Ngọ Mùi hương hội

Đặng Văn Sinh

clip_image002

clip_image004

Chúng tôi vừa tìm được cuốn ghi chép về khoa thi Hương vào năm Thành Thái thứ 6 (1894) và khoa thi Hội vào năm Thành Thái thứ 7 (1895) của triều đình nhà Nguyễn. Cuốn sách có tựa đề “Ngọ Mùi hương hội” chia làm hai phần. Phần đầu là “Hà Nam trường Hương thí văn tuyển” do tượng nhân Liễu Chàng khắc ván in. Phần sau là “Hội, Đình văn tuyển” do nhà sách Đồng Văn sao chép.

Phần “Hà Nam trường hương thí văn tuyển” gồm 3 mục. Mục 1 là danh sách Ban Giám khảo kỳ thi Hương năm Thành Thái thứ 6. Mục 2 là danh sách các cử nhân xếp theo thứ tự cao thấp, và mục 3 là tuyển chọn các bài văn sách của khảo sinh qua 3 kỳ khảo thí, trong đó có bài của những thí sinh không đỗ nhưng xuất sắc cũng được đưa vào.

Phần “Hội, Đình văn tuyển” không có mục danh sách ban giám khảo mà chỉ có danh sách các tiến sĩ, đồng tiến sĩ và phó bảng. Mục “văn tuyển”, ngoài văn sách của các thí sinh trúng cách, người tuyển chọn cũng đưa vào một số bài của các thí sinh lạc đệ nhưng cũng xuất sắc qua các đợt khảo thí của kỳ thi Hội.

Kỳ thi Hương này, lần đầu tiên hai trường Hà Nội và Nam Định hợp nhất làm một gọi là trường Hà Nam, và thi tại Nam Định. Còn kỳ thi Hội và thi Đình năm kế tiếp thì được tổ chức tại kinh thành Huế.

Hai kỳ thi này triều đình Nhà Nguyễn đã tuyển chọn được một số nhân tài, trong số đó có cụ Nghiêm Xuân Quảng, quê Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân lúc mới 23 tuổi, cụ Đặng Nguyên Cẩn, thân sinh giáo sư Đặng Thai Mai, đỗ Phó bảng (xếp thứ tư) lúc 29 tuổi, cụ Cao Xuân Tiếu (con trai Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên Cao Xuân Dục, ông nội nhà Ngữ học Cao Xuân Hạo) xếp thứ hai hàng Phó bảng lúc 31 tuổi. Đáng chú ý hơn là ở khoa này cả hai anh em họ Từ ở Khê Động, Thượng Phúc, Hà Nội đều đỗ đại khoa. Anh là Từ Đạm đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, em là Từ Thiệp đỗ Phó bảng. Từ Đạm sau này làm quan đến chức Tuần phủ Ninh Bình, Tổng đốc Bắc Giang, hàm Hiệp tá Đại học sĩ.

Cụ Nghiêm Xuân Quảng Lúc đầu làm Tri huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Hai năm sau, năm 1897 cáo quan về rồi lại ra Hậu bổ Hưng Hóa, lần lượt giữ các chức Đốc học Hưng Yên, Án sát Lạng Sơn. Nghiêm Xuân Quảng là một trong bốn người sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục.

Dưới đây, chúng tôi sẽ trích giới thiệu những thông tin cơ bản về hai khoa thi Hán học cách đây 122 năm để bạn đọc tham khảo, từ đó có sự liên hệ đến chuyện thi cử của nền giáo dục Việt Nam hiện nay cũng như sự lạm phát hay là khủng hoảng thừa của học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư đủ loại, kể cả giáo sư ngành TƯ TƯỞNG qua công nghệ lò ấp mà gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đã lên tiếng phê phán.

