THƯỜNG KHI RẤT BẤT NGỜ, TA ĐỌC MỘT CÂU HAY

thanh thảo

Kẻ nào thực sự quên mình trong cuộc sống thì lại được cuộc sống trả lại cho tất cả” (Nguyên Ngọc).

Tôi đọc câu này trong… Bản Đề dẫn được đọc trong hội nghị… đảng viên của Hội nhà văn Việt Nam do nhà văn Nguyên Ngọc chấp bút. Hội nghị này diễn ra tháng 3 năm 1979 tại Hà Nội. Thời điểm ấy tôi cũng được coi là nhà văn, nhưng không được họp và nghe trực tiếp Bản Đề dẫn, do tôi… không phải đảng viên. Hóa ra, là đảng viên có lợi thật! Chả trách, mãi 36 năm “sự kiện Đề dẫn” tôi mới được đọc tài liệu này, một tài liệu mà chính tác giả của nó là nhà văn Nguyên Ngọc cũng phải thú nhận, là “Đọc lại rất hay, nhưng cũng rất buồn cười, nhiều chỗ hồi ấy mình còn cứng quá chừng!” (trích thư Nguyên Ngọc gửi Lại Nguyên Ân)[i]. “Cứng” như thế mà còn bị phê phán, còn bị đánh cho tơi tả, nữa là “mềm” như tôi hồi ấy. Thú thật là cũng có lúc tôi rất hăng hái, nhưng sao không ‘cứng” được, mà nó cứ… mềm mềm. Trách gì không được vào Đảng. Còn nhớ, lúc bấy giờ mấy anh em chúng tôi còn đang ở Trại sáng tác quân khu Năm, đóng trụ sở tại số 10 Lý Tự Trọng – Đà Nẵng. Tôi hoàn toàn không biết gì về cuộc “Hội nghị đảng viên” này. Cả về Bản Đề dẫn, mặc dù nổi tiếng như thế nhưng tôi cũng chưa từng được đọc. Một thời gian sau hội nghị, tôi chỉ được nghe tin vỉa hè, không mấy chính xác về Bản Đề dẫn này. Hồi đó, chúng tôi nghe là thủ trưởng của chúng tôi – nhà văn Nguyễn Chí Trung – ban đầu có tham gia tích cực vào việc hình thành văn bản này, thậm chí tôi còn nghe là Bản Đề dẫn do ông Trung chấp bút, ông Ngọc chỉ “định hướng tư tưởng”.

