Thiền trôi (kỳ 1)

Truyện Phạm Lưu Vũ

pham-luu-vu-2_thumb1

Nhà văn Phạm Lưu Vũ

KỲ I

Chùa Tháp thuộc thôn Tức Mặc, phủ Thiên Trường có ba vị sư cụ, chia nhau ở ba gian nhà tăng nằm phía sau thượng điện. Ba vị này có lai lịch rất kì lạ, nguyên đều là con của vị phú hộ họ Đỗ ở gần kinh thành, một hôm phú hộ họ Đỗ bỗng dưng dẫn cả ba con đi xuất gia, cầu bằng được Tiêu Dao thiền sư để xin bái làm sư phụ. Từ đó ba người theo hầu thiền sư vân du đã mấy chục năm, được thiền sư thân đặt pháp danh, người anh cả là Mâu Giác, người thứ hai là Ngô Công, người thứ ba là Tào Động. Đến khi Tiêu Dao thiền sư về tu ở chùa Hồng Phúc gần kinh thành, thì ba người chia tay sư phụ, về tu ở chùa này.

Cái nhân duyên khiến ba người con của phú hộ họ Đỗ trở thành đệ tử của Tiêu Dao thiền sư đã được kể trong một câu chuyện về Ngài, giờ không nhắc lại nữa. Chỉ biết rằng nguyên trước kia, khu vườn mà phú hộ họ Đỗ mua lại, cũng chính là nơi Tiêu Dao thiền sư đã từng ngồi tu.

Có một con rắn cạp nong bò đến nghe kinh, nằm ngay dưới chân sư, thỉnh thoảng nó lại phóng cái lưỡi chẻ đôi của mình ra. Không ngờ nấp dưới tấm bồ đoàn sư ngồi còn có một con rết, cũng nằm nghe kinh. Con rết giật mình nom thấy chiếc lưỡi của con rắn phóng tới, nó liền lao ra, dùng cặp gọng kìm trước miệng chích ngay một phát vào đúng cái chỗ chẻ đôi ấy. Con rắn đau đớn quá, liền quay đầu lủi nhanh ra khỏi khu vườn.

Không ai biết rằng, cùng nghe kinh hôm ấy ngoài con rắn và con rết, còn một con xén tóc hoa to bằng ngón chân cái, đậu trên cây vông và một con sâu đầu đỏ to bằng đầu đũa, nằm trên cây dền cơm gần đấy. Con rắn bị rết đốt đau quá, nó điên cuồng trườn hết bụi rậm nọ đến bụi rậm kia, sang đến ngày hôm sau thì đau đến nỗi không ăn nổi thứ gì, chỉ nằm cuộn tròn, hớp sương. Dần dần chỗ lưỡi bị đốt sưng tấy lên rồi thối rữa, rụng mất một nửa, được vài hôm con rắn chết.

Về sau cả ba con vật kia cũng chết, nhưng là bị chết cháy, do phú hộ họ Đỗ mua lại mảnh vườn rồi sai người phóng hỏa, đốt vườn để dọn cỏ. Nhưng nhờ cái công đức nghe kinh từ miệng của thiền sư, mà các con vật ấy kiếp sau đều được đầu thai làm người cả. Ba con vật kia làm con giai nhà họ Đỗ, riêng con rắn đầu thai vào nhà họ Võ, chuyện đó sau đây cũng có nhắc đến.

Năm ấy trời làm lũ lụt, nước sông Hồng dâng cao, đỏ ngầu phù sa, chảy cuồn cuộn về phía nam, cuốn theo bao nhiêu củi, rác… từ thượng nguồn. Sư Mâu Giác bàn với hai vị kia ra sông vớt lấy ít củi đem về chùa để dành cho mùa đông. Ba sư ra bờ sông, đứng trên đê nhìn xuống mà rợn người, có cảm giác nước dâng ngang mặt, càng lúc càng dâng… Bỗng phát hiện trên một đám củi trôi vùn vụt, có một con vật màu đỏ đang ngọ ngoạy.

Mọi người chưa kịp chỉ trỏ thì Ngô Công đã lao xuống dòng nước, sải tay bơi đuổi theo đám củi. Tới nơi, sư phát hiện trên một khúc củi nửa nổi nửa chìm, vật màu đỏ ấy chính là một con rết đẹp rực rỡ, dài cỡ gang tay, đang ngọ ngoạy, hai hàng chân nó trắng bợt, chuyển động như làn sóng. Ngô Công đưa tay túm lấy khúc củi, định kéo vào bờ để cứu con rết. Con rết bò đến, ngửi ngửi vào tay sư rồi ngóc thẳng đầu lên, nhìn sư như có ý muốn gì đó. Ngô Công chừng như cũng hiểu, bèn lật ngửa bàn tay ra. Con rết liền cúi đầu xuống, nhả vào lòng bàn tay sư một vật lóng lánh, nhỏ như giọt lệ. Sư nắm bàn tay lại, cảm giác đó là một viên ngọc, chỉ lớn hơn hạt gạo. Ngô Công một tay nắm viên ngọc, một tay túm lấy khúc củi, bị dòng nước cuốn trôi vùn vụt về phía xuôi. Thấy tình thế nguy cấp, sư bèn bỏ viên ngọc vào miệng ngậm, rồi ra sức chống chọi, tìm cách bơi vào. Ở trên bờ, hai vị sư kia cũng ra sức chạy theo. Vật lộn một hồi, khi Ngô Công vào được đến bờ thì đã trôi cách chỗ cũ đến mấy dặm. Khúc củi có con rết sư vẫn túm trong tay, nhưng nhìn đến thì con rết đã không còn bám ở trên đó nữa. Nó đã bị nước cuốn trôi từ lúc nào rồi.

Trở về chùa, sư Ngô Công há miệng định nhả viên ngọc ra, nhưng nó đã bám chặt vào lưỡi sư rồi, không tài nào gỡ ra nổi nữa, đành cứ để yên đó, nghĩ cũng chả sao. Nhưng có sự kì lạ xảy ra. Kể từ đó, hễ sư mở miệng định nói câu gì, thì ai cũng chăm chú lắng nghe, nghe rồi hiểu ngay, hiểu rồi lập tức thi hành.

Vốn là người chưa hề thuyết pháp bao giờ, vậy mà sư bỗng dưng phát tâm giảng pháp, giảng những thời pháp hay tuyệt khiến lòng người sáng tỏ, thoát khỏi lưới u mê từ bao đời. Hay đến nỗi cảm đến cả chư thiên, cả thiên long bát bộ… cũng thường xuyên đến nghe. Những lúc như thế, bầu trời phía trên chùa Tháp lung linh, rực rỡ hoa trời do chư thiên rải xuống cúng dường.

Tiếng lành đồn xa, phật tử kéo về đông nghịt, sư Ngô Công được mọi người tôn là đệ nhất thuyết pháp thời bấy giờ, tưởng sư là hậu thân của Ngài Phú Lâu Na Di La Ni tử. Lại còn có tài biện luận, giọng nói nghiêm như huyền ngôn, thanh âm tựa hải triều, lý lẽ như mưa sa chớp giật, khiến thiên hạ không ai có thể bắt bẻ.

Các danh sư, học giả… khắp nơi nghe tiếng lũ lượt kéo về, thảy đều phải nhất nhất tâm phục, coi sư như Long Thọ Bồ Tát tái sinh… Phật sự hoằng truyền giáo pháp của chùa Tháp bỗng chốc trở nên rực rỡ, đến cả những quỷ thần, phi nhân… cũng phải kính phục.

Bấy giờ ở chợ Sắc, gần làng Tức Mặc có nhà họ Võ, làm một chức quan trong phủ Thiên Trường, chuyên về việc ngôn tấu của triều đình, gọi là thượng ngôn thư, có tài tấu gì vua cũng thích mà nói sao dân cũng đều phải nghe cả, được phong tới tước Kim Tuyến hầu. Hiềm nỗi họ Võ hiếm muộn, về già mới sinh một mụn con trai thì lại có tướng quái dị, hai mắt tròn xoe như mắt rắn, lúc nào nom cũng thất thần, lưỡi bị thụt vào một nửa, lại chẻ ra làm đôi như thể người có hai lưỡi, hễ ngoái đầu về bên nào thì lưỡi bên ấy khua, thành ra vừa ngọng vừa khó nghe, đại khái quay bên tả thì nói “Ô”, quay bên hữu thì nói “A” và ngược lại… khiến người nghe chả biết thế nào mà lần.