Bản dịch (trích):
KHOA THI HƯƠNG TRƯỜNG HÀ NAM NĂM GIÁP NGỌ (1894)
Ngày mồng 7 tháng 10 năm Thành Thái thứ 6
Các đình thần Văn ban dâng tấu phụng chiếu về việc hai trường Hà Nội, Nam Định hợp nhất kỳ thi Hương vào tháng 10 năm nay, chúng thần căn cứ vào lệ cũ, định các chức danh như sau:
– Chủ khảo: 1 người
– Phó chủ khảo: 1 người
– Giám khảo, Đề tuyển, Phân khảo: mỗi chức danh 2 người
– Giám sát trường vụ: 2 người
– Phúc khảo: 8 người
– Sơ khảo: 16 người
(Chúng thần) phụng mệnh (đã) sắp xếp mọi việc trong trường thi. Thời gian thi sắp đến. Trừ việc đề cử các vị giám sát trường thi, những việc khác, trong một thời gian ngắn do Nội các và hai vị Chánh, Phó Chủ khảo xử lý (…). Lại phụng chiếu kỳ thi này lấy đỗ 53 cử nhân, trong đó, Hà Nội 25 người, Nam Định 28 người. Tú tài 159 người, trong đó, Hà nội 75 người, Nam Định 84 người. Ngày nhập trường thi là 25 tháng 9. Nếu là tháng thiếu thì nhập trường vào ngày 24. Ngày 01 tháng 10, vào kỳ thứ nhất, ngày 14 vào kỳ thứ hai, ngày 23 vào kỳ thứ ba, ngày 27 và kỳ phúc hạch, ngày 01 tháng 11 xướng danh treo bảng.
(…)
DANH SÁCH HỘI ĐỒNG THI

1- Chủ khảo: Ngài Cao Xuân Dục, tước An Xuân Nam, Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên
2- Phó chủ khảo: Ngài Nguyễn Gia Thoại, Thị độc học sĩ, Tham biện Nội các sự
3- Giám khảo gồm 2 vị:
– Ngài Lê Bá Đôn, người Nghệ An, Cử nhân, Hồng lô tự khanh, Đốc học Thanh Hóa.
– Ngài Đặng Như Vọng, người phủ Thừa Thiên, Đồng tiến sĩ, Viên ngoại lang, Phụ chính phủ.
4- Đề tuyển gồm 2 vị:
– Ngài Trần Hựu, người phủ Thừa Thiên, Lang trung Bộ Lễ
– Ngài Trần Hưng Khải, người phủ Thừa Thiên, Viên ngoại lang Bộ Hình
5- Giám sát gồm 2 vị:
– Ngài Lưu Đức Xứng, người Quảng Bình, Lễ khoa chưởng ấn, giám sát nội trường.
– Ngài Nguyễn Văn Quỳ, người Quảng Nam, Ngự sử đạo Bắc Kỳ, giám sát ngoại trường.
5- Phân khảo gồm 3 vị:
– Ngài Dương Thúc Hợp, người Nghệ An, Đồng tiến sĩ, Đốc học Nghệ An.
– Ngài Nguyễn Đình Văn, người Thanh Hóa, Phó bảng, Nội các thừa chỉ.
– Ngài Phạm Như Xương, người Quảng Nam, Tiến sĩ, Tư vụ viện Cơ mật.
6- Phúc khảo gồm 8 vị:
– Ngài Nguyễn Khắc Liêu, người Nghệ An, Cử nhân, Đồng phủ nguyên lãnh tri huyện An Lạc.
– Ngài Nguyễn Cát, người Nghệ An, Cử nhân, Giáo thụ phủ Thọ Xuân.
– Ngài Nguyễn Nhật Huyên, người Nghệ An, Cử nhân, Giáo thụ phủ Quảng Ninh.
– Ngài Nguyễn Khắc Yểu, người Nghệ An, Cử nhân, Giáo thụ lãnh Huấn đạo huyện Phú Vang.
– Ngài Hà Học Văn, người Hà Tĩnh, Cử nhân, Giáo thụ phủ Thiệu Hóa.
– Ngài Hoàng Cát, người Quảng Bình, Cử nhân, Giáo thu lãnh Huấn đạo Vĩnh Linh.
– Ngài Nguyễn Thúc Úy, người Quảng Bình, Cử nhân, Hành tẩu, Biên tu tòng Binh Bộ.
– Ngài Nguyễn Như Xuân, người Quảng Bình, Cử nhân, Hành tẩu, Điển tịch tòng Lễ Bộ.
7- Sơ khảo gồm 16 vị:
– Ngài Hồ Bang Trực, người Nghệ An, Cử nhân, Huấn đạo huyện Cẩm Xuyên.
– Ngài Hồ Đắc Dự, người Nghệ An, Cử nhân, Huấn đạo huyện An Định.
– Ngài Nguyễn Bàng Huy, người Nghệ An, Cử nhân, Huấn đạo huyện Hương .Sơn
– Ngài Nguyễn Văn Cẩn, người Nghệ An, Cử nhân, Hậu bổ, phủ Thừa Thiên.
– Ngài Trần Văn Vĩnh, người Nghệ An, Cử nhân, Hậu bổ, Thanh Hóa.
– Ngài Nguyễn Đặng Diên, người Thanh Hóa, Cử nhân, Huấn đạo huyện Hậu Lộc.
– Ngài Nguyễn Đình Nhu, người Quảng Bình, Cử nhân, Hậu bổ, tỉnh Quảng Bình.
– Ngài Nguyễn Thiều, người Nam Định, Cử nhân.
– Ngài Nguyễn Cửu Văn, người Nam Định, Cử nhân.
– Ngài Nguyễn Bàng Đảng, người Nam Định, Cử nhân.
– Ngài Trần Vinh, Người Hà Tĩnh, Cử nhân.
– Ngài Trần Hữu Tạo, người Hà Tĩnh, Cử nhân.
-Ngài Tào Văn Long, người Thanh Hóa, Cử nhân.
– Ngài Nguyễn Văn Viễn, người Thanh Hóa, Cử nhân.
– Ngài Đinh Hữu Thành, người Thanh Hóa, Cử nhân.
– Ngài Hồ Phác, người Thanh Hóa, Cử nhân.

