Tiếng vọng từ Chernobyl (kỳ 4)

Svetlana Alexievich

T. Vấn dịch

 

 

Phần Một

______________________

 

Vùng Đất của

 người Chết

 

 

 

 

Độc thoại

_____________________________

 

về lý do tại sao chúng ta vẫn nhớ

 

Bà quyết định viết về chuyện này? câu chuyện này? Nhưng tôi không muốn người ta biết bất cứ điều gì về tôi, về những gì tôi đã phải chịu đựng ở đó. Một mặt, trong tôi vẫn ẩn chứa ước vọng được thổ lộ, được nói ra mọi điều mình kinh qua, và một mặt khác – Tôi có cảm giác đang tự bóc trần mình. Tôi không muốn làm việc đó.

 

Bà có nhớ quyển Chiến tranh và Hoà Bình của Tolstoy *? Nhân vật Pierre Bezukhov bị chiến tranh ám ảnh quá nặng nề, ông ta nghĩ rằng mình và thế giới sẽ mãi mãi bị biến đổi. Nhưng rồi thời gian qua đi, ông ta tự bảo mình:Tôi sẽ tiếp tục la rầy người đánh xe giống như trước đây, tôi sẽ tiếp tục gầm gừ khó chịu giống như trước đây.”

Vậy tại sao người ta vẫn còn trí nhớ? Để họ có thể xác định đâu là sự thực? Vì sự công bằng ở đời? Để họ có thể tự giải phóng mình và quên hết mọi sự? Hay có phải là vì người ta biết mình là một phần trong toàn bộ một sự kiện vĩ đại? Hay là người ta nhìn vào quá khứ để mong tìm ra được một lớp vỏ bọc? bất kể  rằng ký ức vốn mong manh, có đó mất đó, không hề là kiến thức thực sự, chỉ là một sự phỏng đoán mà một người tin rằng đó có thể là chính mình.

 

Ký ức không là sự hiểu biết. Đúng hơn nó là một chuỗi những cảm xúc.

Cảm xúc của tôi . . . Tôi đã vật lộn, đã đào sâu trong ký ức của mình để nhớ lại.

 

Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi đã xẩy ra khi tôi còn rất nhỏ – Đó là thời kỳ chiến tranh.

Tôi nhớ đám con trai chúng tôi chơi trò “bố mẹ”. Chúng tôi cởi quần áo của mấy đứa nhỏ hơn ra rồi xếp chồng chúng lên nhau. Đây là những đứa trẻ ra đời sau chiến tranh, vì trong chiến tranh trẻ con đã bị quên lãng. Chúng tôi chờ cho sự sống trở lại. Chúng tôi giả vờ làm “ bố và mẹ”. Chúng tôi muốn được nhìn thấy sự sống. Chúng tôi, những đứa trẻ lên tám, lên mười.

 

Tôi đã nhìn thấy một phụ nữ đang tìm cách tự tử. Ở một bụi rậm ven bờ sông. Chị ấy cầm một cục gạch rồi cứ thế liên tục đập vào đầu mình. Chị ấy mang thai với một người lính thuộc đội quân chiếm đóng mà cả làng đều ghét. Khi còn bé, tôi cũng đã thấy từng lứa mèo con được đẻ ra. Tôi cũng đã từng giúp mẹ đỡ đẻ cho một con bò cái và đã để con lợn cái nhà mình được ra gây giống với con lợn đực .

 

Tôi nhớ người ta đem xác bố tôi về nhà, trên người ông vẫn còn mặc chiếc áo len do chính tay mẹ tôi đan. Ông bị trúng đạn súng máy, từng mảnh thịt lẫn máu với sợi len rơi ra khỏi cơ thể ông. Người ta để ông nằm trên chiếc giường duy nhất trong nhà, vì không còn chỗ nào khác. Sau đó, chúng tôi chôn xác ông ngay trước sân nhà. Chỗ tòan đất sét cứng rất khó đào, cạnh rẻo đất trồng củ cải. Chiến sự diễn ra ở khắp nơi chung quanh. Đường phố đầy xác người và ngựa chết.

