một ai! Làm sao lòng chúng ta không quặn đau khi chứng kiến những cảnh đau thương này. Làm sao chúng ta có thể cầm lòng khi nhìn thấy trẻ thơ còn lại một mình vì cha mẹ anh chị đã mất vì Covid!

“Một bộ phận đau, thì toàn thân cùng đau” (1Cr 12, 26). Gia đình Tổng giáo phận hiệp thông với các bệnh nhân đang chịu đựng những đau đớn thử thách về thể xác cũng như tinh thần. Chúng ta cùng chia sẻ nỗi đau buồn với quí cha, các dòng tu, các giáo xứ và các gia đình đã mất những người thân yêu. Chúng ta quặn đau, chúng ta khóc, như chính Chúa Giêsu đã “quặn đau” khi đứng trước quan tài của con trai bà góa thành Naim, như Chúa đã khóc trước nấm mộ của Lazarô.

Anh chị em rất thân mến, trước những đau thương của bệnh tật, nghèo đói, chết chóc, chúng ta hãy truyền đi một thông điệp: Đừng để mất niềm hy vọng. “Hãy nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta” (Dt 6, 18). “Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2Cr 1, 3-5).

Những ai vừa mất cha mẹ, mất vợ mất chồng, mất con cái hay anh chị em, xin hãy an tâm, hằng ngày tôi và các linh mục vẫn dâng lễ cầu nguyện đặc biệt cho những người thân của anh chị em cũng như cho tất cả mọi người đã qua đời vì Covid-19. Tôi ao ước trong giờ kinh tối, các gia đình đều vang lên lời kinh “Vực sâu” cầu nguyện cho các linh hồn ấy. Người hấp hối không được lãnh các bí tích sau hết, người chết không được cử hành nghi thức an táng, đối với chúng ta quả thực là mất mát to lớn. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa vô cùng lớn lao, đâu có bị giới hạn vào việc làm của con người.

Những ai vừa mất hết người thân, nay còn lại một mình cô đơn không có ai để nương tựa, xin hãy an tâm. Các cha xứ cùng với cộng đoàn giáo xứ có trách nhiệm chăm lo cho anh chị em, nhất là lo cho những em mồ côi được nuôi dưỡng, học hành và được giáo dục chu đáo.

Những ai bệnh tật, đau khổ, nghèo đói…, xin hãy an tâm và đừng để mất niềm hy vọng. Tình hiệp thông Giáo hội luôn ôm ấp và đồng hành với anh chị em. Xã hội đã huy động toàn bộ lực lượng để giúp người dân Sài Gòn vượt qua đại dịch. Tình tương thân tương ái của con dân đất Việt sẽ nắm tay dắt dìu anh chị em vượt qua chặng đường gian khổ này.

Ước gì mỗi người trong cộng đoàn Dân Chúa hãy làm tất cả những gì có thể để niềm hy vọng trở thành hiện thực, bằng lời cầu nguyện, bằng sự thăm viếng ủi an, cảm thông khích lệ, giúp đỡ vật chất. Đừng để một ai phải thất vọng vì sự dửng dưng vô cảm của chúng ta. Xin hãy chuyển thông điệp hy vọng này tới tất cả mọi người.

Tương lai sẽ còn nhiều bất ngờ và khó khăn thử thách. “Hãy giữ vững niềm hy vọng”. Nếu bà góa nghèo kêu cầu một thời gian khá lâu mà ông quan tòa không chịu nghe, nhưng cuối cùng ông cũng phải đáp lời, vậy “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn hay sao? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ”. Vì thế, chúng ta “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Chỉ sợ chúng ta đã đánh mất niềm tin (x. Lc 18, 1-8).

Chúng ta hãy nghe lời mời gọi từ Thánh Tâm Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Niềm hy vọng của chúng ta “cắm neo chắc chắn vững vàng” nơi mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh của Đức Kitô (x. Dt 6, 19). Đó là bảo đảm để không bao giờ chúng ta phải thất vọng khi bước đi trong đêm tối.

Nguyện xin bình an và ân sủng của Thiên Chúa ở cùng anh chị em, xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ dồi dào năng lượng tình yêu. Xin Mẹ Maria là “Đấng cứu các bệnh nhân, Đấng bầu chữa kẻ có tội và an ủi kẻ âu lo” nâng đỡ và chữa lành nhân loại. Xin thánh Giuse, Đấng bảo vệ Hội Thánh, gìn giữ anh chị em luôn mãi.

(đã ấn ký)

+ Giuse Nguyễn Năng

Tổng Giám mục

clip_image002

clip_image004

BÁC SĨ TRƯƠNG HỮU KHANH: CHỈ SỐ CT VÀ CHUYỆN BỆNH NẶNG, BỆNH NHẸ

Người lao động, ngày 31/8/2021

Khi xét nghiệm PCR, kết quả dương tính thường kèm với một chỉ số gọi là "CT", hiểu đơn giản, là chỉ số phản ánh lượng virus SARS-CoV-2 trong người mình nhiều hay ít

Chỉ số CT sẽ giúp bác sĩ đánh giá được người đó có thể đang ở giai đoạn nào của bệnh, khả năng lây bệnh cho người khác cao hay thấp. Một điều mà nhiều người quan tâm nữa là CT có ảnh hưởng đến độ nặng của bệnh không? Có thể có, có thể không, tùy người.

CT là chu kỳ tìm virus. Có thể hiểu nôm na như sau: khi làm PCR để "bắt" con SARS-CoV-2, nếu virus trong người đó nhiều quá, chỉ cần làm vài chu kỳ là tìm được rồi, thì chỉ số CT (số chu kỳ) sẽ thấp; ngược lại, nếu tìm hoài qua nhiều chu kỳ mới thấy thì CT cao, đồng nghĩa trong cơ thể người đó ít virus.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Chỉ số CT và chuyện bệnh nặng, bệnh nhẹ - Ảnh 1.

Chuyển bệnh nhân Covid-19 đi cấp cứu trong đêm. Ảnh: HUẾ XUÂN

Thường chia làm 3 nhóm: CT dưới 20, CT từ 20 đến 29, CT≥ 30.

CT dưới 20 là mốc cần thận trọng, nhất là ở đối tượng nguy cơ như người lớn tuổi, có bệnh nền. Nhóm này mà CT đang thấp như vậy thì có khả năng trở nặng cao, nên tốt nhất là đi bệnh viện, nếu còn ở nhà chưa kịp đi thì phải được theo dõi chặt chẽ.

Cũng có người CT thấp nhưng lại thấy… khỏe re, thường gặp nhất ở người trẻ tuổi, sức khỏe tốt. Điều này cũng bình thường, có thể trong người nhiều virus nhưng hệ miễn dịch tốt, kiểm soát được nên không bệnh nặng.

Ngược lại, CT trên 20 mà người lớn tuổi, bệnh nền thì vẫn có nguy cơ trở nặng.

CT≥ 30 là một trong các tiêu chuẩn để một F0 có thể xuất viện, vì virus ít đến mức đó thì rất khó lây, CT> 33 thì không lây nổi nữa. Nhưng không phải vì thế mà một người chưa từng xét nghiệm, nay làm PCR thấy CT≥ 30 là vội mừng. Đó vẫn có thể là trường hợp mới bệnh. Tải lượng virus diễn tiến theo một đường parabol, ban đầu chỉ số CT cao rồi giảm dần (virus ít rồi nhiều lên dần), sau khi qua giai đoạn toàn phát thì CT tăng dần trở lại.

Nếu chủ quan mà không tự cách ly, coi chừng ngày mai chỉ số CT giảm đi mà không hay và sẽ lây cho người khác rất dữ. Nên tự cách ly và tiếp tục xét nghiệm sau vài ngày. CT tăng hay âm tính thì đúng là người đang khỏe lại, ngược lại, CT giảm thì chắc chắn là trường hợp mới bệnh.

Vì vậy, CT bao nhiêu thì điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi các triệu chứng. F0 xuất viện có chỉ số CT≥ 30 nên tự cách ly tiếp một thời gian theo hướng dẫn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM)

Minh Hà, Yến ThưTrung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM

clip_image006

BÁC SĨ GỬI ‘TÂM THƯ’ HIẾN KẾ GIẢM TỬ VONG BỆNH NHÂN COVID-19 Ở TÂM DỊCH

Phạm Duệ, Quan Thế Dân – Tuổi Trẻ Online, 30/8/2021

TTO – PGS-TS Phạm Duệ, nguyên trưởng khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, và đồng nghiệp vừa gửi "tâm thư" tới các cấp có thẩm quyền, nêu các giải pháp giảm tử vong cho bệnh nhân COVID-19. Được sự chấp thuận, Tuổi Trẻ Online xin đăng tải.

clip_image007

Tổ quân y 316, Học viện Quân y chăm sóc F0 tại nhà – Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Tâm thư" của PGS.TS.BS Phạm Duệ, nguyên trưởng khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, và TS.BS Quan Thế Dân từ tâm dịch về việc cấp thiết cần làm để góp phần giảm tử vong cho bệnh nhân COVID-19:

Chúng ta muốn giảm tỉ lệ tử vong, chúng ta đang cố gắng rất nhiều nhưng giảm chưa được nhiều. ECMO rất tiên tiến hiện đại nhưng rất đắt, khó sử dụng. Chúng ta đều biết điều trị tốt ở tầng 1, tầng 2 sẽ giảm tải cho tầng 3.

