Nhật Tuấn
“Xó núi”, truyện ngắn của Nguyễn Thị Cẩm (1984) viết về hai cha con sống trong một con hẻm heo hút đến “cây cối chỗ nào cũng hóng hóng về phía con đường bé tẹo hệt một con giun ngoằn ngoèo, chó thì phải chơi với chuột vì không có mèo, gà và ngan dăm con chẳng có gì chơi cứ buồn thiu…”.
Đứa con gái 17 tuổi có những nét của mẹ đôi khi đâm nhói vào lòng ông bố về kỷ niệm của một người vợ đã bỏ ông đi theo người đàn ông khác để lại cho ông đứa con gái là “báu vật cuối cùng ông còn có trên đời, là nối dài kiếp sống của ông”.
Ấy thế rồi bỗng một ngày, “báu vật cuối cùng” quát vào mặt ông: “Nếu không cho cưới ngay, con e không giữ được mình, cha ạ…”.
Thật còn hơn là súng nổ bên tai, “cảm giác ông đang sụp đổ, đang trợn mắt sắp gục xuống bởi một cơn nhồi máu…”. Ông không thể tưởng tượng tới một ngày nào đó, một thằng con trai tới cướp đi “báu vật” của ông. Nó là một thằng “văn hoá lớp ba, làm thuê chuyên nghiệp, chỉ được cái hùng hục như trâu…”.
Cô nhà văn 8x tả cái cảnh trai gái yêu nhau như sau:
“Rướn mình. Cong chắc là đẹp. Cổ không dài, ngửa ra thì Thuần có thể đặt 5 lần môi. Tất nhiên dễ bị ho trong lúc hắn mê miết môi răng trên cuống họng. Phải tóm tay hắn! Một ngón cái đã vượt biên lúc mình sơ sẩy, kéo nốt bốn anh nhà nó sục vào vùng giới hạn. Đã bảo là vùng cấm kia mà! Một tí thôi! Không! Có gì đâu, chỉ một tí thôi mà. Không! Một lần này thôi… Khô ông!”.
Quả thực đoạn văn trên chứa đựng cái gọi là “chất 8x” ở chỗ “hồn nhiên trong tính dục” mà các nhà văn lớp trước khó có thể có. Tuy nhiên ngoài một chút đặc sắc hiếm hoi này, những dấu hiệu để nhận ra sự khác biệt thế hệ quả là rất ít. Tấn bi hài kịch giữa hai bố con khi chàng trai xuất hiện ngay tại căn nhà trước nay vẫn coi là bất khả xâm phạm của họ được diễn tả một cách chẳng có gì là… 8x (!), hơn thế nữa, còn dễ dãi và non nớt như biết bao cây bút mầm non văn nghệ khác.
Người cha thì mắng mỏ:
“Con còn muốn dối cha? Từ nay cấm con ra khỏi nhà một mình. Nếu cha gặp con với thằng ấy một lần nữa thôi, coi như không còn cha con gì nữa…”.
Đứa con gái thì trách móc:
“Cha là người đàn ông ích kỷ nhất trên đời! Điệp khúc ấy lặp lại mãi, đau đớn chảy đẫm xuống gối. Muốn gào thét, đập phá và đốt cháy! Cha có quyền gì buộc giữ tôi vào mảnh đất già nua đơn độc? Cha cấm đoán cả niềm vui cuối cùng tự tôi đánh đổi… cha nào thương tôi hơn người đời…”.
Một cái kết dễ dãi và chẳng có gì là mới mẻ tuy vậy “Xó núi” vẫn là một trong số ít truyện đọc được trong cả tập.
Một truyện ngắn khác – “Em xinh không ?” của Từ Nữ Triệu Vương (1980) có thể coi đậm hơi hướng 8x ở chỗ bộc lộ “cái tôi” một cách trực diện và thẳng thắn, không mặc cảm, không “khách sáo” – đặc trưng của thế hệ này.
“Em 25 tuổi. Viết văn. Bạc bẽo. Chẳng ai sống được bằng nghề viết. Em làm tại một Nhà xuất bản, lương vài trăm ngàn đồng em vẫn làm. Em yêu người đàn ông đã có gia đình trong cơ quan. Em vào đó làm chỉ mong được nhìn thấy họ hàng ngày. Họ không biết em yêu. Em cứ dại khờ yêu thầm thế. Đừng nói em ngu ngốc. Tình yêu chân thành còn sót lại trong thời này đấy.”
