Đỗ Quyên
Với vài nan đề kinh điển, thường là cực kỳ khó – nếu không muốn nói là bất khả – để có quan niệm chung nào đấy trong tranh luận. Trình độ và nhất là thiện chí của diễn đàn nhiều khi quyết định; chưa hẳn là đề tài.
Với thơ, càng nan giải, và khó vào hạng nhất. Như tôn giáo, như tình yêu, như ẩm thực…
Trời ạ, làm sao cho bá tánh trên các bàn tiệc văn hóa ấy dùng cùng một định nghĩa, tiền đề, xuất phát điểm về cái thực đơn đang là chủ thể của nan đề?!
*
Nào, thử thêm lần nữa lạm bàn về thơ: ở đây chúng tôi xin được xem thơ như là một sự phi-vật-chất hơn tất cả các đối tượng tương tự.
Câu chuyện động chạm tới thơ nảy ra từ chương sách nọ của thiền sư Osho, người được xem như một bậc thầy tâm linh đương đại. (Dân ngoại đạo thường lấy làm lạ, vị thiền sư này thích chọn đề tài thơ và nghệ thuật làm đường dẫn xuyên suốt khi thuyết giảng các giá trị, phương thức cuộc đời…).
Ông thầy nêu ra quan niệm nền tảng: "Thơ ca tồn tại ở đâu đó bên ngoài văn phạm – nó nhiều âm nhạc hơn, ít ngôn ngữ hơn, nó nhiều cảm tính và ít ý nghĩ. Nó lẩn tránh, và đó là cái đẹp của nó – bạn không thể cố định được nó. Nó giống như dòng sông chuyển động, nó không như cái ao."
Nói gọn, thơ là bất định.
*
Cũng đã thấy đó đây nhận định rằng, có ba sự nghiệp khó thành tựu nhất trần đời, đòi hỏi tài năng bẩm sinh; đó là thi ca, toán học và triết học – ba lãnh vực ở đó, theo thứ tự, trí tưởng tượng, trực giác và trừu tượng hoá của con người được thăng hoa hết thảy.
Giữa "tam đại nan sự" ấy, làm thơ không nhất thiết phải kế thừa, đi sau sáng tạo của những kẻ đi trước, như làm toán, làm triết. Vâng, sáng tác thi ca là lao động siêu đẳng nhất mà loài người đạt tới. Thơ, siêu nhân nhất và tự nhiên nhất.
Để viết thơ, không cần gì sất. Trên trái tim, dưới cây bút hay bàn phím. Xong. Khỏi cần một lô xích xông nguyên vật liệu xi măng sắt thép như ngành xây dựng. Khỏi cần trường văn trận bút sống lâu lão làng như giới phê bình… Thần đồng nhạc có đấy, mà ít ra cũng phải thêm cây đàn và gia sư chỉ dẫn dăm nốt nhạc. Thần đồng toán, cũng không hiếm, và cần biết tí cộng trừ nhân chia. Thần đồng thơ, có khi chỉ thoát nạn mù chữ, cũng xong.
Trong các luận bàn bất tận về thơ, những câu "Đó đâu phải là thơ!", "Thi ca gì vậy hả?" dễ bùng phát hơn COVID-19! Nhưng mấy ai có thể phản biện lại điều này: xét tới cùng, một bài thơ chỉ cần có nhạc tính trên nền ngôn ngữ nhất định. Như cách nói cực đoan từ giới thi sĩ hiện đại, làm thơ là làm chữ; bởi ngôn ngữ có vỏ vật chất là âm thanh và ký tự. “Thơ là sự dao động giữa âm thanh và ý nghĩa” (Paul Valéry) – một cách định nghĩa gọn gàng làm dao động thi giới mãi không ngưng!
Những bài thơ hay một cách chuẩn mực, để đời thường có hơn nửa tá đặc tính. Trong đó tính nhạc (thực chất của tính ngôn ngữ) là tiên quyết. Thi ca siêu việt – cũng là cái khó nhận chân nó – ở chỗ tính nhạc không hề độc lập, mà ăn nằm trong mỗi thuộc tính còn lại: tính cảm xúc, tính mục đích (nội dung), tính tư tưởng – nhân văn – phổ quát (tính dân tộc, tính hiện đại), tính chân thực – giản dị, tính sáng tạo – độc đáo (hình ảnh, ngôn từ), tính lâu dài – ám ảnh, tính quảng đại…
Là thứ thi nhân hiếm khi chủ động được (ngoại trừ thao tác gieo vần), nhạc tính dường như vô thức trong khi thi phẩm đang được ra đời.