KẾT QUẢ KỲ THI HƯƠNG

Trường Hà Nam lấy đỗ 60 cử nhân (tăng 7 người so với dự kiến ban đầu, và 180 tú tài (tăng 21 người so với dự kiến ban đầu).
Thủ khoa là NGUYỄN MỘNG BẠCH, tú tài, người xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Hà Nội. Á khoa là NGHIÊM XUÂN QUẢNG, quê Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Có hai anh em ruột cùng đỗ cử nhân quê xã Khê Động huyện Thượng Phúc, Hà Nội (nay là Thường Tín, Hà Nội) là TỪ ĐẠM (xếp thứ 26) và TỪ THIỆP (xếp thứ 28).
Khoa này, tỉnh Nam Định có số người đỗ là 15, riêng làng Hành Thiện đã chiếm 8 người, một tỷ lệ rất cao so với 60 Cử nhân của hai trường gộp lại.

Danh sách như sau:
1 – Nguyễn Mộng Bạch (tú tài), Bát Tràng, Gia Lâm, Bắc Ninh (nay là Hà Nội)
2 – Nghiêm Xuân Quảng, Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội
3 – Nguyễn Hân (tú tài), Hành Thiện, Giao Thủy, Nam Định
4 – Nguyễn Đốc (tú tài), Duệ Đông, Tiên Du, Bắc Ninh
5 – Hoàng Đặng Quýnh, Minh Hương, Thọ Xương, Hà Nội
6 – Khuất Duy Nhất (tú tài), Tạp Trai, Thạch Thất, Sơn Tây
7 – Phạm Kỳ Ngạc, Nhương Đông, Vũ Tiên, Thái Bình
8 – Đặng Hữu Châu, Hành Thiện, Giao Thủy, Nam Định
9 – Nguyễn Thụy Hoan (tên cũ Duy Hoan), Phù Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
10 – Mai Xuân Dương, Kiên Lao, Giao Thủy, Nam Định
11 – Mai Công Hoán (đỗ 2 khoa tú tài), Lạc Nam, Hải Hậu, Nam Định
12 – Đoàn Thụy Giáp (đỗ 2 khoa tú tài), Hải Yến, Tiên Lữ, Hưng Yên
13 – Nguyễn Văn Khanh, Hào Kiệt, Vụ Bản, Nam Định
14 – Phan Văn Miễn, Đồng Tỉnh, Văn Giang, Bắc Ninh (nay là Hưng Yên)
15 – Hoàng Thế Khôi (tên cũ Khắc Nhượng), Vân Đồn, Thượng Nguyên, Nam Định
16 – Đoàn Văn Huy (tú tài), Mai Dịch, Từ Liêm, Hà Nội
17 – Nguyễn Tái Tích (tên cũ là Tán), Khê Hạ, Bất Bạt, Sơn Tây
18 – Trần Tán Bình, Do Lễ, Thượng Phúc, Hà Nội
19 – Nguyễn Danh Khoát, Phú Đa, Bạch Hạc, Sơn Tây
20 – Hoàng Tất Đạt, Hạ An…, Từ Liêm, Hà Nội ( đỗ 2 khoa tú tài, tặng hàm tòng cửu phẩm)
21 – Đặng Vũ Phong (tú tài), Hành Thiện, Giao Thủy, Nam Định
22 – Nguyễn Văn Giáp (đỗ 2 khoa tú tài, tòng cửu phẩm), Cao Dương, Gia Lộc, Hải Dương
23 – Ngô Mỹ (2 khoa tú tài), Nghĩa Lộ, Phúc Thọ, Sơn Tây
24 – Hoàng Thường, Dương Xá, Siêu Loại, Bắc Ninh
