Trái Sầu Đâu – Truyện ngắn của Dương Kim Ngân

DUONGKIMNGANVăn Việt: Dương Kim Ngân sinh năm 1980 ở Hà Nội, đang sống ở Hà Nội và làm việc tại Công ty Linh Tâm, chuyên tư vấn về tâm lý tình cảm; cộng tác viên của CSAGA – Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Trẻ em, Vị thành niên. 

Chị có hai con nhỏ: con gái 9 tuổi, con trai hơn 2 tuổi và “thực sự mong muốn các con sống trong môi trường không còn những định kiến khiến chúng không thể sống theo cách chúng muốn”.  

Chị viết Trái Sầu đâu chỉ trong một buổi và đó là sáng tác đầu tiên của chị.

 

 

 

 

Tôi đọc Tháng ba, rét nàng Bân, thấy nhà văn Vũ Bằng ví quả Sầu đâu (xoan ta) giống như người đẹp u buồn, vì quả này trong héo, ngoài tươi, chả khác gì những mỹ nhân ngoài miệng thì cười mà thực ra hàng bữa vẫn chan cơm bằng nước mắt.

Lần đầu, tôi thấy thương cho họ.

Lần thứ hai, tôi thấy họ thật đáng thương.

Lần thứ ba, tôi thấy không chỉ họ, mà đa phần phụ nữ, từ thế hệ các bà, các mẹ, các chị, và cả tôi nữa, có thể đều giống thế, nghĩa là đều đáng thương cả. Chả kể là người đẹp hay người không đẹp.

Chuyện của bà nội:

Bà nội chắc chắn là người đẹp, theo đúng chuẩn mực xưa. Nghĩa là da trắng, người mảnh mai, răng đen hạt huyền, cổ cao ba ngấn… và rất nhiều những tiêu chuẩn khác về hình thức. Nghe kể lại là ngày bà trông cửa hàng đồ mây ở phố hàng Thiếc cho các cụ, đến mấy anh quan Pháp còn mê bà như điếu đổ.  

Nhưng bà chưa bao giờ thẳng thắn nhận là mình đẹp về hình thức, có lẽ, cũng giống như bất cứ phụ nữ cổ xưa nào khác, bà chỉ dám tự hào, dám tự kể và tự tin về vẻ đẹp tinh thần, cái nết của mình.

Bà lấy ông năm mười chín tuổi, và ngay lập tức đảm nhận vai trò “tề gia nội trợ” một cách háo hức. Cho đến ngày mất, bà luôn tâm niệm việc chăm sóc chồng con, chu toàn việc nhà chồng là thiên chức của người phụ nữ. Trên đôi vai mình, bà đã gánh cả gia đình và những niềm tự hào khắc khoải.

Mà bà tự hào về việc gì?

Ông nội là người đào hoa, ngày bà bắt đầu mang bố tôi trong lòng cũng là lúc ông đưa người phụ nữ khác về nhà sống. Bác cả kể rằng ông và người phụ nữ đó nằm giường bên trái thì bà cùng các bác nằm giường bên phải, không có đến một tấm ri-đô ngăn giữa.

Có vẻ bà không ghen, hay đã cố gắng để không tỏ là mình ghen. Bà hòa nhã với cô vợ hờ và vẫn phục tùng chồng. Bà coi việc “trai năm thê bẩy thiếp” là chuyện bình thường, bà phấn khởi thể hiện cái uy của vợ cả, của một phụ nữ biết điều, an phận và nhẫn nhịn chịu đựng cái gông “tam tòng tứ đức” từ mấy nghìn đời đè trên vai mình.  

