Tất cả giờ đây đã trôi dạt về đâu? – Truyện ngắn

Raymond Carver

Dương Thắng dịch từ tiếng Pháp: “Où sont-ils passés, tous?” của Raymond Carver, in trong Le Magazine Littéraire, số tháng 9 năm 2010.

carver460Raymond Carver (1938-1988): nhà văn và nhà thơ, cây bút viết truyện ngắn hàng đầu, được mệnh danh là “Tchekhov Mỹ”. Ông cũng được xem như là một bậc thầy của “truyện ngắn tối giản”. Ngôn từ của ông giản dị, trong sáng nhưng những truyện ngắn của ông luôn sâu sắc và đầy sức thuyết phục bởi sự gần gũi với cuộc sống trong từng chi tiết. Độc giả Việt Nam đã có dịp làm quen với tác phẩm của ông qua các bản dịch “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” (Dương Tường và Nguyễn Hạnh Quyên dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn và Nhã Nam, 2009) và “Em làm ơn im đi, được không?” (Lâm Vũ Thao dịch, NXB Văn học và Nhã Nam, 2012). Truyện ngắn dưới đây nằm trong số các di cảo của Raymond Carver mới được tìm thấy và xuất bản lần đầu trên tạp chí Le Magazine Littéraire số tháng 9 năm 2010.

 

Tôi đã chứng kiến nhiều trò. Chiều hôm đó tôi rẽ qua nhà mẹ tôi, với dự định tá túc vài đêm ở chỗ bà. Leo tới đầu cầu thang, tôi liếc nhanh qua khung cửa và nhìn thấy bà đang ngồi trên ghế tràng kỷ. Bà ôm hôn một người đàn ông trung niên. Đó là một chiều hè, cửa căn hộ mở và chiếc tivi màu đang bật.

Mẹ tôi sáu mươi lăm tuổi và cảm thấy cô đơn. Bà tham gia câu lạc bộ những người độc thân. Điều đó cũng không giúp bà cảm thấy dễ sống hơn. Tôi đứng yên lặng ở chỗ chiếu nghỉ, tỳ lên tay vịn cầu thang. Người đàn ông đang dìu bà vào một nụ hôn mỗi lúc một nồng nhiệt hơn. Bà đáp trả lại nụ hôn. Văng vẳng tiếng tivi ở góc phòng. Đó là một chiều chủ nhật, tầm năm giờ. Cư dân của tòa nhà đã xuống hết dưới sân, xúm xít xung quanh bể bơi. Tôi quay lui trở xuống cầu thang, tiến về chiếc ô tô và nổ máy rời đi. Có biết bao nhiêu là “chiêu trò” đã trôi qua kể từ buổi chiều hôm ấy và giờ đây chúng ẩn nấp lẩn quất đâu đó trong những sự việc đã được sắp xếp lại ngay ngắn. Nhưng vào thời kỳ đó, mẹ tôi sẵn sàng ngủ với người đàn ông đầu tiên nào đến với bà, còn tôi đang thất nghiệp, nốc rượu liên miên và bấn loạn, nói một cách hình ảnh là đang “ tuột xích”. Những đứa con tôi cũng “tuột xích”, vợ tôi cũng “tuột xích”. Cô ta khi đó đang gian díu với một cựu kỹ sư ngành hàng không vũ trụ cũng đang thất nghiệp, họ gặp nhau ở một trung tâm trợ giúp cai nghiện rượu. Anh ta cũng đang “tuột xích”. Tên anh ta là Ross, có năm hay sáu đứa con gì đó. Anh ta đi cà nhắc, hậu quả của việc lãnh một viên đạn vào chân, người điên tiết bóp cò súng là cô vợ đầu của anh ta. Lúc đó anh ta không còn có người vợ nào và anh ta thèm muốn vợ tôi. Giờ đây tôi cũng không hiểu cái gì đã nằm trong đầu lũ chúng tôi vào những ngày đó nữa. Người vợ thứ hai chỉ đi ngang qua cuộc đời Ross, nhưng người bắn vào chân anh ta là người vợ thứ nhất, chuyện xảy ra trước đó vài năm. Kể từ đó, anh ta trở thành người tập tễnh. Cũng chính người vợ thứ nhất đó, cứ sáu tháng một lần lại kiện anh ta ra tòa và tống anh ta vào tù vì không gửi tiền trợ cấp cho cô ta. Giờ đây tôi không còn căm ghét anh ta, nhưng trước đây thì khác. Hồi đó tôi đã nói đến việc dùng vũ khí để xử anh ta, không chỉ một lần, tôi nhớ là vậy. Tôi gào rống lên với vợ “Tôi sẽ giết nó”. Cuộc sống cứ nghiêng ngả như thế mà trôi đi. Tôi chưa bao giờ chạm trán hay mặt đối mặt với anh ta. Chúng tôi có nói với nhau qua điện thoại ba hay bốn lần gì đó. Nhưng một lần trong khi lục lọi sắc của vợ, tôi đã tìm thấy hai cái ảnh của anh ta. Gã người tình của vợ tôi trông thấp bé, nhưng không đến nỗi quá thấp. Anh ta mặc một chiếc áo len chui cổ kẻ sọc, đứng chờ một đứa trẻ con ở dưới chân một chiếc cầu trượt. Trong tấm ảnh thứ hai, anh ta vận một bộ complê, đeo cravat, khoan tay đứng dựa lưng vào tường một căn nhà, phải chăng đó là căn nhà của tôi? Tôi cũng không chắc lắm. Ross, đồ khốn, tôi cầu mong anh giờ đây được bình an, mọi việc được ổn thỏa với anh.

