Lưu Thủy Hương
Chương 12: Phần diệt
Đó là phần diệt của Nils.
Phần diệt của Nils là Robert.
Phần diệt của Robert là Nils.
Phần diệt của Nils và Robert là tự ngã.
Phần diệt của tự ngã là tôi.
Tôi là Robert. Vi thường gọi tôi là Nils.
Nils nói:
“Robert. Chúng ta phải đi tìm nó.”
“Ai?”
“Kẻ sát nhân.”
Chúng ta phải tìm ra nó, phải săn lùng nó đến tận cùng những xó xỉnh tăm tối, phải lôi cổ nó ra giữa vùng sáng ý thức, phải nhận diện được khuôn mặt nó để giải thoát cuộc đời mình khỏi những ám ảnh mê loạn.
Hành động, chúng ta phải hành động. Tiếng cười u hoài của tên sát nhân vang lên trong căn phòng màu tím. Tiếng cười của Nils. Tiếng cười của Robert. Tiếng cười của một đứa nhỏ lên năm, buổi sáng tìm thấy xác mẹ trên giường.
“Hành động. Phải có chương trình hành động, trước khi bản thân mày bị những giấc mơ vô thức bủa vây và mày biến thành tên sát nhân.”
Tao không phải là kẻ sát nhân. Tôi gào lên rồi giật mình sợ hãi.
Mày phải lên chương trình hành động, trước khi tội ác xảy ra.
Mày phải tìm ra nó – thằng giết người, trước khi bà Raskovic bị giết chết.
Phải tiếp cận mục tiêu. Phải tới thật gần để cảm giác giết người thực sự xâm chiếm, để tận mắt nhìn thấy bộ mặt của nó – tên sát nhân.
Nhưng con sợ con mèo. Mẹ ơi. Tôi thì thầm.
“Robert. Điều đó đã xảy ra.”
“Điều gì đã xảy ra?”
“Tiếng nói nội sinh đã xuất hiện. Hãy tìm cách tự cứu lấy mình.”
“Bằng cách nào?”
“Tìm cách mở cánh cửa đó ra.”
“Cánh cửa nào?”
*
Tiếng nói ma quỷ đã xuất hiện. Cường độ xuất hiện cứ tăng dần.
Tôi không ngủ được. Nhiều đêm liền tôi không dám chợp mắt. Sức khỏe tôi suy sụp nhanh chóng. Thân hình tôi rỗng không, chẳng còn sức lực gì bên trong. Con quái vật xa lạ đang xâm chiếm tôi, đang gậm nhấm linh hồn và thân thể tôi. Hắn cúi xuống thì thào. Chính mày đã giết chết mẹ mày. Nhớ chưa? Chính mày. Hơi thở nồng nặc mùi men rượu của gã thật là tởm lợm. Tôi giật mình tỉnh giấc, người vã mồ hôi, không biết mình là ai, đang ở đâu.
Buổi sáng chúa nhật đến cùng mưa gió. Tôi ngồi trong gian bếp màu vàng chanh, thẫn thờ nhìn ra cửa sổ. Mấy cành cây bên ngoài đã rụng hết lá. Hình ảnh Vi hiện ra lả lơi trên khung cửa. “Em chiên trứng còn anh mua bánh mì.” Không. Anh không muốn mua bánh mì. Anh chỉ muốn lên giường với em. Ẩn náu trong thân thể của em.
“Robert. Chúng ta phải hành động, trước khi mày giết luôn cả Vi.”
Tôi giận dữ la lên:
“Ai? Ai nói đó.”
Những tiếng thì thầm cứ liên tục, lải nhải, lảm nhảm. Tôi ném cái ly thủy tinh vào góc tối, nơi phát ra tiếng nói. Những mảnh vụn rơi loảng xoảng trên nền nhà. Buổi sáng chúa nhật tàn tận.
*
Tôi sẽ đi xe điện ngầm đến Wittenbergplatz, từ đó đi bộ qua Nollendorfplatz.
“Robert. Chuyện này phải suy tính kỹ càng. Nên đi từ nhà ga nào để đến Wittenbergplatz?”
“Mọi dấu vết để lại đều nguy hiểm. Bọn cớm luôn lần theo những chi tiết nhỏ nhặt.”
Tôi dò thật lâu bản đồ xe điện thành phố, đắn đo cân nhắc, điều quan trọng nhất là không để lại dấu vết. Phải tan biến vào trong đám đông vô nghĩa. Có lẽ, nên đi từ Heidelberger Platz, theo tuyến đường xe điện ngầm U3, chạy thẳng một mạch tới Wittenbergplatz. Heidelberger Platz là một nhà ga cầu nối giữa tuyến đường xe điện ngầm U3 từ trung tâm về hướng tây nam và đường xe lửa vòng đai vây quanh thành phố. Đây cũng là điểm giao thông chính nằm trên trục nối giữa trường đại học Kỹ Thuật và trường đại học Tự Do. Lẫn vào đám đông xô bồ là thượng sách. Từ nhà ga Heidelberger Platz đi đến nhà ga Wittenbergplatz chỉ phải qua bốn trạm. Bốn trạm là vừa phải. Đoạn đường quá dài sẽ có nhiều nguy cơ bị nhận diện. Tôi không nghĩ sẽ gặp người quen trên tuyến đường này, cuộc sống tôi cô độc không có bạn bè. Đồng nghiệp của tôi cũng chỉ đi xe hơi. Nhưng cần phải hạn chế tối đa khả năng bất ngờ gây nguy hiểm. Hành khách đoạn đường này đa phần là người già và sinh viên. Đám sinh viên đầu óc lơ lửng, ít quan tâm tới những hành khách xung quanh. Nhưng phải cẩn thận với đám người già, họ nhàn rỗi và tò mò tọc mạch. Cần phải biến dạng lẫn vào họ.