Sẽ giảm mạnh số bệnh nhân tử vong, nếu…

1. Tăng số người chăm sóc;

2. Chú ý đến cho bệnh nhân ăn, uống đủ nước và calo;

3. Nếu có người thường xuyên động viên tinh thần, giúp bệnh nhân thay đổi tư thế kể cả nằm nghiêng, nằm sấp, kết hợp vỗ rung, bệnh nhân sẽ đỡ suy hô hấp;

Để trả lời câu hỏi người ở đâu ra để làm việc này? Theo tôi, tại địa phương cần huy động những người đã được điều trị khỏi hoặc những người đã được tiêm vắc xin, hay người nhà bệnh nhân là tốt nhất, hãy tổ chức tập huấn cho họ rồi đưa họ vào phụ giúp điều dưỡng.

Bệnh nhân có thể ăn cháo thịt, sữa, bún phở, hủ tiếu… Cần bố trí đủ lượng và chất để bệnh nhân có sức chống chọi căn bệnh.

Cho bệnh nhân uống thêm Oresol pha đúng tiêu chuẩn, nước dừa hoặc nước hoa quả, sinh tố… người dân và các nhà tài trợ sẽ giúp nếu có hướng dẫn.

Nước dừa xiêm (hoặc dừa các loại) là rất tốt, vừa cung cấp năng lượng và nước, điện giải thiên nhiên vừa là sản vật ta có sẵn.

Bình tiếp nước và ống hút (bình nước của xe đạp thể thao, bình các loại để cấp nước cho bệnh nhân).

Về chăm sóc, các bác sĩ hướng dẫn và làm mẫu cho tình nguyện viên, sau đó sẽ cùng làm lần đầu. Chỉ ngắn gọn như vậy, nếu làm được ngay từ tầng 1, tầng 2 của tháp điều trị, tôi chắc bệnh nhân không phải leo tầng mãi lên và nguy hiểm tính mạng.

Trò ú tim khi cho người bệnh COVID-19 nặng ăn

Hôm lần đầu tiên vào buồng bệnh, tôi choáng ngợp trước quy mô của đại dịch. Bệnh nhân nằm la liệt, khó thở đủ các mức độ. Mà trong các thể loại cấp cứu, cấp cứu suy hô hấp phải khẩn trương nhất, dễ chết nhất. Nhân viên y tế thì vô cùng thiếu, quay như chong chóng trước diễn biến của bệnh.

Người quá thiếu, nhất là điều dưỡng, người trực tiếp chăm sóc. Nếu bác sĩ hiện nay đã làm 200% công suất thì các em điều dưỡng đang làm 300% sức lực, không biết sẽ gục ngã lúc nào.

Vì vậy để duy trì công việc và giúp đỡ lẫn nhau, sau khi khám bệnh xong các bác sĩ đều làm luôn công việc chăm sóc bệnh nhân, thay bỉm, cho ăn, cho uống nước. Các công việc đó nếu trước kia thì không có gì khó khăn, nhưng bây giờ lại khác.

Bệnh nhân COVID-19 thở gấp suốt ngày, phải gắng sức rất nhiều, nên mệt và càng không có sức để hô hấp dẫn đến khó thở hơn. Vòng xoáy này cứ đẩy dần bệnh nhân đến chỗ suy hô hấp không hồi phục rồi tử vong.

Trong đại dịch này chưa ai thống kê được có bao nhiêu người chết vì bão cytokine, bao nhiêu người chết vì suy kiệt. Bác sĩ cùng khoa cho tôi biết một ví dụ rất cụ thể: bệnh nhân của anh oxy máu đang 85, cho ăn xong oxy lên ngay 92. Thật là vi diệu.

Tuy nhiên cho người đang thở mặt nạ oxy ăn cứ như là trò chơi ú tim với COVID-19. Tôi bảo bệnh nhân: nào, ăn nhé. Người bệnh gật đầu. Tôi liền nhanh tay nhấc mặt nạ ra, đưa nhanh một thìa cháo vào miệng người bệnh, người bệnh há miệng nhận lấy thìa cháo xong tôi rút vội thìa ra, ụp mặt nạ oxy xuống cho bệnh nhân, thở tiếp đi.

Làm chậm một tí là oxy máu tụt. Phút sau, nuốt hết chưa, lại ăn tiếp nhé… Ngày đầu chưa có kinh nghiệm, đỡ bệnh nhân dậy, gỡ mặt nạ oxy ra ăn cho nó đàng hoàng, thì chưa được vài thìa đã lăn ra suy hô hấp dữ dội.

Tôi gần 40 năm trong nghề mà bây giờ mới lần đầu gặp dạng khó thở dữ dội đến vậy. Đấy là với những người bệnh vừa phải.

Còn nặng hơn thì chúng tôi đặt sonde dạ dày để bơm sữa nuôi ăn. Nặng nhất thì đặt ven truyền dung dịch dinh dưỡng, tuy nhiên mùa dịch này tìm được dung dịch nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rất khó.

clip_image008

Đồ họa: NGỌC THÀNH

 

ĐI VÀO TÂM BÃO

FB Bs. Quan Thế Dân

Tại bệnh viện điều trị Covid, giám đốc của chúng tôi yêu cầu thử test nhanh Covid mỗi ngày, nhằm sớm phát hiện ra người bị nhiễm để cách ly, giữ an toàn cho đội ngũ chiến đấu tiếp. Kinh nghiệm của những người đi trước thì tuần lễ đầu tiên làm việc trong bệnh viện Covid là quan trọng nhất. Nếu có bị nhiễm thường là nhiễm trong thời gian này, khi mà các thao tác an toàn còn chưa nhuần nhuyễn. Hôm nay tôi lại tiếp tục âm tính. Thế là vào tâm dịch được 10 ngày rồi đấy. Nhớ lại chuyến đi vào tâm bão cũng gian truân.

Vào cuối tháng 5 /2021, khi bắt đầu rục rịch lấy người tình nguyện vào Nam chống dịch, trong một bữa cơm, tôi ướm hỏi ý kiến cả nhà: Bố xung phong vào Nam chống dịch nhé. Ngay lập tức hai con gái tôi đồng thanh: Không, bố. Vợ tôi thì giận lẫy: chúng mày gàn bố làm gì, càng cản lại càng đi, vào đấy lây bệnh rồi lại làm khổ mọi người ra. Thế là cuộc ra đi của tôi không thể hoành tráng được rồi, phải đi lén thôi.

Tháng 6 rồi tháng 7 dịch bùng lên như ngọn lửa, hết đoàn này đến đoàn khác vào Nam mà tình hình ngày càng căng thẳng. Tôi sốt ruột cập nhật tình hình và thấy rằng mình không thể đứng ngoài cuộc. Hình ảnh hàng nghìn người dân đi xe máy về quê chạy dịch tràn lan trên truyền thông. Xúc động nhất là những em nhỏ xíu ngơ ngác theo bố mẹ đi chạy dịch. Cả gia đình nhỏ trên một chiếc xe máy. Tôi như thấy hình ảnh của con tôi ngày trước. Mảnh đất phương Nam này gắn bó với tôi nhiều năm. Hai con gái tôi sinh ra cũng trên mảnh đất này. Khi đó chúng tôi cũng nghèo nghèo như những gia đình công nhân này, con tôi cũng mặc những bộ quần áo hàng chợ như những cô bé này, đội một cái nón vải. Nhưng lúc đó là lúc tôi cảm thấy yêu đời nhất. Tối đến ăn cơm xong là cả nhà lại lên chiếc xe máy đi dạo phố, con gái lớn ngồi trên bình xăng đằng trước, con gái nhỏ còn nằm trong bụng mẹ thúc đằng sau lưng tôi. Cả nhà lượn lờ qua nhiều phố xá đèn nhấp nháy xanh đỏ, con gái bi bô chỉ chỏ đằng trước, vợ ngồi sau bấu chặt vào áo tôi nói những gì tôi nghe không rõ, tất cả trôi đi êm đềm, gia đình bé nhỏ yêu quý của tôi. Sau này nhiều năm, gia đình tôi lại quay ra Hà Nội sinh sống, nhưng trong tôi chưa bao giờ vơi nỗi nhớ miền Nam.

Tháng 8, dịch thực sự bùng nổ, bệnh viện nơi tôi đang làm việc, bệnh viện Trí Đức Thành Thanh Hóa, lấy người tình nguyện đi chống dịch. Tôi để tránh ồn ào, đến sát phút cuối mới ghi tên, thì không được chấp nhận. Sở Y tế Thanh Hóa trả lời: bác tuổi cao, đi vào đó nguy hiểm. Không sao, nếu muốn thì sẽ tìm ra cách, còn nếu không muốn sẽ tìm lý do. Tôi giấu gia đình, liên hệ với Bệnh đại học Y Hà Nội và được PGs Giám đốc Nguyễn Lân Hiếu chấp nhận. Thật là vui và vinh dự được đi cùng với đội ngũ các thế hệ của đại học Y Hà Nội, tôi cũng là cựu sinh viên Y Hà Nội mà.

Cuối tháng 8, bệnh viện Trí Đức Thành cho xe đưa tôi ra Bệnh viện Đại học Y HN tập kết. Rồi chúng tôi lên sân bay Nội Bài, bay vào Nam trên chuyến bay đặc biệt, không có vé, ngồi cùng với hàng hóa chống dịch. Trên sân bay, không giữ nổi bí mật, tôi chụp ảnh check in sân bay vắng tanh gửi về nhà, hai con gái tôi cuống quýt: Bố ơi, bố đi đâu thế? Hì, thế là tôi đã lên máy bay, cùng đồng đội bay vào tâm bão rồi.

Và hành trình chiến đấu trong tâm bão đã bắt đầu.

clip_image010

Các em nhỏ theo bố mẹ chạy dịch

clip_image012

Bố và con gái bé nhỏ

clip_image014

Khoa tiễn đưa trưởng khoa

clip_image016

Tập trung ở Đại học Y Hà Nội

clip_image018

clip_image020

Sân bay Nội Bài vắng người

clip_image022

Xuất phát

clip_image024

Bay cùng vật tư y tế

clip_image026

Đã đến tâm dịch Bình Dương

 

NHÍM VÀ CÒ

FB Bs. Lê Minh Khôi

Đây không phải là chuyện ngụ ngôn.