Lần cuối cùng khi anh ta bị tống vào tù, một tháng trước cái buổi chiều chủ nhật đáng nhớ trên, tôi được con gái thông báo rằng chính mẹ nó, tức là vợ tôi, là người đã nộp tiền để đưa anh ta ra tù. Kate, con gái tôi, mười lăm tuổi, uất ức về chuyện đó với mức độ ngang bằng với tôi. Với tôi thái độ đó của nó chẳng phải xuất phát từ những đánh giá về đức hạnh hay phẩm giá, cũng chẳng phải là muốn chia sẻ với tôi, ở nó chẳng có một chút niềm yêu thương gì với tôi cũng như với mẹ nó. Không, hoàn toàn không. Với nó đây là một vấn đề khó chịu liên quan đến ngân sách gia đình. Tiền càng chảy về phía Ross nhiều bao nhiêu thì khả năng đáp ứng nhu cầu của nó càng bị thu hẹp bấy nhiêu. Và như thế vợ tôi đã có được Ross khi chìa tay kéo anh ta ra khỏi tù. Hơn nữa cô ta cũng không yêu lũ trẻ, cô ta đã từng nói với tôi như thế. Vài lần cô ta kể với tôi rằng nhìn toàn bộ thì Ross không phải là người xấu, những lúc anh ta không nốc rượu, anh ta khá hài hước và vui nhộn. Thậm chí anh ta từng gọi vợ tôi là “người đàn bà phiêu lưu thú vị của tôi”.

* *

*

Ross dành thời gian để sửa chữa các loại máy móc cũ. Anh ta đã mất việc làm trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Tôi đã có dịp ngó nghiêng căn nhà của anh ta từ bên ngoài. Người ta có cảm tưởng đang đứng trước một bãi chứa đồ phế thải. Một đống hỗn độn các loại máy móc và phụ tùng cũ đủ loại, những thứ sẽ chẳng bao giờ được lau chùi, được đem đi nấu chảy thành thép hay được giao đi các nơi khác, tất cả chất đống trong cái gara luôn mở toang cửa hay vứt rải rác trên lối đi, trong góc vườn trước nhà. Cũng thấy một vài cái khung xe ô tô mà anh ta hay đứng hí hoáy gõ đập ở đó. Vào giai đoạn đầu trong quan hệ giữa vợ tôi và Ross, vợ tôi khoe rằng anh ta “sưu tập xe cổ”. Xe cổ, tôi vẫn nhớ rõ từng từ cô ta nói. Nhốt mình hàng giờ trong xe, tay nắm chặt vô lăng, tôi đã cố quan sát và ghi nhớ tất cả những gì tôi muốn thấy. Có một vài chiếc xe cũ kỹ đỗ trước của nhà anh ta, những model của những năm 1950 và 1960. Vỏ xe méo mó biến dạng, ghế ngồi rách nát. Đơn giản đó chỉ là một đống sắt hoen rỉ, đồ đồng nát. Tôi biết quá rõ kiểu người như anh ta. Nhà sưu tập xe cổ”? Chuyện hoang đường! Hai chúng tôi có quá nhiều điểm chung: chúng tôi đang lăn bánh trên cùng loại xe ô tô cũ kỹ ọc ạch, đang cố gắng đến tuyệt vọng để neo bám, bấu víu vào cùng một người đàn bà. Tôi không biết anh ta có phải là người ham thích sửa chữa máy móc hay đồ gia dụng không, nhưng quả thực anh ta chưa bao giờ có thể căn chỉnh tử tế chiếc xe của vợ tôi hay sửa chữa thành công chiếc máy thu hình ở nhà tôi những lúc nó bị trục trặc mất hình. Người ta vẫn nghe thấy tiếng phát ra từ chiếc tivi nhưng không nhìn thấy hình. Để theo dõi tin tức, buổi tối chúng tôi phải ngồi xung quanh chiếc máy thu hình và cố dỏng tai để nghe âm thanh phát ra từ đó. Tôi uống và buông ra những lời bình luận cay độc về quý ông Biết-Làm-Tuốt cho những đứa con tôi nghe. Cho đến tận hôm nay tôi cũng không rõ vợ tôi có thật sự tin vào câu chuyện cổ tích về những chiếc xe cổ và những thứ khác không. Nhưng cô ta đầy sùng tín với anh ta và yêu anh ta, điều đó giờ đây tôi không mẩy may nghi ngờ.

* *

*

Họ biết nhau vào thời kỳ khi Cynthia có ý định cai rượu và tới dự các cuộc họp mặt do các tư vấn viên của Alcooliques Anonymes tổ chức, ba hoặc bốn lần một tuần. Trong một khoảng thời gian vài tháng thỉnh thoảng tôi cũng có ghé qua AA (1), không thường xuyên lắm. Và tôi không lui tới đó nữa sau khi Cynthia làm quen với Ross. Tôi lại uống như hũ chìm, mỗi ngày một lít, uống tất cả những chất cồn nào vớ được. Ross cũng đến AA nhưng sau đó cũng bắt đầu uống trở lại. Vì sao Cynthia đã lựa chọn Ross? Hình như cô ta nghĩ rằng hy vọng cai được rượu ở anh ta lớn hơn ở tôi. Họ cùng nhau tới các cuộc họp mặt nghe tư vấn cai nghiện rồi sau đó trở về nhà Ross. Cô ta giúp anh ta nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa. Những đứa con của Ross chẳng giúp gì trong chuyện này, ở nhà Ross không ai nhấc chân tay để làm việc nhà, ngoại trừ Cynthia những lúc cô ta có mặt ở đó. Nhưng lũ trẻ càng lười nhác thì anh ta càng yêu quý chúng, cái đó thật lạ lùng. Điều đó hoàn toàn trái ngược với tôi. Thời kỳ đó tôi căm ghét những đứa con mình. Thường thì tôi đang nằm dài trên ghế tràng kỷ, tay cầm một ly vodka pha nước bưởi ép vào lúc những đứa con trở về từ trường và gõ cửa. Một buổi chiều, tôi đã nổi khùng và sừng sộ với Mike, đứa con trai. Cynthia đã phải lao vào lôi tôi ra khi tôi gầm lên dọa xé xác thằng con thành từng mảnh. Tôi rống lên: “Tao đã cho mày cuộc sống thì tao cũng có thể lấy nó đi”.