“Robert, mày phải hoá trang thành một ông già.”
“Có thể chúng ta sẽ đậu xe trong một khu nhà vườn vắng vẻ nào đó và đi bộ đến nhà ga.”
Cạnh nhà ga Heidelberger Platz có nhiều khu nhà vườn nằm rải dọc đường cao tốc. Tôi đoán như vậy, khi nhìn vào bản đồ satellit thấy xanh um một khoảng.
Buổi chiều tôi chạy xe hơi qua ga Heidelberger Platz, kiểm tra lại địa hình. Đây thực sự là nhà ga lớn giao điểm giữa tuyến xe điện ngầm U3 và tuyến xe lửa vòng đai. Phía bên ngoài nhà ga, dọc theo đại lộ Mecklenburgische, là hàng loạt cửa hàng mua bán xe hơi, nhà rửa xe Cosy Wasch, cây xăng… những nơi chắc chắn có gắn camera. Cửa ra vào bên mé công viên Heidelberger tương đối vắng vẻ. Tôi chạy xe ba lần qua lại đoạn đường nhỏ lát đá, một cảm giác rờn rợn cứ làm tôi sợ hãi.
“Không. Robert, hãy tin vào linh tính. Chỗ này là tử địa.”
Tôi la lên:
“Đủ rồi. Chấm dứt tranh luận. Tôi phải đến Nollendorfplatz để tìm một người đàn bà.”
“Tìm gái?”
Không phải là tìm gái theo như lối nghĩ thông thường. Tôi cần tìm một người đàn bà, đừng quá trẻ, đừng quá già, tóc đen và nhất thiết, cô ta phải có bộ ngực lớn. Những người đàn bà quá lứa đi khách như vậy chỉ có thể tìm được trong những xó xỉnh của khu Nollendorfplatz. Bọn con gái đứng chờ khách trên đường Bülow hay dọc khách sạn lớn đều trẻ trung và tinh ranh. Không, tôi cần một người đàn bà luống tuổi, mệt mỏi, sẵn sàng liều mạng vì tiền. Cũng có thể tìm loại đó trong động chứa, nhưng tôi không dại gì mà chường mặt ra. Phải cẩn thận với bọn ma cô. Có những mụ sồn sồn hoạt động độc lập, chờ khách trong những góc đường nhỏ. Họ chỉ có một mình, không ma cô bảo kê, không động chứa, không bạn bè, không người thân thích.
Tôi chạy loanh quanh suốt buổi tối để tìm chỗ đậu xe. Một chiếc xe với bản số giống như tấm thẻ căn cước của một người. Không nên chủ quan. Phải giấu nó vào chỗ an toàn. Tôi tìm được chỗ đậu xe ở gần khu cư xá sinh viên, góc rừng Tiergarten. Đó là khoảng đất trống đầy rác, phủ kín cây dại nằm cạnh gầm cầu xe lửa, bên ngoài hàng rào thảo cầm viên. Ánh đèn đường hiu hắt phía xa không rọi được tới những lùm cây um tùm. Mùi nước đái lạc đà khai ngây ngấy lẫn vào mùi rác rưởi. Tôi lái xe vào bãi đất lồi lõm hố hang, thận trọng tắt đèn rồi bước ra khỏi xe, bỗng thấy chột dạ. Chiếc Audi màu đen bóng loáng nằm kệch cỡm giữa những chiếc xe cũ kỹ và hàng đống bao bì. Dưới ánh đèn đường mờ nhạt, vệt bánh xe trên lớp đất bùn như hai con rắn dài thượt.
Tôi lại lái xe đi, chạy dọc theo gầm cầu rồi lủi vào khuôn viên nhà thờ St. Laurentius. Bóng đen của tháp chuông phủ kín một khoảng sân, vắng vẻ tĩnh mịch. Quá tĩnh mịch. Tiếng máy xe, ánh đèn pha đều có thể gây sự chú ý. Tôi lái xe đi loanh quanh và quyết định sẽ đậu xe trên đường Altonaer. Đó là con đường lớn chạy xuyên qua cánh rừng, nhiều xe chạy nhưng vắng người qua lại. Từ đoạn này tôi sẽ đi bộ men theo bờ rừng, băng qua toà nhà hành chính của Đảng CDU, bẻ chếch góc bên trái là đến Nollendorfplatz.
Tốt nhất là chọn một buổi tối mưa phùn. Một cây dù che nửa khuôn mặt.
Tôi vào tiệm bán đồ tạp hoá rẻ tiền tìm mua được một cây dù màu tím thẫm có những đốm hoa xanh thanh nhã. Đó là loại dù đàn bà, nó sẽ gợi lên cảm giác yên ổn của một người đàn ông có gia đình đi tìm chút riêng tư. Một cây dù màu tím sẽ dễ lẫn vào bóng tối. Một cây dù có những chùm hoa xinh xắn sẽ làm một người đàn bà chú ý đến nó hơn là chú ý đến khuôn mặt người bên dưới.
