Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 292): Bờ dâu – Nam Dao (11)

Trên bến xe thị xã Kiến Thụy, Huyền đứng đợi với Thành. Sốt ruột, Huyền hỏi anh lái phụ, anh ta đáp, lúc nào cũng một câu ‘‘Tí nữa thôi…’’. Chẳng có giờ giấc gì, khách lục tục, tay xách nách mang lên xe, cứ việc ngồi chờ. Thành nói nhỏ ‘‘Ðám con phe ‘‘đi hàng’’ đấy. Cô lên xe đi, tí nữa sợ không có chỗ ngồi’’. Huyền giúi vào tay Thành một cái phong bì. Thành giẫy lên, trả lại, giọng van vỉ ‘‘Cô cho nhưng cháu không nhận đâu. Cô gặp Dân, cứ hỏi khắc biết cháu với Dân như anh em. Chỉ cần cô nhắn nó thỉnh thoảng cố về làng cho cháu là đủ!’’. Huyền nghiêm mặt ‘‘Nếu là anh em với Dân thì phải để cô đối xử như đối với Dân. Cháu nhận cho cô vui lòng, thật ra quà này là tình nghĩa, có gì đâu cháu phải ngại’’. Nhìn Thành rơm rớm nước mắt, Huyền giục, ‘‘Thôi, cháu về. Giúp cô thỉnh thoảng đến nhổ cỏ mộ bà và mộ ông bác cho cô’’.

Thành vẫn đứng tần ngần cho đến khi xe chạy, đưa cánh tay lành lên vẫy vẫy. Xe đến Hải Phòng. Từ Hải Phòng, Huyền phải bắt xe khách đi Nam Ðịnh. Ðến đó, không hiểu sẽ đi thế nào về Ý Yên. Huyền dựa lưng vào thành xe, nghĩ ngợi miên man. Mẹ chết, nhưng Huyền đã biết trước, vả lại ai già mà không rồi cũng phải vậy. Còn Chính. Với nàng, đúng là sinh ly tử biệt, nhưng vùi xuống đất thì ai cũng thế. Huyền chỉ thắc mắc, tại sao với một con người đã xả thân cho Cách Mạng khi sống, lúc chết lại chỉ còn là một nấm mồ vô thừa nhận? Huyền chua chát, dù thế nào thì Chính chết đã hơn năm năm, không thể viện là chiến tranh ác liệt nữa để bào chữa cho cách đối xử vong ân bạc nghĩa. Nhưng thôi. Ðừng để quá khứ đằng trước. Sau này đi Hưng Nguyên xem sao đã. Bây giờ, là lúc đi tìm Dân. Và nay, có thêm Thắm. Ðó là tương lai. Khi yên ổn, Huyền nghĩ, sẽ cố tìm cho Dân một chiếc chân giả. Huyền nghe nói là với kỹ thuật tiên tiến, lắp chân giả đi không cần chống nạng.

Xế trưa, Huyền mới tới được Nam Ðịnh. Quanh bến xe, nhà cửa tiêu điều. Năm ba thanh niên giắt xe đạp ùa ra vây quanh khách. Thì ra họ đến thồ hàng, xe nào cũng trang bị phía sau một cái poọc-ba-ga kềnh càng bằng gỗ. Huyền vẫy, một anh nhanh nhảu sáp lại. Huyền hỏi, anh ta nhăn mặt ‘‘Ý Yên rộng, cô về xã nào?’’. Huyền nói xã Yên Phong. Anh nheo mắt, ‘‘Xa đấy’’. Mặc cả một lúc, anh ta nhận, hỏi ‘‘Hàng của cô đâu?’’. Huyền mỉm cười lắc đầu. Anh thanh niên chỉ ra sau, nói ‘‘Cô lên ngồi đây, cháu giữ xe, đừng sợ ngã’’. Anh đẩy xe đi cho đến khi có đà, nhảy phóc lên yên, vừa đạp vừa nói ‘‘Ði thế này mất độ hơn một giờ thì tới, cô ạ!’’.

Khi trời nhá nhem, Huyền đặt chân vào xã Yên Phong. Xốc tay nải lên vai, nàng bồi hồi, tưởng tượng Dân như Nhân, cũng dong dỏng cao, chỉ thiếu một cái chân. Vào ngay căn nhà đầu tiên, Huyền hỏi thăm một ông cụ đang ngồi đan rổ:

– Cụ cho cháu hỏi thăm nhà cô Thắm!