Một thời kỳ điên loạn.

Những đứa con tôi, Katy và Mike rất khoái trá khi khai thác triệt để cái tình huống tai họa này. Chúng vẫn tiếp tục lớn lên, sinh sôi nảy nở như loài cỏ dại và luôn tìm cách đối xử thô bạo hay gầm ghè hậm hực nhau, và tất cả chúng tôi cùng sống trong một bầu không khí bạo lực và hỗn loạn, bầu không khí trong căn nhà của những kẻ điên loạn. Giờ đây, dẫu từ một khoảng cách rất xa, nhưng mỗi khi nghĩ tới chúng, trái tim tôi lại đầy ứ một niềm uất hận đắng cay. Tôi nhớ lại vài năm trước khi tôi trở thành kẻ nát rượu, tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết của một tay người Ý tên là Italo Svevo. Tôi nhớ mãi cái cảnh tượng độc đáo sau: Người cha của nhân vật chính đang hấp hối. Toàn bộ gia đình đứng xung quanh chiếc giường, thổn thức, chờ đợi giây phút ông ta tắt thở. Rồi ông bố mở mắt ra, lần lượt nhìn các đứa con lần cuối cùng. Khi ánh mắt ông ta chạm tới nhân vật chính ông bỗng động đậy, ánh mắt đổi khác, bằng một nỗ lực phi thường ông ngồi thẳng dậy, chồm ra khỏi gường, tát thẳng vào mặt đứa con trai bằng tất cả sức lực còn sót lại, rồi ông ngã vật xuống gường và tắt thở. Tôi cũng thường tưởng tượng ra chiếc gường của mình trong giờ phút lâm chung và muốn thấy mình cũng làm được điều như thế, tôi chỉ hy vọng mình còn đủ sức lực để tát từng đứa con và để nói vào mặt chúng những lời lẽ mà chỉ những người sắp chết mới đủ dũng cảm để nói.

Những đứa con tôi đã nhận thấy sự điên rồ hiện diện ở khắp nơi, cái đó chỉ làm tăng lợi thế của chúng. Tôi tin chắc rằng chúng đã rất khoái trá khi được dẫn dắt trò chơi, điều khiển mọi việc, áp đặt mọi thứ. Tôi và Cythia thì buông xuôi, để mặc chúng thao túng bởi cả hai cùng mang nặng một mặc cảm phạm tội. Tât nhiên lũ trẻ thi thoảng cũng gặp phải một vài bất tiện, nhưng nói chung, chúng điều khiển mọi việc theo cách của chúng. Và chúng không mẩy may cảm thấy khó chịu hay phiền hà vì tình trạng hỗn loạn đang diễn ra ở nhà chúng. Trái lại là đằng khác. Cái đó cấp cho chúng những chủ đề khoái trá để kể lại với bạn bè. Tôi đã nghe thấy chúng nhiều lần chiêu đãi bạn bè bằng những câu chuyện rùng rợn hay tức cười đã xảy đến với mẹ chúng và tôi, chúng tường thuật kỹ càng từng chi tiết rồi cả bọn cười rú lên với nhau.. Ngoài việc chúng phải phụ thuộc về tài chính vào Cythie (tôi không rõ bằng cách nào mà cô ta vẫn giữ được công việc của một giáo viên vầ một khoản lương được trả hàng tháng), thì hai đứa con tôi thực sự là những người làm chủ cuộc chơi. Đó đúng là một cuộc chơi, một vở bi hài kịch.

Có một lần, Mike đã khóa cửa để mẹ nó đứng ngoài sau một đêm Cynthia ở lại chỗ Ross… Tôi không nhớ mình đã ở đâu đêm hôm đó, có lẽ là ở chỗ mẹ tôi. Thi thoảng tôi ngủ lại ở đó. Tôi sẽ ăn tối với bà, bà sẽ nói rằng mình đã lo lắng đến nhường nào về tất cả chúng tôi. Rồi sau đó chúng tôi cùng ngồi xem tivi và nói về những chuyện khác, cố không đụng chạm gì nữa tới hoàn cảnh của gia đình tôi. Bà sửa soạn cho tôi một chỗ ngủ trên chiếc ghế tràng kỷ – chính là chiếc ghế tràng kỷ bà thường làm tình trên đó, tôi tự nhủ thầm, nhưng tôi vẫn ngủ ngon và biết ơn bà vì điều đó. Sau khi qua đêm ở chỗ Ross, Cythia quay trở về nhà lúc bảy giờ sáng để thay đồ trước khi đến trường, Mike đã khóa trái tất cả các của ra vào và cửa sổ và từ chối cho cô ta vào nhà. Cynthia đứng bên cửa sổ và van nài thảm thiết: “Mẹ xin con, xin con, hãy mở cửa cho mẹ vào”. Cô ta phải vào nhà, phải thay quần áo và lấy đồ để đến trường. Nếu cô ta mất việc, điều gì sẽ xảy đến với tất cả chúng tôi? Tại sao thằng bé lại làm thế? Cái gì đã xô đẩy chúng tôi tới chỗ này? Mike căm giận: “Bà không ở đây nữa, tại sao tôi phải mở cửa cho bà”. Đó là những gì thằng con trai tôi đã trả lời mẹ nó, khuôn mặt ló ra sau khung cửa sổ, méo xệch vì giận dữ (Cynthia chạy đến gặp tôi sau đó, người lả đi, nói lạc giọng. Tôi phải cầm tay cô ta hồi lâu để trấn an và để cô ta có thể bình tĩnh trở lại và kể xem chuyện gì đã xảy ra). “ Bà không ở đây nữa, nó nói với em như thế”, Cynthia thổn thức.