Khi tôi gõ những dòng chữ này thì hai đứa, xin được gọi một cách thân thương như vậy, Nhím và Cò vẫn đang lui cui chuyển giường, chuyển máy, kiểm tra máy móc ở lầu 7 để kịp đưa vào sử dụng vì 115 giường vừa mới có sau một tuần đã đầy ken bệnh nhân.

Nhím -đọc trại từ tên thật – như tôi đã có lần nói, đã cùng tôi sớm hôm đúng một con giáp, nay cũng đã là điều dưỡng trưởng của một khoa quan trọng trong bệnh viện. Người Bắc

Cò, một đứa cao lêu nghêu đúng như tên gọi, về bệnh viện sau đó vài năm, giờ cũng đã được đưa lên phòng điều dưỡng. Ngoại ngữ tốt, vi tính giỏi. Người Nam.

Cả hai đứa đều gọi tôi bằng thầy. Còn tôi thì cứ lúc thì mầy tao, khi thì hai đứa bây.

Lần này đến nhận việc khó ở một nơi hoàn toàn mới phải thiết lập vô vàn thứ từ những việc quan trọng cho cả hệ thống cho đến từng con ốc vít. Hai đứa bao cân hết. Bất kể sớm hôm. Bất kể công việc thượng vàng hạ cám. Vậy mà có lúc giữa đêm, bệnh cần cấp cứu, hai đứa vẫn xăng xái “bay đêm” giải cứu. Chiều nay, sếp cho chiếc xe cấp cứu mới cóng, tôi đã lập ngay đội bay đêm do Hiệu trọc (bữa nay hết trọc) làm thủ lĩnh. Nhím và Cò xăng xái “thầy cho tụi em tiếp tục bay đêm với”. Tuyển thêm một cậu cũng là bộ đội phục viên nữa là đủ một đội chịu cày bừa làm nòng cốt.

Có lúc ngồi ăn cơm với nhau, tôi nói vu vơ “chắc chắn rồi Sài Gòn cũng sẽ đi qua mùa dịch nhưng các nơi khác nếu không cẩn thận rồi sẽ trội lên. Lúc đó, nếu có chỗ nào làm trung tâm hồi sức mới mà kêu BV Đại học Y Dược thì chắc tao đi quá. Mà tao đi thì cửa nào mà không kéo hai đứa bây đi cùng”. Em lạy thầy. Thầy cho em về với vợ con. Ừ về thì về. Rồi đi thì đi. Hai đứa cười nửa mếu, nửa khóc. Nhưng tôi biết, nếu điều không may ấy xảy ra đâu đó trên dải đất gầy guộc này, chắc chắn Nhím và Cò sẽ không để tôi đi một mình.

Đại dịch này, như nhiều người, nhiều lần đã nói, làm mất mát quá nhiều nhưng nó cũng dạy mỗi một chúng ta, những con người chịu học bài học cần phải học cho cuộc đời mình, cũng sẽ học được nhiều điều mà không có thời khắc nào khác có thể dạy được. Với tôi, trong những tháng ngày này, đó là cái tình chân chất của những đồng nghiệp, đồng đội sát cánh cùng nhau đi qua những ngày tháng không dễ dàng này. Những người sống quanh tôi – hình như có một phim tên như vậy.

Giờ thì đi kiếm hai đứa xem tụi nó đập gõ, chế tác, la lối những gì trên lầu 7 kia.

clip_image028

Cò.

clip_image030

Lùn và Chủ thớt.

 

SẼ SÁNG DẦN… (*)

FB BS. Cao Xuan Minh

Tuần trước vô phòng khám. Em điều dưỡng nam đẩy tới cái cân.

– Bác lên cân em coi cái, em thấy nay bác ốm nhiều.

– 72 ký bình thường mà.

Kết quả 71 ký cũng xuống chút chút.

Em điều dưỡng nữ nói, em thấy mắt bác sâu và thâm đen hơn nhiều á.

Cũng tội nghiệp tụi nó quan tâm thần sắc của mình.

Sáng nay cũng vô phòng khám, cũng tụi nó nói.. thấy sếp mắt bớt thâm đen nhiều, mặt tươi hơn, đẹp trai hớn.

Tụi bây biết nhìn á!

3 tuần trước là tình hình nóng, các bác sỹ đều trắng đêm theo từng tiếng cầu cứu của bệnh nhân, điện thoại ông nào không tin nhắn liên tục, ông nào không tư vấn, hướng dẫn, ra toa, theo dõi, facetime… đánh giá bệnh nhân…. thậm chí khóc theo người nhà bệnh nhân.

Tuần này ổn ổn nhiều rồi, êm êm, bớt bị réo, mấy ổng ăn được, ngủ được thì béo đỏ ra thôi.

Tuần sau chắc còn phẻ nữa!

Mấy sếp chỉ đạo y tế địa phương o xy và thuốc xuống tận nơi F0 là an tâm rồi.

Mấy sếp nhớ bổ sung lực lượng, luân phiên, 2 ca 3 kíp để các em địa phương được nghỉ ngơi, họ làm việc sẽ rất hiệu quả.

Sài Gòn sẽ sáng dần như bình minh đang lên.

(*) Nhan đề của Văn Việt.

HOẢNG SỢ QUÁ ĐỦ RỒI, GIỜ CHỈ CÒN MỘT CON ĐƯỜNG: SỐNG CHUNG VỚI COVID-19

FB Cù Mai Công

Không chỉ Việt Nam, sự phức tạp đến mức khó hiểu của Covid-19 khiến cả thế giới tới giờ cũng chưa có sự thống nhất khi đánh giá và cách phòng chống nó. Mỗi nước một kiểu; hình như mỗi kiểu cũng lộ ra ít nhiều vấn đề. Ngay cách đây không lâu, chúng ta vẫn cho rằng vaccine là cứu cánh [nguyên văn] duy nhất của đại dịch, giờ có lẽ đã khác?

Ngay ở Việt Nam, mỗi tỉnh thành, quận huyện có khi cũng mỗi kiểu; Thủ tướng, bộ trưởng nói không được “ngăn sông cấm chợ”, có nơi thực tế vẫn cứ ngăn. Vô số nhận định, cách phòng chống Covid xà quần dẫm chân nhau. Một chuyện shipper ở TP.HCM cũng cho thấy sự lung tung này: nay cấm mai không; cho chạy lại yêu cầu xét nghiệm mỗi ngày vừa không hợp lý, thậm chí… vô duyên về kinh tế, thực tế lây nhiễm của đội ngũ này thời gian qua (vì đâu phải chỉ shipper có giao tiếp mà vô số trực chốt, bảo vệ, tổ trưởng…).

Phong tỏa, cách ly, truy vết, lập chốt, giăng dây, rào chắn, khai báo, áp mã… không gì chúng ta không làm. Nhưng hình như cứ rào nơi nào, nơi đó tăng ca nhiễm; giãn cách nghiêm cả thành phố, cả thành phố tăng nhiễm cộng đồng; tổng ca nhiễm tăng vọt, tỉ lệ chết cao.

Cả chính quyền, quân – dân lẫn nền kinh tế khốn đốn, thật sự đã đến mức quá sức chịu đựng. Quan điểm thắng Covid-19 rõ ràng đã là chuyện bất khả thi. Tới giờ, chưa nước nào thắng nó. Không chỉ Việt Nam, có nơi như Singapore, Đài Loan… mới hôm nào còn là hình mẫu chống dịch, rồi cũng có lúc phát hoảng…

Tranh cãi “loạn” hết, đủ chuyện, từ rào chắn, bánh mì, thiết yếu… đến “bom hàng”. Mỗi người một quan điểm. Lấy chuyện ăn uống mấy hôm nay chẳng hạn, người có có chút “của ăn của để” thì chê trách mấy người ra đường “thiếu ý thức, vi phạm quy định; nhịn mấy hôm hơn chết dịch”. Bà con lao động nghèo, làm ngày nào ăn ngày nấy thì như một nhóm bà con ở TP.HCM kéo ra đường hôm trước nói với anh em đứng chốt: “Nguy hiểm Covid chưa thấy, còn đói thấy rồi”. Góc nhìn nào cũng có cơ sở, tùy theo túi tiền người đó: có tiền sợ bịnh, không tiền sợ đói.

Nhưng nhìn chung, ba tháng giãn cách rồi, người giàu lẫn nghèo, không ai không mệt mỏi và nghèo thì không thể phủ nhận thực trạng: hàng triệu bà con mình kiệt quệ, khốn đốn trăm bề.

Ba tháng có lẽ cũng đã đủ cho sự bình tĩnh nhìn lại một chút thực trạng. Lấy cụ thể tình hình TP.HCM:

Ca nhiễm ở TP.HCM chính thức tới sáng 30-8 đã gần 210.000 người. Đến tối 30-8, tính từ đầu năm, ở TP.HCM có 8.869 người thân yêu của chúng ta đã ra đi. Con số này vẫn còn tăng chứ chưa dừng lại.

Hình ảnh người chết, lò thiêu… xuất hiện liên tục, không ai không đau lòng, đau đến thắt ruột thắt gan, nhất là với những gia đình có người trong cuộc. Nỗi đau này tôi tin sẽ còn mãi trong lòng người… Sinh linh nào trên cõi đời này cũng là vô giá, không gì đánh đổi được.