Võ sinh lớn lên, cậy thế cha, kết giao cùng bọn công tử con nhà quan tước, chơi bời đủ trò du thủ du thực, chui rúc hết bờ nọ đến bụi kia, cờ bạc, giai gái khét tiếng cả một vùng. Mặc dầu phát âm ngọng nghịu và quay quắt như vậy, nhưng Võ sinh vẫn được tập tước của cha và kế thừa làm thượng ngôn thư.

Chuyện thuyết pháp thần diệu của sư Ngô Công ở chùa Tháp lọt đến tai thì Võ sinh lấy làm tò mò, đố kị lắm, ước sao mình cũng có được khả năng tương tự, thì thiên hạ còn ai dám cãi lại nữa, liền sai bọn lâu la đi dò xét xem thực hư ra sao. Bọn lâu la trở về, cũng phải tỏ ý thán phục, hót rằng sư Ngô Công giảng hay, như có ngậm ngọc ở trong mồm.

Ai dè cái ý nói ngậm ngọc giảng pháp bất ngờ làm Võ sinh rùng mình, bao nhiêu gai ốc trong người dựng hết cả lên. Võ sinh cũng từng nghe truyền thuyết về những bí ẩn huyền hoặc của viên ngọc rết. Có gì đó thức dậy từ trong tiềm thức, tất cả cùng hiện lên, khiến toàn thân y nóng hầm hập như lên cơn sốt, khiến y không thể chờ thêm được nữa.

Ngay đêm hôm ấy, Võ sinh dẫn theo mấy tên lâu la từ phủ Kim Tuyến tới thẳng chùa Tháp. Lúc ấy cổng chùa đã đóng kín, Võ sinh cùng cả bọn trèo tường mà vào, tìm tới phòng của Ngô Công. Bấy giờ sư vẫn chưa ngủ, còn đang ngồi thiền, quyển kinh để mở trước mặt. Võ sinh xông tới, một tay cầm quyển kinh ném sang một bên, một tay nắm gáy sư dằn ngửa ra, sai một tên lâu la bóp cổ, buộc sư phải há miệng. Nom rõ trong lưỡi sư quả có một viên ngọc nhỏ bằng hạt gạo, sáng lấp lánh, Võ sinh mừng rỡ thò tay vào mồm sư để móc, song viên ngọc đã dính chặt vào đấy rồi, móc mãi cũng không tài nào cạy ra được.

Võ sinh bèn hất đầu ra hiệu, một tên lâu la rút trong người một con dao. Võ sinh giật phắt lấy, rồi một tay cầm dao, tay kia tóm lưỡi sư kéo ra, cắt xoẹt một nhát, máu phun như suối. Võ sinh nhét cái lưỡi vào túi rồi buông tay ra, thân hình sư Ngô Công đổ xuống, nằm ngửa trên nền nhà, cả lũ bỏ mặc đấy, nhanh chóng rút khỏi ngôi chùa.

Sư Ngô Công chảy hết máu mà chết. Chùa Tháp còn lại hai sư, một huynh, một đệ. Một hôm, sư Tào Động than thở với sư huynh Mâu Giác:

“Sư huynh (trỏ Ngô Công) đời trước vì hộ Pháp mà tạo nghiệp nặng, sang kiếp này chưa kịp thành đạo đã phải đền mạng. Đệ nay muốn phát tâm làm cuộc đại thí, đem thân mạng bố thí chúng sinh để mong chóng thành chánh Giác. Không biết có được toại nguyện hay không?”.

Sư Mâu Giác nghe xong trả lời:

“Không phát tâm thì thôi, đã phát tâm thì lo gì không có nhân duyên. Nguyện lực của một kẻ tu hành đâu phải chuyện tầm thường…”.

Sư Tào Động biết sư huynh Mâu Giác là người có đạo hạnh, một khi đã nói ra như thế thì tất đã biết trước mọi việc, bèn có ý mừng thầm. Chờ mấy hôm, sư Mâu Giác bỗng nói:

“Ngày mai cái nhân duyên ấy sẽ đến đấy…”.

Ngày hôm sau chờ từ sáng tới trưa, không thấy có ai viếng chùa. Quá giờ Ngọ mới xuất hiện một đoàn võng lọng, theo hầu một người đàn bà bụng chửa vượt mặt đến chùa lễ Phật. Nguyên đó là một bà phi của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, một vị đức ông đương triều. Bà phi có mang đã mười hai tháng, mà tịnh không có triệu chứng trở dạ, bao nhiêu thái y trong triều đều bó tay, chịu không tìm ra nguyên nhân. May có ngài Tuệ Trung thượng sĩ cũng là hàng hoàng thân quốc thích, một hôm đến thăm phủ Chiêu Minh đại vương, thấy thế bèn bảo với đức ông:

“Thai tạng là nghiệp quả kết lại mà thành, cho nên cái thai nằm trong bụng mẹ phải chịu đủ gió nghiệp thì mới phát triển bình thường được, thiếu thì sẽ thành đui què mẻ sứt… bẩm sinh. Tổng cộng có 38 gió nghiệp cả thảy, ứng với 38 tuần thai. Gió nghiệp cuối cùng là “Xu hạ phong”, phải có gió ấy thì mới sinh hạ được. Nếu gió ấy chưa thổi tới, thì đứa bé tất không chịu ra. Nay phải tìm người quạt được Xu hạ phong mới xong. Để lâu sẽ nguy đến tính mạng của cả mẹ lẫn con”.

Đức ông Trần Quang Khải nghe nói thì lo lắm, liền hỏi ngay:

“Đời nay có ai là người quạt được Xu hạ phong hay không?”.

Tuệ Trung thượng sĩ trả lời:

“Sư huynh tôi là Mâu Giác đại sư, được sư phụ tôi truyền cho một cái định có tên là “Nhập tam thập bát phong tam muội” có thể thổi được gió ấy, hiện đang tu ở chùa Tháp”.

Đức ông nghe nói mừng lắm, liền sai người chuẩn bị, đưa ngay bà phi về chùa Tháp. Ngài Tuệ Trung thượng sĩ còn dặn:

“Sư Mâu Giác nhập cái định ấy, đã đạt tới cảnh giới Đà la ni, nên không cần phải nói gì, cầu gì… Cứ gặp sư thì tất cầu được gió nghiệp…”.

Bà phi và bọn người theo hầu đã được dặn dò kĩ lưỡng, nên cứ vào chùa lễ phật như bình thường. Sư Mâu Giác quả nhiên nhìn bụng của bà phi, thì biết ngay còn thiếu Xu hạ phong. Không có gió ấy thì khác nào cổng hạ sinh đã bị đóng kín. Liền nhập ngay “Tam thập bát phong tam muội”… Bà phi lễ Phật xong trở ra, chưa khỏi sân chùa thì trở dạ, sinh ngay một thằng bé bụ bẫm.

Trở về kinh thành, bà phi sai người đem lễ vật đến tạ ơn ngài Tuệ Trung thượng sĩ, xin ngài đặt tên cho thằng bé. Ngài vui vẻ đặt tên là Đăng Tiến. Lại còn ân cần căn dặn:

“Thằng bé này có duyên với cửa Phật. Sau này nên cho nó xuất gia…”.

Bà phi vào bẩm với đức ông. Đức ông cũng bằng lòng. Thế là năm lên 6 tuổi, Đăng Tiến xuất gia, về làm chú tiểu ở ngay chính chùa Tháp. Đăng Tiến thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười. Năm tám tuổi đã nhập được một cái định có tên là “Giải nhất thiết chúng sinh ngôn ngữ”, nghe và hiểu được tiếng các loài vật.