Bây giờ mới hay, ông Nguyên Ngọc vừa là người chủ trương vừa là người chấp bút. “Khi viết Đề dẫn chỉ có mình viết, không có tập thể nào. Thỉnh thoảng Nguyễn Khải có tạt qua và trao đổi một số ý  kiến. Với Đảng đoàn mình cũng chỉ báo cáo những ý chính chứ không chính thức thông qua Đảng đoàn toàn văn báo cáo” (Nguyên Ngọc – thư đã dẫn). Xem ra, ông Nguyên Ngọc này đúng là… liều thật! Không thông qua đảng đoàn mà dám đọc trước hội nghị đảng viên, để đến nỗi bị anh Tư Lành (Tố Hữu)… đánh. Ấy, ở Việt Nam đương đại hay có kiểu nói như vậy: phê phán hay phê bình thì gọi là “đánh”. Không phải đánh bằng tay hay chân, nhưng “hậu quả nghiêm trọng” để lại trên người bị “đánh” có khi còn “độc” hơn “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” rất nhiều lần. Vậy là ông Nguyên Ngọc bị “đánh”, dĩ nhiên là vì nội dung của Bản Đề dẫn. Bây giờ, xâu chuỗi sự việc, qua thông tin của nhà văn Thái Bá Lợi bạn tôi, mới biết là hồi đó “cuộc đánh” diễn ra khá tưng bừng. Khốc liệt tới mức, có nhà thơ lớn trước đó rất ủng hộ Đề dẫn, nhưng sau thấy tình hình căng quá, đã chủ động đề… nghị, chứ không phải đề… dẫn, là sẽ trực tiếp “dẫn” anh Nguyên Ngọc lên gặp anh Tư Lành để làm… lành. May quá, anh Nguyên Ngọc đã lịch sự từ chối. Còn thủ trưởng Nguyễn Chí Trung của tôi, thì lúc đầu hăng hái ủng hộ Nguyên Ngọc, do hai ông đã rất nhiều năm là đồng đội của nhau ở chiến trường Khu Năm, nhưng sau thấy cũng ‘tình hình căng quá”, nên ông đã tạm lui về “hậu cứ” ở số 10 Lý Tự Trọng – Đà Nẵng, nói theo giọng văn “Tam quốc chí diễn nghĩa” là “Lui 30 dặm, hạ trại, làm thế ỷ dốc”. Thú thật, “thế ỷ dốc” là thế gì, tới bây giờ tôi vẫn không biết. Có lẽ do không rành chữ Hán. Nhà văn Thái Bá Lợi, là đảng viên lâu năm, lúc bấy giờ chắc có dự “Hội nghị đảng viên”, nên những gì anh Lợi tường thuật tôi tin là có thật. Nhân nói về “Hội nghị đảng viên” lại nhớ nhà văn Đoàn Giỏi. Ông là nhà văn Nam Bộ nổi tiếng, tác giả quyển tiểu thuyết “Đất rừng phương nam” mà tôi cho là thuộc số rất ít tiểu thuyết Việt Nam đương đại xuất sắc, còn lại với thời gian. Là nhà văn nổi tiếng, nhưng đúng theo cung cách dân Nam Bộ, ông Đoàn Giỏi rất hài hước, trung thực và xuề xòa. Còn nhớ, năm 1983, khi nhà văn Nguyên Ngọc – lúc bấy giờ thuộc hàng lãnh đạo Hội nhà văn VN -không phải dạng vừa đâu! – tổ chức một chuyến đi thực tế cho các nhà văn, trong đó đa số là các nhà văn lão thành, chỉ có tôi, Thái Bá Lợi và Trung Trung Đỉnh là “nhà văn trẻ”. Tôi được biên chế vào cùng tổ đi thực tế với nhà văn Đoàn Giỏi và thi sĩ Anh Thơ. Các cụ này lúc ấy đã lớn tuổi rồi, còn chúng tôi thì đúng là khá trẻ. Lại nhớ, khi đi về vùng cát trắng Bình Dương thuộc huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng), do đi bộ trên cát mau mệt, nên nhà văn Đoàn Giỏi… trêu chọc nữ thi sĩ Anh Thơ cho… vui. Hai cụ chọc qua đối lại những gì tôi không để ý, mãi tới lúc nữ (lão) thi sĩ cực lực lên án nam (lão) nhà văn, tôi không nhớ rõ nguyên văn, nhưng khá nặng, kiểu “già mà không nên nết”, thì nhà văn Đoàn Giỏi nổi cáu thực sự. Ông nói rất to, tôi nghe rõ: “Phải đưa chuyện này ra chi bộ!”. Hóa ra, dù đi thực tế tận Bình Dương cát trắng, nhưng các cụ vẫn có chi bộ, vẫn sinh hoạt chi bộ. Khâm phục! Bẵng đi một thời gian thì xảy ra Đại hội nhà văn VN lần thứ Ba (cuối năm 1983). Đó cũng là đại hội đại biểu, may mắn, tôi được đi dự. Lúc ấy tôi quá mừng, vì sau tới 6 năm tôi mới có dịp ra lại Hà Nội. Trong đại hội, không biết có bạn bè nào giới thiệu tôi vào danh sách đề cử ban chấp hành, tôi lại cứ “ỳ ra” không chịu rút, nên cuối cùng vẫn bầu. Tôi được… 44 phiếu, bằng số phiếu của nhà phê bình Ngô Thảo. Nhưng như thế cũng chả ăn thua, vì số đại biểu được bầu cử là 150, phải có ít nhất 76 người bỏ phiếu cho mình thì mới quá bán. Tôi trượt là chuyện đương nhiên, nên cũng chả lấy gì làm buồn. Nhưng rồi tôi gặp lại nhà văn Đoàn Giỏi. Khi đại hội giải lao sau lúc công bố kết quả bầu cử ban chấp hành, chúng tôi ra khoảng sân của hội trường Ba Đình uống… bia( bia hơi, thứ thiệt, giá phải chăng, phục vụ đại hội nhà văn) thì nhà văn Đoàn Giỏi chủ động tới gặp tôi và nói: “Mình đi thực tế với Thanh Thảo một lần, nên mình hiểu và quí Thảo. Mình nói thật, Thanh Thảo đừng buồn. Trước khi đại hội bỏ phiếu, mình có dự hội nghị đảng viên (ngay trong đại hội). Các anh (hồi ấy là anh Hà Xuân Trường), đưa ra một danh sách mấy người được đề cử (và sẽ được bỏ phiếu) và đề nghị nhà văn-đảng viên không bỏ phiếu cho những người ấy. Trong đó có Thanh Thảo. Mình nói thật, mình rất quí Thanh Thảo, nhưng mình là đảng viên, phải tuân kỷ luật đảng. Thảo đừng buồn mình nghe!” Tôi nghe mà muốn khóc. Không phải tôi khóc vì mình… trượt ban chấp hành, mà khóc vì được một nhà văn lão thành trung thực đến như thế, tình cảm đến như thế thổ lộ một chuyện cũng “nhỏ như con thỏ” thôi, nhưng cho tới giờ này tôi chưa nghe người thứ hai thổ lộ với mình. Tôi nghĩ, nhà văn Đoàn Giỏi là một đảng viên chân chính. Và là một nhà văn chân chính. Làm sao tôi “buồn” ông được, trái lại, tôi kính phục và yêu quí ông gấp nhiều lần. Kể lại chuyện này cũng để chia sẻ với tác giả Bản Đề dẫn. Dù bây giờ, tôi không thể đọc toàn bộ Bản Đề dẫn. Chỉ vì nó… dài quá. Và nói như tác giả, nó “cứng quá”. Tính tôi lại chỉ thích mềm. Nhưng khi đọc nhanh, tôi bắt gặp một câu trong Bản Đề dẫn. Tôi thấy câu này hình như “lạc” vào một tài liệu rất chính trị. Nó như một danh ngôn:

“Kẻ nào thực sự quên mình trong cuộc sống thì lại được cuộc sống trả lại cho tất cả”(Nguyên Ngọc).

Hay quá! Chỉ đọc mỗi câu ấy thôi, cũng vừa để khỏi đọc một văn bản “rất dài và rất sâu” (câu nhạc Phan Huỳnh Điểu-lời Bùi Công Minh) là Bản Đề dẫn. Đúng là thường khi rất bất ngờ, ta được đọc một câu hay. Thế cũng là đủ.


[i] Xem: http://vandoanviet.blogspot.com/search/label/T%C6%B0%20li%E1%BB%87u

Comments are closed.