 

Với tôi, đó là những hồi ức của riêng tôi. Tôi không muốn chia sẻ chúng với ai.Thời gian đó, tôi nghĩ về cái chết cũng giống khi nghĩ về sự sinh sản. Tôi có cùng cảm giác khi thấy người ta kéo con bê ra khỏi bụng mẹ nó, khi thấy  những con mèo con ra đời và như khi thấy người phụ nữ đang tự giết mình bằng cục gạch trong bụi rậm.

Có một lý do nào đó khiến tôi không nhìn ra sự khác biệt giữa sự truyền sinh và sự chết.

 

Tôi nhớ căn nhà thời thơ ấu của tôi nồng nặc một mùi khó quên mỗi khi có con heo bị mổ. Chỉ một mảnh vụn ký ức chạm vào, là tôi thấy mình chìm đắm trong cơn ác mộng . Tôi bay vào trong nỗi  khủng khiếp ghê hồn. Ở đó, lũ trẻ nhỏ chúng tôi, theo chân những người đàn bà vào trong phòng tắm hơi, để thấy dạ con của họ rơi ra ngòai từng mảnh (ngay từ thuở ấy chúng tôi cũng đã biết dạ con dùng để làm gì), và những người đàn bà cố lấy gỉe rách cột chúng lại. Tôi đã nhìn thấy điều đó. Dạ con phụ nữ bị rơi ra ngòai cơ thể họ vì lao động cực nhọc. Làng không còn đàn ông, họ đang ở cả ngòai tiền tuyến. Không có ngựa để vận chuyển, các phụ nữ nông dân phải chất mọi thứ trên vai họ. Họ tự mình đảm đương công việc cầy bừa những khu vườn, những cánh đồng của nông trang tập thể.

 

Khi trưởng thành hơn một chút, mỗi khi gần gủi một người phụ nữ, những gì nhìn thấy trong phòng tắm hơi thời thơ ấu lại hiện ra trước mắt tôi.

Tôi muốn quên. Quên hết mọi sự. Và tôi đã quên được. Tôi tưởng rằng những gì khủng khiếp nhất đã xẩy ra rồi. Chiến tranh. Bây giờ thì tôi đã được miễn nhiễm. Đã được bảo vệ.

Nhưng rồi tôi có mặt ở khu nhà máy hạt nhân Chernobyl. Từ bấy đến nay, tôi đã nhiều lần trở lại. Tôi hiểu mình bất lực chừng nào trước những gì chứng kiến. Tôi có cảm tưởng mình đang vỡ ra từng mảnh nhỏ. Quá khứ đã không còn bảo vệ cho tôi được nữa. Ở đây, tôi không tìm thấy câu trả lời mà mình tìm kiếm.

 

Thực ra, những câu trả lời đã ở đó. Nhưng nay chúng không còn nữa.

 

Chính tương lai đang hủy diệt tôi, chứ không phải quá khứ.

 

Pyotr S., Tâm lý Gia

 

*Chú Thích:

Leo Tolstoy(1828-1910) Nhà văn Nga, tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có bộ trường thiên “ Chiến Tranh và Hòa Bình”.

 

 

 

 

 

 

Độc thoại

_____________________________

 

về những gì có thể nói với người Sống và người Chết

 