25 – Nguyễn Tán (tên cũ là Hành), Tử Dương, Thượng Phúc, Hà Nội
26 – Từ Đạm, Khê Động, Thượng Phúc, Hà Nội
27 – Nguyễn Ngọc Vĩ (3 khoa tú tài), Phù Lưu, Đông Khai, Thái Bình
28 – Từ Thiệp, Khê Động, Thượng Phúc, Hà Nội
29 – Cung Đạo Đạt (3 khoa tú tài), Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Nội
30 – Lê Quang Oánh (tú tài), Bộ La, Vũ Tiên, Thái Bình
31 – Ngô Bích Lan, Đông Mỹ, Thọ Xương, Hà Nội
32 – Nguyễn Văn (tú tài), Gia Thụy, Gia Lâm, Bắc Ninh
33 – Nguyễn Văn Vận, Hành Thiện, Giao Thủy, Nam Định
34 – Phạm Nhữ Mai, Đông Phù Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
35 – Lê Văn Úc, Văn Xá, Ý An (Yên), Nam Định
36 – Vũ Duy Điển (tên cũ là Thận, tú tài)), Mộ Trạch, Năng An, Hải Dương
37 – Đặng Vũ Oánh (tên cũ là Hoanh), Hành Thiện, Giao Thủy, Nam Định
38 – Chu Bùi Đĩnh, Hương Ngải, Thạch Thất, Sơn Tây
39 – Phạm Công Bích, Tống Thỏ, Thanh Khai, Thái Binh
40 – Lê Khắc Truy (tú tài), Dịch Thế, Trực Ninh, Nam Định
41 – Vũ Luyện, Quần Phương Thượng, Hải Hậu, Nam Định
42 – Trần Văn Nghĩa (tên cũ là Nghi, hai khoa tú tài), Đồng Quỹ, Nam Trực, Nam Định
43 – Trần Như Lê (tên cũ là Bích), Vĩnh Mộ, Sơn Vi, Hưng Hóa
44 – Trần Văn Cận, Từ Ô, Thanh Miện, Hải Dương
45 – Phạm Danh Sắc, Hành Thiện, Giao Thủy, Nam Định
46 – Phạm Ngọc Bình, Hành Thiện, Giao Thủy, Nam Định
47 – Đỗ Bàng Đạt, Dục Tú, Đông Ngàn, Bắc Ninh
48 – Lương Ngọc Thụ, Nam Phố, Thọ Xương, Hà Nội
49 – Nguyễn Duy Kỳ (tòng cửu phẩm), An Xá, Bắc Ninh, Vũ Giang
50 – Phạm Ngọc Lý, Hành Thiện, Giao Thủy, Nam Định
51- Nguyễn Tuyên, Giáp Phù, Đông Ngàn, Bắc Ninh
52 – Trần Huy Tảo (tên cũ là Lực), Nam Điền, Giao Thủy, Nam Định
53 – Nguyễn Thiện Kế (tên cũ là Duy Thính), Tam Sơn, Đông Ngàn, Bắc Ninh
54 – Nguyễn Tư (4 khoa tú tài), Cổ Lễ, Nam Trực, Nam Định
55 – Bùi Duyệt (tên cũ là Khải), Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
56 – Nguyễn Trọng Hanh (tên cũ là Trọng Nghi, tú tài), Thổ Khối, Gia Lâm, Bắc Ninh
57 – Nguyễn Dụng Quang (tú tài, tòng cửu phẩm), Nhân Mục, Thanh Trì, Hà Nội
58 – Bùi Quý Luận (tú tài), Hội Xuyên, Gia Lộc, Hải Dương
59 – Trần Thuyên (tú tài), Quần Phương Trung, Hải Hậu, Nam Định
60 – Đào Huy Tảo (tú tài), Đông Trì, Trực Định, Thái Bình

