T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2018)
Chiếc lá cuối cùng – Sáng tác: Tuấn Khanh
Trình bày: Lệ Thu (Pre 75)
Nghe thêm:
Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (30) – Tuấn Khanh
Đọc thêm:
Nhạc sĩ Tuấn Khanh – chiếc lá cuối cùng vẫn còn bay
(Nguồn: SBTN.TV)
Tôi ghé thăm nhạc sĩ Tuấn Khanh ở quán phở Hoa Soan do ông làm chủ nằm góc đường Brookhurst và Chapman của thành phố Garden Grove thuộc Quận Cam. Bài hát Hoa Soan Bên Thềm Cũ nổi tiếng của ông đã quyện vào những bát phở thơm ngát. Ông mời tôi ra xe, nghe thử một sáng tác mới nhất vừa thu âm xong với giọng ca Anh Dũng, hòa âm Duy Cường, là một bài thơ phổ nhạc Trách Mẹ có những câu: “Lớn khôn rồi đâu cần mẹ. Bực ghê lúc nào cũng làm như mình còn bé. Mẹ nhà quê hiểu sao được tuổi trẻ. Lam lũ cả đời mẹ bỉết gì về những đam mê..”
Hình như ông cố giữ nguyên những lời thơ của người bạn và đặt những nốt nhạc vào để thành một bài ca và dĩ nhiên cái kiểu phổ nhạc này là lời đi trước nhạc đi sau; cho nên giai điệu khó mà được tự nhiên và đòi hỏi phải nghe nhiều lần mới thưởng thức được. Điều muốn nói ở đây là sự tiếp tục sáng tác của một nhạc sĩ ở vào tuổi bát tuần, vẫn mạnh khỏe, đầu óc minh mẫn.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh tặng cho tôi tập nhạc Tình Khúc Tuấn Khanh- Hoa Soan Bên Thềm Cũ ấn hành năm 2003 gồm 30 ca khúc quen thuộc thính giả như Mùa Xuân Đầu Tiên, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng, Nỗi Niềm, Nhạt Nhòa, Dưới Giàn Hoa Cũ, Quán Nữa Khuya, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi….
Có lời giới thiệu của nhạc sĩ Phạm Duy: “ Trong tất cả những nhạc sĩ đã suốt một đời ca hát cho cuộc đời Việt Nam biết bao nhiêu luân lạc, Tuấn Khanh là một nhạc sĩ đã nối tiếp con đường nhạc tiền chiến đó rất thành công…”
Nhận xét trên thật đúng cho nhạc sĩ Tuấn Khanh khi ông là chàng thanh niên tên Trần Ngọc hăm mấy tuổi, từ miền Bắc vào miền Nam lúc đất nước chia cắt làm đôi ở sông Bến Hải năm 1954, vẫn giữ cái hồn thơ và nhạc của dòng văn nghệ mà nguời ta gọi là tiền chiến, (trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp khởi lên vào cuối năm 1945), trong các sáng tác của mình.
Lời ca của Tuấn Khanh trau chuốt, nét nhạc cho âm hưởng dịu dàng phảng phất cái không khí êm đềm thơ mộng của một thời thập niên bốn mươi đất Hà Nội . Ông được người anh dạy vĩ cầm và đã chơi trong ban nhạc lúc còn ở miền Bắc và khi vào Sài Gòn vẫn tiếp tục đàn ở đài phát thanh và ban giao hưởng của trường Quốc Gia Âm Nhạc. Có lẽ tiếng đàn mượt mà của cây vĩ cầm đã ảnh hưởng đến cách sáng tác và tạo nên nét riêng cho các ca khúc của Tuấn Khanh.
Ngoài ra với cái tên Trần Ngọc, ông đã đoạt giải nhất về ca của đài phát thanh Pháp Á năm 1953. Vào Nam ông cũng hát ở đài phát thanh cùng thời với ca sĩ Anh Ngọc, Minh Trang…, nhưng sau đó bỏ nghề hát vì cái tật hay quên lời ca. Có lẽ ông chỉ nhớ đến những lời ca của những ca khúc do Tuấn Khanh sáng tác mà thôi.
Ca khúc đầu tay của Tuấn Khanh khi di cư vào miền Nam là Đò Ngang viết chung với nhạc sĩ Y Vân, hai người nhạc sĩ mà cùng tuổi cho nên kết bạn dễ dàng.
Bản Hoa Soan Bên Thềm Cũ mặc dù sáng tác ở Sài Gòn nhưng đã thai nghén lời ca ý nhạc và lấy hình ảnh hoa soan ở Hà Nội để vẽ lên phong cảnh nên thơ cho bài tình ca này.