Đêm xuống, chó sói vào sân nhà. Từ cửa sổ nhìn ra, tôi thấy mắt nó sáng rực như hai chiếc đèn pha xe hơi. Bây giờ thì tôi đã quen với mọi chuyện. Tôi sống ở đây một mình đã 7 năm, từ khi mọi người bỏ đi. Ban đêm nhiều khi tôi cứ ngồi đó, miên man suy nghĩ, cho đến rạng ngày. Vẫn như mọi khi, đêm nay tôi ngồi trên giường thức trọn.Trời sáng, tôi đứng dậy nhìn nắng mặt trời. Tôi sẽ nói gì với bà đây? Cái chết là điều công bằng nhất trên trần gian này. Không ai thóat khỏi nó được hết. Mặt đất mở ra đón tất cả mọi người – Kẻ tử tế, người ác độc, kẻ tội lỗi.Ngòai cái chết, thế gian không còn gì khác có thể gọi là công bằng. Tôi làm việc cực khổ và sống lương thiện suốt đời tôi. Nhưng tôi không nhận lại được gì tương xứng. Chúa chia chác các thứ mãi ở tận trên cao, khi đến lượt tôi thì chẳng còn gì sót lại. Một người trẻ tuổi có thể chết. Một người già thì phải chết . . . Mới đầu, tôi chờ đợi người ta quay lại. Tôi tưởng họ sẽ trở về. Khi ra đi, không ai bảo sẽ một đi không trở lại, chỉ là một khỏang thời gian thôi.

 

Giờ thì tôi chỉ còn biết chờ đợi cái chết. Chết thì không khó, nhưng đáng sợ. Không có nhà thờ. Linh mục cũng không. Chẳng còn ai để tôi xưng tội dọn mình.

 

Họ bảo chúng tôi bị nhiễm phóng xạ. Chúng tôi nghĩ: Nhiễm phóng xạ tức là bị bệnh. Ai mắc phải sẽ bị chết ngay. Nhưng họ bảo không, phóng xạ nằm trong đất, có đào đất lên thì mắt người cũng không nhìn thấy được.Thú vật có thể nhìn thấy, ngửi thấy, nhưng người thì không. Điều đó không đúng. Tôi đã nhìn thấy. Thứ hóa chất này đã nằm trong sân nhà tôi, cho đến khi mưa xuống làm trôi đi. Nó màu mực in đen. Từng thỏi từng thỏi một. Từ nông trang tập thể tôi chạy về vuờn nhà. Thấy một thỏi nằm đó, màu xanh. Cách đó khỏang 200 mét, có một thỏi khác nữa. To cỡ chiếc khăn tôi buộc trên đầu. Tôi rủ mấy người phụ nữ láng giềng cùng đi xem xét chung quanh. Những khu vườn, những cánh đồng gần đó – trong khỏang chu vi 2 héc-ta. Chúng tôi tìm thấy 4 thỏi thật to. Một thỏi màu đỏ chói. Ngày hôm sau, mưa từ sớm, đến trưa thì tất cả những thỏi phóng xạ ấy biến mất. Cảnh sát xuất hiện, chẳng còn gì sót lại để chỉ cho họ thấy. Chúng tôi chỉ có thể kể lại. Mấy thỏi phóng xạ ấy to như thế này này. {Bà ta ám chỉ nắm tay của mình}. Cỡ cái khăn buộc đầu của tôi. Màu xanh và đỏ . . .

Lúc ấy chúng tôi không đến nỗi quá sợ chất phóng xạ. Khi không thấy, không biết phóng xạ là gì, chúng tôi cũng có một chút hỏang sợ, nhưng khi nhìn thấy nó rồi thì nỗi sợ hãi ấy không nhiều lắm. Cảnh sát, quân đội cho dựng lên những tấm bảng. Trên đường phố, trên sân nhà dân. Những tấm bảng đề: 70 đơn vị phóng xạ, 60 đơn vị phóng xạ . . . Chúng tôi vẫn sống bằng khoai trồng lấy ở nhà. Rồi bỗng nhiên, tất cả đều bị cấm. Với một số người, việc cấm đóan đó làm họ khổ sở, với số khác thì họ lại cho là tức cười. Người ta khuyên chúng tôi nên đeo khẩu trang, đeo găng tay khi làm việc ngòai vườn. Rồi có một nhà đại khoa học đến họp mọi người lại, bảo chúng tôi cần phải rửa sạch sẽ sân quanh nhà.

