Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 68): Trần Doãn Nho – Vết xước đầu đời

VẾT XƯỚC ĐẦU ĐỜI

Qua khỏi đoạn đường đất rợp bóng tre, là con đường rải nhựa. Đứng ở ngã ba, chú Tâm chỉ về phía xa, nơi con đường như một gạch thẳng chạy suốt qua các đồng lúa hai bên:

– Đường này về đâu, cháu?

Lan đáp:

– Về chợ Bao Vinh.

– Thế à? Chú chưa hề biết con đường này.

Lan ngước mắt nhìn lên:

– Chú sinh trưởng ở đây mà.

– Ờ, nhưng chú ở phố. Ngay ở phố, nhiều con đường chú cũng chưa hề đi bao giờ.

– Cháu cũng tệ lắm. Chỉ biết đường đến trường, đường về chợ và vài đường đi về nhà o, nhà dì. Cháu hiếm khi đi đâu xa.

– Cháu có xe đạp mà?

– Dạ, nhưng mẹ cháu không cho đi nhiều.

Giọng Lan có vẻ buồn. Chú Tâm hơi nghiêng đầu, cúi xuống nhìn Lan. Lan quay đi, nhìn phía xa. Chú Tâm hỏi:

– Chú cháu mình đi uống cà phê nhé.

Lan lắc đầu:

– Không, cháu không biết uống cà phê.

– Thì cháu uống nước, còn chú uống cà phê vậy.

– Nhưng…nhưng mẹ cháu không chịu đâu. Mẹ cháu nói con gái đừng có đi vào quán nước. Như thế là không đứng đắn.

– Ừ. Thì thôi. Chú cháu mình đi dạo vậy.

Hai người đi qua đoạn đường hẹp, đầy ổ gà. Hai bên đường không có ruộng lúa như phần đường bên kia ngã ba. Chỉ có những ao, hồ, cỏ dại và những loại cây chẳng ai biết đến. Xế chiều, nắng vàng rực. Khói lam. Màu hoàng hôn thấp thoáng. Lan bước đi bên chú Tâm, ngập ngừng, lấn cấn. Lan đi bộ trên con đường này nhiều lần, nhưng không hề đi dạo như thế này. Lại chẳng bao giờ đi với một người đàn ông. Chú Tâm cao, Lan thấp. Giọng chú ngọt và ấm. Cách nói của chú cũng khác thường, đôi khi hơi lạ và khó hiểu. Đàn ông hiềm khi tốt lắm, mẹ nhiều lần bảo Lan thế. Phải luôn luôn dè chừng với đàn ông. Chú Tâm đàn ông, nhưng là bạn của mẹ. Vậy thì hề gì, Lan nghĩ.

– Cháu nghĩ gì thế? Giọng chú Tâm nghe dịu dàng.

– Không, không có gì cả. Cháu không biết nghĩ.

Chú Tâm cười:

– Muời sáu, mười bảy tuổi mà không biết nghĩ. Vậy là biết mơ.

– Không, mơ cũng không.

– Không mơ thì cháu sống bằng gì nào?

– Cơm, cá và mẹ.

Chú Tâm cười ha hả, bàn tay chợt bóp nhẹ vai Lan. Lan né người tránh, hơi khó chịu. Chú Tâm nói:

– Cháu làm như cháu mới có ba, bốn tuổi không bằng.

Lan nhìn lên:

– Vậy thì phải sống bằng gì bây giờ?

– Ước mơ. Tuổi của cháu là tuổi ước mơ. Thiếu ước mơ, cuộc đời vô nghĩa lắm. Tuổi chú là tuổi mọi giấc mơ đều tan tành, nhưng chú vẫn mơ.

Lan bâng khuâng:

– Ừ, hình như cháu cũng có ước mơ, nhưng không rõ ước mơ gì. Còn chú, chú mơ gì mà tan tành dữ vậy?

– Nhiều, nhiều lắm. Có lẽ vì tuổi trẻ của chú rộng đường hơn tuổi trẻ của cháu. Thời của chú vui hơn.

– Nhưng tại sao lại tan tành?

– Thì vui thời kỳ đầu lúc còn trẻ, nhưng sau đó thì chiến tranh, loạn lạc, thay ngôi đổi chủ, tù đày, chia ly…

– Chú cũng là “ngụy” chứ gì?

– Ờ, thì đương nhiên là “ngụy” rồi. Thì cháu cũng “ngụy” mà!

Lan cười:

– Cháu là con bác Hồ. Hồi nhỏ cháu vẫn hát “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ” mà chẳng bao giờ gặp cả.

Chú Tâm cười theo:

– Cháu nên chớ mơ thì khác với ước mơ nhé. Cháu nằm mơ thấy bác Hồ, còn ngày xưa chú mơ trở thành bác Hồ.

– Làm bác Hồ thì có gì vui mà chú mơ?