Bản Chìều Biên Khu khá nổi tiếng của ông đã không có mặt trong tập nhạc này. Bài hát được viết cuối thập niên 50 trong chủ đề về lính mà ông đã mượn cảm hứng từ một kỷ niệm lúc còn nhỏ ở miền Bắc, theo gia đình tản cư về miền quê và tình cờ có một anh bộ đội về thăm xóm làng; bên bếp lửa hồng có mấy củ khoai lang lùi than hồng thơm ngọt, kể cho đàn em bé nghe chuyện kháng chiến chống Pháp: “Chiều nay khi nghe xóm làng xôn xao. Đón anh mừng vui ôi phút nghẹn ngào. Ngồi bên lửa bếp gia đình êm ấm. Lặng nghe anh kể chuyện đời buồn vui.”
Thập niên 90, Tuấn Khanh cho ra đời nhạc phẩm Nỗi Niềm: “Từng hạt sương khuya hoen đôi mắt biếc sao khi chia ly hôn anh một lần vội vã; làm chiều không đi chân mây tím ngắt, anh ơi đêm nay em nghe trống vắng buồn tênh…” Lời ướt át, dòng nhạc du dương mà tình cảm lai láng đưa bài hát vào hồn người nghe thắm thiết.
Tôi hỏi ông làm cách nào mà tâm hồn ở vào cái tuổi lục tuần lại có thể viết nên một ca khúc da diết như thế. Ông bật mí rằng khi sáng tác bài này, ông thả hồn về quá khứ, nhớ lại cái cảm xúc lúc sắp vượt biển thập niên 80, chạy xe ngang qua nhà của mình nhưng không dám vào vì sợ công an biết, và cũng sợ cái lưu luyến tình cảm mà không thể ra đi; tưởng tượng ra cảnh chia tay với người vợ yêu dấu. Và nỗi niềm đó đã trang trải vào ca khúc Nỗi Niềm được thính giả ưa thích.
Có lẽ bản Chiếc Lá Cuối Cùng là bản tình ca được yêu chuộng nhất, ông từng giải thích về cái câu: “ Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng, một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang…”, điều này cũng nói lên sự trau chuốt trong cách đặt lời ca của Tuấn Khanh. Một tình sử ẩn sau ca khúc này, lúc thì ông muốn kể, lúc thì ông mờ mờ ảo ảo về bóng hình người con gái đã cho ông cảm hứng. Nhưng chẳng cần tìm hiểu thêm chi tiết, chỉ biết rằng bài hát đã cho những đôi tình nhân nỗi buồn vui khi bên nhau rồi chia tay.
Hình ảnh chiếc lá cuối cùng rơi khi mùa thu tới cũng là lúc giã biệt nhau, chủ đề đó sắc nét. Tôi vẫn nhớ người yêu của mình đã từng yêu thích và hát câu “chỉ nghe tim nức nở trở về thôi” trong một đêm cùng nhau dạo bước trên đường phố vắng của Sài Gòn năm xưa.
Bên cạnh nét nhạc gọi là tiền chiến, gọi là “nhạc sang”, Tuấn Khanh cũng viết nhiều bài ca với nét nhạc gọi là “nhạc sến”. Và bản Quán Nửa Khuya, Tuấn Khanh viết chung với Hòai Linh đã được ưa chuộng; ông tự xuất bản bài hát này và hàng chục ngàn bản nhạc lẻ được tiêu thụ vào đầu thập niên 60, mang nguồn lợi tài chánh dồi dào cho tác giả. Viết theo điệu Bolero, câu nhạc mùi mẫn và lời ca dùng những từ ngữ rất văn chương. Hòai Linh nổi tiếng là người đặt lời ca rất hay, cộng tác với Tuấn Khanh cho nên bài hát thành công khi Thanh Thúy và Duy Khánh trình bày lần đầu ở đài phát thanh.
“ Quán nửa khuya bạn, tôi chia tay nhé, nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về, siết chặt tay để ghi phút phân kỳ, tiễn người đi…” Cái chữ “ phân kỳ” nghe rất “sang”. Ông cũng mượn một chút cảm hứng từ kỷ niệm hồi còn trẻ ở miền Bắc ra ngồi quán nhỏ bên đường để chia tay người bạn chiến binh lên đường về khu chiến. Bài hát rất phổ biến và nghệ sĩ Thành Được đã ca tân cổ giao duyên bản Quán Nửa Khuya trong một bài vọng cổ rất ăn khách.
Tôi ghé nhà nhạc sĩ Tuấn Khanh để ông cho xem hơn hơn trăm bài hát đã in thành bản lẻ bán ở Sài Gòn trước năm 1975. Mặc dù chỉ là bản chụp lại nhưng cũng là tài liệu quí giá mà con ông đã sưu tập được trong thời kỳ Việt Cộng cấm đóan và thiêu hủy tất cả sản phẩm văn hóa của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Có những bài ông ghi tên tác giả là Tuấn Khanh nhưng cũng có những bản lấy tên khác như Thương Hòai Thương (bài Tuy Anh Không Nói), Trần Kim Phú (bài Tỉnh Giấc ), Hòang Mộng Ngân (bản Tình Buồn Em Gái )….
