Vật thể bay không xác định

Vũ Thành Sơn

Trang ba tờ Tin tức Buổi chiều, mục Khám phá mới, đưa tin một chiếc đĩa bay đã được nhiều nông dân một làng quê ở Romania nhìn thấy hạ cánh trên một cánh đồng lúc chập choạng, vào lúc công việc đồng áng vừa kết thúc, mọi người đang thu xếp các thứ nông cụ cất vào trong kho và chuẩn bị về nhà; bò, dê cũng lần lượt được lùa hết về chuồng. Thoạt đầu người ta thấy một chớp sáng lấp lánh di chuyển không tiếng động trên bầu trời, chớp sáng di chuyển liên tục và khi tiến đến một khoảng cách khá gần, họ nhận ra đó là một vật thể hình chiếc đĩa, phát sáng và xoay tròn ngay phía trên đầu của họ…

Cô dừng lại nghe tôi chăm chú. Cánh tay trong thao tác đưa chiếc muỗng kem lên miệng bỗng chốc bất động như thể sợi giây thiều đã quay hết vòng và con búp bê đang múa đột ngột đứng cứng đơ ra đấy.

– Dạo này báo chí đưa nhiều tin như thế này ghê đi ấy.

Sau câu nói, cô trở lại với món kem chuối của mình với một vẻ thành khẩn và tập trung hết mức.

– Ý em muốn nói là…

– Mấy cái gì bay… bay anh vừa đọc đó.

– Vật thể bay không xác định.

– Ừ, đại khái vậy. Tên gì mà dài loằng ngoằng khó nhớ quá. Sao báo chí không gọi ngắn gọn là đĩa bay có hơn không?

Tôi gập tờ báo lại rồi đặt nó xuống bàn, nói Nhưng đâu chỉ có đĩa bay không thôi mà nó có thể còn là một cái khí cầu, tàu vũ trụ hay… nói chung là nhiều loại khác nữa chứ.

Bây giờ đã gần sáu giờ chiều. Những chuyển động tất bật trong ngày bắt đầu thưa dần và lắng lại như một lớp cặn lóng xuống dưới đáy. Tôi không còn nghe thấy tiếng nước chảy róc rách vào một cái miệng cống ở đâu đó, cũng không còn thấy người đàn bà quấn khăn ngồi xin tiền trên vỉa hè nhà bảo tàng nữa, bà ta bỏ đi lúc nào không biết. Trước đó, có một lúc tôi thấy một bầy chim sẻ sà xuống kiếm ăn bên cạnh, mới đầu người đàn bà còn dùng tay xua chúng đi, một lúc sau có lẽ không còn kiên nhẫn được nữa, bà ta tháo tấm khăn choàng trên đầu xuống phất lia lịa. Một vài con bay đi, số còn lại vẫn lì lợm không sợ.

– Anh có tin không?

– Tin cái gì?

– Mấy cái đĩa bay đó.

– Biết nói thế nào cho em hiểu? Nhưng anh chắc là phải có một phần sự thật trong mấy cái vụ đó.

– Sự thật gì? Em thấy chỉ là mấy cái tin đồn nhảm, thêu dệt viển vông thôi.

– Lắm khi những điều tưởng chừng như viển vông ấy lại có một hấp lực khiến người ta tò mò, dễ tin hơn cả những thứ nhìn thấy hay nắm bắt đã trở nên nhàm chán nữa đấy chứ.

– Nguyên do là vì người ta đã chán ngắt thực tế chứ gì?

– Thôi, đủ rồi em, đừng đẩy câu chuyện của mình đi xa nữa.

Tôi đã dại dột gọi bia ở đây uống, nó nhạt nhẽo như nước vo gạo ướp lạnh, uống một ngụm phải bỏ không dám uống tiếp. Chẳng thà uống cà phê hay một thứ gì khác, thậm chí ăn kem, còn dễ chịu hơn nhiều lần. Mặc dù vậy, tôi chẳng còn muốn gọi một thức uống khác thay thế mà cứ để nguyên ly bia trước mặt nhìn nó nguội dần.