Tôi đeo kính áp tròng màu xanh lục, để đám râu quai nón xum xuê, nhuộm râu tóc màu nâu xám. Không nên đội tóc giả, biết đâu sẽ dẫn đến một sự cố nào đó, một tình huống giằng co chẳng hạn, và mái tóc sẽ rơi xuống. Tôi nhìn vào gương, thất vọng nhận ra khuôn mặt thằng Robert. Vẫn là khuôn mặt thằng Robert, không có gì thay đổi. Vẫn là đôi mắt và cái mũi của nó. Tôi ướm thử cặp kính đen, nhưng chuyện đeo kính mát vào đêm mưa càng tạo thêm sự bất thường. Một cặp kính trắng, gọng nhựa thô kệch màu nâu, xệ ngang mũi làm tôi già thêm mười tuổi và hơi quê quê. Áo khoác Canda giá sáu mươi chín euro mua ở C&A, màu mốc đen có đường viền cổ ca rô, nó chẳng gợi lên điều gì. Không giàu không nghèo, không già không trẻ. Tôi quấn hai cái khăn len, đẩy chúng về phía sau bả vai. Phần độn vai làm dáng tôi hơi gù. Khăn quàng dày cộm làm tôi thêm phần già nua. Tôi kéo lớp len màu xám lông chuột lên đến gần mũi. Hình ảnh kẻ lạ bỗng hiện ra trong gương. Một người đàn ông luống tuổi. Một con người khác, một dáng vóc khác, một bộ mặt khác. Sự thay đổi không làm tôi sung sướng. Thằng người trong gương thật ghê tởm. Đúng vậy, nó xa lạ và ghê tởm quá.
Sự mệt mỏi ở đâu lại tràn đến. Tôi tắt ngọn đèn trong phòng ngủ, ngồi thụp xuống giường và bắt đầu chán ghét mọi thứ. Cuộc sống chìm ngập trong nỗi ám ảnh, những cố gắng tìm kiếm và phủ nhận đầy vô vọng, hành trình cô độc quay ngược về quá khứ… Không có ai bên mình, không có ai để yêu thương và chia sẻ. Tôi ngồi trong bóng tối, cảm thấy yếu đuối bạc nhược. Tiếng thằng nhỏ khốn khiếp lại nức nở:
“Mẹ ơi, con muốn có một con chó.”
“Tiên sư mày, chó với má gì lúc này!”
Tôi bịt tai lại.
Con dao là thứ cuối cùng trong khâu chuẩn bị. Sự chọn lựa không khó khăn gì, khi nỗi ám ảnh gần như sờ sờ trước mặt. Tôi rút con dao cắt cà chua trên giá, cẩn thận gói trong lớp giấy báo. Tờ Berliner Zeitung tôi nhặt trong trên ghế công viên từ tuần trước, loại bản tin bình dân ai đọc cũng được. Thoạt đầu tôi định gói con dao trong giấy ni lông hay giấy bạc, chúng không có ngày tháng và xuất xứ, nhưng cả hai loại này đều vướng víu khi rút dao ra.
Trời bên ngoài đã tối đen, tiếng mưa rơi rả rích len qua cánh cửa sổ phòng ngủ khép nửa chừng. Hơi ẩm lạnh lẽo đang tràn vào. Tôi khoá cửa phòng, rón rén lần đi trong bóng tối, lắng tai nghe từng tiếng động. Tiếng thang máy kéo kọt kẹt nặng nề, cứ kọt kẹt hoài không dứt. Tiếng động kọt kẹt đầy đe dọa. Robert, cửa thang máy sẽ thình lình bật mở và một người hàng xóm nào đó sẽ bước ra. Robert, chúng ta không được dùng thang máy, đèn trong buồng thang máy sáng lắm. Đèn sáng lắm, tôi ôm ngực, bao tử quặn từng cơn chua đắng. Tôi bước vội qua những bậc cầu thang quen thuộc. Một cái bóng đen vừa chuồi qua chân tôi, một tiếng gào vang lên đầy thù địch. NGAO… AO… Hình như là con mèo, tôi vừa dẫm lên đuôi nó. Tiếng kêu dữ tợn của con mèo lan đi trong bóng tối làm tôi hoảng hốt phóng đại qua mấy bậc tam cấp. Cổ chân bên trái hơi khụy xuống nhói đau. Khuôn mặt bà Raskovic thấp thoáng trong bóng trăng, không rõ bà ta đứng sẵn nơi góc hành lang chờ tôi hay bà ta đi tìm con mèo. Tôi mở cánh cửa nhà xông thẳng vào màn mưa. Mùi quế, mùi bánh ngọt bám theo sau, đuổi đến tận bãi đậu xe.
Đám lá vàng dập mưa tháng mười, nằm rải từng lớp trơn trợt trên đường. Những ngọn đèn lồng toả bóng vàng vọt trong đêm mưa, loang loáng từng cụm sáng tối lẫn lộn vào nhau. Lẫn lộn đến độ dối trá. Những chiếc xe ngược chiều vặt ngược ánh đèn, toé ánh sáng vào mặt làm tôi giận dữ. Tôi bật gạt nước hết cỡ, cánh tay gạt quay vù vù trên mặt kính. Sự căng thẳng không hề giảm bớt. Đầu tôi đặc sệt. Bàn tay run rẩy tướp mồ hôi. Verdammt! Một đêm gió mưa khốn khiếp, lẽ ra giờ này mình ngủ vùi trong xó nhà. Cái giường ấm áp trong căn phòng ấm áp.