“Con làm ơn đi, mẹ cầu xin con, mẹ cầu xin con – Mike, cô ta van nài, mở cho mẹ.” Cuối cùng nó cũng mở cửa cho cô ta. Vừa bước chân qua cánh của, Cynthia đã chửi rủa Mike, ngay lập tức nó tung ra những cú thụi liên tiếp – bụp, bụp, bụp – vào vai, vào mạng sườn… và một cú đấm như trời giáng vào đầu, cô ta lăn nhào ra đất. Cuối cùng Cynthia cũng thay được đồ, trang điểm qua quýt và chạy ào tới trường.

Tất cả những chuyện đó mới trôi qua chưa lâu, chừng ba năm. Đó cũng chỉ là một trong số rất nhiều chuyện điên loạn đã xảy ra hồi đó.

* *

*

Tôi quay lưng đi xuống cầu thang, để yên cho mẹ tôi và người đàn ông kia tiếp tục ôm hôn nhau trên chiếc ghế tràng kỷ trong căn hộ của bà. Tôi lấy xe ra và lượn lờ một vòng khá lâu trên đường. Ngày hôm đó, tôi hoàn toàn không muốn về nhà và cũng không muốn chui vào một quán bar nào cả. Đôi khi tôi và Cynthia cũng ngồi trò chuyện với nhau, “ kiểm điểm tình hình” như người ta thường nói vậy. Thỉnh thoảng, trong những dịp rất hiếm hoi, chúng tôi cũng tán gẫu về những chuyện chẳng liên quan gì tới hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó. Có một buổi chiều trong một kỳ nghỉ lễ nào đó, trong cuộc trò chuyện như thế, Cynthia bỗng nói: “Hồi em có mang Mike, em luôn luôn buồn nôn và đi lại khó khăn, em không nhấc nổi mình ra khỏi gường và anh luôn phải bế em vào toalet. Anh đã bế em. Sẽ chẳng ai làm như thế với em nữa đâu. Sẽ chẳng ai có thể yêu em theo cách ấy, đến mức ấy… Dẫu chuyện gì sẽ xảy ra, chúng ta cũng đã từng yêu nhau đến mức mà sau này, sẽ chẳng ai có thể yêu chúng ta được như thế, cả với anh và với em”. Chúng tôi nhìn vào mặt nhau, dường như chúng tôi đã cầm tay nhau, tôi không còn nhớ rõ lắm. Rồi bỗng dưng tôi lại nhớ tới mấy chai uýt-ki, vodka, gin, scotch và tequila mà tôi đang giấu dưới cái gối đệm lưng, ngay trên chiếc ghế tràng kỷ mà chúng tôi đang ngồi. (Ôi, những ngày tươi đẹp…), tôi bắt đầu mong cô ta ngừng nói để đứng dậy đi vào bếp, vào toalet hay đi dọn dẹp garage.

“Em có thể pha chút cà phê không, tôi nói, bây giờ có tách cà phê thì ổn đấy

-Anh có muốn ăn gì không? Em có thể nấu tí súp.

– Ừ, có thể anh sẽ ăn một chút, nhưng chắc chắn rằng anh sẽ uống cà phê”.

Cô ta đi vào bếp. Tôi nghe thấy tiếng nước chảy. Rồi tôi luồn tay xuống dưới chiếc đệm gối, lấy chai rượu ra, mở nắp và tu.

Trong các cuộc gập gỡ ở AA, tôi chẳng bao giờ kể về những mánh lới trên. Tôi chẳng nói gì nhiều ở trong các cuộc họp. Tôi luôn “… bỏ qua” như người ta vẫn thường nói thế. Trong những buổi gặp mặt ở AA, mọi người thường ngồi thành một vòng tròn, khi đến lượt mình phải phát biểu hay kể chuyện, tôi luôn ngắn gọn “Xin bỏ qua tôi tối nay, cám ơn…”. Nhưng tôi luôn chăm chú lắng nghe, gật gù và mỉm cười mỗi khi nhận ra những “mánh” quen thuộc của mình trong những câu chuyện kinh khủng mà những người khác đang kể lại. Thời kỳ đầu, tôi thường tới các buổi họp trong trạng thái say bí tỉ. Biết làm thế nào khi người ta đang rất rất chán chường, người ta sẽ cần cái thứ gì khác chứ không chỉ mấy miếng ga-tô nhỏ xíu và một cốc phê hòa tan.