Thực tế đau đớn ấy, chúng ta đành phải chấp nhận và sẽ có nhìn nhận, đánh giá nó sau này bình tĩnh hơn. Nhưng có một điều chắc chắn: sự lúng túng đã ít nhiều trở nên hoảng sợ, dẫn đến hành xử, ứng xử quá mức, không phù hợp, thậm chí thực tế cho thấy hiệu quả phòng chống không rõ – như cái giấy đi đường hiện nay, tới giờ vẫn làm khổ, “đứng hình” cả xã hội và nền kinh tế.

Dù TP.HCM tỉ lệ chết hiện khoảng 4%, cao nhưng ít ai chú ý 96% người sống. Đa số tự khỏi. Nhưng không ít người vẫn đồng nghĩa nhiễm Covid-19 như mang án tử.

Trước đó, ngay từ đầu dịch, tôi đã mạo muội nêu vấn đề và dự báo về thực trạng. Thậm chí, từ tháng 7-2021, tôi đã “liều mạng” post công khai dự toán của mình về nhịp hệ số x2 (bùng nổ ca nhiễm) sau một tuần.

Giữa đợt giãn cách ba tháng, ở TP.HCM tính từ 31-5, ngày 18-7, tôi lại đặt câu hỏi: COVID-19: “ĐÁNH NHANH THẮNG NHANH” HAY “TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN”? Và chủ quan nghĩ rằng: từ thực trạng Covid -19 ở TP.HCM đang có những diễn biến thực trạng mới rất nhanh, đi cuồn cuộn. Nên đặt ra vấn đề: CHUYỂN TỪ CHIẾN LƯỢC ƯU TIÊN Y TẾ DỰ PHÒNG QUÁ SỨC TỐN KÉM TIỀN BẠC, NHÂN LỰC, BẤT AN LÒNG DÂN (Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân…) SANG ƯU TIÊN Y TẾ ĐIỀU TRỊ.

Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng: ĐỪNG MƠ "ĐÁNH NHANH THẮNG NHANH" COVID. NÓ LÀ BỆNH LÂY NHIỄM, CHỈ MỘT CA SÓT TRONG CỘNG ĐỒNG CŨNG DỄ DÀNG BÙNG TRỞ LẠI. SỐNG CHUNG VỚI COVID, "KHÁNG CHIẾN TRƯỜNG KỲ", "TAY CÀY TAY SÚNG" LÀ TẤT YẾU, KHẢ NĂNG ÍT NHẤT HẾT NĂM NAY.

“Truy vết, cách ly” từng đúng với chủng Vũ Hán, nhưng khó mà đấu lại Delta. Sống chung với Covid là tất yếu. Sẽ phải bỏ cấm đường, phong tỏa, cách ly, truy vết… Tập trung điều trị bệnh nặng. Dễ và rẻ hơn nhiều. Giá khổng lồ của của cách làm rải quân rộng nhiều mặt trận vừa qua thì ai cũng đoán được.

Anh em nào rảnh đọc Facebook mình từ hồi đầu dịch tới giờ đi, dự báo trước cả tháng, con số cụ thể, chưa sai, chưa gỡ stt nào hết. Ba tuần trước, mình dự báo hết 5-9, TP.HCM có thể theo nhịp x2 sau 4 tuần, tính từ ca nhiễm bốn tuần trước (121.800 ca): 243.600 ca.

Tức nhịp bùng nổ x2 sau 1 tuần trước đó đã qua. Sài Gòn đã qua cao điểm, giờ là giải quyết hậu quyết hậu quả, kể cả hậu quả mấy ngày chen chúc mua đồ trước 23-8. Delta lây và lộ nhanh 2-4 ngày. “Thiết quân luật” bảy ngày rồi. Vậy ca nhiễm hiện nay cơ bản là từ mấy hôm chen lấn siêu thị?

Xin được mạn phép nói thẳng: chống Covid ở ta vừa qua ít nhiều duy ý chí. Các chốt, hàng rào không có giá trị cao trong phòng chống. Thậm chí rào nơi nào, nơi đó tăng ca nhiễm. Rào cả thành phố, cả thành phố tăng nhiễm cộng đồng.

Tôi luôn nghĩ mỗi nước có cách phòng chống khác nhau, tùy theo thực tế của mình. Ví dụ: nhà cửa ở Mỹ, phương Tây rộng rãi, cư dân không có thói quen gần gũi như ở ta thì áp dụng F0, F1 ở nhà ngay lập tức là đúng. Ở ta khác; vậy nên các khu lao động, khu dân cư đông như Bình Tân, quận 8… tỉ lệ ca nhiễm cao hơn hẳn các khu khác.

Tuy nhiên, nhìn kỹ, vẫn có cái chung khi người và người vẫn phải giao tiếp trực tiếp, nên thắng Covid là không thể.

Thái Lan gần ta, hiện số ca nhiễm mới vẫn khoảng trung bình 16.000 ca/ngày, gấp rưỡi ta nhưng từ 1-9 đã quyết định: “Sống chung với Covid”. Thay vì “cố sống cố chết” gắng duy trì chính sách ‘Không Covid’, Thái Lan đặt mục tiêu ngăn chặn sự bùng phát ở mức độ không làm hệ thống chăm sóc sức khỏe sụp đổ.

Ủy ban Đặc nhiệm chống Covid-19 Thái Lan nói người dân sẽ được tụ tập tối đa 25 người, thay vì 5 người như hiện nay; các chuyến bay nội địa sẽ trở lại, công viên mở cửa; các trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc, mátxa chân, nhà hàng ở 29 tỉnh có nguy cơ cao bao gồm cả Bangkok, được phép hoạt động trở lại, và các nhà hàng có thể mở cửa phục vụ thực khách.

Tất nhiên họ yêu cầu các nhà điều hành kinh doanh đảm bảo nhân viên phục vụ được tiêm chủng đầy đủ và thường xuyên xét nghiệm, đồng thời yêu cầu khách hàng xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng và xét nghiệm âm tính.

Israel, nơi tiêm chủng nhiều nhất thế giới mà vẫn ghi nhận hàng chục ngàn ca dương tính mỗi ngày. Nhưng Thủ tướng Israel Bennett cam kết, chính phủ của ông sẽ không lạm dụng lockdown nữa, coi lockdown là biện pháp cuối cùng, chỉ dùng khi nào không còn cách nào khác. “Người dân Israel hiện nay không thể để lại gánh nặng nợ nần cho các thế hệ con cháu phải trả”, ông nói.

Nhiều nước khác như Mỹ, Nhật… này kia thì ai cũng rõ rồi. F0 nào trở nặng thì tập trung lo người đó; còn tự lo. Ngành y không quá tải với F0 nhẹ, không triệu chứng, hầu hết tự khỏi. Chi phí thuốc men rẻ. Bình oxy thì ngay ở Việt Nam giờ cũng chỉ 130.000 đồng/lần nạp.

Ở Canada trong thời gian lockdown người dân vẫn đi lại bình thường, tôn trọng cách ly hai mét, mang khẩu trang, và rửa tay với xà phòng thường xuyên (hoặc thuốc khử trùng được đặt khắp nơi). Dân vẫn dạo công viên. Chợ thực phẩm giới hạn số người vào ở mức rộng của chợ, nhưng việc mua bán thực phẩm vẫn bình thường. Đặt món ăn online và pickup ở lề đường.

Với Ý, đất nước từng là tâm dịch thế giới nay đã quyết định chuyển sang sống chung với Covid-19. Xứ giàu lockdown cũng chịu không nổi.

Còn Việt Nam, hôm qua 29-8, lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính nói một ý mang tính bước ngoặt chiến lược trong phòng chống dịch bệnh: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối”.

Quan điểm này của ông chắc chắn có từ thực tế ở TP.HCM mà ông vừa đi nhiều nơi, đến tận chỗ; phân tích diễn biến, tình hình dịch bệnh trong nước lẫn trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn hơn ta nhiều lần vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế…

HOẢNG SỢ QUÁ ĐỦ RỒI, QUÁ MỨC RỒI. CẢ DÂN LẪN CHÍNH QUYỀN TƠI BỜI RỒI. TỔN THẤT KINH TẾ, AN DÂN LÀ KHÔN LƯỜNG. TRỄ CÒN HƠN KHÔNG, GIỜ CHỈ CÒN MỘT CON ĐƯỜNG: SỐNG CHUNG VỚI COVID-19.

clip_image032

Stt từ đầu dịch của tôi

clip_image034

Stt 18-7-2021 của tôi

 

ĐỪNG PHONG TỎA NỮA CHÍNH PHỦ ƠI

FB Xuân Sơn Võ

Sau mấy tháng phong tỏa, số lây nhiễm cứ tăng lên hoài. Vừa rồi, chính phủ can thiệp trực tiếp, sau một tuần quyết liệt, chúng ta lại lập kỉ lục mới. Tính từ 17h ngày 29/8 đến 17h ngày 30/8, cả nước ghi nhận 14.224 ca nhiễm mới, trong đó TP. Hồ Chí Minh là 5.889 ca, Bình Dương 6.050 ca.

Không biết chính phủ đã mệt chưa, chứ dân thì mệt lắm lắm, kiệt quệ lắm lắm, suy sụp lắm lắm rồi. Thôi, đừng phong tỏa nữa chính phủ ạ. Càng phòng tỏa càng lập kỉ lục. Cái võ phong tỏa chỉ có giá trị hồi năm nẳm, chứ giờ thì nó đã bị con virus Vũ Hán bắt bài rồi. Chẳng ăn thua gì đâu.

Phong tỏa chỉ làm cho dân điêu đứng, kinh tế sụp đổ. Mà kinh tế sụp đổ thì chính phủ lấy đâu ra tiền thuế để mà xây nọ xây kia. Chính phủ có đi vay mãi được không, hay người ta cũng phải ngó xem cái đất nước này có khả năng trả nợ không thì mới cho vay cho mượn chứ.