Bác cả bảo mắt bố tôi giống hệt mắt nhân tình của ông, người phụ nữ mà bà nội có thể nhìn thấy từ giường nằm của mình mỗi đêm. Người phụ nữ ấy nằm gần bà, trong căn nhà của bà, yêu chồng bà và cũng được chồng bà yêu…

Tôi nghe nói khi hoài thai, đứa con trong bụng sẽ giống người mà mẹ hay nghĩ đến. Vậy là chắc chắn bà có nghĩ đến người phụ nữ đó, thậm chí là căm ghét, hận thù, tủi nhục, nhưng bề ngoài bà vẫn bình thản, vẫn tha thứ và rộng lượng. Đó như kiểu một phản xạ có điều kiện mà người ta phải luyện tập trong một thời gian dài. Rất có thể ngày bé bà hiếu động, tinh nghịch nhưng được rèn luyện để trở nên dịu dàng và thùy mị. Rất có thể bà muốn đi học, muốn thành một vĩ nhân, muốn đi đây đi đó, nhưng bị buộc thành một thiếu nữ đảm đang, yêu việc nhà và chỉ muốn ở trong nhà. Dần dà, khi phản xạ có điều kiện trở thành bản năng, bà thản nhiên chấp nhận nằm cạnh chồng mình cùng nhân tình của ông, mặc dù thật đau đớn.  

Mọi chuyện qua đi, những người vợ hờ của ông cũng qua đi, chỉ còn lại bà bên ông. Và bà thường tự hào về điều đó. Sau khi ông mất, vào những dịp giỗ chạp có đầy đủ họ hàng, bà vẫn nhắc lại câu chuyện đó như để chứng tỏ sự rộng lượng, đức hi sinh, lòng kiên nhẫn, vị tha mà một người phụ nữ, đại diện là bà có thể làm được. Liệu đó có phải là đôi cánh giúp bà vượt qua nỗi đau của sự tổn thương?

Chuyện về người phụ nữ tôi chưa từng gặp

Nghe mọi người nói bà ấy khổ vì nhìn trông cái dáng đã thấy không sướng. Tôi không giỏi về nhân tướng học nên không biết cái dáng sướng nó như thế nào và cái dáng khổ nó đáng sợ ra làm sao. Tôi chỉ nghĩ nếu gọi tóc xoăn tự nhiên là khổ thì chắc tai họa đã ập đến với  một phần năm dân số thế giới.

Dù chưa bao giờ gặp bà nhưng tôi có thể đôi phần cảm thấy nỗi đau đó. Trước hết bởi vì tôi là một con người, tôi là một người vợ và cuối cùng, tôi cũng là một người mẹ.

Có con người nào không đau đớn khi bị chà đạp, đánh đập? Có người vợ nào không tủi nhục khi luôn bị chồng nghi ngờ, ruồng rẫy, hắt hủi? Có người mẹ nào không đứt từng khúc ruột khi chứng kiến chồng mình mang đứa con chưa đầy hai tháng tuổi quẳng vào thùng rác – theo đúng nghĩa đen?

Luôn nghi ngờ bà không chung thủy và lấy chuyện đó như một cái cớ để che đậy thói ích kỉ, tính gia trưởng của mình, người đàn ông là chồng của bà, là cha của các con bà chưa bao giờ để cho vợ, con mình có một ngày hạnh phúc. Ông là giáo viên, từng làm phó hiệu trưởng trường Dân tộc Nội trú huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ông đủ khôn ngoan để luôn biết cách che đậy việc coi thường vợ con bằng cách vu cho họ những điều chưa bao giờ làm và cũng không thể làm.

Ông bảo vợ ngoại tình, theo trai dù bà chung thủy và hi vọng đến cùng quẫn rằng một ngày nào đó sẽ lại được chồng thương yêu và tin tưởng. Ông khẳng định từng ấy đứa trẻ bà có với ông là con người khác mặc dù chúng giống ông từ sợi tóc cho đến màu da, từ dòng máu cho đến mọi tế bào…

Ông vứt một đứa con mới hơn hai tháng tuổi vào thùng rác.

Ông đánh đập, hành hạ và ruồng rẫy một đứa con khác đến nỗi khi nó đã thành một người đàn ông tuổi bốn mươi, vẫn thấy sởn da gà bởi tiếng dép lốp ai đó đang đi giống tiếng roi da mà bố từng dùng để quất mình ngày trước.