Nhưng những cuộc truyện trò gợi nhớ lại quá khứ, gợi nhớ lại tình yêu thủa trước là rất hiếm. Nếu có nói chuyện, hai chúng tôi thường nói về các vấn đề thuần túy vật chất: hóa đơn, tiền bạc, những cách thức xoay sở để sống. Sắp tới lấy đâu ra tiền đây? Điện thoại sắp bị cắt, điện và gaz cũng đang bị đe dọa, Và còn Katy? Nó cần có những bộ quần áo mới. Điểm số kém cỏi ở trường. Thằng bạn trai của nó, một thằng oắt ngông nghênh đi mô tô. Mike. Mike sẽ ra sao? Tất cả chúng tôi sẽ ra sao? “Thượng đế ơi!”, Cynthia cúi đầu, úp tay vào mặt rên rỉ. Nhưng Thượng Đế không muốn nghe những lời này. Thượng Đế đã phủi tay bỏ đi.

* *

*

Tôi muốn Mike gia nhập vào quân đội, Thủy quân lục chiến hay lực lượng phòng vệ bờ biển gì đó. Nhưng cái đó không thể xảy ra. Thực sự là một mối nguy cho xã hội. Nhưng chính Ross lại cũng cho rằng quân đội sẽ giúp nó khá lên. Cynthia nhắc lại với tôi nhưng hoàn toàn không tán đồng ý tưởng đó. Còn tôi cảm thấy thích thú khi biết rằng Ross và tôi, chúng tôi cùng chung một quan điểm về chuyện này. Hình ảnh về Ross ở trong tôi sau đó được cải thiện đáng kể. Cynthia cảm thấy rất bực bội. Đành rằng Mike đang rất bất ổn, mọi hành động của nó đều tỏ rõ một khuynh hướng bạo lực, nhưng cô ấy vẫn cho rằng đó chỉ là một khúc quanh trong cuộc đời nó và rồi mọi thứ sẽ tốt lên. Cô ta không hề muốn nó gia nhập quân đội. Chỉ Ross khẳng định rằng chỗ duy nhất thích hợp với Mike là quân đội, ở đó người ta sẽ rèn giũa cho nó đức tính biết tôn trọng người khác, biết cách ứng xử đúng đắn. Ross đã nói ra điều đó sau một vụ xô xát với Mike vào lúc sáng sớm trước của nhà anh ta, Mike đã đẩy Ross ngã xõng xoài trên vỉa hè.

Ross yêu Cynthia nhưng anh ta lại cặp kè với một “em” có tên là Beverly, hai mươi hai tuổi và làm “em” này có thai. Nhưng anh ta vẫn thuyết phục Cynthia rằng người anh ta yêu là cô chứ không phải là Beverly. Thậm chí anh ta và Beverly chưa hề ngủ với nhau, anh ta khẳng định với Cynthia như vậy. Nhưng giờ đây khi Beverly đang “bụng mang dạ chửa”, anh ta không thể bỏ rơi cô ấy được, vả lại anh ta yêu thích trẻ con, kể cả những đứa trẻ còn chưa sinh ra. Anh ta ràn rụa nước mắt khi nói những điều đó với Cynthia. Lúc đó anh ta cũng đang ngà ngà say (vào dạo đó, luôn luôn phải có một ai đó đang say).

Sau khi có bằng tốt nghiệp tại học viện kỹ thuật California, Ross đã được nhận vào làm ở NASA, tại Mountain View. Anh ta đã làm ở đó trong mười năm, cho đến khi mọi việc bỗng trở nên trục trặc rồi xoay như chong chóng xung quanh anh ta. Như đã nói ở trên, tôi chưa từng giáp mặt anh ta, nhưng chúng tôi đã nhiều lần nói chuyện qua điện thoại, nói về chuyện này hay chuyện khác. Một lần trong lúc ngà ngà say tôi đã nhấc điện thoại gọi cho anh ta, lúc đó tôi và Cynthia vừa đấu khẩu về một chuyện tồi tệ nào đó. Một trong những đứa con của anh ta nghe máy. Khi Ross cầm máy, tôi hỏi anh ta, “trong trường hợp nếu tôi tự gây ra một điều gì đó tồi tệ cho mình (tất nhiên tôi không hề có ý định gây ra điều gì tồi tệ cho mình, cái đó chỉ nhằm để gây sự với anh ta mà thôi) liệu anh ta có khả năng chu cấp cho những nhu cầu thiết yếu của Cynthia và những đứa con tôi không?”. Ross nói rằng anh ta đang dở việc chặt con gà rán, và rằng anh ta và các con đang chuẩn bị ăn cơm, liệu anh ta có thể gọi lại tôi sau không? Tôi đặt máy xuống. Sau khoảng một giờ đồng hồ, hơn hay kém một chút, anh ta gọi lại. Lúc này tôi đã quên khuấy cuộc nói chuyện trước đó. Cynthia nghe máy, tôi thấy cô ta nói “Phải” rồi một lúc lại tiếp tục “Phải…”, rồi tôi được cho biết rằng đó là Ross, anh ta hỏi có phải tôi đang say không. Tôi cầm máy: “Tóm lại mày có cưu mang họ không? Có hay không?”. Anh ta trả lời rằng anh ta lấy làm tiếc về toàn bộ câu chuyện này, câu chuyện mà anh ta cũng bị lôi cuốn tham gia một vai trò trong đó. Nhưng không, anh ta không nghĩ mình có thể cưu mang được họ. “Vậy là mày không thể, tóm lại là mày không thể”. Tôi nói rồi sau đó nhìn Cynthia như thể cái đó đã làm rõ và giải quyết xong mọi việc của chúng tôi. Nhưng Cynthia tỏ ra rất bình thản, không có bất cứ biểu hiện gì. Về sau tôi mới biết rằng, họ đã nhiều lần nói về chuyện này, câu trả lời đó của Ross không còn là một ngạc nhiên với Cynthia, cô ta đã biết trước nó.