Bây giờ thì nên tập trung chữa bệnh nặng, đặc biệt là thuốc kháng virus. Chỉ cần duy trì 5K và đẩy nhanh tốc độ vaccine. Đừng ảo tưởng về tác dụng của phong tỏa nữa. Đừng ảo tưởng về việc xét nghiệm toàn dân nữa. Hãy mở cửa lại, để người dân kiếm sống một cách công khai thì người ta sẽ bảo đảm 5K, hơn là phải xé rào, vụng trộm.

Sau tất cả những chính sách chống dịch cực đoan, nền kinh tế đã suy sụp lắm rồi. Hệ thống sản xuất, kinh doanh đã điêu đứng lắm rồi. Tập trung vào cứu vớt nó ngay đi chính phủ ơi. Chứ cứ phong tỏa nữa thì dịch vẫn chẳng ngăn nó phát triển được, mà dân thì càng ngày càng đói.

Sức chịu đựng của dân có hạn thôi chính phủ ạ. Đừng thử nghiệm thêm các ý tưởng độc đáo nào nữa chính phủ nhé. Dù thế nào thì chính phủ vẫn là tài tình, sáng suốt mà.

 

CÓ AI BỊ LỜI NGUYỀN NHƯ KYO KHÔNG???

FB Kyo York

Lúc Sài Gòn còn náo nhiệt đi lại, Kyo như bị lời nguyền từ "ông tổ của ngành vá ép" hay sao á 1 tuần Kyo chạy bị bể bánh xe ít nhất 1 lần. 1 tháng 3, 4 lần bể bánh, trong mấy lần đó có ít nhất 1 lần bị anh vá xe “ép đổi ruột” chặt chém vì thấy ông Tây “kèo thơm”, cho đến khi Kyo mở miệng nói tiếng Việt thì anh vá ép hết hồn mới chịu “vá 1 lỗ” thay vì bị đâm thêm nhiều lỗ (bị Kyo bắt bài hết rồi nên mấy ổng nói: "Mày mà là Tây gì mày là quỷ á!")

Nhưng ở Sài Gòn đa số gặp người tốt à nha, có lúc bể bánh xe ở xa, thấy Kyo dẫn bộ muốn “rụng giò” có người chạy theo giúp đến tận nơi vá, có lúc giữa khuya gõ cửa vẫn được hỗ trợ nhiệt tình… Sài Gòn là vậy có này có kia.

Nên cuộc sống mà có người này người khác,

Có người tốt và người chưa tốt,

Do đó không phải lúc nào khó khăn của bạn là do người khác gây ra.

Kiểu như chuyện bể bánh xe đâu ai muốn, ai biết trước, có khi do mình chạy ẩu quá, lâu quá nó bể, có khi bị cán đinh bẫy nó xẹp (he he này là bị hại), nên cứ hồn nhiên mà đón nhận, riết rồi thành quen, tích cực đối diện khó khăn luôn.

Giờ chỉ mong được chạy ra đường phố Sài Gòn vèo vèo đông người qua lại, bể bánh xe cũng được,

Dẫn bộ cũng được, lúc đó tha hồ mà ngắm Sài Gòn rộn rã dòng người qua lại, một cảm giác tuyệt vời, chắc lúc đó con người ta có va quẹt nhau chút xíu cũng sẽ nở nụ nười xí xoá bỏ cho nhau, đủ cảm thông vì những tháng ngày khó khăn đã dạy chúng ta sống bao dung hơn. Đừng phang nhau nón bảo hiểm sứt đầu mẻ trán như trước là được…

Hy vọng là vậy…

SÀI GÒN THƯƠNG

clip_image036

ĐÃ BAO LÂU KHÔNG HÔ: MỘT – HAI – BA – ZÔ

FB Huy Nguyen

Vào ngày 23 tháng 1/2020 khi dịch bệnh chỉ mới bắt đầu lây lan ở Vũ Hán và mới chỉ ghi nhận một vài ca lẻ tẻ ở một số quốc gia khác, tôi đã có bài viết đầu tiên với nhận định rằng thứ virus này có thể sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo toàn cầu. Mặc dù nhận định như vậy nhưng tôi vẫn không thể hình dung nổi cách mà Covid-19 đang hoành hành ở khắp nơi như hiện nay. Nó đã và đang tạo nên một cuộc khủng hoảng ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Rất khó để có thể khẳng định những ai, nhóm người nào là nhóm người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch này. Cả người giàu và người nghèo đều chịu ảnh hưởng theo những cách khác nhau. Người công nhân mất việc làm, những người lao động tự do mất thu nhập, người giúp việc nhà phải về lại chốn quê, các cô giáo dạy mầm non hay cả những kỹ sư lành nghề, tất cả đều rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng. Họ là nhóm bị ảnh hưởng của đại dịch sớm nhất mà chúng ta vẫn thường nghe trên truyền thông. Tuy nhiên có một nhóm không hề nhỏ đó là các TIỂU THƯƠNG ít được các chính sách hay truyền thông nhắc đến. Họ nhỏ ở tên gọi nhưng rất lớn về số lượng và cả về sự đóng góp cho nền kinh tế cũng như sự tiện nghi của chúng ta. Họ có thể là những Chị, những Má bán quán cơm bụi ven đường, họ có thể là chủ các nhà hàng, họ có thể là người chủ vựa trái cây, họ có thể là chủ một cửa hàng tạp hóa bán trăm thứ bà rằng. Họ là những mạch máu nuôi nền kinh tế, tạo nên sự tiện nghi và cả tiếng hô một – hai – ba zô chộn rộn cả phố phường. Đã lâu rồi bạn không hô 1-2-3 Zô đúng không?

Đã ba tháng nay phố phường tĩnh lặng; đã ba tháng nay cửa đóng then cài; đã ba tháng nay những mạch máu thôi bơm oxy cho nền kinh tế và ngay chính họ cũng đang thiếu oxy. Và thực ra là nhiều hơn ba tháng, hơn một năm rồi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tiểu thương chỉ, các nhà hàng dịch vụ ăn uống phải duy trì ở trạng thái hoạt động cầm chừng hoặc phải đóng cửa để tuân thủ các chính sách khống chế dịch.

Ghi nhận từ tổng cục thống kê TP.HCM, trong vòng tháng 7/2021, doanh thu hoạt động ăn uống tại TP.HCM ước tính giảm gần 55% so với tháng trước đó và giảm đến 84,8% so với cùng kì năm trước. Theo báo cáo mới nhất của Cục quản lý đăng kí kinh doanh, trong 7 tháng đầu năm 2021, số lượng đăng kí mới trong lĩnh vực lưu trú ăn uống giảm mạnh so với cùng kì (giảm 10,7%), đồng thời số lượng doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh lại rơi chủ yếu vào lĩnh vực buôn bán, bán lẻ. Đặc biệt, TP.HCM chiếm đến 30% số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh.

Tôi buồn thắt lòng khi nghe tin anh Cường Béo – chủ quán cơm chay ra đi vì Covid sau nhiều tháng liền tổ chức nấu ăn thiện nguyện hỗ trợ đồng bào mình.

Tôi buồn thắt lòng khi đọc câu chuyện chàng thanh niên là cựu nhân viên một nhà hàng rời Tp HCM đi bộ 12 ngày liền để về quê tận Sóc Trăng. Anh ấy đã không thể trụ lại thành phố thêm nữa. Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, hàng trăm ngàn người rời khỏi thành phố Hồ Chí Minh bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đó là cuộc di tản lớn nhất kể từ khi đất nước thống nhất. Trong số những người sơ tán khỏi Tp HCM đó có không ít người làm việc trong lĩnh vực phi chính thức trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ là bồi bàn, là phụ việc ở các quán ăn. Khi doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, những người lao động cũng vì thế mất đi thu nhập.

Các báo cáo khoa học chỉ ra rằng rất khó để có thể loại Covid-19 ra khỏi cuộc sống của con người và vì vậy chúng ta phải tìm cách sống chung với nó. Để sống chung chúng ta chỉ còn cách là đoàn kết cùng nhau vượt qua đại dịch. Cùng động viên và hỗ trợ các bác sĩ và lực lượng đang chống dịch ở tuyến đầu, cùng hỗ trợ nhóm người yếu thế, và tất nhiên là không bỏ lại phía sau những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thành phố Hồ Chí Minh để giúp họ có thể vực dậy hoạt động kinh doanh sau khi tỷ lệ tiêm vaccine đạt một ngưỡng an toàn. Tôi chia sẻ thông điệp của chương trình “Góp Triệu Ngôi Sao” do công ty Bia Saigon và Ban tổ chức chương trình hỗ trợ các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn, và tôi cũng mong mọi người cùng chia sẻ thông điệp này đến nhiều người để chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch. Khi bạn đăng một bài đăng về chương trình và có hình ngôi sao, bạn đã cùng tôi đóng góp một ngôi sao hi vọng vào chương trình. Số lượng bài càng nhiều, chúng ta càng lan tỏa được nhiều ngôi sao hi vọng, để cùng hỗ trợ nhau bước qua giai đoạn khó khăn này.

Và, chúng ta cùng đợi đến ngày được hô: 1-2-3 Zô!

clip_image038 by Quỷ Cốc Tử chụp con phố vắng người, quán hàng đóng cửa. Chờ một ngày phố vui lại đầy.

clip_image040

MẸ CHỜ CON NHÉ (*)

FB Giang Thị Kim Cúc

Đội 1_Đội 2 vẫn làm việc tới giờ đã hơn 16 ca. Vẫn còn đội 3 và 4. Mỗi một ngày trôi qua chúng mình làm như đây là ngày cuối cùng. Để chúng mình bên nhau động lực duy nhất là tinh thần đoàn kết và thấu hiểu nhau.