 

Thôi nào! Tôi không còn tin ở tai mình! Họ ra lệnh cho chúng tôi giặt giũ  chăn, màn, mành cửa. Nhưng mà những thứ đó chúng tôi cất trong tủ, cất trong phòng chứa đồ, cất trong thùng đậy nắp kín. Chẳng thể nào có chất phóng xạ ở trong đó cả! Nó bay vào cả đằng sau cửa kính, đằng sau cánh cửa đóng kín ư! Thôi nào! Chất phóng xạ ở trong rừng, ở ngòai cánh đồng. Người ta lấp giếng, bọc miệng giếng  lại bằng vải ny lông, bảo nước giếng “bẩn lắm”. Bẩn sao được khi nước nhìn sạch sẽ trong suốt? Người ta nói tòan những chuyện vớ vẩn. Mấy người sẽ chết. Mấy người phải đi ra khỏi nơi đây. Phải di tản.

 

Mọi người ai cũng sợ hãi. Đầy ắp nỗi sợ hãi.Đêm đó họ bắt đầu gói ghém đồ đạc. Tôi cũng vơ mớ quần áo gập chúng lại. Không quên những huy hiệu đỏ tôi nhận được nhờ lao động tốt và đồng xu may mắn tôi lúc nào cũng giữ bên người. Thật buồn! Nỗi buồn làm mụ cả người. Đánh chết tôi đi nếu tôi nói dối.Có câu chuyện về ngôi làng được quân đội đến giúp di tản, nhưng vẫn sót lại một cặp vợ chồng già. Khi tất cả dân làng bị lùa lên xe bus, thì họ dắt bò lén trốn vào rừng, chờ cho đến khi mọi người đi hết. Giống như hồi chiến tranh người ta đốt sập cả ngôi làng. Tại sao quân đội lại đuổi chúng tôi đi.{ Bắt đầu khóc}.

 

Không an ổn chút nào! Cuộc sống của chúng tôi ấy mà. Không, tôi không muốn khóc.

 

Ồ, trông kìa!- quạ. Tôi sẽ không xua đuổi chúng đi. Dù đôi lúc chúng hay chộp trứng trong chuồng gà. Tôi vẫn không xua đuổi chúng. Tôi không xua đuổi ai đi đâu hết. Ngày hôm qua còn có một con thỏ nhỏ chạy vào vườn. Kế bên một ngôi làng vẫn còn một người đàn bà ở đó. Tôi bảo chị qua đây đi. Không biết như thế có ích lợi gì không nhưng dù sao tôi cũng có người để nói chuyện. Đêm xuống còn tệ hại hơn nữa. Hai chân tôi đau nhức khôn tả, như thể có đàn kiến chạy trong đó, cái sợi thần kinh chạy suốt trong người tôi ấy mà. Giông giống như tôi đang cúi xuống nhặt một vật gì đó lên thì nghe tiếng xương kêu răng rắc. Hay như cành lúa mì bị đập xuống sân hột kêu lạo xạo. Rồi cơn đau dịu xuống.

 

Tôi đã lao động quá đủ suốt cuộc đời mình, đã buồn bã quá đủ suốt cuộc đời mình. Tôi đã kinh qua quá đủ và không muốn phải trải qua bất cứ điều gì thêm nữa.

 

Tôi có con gái, con trai . . . chúng sống ở thành phố. Tôi sẽ không đi đâu cả. Chúa cho tôi sự sống, nhưng không cho tôi sự công bằng. Tôi biết rằng mấy người già thường hay khó chịu khiến bọn trẻ không có nhiều kiên nhẫn để chịu đựng. Tôi không hài lòng lắm với mấy đứa con của tôi. Các bà mẹ đến sống với con cái trong thành phố đều than phiền khóc lóc. Hoặc là con dâu của họ xúc phạm họ hoặc đôi khi chính con gái họ làm họ buồn lòng. Giờ thì ai cũng muốn về lại làng. Chồng tôi vẫn ở đây. Tôi đã chôn chồng tôi ở đây. Nếu ông ấy không nằm ở đây thì cũng ở một nơi nào đó và tôi sẽ đi theo ông ấy {Vui vẻ bất chợt}. Tại sao tôi phải đi cơ chứ? Ở đây thật dễ chịu. Cây cỏ xanh tươi, um tùm. Từ đám ruồi muỗi nhỏ xíu đến các lòai thú vật. Tất cả đều đang tràn ngập sự sống.