Mùa hè năm ấy, nghe thấy đôi vợ chồng chim sẻ ở ngoài cổng tam quan bàn nhau tìm chỗ làm tổ. Đăng Tiến ra cổng, nom thấy cặp sấu đá, lúc nào cũng há cái miệng rất rộng của chúng ra, bèn nhặt rác cuốn lại thành cái tổ, nhét vào miệng con sấu bên tả.

Quả nhiên đôi chim sẻ sà xuống, chọn ngay chỗ đó làm tổ. Mấy hôm sau đẻ ra hai quả trứng màu nâu, lấm tấm trắng, to hơn hạt lạc một tí. Đôi chim sẻ thay nhau ấp trứng, rồi hai chú chim non ra đời, đôi vợ chồng chim lại thay nhau đi kiếm sâu về mớm cho con. Tiếng chim non trong miệng con sấu đá đã bắt đầu ruých, ruých… chú tiểu Đăng Tiến vui lắm.

Nhưng có chuyện xảy ra. Một hôm đôi chim bố mẹ bỗng không trở về nữa, chúng đã bị sa bẫy ở ngoài cánh đồng. Đôi chim non bắt đầu khóc lóc vì đói… Chú tiểu Đăng Tiến không cầm lòng được, vào xin với sư phụ cho đi bắt sâu để nuôi chim. Sư Mâu Giác nghiêm giọng bảo:

“Người tu hành có đâu lại bắt sâu để nuôi chim bao giờ…” – Rồi quay sang sư đệ Tào Động, sư bảo:

“Đấy đấy, cái nhân duyên đại thí đã đến đúng lúc rồi đấy…”.

Sư Tào Động hiểu ngay ý của sư huynh, liền trở về phòng, tắm gội sạch sẽ và chờ đợi…

Một canh giờ trôi qua, hai canh giờ… Sư Mâu Giác ngồi trong phòng mình, lại nhập vào “Tam thập bát phong tam muội”, quạt ra gió nghiệp, nhưng là quạt ngược lại, bắt đầu từ gió nghiệp thứ 38 là “Xu hạ phong”, Tào Động gặp Xu hạ phong, bỗng biến thành hài nhi. Gặp “Hoa điểu phong” thì chúc đầu xuống dưới, “Thiết khẩu phong” lại lộn ngược trở lên… trở lại hình hài cái bào thai như lúc nằm trong bụng mẹ. Gặp gió nghiệp quạt đến đâu lại “hóa” lùi trở lại đến đấy. Mâu Giác quạt cho đến “Đao xao phong”, chỉ chừa lại duy nhất “Biến xúc phong”, thì cái bào thai Tào Động trở lại nguyên hình hài là một con sâu đầu đỏ.

Sư Mâu Giác dừng lại, ra gọi chú tiểu Đăng Tiến, bảo vào phòng sư Tào Động, đem con sâu đầu đỏ ra cho chim non ăn. Một con sâu ấy, đủ nuôi đôi chim sẻ cho đến lúc ra ràng.

Từ bấy giờ trong chùa chỉ còn lại hai thầy trò. Đăng Tiến có tính thích ăn oản, thèm oản tới mức cứ nom thấy là dãi rỏ lòng thòng. Mỗi khi có nhà nào mang lễ đến chùa cúng Phật, Tiến chỉ mong chóng hạ xuống để thọ oản. Nhưng có những mâm để mấy ngày trên điện không ai hạ xuống, thành ra Đăng Tiến chỉ biết đứng nhìn.

Trong làng có thằng bé tên Trương, con nhà trưởng giả, dân làng gọi là Trương trưởng giả, cũng trạc tuổi Đăng Tiến, hay đến chùa chơi, hai thằng kết thân với nhau. Trương trưởng giả cũng có tật nghiện oản như Đăng Tiến, bèn bày trò đẽo gạch làm oản, rồi lấy trộm oản trên điện, bóc ra ăn rồi lấy vỏ bọc cục oản giả lại, đặt vào chỗ cũ, thành ra chư Phật thọ hưởng khối oản làm bằng… gạch.

Hai thằng thi hành kế ấy được khá lâu, có vẻ tịnh không ai biết, càng lấy làm khoái chí lắm. Một buổi trưa hè, hai thằng rủ nhau nhảy xuống hồ sen tắm. Nguyên hai bên lối vào chùa có hai hồ tròn thả sen, một hồ bên tả, một hồ bên hữu. Hai thằng chia nhau nhảy xuống, mỗi thằng một bên rồi chơi trò quen thuộc, lặn xuống vốc bùn ném nhau, cả hai thích chí, cười váng cả cổng chùa.

Đang chơi hăng, bỗng “cốp”, “cốp” hai tiếng như bị ném đá, làm nổ cả đom đóm mắt. Hai thằng cùng đưa tay ôm mặt. Trương trưởng giả bị một cục vào giữa trán, sưng phồng lên, to bằng quả ổi. Đăng Tiến bị một cục vào giữa mồm, môi cũng sưng vều. Cả hai hoảng sợ, đờ ra vì kinh ngạc. Đáy hồ sen xưa nay toàn bùn, không hề có gạch đá, hai thằng biết rõ điều đó. Cớ sao hôm nay lại bị như thế này? Bèn nén đau lặn xuống, quờ quạng một lát. Té ra đáy hồ có vô số cục gạch rắn câng. Đem lên khỏi mặt nước rửa sạch rồi ngắm kĩ, bấy giờ lại càng hoảng sợ. Chính là những cục oản bằng gạch mà chúng đã đẽo để đánh tráo vào mâm cúng Phật bấy nay…

Hai thằng trèo lên bờ, vừa đau vừa hoảng sợ, bụng run như cầy sấy, không còn tâm trí nào để chơi đùa nữa. Từ đó tiểu Đăng Tiến không dám ăn trộm oản nữa và chừa hẳn thói nghịch ngợm. Bấy giờ mới thực sự chăm chỉ đọc kinh, đọc say mê, song lại lười tụng. Thầy quở thì mồm chỉ lẩm nhẩm để đối phó, tay càng gõ mõ váng lên, chẳng bao lâu đọc hết sách trong chùa, thập phương có ai đem đến cung tiến bộ kinh nào liền vớ ngay lấy, đọc kì hết mới thôi.

Sư phụ Mâu Giác biết Đăng Tiến có căn tính với Pháp Phật, thỉnh thoảng thử hỏi nghĩa kinh sách, thì Đăng Tiến trả lời đâu ra đấy, giỏi như thần đồng. Sư đành chỉ biết thở dài. Đăng Tiến ngỡ sư phụ hài lòng, hỏi thì sư bảo:

“Đọc nhiều thì chỉ đa văn mà thôi, đa văn cuồn cuộn như nước dốc, dẫu có là nước Cam lồ thì cũng đến lúc trôi mất. Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông, cũng như không ai sống hai lần trong cùng một nghiệp. Cho nên phải tu thì mới lắng lại được…”.

Chú tiểu Đăng Tiến tuổi trẻ hăng hái, không lấy lời nói của sư phụ làm phải. Tự nghĩ mình đã ngộ giáo nghĩa đến chừng ấy, mà tiếc rằng không có ai ấn chứng cho… Đến một hôm, bỗng buột miệng hỏi sư phụ:

“Tu hạnh nào là quan trọng nhất thưa sư phụ?”.

Sư Mâu Giác biết đệ tử đã phát tâm, bèn trả lời ngay:

“Hạnh bố thí”.