*
Tôi đậu xe bên cạnh thư viện Hansaplatz, theo đúng lộ trình, băng qua cánh rừng đi về hướng Nollendorfplatz. Mưa đã nhỏ hạt. Hơi ẩm dày đặc từ cánh rừng âm u thấm qua áo khoác, chui vào tận bên trong làm tôi có cảm giác như thân thể mình đang nhơm nhớp ướt. Một thân thể bẩn thỉu lạnh lẽo và xa lạ. Cặp mắt kính nhựa rẻ tiền bám đầy hơi nước, làm tôi không còn thấy rõ, làm tôi bị tách rời khỏi thế giới thực tại. Những chiếc bóng đen đi bên cạnh tôi, bàn chân họ lướt đi trên ngọn cỏ. Ánh đèn xe loang loáng vụt qua, đẩy những chiếc bóng chìm vào khoảng rừng tối. Rồi chúng lại bất thần hiện ra, bám theo lầm lũi. Tôi chỉ thấy chán nản và mệt mỏi, chỉ muốn bỏ cuộc quay về. Cần phải ngủ một giấc, thật sâu. Mùi quế thoang thoảng đuổi theo, khuôn mặt bà Raskovic hiện ra trong bóng đêm. Bàn tay tôi nắm chặt con dao trong túi quần, chặt đến độ có thể làm nát lớp giấy báo quấn trên con dao. Những bước chân phía sau đuổi theo tôi, dẫm lạch bạch trên nền đường sũng nước. Tôi kéo cao tấm khăn choàng cổ, kéo thấp cây dù, lầm lũi bước về phía trước.
Khi tôi đến nhà ga Wittenbergplatz thì trời ngớt mưa rồi dần dà tạnh hẳn. Cây dù bỗng hoá ra thừa thãi nhưng tôi vẫn giương nó che trên đầu. Có thể nó sẽ làm hình ảnh của tôi trở nên kỳ dị đáng ngờ hơn, nhưng tôi không đủ sức chường bộ mặt mình ra bên ngoài. Qua mép dù tôi thấy những ánh đèn màu nhấp nháy, những đứa con gái từ những góc nhà chứa đổ ra đường Bölow. Tóc vàng, tóc đỏ, tóc đen… ưỡn ẹo mời gọi, những đứa còn rất trẻ, thân hình rắn chắc mạnh mẽ. Đó không phải là loại tôi cần tìm, nhưng tụi nó mau chóng nhận ra tôi. Từ lề đường bên kia những tiếng huýt gió gọi mời những tiếng cười lả lơi rộn rã bay sang. Tôi hạ thấp mép dù, thấp đến độ chỉ còn nhìn thấy mũi giày và mặt đường ướt loang loáng bóng đèn màu.
Tôi rẽ vào một con đường nhỏ, xe cộ đậu kín hai bên. Mùi rác, mùi nước tiểu bốc lên sau cơn mưa. Bàn tay tôi bất giác thọt vào túi quần, con dao cắt cà chua vẫn nằm im trong lớp giấy báo mềm ẩm. Con đường vắng lặng, chỉ thi thoảng vài chiếc xe chạy ngang qua quạt ánh đèn vàng lên những bức tường vẽ xanh vẽ đỏ lem nhem bẩn thỉu. Không biết tôi đi hết bao nhiêu lâu, qua bao nhiêu con đường nhỏ ngoằn ngèo. Ở một góc đường nhìn về hướng Gay Appartments, tôi bắt gặp cô ta.
Đó là một người đàn bà hơi đẫy đà, mặc áo khoác giả da màu đen bó chẹt ngang vòng eo nở nang. Bộ ngực đầy muốn thoát ra ngoài, trào lên trắng loá dưới ánh đèn đường vàng vọt. Cổ họng tôi bỗng nghẹn thắt lại, cánh mũi tôi phập phồng tưởng như ngửi được cả mùi nước hoa Aldi rẻ tiền, mùi kẹo bạc hà, mùi thuốc lá và mùi men rượu. Ở khoảng cách độ năm mét, tôi nhìn thấy khuôn mặt cô ta, một khuôn mặt trắng hơi bệu và trát đầy make up. Mái tóc màu đen chảy dài hai bên khuôn mặt như còn ướt nước mưa, chắc cô ta đã đứng đây đợi khách từ khi mưa vừa ngớt. Người đàn bà quay hẳn về hướng tôi, ưỡn ngực ra phía trước, nụ cười nghề nghiệp kéo đôi môi màu đỏ cà chua trễ xuống như chịu đựng nhiều hơn là mời gọi. Nụ cười của cô ta làm bước chân tôi chùng lại, cảm giác thương hại không cần thiết kéo ngang qua lòng, cứ như là tôi quen cô ta từ lâu. Cứ như đó chính là người đàn bà tôi tìm kiếm.
Cô ta lên tiếng trước:
“Chào anh.”
Tôi định mở miệng nói chào cô, nhưng rồi lại đứng ngẩn ra.
“Một cuốc hay một đêm?” Cô ta mấp máy đôi môi cà chua cố rặn ra một nụ cười.
“Một đêm.”
Tôi trả lời máy móc. Dường như mắt cô ta sáng lên.
“Ở đâu? Nhà anh hay nhà trọ?”
“Nhà trọ.”
“Năm mươi euro cho cả tiền phòng.” Cô ta ngập ngừng ra giá.
Tôi gật đầu.
Cô ta cũng gật đầu, khuôn mặt tươi rói:
“Cảm ơn anh.”
Chẳng hiểu vì sao cô ta nói cảm ơn. Sau lời cảm ơn cô ta lại hỏi:
“Anh có xe hơi không?”
Tôi giật mình, lùi lại một bước:
“Không.”
Người đàn bà ưỡn ẹo thân mình:
“Không sao, nhà trọ gần đây thôi.”
Cô ta nói rồi ngoáy mông đi trước. Tôi che dù bám theo sau. Nhiều lần cô ta dừng lại chờ, nhưng tôi vẫn lùi lại. Cổ chân bây giờ đau thốn khập khễnh kéo lê trên lề đường lót đá.