Cái gì giống nhau sẽ hút nhau. Và ngược lại cũng thế. Với mình giá trị lớn nhất của chúng mình đó là Giá trị tình người và tình đồng đội.

Mình tin ngày mai gần nhất chắc chắn sẽ tươi sáng. Chúng mình sẽ về với gia đình đoàn viên.

Mang vớ cho người như ý nghĩa tiễn đưa người với cảm xúc nghĩa tình ấm áp nhất mà team dành cho người clip_image042cảm ơn quý nhà hảo tâm mà Cúc không nhớ tên đã tặng vớ nha. Thương!

Sài Gòn ơi! Cố lên!

Biết ơn anh thầy tài năng Nguyễn Thái Dương đã tặng cho team 1 bài hát nghe xong mắt cay luôn. Nghe xong ấm áp lạ thường

Cả nhà nghe nha clip_image044clip_image044[1]

clip_image046

clip_image048

clip_image050

clip_image052

clip_image054

clip_image056

clip_image058

clip_image060

(*) Nhan đề của Văn Việt.

NỮ BÁC SĨ NHIỄM COVID-19: LẦN ĐẦU LÀM CÔNG VIỆC "ĐAU ĐỚN NHẤT" VÀ LỜI HỨA VỀ VIỆC KHÔNG BAO GIỜ LÀM VỚI F0

Ngọc Minh – Doanh nghiệp & Tiếp thị, 30/8/2021

clip_image062

Hiểu được nỗi cô đơn của bệnh nhân

Từ khi Covid-19 bùng phát tại TP HCM, Thạc sĩ, bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (đang làm việc tại bệnh viện dã chiến Covid-19 số 2) đã sớm dọn ra ở riêng. Chị biết công việc của một bác sĩ dù có cẩn thận tới đâu cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Nhà chị có bà nội đã già (đối tượng nguy cơ cao mắc Covid-19 dễ chuyển biến nặng) nên chị cũng lo sợ. "Nếu không may tôi nhiễm virus mà vẫn về nhà thì sẽ mang bệnh về lây cho mọi người trong gia đình", chị Linh nói.

Vậy mà nỗi lo của chị đã thành sự thật.

Điều không mong muốn nhất đã tới, tối ngày 30/7, chị Linh nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sau khi nhận được tin dương tính với SARS-CoV-2, ngay trong đêm, chị Linh thu xếp đồ để vào khu điều trị của bệnh viện dã chiến.

Chị vẫn nhớ như in cảm giác cô đơn khi đi trên lối riêng vào khu cách ly, mùi thuốc sát khuẩn, khử trùng xộc lên mũi. Bước thêm một bước, chị càng hiểu thêm nỗi cô đơn của bệnh nhân khi một mình điều trị tại bệnh viện.

Rất may lần vào điều trị này có chị và một bạn nữ điều dưỡng. Chị nghĩ thầm: "Có 2 chị em ở cùng phòng thì cũng đỡ buồn và có thể chăm sóc được cho nhau".

Nhưng sau đó, người bạn điều dưỡng có kết quả âm tính sớm nên được xuất viện trước, trong phòng điều trị chỉ còn mình chị Linh.

"Khi đau ốm, con người ta bỗng trở nên yếu đuối hơn, lúc này chỉ còn mình mình tôi trong căn phòng với 4 bức tường không người thân, bạn bè bên cạnh… cảm giác cô đơn vô cùng đáng sợ", chị Linh nói.

Trong những ngày mắc bệnh, chị Linh đã thấm cảm giác lo lắng, cô đơn của F0. Cũng chính vì thế mà chị lại thấy thương bệnh nhân của mình hơn. Hơn ai hết chị hiểu được cảm giác mà người bệnh đang trải qua.

Để quên đi cảm giác cô đơn, bác sĩ Linh vẫn làm việc hỗ trợ trực tuyến cho đồng nghiệp, livestream chia sẻ với bệnh nhân để không một ai bị bỏ rơi… hoặc nhẹ nhàng khuyên nhủ người bệnh: "đi ngủ dùm đi kẻo bệnh nặng nề thêm đó"….

Nhưng tới ngày tiếp sau đó, chị bắt đầu sốt, ho nhiều hơn, người mỏi rã rời… Cứ mỗi khi chiều buông xuống, bác sĩ Linh lại bắt đầu ngứa và ho.

Trong không gian tĩnh lặng chỉ có 4 bức tường, 1 tiếng chuông điện thoại reo lên khiến chị bị giật mình. Đầu giây bên kia là bác sĩ Tài (bác sĩ trong đoàn tại Bệnh viện Dã chiến số 2), chị nhấc mình dậy nghe máy.

Những tiếng ho lụ khụ vang lên trong máy, bác sĩ Tài hốt hoảng hỏi chị dồn dập: "Chị có sao không? Có cần thêm uống thuốc không? Thở oxy nhé để đẩy vô liền".

"Tôi biết bác sĩ Tài lo cho tôi khi nghe tôi ho, sốt và mệt nên bạn sợ tôi gặp chuyện chẳng lành. Nhưng tôi tự đánh giá được sức khỏe của tôi ra sao. Tôi từ chối tiếp nhận thuốc và oxy vì tôi nghĩ những thứ đó không cần thiết với tôi. Trong khi có nhiều bệnh nhân khác còn cần hơn tôi rất nhiều", chị Linh nói.

Không bao giờ để F0 một mình

Những ngày bị virus "hành" rồi cũng qua đi. Qua lần ốm đó, chị Linh đã nhận ra một điều là "không bao giờ để F0 một mình".

"Cho nên giờ tôi vẫn nói với các đồng nghiệp của mình không bao giờ để F0 một mình. Khi trải qua rồi tôi mới nhận ra, các ca tử vong tại nhà thường họ chỉ có 1 mình hoặc người chăm sóc không biết cách. Tôi vẫn luôn nói với bệnh nhân của mình "khi mình ngồi im thì không ai biết để tới cứu giúp kịp thời!". Và dặn bệnh nhân khi có vấn đề gì phải tìm mọi cách tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, chỉ có như vậy mọi người mới biết và cứu được bạn".

clip_image064

Bác sĩ Linh chụp ảnh với bệnh nhân trước khi được xuất viện về nhà, ảnh BSCC.

Theo kinh nghiệm đối diện với kẻ thù (SARS-CoV-2) của chị Linh, hành trang chỉ đơn giản là kiến thức. Hiểu về bệnh mới trấn an được bản thân và chiến thắng được bệnh tật. Chị còn lập ra một khẩu hiệu để nhắc nhở cho bệnh nhân F0: Hiểu về bệnh – Tự trấn an Điều trị triệu chứng – Theo dõi triệu chứng nặng – Vượt qua.

Theo bác sĩ Linh, khi tất cả mọi người hiểu về bệnh của mình sẽ phần nào giảm đi sự hoảng loạn và có cách ứng cứu kịp thời.

Đau đớn nhất của người bác sĩ là phải thông báo "tin xấu"

Mọi người vẫn gọi chị Linh là "Bác sĩ em bé". Công tác thường ngày của chị là điều trị cho bệnh nhi, đặc biệt là các bé trong giai đoạn sơ sinh. Các bé chỉ nhỏ xíu một vài lạng thôi nhưng các y bác sĩ vẫn có thể nuôi được. Các bé sơ sinh dù tiên lượng nặng tới đâu nhưng đều hồi phục một cách kỳ diệu.

Nhưng khi bước vào cuộc chiến Covid-19, chị trở thành người trực tiếp phải thông báo những "tin xấu" cho bệnh nhân – điều mà bác sĩ Linh chưa từng phải làm trước đây.

Giờ đây, chị phải nhìn thấy cảnh bệnh nhân đau khổ vì mất mát khi biết người thân qua đời.

Bác sĩ Linh vẫn còn nhớ hình ảnh bé trai 15 tuổi là F0 trong khu điều trị khóc lóc chạy xuống phòng hành chính để tìm nhân viên y tế. Hóa ra, em mới nghe tin bà mất và muốn xác minh lại, trong lúc hoảng loạn đã chạy đi tìm nhân viên y tế giúp đỡ. Việc xác nhận thông tin người thân mất không phải là công việc của bác sĩ Linh, nhưng chị nghĩ: "Những mất mát này cần phải cho bệnh nhân lời giải".

clip_image066

Bác sĩ Linh chuyển những hộp kẹo C con vịt cho bệnh nhi – ảnh BSCC.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã báo tin bà mất cho người quen của đứa trẻ. Chị lần theo thông tin đó gọi điện, và cuối cùng chị cũng xác nhận được tin bà cháu đã mất.

"Với tư cách là một bác sĩ nhi, trong tất cả các năm công tác tôi chưa bao giờ tôi phải báo "tin xấu" với gia đình. Tôi thích chăm sóc cho các em bé sơ sinh vì em bé có sự hồi phục rất ngoạn mục. Dù em bé đó tiên lượng có xấu cỡ nào thì đều hồi phục rất thần kỳ. Thông báo "tin xấu" là điều tôi chưa bao giờ phải làm nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, tôi đã phải làm việc đó", bác sĩ Linh tâm sự.

Để thông báo một tin người thân đã mất cho một đứa trẻ không hề dễ dàng. Chị đã trò chuyện với bé rất lâu và biết được 3 anh em bé không ở cùng bố mẹ, ông bà nội là người thân chăm sóc cho bé từ nhỏ. "Tôi có nói với con sẽ cố gắng làm tất cả để con có thể về sớm, nhận hài cốt của bà", giọng bác sĩ Linh như lạc đi.