Đăng Tiến nghĩ bụng, mình từ nhỏ ở trong chùa, chỉ biết hưởng bố thí của thập phương tam đạo. Giờ phải tu hạnh bố thí thì biết bố thí cho ai? Chợt nghĩ đến thằng bạn Trương trưởng giả, từ ngày bị ném sưng trán đến giờ, chắc nó vẫn chưa dám ăn oản. Bèn xin sư phụ một chiếc, rồi đem đến nhà nó để bố thí. Trương trưởng giả nghe tiểu Đăng Tiến gọi, từ trong nhà chạy ra, nhìn chiếc oản trong tay bạn thì thèm lắm, song vẫn còn e ngại. Đăng Tiến trấn an: “Của sư phụ cho đấy”, Trương mới rụt rè cầm lấy, bóc ra, đưa lên miệng cắn…

Bỗng “cốp” một cái, như cắn phải đá, mẻ luôn chiếc răng cửa. Thiếu trưởng giả kêu rú lên, một tay ôm miệng, một tay đưa trả chiếc oản. Đăng Tiến kinh ngạc cầm lấy, nắn vẫn thấy mềm, sao nó lại mẻ răng? Liền chạy một mạch về trách sư phụ. Nghe đệ tử hổn hển đổ lỗi cho chiếc oản, sư Mâu Giác không nói gì, chỉ lẳng lặng đưa chiếc oản lên miệng cắn…

Nhìn sư phụ nhai oản ngon lành, Đăng Tiến im bặt. Hồi lâu mới rụt rè hỏi:

“Thưa, bố thí mà cũng khó đến thế kia ư?”.

Sư phụ trả lời:

“Ở đời tu là một việc khó, thì bố thí là phép tu quan trọng nhất, cho nên cũng phải khó nhất chứ”.

Đăng Tiến từ đó quên hẳn chuyện mong có người ấn chứng, suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện bố thí. Muốn thỉnh sư phụ thì ngài bỗng dưng nhập thất, hình như có một việc đại sự. Mãi bảy ngày sau ngài mới xả thất, rồi gọi Đăng Tiến vào, trao cho một túi gấm có bức thư và một chiếc bị đựng đầy oản rồi căn dặn:

“Con hãy đi ngược ra phía kinh thành, tìm đến chùa Phùng, trao túi gấm này cho sư tổ của con là Tiêu Dao thiền sư hiện đang tu ở đó. Còn chỗ oản này thì phân phát cho lũ trẻ gặp ở dọc đường. Gặp đủ duyên thì có thể bắt đầu tu hạnh bố thí được đấy”.

Không hiểu những ngày nhập thất vừa rồi, sư đã chứng được điều gì mà nom nét mặt đầy vẻ ưu tư. Đăng Tiến thắc mắc lắm, song cũng không dám hỏi, chỉ biết vâng lời sư phụ, cầm lấy chiếc túi gấm và khoác bị oản ra đi. Ngang qua chỗ phủ Thiên Trường, gặp một lũ trẻ đang chơi ngoài cổng thành, liền giở bị ra, lấy oản chia cho bọn trẻ. Cả lũ mừng lắm, cầm lấy bóc ra ăn liền. Đăng Tiến đứng theo dõi, trong lòng thầm cầu cho chúng nhai ngon lành. Nhưng…

‘Cấc”, “cấc”, “cấc”…

Bọn trẻ cắn oản như cắn phải đá cuội.

Đứa nào cũng nhăn nhó lắc đầu, đưa trả lại. “Ôi, tiểu hòa thượng đánh lừa chúng mày ơi…”.

Rồi cả bọn định xúm vào mắng cho chú tiểu một trận. Nhưng nhìn nét mặt cũng kinh ngạc và khổ sở của Đăng Tiến, bọn chúng dừng lại, nói: “Tiểu hòa thượng cứ đùa chúng tôi…?”.

Đăng Tiến không đùa. Sư phụ càng không bao giờ đùa. Vậy thì ai đùa, đến nỗi biến những chiếc oản thành đá cuội như thế này? Lời dặn của sư phụ: “Gặp đủ duyên thì có thể bắt đầu tu hạnh bố thí được đấy” còn văng vẳng. Đăng Tiến chợt ngộ ra một điều, khiến toàn thân nóng bừng như lên cơn sốt. Chính mình chưa đủ duyên bố thí, cho nên oản mới biến thành đá cuội…

Từ đó không dám phát oản cho trẻ con nữa. Đăng Tiến lầm lũi đi, dọc theo bờ sông Hồng, hướng về phía kinh thành.

Đi đến chiều thì gặp một chỗ khúc sông cong cong, bờ đê lượn như dải lụa. Đăng Tiến đứng trên bờ, nom thấy ở dưới sông có một vật lạ, màu đỏ chót trôi lừ lừ, làm thành những vòng tròn bao quanh. Vật ấy chỉ nhỏ bằng quả ớt, mà trỏ thẳng lên trời như một chiếc cột buồm tí hon thì lấy làm lạ lắm. Dụi mắt nhìn kĩ, thấy bên dưới mặt nước là một thằng bé đang nằm ngửa, té ra đó là cái chim của nó. Bèn vẫy vào bờ.

Một thằng cu đầu trọc lốc, hỏi tên, nó trả lời họ Phạm, tên Ngọc Tuấn, rất thích nằm ngửa dưới mặt nước, suốt từ bé đến giờ… Thấy lạ, Đăng Tiến nghĩ biết đâu thằng nhóc kì quái này không giống những đứa khác. Bèn móc một chiếc oản từ trong bị ra, đưa cho nó rồi hồi hộp theo dõi. Ngọc Tuấn bóc ăn ngon lành.

Đăng Tiến mừng lắm. Bụng nghĩ gặp được thằng này, tức là gặp đủ duyên bố thí, đối với mình thì đây là một đại sự nhân duyên. Bèn nghĩ ngay ra một việc, rủ Ngọc Tuấn cùng đi phát oản cho trẻ con, phải qua tay thằng này thì oản mới không biến thành đá cuội.

Vậy Ngọc Tuấn ở đâu ra vậy? Thằng bé này cũng rất có lai lịch. Nó không phải đẻ rơi ở sân chùa như Đăng Tiến, mà sinh ra từ ống tay áo của đạo sĩ. Chuyện như sau:

***

Một làng ở phía Tây kinh thành, làng Võng Thị có nhà họ Nguyễn làm nghề chài lưới, gia sản dồi dào, đẻ liền tù tì sáu đứa con gái, rặt một hạng lọ lem và chanh chua đáo để. Mãi lúc về già mới tòi ra được thằng cu thì mừng lắm, định bụng nuôi lớn, sẽ truyền nghề cho nó để nối nghiệp mình thì cơ đồ mới lâu dài được, bèn đặt tên là Hồng Phúc và đem lễ mời một vị thầy tướng tới xem.

Thầy tướng thoạt nhìn, luôn mồm khen thằng bé có tướng thủy hình chính cục, ngũ bộ đầy đặn… làm họ Nguyễn mừng như nở từng khúc ruột. Đến lúc thầy vạch lông mày bên phải của thằng bé ra, phát hiện có nốt ruồi nhỏ, như một vết châm kim thì bỗng im bặt. Họ Nguyễn biết thầy tướng có chỗ khó nói, bèn động viên thầy có gì cứ nói thẳng, không phải e ngại. Thầy tướng đành phải nói thật, rằng thằng bé sau này e rằng sẽ gặp phải cái hạn thủy tai…

Họ Nguyễn nghe như sét đánh ngang tai, nỗi tuyệt vọng làm đất dưới chân như muốn sụp. Làm nghề chài lưới mà thằng con có hạn thủy tai, thì làm sao có thể nối nghiệp lâu dài? Chợt nghĩ nhà mình có của ăn của để, tội gì không dành tiền mua cho nó một chức quan, thì không những được lâu dài, mà còn bền vững muôn năm. Biết đâu lại là hồng phúc của cả làng. Bèn hỏi:

“Chẳng giấu gì thầy, tôi có thừa tiền mua cho nó một chức quan, to mấy cũng được. Nhưng chẳng hay nếu làm quan thì nó có tránh được cái hạn thủy tai ấy không?”.

Thầy tướng lắc đầu:

“Làm gì thì cũng là tuân theo nghiệp cả, phúc thì hưởng mà họa thì gánh. Chỉ có cách hồi tâm chuyển nghiệp thì may ra mới tránh được mà thôi”.

“Thế nào là hồi tâm chuyển nghiệp?” – họ Nguyễn vội vàng hỏi ngay.