“Gần đây thôi mà.” Người đàn bà ngọt ngào động viên.
Hóa ra chúng tôi đi về phía đường lớn. Trời đã tạnh mưa, bọn con gái đói khách bây giờ đổ ra kín hai bên đường. Tôi không dám rời bỏ cây dù che, cố kéo thấp mép dù xuống ngang mặt. Chưa bao giờ tôi thấy mình khinh xuất và ngu ngốc như lúc này. Người đàn bà dường như hiểu được tâm trạng của tôi, cô ta cũng chui tọt xuống dưới tán dù, ép sát thân hình vào bắp tay tôi. Những đứa con gái trẻ không vì vậy mà thôi mời gọi. Chúng tiến sát về phía tôi, đong đưa mông ngực. Có lẽ, bọn này biết mặt nhau cả. Tôi hoảng quá, chân đá quàng xiên vấp trúng cái nắp cống, suýt nữa thì té lăn quay ra. Người đàn bà vội níu lấy tay tôi, thì thầm một lời âu yếm gì đó giữa những tiếng cười hỗn xược. Tôi nhắm mắt lại, đột ngột nghe tiếng thằng nhỏ nào yếu ớt rên rỉ:
“Chân tôi đau lắm.”
“Gần đây thôi mà.”
Chúng tôi hướng về bậc cầu thang dẫn xuống bến xe điện ngầm. Tôi đứng khựng lại sợ hãi hỏi:
“Đi xe điện ngầm à?”
“Không. Không. Qua bên kia công viên là tới.” Cô ta vội vã đáp như chối tội. Không có khách làng chơi nào muốn chường mặt mình ra ở chỗ sáng sủa đông người. Chắc chắn cô ta biết điều đó. Vậy mà con đĩ này dẫn tôi đi lòng vòng rồi còn định đưa xuống bến xe điện.
“Ở đâu?” Tôi xẵng giọng.
“Gần đây thôi mà.”
Thần kinh tôi căng ra, run lên từng hồi. Mọi thứ đã không diễn ra như tôi suy tính. Màn kịch giết người vụng về có quá nhiều nhân chứng và dấu vết. Không. Robert, ngay từ đầu mày đã nghĩ sai. Một màn kịch thành công không cần một kịch bản hoàn hảo nhưng phải tránh sự cố đột xuất. Trái tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Mồ hôi túa ra hai bên nách. Một cảm giác kỳ lạ bỗng xâm chiếm tâm hồn tôi. Lần đầu tiên tôi nghĩ đến điều đó. Điều đó? Phải, điều đó.
Lần đầu tiên, kể từ khi bước chân ra khỏi nhà, tôi thấy mình ham muốn. Một ham muốn chết chóc ghê rợn. Như Moni.
Người đàn bà dẫn tôi vào dãy nhà hoang nằm trong khu quy hoạch đang chờ bị đập bỏ. Vài ô cửa sổ vẫn còn tỏa ánh sáng vàng vọt. Hình như tòa nhà này đã bị đưa lên báo từ cuối năm ngoái vì những vụ bê bối của nhà đầu tư. Bây giờ nó vẫn nằm xù xụ ở đây, ngay giữa trung tâm thành phố, như cái mụn ghẻ trên bộ mặt chải chuốt của một quý bà trưởng giả. Chúng tôi lách qua khoảng hàng rào dây kẽm bị phá bỏ, băng qua bãi cỏ dại đầy rác và hầm hố. Người đàn bà bỗng dừng lại thì thầm:
“Xin lỗi anh. Vẻ bên ngoài thảm hại làm sao.”
Thật không hiểu nổi con mẹ này. Hết cảm ơn rồi lại xin lỗi.
Ánh đèn rọi một quầng sáng nhợt nhạt lên mái tóc và một vệt xám mỏng trên sống mũi người đàn bà. Bóng dáng thảm hại của cô ta gần như hòa lẫn vào khung cảnh ảm đạm của tòa nhà. Chỉ có đôi mắt là tỏa sáng một nỗi niềm ân hận, như thể cô ta từng có một quá khứ tốt đẹp, từng sống trong một ngôi nhà lành lặn.
Tôi thấy áy náy định nói một lời xã giao, nhưng vừa mở miệng đã thấy mình trơ trẽn.
“Chỗ nào?”
“Cửa ở đằng kia.”
Cánh cửa gỗ chính vào nhà lại nằm ở góc đường bên kia. Chẳng hiểu sao con mẹ khốn khiếp này lại cứ dẫn tôi đi lòng vòng. Cánh cửa sơn màu xanh lục lở lói từng mảng vàng nâu như mấy cánh cửa ở khu ổ chuột Wedding hai mươi năm trước. Bên trong hành lang tù mù ánh sáng. Chiếc đèn bóng tròn tự mắc treo lơ lửng bên tường nhà nhằng nhịt sơn vẽ. Tôi dừng lại một chút, hít thở mùi ẩm mốc, rồi cà nhắc theo người đàn bà bước lên cầu thang trải thảm xơ xác.
“Ở tầng một ngay đây thôi.” Cũng vẫn giọng nói đó nhưng giờ đây nó lại mang khoái cảm của một con dao nhọn. Tôi sững đi một giây, tưởng như con dao vừa đâm ngọt vào da thịt. Vẫn là ham muốn kỳ dị đó. Suýt nữa thì tôi hét lên.