Ngước lên, ông cụ móm mém hỏi lại:

– Cái Thắm? Có phải cái Thắm nhà bà Lý Văn không?

Huyền không biết, nhưng cứ gật đầu, thầm nhủ không phải thì hỏi lại. Ông cụ đứng dậy bước ra thềm nhà. Húng hắng ho, ông khàn khàn:

– Bà đi về phía này! Tay chỉ, ông nói tiếp – cứ đi đến cái miếu thờ Thành Hoàng thì bà rẽ trái, nhà thứ ba là nhà Lý Văn…

Cám ơn ông cụ, Huyền tất tả bước. Dân lấy vợ thế là đã suýt soát ba năm, Huyền tính nhẩm. Chẳng hiểu con cái thế nào? Còn Thắm, năm nay bao nhiêu tuổi? Huyền nóng lòng, đi như chạy. Rẽ trái. Một, rồi hai. Ðây là căn nhà thứ ba, ngoài có một hàng dậu thưa xiêu vẹo. Huyền gióng tiếng:

– Cho tôi hỏi bà Lý Văn?

Trong nhà có người đáp:

– Ai đó? Chờ một tẹo…

Huyền đẩy cánh cổng khép hờ. Một bà cụ lưng đã còng chống gậy quờ quạng bước ra. Bà ngước cặp mắt đỏ hoe, hấp háy như hỏi. Huyền vội vã:

– Bà là mẹ của cô Thắm?

– Không, tôi là bà cái Thắm…

Huyền mừng rỡ:

– Bà ơi! Cháu là mẹ của cháu Dân đây?

– Ối giời ơi! Bà cụ kêu như thét lên, tay nắm lấy Huyền, lắp bắp – thật thế hả!

Từ cặp mắt đã lòa, nước mắt bà tuôn ra. Linh tính báo Huyền một điều gì đó chẳng lành. Bà cụ kéo Huyền vào nhà, vừa đi vừa ấm ức:

– Chúng nó đi cả rồi, bà ơi!

Huyền lặng người đi. Hai hàng nước mắt bà Lý như lớp băng tan cuốn trôi nỗi hân hoan nàng ấp ủ. Bà cụ lặp lại:

– Chúng nó đi cả, bỏ tôi một mình rồi… bà ơi!

Tối hôm đó, Huyền hỏi bà lý Văn. Sau giải phóng được gần một năm, Dân tìm được Thắm, sau Tết thì hai người làm đám cưới. Thuở đó, Dân tiếp tục học, một hai tháng mới về Ý Yên một lần. Ở làng, Thắm đi làm đồng trong Hợp Tác Xã. Tiêu chuẩn tem phiếu không đủ, Thắm xoay sang làm thêm ở lò gạch. Bà Lý kể, cha Thắm hy sinh ở Ðiện Biên Phủ. Mẹ Thắm bỏ đi bước nữa, để hai đứa con cho bà nội. Em trai Thắm đi bộ đội rồi đào ngũ. Cả làng xúm lại lăng nhục gia đình bà đến nỗi Thắm gạt nước mắt, xin đi Thanh Niên Xung Phong. Thắm an ủi bà ‘‘Như thế để gỡ danh dự rồi mới sống được với làng xóm, bà ạ! Họ ác lắm!’’. Bà thở dài ‘‘Nó đi như thế hơn bốn năm, về thì còn lành lặn, nhờ ơn Giời Phật’’. Phần thằng em Thắm, sau nó đi buôn chè, buôn sắn, bị bắt đưa đi cải tạo ở đâu bà cũng không biết. Thắm về, lấy chồng, bà đã tưởng được yên thân đợi ngày về với ông bà ông vải. Rồi Thắm có chửa, không cưu mang được công việc, nhà túng bấn, bữa đói bữa no. Thuở đó, Thắm hay lên cơn đau bụng, y tá ở trạm Y Tế xã bảo thế là bình thường. Ðâu chửa đến tháng thứ bảy, sau những cơn đau bụng là tử cung ra máu. Thắm nhịn đau, giấu bà, giấu Dân. Hôm Thắm chuyển dạ, Dân không có đó, vẫn ở trên Hà Nội. Ðêm hôm nên chưa kịp đưa đến trạm Y Tế, Thắm đẻ.