“Là không hướng về phía trước, tức là cái phía hữu chung ấy nữa. Hữu chung là kết thúc, hướng về chỗ kết thúc thì lâu dài cũng còn chả được, huống hồ còn muốn muôn năm. Phải hồi đầu hướng về nơi phát tích, tức là cái phía vô thỉ của mình. Vô thỉ cũng tức là vô chung. Hồi đầu về vô thỉ thì mới có cơ hội chuyển nghiệp được” – thầy tướng trả lời.

“Thế nào là hồi đầu về phía vô thỉ?” – họ Nguyễn lại hỏi.

Thầy tướng nhăn nhó:

“Hồi đầu về phía vô thỉ tức là cầu đạo. Cái này khó lắm, muôn vạn người may ra mới có một người tự mình làm được điều đó. Nếu không thì phải tìm thầy mới được”.

“Vậy ông có biết hiện nay có ông thầy nào không?” – Họ Nguyễn lại hỏi.

Thầy tướng ghé tai họ Nguyễn nói nhỏ mấy câu, rằng hãy tìm người ấy, ở chỗ ấy… rồi cáo từ ra về.

Thế là họ Nguyễn vỡ cái mộng muôn năm, lại tan cả giấc mơ hồng phúc của thằng con giai, đành phải nghe lời ông thầy tướng, dắt Hồng Phúc tìm đến người ấy. Người ấy tức là lão đạo sĩ Đỗ Tờ chân nhân. Chính họ Nguyễn cũng đã từng nghe tiếng, ở chỗ ấy, tức là động Già La, trong rừng Miêu Dã cũng ở phía Tây Bắc kinh thành, cách làng Võng Thị chừng vài dặm.

Đỗ Tờ chân nhân là người rất có lai lịch. Vào thời Chiến Quốc ở bên Tàu, có Vương Hủ người nước Tấn ham mê đạo Tiên, cùng với Tôn Tử, Mặc Tử chơi thân với nhau, người bấy giờ gọi là “tam tử”. Vương Hủ một hôm vào rừng chơi, đến một thung lũng nằm phía dưới hai ngọn núi, đứng trước hang Quỷ cốc, bên ngoài cỏ mọc lún phún, tất cả đều hướng ngọn vào phía bên trong, biết hang này có thể hút dương khí, bèn dòng dây, thả người xuống tận dưới đáy cốc. Thấy ở giữa đáy cốc lại có một chỗ lồi lên, nhẵn thín, vừa mịn như nhung lại vừa cứng như đá, lạnh như băng, chu vi ngót một trượng, giữa đỉnh có một lỗ sâu hoắm, không biết sâu tới tận đâu, đoán đây chính là chỗ hút lấy dương khí. Bèn lập am, chọn chỗ đó để tu, xưng là Quỷ Cốc tử.

Tu được vài năm thì đạo hạnh tiến nhanh vùn vụt, trí hạnh làm kinh động cả thiên hạ, nhiều người tìm đến xin học, Quỷ Cốc tử thu nạp tất cả. Trong số học trò có năm người học đâu thông đấy, gọi là bọn “ngũ quỷ”. Đó là những tên: Tô Tần, Trương Nghi, Bàng Quyên, Tôn Tẫn và Đỗ Tờ.

Bọn “ngũ quỷ” học thành tài, lần lượt xin xuống núi để lập công danh, đầu tiên là Bàng Quyên, thứ đến Tô Tần, Trương Nghi. Tôn Tẫn là người cuối cùng. Riêng Đỗ Tờ vẫn ở lại cốc. Tiễn Tôn Tẫn đi rồi, Quỷ Cốc tử thở dài bảo bọn học trò còn lại thu xếp để… giải tán. Mọi người ngơ ngác, nhao nhao hỏi sư phụ vì cớ gì mà phải bỏ chỗ này? Tử không trả lời, chỉ lắc đầu. Duy Đỗ Tờ vẫn ngồi im, không hé răng hỏi thầy lấy nửa câu.

Quỷ Cốc tử cũng ra đi, ngược với hướng đi của bọn “tứ quỷ” kia. Ngài vào sâu mãi trong núi, độc tu một mình. Mấy chục năm khổ hạnh, thân càng ngày càng cứng như kim cương, nhưng tâm cứ lì ra như đá, chẳng thấy tiến thêm được mấy tí về đạo hạnh. Một hôm trèo lên núi cao, trông về phía Quỷ Cốc khi xưa, giật mình thấy mây lành quấn quýt, trong bụng càng kinh ngạc, nghĩ chẳng lẽ có cao nhân nào tu ở chỗ cũ của mình? Bèn nhằm ngay hướng ấy trở về.

Về tới Quỷ Cốc, quả có một người ra đón vào. Người ấy chính là anh học trò Đỗ Tờ ngày trước, bấy giờ đã lấy đạo hiệu là Đỗ Tờ chân nhân. Lúc ấy, Quỷ Cốc tử mới biết bọn “tứ quỷ” kia đều đã chết cả, chỉ còn mỗi gã học trò này. Bèn hỏi:

“Thì ra anh vẫn ở lại? Tại sao anh không xuống núi như bọn kia?”.

Đỗ Tờ chân nhân vòng tay thưa:

“Tại con không cầu danh, nên không cần phải xuống núi”.

Quỷ Cốc tử lại hỏi:

“Phàm những học trò theo ta, nếu không cầu danh, thì cũng cầu thọ. Vậy tại sao lúc ta rời đi, anh không đi theo?”.

Đỗ Tờ trả lời:

“Thưa, con cũng không cầu thọ, con chỉ cầu đạo. Thầy dẫu đi rồi, nhưng đạo thì không đến từ đâu, cũng không đi đâu cả. Cho nên con vẫn ở lại…”.

Quỷ Cốc tử nghe Đỗ Tờ nói, như sét đánh ngang tai, bỗng hoát nhiên biết tại sao đạo hạnh của mình lại lì ra suốt mấy chục năm như vậy, trong khi người học trò này lại tinh tấn không ngờ, vượt xa cả thầy, liền vòng tay xá lại, bái ngược Đỗ Tờ làm thầy để cầu đạo.

Đỗ Tờ chân nhân một hôm bỗng nhớ đến quê hương, bèn rời hang Quỷ Cốc về động Già La để tiếp tục tu luyện. Nhờ hấp thụ khí thế gian mà thành tựu được một công phu gọi là “Cụ bất thối trí lực”, đến mức thông tỏ mọi ngóc ngách của sáu loài Trời, tức là những loài có thân cư thiên (thân ở trên giời), có tâm địa vị (tâm trùm mặt đất)… ở trên sáu Trời Dục giới. Tri giác hiếm có ấy gọi là Thông hành thiên. Lại đắc được ba món thần thông, đó là:

Luyện phép bảo lưu trí lực để có thể thông từ kiếp này sang kiếp khác gọi là thông mạng căn.

Luyện phép thanh tịnh tai để có thể nghe được tiếng của chư thiên gọi là thông thiên nhĩ.

Luyện phép thanh tịnh mũi để có thể ngửi được mùi của chư thiên gọi là thông thiên tị.

Vì thế không cuộc họp kín họp hở nào của Lục Dục chư thiên mà Đỗ Tờ chân nhân không nghe thấy. Có lúc ngài từng được chư thiên mời lên làm cố vấn các việc tiến thân, đả hiền, mị nhân, khuyến chúng… Đặc biệt, ngài ngửi mùi chư thiên thì rất tinh, thấy thơm thì khen như thầy khen trò, thấy thối thì mắng như người mắng chó… Đại khái thế.

Hồng Phúc theo học Đỗ Tờ chân nhân hơn chục năm, tiến bộ rõ rệt. Tựu trung gồm bốn môn (bốn cửa) là Tạng, Thông, Biệt, Viên, thì Tạng môn là luyện “tinh hóa khí”, có thể dùng thân căn để hấp thụ chân khí, thở được bằng rốn. Thông môn là luyện “khí hóa thần”, đắc được tri túc mạng vương tĩnh lự, có thể biết được việc của ba đời. Đại khái mới học đến đó, Biệt môn và Viên môn thì chưa.

