Việt Nam, những huy chương vàng sau cuộc chiến

Trần Kiêm Đoàn

clip_image002

Chiến Tranh Việt Nam, một cuộc chiến cần phải Viết Hoa vì đây là một biến cố quân sự và chính trị trọng đại trong dòng lịch sử đã lay động tận gốc rễ nếp nghĩ, cách nhìn và lương tri nhân loại.
Nhóm chữ “Thế hệ Chiến Tranh Việt Nam” (Vietnam War Generation) đã trở thành một trong những cột mốc quan trọng trong nhiều mối quan hệ và giao lưu quốc tế.
Sau 42 năm kể từ khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam chấm dứt, người Việt trong cũng như ngoài nước phải đối mặt với nhiều thứ. Nhưng đối tượng quan trọng nhất mà hầu như mọi người đều phải đối diện là Thế Hệ Trẻ Việt Nam sinh ra và trưởng thành sau cuộc chiến.


Với thế hệ chiến tranh Việt Nam thì sự chịu đựng trong gian nan, nguy khốn, sống chết cận kề đã trở thành nếp sinh hoạt bình thường. Nhưng giữa đêm dài của thân phận người dân trong một quốc gia nghèo đầy loạn lạc, ánh sáng cuối đường hầm vẫn loé lên. Đó là tương lai con cháu sẽ sáng sủa hơn, có cơ hội vươn lên; nhất là trong học hành và sự nghiệp. Giáo dục, học vấn, thành đạt là niềm mơ ước thường xuyên và tha thiết nhất của thế hệ ông bà, cha mẹ đối với thế hệ đàn em con cháu của mình.
Sau cuộc chiến Việt Nam, có thể nói rằng những tấm huy chương vàng dát bằng hy vọng, ước mơ và tự hào chói sáng nhất cho thế hệ con em trong thời đại mới là sự thành đạt của tuổi trẻ trong học vấn. Đặc biệt là thân phận người Việt Nam tha hương trong một xã hội đa chủng tộc, nhiều văn hóa như xã hội Âu Mỹ phương Tây. Phương tiện thiện xảo nhất của tuổi trẻ Việt Nam nhằm thể hiện được giá trị đích thực của mình trước mắt cộng đồng thế giới là sự thành đạt trong học vấn và chuyên môn.
Cùng chung lưng, đối mặt – tranh đua mà không tranh cãi, tranh thắng mà không tranh giành hay tranh chấp – với đồng môn, bằng hữu khắp năm châu là thành tựu học vấn:

Những mảnh văn bằng tốt nghiệp của tuổi trẻ Việt Nam nơi xứ người có điểm nước mắt sung sướng của mẹ hiền, thắp sáng niềm vui của cha, sưởi ấm niềm tự hào của gia đình, giòng tộc, giống nòi… là những huy chương vàng sau cuộc chiến.

clip_image004


Mỗi năm, vào độ đầu hè như năm nay, tôi có niềm xúc động của người đã có nhiều duyên nợ với giảng đường, bụi phấn nên thường được mời đi tham dự lễ Tốt Nghiệp của các cháu học sinh và sinh viên trong cộng đồng người Việt cũng như các nhóm chủng tộc khác. Đầu mùa Tốt Nghiệp năm nay đã có anh chị Lê Cần mời ăn mừng con trai út tốt nghiệp đại học Sac-State, chính thức bước vào ngành Giáo dục Công lập. Anh chị Quang – Khuê mời tiệc vui con gái tốt nghiệp UC Davis, tiếp tục cấp học Graduate ở đại học Harvard. Nick Mazano báo tin con trai tốt nghiệp Luật khoa đại học Yale, vào internship ở văn phòng Thượng viện. Chị Kim Anh mừng hai con cùng tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa…

Thế nhưng bao giờ niềm tâm cảm của tôi đối với con em người Việt mình cũng có tác động sâu sắc hơn cả. Thông thường, trong một xã hội lạc hậu, chuyên chế chỉ có cảnh “con vua thì lại làm vua…”. Nhưng trong hoàn cảnh người Việt Nam của mình ở nước ngoài thì có khi “con sãi ở chùa” vẫn có cơ hội học hành, phấn đấu vươn lên như… con quan áo gấm về làng!
Nếu có dịp đi qua những miền đất tự do như Úc, châu Âu, Mỹ, Canada… sẽ thấy được rằng, có những gia đình cha mẹ xuất thân là nông dân, ngư dân hay ra đi từ chốn quê mùa, bùn lầy nước đọng Việt Nam, nhưng thế hệ con cái lại thành công rực rỡ trong nhà trường nước ngoài.
Đặc biệt là ở Hoa Kỳ, thế hệ trẻ học sinh sinh viên Việt Nam đã đứng vào hàng xuất sắc của châu Á. So với Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ… thì nòi giống Việt Nam không thua nửa bước trong nhà trường Âu Mỹ.
Dưới mắt các nhà giáo dục và xã hội thì động lực chủ yếu giúp con em Việt Nam thành công trong nhà trường hải ngoại là do sức mạnh của gia đình và truyền thống hiếu học của văn hóa Việt Nam. Cụ thể nhất là sự cống hiến, hy sinh không mỏi mệt của cha mẹ là đòn bẩy vạn năng đưa thế hệ trẻ Việt Nam đến thành công trên đường học vấn.
Theo khảo nghiệm sơ kết của nhóm Vietnamese-American Education (Giáo Dục Người Việt Gốc Mỹ) tháng 4-2017 thì Thế Hệ Thứ Nhì (the Second Generation) của người Việt Nam tại Mỹ đạt được thành tựu học vấn đáng kể:

Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp bậc Cử Nhân (Bachelor) hay tương đương với ngành học đại học 4 năm là 40% so với người Mỹ nói chung trong độ tuổi 25-34 đạt 37%.