Bất hạnh dồn dập đổ ập xuống anh ta khi vừa bước vào tuổi 35. Tôi cố gắng không quan tâm, không đếm xỉa tới anh ta những lúc tôi có thể làm được điều đó. Sau khi nhìn thấy ảnh anh ta, tôi bắt đầu gọi Ross là Con chồn hôi, “Chúng mày có thấy bồ của mẹ chúng mày trông giống như là một con chồn hôi không?”, tôi nói với lũ trẻ vào một dịp tôi và hai đứa con ngồi tán gẫu sau bữa ăn tối và đề cập tới một chủ đề gì đó có liên quan tới lũ chồn hôi. Lũ trẻ cười ngặt nghẹo. Tôi cũng thích thú với cái biệt danh “NgàiLàm-Được-Tuốt” mà tôi đặt cho Ross. Cầu chúa che chở và phù hộ cho anh, Ross, giờ đây tôi chẳng còn cảm thấy căm ghét hay thù hận gì anh. Nhưng vào thời kỳ đó, khi mà tôi gọi anh ta là Chồn hôi hay ngài Làm-Được-Tuốt và dọa giết anh ta, trong mắt của Cynthia và của cả tụi trẻ, Ross dường như mang hình bóng một người anh hùng sa cơ lỡ vận (đó là một ý nghĩ luôn chất chứa trong đầu và hành hạ tôi). Người ta nhắc đi nhắc lại với tôi rằng anh ta đã là một trong những người từng tham gia trong chương trình phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng. Và là chỗ bạn bè thân quen với Buzz Aldrin và Neil Armstrong. Anh ta nói với Cynthia, Cynthia nói với tụi trẻ rồi tụi trẻ lại nói lại với tôi. Sắp tới vào dịp các nhà du hành vũ trụ đến thăm thành phố chúng tôi, anh ta sẽ đưa họ tới để làm quen. Nhưng Buzz Aldrin và Neil Armstrong và các nhà du hành vũ trụ khác chẳng bao giờ đặt chân tới thành phố chúng tôi hoặc là họ đã tới nhưng quên không liên hệ với Ross. Khi kết thúc chương trình đưa người lên thám hiểm mặt trăng cũng là lúc vận may thôi mỉm cười và ngoảnh mặt đi với Ross. Anh ta bắt đầu nốc rượu và thường xuyên vắng mặt ở chỗ làm, những vết rạn nứt trong quan hệ với người vợ đầu xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Rồi một ngày, anh ta vác một chiếc phích đựng đồ uống buổi tối đến chỗ làm. Nơi ấy là một khối liên hợp những dãy nhà cao tầng hiện đại, tôi đã có dịp ngó qua. Các phòng lab, phòng ăn, phòng uống cà phê và ngồi ăn nhẹ, thứ chỉ dành cho những các chuyên viên cao cấp… phòng nào cũng có máy pha cà phê chạy điện. Vậy mà anh ta lại cắp nách một cái phích đến đó. Chẳng bao lâu chuyện này lan ra, mọi người bàn tán về điều đó, rồi người ta sa thải Ross hay anh ta xin từ chức, chẳng bao giờ tôi nhận được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này. Sau một thời gian Ross khai trương cái công việc tháo rời, thay thế hay sửa chữa các chi tiết để để tân trang các dụng cụ gia đình, sửa chữa các máy thu hình hay dọn dẹp làm vệ sinh các xe hơi. Anh ta bắt đầu quan tâm tới chiêm tinh học, cảm xạ học và ngồi tập trường sinh học. Tôi không hề nghi ngờ rằng anh ta không thông minh, không lý thú và độc đáo, giống như những người bạn cũ của tôi. Tôi đã từng nói với Cynthia rằng tôi đoan chắc là thực ra cô không “quan tâm” tới anh ta (tôi chẳng bao giờ xóa đi được cái cảm giác đau thắt trong tim khi dùng từ “ yêu” để nói về mối quan hệ đó). Và nếu điều đó là thực tế thì, nói tóm lại đó là một gã không tồi, là “một trong số chúng ta”, tôi đã nhấn mạnh với Cynthia như vậy, một cố gắng chứng tỏ rằng mình không hề là một kẻ hẹp lượng. Ross, nói cho cùng không phải là một người đàn ông độc ác hay xấu xa, “Chẳng có ai là độc ác cả”. Có một ngày tôi đã nói với Cynthia như vậy trong khi tranh luận hay cãi cọ gì đó về mối quan hệ của chúng tôi.

* *

*

Cha tôi đã mất cách đây tám năm, ông chết khi đang ngủ, trong tình trạng say xỉn. Đó là một buổi tối thứ sáu, khi ấy ông năm mươi lăm tuổi. Trở về từ xưởng cưa sau một ngày làm việc, ông đã lấy xúc xích trong tủ lạnh để ra ngoài cho rã đông, chuẩn bị cho bữa điểm tâm sáng hôm sau. Rồi ông ngồi vào bàn ăn trong bếp, khui chai rượu “Bốn bông hồng” loại một lít. Thời gian đó ông đang rất phấn chấn. Ông vừa tìm được việc làm sau bốn hay năm năm sống trong tình trạng thất nghiệp, hậu quả của căn bệnh nhiễm trùng máu, tôi cũng không hiểu vì sao mà người ta lại điều trị căn bệnh này cho ông bằng liệu pháp sốc điện, (thời gian này tôi đã lấy vợ, đang sống tại một thành phố khác, tôi cũng đang ngụp lặn trong một đống hỗn độn các vấn đề khó khăn nên không còn tâm trí đâu để quan tâm đến những vấn đề của ông). Tối hôm đó sau vài giờ ngồi nhâm nhi trong bếp, ông đã chuyển ra phòng khách, cắp theo chai rượu, khay đá và một chiếc ly, vừa uống ông vừa ngồi xem tivi cho tới lúc mẹ tôi trở về nhà sau ca làm việc tại quán bar.