Trong "cuộc chiến" này, chúng ta đã làm những điều phi thường

Đối mặt với số lượng bệnh nhân tăng lên từng ngày không làm bác sĩ Linh sợ kẻ thù (virus SARS-CoV-2). Nhưng khi chứng kiến hình ảnh bệnh nhân gào khóc, la hét do người thân qua đời, "Tôi cảm thấy quá sức với mình", bác sĩ Linh nói.

Bác sĩ Linh kể: "Một đứa trẻ 13 tuổi đau khổ, la hét do không thể tiễn đưa người nhà mất. Bé quỳ lạy trước chiếc điện thoại khi chứng kiến hình ảnh đưa tang bà ngoại qua điện thoại. Khi phải nhìn cảnh tượng như vậy đối với tôi cảm thấy quá sức với mình. Chưa bao giờ tôi phải đối mặt với sự tang thương lớn tới như vậy. Tôi đã không cầm được nước mắt".

clip_image068

Bác sĩ Linh chụp ảnh cũng các đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến.

Bác sĩ Linh chia sẻ, cuộc chiến chưa kết thúc, sự mất mát sẽ còn kinh khủng hơn nữa và sẽ có những câu chuyện buồn, có những câu chuyện bi thương. Nhưng đằng sau câu chuyện bi thương đó bác sĩ Linh vẫn thấy được tình người rất lớn.

"Có một chuyện tôi nhận ra: dịch bệnh đã khiến cho con người làm được mọi thứ đã vượt trên mức bình thường.

Một đứa trẻ học lớp 10 có thể theo dõi triệu chứng nặng của mẹ, sát sao và chuyên nghiệp như một nhân viên y tế.

Một bác sĩ hoàn toàn có thể làm được việc không phải của bác sĩ như: bưng cơm, đổ rác, trấn an bệnh nhân như những cô tổng đài viên… Tất cả mọi người đều làm được những việc mà ngày trước mình chưa từng làm. Trong cuộc chiến này từ người dân, các em nhỏ, bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, dân quân, tài xế… đều làm được những điều phi thường", chị Linh chia sẻ.

 

SÀI GÒN VÀ BỆNH VIỆN COVID CA ĐÊM – Nhật ký tu sĩ thiện nguyện

Tổng Giáo phận Sài Gòn

 

MAU VỀ VỚI ANH VÀ CON NHÉ!

Joseph Vulo – TGP Sài Gòn, 31/08/2021

clip_image069

TGPSG — Tiếng chuông điện thoại reo. Một số máy lạ gọi tới. Quẹt nút xanh, tôi nghe giọng nói run run từ đầu đây kia vang lên: “Chào thầy, con là chồng của bệnh nhân V.T.K.H. Nếu thầy có gặp vợ con thì cho con biết tình hình sức khỏe của vợ con nhé! Đã hơn tuần nay con không được thấy vợ con rồi. Con lo lắm! Miễn là được biết tin của vợ con, mọi thứ giờ với con chỉ có thế!”…

Ngồi bên cửa sổ ngắm những hạt mưa rơi, nhâm nhi tách cà phê pha vội sau giờ tan ca, tôi nhớ về một Sài Gòn hoa lệ, tấp nập xe cộ ngược xuôi. Những quán bar, nhà hàng sang trọng hoạt động không có giờ nghỉ. Những đôi bạn trẻ đương yêu nắm tay nhau tung tăng dạo bước trên con phố hoa lộng lẫy. Giọng nói vồn vã trên sóng Radio VOV Giao Thông đưa tin về mật độ xe lưu thông tại các điểm nóng, thỉnh thoảng bị chen ngang bởi những bài hát yêu thích được phát lớn tiếng trên chuyến xe buýt đông người. Những bài thánh ca trong vút, sâu lắng cất lên trong những ngôi thánh đường vào lúc tàn nắng hay sáng bình minh. Một Sài Gòn với những tiếng xe container, xe tải đang tần tảo xình xịch lăn bánh vận chuyển hàng vào lúc rạng đông. Những âm thanh khó nghe từ động cơ tàu bay, xe lửa chạy rần rần đã trở nên quen thuộc tự thuở nào. Tiếng hát karaoke chật nhịp, tiếng nhạc xập xình nhức tai của một giọng ca ‘lệ rơi’ nào đó đang buông hồn giải tỏa sau những giờ làm mệt mỏi và căng thẳng. Giờ thì còn đâu! Nhớ lắm những lúc kẹt xe, chen cứng người! Những con phố tấp nập giờ trở nên vắng lặng, sâu hút. Những khu chợ giao thương náo nhiệt, giờ đóng cửa ngủ đông im lìm. Những âm thanh ngang tai của một ca sĩ nghiệp dư nào đó được thế bằng tiếng còi réo nhói đau của lớp lớp xe cứu thương đang miệt mài chở bệnh nhân Covid.

Mấy hôm nay, Sài Gòn mưa. Sài Gòn buồn. Sài Gòn rơi lệ như đang thổn thức cho những cuộc chia ly không hẹn ngày về và chào biệt những con người đang âm thầm lặng lẽ ra đi. Con virus bé nhỏ chẳng thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng gây bao tang thương và chia cắt. Sự sống và cái chết mong manh quá! Sinh và tử như không có lằn ranh. Chứng kiến bao người ra đi không kèn trống, không hương hoa, không người thân đưa tiễn, tôi càng thấy đời người ngắn ngủi, phận người mỏng manh. Những bệnh nhân trần trụi đang nằm dài thở máy, chỉ đắp hờ một tấm drap trắng bâng quơ. Họ cố giành giật lấy sự sống từ tay tử thần trong từng nhịp thở yếu ớt. Xót xa thay! Thương lắm! Còn lại gì sau một đời mưu sinh?

Cô H là tiểu thương ở một khu chợ nhỏ Q.5, Sài Gòn. Hằng ngày, trên chiếc xe gắn máy đã xỉn màu, cô lấy hàng từ lúc mặt trời còn chưa kịp nhú lên phía hừng đông, chú gà trống cô nuôi còn chưa kịp test giọng báo hiệu ngày mới. Cô phải lấy sớm để về kịp dọn hàng bày bán. Một mình bươn trải kiếm sống từ nhỏ nên đã rèn nắn cô trở nên cứng cáp hơn. Cô là chỗ dựa kinh tế chính cho cả gia đình.

Chú là thương binh thương tật 41%. Chiến tranh đã cướp đi phần nhiều sức lao động của chú. Cô quen chú trong lần lấy hàng giúp. Hai con tim chạm vào nhau từ lúc nào chẳng hay. Hai mảnh đời rệu rã vội vã va vào nhau bởi họ cần nhau, và vì họ đã thấy mảnh ghép phân nửa của đời mình. Số trời đã định. Họ đến với nhau bất chấp hai bên gia đình ngăn cản.

Những năm đầu của thập niên 90, với số tiền dành dụm được từ bấy lâu và vay mướn ngân hàng, cô chú cũng mua được căn nhà đơn sơ 25m2 nằm sâu trong con hẻm nhỏ gọi là có chỗ trú ngụ để tiện bề buôn bán. Sau 10 năm chung sống, cô sinh được một bé trai kháu khỉnh. Và 2 năm sau, là một bé gái dễ thương. Ngỡ tưởng mọi thứ ổn định, nhưng càng lớn hình như những đứa con của cô không được như những đứa trẻ khác, chúng đều chậm phát triển. Chắc có lẽ là hậu quả của những thương tật và chất độc do chiến tranh gây nên. Sống trong cảnh đó, gạt đi nước mắt, họ vẫn yêu thương nhau và lan tỏa yêu thương ấy cho mọi người.

Rồi đến một ngày, trong những ngày đầu Sài Gòn lâm bệnh, cô đi chợ cất hàng, dọn đồ bày bán như thường lệ. Tối hôm đó, nấu bữa cơm còn đang dở, đột nhiên, cô thấy trong người khó chịu, thân nhiệt cứ nóng dần lên, cổ họng cô khô rát. Ngày một ngày hai, những triệu chứng ấy ngày càng nặng hơn, lại thêm khó nuốt. Chú đưa cô tới bệnh viện. Sau khi test nhanh, cô nhận kết quả dương tính với Covid. Cả nhà lo lắng. Cô được vô Bệnh viện Ung Bướu Cơ sở II – nơi được trưng dụng để điều trị các Bệnh nhân nhiễm Covid. Mấy ngày đầu còn khỏe, cô vẫn hay gọi video về cho chú và hai đứa con lớn ngây dại. Họ cười nói và động viên nhau giữ gìn sức khỏe. Không quên nhắc nhau năng xúc miệng và rửa mũi bằng nước muối ấm. “Nhớ uống nhiều nước để tống khứ con virus xuống dạ dày, để tránh nó làm tổ và ủ trong cổ họng rồi chui vô phổi. Nhớ đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi nhận đồ ăn và tiếp xúc với người khác.” – Cô nhắc kỹ chú và các em những điều ấy vì chính cô đã lơ là và đã nhiễm bệnh từ nguồn lây nhiễm đó.

Cô vô đây, chú và các em không được gặp. Bác sĩ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên là người nhà của cô tự bao giờ. Thay vì chiếc xe gắn máy cũ kỹ, cái sọt đồ hàng rỉ sắt, chiếc mũ bảo hiểm trầy xước bạc màu, thì mớ dây rợ, máy móc, ống thở là những vật dụng dần trở nên quen thuộc với cô. Lúc còn tự thở, cô cũng thường hay kể cho chú nghe về cô được mọi người nơi đây yêu thương, hỏi thăm và chăm sóc ra sao.