Kể đến đó, bà lý ôm lấy mặt, sụt sùi, không nói được nữa. Lát sau, bà kêu, giọng não nề:

– Giời ơi là giời! Nó không phải là người. Không chân, không tay, chỉ có cái đầu méo mó, chẳng biết đâu là mắt, là mũi. Còn cái mồm, thì loe ra như mõm cá trê… Tôi lau cho sạch, nó thoi thóp, chắc là thở… Con Thắm nhà tôi nhìn cái bào thai rồi cứ thế khóc, cả ngày lẫn đêm. Mấy hôm sau, đợi đến nửa đêm, nó bọc cái bào thai không mang hình dạng con người lẻn trốn, viết lại hai hàng chữ ‘‘Bà tha lỗi cho cháu, anh Dân tha lỗi cho em’’. Khi Dân về, đọc được, Dân chống nạng đi từ đầu làng tới cuối làng gọi tên Thắm đến khản cổ. Vô vọng, Dân chửi ‘‘Cha tiên nhân chúng mày!’’, không biết là chửi ai. Vài ngày sau, Dân bỏ đi, nói với bà Lý ‘‘Con đi tìm nhà con’’. Nhưng Dân không còn bình thường, lúc nhớ lúc quên, đêm ngủ lắm khi la thét như phát điên. Thanh niên trong làng phải cột Dân vào chiếc chõng, rồi cho người lên Hà Nội tìm vợ chồng Cự. Vốn là những người độc nhất gần gụi Dân, họ về ngay và đưa Dân đi chữa trị…

Bà Lý lại không kìm được, thổn thức:

– Thế là đã gần hai năm nay rồi, chúng nó bỏ đi cả! Ði đâu? Tôi cũng chẳng biết!

Giời hỡi! Huyền nghiến răng. Dân ơi, con đang ở chốn nào rồi? Huyền muốn chết, chết vì bất lực, chết vì chẳng làm gì được để thay đổi cái cuộc sống khốn nạn này. Nàng lấy hết nghị lực, cầm tay bà Lý, nhưng không nói được gì. Có lẽ lâu lắm bà Lý mới khóc được với một người dính vào kiếp mình qua cái sợi dây định mệnh khắc nghiệt của con, của cháu. Bà chúi đầu xuống khóc vùi, khóc mãi, cứ thế khóc cho đến sáng.

Ðêm đó, là một trong những đêm dài nhất trong đời Huyền.

*

Về đến Hà Nội, Huyền đi thẳng lại trụ sở công an thành phố. Nộp đơn xin đi thăm Nhân ở trại cải tạo Tân Lập ngay từ khi ra Bắc, Huyền hy vọng có phép đi thăm nuôi. Ðầu óc rã rời, Huyền ngồi ở phòng đợi, cơ thể ê ẩm đau như giần. Một nhân viên ra gọi tên. Huyền vào, lòng thấp thỏm. Người sĩ quan ngồi sau bàn giấy chỉ cho Huyền ngồi xuống, giọng nhẹ nhàng:

– Ðơn xin của bà không được trên chấp nhận. Một lẽ, là khi bà xin đi phép ra Bắc, bà chỉ ghi nguyện vọng về thăm làng xã. Lẽ thứ hai, vấn đề an ninh hiện hơi gay!

Thất vọng, nhưng Huyền không còn sức để buồn. Nàng đứng lên, biết xin xỏ gì cũng vô ích. Huyền gọi xe xích lô về thẳng nhà Khiêm. Chỉ có thằng bé Phương ở nhà. Nó lại ‘‘Cháu chào bác ạ!’’. Huyền xoa đầu nó, không nói không rằng ngả mình xuống chiếc giường sau cánh màn buồng trong. Nàng nhắm mắt, lát sau không còn biết gì nữa.

Buổi tối, nàng kể chuyện về Dân rồi nhờ Khiêm hỏi dò chỗ ở của Cự ở Phúc Xá, hy vọng tìm ra Dân. Khiêm đích thân lên Phúc Xá, nhưng Cự và Xuân không còn ở đó nữa. Căn nhà của họ nay được phân cho một gia đình khác, đều từ B ra nên không hay biết gì. Huyền thất vọng, biết mình chẳng làm gì hơn được. Ngày hôm sau, mới tờ mờ sáng, Huyền đi cùng Khiêm ra ga Hàng Cỏ mua vé xe về Sài Gòn. Trước quầy vé, một đoàn người xếp hàng, chen chúc, đứng ngồi trước sau những cục gạch. Khi hàng nhích lên, chủ nhân cục gạch đến lấy chân đẩy nó, xong lại ra đứng dựa cột chuyện trò hay phì phèo thuốc lá, mắt nhìn đám người mua vé chẳng chút thiện cảm nào. Huyền còn ngạc nhiên thì Khiêm thì thào, đầu vẫn lại quay về phía sau, ‘‘Đám ‘‘đầu gấu’’ đấy, đừng có đụng vào chúng nó’’. Một thằng bé chạc mười hai, mười ba đến gần trâng tráo ‘‘Ông bà mua vé, cháu có’’. Huyền hỏi:

– Vé vào Sài Gòn, nhưng ghé Vinh chặng đầu, có không?

Thằng bé cười:

– Vé lên trời cũng có bà ạ!

Nhìn hàng người nối đuôi nhau dài ra đến cửa ga, Huyền gật đầu. Thằng bé bảo ‘‘Ông bà theo cháu’’ rồi lỉnh đi trước. Quanh co trong những cái ngõ hẹp nằm cạnh ga, lát sau Huyền và Khiêm đến trước một căn nhà. Thằng bé bảo ‘‘Ðại lý vé ở đây’’ rồi gọi to. Một người thò đầu ra. Giá vé tùy, đi ngay rất đắt. Ngày đi càng xa, giá càng rẻ. Cắt thành chặng, phải thêm tiền. ‘‘Cái gì cũng có giá của nó, ông bà ạ’’, ông đại lý vé vừa rê râu mép, vừa cười vừa nói. Ông ta dọa, ra mua ở quầy vé trong ga thì tháng sau mới có chỗ. Huyền gật đầu, mua vé đi ngày mai, đến Vinh ở ba ngày rồi mới tiếp tục về Sài Gòn. Ông đại lý hỏi ‘‘Bà có hàng không, hay chỉ người?’’. Huyền đáp, ông ta vờ vĩnh bảo chờ. Mươi phút sau, ông ra giá. Ðể mặc cho Khiêm mặc cả, Huyền chán nản ra cửa chờ.

Sau khi mua vé, Huyền để Khiêm đi làm, tản bộ dọc hồ Hoàn Kiếm. Men phố Hàng Ðào, nàng đi về phía chợ Ðồng Xuân. So với thời nàng làm công tác dân vận cách đây ba mươi năm, chợ vẫn vậy, có phần cũ đi. Người đi lại đông hơn, và ở vài ngã tư, một đám thanh niên đeo băng đỏ đứng, cạnh là bảng Thành Ðoàn và một băng vải trắng có kẻ chữ ‘‘Bảo vệ nếp sống văn minh’’. Họ thỉnh thoảng lại thổi còi, chặn cả người đi lẫn người đạp xe đạp. Họ nhìn ống quần, tóc tai. Nếp sống văn minh không chấp nhận quần loe, tóc dài. Họ túm lấy bọn trẻ, quát đứng yên, rồi họ xẻ ống quần nếu rộng quá hai mươi phân. Hoặc lấy kéo cắt xoẹt những mái tóc nam họ cho là dài. Huyền đứng lại nhìn. Nàng buồn nôn, tay đưa lên miệng. Một đoàn viên quát ‘‘Bà kia, đi ngay. Ðứng đó cản trở giao thông à?’’.

Huyền cuống lên, chân bước trong cơn mộng du, đi như bay trên mặt đất. Hà Nội bỗng xưa hẳn đi, lùi về thời Chúa Trịnh – Vua Lê. Ðám kiêu binh nghênh ngang giữa ban ngày ban mặt, tay dao tay kéo, hò hét nạt nộ. Chợ náo loạn. Có tiếng thét, tiếng khóc, tiếng chửi. Những người bán rong đứng lên cắp rổ, mắt nhớn nhác, chân trước chân sau. Thình lình, trời sập tối, tiếng đồng thanh kêu lên: ‘’Mặt trời bị con gấu nó ngoạm mất rồi!’’. Kiêu binh hùng hổ ‘’Gấu đâu? Ðồng bào, ai có dao dùng dao, ai có súng dùng súng…’’. Tiếng sấm động ì ầm. Rồi tiếng sét. Ánh sáng chợt le lói. Kiêu binh rống lên ‘‘Gấu đang nhả mặt trời. Chỗ nào cần, thanh niên có, chỗ nào khó, có thanh niên’’. Ðến khi mặt trời ra khỏi mõm gấu, tất cả, từ bà bán rong cho đến chị chạy chợ, anh xích lô, tất cả bất động như tạc bằng sáp nến. Người nói chưa hết câu, mồm vẫn mở, nhưng không ai nghe thấy gì. Kẻ vừa cầm con cá lên đưa cho người mua, tay cứng đơ, mặt đờ ra, chỉ con cá là cứ giẫy lên, giẫy mãi mà không chết. Huyền cắn thử vào môi. Không đau, nhưng nàng cảm thấy người mình lạnh như hóa đá. Nàng lại cắn môi. Một lát sau, nàng thấy mằn mặn. Thế là máu chảy. Huyền co chân, người lạng đi. Vậy, tức di chuyển được. Nàng cắm cúi đi, qua Quán Thánh, đến phố Châu Long.