 

Tôi sẽ cố nhớ lại để kể cho bà nghe nhiều chuyện khác nữa. Máy bay bay đầy trời mỗi ngày. Chúng bay thật thấp ngay trên đầu chúng tôi. Chúng bay về phía nhà máy phản ứng hạt nhân. Về trạm nguyên tử. Hết chiếc này đến chiếc khác. Trong khi ở đây người ta buộc chúng tôi di tản.Họ đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Dân làng tìm cách bỏ trốn. Trong chuồng gia súc kêu inh ỏi. Lũ trẻ con khóc vang. Đó là chiến tranh mà! Mặt trời xuống . .  . Tôi ngồi lì trong lều, cương quyết không ra dù tôi không khóa cửa lều. Mấy người lính gõ cửa. “Bà ơi! bà thu xếp đồ đạc xong chưa?”. Tôi trả lời.Các ông có định trói tay trói chân tôi không đấy?”. Không ai trả lời. Không ai nói tiếng nào. Rồi họ bỏ đi. Những người lính còn rất trẻ. Như những đứa trẻ nít. Các bà cụ già quỳ trước cửa nhà lạy lục van xin. Mấy người lính xốc nách họ lên rồi ném vào xe. Nhưng tôi cảnh cáo họ, bất cứ ai động một ngón tay vào người tôi sẽ biết hậu quả. Tôi nguyền rủa họ. Nguyền rủa rất độc. Tôi không khóc. Hôm đó tôi không khóc. Tôi ngồi trong nhà của mình. Một phút sau tôi la lên thật to. Một tiếng la thật to. Rồi là sự im lặng. Rất im lặng. Cái ngày hôm ấy- ngày tôi cương quyết không chịu rời bỏ nhà mình.

 

Sau này người ta kể cho tôi nghe hôm đó có cả một đòan người đi bộ trên đường. Cạnh họ là bầy gia súc cũng đi thành đòan. Chiến tranh mà! Chồng tôi lúc còn sống hay nói rằng con người bóp cò súng nhưng chính Chúa quyết định đường đi của viên đạn. Ai cũng có số phận riêng của mình. Mấy người trẻ di tản, có người đã chết. Ở nơi họ mới dọn đến. Trong khi đó thì ở đây tôi vẫn rảo bước đi quanh. Từ từ nào! Hẳn rồi! Có khi buồn chán quá, tôi khóc. Cả làng vắng hoe. Trong khi chim chóc thì nhiều. Chúng bay hàng đàn. Có cả nai nữa đấy, muốn gì có nấy mà. {Bắt đầu khóc}.

 

Tôi nhớ hết thẩy mọi chuyện. Người ta bỏ đi nhưng để lại chó và mèo. Mấy ngày đầu tiên tôi đi vòng vòng rót sữa cho tất cả lũ mèo và cho bọn chó mỗi con một mẩu bánh mì. Bọn chúng quanh quẩn trong sân nhà chờ chủ. Chúng chờ đợi thật lâu. Rồi lũ mèo đói ăn dưa chuột, ăn cả cà chua. Từ mùa thu rồi tôi chăm sóc khu vườn của người hàng xóm. Hàng rào nhà chị ấy bị sụp. Tôi dựng lên rồi lấy búa đóng lại. Tôi vẫn chờ cho dân làng quay về. Bên hàng xóm có con chó tên Zhuchok. Tôi bảo nó: “Này Zhuchok, khi nào mày thấy có người thì sủa lên một tiếng cho tao biết nhé !”.

 

Có đêm tôi mơ thấy mình bị bắt buộc phải di tản. Viên chỉ huy bảo tôi : “Này bà, chúng tôi sẽ phóng hỏa và thiêu hủy mọi thứ. Xin bà rời khỏi nơi đây!”. Rồi họ đem tôi đi đâu không biết. Không thể biết. Chẳng phải thành phố cũng không phải thôn quê. Dường như cũng không phải là ở trên trái đất lòai người.