Một hôm Đỗ Tờ chân nhân buồn cẳng đi vân du kinh thành, Hồng Phúc ở lại một mình, bèn ra ngoài cửa động ngồi nhập thần bế khí. Bấy giờ, trong rừng Miêu Dã có một con cọp già chuyên săn cáo, lại chỉ thích ăn lòng ruột. Bắt được cáo, con cọp thường mang ra bờ hồ Dâm Đàm moi ruột gan ăn rồi ủi xác xuống hồ, dần dần vun lại thành một cái gò toàn xương cáo ở dưới đáy hồ.

Hôm ấy con cọp đang đi săn mồi, qua cửa động Già La, nom thấy Hồng Phúc mặt mũi đen nhẻm, tóc tai bù xù, nó tưởng nhầm là cáo bèn nhảy tới vồ, rồi ngoạm cổ mang đi.

Con cọp mang Hồng Phúc ra bờ hồ Dâm Đàm, đặt nằm xuống đất rồi dùng mõm lật ngửa ra. Đè hai chân trước lên người cu cậu, con cọp dùng mõm dứt dứt mảnh áo che trước bụng như thể vặt lông cáo. Mảng bụng trắng phơi ra, con cọp vừa há mõm, nhe nanh định moi ruột thì bỗng “phì” một cái làm nó giật nảy mình. Chưa bao giờ nó thấy cáo lại thở bằng rốn như thế này. Con cọp sợ quá không dám ăn nữa, bèn ủi luôn cu cậu xuống hồ rồi quay đầu bỏ chạy vào trong rừng.

Một lát sau, có anh tiều phu cũng người làng Võng Thị đi qua, nom xuống hồ thấy có bong bóng lạ nổi lên thì tò mò lắm, bèn đứng lại xem. Ngờ bên dưới có vật gì, anh ta liền cởi quần áo nhảy xuống hồ rồi lặn xuống. Dưới làn nước trong vắt, cái gò xương cáo hiện ra, trên đỉnh lập lờ một xác người nằm ngửa, áo quần tơi tả, một cột bọt khí phun lên từ giữa rốn, chính là những bong bóng ấy. Anh tiều phu hãi quá, vội vàng quay đầu, đạp nước ngoi lên. Lên tới bờ rồi, ngoái đầu nhìn lại, vẫn thấy bong bóng nổi lên, nhưng có vẻ đã thưa hơn trước. Biết đâu người này còn sống, nếu không cứu thì sẽ phải tội. Anh tiều phu nghĩ thế rồi vận hết can đảm, lại nhảy xuống…

Hì hục đem được cái xác lên bờ thì anh tiều phu nhận ra. Người này là Hồng Phúc, con nhà họ Nguyễn ở trong làng. Nghe nói theo đạo sĩ tu tiên, tít trong động Già La, không hiểu sao lại rơi xuống đây. Thấy thân thể vẫn còn mềm, anh tiều phu cuống quýt tìm cách cứu chữa. Vốn là người cũng có chút kinh nghiệm cứu người chết đuối, anh tiều phu cuống quýt làm động tác hô hấp nhân tạo, hết dập ngực lại hút mũi… Cái xác cứ trơ ra, không còn tí dấu hiệu nào của sự sống. Than ôi, anh ta không biết rằng cu cậu Hồng Phúc đâu có thở bằng mũi như những kẻ tầm thường, mà thở bằng rốn, nay bị sặc nước mà chết, thì cái kinh nghiệm cứu người chết đuối kia của anh ta phỏng có ích gì.

Rốt cuộc điều ông thầy tướng nói ngày trước đã ứng nghiệm. Hạn thủy tai của con giai nhà họ Nguyễn làng Võng Thị là không thể tránh được. Thật rõ Hồng với chả Phúc… Nhưng dù sao, vẫn có chỗ biến hóa kì diệu của nó. Nhờ cái công đức hơn chục năm tu đạo tiên thừa với Đỗ Tờ chân nhân, nay dẫu bị chết đuối, thì hồn vía cũng không chúc đầu đọa xuống ba đường ác, mà bay thẳng lên giời. Tới cung trời Dạ Ma thì hóa sinh ở đó.

Trời Dạ Ma không có mặt trời, mặt trăng nên không chia ra ngày đêm, lúc nào cũng ngập tràn ánh sáng. Mỗi chúng sinh sinh ra ở đây là một ngọn đèn, chiếu sáng cả cõi trời, hết thọ mạng thì ngọn đèn phụt tắt. Ánh sáng ở đây là cộng nghiệp, cũng như mặt trời, mặt trăng… ở dưới hạ giới vậy. Cả đến núi sông, gò đồi, cỏ cây, cung điện… cũng được tạo nên bởi ánh sáng.

Hồng Phúc hóa sinh ở Du hành địa, được chư thiên ở đây đón tiếp tại cung Ngọc, ánh sáng chói lòa, mọi người nồng nhiệt chúc mừng. Lướt nhìn một vòng, không thể đếm nổi có bao nhiêu Dạ Ma thiên đang có mặt trong cung. Ai ai cũng đội trên đầu một chiếc mũ kết bằng hoa trời rực rỡ, vẻ mặt rạng ngời, không một chút ưu tư. Hoa quả, bánh trái… thơm ngào ngạt bày la liệt trên mặt bàn làm bằng ngọc bích. Nhạc trời tấu lên, nghe thấy thân thể nhẹ như hư không, uốn lượn như giai điệu. Có một giọng nói cất lên bên tai, hỏi:

“Ngài tu thập thiện như thế nào mà được hóa sinh ở đây?”.

Câu hỏi làm Hồng Phúc giật nảy mình. Hồi quang phản chiếu bấy giờ mới hiện ra, tua lại toàn bộ kiếp làm người, từ lúc sinh ra cho đến lúc bị thủy tai, tất cả chỉ trong vòng một niệm. Hơn chục năm theo Đỗ Tờ chân nhân, đâu có tu thập thiện để cầu sinh thiên, mà cầu thọ để sống lâu và cầu trí để làm chủ thọ mạng. Nay lại sinh làm chư thiên như thế này thì không khéo uổng phí cả chục năm tu hành. Hồng Phúc nghĩ mà cảm thán quá, bất giác ôm mặt khóc hu hu.

Tiếng khóc của Hồng Phúc khiến tất cả các chư thiên thảy đều kinh ngạc. Trời Dạ Ma hàng nghìn vạn năm chỉ có tiếng cười, sao bỗng dưng lại có tiếng khóc? Liền xúm nhau lại múa hát, ca tụng tưng bừng và rắc hoa sặc sỡ để an ủi, che đi tiếng khóc và xóa đi phiền muộn. Trong khi ấy, riêng Hồng Phúc thì lại nhập vào tĩnh lự, dùng món trí túc mạng vương của mình để quan sát kiếp sau. Nhìn vào thấy mình khi hết thọ mạng ở Dạ Ma thiên này, thì sẽ phải đầu thai làm con cáo, và kết thúc bằng việc bị hổ vồ.