Nhà cửa hình như dần dần lấy lại sinh khí. Trên trời, chim đã bay. Nàng tiếp tục bước, sau Trấn Vũ là đến Ngũ Xá, nơi nàng dấn thân vào Cách Mạng tháng Tám. Hồ Trúc Bạch vẫn đó, chỉ khác là nay đầy bèo, hôi hám mùi rác rưởi đổ ven hồ. Huyền lên đầu đê. Phía kia là bãi Phúc Xá. Và ẩn hiện trong bóng cây, mái chùa Hòe Nhai, nơi nàng suýt chết những ngày đầu giành chính quyền để khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Huyền không cưỡng lại được một quyền lực vô hình thôi thúc nàng bước vào cổng chùa. Qua chiếc sân gạch nay đã bị cậy lên, nàng leo lên Tam quan. Một thanh niên tay quấn băng đỏ giơ tay ra chặn. Nàng nhìn, hóa ra là một tên lính Tam Phủ. Lịch sử thêm một lần lùi lại với vận tốc chóng mặt. Tên lính lại đơ ra như làm bằng sáp, để nàng lần vào nơi nhà sư quay mặt vào tường ngồi thiền. Nhà sư vẫn đó, bất động. Huyền nghe ai gọi tên mình. Quay lại, trời ơi, đó là Diệp, người con gái có ngón đàn mê hoặc ngày xưa đã mang về cho Cách Mạng cả xe khí giới của binh lính Nhật. Huyền hỏi ‘‘Thế Diệp chưa đi à?’’. Diệp lắc đầu, ‘‘Không, em chưa đi được!’’. ‘‘Tại sao thế, hả?’’. Diệp ngồi xuống so dây, gảy một tiếng đàn, rồi hát nho nhỏ. Nâng Diệp lên, Huyền dịu dàng vuốt tóc, nghe Diệp thì thào một điều gì thế gian không hiểu, rồi chỉ tay về phía bên kia sông Hồng.

Thân như bay bổng lên trong gió cuộn quanh mình, Huyền lượn trên dòng nước đỏ phù sa, dật dờ tựa cánh bướm trong một cơn dông lạ. Nàng đáp xuống cạnh đền Ngọc Sơn. Một vị sư già áo xám ra nhìn, tay xua, miệng nói nhưng Huyền không nghe thấy gì. Lùi đến sát bờ nước, Huyền chực ngã thì một đứa bé ở đâu xô ra nắm lấy áo. Bà già áo vàng đứng cạnh nhìn nghiêm nghị, bảo ‘‘bây giờ là lúc không được ngã, vì ngã thì chẳng bao giờ đứng dậy được nữa’’. Con chim chào mào vuột khỏi tay đứa bé bay vù lên. Nó gọi, chim đảo một vòng rồi đáp xuống lưng Rùa thần mới nổi lên không biết tự lúc nào. Trên mu Rùa, một người búi tó, quần áo toàn trắng, tiếng còn tiếng mất, ngâm những câu thơ nghe như khóc. Con chào mào xà xuống tay đứa bé. Ngửng lên, nó giục, ‘‘Bà ơi, về thôi! Chẳng khác gì khi xưa, Hà Nội vẫn vậy, chẳng hiểu sao cứ chỉ biết lập đi lập lại những ác nghiệp!’’.

Khi Huyền mở mắt ra, không còn ai. Trừ anh thanh niên tay quấn băng đỏ. Chỉ tay về phía cổng chùa, anh gằn giọng ‘‘Bà ra ngay! Nơi này ai không phận sự, cấm vào’’.

Comments are closed.