– Mơ thành bác Hồ cũng như mơ thành vua vậy thôi.

Lan lại cười:

– Hèn gì mà đời chú chẳng tan tành. Mẹ cháu dặn đừng có mơ mộng bậy bạ. Mơ nhiều, khổ nhiều. Mẹ khổ vì hồi xưa mẹ hay mơ.

Chú Tâm chợt dừng lại, nhìn Lan. Chú đưa bàn tay ra như muốn nắm tay Lan. Nhưng rồi chú rút tay lại. Chú nói:

– Mẹ cháu hơi khắc khe đấy nhé. Mơ nhiều thì khổ, nhưng khổ nhiều không phải vì mơ đâu. Mà lại, làm sao cấm cháu mơ được. Chú biết cháu có mơ đấy, mơ nhiều, nhiều hơn chú và mẹ hồi xưa nữa. Càng khó, càng mơ, càng cấm càng mơ.

Lan im lặng ngẫm nghĩ rồi nói:

– Ừ, để cháu nhớ thử xem.

Hai người đã đi hết đoạn đường từ ngã ba đến bến xe. Chú Tâm hỏi:

– Chú cháu mình qua cầu rồi rẽ lên phố chơi.

– Đi bộ lên phố à?

– Thế cháu muốn đi xe lam?

– Không, mình trở lại đi chú. Mẹ cháu không thích như thế đâu.

– Đi chơi với chú thì có sao đâu mà sợ mẹ.

– Không được. Chú là đàn ông.

Chú Tâm cười:

– Đàn ông thì đã sao. Chú là chú mà. Chú là bạn của mẹ, chứ có phải là bạn của cháu đâu.

Lan quay bước

– Trở lại đi chú.

– Ơ, kỳ thật cái cô bé này!

Nói thế nhưng chú Tâm cũng quay lại. Chú định cầm tay Lan, nhưng Lan tránh. Bàn tay chú chạm nhẹ trên cánh tay cô. Cô rùng mình.

Nắng tắt. Cả vùng ngoại ô lặng xuống. Cây cối như kết vào nhau thành từng chòm, rải rác. Hai người im lặng bước đi. Lan cố đi chậm lại đàng sau. Tự nhiên, cô cảm thấy bối rối. Chú Tâm bước, dáng cao lớn, chênh vênh như muốn ngã về phía trước. Lan có cảm giác như cả một khoảng trời chao đảo theo bước chân chú. Chú, đàn ông trông vững, lớn và đáng tin cậy. Khác với mẹ. Mẹ bao dung, chu đáo, nhưng có cái gì không ổn. Bao giờ mẹ cũng thu vén, tém tủm, tránh trút. Mẹ ngăn, mẹ chặn. Trước và sau. Mẹ sợ mọi thứ. Mẹ đúng, dĩ nhiên. Nhưng Lan buồn.

Chú Tâm dừng lại, dịu dàng:

– Cháu không muốn đi nữa hay cháu sợ mẹ?

– Không, cháu không thích đi xa.

Chú Tâm chép miệng:

– Vậy thì chúng ta về.

Lan dừng lại. Đột nhiên cô chưa muốn về.

– Trời nóng quá, Lan than.

Chú Tâm đề nghị:

– Hay chú cháu mình đi dọc theo cánh đồng bên kia nhé. Cảnh hoàng hôn trên đồng ruộng đẹp quá. Còn sớm mà. Giờ này mẹ đi dạy về chưa?

– Rồi. Giờ này mẹ đang nấu cơm.

Hai người lại bước tiếp về phía cánh đồng. Lúa, gió và mùi thơm. Chú Tâm nói:

– Hôm trước, khi tìm về nhà cháu, chú đi lạc tận đoạn đường này.

– Chú xa Huế bao lâu rồi mà trông bộ quên hết thế.

Chú Tâm bước chậm lại chờ Lan.

– Xa lâu lắm. Hơn nửa cuộc đời chú. Thôi học, lang thang ở Sài Gòn, đi lính, lấy vợ tận Vĩnh Long, rồi ở tù.

Lan cười:

– Một nửa cuộc đời mà sao nghe chú nói gọn gàng thế. Nghe như mấy lần chú kể chuyện đi uống cà phê.

– Cuộc đời nào rồi thì cũng gọn thế thôi. Chỉ có những suy nghĩ của mình là rắc rối. Chú nghiệm, cái gì chưa tới thì tuế toái, phiền phức, còn cái gì qua rồi thì bao giờ cũng lớp lang, thứ tự y như có ai đó đã sắp xếp trước cho mình vậy.

