Thua Tàu trên mặt trận thông tin?

GS TS Nguyễn Văn Tuấn (Australia)

 

Nhiều khi đọc tin tức từ Việt Nam tôi cảm thấy bức bối, khó chịu và bất lực. Trong khi Việt Nam đang bàn về có nên kiện Tàu ra tòa án quốc tế, thì họ đã làm trước ta. Trong khi các quan chức ngoại giao bận rộn họp báo ở Hà Nội thì ở bên Mĩ họ đã lên đài CNN xuyên tạc ta. Nay Bộ Ngoại giao Tàu cộng còn đệ trình lên Liên Hiệp Quốc rằng Việt Nam khiêu khích họ. Họ toàn nói ngược, nhưng nói trước Việt Nam. Những bản tin như thế làm tôi bực mình vì chẳng biết các quan chức Việt Nam ở đâu mà không “phản công” kịp thời, và để cho Tàu làm trước và tự tung tự tác như thế. Tôi tự tin rằng nếu mình trong vai trò có trách nhiệm mình sẽ làm hết mình để huy động chuyên gia hay chính mình phản bác từng điểm một của Tàu và tận dụng mọi thời cơ và thời gian. Nhưng mình chẳng có vai trò gì, mà chỉ là người xem từ xa, và do đó cảm thấy bất lực.

Thật ra, Việt Nam cũng thua Tàu cộng trên mặt trận khoa học. Trên các tập san khoa học quốc tế, tính đến nay có khoảng 50 bài nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa. Trong số này phân nửa là xuất phát từ Tàu cộng. Việt Nam chỉ có 3 công trình liên quan, và phần lớn chỉ từ Ts Nguyễn Hồng Thao. Tôi tự hỏi mấy người làm về khoa học xã hội trong Viện Khoa học Xã hội ở đâu và làm gì trong mấy chục năm qua? Rất có thể thời gian qua, họ không được quan tâm đến vấn đề này thì cấp trên không cho phép vì đảng vẫn còn “nồng ấm” với Tàu. Cũng có thể họ có quan tâm nhưng vì chưa làm quen với văn hoá công bố quốc tế và văn hoá khoa học, nên tiếng nói từ Việt Nam còn rất hạn chế. Nhưng trong học thuật, chứng từ rất quan trọng, và bài báo khoa học là chứng từ. Thành ra, khi xem xét chứng cứ, giới học thuật sẽ nghiêng về Tàu cộng hơn là Việt Nam.

Tôi nghĩ vấn đề Biển Đông là rất hệ trọng, đòi hỏi phải có sự can thiệp và tiếng nói của cấp cao nhất của Nhà nước. Ấy thế mà các lãnh đạo, ngoại trừ thủ tướng, đều im lặng. Người Tây phương có câu “im lặng đáng sợ” rất thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Trong không khí im lặng đáng sợ đó thì có dấu hiệu đùn đẩy. Ngư dân “được” khuyến khích ra vùng biển tranh chấp để hứng chịu những cú húc của Tàu cộng, và thậm chí chịu chết. Nhà nước không kiện Tàu cộng nhưng đùn đẩy việc làm đó cho… ngư dân! Bao nhiêu thiết bị hiện đại và đắt tiền không phát hiện Tàu cộng đang xây công trình ở Gạc Ma, nhưng ngư dân phát hiện và… tố giác! Người bình thường như chúng ta đọc những tin đó còn phì cười, huống chi là Tàu cộng. Nếu muốn “chơi game” thì cũng nên chọn cách chơi cho sòng phẳng và chính danh, chứ cứ núp ló như thế thì còn gì là thể diện quốc gia. Tàu cộng chúng nó “chơi game” cấp thấp, chẳng lẽ Việt Nam cũng thấp như chúng hay sao?

Trong khi chính quyền tỏ thái độ nhũn nhặn, khiêm cung và núp ló với kẻ thù (có thể xem Tàu cộng là kẻ thù), thì trong nước người đấu tranh chống kẻ thù một cách ôn hòa lại bị sách nhiễu. Đọc lá thư của thi sĩ Đỗ Trung Quân và thư trả lời của nhà văn Nguyên Ngọc tôi rất sốc. Tôi không ngờ một người hiền lành như Đỗ Trung Quân mà bị an ninh giam lỏng như anh mô tả. Đọc thư của nhà văn Nguyên Ngọc tôi mới biết những ai kí tên vào Văn đoàn Độc lập Việt Nam đều bị – không ít thì nhiều – sách nhiễu. Tại sao lại đối xử với người dân mình một cách thù hằn như thế, trong khi với kẻ thù thì lại tỏ ra quá nhẫn nhịn và khiêm cung?

Việt Nam đang thua Tàu cộng trên mặt trận thông tin, và đó là sự thật. Chúng ta thua không phải vì chúng ta bất tài hay thiếu lẽ phải, mà vì những qui trình mang tính thiết chế giới hạn khả năng ứng phó của các quan chức và giới khoa học. Trong môi trường phải chờ “ý kiến cấp trên” thì việc phản bác quá chậm trễ và chẳng có tác dụng gì. Trong môi trường mà quan chức dè dặt và sợ hãi cái ghế của mình thì im lặng có lẽ là lựa chọn duy nhất của họ. Nếu trong môi trường tự do học thuật và tự do tư tưởng, mỗi khi có quan điểm sai trái và bất lợi cho Việt Nam, các học giả ở ngoài có thể phản bác lập tức. Do đó, để không thua Tàu cộng trong mặt trận thông tin, cần phải tháo gỡ những cái gọi là “chờ ý kiến cấp trên” cho giới học thuật, và trả tự do cho các văn nghệ sĩ.

 

Theo FB Nguyễn Văn Tuấn

Comments are closed.