KHOA THỊ HỘI VÀ THI ĐÌNH NĂM ẤT MÙI (1895)

Danh sách các cử nhân thi đỗ kỳ thi Hội và thi Đình năm Ất Mùi (1895) cùng với một số bài văn hay cũng được tuyển chọn khắc in, do nhà sách Đồng Văn sao chép.

Khoa này, triều đình Nhà Nguyễn không lấy Tiến sĩ cập đệ mà chỉ lấy Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân 1 người, Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân 7 người và Phó bảng 12 người.
Những cử nhân trúng cách kỳ thi Hương năm 1894 của trường thi Hà Nam tham dự thi Hội và thi Đình năm 1895 được lấy đỗ Tiến sĩ là Nghiêm Xuân Quảng và Từ Đạm (Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân), được đỗ Phó bảng là Nguyễn Tái Tích và Trần Tán Bình. Danh sách như sau:

Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân:
1- Trần Dĩnh Sĩ, xã Kế Môn, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên

Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân 7 người:
1 – Nguyễn Đức Huy, 34 tuổi, xã Ngu Xá, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
2 – Nghiêm Xuân Quảng, 23 tuổi, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội.
3 – Lê Phát, 35 tuổi, phường Xuân Thành, huyện Do Linh (Gio Linh) , tỉnh Quảng Trị
4 – Đỗ Quân, 27 tuổi, đỗ Hội nguyên, thôn Châu Sa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi).
5 – Đàm Kiêm, 35 tuổi, giáo thụ, xã Hương Mặc, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh.
6 – Từ Đạm, 32 tuổi, xã Khê Động, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội.
7 – Phạm Duy Du, 37 tuổi, xã Cần Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình.

Phó bảng gồm 12 người:
1 – Hoàng Mậu, thôn Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
2 – Cao Xuân Tiếu, 31 tuổi, thôn Mỹ Thịnh, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An (cụ Cao Xuân Tiếu là con trai Tổng đốc Cao Xuân Dục, cha đẻ giáo sư Cao Xuân Huy, ông nội nhà ngữ học Cao Xuân Hạo).
3 – Phan Trân, 34 tuổi, xã Bảo An Tây, huyện Diên Phúc, tỉnh Quảng Nam (cụ Phan Trân là thân sinh nhà văn hóa Phan Khôi)
4 – Đặng Nguyên Cẩn, 29 tuổi, thôn Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (cụ Đặng Nguyên Cẩn là thân sinh giáo sư Đặng Thai Mai)
5 – Nguyễn Tái Tích, 32 tuổi, xã Khê Hạ, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
6 – Hoàng Hoàn, 27 tuổi, xã Bích La, huyện Thuận Xương, tỉnh Quảng Trị.
7 – Đào Phan Quân, 32 tuổi, thôn Biểu Chính, huyện Tuy Phúc, tỉnh Bình Định.
8 – Vương Đình Trân, 25 tuổi, xã Vân Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
9 – Từ Thiệp, 30 tuổi, xã Khê Động, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội.
10 – Nguyễn Văn Chấn, 36 tuổi, xã Xuân Hồ, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
11 – Trần Tán Bình, 27 tuổi, xã Do Lễ, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội.
12 – Hoàng Đình Huyên, 39 tuổi, xã Long Hồ, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên.

Đ.V.S.

Comments are closed.