Căn hộ hai phòng ở ngay tầng một, đồ đạc bên trong đủ kiểu đủ nguồn gốc, bày biện ngổn ngang. Có vẻ như là những thứ được thu thập từ các nơi khác. Tôi hít một hơi. Không có mùi bia rượu và thuốc lá. Thật không thể tin nổi, căn phòng của một ả gái điếm hết thời không có mùi bia rượu và thuốc lá. Dường như cô ta chỉ làm vài hơi thuốc và ngụm rượu khi ở bên ngoài trời lạnh chờ khách. Căn phòng này là một thế giới khác, của một con người khác. Tôi thất vọng cho tay vào túi quần, con dao vẫn nằm im trong lớp giấy báo ẩm. Nỗi ham muốn kỳ dị bỗng lặn mất tăm. Nếu biết vậy, tôi đã không đến đây.
Người đàn đứng nép vào bên tường, thân thiện nói:
“Anh uống trà nóng nhé. Em pha nhanh thôi.”
Suýt nữa thì tôi vả vào bộ mặt thân thiện đó. Tránh xa ra, đồ dối trá. Nhưng tôi chỉ gật đầu và lò mò theo cô ta vào bếp. Khác với phòng khách bừa bộn bên ngoài, gian nhà bếp bằng gỗ bạch dương sáng nhạt gọn gàng và ấm cúng bất ngờ. Nó thật thích hợp với một người phụ nữ đứng tuổi yêu sự tĩnh lặng. Nó bình thường như mọi căn nhà bếp gia đình khác. Ý nghĩ đó làm tôi thêm khó chịu. Robert, mày đã bỏ công cốc để đến đây, mang theo một đống nhân chứng đứng chờ ngoài kia. Con mẹ này tinh ranh xảo quyệt chứ chẳng phải là loại chán sống sẵn sàng làm mọi thứ vì tiền.
Nhưng đó chính là loại tao cần, cứ tưởng tượng xem, nếu nó chống cự thì chuyện gì sẽ diễn ra.
Người đàn bà dường như cảm nhận được tôi đang gặp rắc rối, cô ta quay lại, hiền từ khuyến khích:
“Anh cởi áo khoác ra, ngồi xuống đây. Phòng này, may quá, vẫn còn lò sưởi.”
Cô ta không có vẻ gì là gái điếm chuyên nghiệp nhưng lại hành xử rất chuyên nghiệp. Cô ta thong thả, không mời gọi cũng không cau có. Một chút ưỡn ẹo khiêu gợi để tạo sự khích thích cũng không có. Nhưng cô ta biết tạo ra một bầu không khí, một mối quan hệ ấm áp. Giống như là đến thăm bạn học cũ! Tôi giật mình trước suy nghĩ kỳ quặc của mình. Bạn bè gì với con điếm này. Giữ nguyên chiếc áo khoác dày cộm, tôi bẽn lẽn ngồi xuống ghế. Cán dao trong túi quần thúc một phát vào háng đau nhói.
Người đàn bà đứng quay lưng về phía tôi, loay hoay pha trà và dọn bánh ngọt. Khoảng không gian ấm cúng tĩnh lặng cứ muốn kéo tôi ra khỏi màn kịch.
Robert, tao muốn rời bỏ chỗ này, khó chịu quá. Không, Robert, đừng để những yếu tố bên ngoài tấn công.
Tôi cựa quậy trên ghế, cố tìm cho mình một kiểu ngồi thích hợp với vẻ một người đàn ông chơi đêm. Cái áo khoác rộng thùng thình của C&A làm tôi thấy vướng víu. Cán dao cứ thúc vào háng. Đôi bao tay da rẻ tiền cứng ngắt cũng gây bực bội. Chỗ này hơi nóng. Tôi len lén cởi hai tấm khăn quàng cổ, cố gù lưng lên một chút cho ra vẻ già nua. Mọi cố gắng của tôi đều trở nên lố bịch làm sao, bây giờ tôi chỉ mong rút dao ra đâm một nhát để mau chóng kết thúc cái thử nghiệm ngu xuẩn này. Nhưng rút dao đâm không phải là cái cảm xúc mà tôi tìm kiếm. Người đàn bà đang đứng quay lưng về phía tôi. Từ phía sau nhìn tới, cô ta có vẻ cần mẫn như một người vợ hiền. Chỉ có đôi vớ bằng ren đen diêm dúa tố cáo cô ta là loại người gì.
Hai miếng bánh táo nằm ngay ngắn trên hai cái dĩa men trắng. Một tách trà bốc khói. Người đàn bà khẽ khàng nói:
“Mời anh.”
“Cô không uống trà sao?” Tôi gượng gạo lên tiếng.
“À, không. Em uống cà phê.”
Những kẻ sống về đêm có thói quen uống cà phê buổi tối. Cô ta pha cho mình tách cà phê từ bột hòa tan. Loại cà phê rẻ tiền có mùi chua chua. Nhà bếp của mẹ luôn đọng mùi cà phê tởm lợm này. Cái mùi bám mãi vào da thịt tôi, nó bốc lên chua loét mà không sao gột rửa được, đến độ Moni phải ca cẩm. “Robert, tránh xa ta ra. Cả ngày hôm nay con lăn lóc ở đâu?”
Tôi nhìn tách trà bạc hà bằng sứ có viền hoa hồng nhỏ đặt trên cái đĩa thô màu xanh nhạt. Sự lệch lạc làm tôi thấy ngứa ngáy nơi đầu lưỡi. Tôi khuấy chiếc muỗng cho nước trà sóng sánh quay vòng tròn. Mắt tôi nhìn hun hút vào đáy tách, vẫn thấy cái màu xanh cũ kỹ lệch lạc của cái đĩa hiện ra. Moni không bao giờ uống trà trong một cái tách đi cùng với cái đĩa khác. “Robert, tách đĩa mà không đồng bộ như thế này cũng giống như mặc áo trái đi ra đường.” Nếu cái đĩa bể, Moni sẽ đập nát luôn cái tách đi cùng. Tôi không dám hỏi vì sao. Vẫn còn những cái đĩa khác cùng loại nằm trong tủ kia mà. Ánh mắt hận thù trên khuôn mặt tươi cười làm tôi sợ hãi.