Chao ôi! Ở dưới Hạ giới, nhà họ Nguyễn ở làng Võng Thị kia, giờ này chắc đang đau khổ vì Hồng Phúc bị nạn thủy tai. Có biết đâu rằng nó đã được lên cõi trời Dạ Ma, nhưng cũng chớ có mà mừng vội, vì hết kiếp ở Dạ Ma này, thì nó lại đầu thai làm con cáo, và kết thúc bằng nạn ác thú…

Ý nghĩ thảm thiết ấy khiến Hồng Phúc rùng mình kinh sợ. Té ra việc con cọp vồ mình hôm trước, không phải nó nhầm mình thành con cáo, mà chính là nó đã nhìn thấy mình ở tận mấy kiếp sau. Thế nghĩa là loài ác thú cũng có cái trí túc mạng, và khả năng ấy không thể xem thường, thậm chí không biết đâu mà lường. Ý nghĩ ấy làm Hồng Phúc càng thêm kinh sợ, vẻ mặt càng thảm thiết hơn nữa. Các chư thiên thấy thế lại càng ca hát, càng nhảy múa và thi nhau rắc hoa…

Không khí náo nhiệt, tưng bừng và sặc sỡ đến vô tri của chư thiên Dạ Ma khiến Hồng Phúc bắt đầu cảm thấy ngột ngạt. Càng kinh ngạc hơn nữa khi nghe họ nói về các chúng sinh ở Hạ giới, như nói về các con vật nhốt trong chuồng của mình. Té ra họ cai quản Hạ giới ư? Mỗi chư thiên đều có chuồng riêng?…

Một lần nữa lại nhập tri túc mạng, nhìn ra thấy trước mặt, vẫn sự nhảy múa và vãi hoa… kia, nhưng không phải của chư thiên nữa, mà toàn những con sóc đuôi dài, những con khỉ đít đỏ, những con nai, con hoẵng có sừng, cả những con dê có bộ râu dài đang cất tiếng be be…

Đời vị lai của các chư thiên ở đây, có ai ngờ lại là một lũ súc sinh, Hồng Phúc chua chát nghĩ… Cái thấy của Hồng Phúc lướt đến cuối phòng, phát hiện phía ấy có một bóng người, một con Người duy nhất trong đám súc sinh. Người ấy ngồi giữa hai Dạ Ma thiên to lớn dị thường, nhưng nhìn qua túc mệnh thì bên tả là một con ngựa sắc tía, bên hữu là một con rồng có mào màu đỏ, cả ba đều tiết ra một mùi hôi khó tả, gần giống mùi hôi nách.

Phàm chư thiên một khi đã tiết ra mùi hôi thì sắp chết đến nơi, Hồng Phúc nghĩ. Như tìm thấy một chút an ủi, bèn tìm đến bên người ấy. Đó là một người đàn ông đầu trọc, mặt đỏ như tiết canh, cũng mồm ngang mũi dọc, trên đầu cũng đội hoa như những chư thiên khác, nhưng đã héo rũ.

Hồng Phúc nhăn mũi cố chịu đựng, ngồi xuống trước mặt vị Ngọc Ma ấy, lân la gợi chuyện:

“Thật quái lạ, tôi xem các vị ở đây kiếp sau toàn đầu thai vào loài cầm thú cả. Duy có ngài là đầu thai làm người đấy…”.

Đôi mắt vị ấy sáng rực lên. Chắp tay tạ Hồng Phúc rồi bảo:

“Xin đa tạ. Té ra ngài cũng biết túc mạng?”.

“Vâng – Hồng Phúc trả lời – Tôi được thầy là Đỗ Tờ chân nhân truyền cho…”.

Vị ấy nghe đến tên Đỗ Tờ chân nhân thì tỏ ra mừng rỡ, nói ngay:

“Đó là một vị Độc Giác chủng trí đấy. Được người ấy mang đi đầu thai, thì chắc chắn sẽ gặp chỗ lành. Tôi ở cung Ngọc này đã gần ba nghìn năm theo cách tính ở Hạ giới. Nay đã hết thọ mạng ở Dạ Ma thiên, chỉ trong vòng giây lát nữa thôi, là sẽ đi đầu thai. Nay được đầu thai làm kiếp người để tu Phật thì chính là ý nguyện của tôi, ngày trước tôi đã được Phật tổ thọ kí…”.

“Thọ kí như thế nào?” – Hồng Phúc ngạc nhiên, vội vàng hỏi.

Vị ấy cũng vội vã trả lời, như thể sợ không kịp:

“Chẳng giấu gì ngài. Tôi ở cung Ngọc này đã ngót ba nghìn năm. Hồi ấy, tôi chính nằm trong số 400.000 chư thiên ở Dạ Ma thiên rời cung Ngọc đến dự pháp hội của Phật Đà ở núi Kì Xà Quật, thành Vương Xá bên Tây Trúc. Được Phật tổ thọ kí sau này sẽ thành Phật, cùng có hiệu là Tịnh Trí Như Lai, chánh biến tri… Cho nên mới phát nguyện làm Người. Song kiếp người phúc họa khó lường, khó lòng giữ cho được nhân đạo, nhỡ đâu phải lùi lại làm súc sinh. Nếu ngài cho tôi biết địa chỉ của Đỗ Tờ chân nhân thì tôi đội ơn ngài lắm…”.

Hồng Phúc nghe vị ấy nói càng tỏ ra thương cảm, liền nói ngay địa chỉ của Đỗ Tờ chân nhân, động Già La, rừng Miêu Dã…

Nghe xong, vị Ngọc Ma vòng tay cảm tạ. Vị Dạ Ma thiên ngồi bên tả thấy thế, liền tiện thể hỏi:

“Còn túc mạng của tôi thì thế nào?”.

Hồng Phúc nhìn quanh, thấy nói ra không tiện, bèn lấy giấy bút viết một chữ “Xích Mã” đưa cho. Đến lượt vị Dạ Ma thiên ngồi bên hữu hỏi:

“Còn tôi…”.

Hồng Phúc lại viết một chữ “Hoàng Long” đưa ra.

Thoắt cái cả ba đều lần lượt biến mất, đầu tiên là Ngọc Ma, thứ đến chư thiên có chữ Mã, cuối cùng là chư thiên có chữ Long, không để lại chút vết tích, kể cả cái mùi hôi…

Lúc ấy vừa hết giờ Hợi, bước sang giờ Tí. Trong động Già La, Đỗ Tờ chân nhân ngửi thấy mùi lạ, biết ngay có chư thiên ở cung trời Dạ Ma vừa xuống, bèn hỏi họ tên, vị ấy xưng tên Ngọc Tuấn, chưa có họ. Đỗ Tờ chân nhân bảo:

“Ngươi đã hết thọ mạng ở Dạ Ma thiên rồi phải không? Đợi sáng mai ta sẽ đem ngươi đi, tìm chỗ tốt để đầu thai làm người”.

Nói xong, ngài lấy một cục đất sét, vo tròn như quả trứng, dùng ngón trỏ dùi một lỗ, đút cái tinh Dạ Ma thiên Ngọc Tuấn vào, bít lại rồi bỏ trong ống tay áo…

Sáng sớm hôm sau, Đỗ Tờ chân nhân rời khỏi động, trở vào kinh thành, tìm đến nhà một ông bạn già tên là Vịnh Bá Bá. Nguyên vị này đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) từ triều trước, giờ mới cưới một người thiếp yêu tên Hồ Thiên Nga, tròn lẳn như búp bê trong tủ kính, trắng như cục bột chưa qua chảo, trẻ hơn tới năm mươi tuổi. Cặp lão giả giai nhân này đang cầu sinh quý tử. Gặp nhau, vừa chào hỏi xong xuôi, Đỗ Tờ chân nhân hỏi ngay:

“Có một chư thiên đang muốn tìm chỗ để đầu thai. Chẳng hay hai người có muốn sinh con giời hay không?”.

Vịnh Bá Bá nghe nói mừng lắm, hỏi ngay:

“Con giời thì thế nào?”.

“Thì rất giỏi, rất thông minh và rất có hiếu… chứ sao” – Đỗ Tờ chân nhân trả lời – và cha mẹ sẽ được rất nhiều công đức…”

“Nhiều như thế nào?” – Vịnh Bá Bá lại hỏi.

“Nhiều tới mức cha mẹ cũng lập tức được sinh lên giời, chả cần phải mất cả đời tu thập thiện…” – Đỗ Tờ chân nhân khẳng định.

Bấy giờ cô nàng Hồ Thiên Nga núp sau lưng Vịnh Bá Bá mới thỏ thẻ cất tiếng:

“Lập tức sinh lên giời tức là… tức là chết ngay ư? Eo ôi, sợ lắm, sợ lắm…”.

Vịnh Bá Bá tuổi đã ngoại bảy mươi, nghe người thiếp yêu nói thì cũng tỉnh ngộ. Liền xua tay từ chối, luôn miệng nói:

“Không dám, không dám, dẫu có được lên giời, thì cũng tức là… chết ngay hay sao?”.