Lan không hiểu lắm, nhưng cố lắng nghe. Lan hỏi:

– Ý chú muốn nói cái số…

– Ừ, cái số… không hẳn thế, ý chú muốn nói khác một chút. Cuộc sống nó đơn giản…

– Mẹ cháu hay nói cái số. Với lại, lúc nào mẹ cháu cũng nói “nếu mà”, “nếu mà”…Nếu mà hồi đó, mẹ đừng làm cái này hoặc mẹ làm cái kia chẳng hạn, thì bây giờ thế này thế nọ. Riết, cứ thấy mẹ quanh quẩn với cái hồi đó. Hồi đó, có chú, có ba…

– Cái “hồi đó” nào cũng giống nhau thôi. Hồi đó, mẹ cháu cũng như cháu, muời bảy mười tám, mơ mộng, yêu đời và yêu chú.

– Cháu biết, mẹ cháu thương chú nhất. Mẹ viết trong nhật ký. Nhưng chú không yêu mẹ, chú bỏ đi. Mẹ nói chú bạc tình.

Lan có cảm giác như chú Tâm thở dài. Chú nói:

– Cứ xem như thế đi. Hoặc chú hoặc mẹ cháu, có một kẻ bạc tình.

– Bạc tình. Cái chữ nghe thấy sợ. Theo cháu, chú lấy vợ, mẹ lấy chồng, thế là xong, đâu có chuyện gì nữa.

– Cháu nói như trong cải lương, chú Tâm cười.

Chú Tâm thọc hai tay vào túi quần. Lan vòng tay trước mặt, đi ngang hàng. Tự dưng, cô thấy chú Tâm gần gũi hơn một chút. Và cảm thấy thú. Đi dạo bên cạnh một người đàn ông, Lan có nhiều cảm giác hơn đi với mẹ hay với các bạn gái. Một đôi khi, trên đường đi học về, có vài ba đứa con trai rà xe theo hỏi han lẩm cẩm, Lan thấy sợ, nhưng cũng thích. Không có ai theo, cũng trông. Nhưng nghĩ đến cái chuyện có một người yêu hay một người bạn trai, cô sợ. Cô không hình dung nỗi cái loại quan hệ ghê gớm đó.

Chú Tâm đi sát bên Lan. Lan hỏi:

– Vợ con chú đâu?

– Bỏ chú hết, từ khi chú còn ở trong trại cải tạo.

Lan kêu lên:

– Đến thế lận à!

– Ừ, đang ở tù mà được ra tòa hai lần để ly dị

– Vợ chú đòi ly dị à?

– Chả lẽ chú đòi? Chú đang ở trong tù mà!

– Vợ chú thương ai khác sao?

– Ừ, tay tài xế lái xe cũ của chú.

– Trời, ghê gớm thế!

– Cũng không ghê gớm lắm đâu. Mọi chuyện đều có lớp lang cả.

– Chú có buồn không?

– Quen rồi cháu à. Buồn không nuôi mình sống được.

Lan thở dài:

– Thế mà mẹ cháu lại sống bằng nỗi buồn, mới lạ. Đôi khi cháu tưởng là nếu không buồn, mẹ cháu không sống được.

Giọng chú Tâm bỗng nghe xa vắng:

– Cũng nên thông cảm cho mẹ cháu. Không phải mẹ cháu sống bằng nỗi buồn đâu, mà bằng kỷ niệm đấy.

– Chẳng hề thấy có bóng ba cháu trong kỷ niệm của mẹ. Nên cháu biết về ba cháu rất lờ mờ. Hình như ông bị máy bay cán chết.

– Ba cháu bị cánh quạt máy bay trực thăng, à quên, máy bay lên thẳng, đụng phải khi đi hành quân.

– Khiếp thật! Lan la lên.

Lan cảm thấy lành lạnh. Gió bây giờ lồng lộng. Cô đi sát thêm vào chú Tâm. Chú Tâm chợt ôm vai cô. Cô để yên

– Gió quá chú ơi.

– Cháu lạnh à? Tội nghiệp cháu, mất ba sớm.

– Không phải đâu. Tuy không có ba nhưng mẹ cháu lo cho cháu đầy đủ lắm. Mẹ đi dạy, mẹ đi buôn, mẹ làm vườn. Có điều…

– Sao?

– Mẹ khó…

Chú Tâm an ủi:

– Không phải mẹ cháu khó đâu. Mẹ cháu thương cháu đấy.

– Mẹ thương, nhưng mẹ không hiểu cháu.

– Mẹ cháu hiểu cháu, chú biết mà.

Lan đẩy nhẹ chú Tâm ra.

– Không. Mẹ chỉ biết có mẹ thôi.

Lan cắn môi. Cô muốn khóc. Trời sẫm. Đường vắng. Cô bỗng muốn ngã vào lòng chú Tâm. Nhưng cô giật mình, nhẹ gỡ bàn tay thô nhám của chú Tâm vừa đặt lên bàn tay nhỏ nhắn của cô. Mùi áo quần từ nơi chú Tâm tỏa ra khiến cô ngây ngấy. Cái mùi lạ hoắc! Thơm không thơm, hôi không hôi, lại nồng nồng. Cô bồn chồn, lạc dạ, quay mặt đi chỗ khác.