Suy cho cùng, lẽ ra chúng tôi cũng không nên hẹn nhau ra đây. Cả cô và tôi, từ trước đến giờ chẳng có đứa nào ngồi ở đây lần nào. Từ mấy hôm trước chúng tôi gửi tin nhắn cho nhau và bây giờ thì không nhớ được làm thế nào chúng tôi lại có ý tưởng ngồi ở chỗ này.

Thoạt đầu, cô nhắn cho tôi:

“Chúng ta nên gặp nhau”

“Để làm gì?”

“Mình cần nói chuyện một lần cho dứt khoát”

“Không nên làm mất thì giờ của nhau nữa. Chẳng giải quyết được gì”

“Trời ơi! Anh thiệt là đồ… Anh có bỏ ngay cái giọng đó đi được không?”

“Em cho rằng mình còn chuyện để nói với nhau sau tất cả những vụ đó sao?”

Sau lời nhắn đó của tôi, không thấy cô nhắn trả lời lại. Tôi nghĩ mọi sự đến đó đã kết thúc. Quá nhanh, nhanh đến mức tôi chưa kịp hiểu thực sự đã xảy ra chuyện gì giữa hai chúng tôi nữa. Như thể một cú va chạm cực mạnh, bất ngờ trong bóng tối khiến bạn ngã sóng soài ra đất mà bạn chưa kịp định thần để biết vì sao.

Thế nhưng, đêm hôm sau, vào lúc chuẩn bị lên giường, cái điện thoại di động của tôi bất thình lình rung lên, báo có tin nhắn.

“Em đoán là anh vẫn chưa ngủ?”

“Chưa, chuẩn bị thôi. Em cũng thức khuya vậy?”

“Em dự một cái party của đứa bạn mới về đến nhà. Nhưng không thể ngủ ngay được.”

“Em định làm gì?”

“Em đang uống rượu một mình”

“…”

Câu nhắn tin của cô đặt tôi vào một tình huống hoàn toàn bất ngờ đến mức lúng túng chẳng biết đáp lại thế nào. Đồng hồ trên điện thoại báo đã 12 giờ 10 phút và cô vẫn còn ngồi đó, một mình với ly rượu.

Tôi nhắn tiếp:

“Rót cho anh một ly đi”

“OK. Chờ em đi lấy ly”

Cô đi lấy ly rót rượu cho tôi thật sao?

“Ly của anh ở trước mặt em đây. Cheers.”

“Cheers”

Và như thế chúng tôi đã uống rượu với nhau qua tin nhắn. Cô đang uống thật trong khi tôi chỉ uống bằng trí tưởng tượng. Chưa bao giờ tôi trải qua hoàn cảnh lạ lùng này trong đời mình, cho nên sau cái nhắn cheers đầu tiên với cô trên màn hình điện thoại, tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng đang chạm môi vào ly và cố hình dung ra mùi vị của ngụm rượu trên đầu lưỡi nhưng trí tưởng tượng chẳng giúp tôi cảm giác được gì, ngoài vị nhạt nhẽo và khô khốc trong vòm miệng.

“Cửa sổ phòng em mở”

“Em nhìn thấy gì ngoài trời?”

“Em nghe Luther Vandross”

“Cái đĩa đơn đó hả?”

Cái đĩa chúng tôi nghe chung với nhau hôm cô chuyển đến căn hộ mới. Hôm đó trời gió to, cái cửa kính mất khoen cài cứ rung lên bần bật.

“Ừ”

“Đừng như thế mà”

“Tại sao?”

Tôi chưa kịp trả lời, cô đã nhắn tiếp:

“Anh nói đi. Sao hôm đó anh có thái độ như vậy? Không cần phải như vậy, đúng không?”

“Thái độ gì? Nhiều người hôm đó có mặt mà.”

“Làm ơn đừng lôi mọi người vô chuyện của mình đi”

“Mọi sự rõ ràng như vậy rồi. Anh muốn quên đi. Đừng nhắc lại nữa”

“Nhưng em không chịu được sự im lặng của anh”

“Em còn muốn thế nào nữa? Đừng buộc anh phải nói”

“Anh phải nói”

“Tùy em”

Và cuộc gặp đã được ấn định ngay sau lời nhắn. Có lẽ vào giây phút đó, cả cô và tôi chỉ nghĩ đến chuyện phải gặp nhau, còn gặp ở đâu không phải là việc làm chúng tôi bận tâm.