Đạo sĩ Đỗ Tờ chân nhân thất vọng quay ra. Ngày hôm ấy và mấy ngày sau đó, ngài còn đi rất nhiều nhà nữa, mang cái công đức đẻ con giời ấy ra dụ, khắp kinh thành ai cũng sợ hãi mà từ chối như Vịnh Bá Bá. Thất vọng trở về động, bụng nghĩ tìm một chỗ để làm người, dẫu có là con giời đi nữa, thì sao mà cũng khó đến thế? Bèn ngắm quả trứng bằng đất, bên trong có tinh Dạ Ma thiên của Ngọc Tuấn mà cảm thán, buột miệng ngâm lên mấy câu thơ:

“Sẽ chẳng còn đâu chuỗi ngày tiên giới

Ngươi đã mất khôn, mất cả trời mây

Nỗi sợ thấm vào ngươi như thuốc độc

Ước một ngày làm đứa trẻ thơ ngây…”.

Đỗ Tờ chân nhân vốn là người yêu thơ, thích làm thơ. Ngày trước từng dự mấy cuộc thi thơ Tao Đàn, được ban thưởng năm chục lạng bạc, bị kẻ gian lấy trộm mất, ngay trong hội Tao Đàn. Lời thơ giản dị mà cao nhã, ý tứ buồn bã mà sâu lắng… khiến quả trứng bằng đất sét cũng phải rùng mình mấy cái.

Ngâm xong, chợt nhớ ra ở phía Nam, vùng Sơn Nam hạ có chùa Tháp, trong chùa có Mâu Giác đại sư là người có thể thổi được gió nghiệp. Đầu tiên là “Biến xúc phong”, biến tinh khí thành bào thai, tiếp đến “Đao xao phong” thì lấy lại hình hài kiếp trước, thổi đến “Nội khai phong” thì có đủ ngũ tạng, “Nhiếp trì phong” thì có xương cốt, “Quảng đại phong” thì có đủ ngũ căn…

Nay mang cái tinh ông giời con Ngọc Tuấn này tới đó, nếu được vị đại sư ấy từ bi mà quạt cho đủ lần lượt 38 gió nghiệp, thì Ngọc Tuấn vẫn có thể hạ sinh kiếp người, mà không phải cần đến một bậc cha mẹ nào. Trong khoảng trời đất này, không chỉ có chư thiên, mà con người vẫn có thể hóa sinh, là nhờ vào cái phép quạt gió nghiệp ấy. Ý nghĩ làm đạo sĩ phấn chấn, quên cả cơn cảm thán, sáng sớm hôm sau ra khỏi động, nhằm thẳng hướng Nam, lập tức lên đường.

Quá trưa thì đi tới ngang địa phận phủ Thường Tín. Đỗ Tờ chân nhân một mình rảo bước trên đê, bấy giờ bụng đói mắt hoa, liếc trông phía trước chẳng có hàng quán nào. Gió từ dưới sông thổi lên làm ngài buồn ngủ, chân bước như người mộng du. Bỗng vấp phải một hòn sỏi làm đạo sĩ ngã sấp mặt, đầu lao về phía trước, quả trứng bằng đất sét từ trong ống tay áo văng ra, vừa nhảy bồm bộp, vừa lăn xuống dưới dệ đê.

Đỗ Tờ chân nhân lồm cồm bò dậy, nhìn theo quả trứng đất, liền hoảng hốt lao theo để tóm lại. Nhưng tốc độ của một người bò xuống mái đê thì làm sao nhanh bằng một quả trứng tròn.

Tình cờ lúc ấy, dưới chân đê có một người đàn bà quảy đôi thúng đi qua, quả trứng đất từ mái đê lăn xuống, gần tới chân đê thì va vào một hòn đá, khiến nó nhảy tưng lên rồi đổi hướng, rơi tọt vào chiếc thúng sau lưng người đàn bà.

Khi Đỗ Tờ chân nhân đuổi tới nơi thì quả trứng đã nằm gọn trong thúng, nhòm vào thấy quả trứng đã bị vỡ làm đôi. Cái tinh Dạ ma thiên Ngọc Tuấn kia đã kịp biến mất.

Đỗ Tờ chân nhân lặng người, liền vận thông thiên nhãn để quan sát, không thấy bóng dáng của Ngọc Tuấn đâu, lại khởi thông thiên tị để đánh hơi, cũng tịnh không ngửi thấy mùi giời. Thế là không kịp rồi, Đỗ Tờ chân nhân nghĩ, vậy là nó đã nhập vào thai tạng, chui vào nằm trong bụng người đàn bà này. Thầm trách mình chỉ vì một khắc bất cẩn, để nó văng ra khỏi ống tay áo, thì nghiệp lực sẽ kéo nó đi, nhanh tới mức Phật tổ còn không đuổi kịp, huống hồ mình chỉ là một đạo sĩ. Đành lẽo đẽo theo sau người đàn bà, xem nhà bà ta ở đâu, để sau này, đợi bà ta sinh nó ra, ngài sẽ có việc phải quay trở lại.

Việc gì khiến đạo sĩ phải quay trở lại? Nguyên đời trước, ngài vốn làm nghề đỡ đẻ, mát tay nổi tiếng đất kinh thành, từ những công hầu, khanh tướng, cho đến khối tài tử giai nhân… đều từ tay ngài mà ra. Ngài biết cái thai nằm trong bụng mẹ, đã phải chịu 38 gió nghiệp thì mới thành người, vậy mà khi lọt lòng mẹ rồi, lại có tám vạn hộ trùng chờ sẵn, là những con trùng mắt không nhìn thấy, cũng như những gió nghiệp kia. Mới hay thành người thật khó lắm thay.

Thế nào là tám vạn hộ trùng? Gọi là “thực phát trùng”, chuyên ăn tóc, ăn lông, biến thành kẻ trọc đầu, vô mao nhẵn bóng. Gọi là “nhiễu nhãn trùng”, chuyên ăn mắt, biến thành người khiếm thị. Gọi là “đạo diệp trùng”, chuyên ăn tai, biến thành người khiếm thính… Riêng bộ óc, tưởng nằm trong hộp sọ là yên ổn, mà phải chịu tới bốn loại hộ trùng, gồm: “khu trục trùng” từ phía trán ăn vào, biến thành kẻ ngu đần. “Bôn tẩu trùng” từ đằng gáy ăn ra, biến thành kẻ mù màu. “Ốc trạch trùng” ăn vào từ bên tả, biến thành người tự kỉ. “Viên mãn trùng” ăn vào từ bên hữu, biến thành người vô cảm.

Lại còn “tàng khẩu trùng” ăn mũi, làm tịt mất mùi hương, “trâm khẩu trùng” ăn lưỡi, khiến người thành câm, ngọng…

Còn vô số các loại hộ trùng khác, suốt từ đầu xuống chân, từ trong ra ngoài… làm con người ta phải chịu một đời đui, què, mẻ, sứt… Tất cả đều do nghiệp sinh ra, để đảm bảo nghiệp quả không sai lệch mảy may, không tài nào tránh được, cho nên gọi “hộ trùng”, cũng tức là “hộ nghiệp”.

Nguyên đời trước sở dĩ Đỗ Tờ chân nhân là người đỡ đẻ mát tay, là vì biết cách làm cho trẻ sơ sinh tránh được các hộ trùng ấy. Nay cái tinh ma Ngọc Tuấn đã đầu thai làm con người đàn bà này, thì ngài quyết sẽ tự tay đỡ đẻ để bảo toàn cho nó. Nhưng đời trước ngài mới là bà đỡ, đời này là đạo sĩ, thì chắc gì ngài đã mát tay? Đây chính là món “bảo lưu trí lực” mà ngài đã thành tựu, cho nên mọi năng lực đã khai mở đều được thông từ kiếp này sang kiếp khác… Quyết như thế rồi, ngài liền quay trở về động Già La để luyện một lá bùa, đợi đủ chín tháng mười ngày, sẽ quay trở lại.

P. L. V

(Còn tiếp…)

Comments are closed.