Tôi không biết niềm tin của người phụ nữ ấy vào sự thay đổi của chồng lớn đến mức nào khi bà chấp nhận lén cho đi đứa con rứt ruột đẻ ra để làm hòa với chồng, để hi vọng ông tin tưởng và thương yêu mình. Đem cho đứa con là hành động tuyệt vọng nhất mà người mẹ đau khổ ấy có thể làm, dù biết rằng như thế nghĩa là:  

Khi nhìn thấy bất cứ đứa trẻ nào, mẹ sẽ luôn day dứt.

Khi nghe tiếng trẻ gọi “mẹ ơi”, mẹ sẽ giật mình quay lại, và thảng thốt nhận ra đó không phải tiếng con mình.

Vào những đêm đông, mẹ sẽ đau đớn đến đứt ruột, đứt gan khi không biết giờ này con ra sao, ai sẽ ôm con vào lòng, ai sẽ vuốt tóc và hôn lên vầng trán thơm mùi sữa, ai sẽ chăm sóc, nâng niu trong lòng mỗi khi con ốm đau, sài đẹn?

Tôi không biết những cố gắng của người vợ ấy cùng quẫn đến mức nào mà bà nhẫn nhịn khi thấy chồng đánh con đến ngất đi, đuổi nó ra khỏi nhà sống vất vưởng khi mới mười bốn, mười lăm tuổi. Đòn roi quất vào da thịt rồi có ngày sẽ lên da non, liền sẹo, nhưng đòn roi quất vào kí ức, quất vào tiềm thức sẽ mãi còn đó, thỉnh thoảng nó sẽ sống lại, tê tái và buốt giá đớn đau.

Bà đã hiến tế bản thân và con cái cho chồng. Đối với bà, chồng như vị thần ác mà mình vẫn tôn thờ, kính trọng. Tôi cảm thông với nỗi đau của bà, tôi tôn trọng niềm hi vọng và sự chờ đợi của bà nhưng làm sao tôi có thể đồng ý với với sự hi sinh bản thân mù quáng và tuyệt vọng đến vậy?

Thật khốn khổ, vị thần trong lòng bà, người chồng tham lam đó không chấp nhận từng ấy vật hiến tế. Ông ta vẫn bỏ bà đến với người phụ nữ khác, một người có thể không yêu ông ta như bà, chịu đựng ông ta như bà và thần phục ông ta như bà đã từng làm…

Vậy là rất có thể, với một số người, mọi sự hi sinh đều vô nghĩa. Sự chịu đựng, chờ đợi, hi vọng giống như đống củi chỉ tiếp thêm mồi cho đám lửa gia trưởng tham lam thêm bùng lên rừng rực.

Chuyện về những kẻ nô lệ của tự do

Mới tiếp xúc, ai cũng thấy em có vẻ rất tự do. Em có thể vừa có chồng vừa đi công tác quanh năm suốt tháng mà chả bao giờ bị anh ấy bảoi: Em ở nhà đi, sinh con đi, hay nấu cơm cho chồng ăn đi…

Nhưng tự do và có vẻ tự do lại rất khác nhau, mặc kệ hình thức biểu hiện của nó như thế nào!

Không ai hiểu vì sao cô gái bé nhỏ, điềm tĩnh và lơ đễnh đó lại luôn bị tự do thôi thúc. Dường như mỗi lần nghỉ ngơi, ở yên một chỗ hay gắn bó với một người đàn ông là em lại thấy hoảng sợ và bấn loạn. Có lẽ em sợ mình lại giống mẹ, lại tiếp tục cảnh sống trong căn nhà mờ mờ, dưới cái nhìn xoi mói, áp đặt của một ông chồng gia trưởng.

Em ngoại tình, thường thì phụ nữ ít nói ra điều đó. Nhưng em thì khác, em cần nói ra, cần đạp đổ mọi thành kiến, mọi bất bình đẳng giữa nam và nữ. Em muốn thoát khỏi cái vỏ bọc nhỏ bé là bản thân mình để vút lên như một cánh diều, dù là giữa cơn bão. Em khẳng định việc tìm kiếm tình yêu, mặc dù đã có chồng, và cười mỉa vào quan niệm “gái chính chuyên” mà người ta vẫn nói. Bị người đời dè bỉu thì sao? Khinh ghét thì có hề gì? Em có thể làm mọi chuyện để cảm thấy mình đang được tự do, để cảm thấy mình khác hẳn mẹ, khác hẳn sự phụ thuộc, chịu đựng và nhẫn nhục của bà.