Cấp học Thạc sĩ – Cao học (Master) hay tương đương với ngành học đại học 6 năm, người Việt độ tuổi 25-34 đạt 29 % trong khi con số thống kê người Mỹ nói chung đạt 25%.

Cấp học Tiến sĩ (Doctoral Degree) hay tương đương với ngành học đại học 8 năm thì trung bình người Mỹ nói chung đạt từ 1.8 % đến 2%. Chúng tôi chưa tìm được con số thống kê chính xác về cấp học tiến sĩ đối với người Việt nhưng qua tiếp cận và quan sát thực tế thì đa số người Việt ở hải ngoại có con cháu thuộc thế hệ thứ hai có được thành tích xuất sắc trong nhà trường Âu, Mỹ.

Nhưng xin thưa… (rất thân tình, cởi mở và vô tư) rằng: Tôi ở thành phố Sacramento, thủ phủ tiểu bang California đã 35 năm nên quen biết được rất nhiều người trong cộng đồng người Việt tại vùng đất này. Hoàn toàn không có ý đại ngôn hay so sánh để làm vui hoặc buồn bà con mình, nhưng hôm nay ngồi kiểm lại khoảng trăm gia đình người Việt mà tôi được quen biết với trung bình 6 người (gồm cha mẹ và 4 người con) thì có khoảng 90% trong nhà có ít nhất là 1 cháu học xong 4 năm (Bachelor); 60% gia đình có 1 cháu học xong bác sĩ, nha sĩ hay dược sĩ. Đó là một con số thành đạt quá cao so với cộng đồng các dân tộc khác trên vùng đất này và toàn cảnh xã hội.

Để thay vào những con số khảo sát khô khan, tôi xin đưa ra một trường hợp minh hoạ:

Chiều thứ Bảy (19-5-2018), anh chị Hồ Đăng Định, tức nhà văn Quế Chi, tác giả Chuyện Ngày Xưa Nhớ Nhớ Quên Quên, Lê và tôi được chị Kim Anh, một phụ huynh thân hữu ở trong khu vực Little Saigon Sacramento mời dự tiệc Tốt Nghiệp của hai cháu út trai, và út gái của chị tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ (Medical Doctor) từ UC Davis và Internship ở New York.

clip_image005clip_image007
Chị Kim Anh và hai con vừa tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa

Trường hợp gia đình chị Kim Anh là một dẫn chứng điển hình cho sự hy sinh và vai trò trọng yếu của cha mẹ trong sự thành đạt của con cái trên đất Mỹ (hay dù ở phương trời nào cũng giống nhau thôi).

Chị Kim Anh là một thuyền nhân vượt biển. Gia đình chị được định cư tại Hoa Kỳ, gồm có hai vợ chồng và 4 con: 3 trai, 1gái. Chồng chị đã qua đời cách đây hơn 20 năm khi chị ở vào lứa tuổi dưới 40. Chị đã đi làm nghề Nails để nuôi con ăn học. Ngoài thời gian kiếm sống, chị chuyên tâm lo công việc từ thiện và nấu ăn công quả cho các chùa chiền, tự viện.

Hai cháu trai con đầu và thứ hai của chị Kim Anh đều tốt nghiệp đại học với cấp học Thạc Sĩ – Cao Học (Master). Hai cháu đều đã trưởng thành và làm việc tại Hoa Kỳ theo nghiệp vụ chuyên môn của mình. Riêng chị Kim Anh thì vẫn giữ vai trò người Mẹ góa (single Mom) từ ngày chồng mất, gieo neo tranh sống lương thiện, ở vậy nuôi con.

Cháu Kim, tân khoa bác sĩ, tâm sự: “Cháu học cũng thường thôi. Cũng có những lúc cố gắng hết mình đến mức bị căng thẳng quá, cháu muốn chuyển qua ngành học nào khác cho dễ hơn. Nhưng khi nhìn mẹ làm việc cực khổ, còn lo lắng cho con đủ điều, cháu lại cố vươn lên. Vì thương mẹ quá, cháu đã gắng học cho mẹ vui!”

Hôm nay, trong tiệc chay mừng Tốt Nghiệp hai cháu ra trường bác sĩ, nhìn cảnh mẹ con chị Kim Anh sung sướng trong nụ cười đón khách, chúng tôi chúc mừng chị và các cháu; nhưng dù không nói, chúng tôi vẫn thầm lặng chúc mừng những bậc cha mẹ Việt Nam có con tốt nghiệp trong mùa Graduation đầy cảm động trên vùng đất tự do, hào sảng và “hiệp sĩ” này.

Và, nhân mùa Tốt nghiệp, bãi trường năm học 2017-2018, xin được nhắc lại một lời khích lệ tuổi trẻ đáng suy gẫm của nhà giáo dục Robert Moliere: “Không có học trò nghèo mà chỉ có cha mẹ nghèo; không có người tốt nghiệp kém mà chỉ có xã hội kém không biết dùng người; không có tuổi trẻ sinh ra xấu mà chỉ có gia đình tắc trách và xã hội suy đồi tạo ra sản phẩm xấu làm con người hư hỏng.”

Xin chúc quý vị phụ huynh cùng gia đình và các cháu học sinh, sinh viên một mùa Hè dồi dào sức khỏe, đầy tin yêu và nhiều nghị lực.

Sacramento, mùa Tốt Nghiệp – Bãi Trường 2018

 

Comments are closed.