Chú Tâm nhìn cô, ôn tồn:

– Chú có con, chú biết. Cha mẹ bao giờ cũng muốn cho con mình luôn luôn sống hạnh phúc.

Giọng Lan nghe tỉnh khô:

– Cháu không hạnh phúc.

– Mà cháu muốn gì nào?

– Ước mơ, như chú nói.

– Có ai cấm cháu ước mơ.

– Có. Mẹ cháu.

– Cháu nói không đúng đâu.

– Đúng. Ước mơ là ở trong đầu mình.Mình thích thì ước mơ, mẹ cháu làm sao cấm.

Lan ngẩng mặt lên:

– Chẳng lẽ cứ ước mơ rồi để luôn trong đầu ngày này qua tháng khác hay sao!

– Vậy cháu muốn mơ thành thực hay sao? Sự thực buồn lắm cháu.

– Buồn cũng được. Đau cũng được. Cứ nghe người ta nói cuộc đời này nọ, đỏ đỏ xanh xanh vàng vàng mà rồi y như chuyện cổ tích, kể xong rồi hết. Cháu không ham làm công chúa, cháu chỉ muốn có cái gì mà cắn một miếng, nhai một miếng. Còn không thì cầm trong tay một chút thử xem sao.

Chú Tâm dừng lại, nhìn chăm Lan.

– Cháu muốn cắn, muốn nhai cái gì. Chú không hiểu.

Giọng Lan tỉnh queo:

– Cắn chú chẳng hạn.

Chú Tâm cười:

– Đâu có khó gì. Đây, cháu có thích thì cắn đi.

Chú Tâm đưa cánh tay ra. Trong một cử chỉ đột ngột, Lan không ngần ngại gì, ôm cánh tay chú Tâm, cắn một miếng. Chú Tâm kêu “ái” một tiếng, rút tay lại. Lan buông ra, giọng lắp bắp:

– Cháu…cháu…xin lỗi chú. Cháu định thử…thử nhẹ thôi.

Chú Tâm im lặng, nhìn Lan lạ lẫm. Lan nhìn vào mắt chú:

– Chú tha lỗi cho cháu.

Chú Tâm không nói gì. Bóng hoàng hôn làm khuôn mặt chú sẫm lại. Lan không rõ là chú có giận hay không. Một lát, chú nói, giọng như nhỏ hơn bình thường:

– Trời tối rồi, thôi ta về, cháu.

Lan lẵng lặng đi, người bần thần. Cô kéo cổ áo lại, che ngực. Thấy chú Tâm yên lặng bước, cô hỏi:

– Chú giận cháu đấy à?

– Không đâu.

– Chú không giận, nhưng trông bộ chú chẳng hiểu cháu tí nào, phải không?

Chú Tâm có vẻ lúng túng:

– Ờ, chú không hiểu. Mà chắc có hiểu, nhưng …để chú suy nghĩ đã.

Lan thấp giọng:

– Mà…cháu cũng chẳng hiểu cháu nữa.

Chú Tâm bước nhanh hơn. Lan hỏi:

– Chú đói bụng à?

– Không, nhưng về thôi cả mẹ cháu đợi.

Lan cười:

– Thế là đến phiên chú sợ mẹ cháu.

Chú Tâm im lặng bước. Bóng tốì nhòe nhòe trên dáng chú. Lan thay đổi đề tài:

– Từ ngày có chú về, mẹ cháu thay đổi hẳn.

Đang suy nghĩ gì đó, chợt nghe Lan nói thế, chú quay lại:

– Cháu nói…mẹ cháu sao?

– Cháu nói mẹ cháu thay đổi hẳn khi có chú về. Hẳn mẹ cháu còn thương chú lắm. Như ngày xưa vậy.

Lan tránh không dùng chữ “yêu”. Chú Tâm nói:

– Chú cũng thấy thường thường vậy thôi. Cái gì cũng muộn màng cả rồi.

Lan nói tiếp ý nghĩ của mình:

– Mẹ cháu độ rày chịu khó ăn mặt hơn, tiêu tiền nhiều hơn. Thỉnh thoảng cháu còn nghe mẹ cháu hát nữa. Trước đây, cứ nhìn mẹ cháu là cháu thấy rầu. Khuôn mặt khi nào cũng như đưa đám, hiếm khi cười.

– Tội nghiệp mẹ cháu. Mẹ cháu đôn hậu quá, chân chính quá, nên khổ.

– Mẹ cháu nói mẹ cháu khổ vì mơ mộng. Theo cháu, mẹ khổ vì mẹ thích khổ, thế thôi.

Chú Tâm cười:

– Ai lại thích khổ bao giờ.