Các nhà lý luận đã nói về một số loại nhạc tính ở thơ. Đó là nhạc tính hình thức (trong thơ truyền thống do từ ngữ, thể điệu sẵn). Là nhạc tính bên trong (Stéphane Mallarmé khởi xướng; bài thơ "Nhớ rừng" của Thế Lữ, tiểu thuyết thơ "Ô mai" của Đặng Đình Hưng là các ví dụ đẹp). Và là nhịp điệu tư tưởng (như với thơ Nguyễn Đình Thi, thơ Thanh Tâm Tuyền)…
Phép sánh "trong thơ có họa; trong họa có thơ" cho thấy sự hòa hợp hai loại hình tại cùng một tác phẩm thi ca, hội họa. Các bức tranh đẹp một cách chuẩn mực, để đời cũng cần hơn nửa tá đặc tính xoay quanh năm yếu tố chính là bố cục, màu sắc, đường nét, ánh sáng, độ tương phản. Và đâu là chất thơ ở bức tranh? Đó là tiêu chuẩn đường nét mang nhịp điệu.
*
Thơ có gốc rễ từ tiếng nói, chưa cần tới ngôn tự. Hình như các nhà biên khảo vẫn tranh chấp về việc thể loại văn học nào của nhân loại ra đời sớm nhất: thơ hay thần thoại? Có lẽ… cả hai!
Thời tiền sử chưa có hệ thống chữ viết, các hình thái nguyên thủy của thi ca đã được sinh ra và lưu truyền trong đời sống người hang đá bằng truyền khẩu.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn chẳng từng cho ra tập sách "Tìm thơ trong tiếng nói" đó sao? Ấn phẩm không dày, chan hòa những lời bình Thâm Thúy, Thân Tình. Mà bốn chữ T kia lại là căn bản trong các tính đẹp nết hay nơi dân Việt mình đấy ạ!
Thì vẫn, tiếng của dân tộc nào nói ra như hát lên; đích thị tiếng nói của thi ca. Tiếng lòng. Thì vẫn, tiếng Việt – một trong rất ít ngôn ngữ của nhân loại mang thi tính cao. Tiếng thơ.
Có các nghiên cứu khái quát rằng "thi pháp thơ Việt là thi pháp ngữ điệu", "phù hợp với việc tạo nhạc tính, tạo âm hưởng ngân vang trong thơ" (theo Trần Thế Nhân).
Chẳng lẽ vì thế thơ Việt mạnh về độ văn chương, nhẹ ở chất văn học; mức đại chúng cao hơn tầm tinh hoa? Thưa vâng, trăn trở lớn suốt cả trăm năm qua, từ thời Thơ mới đến tận hôm nay giờ này vẫn luôn là thơ Việt khó hòa nhập vào dòng thơ thế giới đương đại. Chuyển dịch các thi phẩm tiếng Việt ra những ngôn ngữ phổ biến của nhân loại hiện đại – tức là chuyển nhạc tính, dịch ngữ điệu. Có gì sai sai ở đây chăng?
*
Trong mọi loại công việc, từ lao động chân tay đến hoạt động trí óc, từ làm kiếm sống đến làm chơi, sáng tác thơ có thể xem như một dạng phi-vật-chất nhất. Thế nên thơ khó xác định nhất.
Với một cái gì, điều gì phi-vật-chất đến mức không tường minh về hình hài và tính chất, tầm kích và đặc thù, định nghĩa và định danh, mục đích và tác dụng, v.v. và v.v. thì rất có thể người đương thời hình dung ấy là nơi tốt đẹp hoặc dở xấu nhất. Như rồng tiên. Như ma quỷ.
Thơ thế đấy!
Thơ tiên sa giáng trần; thơ thần sầu quỷ khốc.
*
Ờ giá mà thi ca và tôn giáo, tình yêu và ẩm thực lại cũng có thể "chân phương" tỷ như thời tiết nhỉ? Để các luận chiến đã từng sẽ trở thành những câu chuyện hoan hỉ bên tách trà mạn nhà vắng đầu đông, hay trong thang máy công sở giữa trưa xuân gấp đi vào… toilet. Hi hi…
Vancouver – Xuân Nhâm Dần (30/3/2022)