Vậy mà từ nãy đến giờ chúng tôi chỉ mãi loanh quanh với những chuyện đâu đâu chẳng ăn nhập gì, còn điều định phải nói với nhau thì vẫn chưa hề đá động. Chỉ trừ một lần, một lần duy nhất, khi cô nói:

– Cánh đồng đó ít nhất cũng phải bằng cánh đồng của mình chứ nhỉ?

– Tất nhiên rồi.

Cánh đồng của mình mà cô nhắc đến thật ra là một công viên của thành phố nằm về phía Tây Bắc, diện tích khoảng hơn chục héc ta gồm một cái sân tập golf mini, một cái sân bóng, hồ nước, mấy mảnh vườn nhỏ xinh xắn trồng cây ăn trái, những đồi cỏ xanh mướt và cánh đồng trồng hoa hướng dương. Cái danh xưng công viên chẳng mấy khi được nhắc đến, gần như nó chỉ được sử dụng trên những tấm bản đồ và văn bản hành chính, trên thực tế mọi người vẫn quen gọi nó là cánh đồng. Không ai biết đích xác vì sao mà có tên gọi đó, có thể do vị trí xa trung tâm thành phố náo nhiệt của khu đất, hoặc chính bởi vì ở đó có những vườn trái cây và cánh đồng hoa hướng dương, hoặc bởi vì cả hai.

Vào cuối tuần, khi chẳng có nơi nào hấp dẫn hơn, chúng tôi thường ra công viên chơi, mang theo nước uống và một vài thức ăn khô, gọn nhẹ, lêu lổng ở đó có khi cả buổi. Thỉnh thoảng chúng tôi cùng nhau chạy bộ men theo những lối mòn, bên dưới những tán cây táo dại hay len lỏi giữa những đồi cỏ quanh công viên cho đến khi mệt nhoài. Mùa hè, cánh đồng bỗng chốc tràn ngập các loài hoa cúc dại, hoa thủy tiên vàng, hoa lan chuông biến thành những tấm thảm màu sặc sỡ. Chim, vịt từ khắp nơi đổ về hồ nước. Ngồi trên bờ, chúng tôi thi nhau ném ruột bánh mì xuống nước cho bầy vịt cổ xanh háu đói. Đôi khi có một gánh xiếc lưu động ghé đến công viên dựng lều biểu diễn; trẻ con, người lớn đứng xếp hàng mua vé dài như một đám rước. Nhưng đến biểu diễn ở công viên thường xuyên nhất trong những tháng hè vẫn là các nhóm nhạc, đều đặn hầu như mỗi tuần. Hai, ba nghệ sĩ với vài nhạc cụ, họ đã có thể làm nên một đám đông hiếu kỳ. Có lần có cả một chiếc khinh khí cầu ghé qua. Từ dưới đất nhìn lên, chúng tôi thấy mấy cái đầu lố nhố. Rồi chiếc khinh khí cầu hạ độ cao, bay là là qua đầu chúng tôi, có lẽ để đáp xuống một nơi nào đó trên cánh đồng. Hết mùa hè, các hoạt động ngoài trời bắt đầu giảm bớt; trên những lối đi, hoa táo dại rụng trắng nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy bói được một quả nào trên cành.

Sang mùa thu, trời se se lạnh, cánh đồng hoa hướng dương bắt đầu trổ vàng, đó cũng là lúc thường có những trận mưa thất thường khó đoán trước. Một bữa cả hai đang chạy bộ, trời bất thình lình kéo mây che tối sầm, trong khi ngó quanh chưa tìm được một chỗ nào để trú thì cơn mưa đã đổ ập ngay xuống. Hôm đó chúng tôi đành phải để nguyên bộ quần áo ướt sũng trên người đón xe trở về. Chủ nhật, xe buýt giảm chuyến, mãi đến tám giờ tối chúng tôi mới mò về được tới nhà.