Nhiều người nghĩ em đã thoát khỏi những ám ảnh trong quá khứ, nhưng đâu phải, những vết thương đó chưa bao giờ liền sẹo. Em khao khát tự do và bị nó chi phối đến từng giây, từng phút. Đời người, bị giam cầm bởi thành kiến cũng khổ, bị chi phối bởi bất bình đẳng cũng đau, nhưng trở thành nô lệ của tự do thì có hơn gì? Em sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu có thể nghỉ ngơi, có thể ở bên một người đàn ông mà mình yêu, mình cần, mà không cảm thấy hoảng sợ, day dứt và thôi thúc kiếm tìm.

Em giống một kẻ nô lệ của tự do, và làm tất cả chỉ để cảm thấy nó đang tồn tại quanh mình. 

Nghĩ đến nỗi đau của em, tôi nhớ đến bác gái cả, đến rổ lạc luộc và vẻ thảnh thơi của bác trong căn hộ tập thể chỉ hơn hai mươi mét vuông. Chẳng thể lí giải được vì sao tôi luôn cho rằng bác là một phụ nữ hoàn toàn tự do trong khi vẫn sắm vai bà nội trợ chính hiệu. Có lẽ bởi vì trong gia đình bác, mọi công việc đều được san sẻ theo kiểu ai giỏi việc gì thì làm việc đó. Bác trai có thể là người kiếm ra tiền, chịu trách nhiệm kinh tế, nhưng bác gái là người giỏi thu ra, vén vào, giỏi quản lý nhà cửa, con cái. Ai làm việc của người đấy một cách vui vẻ, cố gắng và sẵn sàng chia sẻ nếu người còn lại gặp khó khăn. Giả thử, nếu hai bác có đổi vai trò cho nhau được thì tôi chắc chắn rằng họ vẫn thoải mái và yêu thương như thế, chẳng có gì khác biệt.

Vậy nên, cứ mỗi buổi sáng, sau khi chồng đi dạy, bác bắt đầu ngồi trước ti vi cùng rổ lạc luộc và xem phim. Bác bình thản, vui vẻ và hoàn toàn tự do bởi đã luôn được làm điều mình thích, luôn được sống theo cách phù hợp và yêu thương những người cũng thật lòng thương yêu mình.

Hạnh phúc thật sự nằm ở đâu? Em, một người làm mọi việc để tư do hay bác tôi, một người tự do trong mọi việc mình làm?

Những câu hỏi của con gái

Ngày nhỏ, khi phải sớm học cách nội trợ, cơm nước và lo cho gia đình, tôi hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, vì sao con phải nấu cơm còn em thì không?

Và câu trả lời tôi nhận được thường là:

– Vì con là con gái, còn em là con trai.

Nếu tôi hỏi tiếp:

– Mẹ ơi, vì sao con gái phải nấu ăn, còn con trai thì không?

Và bà sẽ luôn trả lời:

– Vì con gái phải lo chuyện trong nhà, còn con trai thì phải lo chuyện lớn ngoài xã hội.

Vậy là, dù chỉ cách nhau có một tuổi nhưng thế giới của tôi và em trai dường như trái ngược hẳn. Trong lúc em vui vẻ chơi với đám bạn ngoài đường thì tôi ở nhà nhặt rau, vo gạo. Còn khi em đi hết biển này đến núi khác thì tôi ngồi trong phòng học khâu vá và cách nhận biết thế nào là một miếng thịt ngon.

Ngày tôi lấy chồng, Mẹ khấp khởi mừng vì đã đào tạo được một cô dâu tốt, biết nội trợ, dịu dàng, ngoan ngoãn. Chắc mẹ nghĩ, phụ nữ chỉ cần cái vốn như vậy để đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc sau này và mãi mãi về sau.