– Thương chú, mẹ khổ. Lấy ba, mẹ khổ. Ba mất, mẹ cũng khổ. Có con, mẹ khổ. Con lớn, mẹ cũng khổ. Nhìn đâu mẹ cũng thấy khổ. Chẳng rõ, chú về đây, mẹ vui được bao nhiêu hôm rồi chưa chừng cũng lại thấy khổ. Mai kia mốt nọ, chú ra đi rồi, mẹ lại khổ thêm.

Chú Tâm nhìn chăm Lan:

– Mẹ cháu nói là cháu còn dại lắm. Dại như cháu còn bằng mười cái khôn.

Lan thở dài:

– Mẹ chỉ biết có mẹ thôi.

Ngưng một lát, cô tiếp:

– Gió chiều hôm lạnh quá, chú há! Chú đi về phía này che bớt gió cho cháu.

Hai người đi vào đoạn đường làng. Trời tối hẳn. Những khóm tre tù mù. Thỉnh thoảng Lan cố đi thật sát vào người chú Tâm, nhưng chú né người, tránh đụng vào cô. Leo lên con dốc đá trước khi vào đầu ngõ, Lan vấp khúc cây, té xuống. Cô vớ được cánh tay chú Tâm, vịn đứng lên, miệng xuýt xoa. Chú Tâm đỡ Lan dậy, cuống quít:

– Trời, có sao không cháu?

Lan không nói gì, bóp tay chú Tâm một cái rõ mạnh, rồi buông ra,giọng run run:

– Không sao chú. Trời tối, cháu không thấy đường. Mà lại, chú đi nhanh quá.

*

Khi hai người bước vào sân nhà, thì đã thấy mẹ Lan đứng ở đó, dáng vẻ bồn chồn. Lan không nhìn rõ khuôn mặt mẹ như thế nào, nhưng cô nghe giọng mẹ lạnh buốt:

– Các người sung sướng quá thể!

Mẹ quay ngoắt đi. Bóng mẹ nhập nhòa biến mất sau cánh cửa nhà bếp. Chú Tâm khựng lại, đứng bất động trong sân, hai tay vẫn đút túi quần. Lan bước vội vào nhà, tìm mẹ, nhưng không thấy mẹ đâu. Hỏi bà ngoại, bà ngoại không biết.

Bữa cơm dọn ra buồn tẻ. Bà ngoại mời:

– Cháu Tâm vào ăn cơm kẻo nguội.

Chú Tâm miễn cưỡng ngồi vào bàn ăn.

– Lan, mời mẹ ra ăn.

Lan vào giường, thấy mẹ về tự hồi nào, nằm yên lặng trên giường. Lan nói:

– Mẹ ra ăn cơm. Ngoại với chú Tâm đang đợi..

Mẹ nói, như một nhát dao cứa vào tay Lan, ứa máu:

– Không mắc mớ gì đến tôi mà mời. Các người cứ ăn đi.

Lan trở ra. Bàn ăn ba người lạnh lùng. Lan nhai cơm nghe đắng. Chú Tâm vân vê cọng rau muống luộc, không buồn chấm nước mắm. Bà ngoại thủng thẳng mút xương cá vụn. Ngọn đèn điện mờ, ánh sáng bị chận lại sau nhiều dãy cột đen bóng, không tỏa được khắp. Lan nhớ đến những bữa ăn chiều thường lệ trước khi chú Tâm đến. Cũng im lặng, nhưng không đến nỗi lạnh lẽo như thế này. Bây giờ, không có mẹ, nhưng bóng mẹ trùm lên cả bữa ăn. Món ăn nào cũng lạnh buốt như giọng mẹ.

Bà ngoại lên tiếng:

– Cháu với Lan đi chơi nhưng nơi nào?

Chú Tâm đặt đôi đũa xuống:

– Dạ, cháu dẫn Lan đi dạo loanh quanh ngoài con đường ruộng. Ở nhà nóng quá.

Bà ngoại nói như giải thích giùm cho mẹ:

– Mẹ cháu không rõ chú cháu đi đâu mà lâu về, mẹ cháu sợ có chuyện gì không hay. Thường thì Lan chẳng bao giờ đi đâu khỏi nhà.

Thấy chú Tâm yên lặng, bà ngoại tiếp:

– Từ hồi chồng mất, con Ánh nhà tui đâm ra đổi tính đổi nết. Sống cô độc, ít bạn bè. Khác hẳn thời con gái. Có cháu về đây, nhà này đỡ lạnh, con Ánh tui trông bộ cũng vui ra.

Ngẫm nghĩ một lát, bà chép miệng:

– Nhà thiếu đàn ông, hiu quạnh lắm. Cháu xem, cột kèo mối mọt lung lay, nhện giăng đầy. Vậy đó, vì không có đàn ông.

Chú Tâm nhìn quanh:

– Nhà này xưa ghê, thưa bác?

– Ừ, xưa lắm, xây đâu từ thời ông cố. Mấy đời rồi.