Nhưng đã hơn tuần nay, chẳng còn cuộc gọi nào reo lên từ số Vợ yêu đều đặn 8g hay 21g như những ngày trước nữa. Chú bồn chồn lo lắng, trong lòng cứ rạo rực như có một điều gì đó không hay xảy ra. Đúng là cô đã được chuyển xuống khoa ICU – khoa Hồi sức Tích cực chăm sóc những bệnh nhân nặng và rất nặng từ hôm đó.

Giờ đây, cô nằm trong phòng này, thứ âm thanh quen thuộc là những tiếng bíp bíp của máy trợ thở, trợ tim đang hoạt động hết công suất hòa lẫn với những tiếng bước chân vội vã của y bác sĩ, điều dưỡng đang ngày đêm giúp cô tranh đấu với tử thần. Đúng là con virus quái ác, chúng tấn công và đánh gục hệ miễn dịch hô hấp quá nhanh, nhất là với những người có bệnh nền. Giờ cô đang nằm bất động, được trợ thở bằng máy thở hạng nặng.

Thật ra, chú và tôi liên lạc được với nhau là cả một kỳ tích. Chú đã tìm kiếm bôn ba cùng khắp để kiếm thông tin về cô, chỉ một tuần thôi mà ngỡ dài như cả đời. Chú nhờ cả một cô bạn thân bên Mỹ liên hệ với một người quen làm ngành y ở Việt Nam để tìm kiếm thông tin. Tạ ơn Chúa! Qua mấy số liên lạc, cuối cùng, chú và tôi liên hệ được với nhau.

Tiếng chuông điện thoại reo. Một số máy lạ gọi tới. Quẹt nút xanh, tôi nghe giọng nói run run từ đầu đây kia vang lên: “Chào thầy, con là chồng của bệnh nhân V.T.K.H. Nếu thầy có gặp vợ con thì cho con biết tình hình sức khỏe của vợ con nhé! Đã hơn tuần nay con không được thấy vợ con rồi. Con lo lắm! Miễn là được biết tin của vợ con, mọi thứ giờ với con chỉ có thế!”…

Đúng là giờ này, với chú, chẳng còn gì quý hơn là tình yêu, vì người mình yêu mà phải lao lực tìm kiếm, không ngưng nghỉ thì cũng đáng. Cuộc tìm kiếm đó dẫu có chênh chao mờ tối nhưng còn hy vọng là còn nắm, còn giữ, còn kiếm tìm. Quả thật, những lúc gian nan mới thấy tình yêu người ta dành cho nhau được hiển lộ đáng quý dường bao!

Hôm nay, đúng ca trực, tôi xin phép chị điều dưỡng trưởng được gọi video cho chú gặp cô. Gọi là gặp nhưng đâu có nói được câu nào. Chú nhìn cô lặng lẽ với tấm thân trần trụi, cơ thể tiều tụy, tiếng thở yếu ớt cùng với mớ dây rợ chằng chịt quanh người. Tôi nghe thấy chú khóc. Nước mắt của người đàn ông khi chứng kiến "một nửa đời mình" đang nằm thoi thóp mà không thể làm gì hơn. Bất lực. Cổ họng đông cứng. Đôi tay như ngắn lại, như thể càng vươn tới thì càng không thể chạm được. Vô vọng. Lặng nhìn người mình yêu một đời bôn ba, tảo tần, hết mình vì chồng vì con vì tổ ấm yêu thương giờ đây đang ngã quỵ mà nuốt từng nỗi đau. Tôi nghe tiếng nấc nghẹn vội vã, dồn dập không thành câu:

“Em ráng khỏe nhé! Đừng lo cho anh và hai con. Anh và con tự chăm sóc cho mình được. Yên tâm. Hai đứa vẫn khỏe. Anh cũng khỏe. Mau về với anh và con nhé! Cả nhà chờ em!”

Nghe những lời này, tim tôi quặn thắt. Đôi dòng nước mắt rơi tự thuở nào hòa lẫn với những giọt mồ hôi lăn dài trên má trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Chắc cô cũng nghe được những lời ấy, mắt cô ngấn lệ. Bế tắc thật sự! Tôi chẳng biết phải làm gì khi chứng kiến cảnh ấy. Tôi trân người nhìn cô hồi lâu rồi lấy khăn ướt lau mặt cho cô và nắm tay cô một cái thật chặt. Tôi thầm khẩn cầu cùng Chúa cho cô và gia đình được bình an đón nhận mọi thử thách dù chẳng biết tương lai sẽ thế nào. Và khẽ nói gần tai cô:

"Cô ơi! Chú và hai em đang đợi cô! Họ đang rất nhớ cô! Mau khỏe, cô nhé!"

Phóng tầm mắt nhìn trời, Sài Gòn giờ đã tạnh mưa. Những vạt nắng lấp ló sau làn mây đang vươn mình trỗi dậy. Hy vọng hồi sinh!

Thương Sài Gòn, những ngày lâm bệnh! Thương bao cảnh, người đi tìm người! Thương…!

 

ẤM ÁP NGHĨA TÌNH VỢ CHỒNG TRONG TÂM DỊCH

FB Apollo Silicone

Một buổi tối muộn cuối tháng 8, khi Sài Gòn đã dần say giấc, hotline của Tổ hỗ trợ y tế Apollo Care liên tục reo lên những hồi chuông giục giã. Nhanh chóng nhấc máy theo phản xạ, tổ tư vấn tiếp nhận thông tin: cụ ông 75t là F0 từng bị tai biến hiện đang cần hỗ trợ khẩn cấp xe cứu thương, chỉ số SPO2 thấp dưới 85, cụ bà – vợ ông cũng xin đi cùng người nhà vào viện.
Người nhà chia sẻ thêm đã tìm cách liên lạc với rất nhiều các đơn vị hỗ trợ cấp cứu nhưng không nhận được phản hồi nào, tình cờ lướt thấy thông tin đội xe Apollo trên mạng nên đành bấm gọi cầu may… Nhận thức tính cấp bách của tình hình, đội xe nhanh chóng lên đường và sau 10 phút đã có mặt tại nhà bệnh nhân, kịp thời đưa ông đến bệnh viện dã chiến số 14.
Những tưởng cả hai ông bà đều dương tính với Covid, nhưng đến nơi mới biết vì quá thương ông, lo lắng cho ông không có ai cầu cạnh nên dù chưa biết có nhiễm bệnh hay không, cụ bà vẫn năn nỉ bệnh viện cho được vào cùng ông. Phải chứng kiến những nụ cười xộc xệch của cụ bà khi bệnh viện từ chối cho bà vào cùng, nhìn thấy ánh mắt dõi theo bóng ông khuất dần sau cổng viện, chúng tôi mới cảm nhận được rõ nét nhất nghĩa tình chồng vợ sâu đậm đến dường nào. Có lẽ Covid đã cho chúng tôi những bài học vô giá, những trải nghiệm mà có lẽ sẽ không bao giờ có thể lãng quên.
Cầu chúc cho ông được bình an, sớm mạnh khoẻ về cùng gia đình thân thương, nơi có bà luôn chờ đợi.
Sài-gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài-gòn bây giờ cúi mặt xa nhau
Sài-gòn bước ai gõ xuống đêm sầu
Sài-gòn bóng nghiêng, Sài-gòn đứng đợi
Sài-gòn bây giờ cúi mặt xa nha
(Lê Uyên Phương)

SÀI GÒN NGHẸN NGÀO… MƯA !!!

Minh Hoa Photography

Sài Gòn mưa hay SaiGon đang khóc?!!!

Sài Gòn oằn mình những ngày tháng 8/2021 chống dịch Covid, lần đầu tiên Sài Gòn "giới nghiêm" 18h đến 6h sáng, từ ngày 23/8/2021, chuyện chưa từng xảy ra từ hơn 320 năm nay?

Những con đường, góc phố nhộn nhịp nay nhường lại không gian vắng lặng, tĩnh mịch. Đã 3 tháng qua mình vẫn chưa quen với cảm giác này!!!

SaiGon – August 23, 2021

 

MONG MỌI NGƯỜI CÙNG CHUNG TAY GIÚP ĐỠ

FB Thăng Fly Comics

Anh Hoàng Ngọc Sỹ, gốc Quảng Trị, trọ tại Bình Dương. Vợ anh bị nhiễm Covid-19 ngay trong lúc mang thai được 7 tháng và điều trị tại bệnh viện Thủ Đức. Sau một thời gian thì bác sĩ yêu cầu mổ đưa em bé ra, nhưng do tình hình bệnh diễn tiến nguy kịch, chị đã không còn đủ sức chống chọi và ra đi.

Bản thân anh cũng bị covid cách ly tại phòng trọ chật hẹp cùng hai đứa con…

Đứa con gái đầu của anh đã 14 tuổi nhưng bị bệnh tim và khiếm thính bẩm sinh, đứa con thứ 2 mới được 3 tuổi, và bé sơ sinh vẫn phải nuôi trong lồng kính.

Gia đình 5 người giờ chỉ còn lại 4 bố con nương tựa vào nhau, bản thân anh Sỹ cũng đã mắc Covid -19.

Cầu xin mọi người giúp GĐ anh trong lúc này để cha con anh được tồn tại….

Đây là thông tin liên hệ cùng STK ngân hàng của anh ạ:

– SĐT: 0879272538

– Số TK: 5590206562805 – NH AGRIBANK – Chủ TK: Hoàng Ngọc Sỹ

(Thông tin chi tiết hơn mình xin để dưới phần bình luận)

clip_image071

Thông tin kêu gọi trong hội đồng hương Quảng Trị:

https://m.facebook.com/marketplace/item/448643562860800/?referral_code=bsg_newsfeed

Giấy xác nhận và kêu gọi từ UBND xã Hải Quế:

clip_image073

Comments are closed.