 

Tôi có con mèo nhỏ, tên Vaska. Một mùa đông, lũ chuột đói xuất hiện cùng khắp trong nhà. Tôi chẳng biết chạy đi đâu để trốn chúng. Chúng bò cả dưới chăn. Tôi để dành được ít gạo trong một cái thùng gỗ, lũ chuột cũng đục thủng được. Nhưng con Vaska đã cứu tôi. Không có con mèo chắc tôi đã chết. Chúng tôi trò chuyện – tôi và Vaska- và ăn cơm tối cùng nhau. Sau đó thì Vaska biệt tích. Lũ chó đói có thể đã ăn thịt con mèo. Tôi đóan vậy. Chúng luôn sục sạo mọi ngõ ngách để tìm thức ăn cho đến khi chết vì đói. Lũ mèo cũng vậy, chúng ăn thịt cả mèo con. Vào mùa hè thì không đến nỗi nhưng mùa đông thì chúng làm vậy. Lạy trời xin đừng để điều khủng khiếp ấy xẩy ra nữa.

 

Dạo sau này có những hôm tôi không thể đi tới đi lui trong nhà. Với  một bà già thì cái bếp lạnh lẽo cả trong mùa hè là chuyện thường. Thỉnh thoảng cảnh sát họ ghé lại, xem xét quanh nhà và mang cho tôi bánh mì. Nhưng họ xem xét cái gì chứ?

Tôi và con mèo. Đây là một con mèo khác. Nghe có tiếng cảnh sát bọn tôi vui lắm. Chúng tôi chạy ra cửa đón. Con mèo được họ cho cục xương. Còn tôi thì họ hỏi:Nếu có cướp thì sao?”. “Liệu chúng lấy của tôi cái gì? Tôi có gì để chúng cướp? linh hồn tôi chăng? Đó là thứ duy nhất tôi có.” Mấy người cảnh sát cười rũ. Họ là những người tử tế. Họ còn cho tôi ít cục pin cho máy phát thanh của tôi. Thế là giờ tôi có thể nghe tin tức qua nó. Tôi thích nghe Lyudmilla Zykina hát, nhưng cô ấy không còn hát nhiều như trước đây nữa. Có thể vì cô ấy già quá rồi. Như tôi. Chồng tôi hay nói – trước đây hay nói rằng : “ Điệu nhảy chấm dứt rồi. Cất cây đàn vào hộp đi thôi !”.

 

Tôi kể bà nghe làm sao mà tôi có được con mèo này nhé! Con Vaska thì đi đâu mất rồi. Tôi mong nó về một ngày, rồi hai ngày, rồi cả tháng. Tôi cô đơn quá. Không có ai để trò chuyện. Tôi đi lang thang trong làng, bước vào vườn nhà người ta, miệng kêu to: Vaska! Murka. Vaska! Murka. Mới đầu cũng thấy nhiều con mèo chạy lăng quăng, rồi sau đó biến đâu mất tiêu. Cái chết đâu có phân biệt thú người. Mặt đất lúc nào cũng mở lòng đón hết tất cả. Thế là tôi cứ đi hết chỗ này đến chỗ nọ. Trong hai ngày. Ngày thứ ba tôi thấy nó nằm ở một cửa hàng. Chúng tôi nhìn nhau. Nó có vẻ sung sướng. Còn tôi vui mừng. Nó chẳng buồn nói một lời. Vậy nên tôi nói:Được rồi nhé! Nào bây giờ mình về nhà.” Nhưng nó cứ ngồi như phỗng, miệng kêu meo meo. Thấy thế tôi bảo:Mày ở đây một mình làm gì? Chó sói sẽ ăn thịt mày. Chúng xé xác mày ra. Nào đi nào! Nhà tao có trứng, có cả mỡ lợn.Giải thích thế nào với chú mèo đây? Làm sao mèo hiểu được tiếng người, làm sao nó hiểu tôi nói gì? Tôi đi trước, con mèo chạy theo sau lưng. Meo! “Tao sẽ cho mày miếng mỡ nhé!”. Meo! “Mình sẽ sống chung với nhau, hai đứa mình nhé!” Meo!Tao cũng đặt tên mày là Vaska nhé!”. Meo! Và chúng tôi sống chung với nhau đã qua hai mùa đông rồi.