Im lặng. Ai cũng mong ngóng mẹ, nhưng mẹ không ra. Bữa cơm chấm dứt, uể oải. Bà ngoại hỏi một câu lấy lệ:

– Cháu định về Huế luôn hay rồi lại đi?

– Dạ, mới ra khỏi tù chưa tính gì dứt khoát cả, bác ạ.

– Có định đi xa không? Ra nước ngoài chẳng hạn.

Chú Tâm cười:

– Cũng có nghĩ đến, nhưng không có tiền.

Chú Tâm uống nước xong rồi bỏ ra sân, khuôn mặt còn sững sờ vì thái độ của mẹ. Lan phụ bà ngoại dọn dẹp xong rồi trốn vào phòng, đầu óc rối bời. Cô đem sách vở ra cố ôn bài, nhưng chữ nghĩa trôi tuột đi đâu hết. Chán nản với ý nghĩ không đâu, cô thiu thiu ngủ trên bàn học. Chợt có tiếng động. Cô mở mắt, thấy mẹ nhìn, tia mắt long lanh. Tiếng mẹ rít qua kẽ răng:

– Ai cho phép con đi lăng nhăng với đàn ông ngoài đường?

Lan nhìn mẹ, sững sờ, không biết trả lời thế nào.

– Con không nói hả?

Mẹ bất ngờ tát một cái vào mặt Lan. Lan ôm mặt, không cảm thấy đau, đôi mắt nhìn mẹ không chớp. Chưa bao giờ cô thấy mẹ lạ lùng dường ấy. Mẹ dịu giọng:

– Mẹ hỏi lại, ai cho phép con đi với đàn ông?

Lan tấm tức:

– Con đi với chú Tâm chứ có đi với ai đâu.

– Chẳng lẽ chú Tâm không phải là đàn ông?

Lan cúi mặt ấp úng:

– Thì là…đàn ông, nhưng chú ấy là…là…bạn của mẹ.

Giọng mẹ trở nên chua chát:

– Đời mẹ đã khổ vì đàn ông, con biết không. Đàn ông không có gì gì đáng tin hết. Họ luôn luôn phỉnh phờ, luờng gạt. Họ không hề biết yêu như đàn bà. Có họ mình cũng khổ, mất họ mình cũng khổ. Mẹ không muốn con gần đàn ông vì không muốn con khổ, con hiểu chưa?

– Chú Tâm cũng như ba con.

Mẹ trừng mắt:

– Ai bảo con thế! Ba con là ba con, chú Tâm là chú Tâm. Nội sự lầm lẫn như thế sẽ dẫn con đi xa, vô cùng nguy hiểm.

Lan im lặng. Cô không hiểu nổi mẹ cô muốn nói gì. Mẹ lại gằn giọng:

– Nhìn vào đây. Trả lời cho mẹ biết, chú Tâm nói với con những gì?

Lan lúng túng, vì sự thực cô không thể nhớ rõ là chú Tâm và cô đã nói những chuyện gì.

– Con không nhớ rõ. Đại khái là nói chuyện học hành, bạn bè…

– Có rủ con đi uống cà phê không?

– Dạ có, nhưng con không đi.

– Có khen tóc con đẹp, mắt con mơ mộng không?

– Dạ không.

– Có hát cho con nghe một bài tình ca nào không?

– Dạ không.

– Có cầm tay con không?

– Dạ không.

– Có hỏi con có người yêu chưa hay không?

– Dạ không.

Giọng mẹ hơi dịu xuống:

– Thôi được, mẹ hỏi con cho vui thôi, chứ thực ra, mẹ cũng đoán được chú ấy và con nói những chuyện gì rồi. Đàn ông chỉ có chừng ấy chuyện để nói với đàn bà. Họ tán hươu, tán vượn, thêm mắm dặm muối. Họ nói láo hết. Đôi khi họ chẳng hiểu họ nói những gì. Thế mà đàn bà chúng ta vẫn tin, cứ tin. Mẹ nghiệm đời mẹ, mẹ biết. Cả ba con, cả chú Tâm và nhiều người nữa, không có điều gì họ nói với mẹ là thật cả. Láo, từ đầu đến cuối. Con phải nhớ như vậy. Đàn ông, nghĩa là nói láo, con hiểu chưa?

Lan nhìn mẹ:

– Nhưng…nhưng mẹ đem chú Tâm về nhà mà.