Giống như mọi lần, họ lại cự nự nhau về chuyện uống rượu của bố tôi. Mẹ tôi chẳng bao giờ uống gì nhiều. Khi đã trưởng thành, tôi thấy bà chỉ nhấp một chút rượu vào dịp lễ Tạ ơn, dịp Noël, hay dịp đón Năm mới và luôn luôn chỉ là một ly cocktail có trộn lòng đỏ trứng gà, chưa bao giờ tôi thấy bà “quá chén”. Duy nhất một lần, đó là rất nhiều năm về trước (tôi được nghe bố tôi kể lại, ông luôn cười ngả nghiêng khi nhắc lại chuyện đó). Lần đó họ rủ nhau vào một quán bar nhỏ ở ngoại ô vùng Eureka và bà đã làm vài chén rượu mía. Khi họ vừa ngồi vào xe ô tô, bà cảm thấy buồn nôn và phải lao ra khỏi xe. Bà đánh rơi hàm răng giả trên đường và một chiếc xe lăn bánh qua làm vỡ nát. Từ đó, bà chỉ uống trong những dịp lễ lạt và cũng chưa một lần uống quá đà.

Cha tôi tiếp tục ngồi uống và lờ đi sự có mặt của mẹ tôi. Còn bà ngồi trong bếp hút thuốc và hí hoáy viết thư cho chị gái, hiện đang sống ở Little Rock. Cuối cùng cha tôi cũng đứng lên để đi vào buồng ngủ. Mẹ tôi lần chần trong bếp, bà muốn chỉ vào phòng ngủ khi chắc chắn ông đã ngủ say. Bà nói rằng bà chẳng nhận thấy có gì bất thường ngoại trừ việc cha tôi ngáy to hơn và nặng nề hơn thường lệ. Tiếng ngáy đó làm bà rất khó khăn để ngủ được, nhưng rồi bà cũng thiếp đi. Bà tỉnh dậy khi nhận ra cha tôi đã ỉa đái dầm dề trên gường. Khi đó mặt trời vừa ló rạng, vẳng phía xa một tiếng chim lảnh lót. Cha tôi nằm ngửa, mắt nhắm nghiền, miệng há to.

* *

*

Tôi tiếp tục lái xe lượn vòng vèo. Trời đã tối hẳn. Trong lúc đi ngang qua nhà mình, tôi nhận thấy các ngọn đèn đã bật sáng. Không thấy xe của Cynthia đỗ ở lối đi. Tôi rẽ vào một quán bar nơi mà tôi thỉnh thoảng ngồi uống ở đó để gọi điện về nhà. Katy nhấc máy, nó nói rằng mẹ nó không có đó và hỏi tôi đang ở đâu? Nó đang cần có 5 đô la, tôi bỗng nổi khùng, chẳng biết tại sao, thế rồi tôi dập máy. Sau vài giây ngần ngừ tôi dùng PCV (2) gọi cho một người phụ nữ đang sống cách đó hàng ngàn km. Tôi đã không gặp bà này từ rất lâu, lần cuối cùng khi gặp nhau, bà nói rằng bà sẽ cầu nguyện cho tôi.

Chuông reo hồi lâu. Người phụ nữ đã chấp nhận cuộc gọi. Máy thông. Bà ta hỏi tôi đang gọi cho bà ta từ đâu. “Anh ổn chứ?”, bà nói. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Tôi hỏi thăm về chồng bà ta. Ông ta và tôi đã từng là bạn bè, giờ thì ông ta ở rất xa bà ta và những đứa con. “Ông ta vẫn luôn ở Richland, bà nói – làm sao mà tất cả những chuyện này lại có thể xảy ra với chúng ta? Trước kia, chúng ta đều là những người tốt”. Chúng tôi nói thêm vài câu. Bà nói rằng bà vẫn còn yêu quý tôi và hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

“Hãy cầu nguyện cho tôi, tôi nói – vâng, xin hãy cầu nguyện cho tôi”. Chúng tôi tạm biệt nhau rồi gác máy. Một lát sau tôi lại gọi về nhà, nhưng lần này không có ai nhấc máy. Tôi bấm số máy của mẹ tôi, lần đầu khi chuông reo, bà dập máy. Lần gọi sau, bà nhấc máy, giọng có vẻ nghi ngại đề phòng.

 “- Con đây mà mẹ, xin lỗi đã quấy rầy mẹ”.

“- Không, con yêu quý, mẹ chưa ngủ mà. Con đang ở đâu? Có gì không ổn với con à? Mẹ tưởng chiều nay con sẽ qua, mẹ đã chờ con. Con đang ở nhà à”.

“Con không ở nhà, tôi nói – Con cũng chẳng biết Cynthia và tụi trẻ đã đi đâu, tất cả bọn họ. Con vừa gọi về đằng ấy. Không có ai cả”.

“Cái ông Ken vừa qua đây hôm nay. Lão già khốn khiếp. Hắn đến lúc buổi chiều. Một tháng nay mẹ không gặp lão, thế rồi lão dẫn xác đến và giở trò thế đấy. Thằng già bất lương. Điều duy nhất hắn thích thú đó là nói về mình, khoe khoang chuyện hắn đã sống ở Guam ra sao, có ba con bồ một lúc như thế nào. Hắn đã quay lại đó để du lịch như thế nào và dự định sẽ quay lại như thế nào. Tóm lại, một thằng già rỗng tuếch. Mẹ đã kể cho con rằng mẹ thuộc lòng cái trò nhảy múa xòe cánh như con công của lão rồi đấy, thực sự mẹ chẳng yêu thương gì lão ta cả”.