Đêm xuống tôi sẽ lại nằm mơ có ai đó gọi tên tôi. Tiếng của nhà hàng xóm :Zina!”. Rồi im lặng. Rồi lại : “Zina!”.

 

Có lúc buồn nản quá, tôi cứ ngồi khóc.

 

Tôi hay vào nghĩa trang. Mẹ tôi chôn ở đó. Cả đứa con gái nhỏ của tôi nữa. Sốt đậu mùa bắt nó đi hồi còn chiến tranh. Ngay sau khi chúng tôi chôn nó xong, mặt trời ló ra khỏi đám mây. Và chiếu sáng khắp nơi. Như thể muốn nói : Hãy đào mồ con nhỏ lên. Chồng tôi cũng nằm ở đây. Tội nghiệp Fedya. Tôi hay ngồi bên mộ chồng và con, khi thở dài, khi chuyện trò như thể họ còn sống. Thì có gì khác biệt đâu. Tôi nghe được họ thủ thỉ mà. Nhất là khi chỉ có một mình . . . khi buồn bã. Khi rất buồn bã.

 

Ivan Prohorovich Gavrilenko, ông thầy giáo trước đây sống ở ngay bên cạnh nghĩa trang. Ông ấy có đứa con trai ở Crimea và đã dọn đến đó với nó. Ở kế nhà ông thầy giáo là Pyotr Ivanovich Miusskiy, người lái máy xúc. Đã từng có thời là công nhân tiên tiến. Thời ấy ai cũng cố để trở thành công nhân tiên tiến. Pyotr có đôi tay thần diệu. Anh ta có thể biến gỗ thành dây dễ như bỡn. Cái nhà của anh ta to bằng cả một ngôi làng. Thế mà họ đã phá sập nó. Máu tôi sôi lên khi chứng kiến cảnh đó. Viên chỉ huy bảo tôi:Đừng nghĩ đến nó nữa, ngoại à! Nó là ổ nguy hiểm đó!”. Lúc ấy, chủ nhà đang say khướt. Tôi chạy đến thấy Pyotr đang khóc. “Bà ngoại đừng lo. Hãy đi đi. Tôi không sao đâu!”.Anh ta bảo tôi hãy đi đi. Căn nhà kế tiếp bị hạ sập là của Misha Mikhalev, người phụ trách nấu nước ở nông trang. Sau này anh ta chết nhanh lắm. Ngay sau khi vừa rời khỏi đây. Kế tiếp là đến nhà của Srepa Bykhov, một người nghiên cứu về động vật. Nó bị thiêu rụi. Bọn xấu phóng hoả đốt nhà anh ta lúc đêm xuống. Stepa cũng không sống lâu. Xác anh ta được chôn đâu đó trong khu Mogilev. Nhiều người khác đã chết trong chiến tranh. Vassily Makarovich Kovalev. Maksim Nikoforenko. Những người khi sống lúc nào cũng vui vẻ. Họ ca hát, nhảy múa, chơi khẩu cầm những ngày lễ. Giờ thì khung cảnh như một nhà tù.

 

Thỉnh thoảng tôi cứ vừa nhắm mắt vừa đi lang thang khắp làng. Tôi bảo họ, phóng xạ gì? Kìa có con bươm bướm đang bay, có con ong kêu u u. Còn con mèo Vaska của tôi thì đang bắt chuột. {Bắt đầu khóc}.

 

Này Lyubochka, bà có hiểu được hết những gì tôi đang nói cho bà nghe về nỗi buồn của tôi không? Hãy kể lại cho người đời được biết, có thể khi ấy tôi không còn sống nữa. Tôi sẽ nằm sâu trong đất. Dưới những bụi cây . . .

 

Zinaida Yevdokimovna Kovalenko , Dân tái định cư.

 

Comments are closed.