Mẹ trừng mắt:

– Ai nói với con mẹ đem chú Tâm về? Chính chú ấy năn nỉ, van vỉ mẹ. Chú ấy bị vợ con ruồng bỏ, cô đơn, chú ấy tìm mẹ. Mẹ thấy tội…

Lan xen vào:

– Mẹ yếu lòng…

Mẹ ngơ ngác:

– Ờ, ờ…phải rồi, mẹ yếu lòng, mẹ tin. Nhưng sao mẹ lại tin nhỉ? Anh ấy …à chú ấy đã bỏ mẹ đi, đã…chú ấy dối mẹ nhiều lần, nhưng biết đâu lần này…

Mẹ ngừng lại, yên lặng. Mẹ không nhìn vào cô. Đôi mắt mẹ bỗng mông lung vô định. Cô sờ một bên má. Cái tát đọng ở đó. Cô không cảm thấy đau, mà nghe rưng rưng. Lần đầu tiên kể từ ngày cô lớn, mẹ tỏ ra giận dữ dường ấy. Cô chẳng thấy giận mẹ, chỉ thấy khó hiểu. Xưa nay, mẹ vất vả, khó khăn, nhưng cái gì mẹ cũng chìu cô. Thế mà bây giờ khác hẳn. Cô có làm gì sai trái đâu! Nhưng khi chợt nhớ đến việc cô cắn vào cánh tay chú Tâm, cô rùng mình. Cô nhìn mẹ, ân hận.

Mẹ hỏi:

– Chú Tâm nói mẹ thế nào?

– Chú nói: Tội nghiệp mẹ, mẹ hiền hậu quá nên mẹ khổ.

Mẹ thở dài:

– Ừ, mẹ thiệt thà. Mẹ dại.

Chợt nhìn vào mặt cô, mẹ trở giọng nghiêm nghị:

– Mẹ dặn con: con đừng tin ở đàn ông, bất cứ là thứ đàn ông nào.

Nói xong, mẹ quay bước ra khỏi phòng. Lan bàng hoàng lắng nghe tiếng chân mẹ đâu đó trong phòng, tự hỏi không biết có phải mẹ đang đi tìm chú Tâm hay không. Cô úp mặt xuống giường, thiếp đi.

*

Cô thức giấc vào một lúc nào đó trong đêm. Cô vừa trải qua một giấc mơ chắp nối, khi thì thấy chú Tâm bỏ đi, khi thì thấy mẹ đuổi cô đi, khi thì thấy mẹ cô chết. Cô ngồi dậy, định bật đèn, thì bỗng nghe có tiếng thì thào trong đêm vắng. Cô sởn tóc gáy, nghĩ đến ma. Không, tiếng nói chuyện. Cô nén sợ hãi, rón rén bước ra khỏi phòng, đi về phía cửa trước, nhìn ra sân qua những chấn song. Trăng hạ tuần méo mó chiếu xuống vườn một thứ ánh sáng nhờ nhờ, trông quái dị. Không nhìn thấy người nhưng nhận rõ giọng mẹ chen lẫn giọng chú Tâm vẳng lại từ đâu đó sau khóm chìa tàu.

Giọng mẹ nghe như rít:

– Ai cho phép anh rủ rê con bé Lan đi chơi?

– Thì bé Lan, con em cũng như con anh.

– Em không tin anh đã như thế. Anh chứng nào tật đó, rủ rê, tán tỉnh, giọng lưỡi ngon ngọt…

– Trời, em nói anh rủ rê, tán tỉnh con em thế mà nghe được à?

– Sao không! Em biết rõ bụng dạ đàn ông các anh. Cứ nói, cứ khen, cứ hát, cứ hứa cho đã. Anh có biết đâu, đàn bà nhẹ dạ, không tưởng có, giả tưởng thật. Em đây này, chừng này tuổi, cay đắng mùi đời, mà vẫn còn nhẹ dạ, huống hồ con bé Lan.

– Gì mà nhẹ dạ với không nhẹ dạ, Ánh. Em lấy chồng, có con đàng hoàng. Có điều, cái số em chẳng may, anh ấy tử trận.

– Anh biết vì sao em lấy Tuân không. Em trả thù anh đấy, anh biết không. Anh lăng nhăng, bội bạc.

– Thì cứ cho như vậy đi. Nhưng bây giờ, em cũng như anh, nếm đủ mùi đời. Anh tìm về với em tang thương, rách nát…

– Bộ em lành lặn lắm sao!

– Đâu có, anh với em, hai phần đời người hoài phí.

Giọng mẹ cắt ngang, nóng nảy:

– Thôi được rồi. Bây giờ em hỏi đây. Anh có rủ con bé Lan đi uống cà phê không?

– Có, nhưng bé Lan không đi.

– Anh có khen tóc con bé Lan đẹp, mắt con bé Lan thơ mộng không?

– Ồ kià, mắc mớ gì anh lại đi khen mắt với tóc con em.

– Anh có cầm tay bé Lan không?

– Không đời nào.

– Anh có hát cho bé Lan nghe một bài tình ca không?

– Không.

– Anh có nói chuyện với bé Lan về tình yêu, về kỷ niệm hay một cái gì đại loại như thế không?

– Trời ơi, em làm gì mà như thẩm vấn anh vậy. Y em muốn gì?

– Em không muốn gì hết. Em thương con em, em không muốn nó sa đà vào những chuyện hão huyền.