“Nếu con tới thì có làm phiền mẹ không?” Tôi hỏi.

“Không đâu con trai, tại sao mẹ lại phiền chứ? Mẹ sẽ chuẩn bị cho con một cái gì để ăn, mẹ cũng đang đói. Ken cũng đem tới một chai Colonel Sander lúc chiều. Mẹ sẽ tráng cho con mấy quả trứng. À mà con có muốn mẹ qua đón không? Con yêu quý, con vẫn ổn đấy chứ.”

Tôi ra xe và đi tới nhà bà. Bà làm cử chỉ ôm hôn tôi khi tôi vừa tới của. Tôi nghiêng đầu né tránh. Tôi ghét phải ngửi thấy mùi vodka ở bà.

“Con vào rửa tay rồi ra ăn, bà vừa nói vừa ngắm nhìn tôi”. Rôi sau đó bà lúi húi trải cho tôi một tấm đệm để nằm ngủ ở tràng kỷ. Tôi đi vào buồng tắm. Bà đã để sẵn một bộ pyjama của bố tôi ở đó. Tôi cầm lên, ngó vào trong gương rồi thay đồ. Khi tôi ra khỏi phòng tắm, bà đang lúi húi trong bếp. Tôi sắp xếp lại chỗ nằm và ngả lưng. Mẹ tôi kết thúc công việc trong bếp, bà tắt đèn rồi bước ra, ngồi ghé ở một đầu chiếc tràng kỷ.

“Con yêu, mẹ thực sự không muốn là người phải nói với con chuyện này – bà mào đầu – chuyện này làm mẹ rất đau lòng khi nói ra với con, nhưng tụi trẻ chúng biết cả và chính chúng đã nói với mẹ. Mẹ và chúng nó đã nói về chuyện này, tóm lại… Cynthia đang gian díu với một gã nào đó.”

“Không sao đâu mẹ, con biết chuyện đó mà. Tôi vừa nói vừa nhìn vào tivi. Gã này tên là Ross, nghiện ngập. Cũng như con.”

“Con cần phải nghĩ tới bản thân, con à.”

“Vâng, con biết mà mẹ”. Tôi nói, mắt vẫn không rời chiếc tivi. Bà cúi xuống, ôm xiết tôi trong vòng tay. Bà giữ nguyên như thế chừng một phút rồi buông ra và rướn thẳng lên, lau nước mắt. “ Sáng mai mẹ sẽ đánh thức con dậy”. Bà nói.

 “Con chẳng có việc gì làm ngày mai, có thể con sẽ ngủ thêm một chút khi mẹ đã đi làm.” Tôi thầm nghĩ: sau khi bà dậy, sau khi bà vào phòng tắm và thay đồ đi làm, tôi sẽ vào gường bà, giang rộng chân tay, vừa thiu thiu ngủ vừa nghe văng vẳng tin tức và thời tiết từ chiếc radio bà sẽ bật lên ở trong bếp.

“Con yêu, mẹ rất lo lắng cho con.”

“Mẹ đừng lo”. Tôi gật đầu và nói.

“Thôi giờ con ngủ đi, con cần phải ngủ cho lại sức.”

“Vâng con ngủ đây, con buồn ngủ lắm rồi.”

“Con cứ bật tivi chừng nào con còn muốn xem”. Bà nói.

Tôi gật đầu trong yên lặng.

Bà cúi xuống hôn tôi. Môi của bà có vẻ bị xây xát và hơi sưng phồng. Bà phủ chiếc chăn lên người tôi. Rồi bà đi vào phòng ngủ, cửa để ngỏ. Một phút sau tôi đã nghe tiếng ngáy của bà.

Tôi nằm đó, cặp mắt dán vào chiếc tivi. Trên màn hình là những người đàn ông mặc quân phục, âm thanh rì rầm, rồi xuất hiện những chiếc chiến xa. Một gã xông ra chĩa súng phun lửa về chúng. Tôi không nghe rõ tiếng phát ra từ chiếc máy thu hình, nhưng tôi không muốn ngồi dậy để chỉnh tiếng to hơn. Cặp mi mắt tôi trở nên trĩu nặng và khép lại lúc nào chẳng rõ. Rồi tôi bỗng giật nảy mình choàng thức dậy, bộ pyjama ướt đẫm mồ hôi. Căn phòng tràn ngập một thứ ánh sáng trắng, thứ ánh sáng ánh lên từ những cánh đồng bao la hoang vu phủ đầy tuyết. Một con vật dữ tợn đang gầm ghè tiến về phía tôi, tất cả các đồ đạc trong phòng rú lên. Còn tôi vẫn nằm im. Bất động.

 

Chú thích

 (1) AA viết tắt của “Alcooliques Anonymes” (tiếng Pháp), “Alcoholics Anonymous” (tiếng Anh) một phong trào thiện nguyện quốc tế được thành lập để giúp đỡ những người muốn cai nghiện rượu hoặc gặp phải những vấn đề với rượu. Raymond Carver trong đời mình đã phải nhờ tới sự trợ giúp của tổ chức AA mới cai nghiện được rượu.

(2) PCV viết tắt của “Paiement Contre Vérification” (tiếng Pháp), đó là một loại dịch vụ điện thoại mà người nghe là người trả tiền, người nghe có thể chấp nhận hay từ chối cuộc gọi

———————————————

Dịch giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.