Người đàn bà ngồi xuống trước mặt tôi, ý tứ vắt chân lên, kéo lại cái váy quá ngắn. Cái kiểu ngồi của cô ta không ra vẻ gì đĩ điếm. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ người đối diện. Đó là một phụ nữ cố giấu tuổi tác của mình sau lớp phấn son vụng về. Một khuôn mặt đầy đặn mang đường nét bình thường như những người phụ nữ luống tuổi khác, như cô Gustav bán căng tin, hay cô Schreiber nhân viên hoá trang. Ồ, cô Schreiber có hơn ba mươi năm kinh nghiệm nghề nghiệp. Cô có thể nói chính xác tuổi tác của người đàn bà này. Tôi thì không sao đoán nổi. Những nét nhăn hằn sâu quanh đôi môi ỉu trễ bôi màu cà chua, có vẻ như là cô ta đã trên bốn mươi lăm. Nhưng một phụ nữ phong trần và nghèo khổ có thể mang bộ mặt già hơn tuổi tác. Khuôn cổ rộng và lớp da ngực chưa nhão cho thấy cô ta chưa quá bốn mươi. Không, cô ta không thể là gái điếm chuyên nghiệp. Bọn làm gái chuyên nghiệp không thể sống được đến độ tuổi này.
“Chúc anh ăn ngon. Bánh em tự làm đấy.”
Tôi đưa một miếng bánh nhỏ lên miệng. Mùi bơ béo, mùi trứng thơm, vị táo chua thanh thanh.
“Ừ. Đúng là bánh tự làm. Ăn một miếng biết liền.”
“Có những lúc phải hoang phí một chút.” Cô cười bẽn lẽn.
“Tôi hiểu.” Tôi bồi hồi ăn hết miếng bánh.
Một cô gái điếm rẻ mạt trong xó xỉnh Nollendorfplatz phải khó khăn lắm mới nướng được ổ bánh táo. Bánh hơi khô. Chắc là miếng bánh cuối cùng.
“Cô làm bằng táo gì?” Tôi rụt rè hỏi.
Miếng bánh và ngụm trà nóng làm tôi thấy cởi mở dễ chịu.
“Em luôn làm bằng táo boskop, vị chua thanh thanh của nó thật là hay.”
“Vị chua thanh thanh của nó thật là hay.” Tôi nhìn xuống đầu gối mình, bồi hồi cười nhỏ. “Moni cũng thường nói như vậy.”
“Moni là ai?”
“Là mẹ nuôi của tôi. Bà ấy hay làm bánh táo vào cuối tuần, mỗi khi tôi tranh giải đá banh.” Tôi bỗng giật mình. Những điều chưa tâm sự cùng ai lại tuôn ra dễ dàng lúc này.
“À. Anh chơi đá banh.”
“Tôi từng chơi ở hàng tiền vệ trong đội tuyển câu lạc bộ. Sau rồi bị đuổi khỏi đội vì bê trễ và, và… nhiều lần say khướt.” Tôi lắc đầu, ăn thêm một miếng bánh. “Nhưng Moni vẫn làm bánh táo cuối tuần, ngay cả khi tôi đã bị đuổi khỏi đội. Và Moni không bao giờ nói là bánh dành cho đá banh. Bà chỉ nói, con ăn đi, vị chua thanh thanh của boskop thật là hay. Vì điều đó mà tôi quay lại với thể thao, sau khi Moni mất đi.”
Nước mắt tôi bỗng trào ra. Người đàn bà đưa tôi tấm khăn giấy. Cô ta không tranh thủ cơ hội vuốt ve tôi, mà chỉ lặng lẽ nói.
“Bà ấy rất yêu anh.”
Tôi sững sờ nhìn con người xa lạ trước mặt, chậm rãi lặp lại:
“Bà ấy rất yêu tôi?”
“Và anh cũng rất yêu bà ấy.”
“Tôi căm thù bà ấy.”
“Lòng căm thù không lưu giữ những kỷ niệm êm đềm như vậy.”
Tôi ngẩn người ra. Những kỷ niệm ấy quả thật là êm đềm. Nhưng người đàn bà này có hiểu gì về mối quan hệ thảm khốc giữa tôi và Moni đâu. Tôi dè dặt nói:
“Nhưng đó không là tình yêu. Ý tôi muốn nói, một tình yêu dành cho một người mẹ nuôi.”
“Tình yêu có nhiều khuôn mặt. Nhưng tình yêu vẫn là tình yêu.” Giọng người đàn bà nhỏ và buồn. Cô ta cũng có nhiều tâm sự, rơi vào hoàn cảnh này chắc phải có nhiều tâm sự. Nhưng tôi tới đây không phải để nghe cô ta tâm sự.
“Cô tên là gì?”
“Anh có thể gọi em là Anni.”
Một cái tên chung chung, không rõ là Annica hay Annia, hay Anja. Tôi vén tay áo nhìn đồng hồ. Chín giờ ba mươi lăm. Dường như Anni trở mình chồm về phía trước. Tôi giật mình co tay lại. Mắt tôi bắt gặp mắt cô ta. Chiếc đồng hồ Rolex chui trở vào tay áo. Tôi đã quên cởi đồng hồ ra khi chuẩn bị lên đường. Một người đàn ông trong bộ dạng tồi tàn này không thể có chiếc đồng hồ Rolex, Daytona.