– Vậy là em ngờ vực anh…

– Em không ngờ vực gì hết. Em không muốn con em khổ như mẹ nó. Anh đừng chối cãi, biện luận. Anh phải nghe em, phải hiểu em.

Im lặng. Sương khuya rớt nhẹ, mơ hồ. Khu vườn mờ ảo như trong truyện liêu trai. Lan bồn chồn theo dõi cuộc nói chuyện trong đêm. Chú Tâm lên tiếng:

– Ánh, em cư xử với anh như vậy là quá thể

Mẹ nức nở:

– Không có gì là quá thể. Em lo sợ…

Tiếng mẹ nhỏ dần. Lan cố lắng nghe, nhưng không nghe được gì nữa. Khóm chìa tàu là một khối đen im lìm. Lan có cảm tưởng như chẳng có gì, chẳng hề có ai đàng sau đó. Một chút gì tái tê, một chút gì đăng đắng, nghèn nghẹn của mùi vị cuộc đời lan vào trong cô. Chỉ là một vết xước. Vết xước đầu đời, nhẹ nhưng buốt. Cô chợt nhận ra một mẹ khác, một mẹ lạ hẳn, một mẹ cô chưa hề biết, chưa hề thấy. Và cô, cô cũng khác. Cô trở thành một người khác.

Lan định trở vào thì nghe giọng chú Tâm:

– Có lẽ anh phải đi.

Trái tim cô chợt đau nhói. Giọng mẹ hốt hoảng:

– Anh đi. Đi đâu? Sao lại đi?

Chú Tâm nói:

– Đi đâu thì cũng phải đi thôi. Rõ ràng là ở lại chỉ làm khổ thêm cho em. Lại khổ cho bé Lan nữa. bé Lan nói đúng, Ánh chỉ tự làm khổ cho mình.

Nghe tiếng mẹ thút thít. Lan quay vào, bần thần, tê dại. Có tiếng động nhẹ đâu đó ở bàn ăn. Cô giật mình, định thần nhìn thì thấy bà ngoại đang ngồi im lặng ở đó. Cô không hỏi han gì, lặng lẽ vào phòng nằm xuống. Tiếng thút thít của mẹ như tràn hẳn vào giấc ngủ đầy mộng mị của cô.

*

Vừa tỉnh giấc, mở mắt, Lan vội vã bước ra khỏi phòng, nhìn quanh nhà. Chiếc giường nhỏ kê cạnh cửa sổ, nơi chú Tâm ngủ không chăn, không chiếu. Không có cái mũ lớn treo đầu cửa. Không có mấy tờ báo nằm trên bàn. Không có đôi dép dưới kệ sách. Không có cái áo sơ mi vắt trên ghế. Không có cái “xắc” nhỏ ở góc nhà. Thiếu chúng, căn nhà như trống trơn. Thế là chú Tâm đã đi! Cô đứng lặng người một lát, như để cho cái cảm giác buồn loáng thoáng đâu đó thấm sâu hơn vào trong người. Cô đi xuống bếp, thấy bà ngoại ngồi một mình, nhìn vơ vẩn ra sân. Thấy cô, bà ngoại lên tiếng:

– Chú Tâm đi rồi, Lan.

Lan im lặng. Như sợ Lan chưa nghe, bà ngoại lại nói:

– Chú Tâm đi rồi.

– Dạ, còn mẹ cháu đâu?

– Chắc là tiễn chú Tâm đi.

– Sao ngoại không nói chú ấy ở lại chơi cho vui. Có chú, nhà vui hơn.

– Ờ, thì vui hơn. Nhưng quyền của hai người, ngoại không có ý kiến.

– Chú Tâm ở chơi được tháng chưa ngoại nhỉ?

– Cỡ đó. Ngoại không nhớ rõ.

Bà ngoại chỉ chỗ phơi quần áo ngoài vườn:

– Còn cái áo chú Tâm phơi đó. Hai người đi rồi, ngoại mới nhớ ra có cái áo chưa giặt, ngoại đem ra giặt.

Ngừng một lát, ngoại chép miệng:

– Biết chú ấy ở đâu mà đưa chừ!.

Nhìn cái áo, Lan chợt nhớ đến mùi đàn ông phảng phất đâu đây. Cô hỏi vu vơ:

– Không biết chú ấy có trở lại không nhỉ?

Bà ngoại cười buồn:

– Ai mà biết. Đàn ông rộng chân rộng cẳng hơn đàn bà.

– Ngoại có thích chú Tâm về lại không?

Ngoại dứng dậy, thở ra:

– Ngoại không rõ lắm. Mà nhà có đàn ông thì cũng vui.

Nhà có đàn ông thì cũng vui. Có lẽ thế, Lan nghĩ.

Trần Doãn Nho

(Trong “Vết xước đầu đời”, tập truyện,

nhà xuất bản Thanh Văn, California, 1995)

Tác giả gửi Văn Việt

Comments are closed.