Mùa hè năm nay sắp sửa kết thúc, chúng tôi chưa đến công viên một lần. Có những lý do gì đó ngoài ý muốn luôn khiến cho kế hoạch của chúng tôi phải hủy bỏ vào giờ chót. Tháng trươc tôi có chuyến công tác kéo dài mười ngày, cô thì dự tiệc sinh nhật một người bạn. Còn bây giờ…

– Em nghĩ đó chỉ là một cách lảng tránh thôi.

– Cũng không hẳn… Đó là em nghĩ vậy.

– Không phải em nghĩ mà sự thật là như vậy.

Đúng lúc ấy, cô phục vụ từ trong quán đi đến, hỏi chúng tôi:

– Anh chị dùng thêm gì nữa không ạ?

Câu hỏi như một lời nhắc khéo, rằng chúng tôi ngồi ở đây đã quá lâu. Phố đã lên đèn. Nhìn ra chung quanh, những người khách đến trước hay sau chúng tôi đều về hết. Quán vắng, chẳng còn ai ngoài hai chúng tôi. Tôi không nghĩ quán chuẩn bị đóng cửa, nhưng quả thật, nếu tiếp tục ngồi mà chẳng gọi thêm một thức uống gì nữa thì cũng bất tiện.

– Cám ơn em. Cho chị xin ly nước lọc thôi, cô nói.

Sau khi cô gái mang nước ra, chúng tôi ngồi nán thêm một chút nữa rồi gọi tính tiền.

Ra đến trước cửa, tôi nghe tôi nói với cô:

– Gần hết mùa hè rồi đó, em.

– Bà chủ nhà bóng gió hình như không muốn cho em thuê tiếp nữa.

– Em định thế nào?

– Không biết nữa.

Thế rồi chúng tôi chia tay nhau, mỗi người đi một ngả. Cô đón xe về, còn tôi chưa muốn về nhà ngay, quyết định đi lang thang một lúc, ngược trở lên về phía trung tâm.

Trên đường, tôi tạt vào một hiệu giày tìm mua một đôi giày mới, đôi giày chạy bộ hiện thời của tôi đã bị ngấm nước từ lâu chưa thay. Cửa hàng khi ấy chỉ lác đác hai, ba người khách cùng với cô nhân viên. Chẳng ai buồn để ý khi tôi đẩy cửa bước vào. Trên quầy chỉ còn đúng một đôi vừa với số chân của mình nhưng tôi không ưa cái màu xanh nõn chuối của nó. Tôi hỏi cô nhân viên tìm cho tôi một đôi khác, màu trắng. Cô gái tìm một lúc trên màn hình vi tính rồi quay sang nói với tôi đó là đôi duy nhất số 40 mà cửa hàng hiện còn, cô đề nghị tôi vài hôm nữa quay trở lại sẽ có lô hàng mới.

Rời cửa hàng giày, tôi tiếp tục lang thang rồi tiện thể ghé vào môt hiệu sách bên cạnh nhà ga trung tâm. Tuần trước tôi đã đến đây để tìm mua một cuốn sổ tay nhưng vào lúc hiệu sách chưa mở cửa. Tôi đi qua mấy dãy kệ sách, tiện tay nhặt dăm, ba cuốn truyện lên, đọc bâng quơ mỗi cuốn vài dòng rồi đặt trở lại, chẳng biết nên mua gì, bỏ luôn cả ý định mua cuốn sổ tay. Có một lúc, khi ngẩng lên tấm gương tròn treo ở một góc trên cao, tôi bắt gặp hình bóng mình bị méo mó một cách dị hợm; nửa thân hình phía trên to ngang bè, còn hai chân thì thu ngắn lại, y hệt như một chú lính chì.

Ra khỏi hiệu sách, tôi vẫn chưa muốn về nhà nhưng phân vân chẳng biết nên đi đâu nữa. Trên phố vẫn đông người đi lại. Hình như ngày mai là một ngày lễ thánh gì đó. Trời đầy sao. Biết đâu trong vô số những điểm sáng nhấp nháy đó lại chẳng có một chiếc đĩa bay?

(Từ tập truyện ngắn Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không?. TP HCM: nxb. Văn hóa Văn nghệ TP HCM – Domino Books, 2017)

Comments are closed.