Ông bảo có những bài hát viết theo đơn đặt hàng của nhà xuất bản và cũng vì chiều theo xu hướng của khách nghe. Như vậy tính ra Tuấn Khanh đã xuất bản hàng trăm ca khúc cho công chúng.
Những năm sau này ở Mỹ ông đã đặt lời ca Việt Nam cho hàng trăm bài thánh nhạc có lời ngoại quốc của nhà thờ và sáng tác hàng chục bài Thiền ca cho Phật giáo tạo sự phong phú cho sự nghiệp âm nhạc của mình.
Câu chuyện âm nhạc với người nhạc sĩ lão thành suốt cả buổi chiều, còn nhiều điều không thể kể hết trong bài viết này. Bản Mùa Xuân Đầu Tiên điệu Bolero mà ca sĩ hay hát mỗi độ Xuân về: “ Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em, bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến…” Tuấn Khanh viết thập niên 60 ở Sài Gòn.
Và nhạc sĩ Văn Cao năm 1976 cũng đã viết một bản điệu Valse mang tên Mùa Xuân Đầu Tiên: “Rồi dập dìu mùa Xuân theo én về…” làm cho nhìều người lẫn lộn khi gọi tên bài hát.
Và bây giờ trong nước cũng xuất hiện một nhạc sĩ tên Tuấn Khanh, tác giả bản Trả Nợ Tình Xa; làm cho người ta phải chú thích thêm là Tuấn Khanh già, Tuấn Khanh trẻ.
Giải thích cho sự việc này là Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia khác với nhà nước bây giờ cho nên những di sản văn hóa đã không được công nhận và xảy ra chuyện một người nhạc sĩ thế hệ sau lại lấy trùng tên một người nhạc sĩ nổi tiếng của thế hệ trước. Và cũng có nhìều ca sĩ trẻ trong nước bây giờ cũng lấy cùng tên với những ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn năm cũ.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh của Chiếc Lá Cuối Cùng kể rằng Tuấn Khanh trẻ đã có ghé quán phở Hoa Soan gặp ông và giải thích với ông rằng tên thật của anh là Nguyễn Tuấn Khanh cho nên lấy mới lấy nghệ danh như vậy.
Tôi hỏi ông có điều gì muốn nói sau khi nhìn lại cả một cuộc đời gắn bó với ca nhạc. Ông bảo là mặc dù cũng tạm gọi là một nhạc sĩ thành danh trong xã hội Sài Gòn thời đó nhưng khỏan thu nhập tài chánh có được từ một người viết ca khúc vẫn không là bao so với ca sĩ nổi tiếng và các nhà kinh doanh âm nhạc. Và qua xứ Mỹ này thì không thể sống bằng nghề viết nhạc.
Ông nói thêm mặc dù thông cảm cho các trung tâm băng nhạc cần phải chú trọng về mặt thương mại chìu theo thị hiếu của số đông khán giả mà sống còn nhưng họ đã xao lãng sứ mệnh bảo tồn và phát huy văn hóa khi ít giới thiệu những ca khúc có giá trị về mặt nghệ thuật.
Ông cho tôi xem cây đàn vĩ cầm trăm tuổi quí giá đã mua được từ chợ trời Quận Cam, có một lần làm rớt xuống đường bị một chiếc xe hơi cán qua, nhưng may quá cây đàn không bị vỡ nát.
Quán phở Hoa Soan được thực khách biết tới nhiều và thích hương vị phở của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Cuối đời của một nhạc sĩ, mặc dù yêu văn nghệ nhưng ông cũng thực tế mà nghĩ ra nghề nấu phở và nuôi sống bản thân và gia đình. Đây cũng là một nét đặc biệt khi nói về nhạc sĩ Tuấn Khanh. Khách phương xa tới quán cũng muốn gặp mặt tác giả của một số ca khúc họ từng yêu mến.
Cách đây mấy tháng, ông bị bất tỉnh mấy tiếng đồng hồ, tưởng là bị đột quỵ nhưng may mắn tỉnh lại và vẫn không sao; chỉ cảm thấy đầu óc suy nghĩ chậm chạp hơn lúc trước. Ở cái tuổi hơn tám mươi thì sức khỏe có thể biến chuyển bất ngờ.
Câu chuyện âm nhạc với nhạc sĩ Tuấn Khanh thật thú vị. Xin chúc ông kéo dài tuổi thọ, đầu óc minh mẫn và vẫn tiếp tục tìm lời ca ý nhạc cho các sáng tác mới. Còn nói chuyện văn nghệ, còn sáng tác là điều hạnh phúc đối với một nhạc sĩ dù tuổi đã cao như ông. (Trần Chí Phúc)