Tôi hoảng hốt nói lãng đi:
“Anni, tôi buồn ngủ lắm rồi.”
“Anh có muốn ngâm chân vào nước muối nóng không?” Anni hạ giọng.
“Không. Để làm gì?” Tôi đoán con mẹ này định bày trò.
“Tôi thấy anh đi cà nhắc.” Anni vẫn tiếp tục bằng giọng thì thầm như vuốt ve.
“Chân tôi bị tật bẩm sinh.” Tôi la lên.
Lời nói dối vừa nhảy rổn rảng ra khỏi miệng, tôi đã thấy chột dạ. Tôi kể cho cô ta nghe chuyện mình đá banh trong đội tuyển trường trung học, bây giờ lại bảo bị què từ khi sinh ra. Nhưng dường như Anni không để ý, gã đàn ông nào đi chơi gái mà không nói dối.
Anni rót thêm trà vào tách. Cô không nhìn tôi nhưng đôi môi đỏ màu cà chua lại trề ra nũng nịu, bộ ngực phốp pháp ưỡn về phía trước. Một người đàn bà ở tuổi này tự nhiên phải biết cách gợi tình, chẳng cần là gái chuyên nghiệp.
“Tôi sẽ nằm trên sofa trong phòng khách.” Tôi lạnh lùng nói.
Ánh mắt Anni tối sầm lại. Không chờ cho cô ta phản ứng, tôi rút trong bóp ra hai trăm euro, đặt lên chiếc đĩa men trắng chỉ còn vụn bánh. Mắt Anni sáng lên, nhưng cô cố cưỡng lại ham muốn vồ lấy hai tờ tiền giấy. Bàn tay thô đưa lên ngang mép bàn rồi lại tụt xuống, đặt ngay ngắn trên đùi. Có vẻ như cô ta xuất thân từ một gia đình tử tế đầy tự trọng. Có thể cô ta là một điếm sĩ đại tài.
“Đây là số tiền phòng cho đêm nay. Thật ra tôi chỉ cần chỗ nghỉ qua đêm, vì… có vấn đề với… gia đình. Sáng sớm mai tôi sẽ ra đi.”
Ôi, Robert. Cái đồ dối trá ngu xuẩn. Hai trăm euro thì có thể vào ngủ ở khách sạn năm sao Continental ngay cạnh đây. Mấy khách sạn ba sao, bốn sao khác xung quanh chỉ cần khoảng trên một trăm euro. Golden Tulip, Sachenhof, Riu Plaza…
Tôi rên rỉ, chống chế vụng về:
“Tôi không muốn bị người ta quấy nhiễu.”
Anni không thèm để ý những điều tôi bịa đặt. Cô ta nhón lấy hai tờ giấy, trong nháy mắt nó đã biến mất ở chỗ nào bên dưới lớp áo quần của cô ta. Tôi xếp cái bóp lại, hoảng sợ nhận ra hai bàn tay trần trụi của mình. Hai cái bao tay được cởi ra từ bao giờ, chúng nằm dài thuỗng trên mặt bàn. Cái tách trà, cái nĩa, cái mặt bàn… và hàng trăm dấu vân tay. Verdammt! Suýt nữa thì tôi gào lên. Suýt nữa thì tôi nhào tới bóp cổ cô ta. Ánh mắt người đàn bà nhìn tôi khiếp hãi.
“Có chuyện gì?”
Có lẽ tôi vô ý cởi bỏ bao tay khi cầm giấy lau nước mắt. Tôi túm lấy đôi bao tay, bỏ chạy ra phòng khách. Anni ở lại trong nhà bếp, giả bộ thu dọn tách dĩa. Biết đâu cô ta đang len lén nhét con dao cắt cà chua dưới váy. Nếu như vậy thì vở kịch hoàn hảo quá. Tôi để nguyên áo khoác, leo lên ghế sofa nằm co ro. Cái ghế rất cũ, lò xo kêu cọt kẹt. Mùi hôi ẩm quen thuộc làm tôi gần như lịm đi vì phấn khích. Ánh mắt mẹ hiện ra giận dữ trong bóng tối. Nhưng mẹ không thấy tôi. Bởi vì không bao giờ mẹ nhìn thấy tôi như một con người. Nếu tôi đủ sức mạnh để làm một con người thì mẹ sẽ không tìm ra. Tôi nằm đây thôi, trên chiếc ghế sofa, giữa những thứ đồ đạc ngổn ngang khác trong bóng tối. Đêm nay, tôi sẽ chấm dứt quá khứ của mình và vĩnh viễn rời xa căn phòng tồi tàn mang hình ảnh chết chóc của mẹ. Cả thân hình tôi run lên trên giàn lò xo cũ kỹ. Mồ hôi toát ra trong lớp áo nỉ dày. “Lạnh. Mẹ ơi, con đang lần đến cánh cửa. Nó ở đâu đây thôi.”
Anni tắm rất lâu, tiếng nước chảy đều đều trong phòng tắm vọng ra làm tôi cứ muốn thiếp đi. Nhưng tôi không cho phép mình rơi vào giấc ngủ để cho những tiếng gọi kỳ lạ dẫn dắt mình đi. Cần phải tỉnh táo, khảo sát kỹ lưỡng cách xử trí và hành động. Đừng để mình bị điều khiển bởi thứ ngôn ngữ tự sinh bên trong. Ai đó đắp lên mình tôi tấm mền bông. Tôi thì thầm mơ màng: “Moni, chiếc chìa khóa ở đâu?” Nhưng không có tiếng trả lời.