Oái oăm thay, việc nấu ăn ngon, biết may vá và chăm sóc nhà cửa, con cái không giúp cuộc sống của tôi hạnh phúc theo ước nguyện của mẹ. Kinh nghiệm trong chuyện chọn một mớ rau ngon hay chặt một đĩa thịt gà đẹp chẳng thể ngăn cản những biến cố lớn đến với gia đình nhỏ của tôi. Chồng tôi không thành công trong làm ăn nhưng một người được dạy dỗ để chỉ làm công việc nội trợ như tôi khó lòng cùng anh chia sẻ những khó khăn về mặt kinh tế. Vào lúc đó, tôi bắt đầu nghĩ về công việc riêng và những gì mình có thể làm được ngoài phòng bếp và mấy cái toa-lét phải cọ rửa hàng ngày. Rất có thể hai chúng tôi đang tự khóa mình vào một cái khung cố định trong khi bản thân là những tấm hình động và luôn cần không gian để vẫy vùng.

Tôi nhớ đến một câu chuyện, đại thể là như thế này:

Anh chồng thích nấu ăn, nhưng cô vợ lại nghĩ đó là sở thích kì quặc và khó chấp nhận với một người đàn ông nên cả hai rất hay mâu thuẫn. Một hôm, anh chồng rán cá, anh để nguyên con để trang trí lên đĩa cho đẹp, nhưng cô vợ cứ khăng khăng phải cắt đôi rồi mới rán. Cô bảo: mẹ em nói rán cá thì phải cắt đôi mới ngon. Tức khí, anh chồng gọi điện cho mẹ vợ hỏi rõ lý do tại sao cứ phải cắt đôi con cá. Bà trả lời là từ thời mẹ bà đã làm như vậy, nên bà cứ thế học theo. Anh chàng lại tiếp tục gọi cho mẹ của mẹ vợ, tức là bà ngoại của vợ. Cụ cười móm mém, bảo rằng phải cắt đôi con cá rồi mới rán vì ngày xưa nhà nghèo, không có chảo to, nên mới cần làm như thế…

Nghe nói sau khi biết được nguyên nhân khiến con cá phải cắt đôi, vợ anh chàng này không bao giờ khó chịu khi thấy chồng nấu ăn nữa. Cô ấy biết rằng, đàn ông cũng như phụ nữ, đều có thể thích và nấu ăn ngon được như nhau.

Nhìn lại chồng mình, tôi thấy thương cho anh, và cả cho tôi nữa,vì trong khi anh cố gồng mình để làm một người đàn ông – theo tiêu chuẩn đàn ông của nhiều người – thì tôi cũng cố gồng mình để không khỏi thoát cái mẫu người phụ nữ – theo tiêu chuẩn phụ nữ của nhiều người. Chúng tôi đều giống nhau, như con cá bị cắt khúc nằm trong cái chảo định kiến bé tí tẹo, đang cố gắng để tự gắn liền mà không biết rằng mọi việc chỉ là cần chuyển sang một cái chảo rộng hơn.  

***

Tôi đã đọc bài thơ Hỏi của Giả Bình Ao từ nhỏ và cố gắng tìm lại được nó vì rất muốn đọc cho con gái mình nghe:

Hỏi

Mẹ ơi, mẹ bảo quả táo trên cây chín đỏ là nhờ có mặt trời. Thế thì củ cải đỏ lớn lên trong lòng đất vì sao mà đỏ?
Mẹ ơi, mẹ bảo gà trống gáy thì trời sáng, thế sao gà trống chết rồi mà trời vẫn sáng?

Mẹ ơi, mẹ bảo con không nên hỏi mẹ như vậy, vì làm mẹ không bao giờ sai. Vậy thì con cũng sẽ không bao giờ sai, vì sau này con cũng là mẹ.

Thật tuyệt vời, vì con gái chúng ta một ngày nào đó cũng sẽ làm mẹ, và cháu cũng sẽ nhận được những câu hỏi như trước kia tôi từng hỏi. Chỉ có điều, sẽ là một câu trả lời khác hẳn, kiểu như:

– Mẹ ơi, vì sao con phải học nấu ăn?

– Vì rất có thể, một hôm nào đó, chồng con sẽ mệt, và con cần chia sẻ việc nhà với chàng ta, đúng không nào?

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.