Em là Mắt Ướt – chân dung một 8x. Hai mươi hai giờ tối em mới đi làm về. Em mở cửa từng phòng các bạn trai, “miệng em nhí nhách: “pha trà cho em uống với nhé!”. Và rồi em cứ lặp lại câu nói cửa miệng: “Em xinh không? Em xinh nhỉ. Em hơi bị xinh đấy…” hoặc: “Em nhớ anh lắm, em thèm anh lắm, thịt anh còn ngon không…”, “… qua môi em đầy nhàn rỗi, không neo bám. Em vẫn thấy cuộc đời xa lạ. Buồn tênh…”
“Xa lạ và buồn tênh” chưa hẳn đã là đặc trưng của “cái tôi” 8x. Vậy nhưng toàn bộ câu chuyện của nàng Mắt Ướt còn xa mới đưa nàng tới chỗ “xa lạ và buồn tênh” như thế. Gắn nó cho nàng chẳng qua cũng như một chút son phấn làm dáng vậy thôi.
“Tôi muốn về nhà” của Nguyễn Quỳnh Trang (1981) đi vào đề tài “viện tâm thần” vốn nhiều người đã viết. Khác với lối viết rối mù khi tả tâm trạng người điên, Nguyễn Quỳnh Trang trong truyện này lại sử dụng lối viết rất thực, thực đến mức độ chi li, tỉ mẩn. Chỉ riêng một hòn non bộ đặt trong sân bệnh viện, Nguyễn Quỳnh Trang đã kể chi tiết: “Trên hòn non bộ có một cây si thân xù xì, rễ dài phủ xuống cả phía dưới. Xen lẫn nhiều cây thuộc họ dương xỉ. Có cả cây hoa đỏ năm cánh thường mọc ở đồi đất hoang. Hòn non bộ vẫn còn sót lại dăm đồ sứ trang trí. Có tượng mục đồng thổi sáo trên lưng trâu. Trâu bị gẫy một chân, mục đồng thì sứt nửa đầu. Nửa khuôn mặt còn lại không rõ mũi mồm nhìn trông rất hãi. Có tượng ngư ông câu cá. Ngư ông mất nửa thân người… Thêm tượng quan âm bồ tát “phù nhân chỉ lộ” tróc hết sơn…”.
Cứ thế các chi tiết được kể ra la liệt, hoàn toàn không có ý thức sử dụng thủ pháp “cực thực” hiện đại (hyperrealism) mà chỉ chứng tỏ sự non nớt, thiếu chọn lọc trong mô tả. Mấy năm gần đây, nhóm “Mở Miệng” và nhóm “Ngựa trời” ở Sài Gòn cố tạo ra những yếu tố quái dị, bẩn tưởi có thể gọi là một thứ “mỹ học của… bùn nhơ” gây ảnh hưởng tới một số cây bút 8x. Bắt chước các “đàn anh, đàn chị”, Nguyễn Quỳnh Trang viết:
“Mẹ Tóc Bím đang ngồi tênh hênh trên giường. Cái quần thủng đũng để hở một mảng quần lót hoa xanh hoa đỏ trông nhức mắt. Mẹ nó đang húp soàn soạt bát canh ăn thừa ban trưa. Húp xong vứt bát xuống gầm tủ, lấy ngón tay trỏ và ngón tay cái chọc vào mồm, móc thức ăn ở kẽ răng, đưa lên mũi ngửi ngửi, quệt tay luôn ra thành giường. Bạn nhìn thấy mà sợ…”.
Quả thực không thể hiểu tác giả bắt người đọc ghé mắt vào “những chỗ bẩn” của nhân vật như vậy nhằm mục đích gì khi chủ đề của câu chuyện hoàn toàn không đòi hỏi phải làm vậy. Bởi lẽ câu chuyện và nhân vật trong “Tôi muốn về nhà” thực ra chẳng có gì ghê gớm và phức tạp. Đó là chuyện của một cô gái ngày xưa được chồng rất yêu “thường vuốt má bạn ngọt ngào. Anh thích cái thánh thiện trong em, nó làm anh thấy cuộc đời sạch sẽ hơn, nhưng vứt thơ đi, nó sẽ làm khổ em…”. Hoá ra cô còn làm cả thơ. “Những câu từ đẹp đẽ, dịu dàng mà bạn viết ra là thứ thuốc bổ thư giãn mọi giác quan và cơ thể bạn mỗi đêm thiếu hơi da thịt chồng”. Thật là quan niệm về thơ đích thực của các thi sĩ 7x, 8x nổi tiếng như Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư… bây giờ.
Tuy nhiên, chồng và mẹ chồng cô lại không cần những đứa con tinh thần của cô, họ đòi đứa con bằng xương bằng thịt nối dõi gia đình kia. Bất hạnh cho cô, cô không thể đáp ứng đòi hỏi chính đáng ấy của chồng và mẹ chồng. Càng ngày cô càng bị nhà chồng ghẻ lạnh và khi một cô gái khác sinh ra cho chồng cô một đứa con trai thì cô ta chiếm lấy địa vị cô trong gia đình, còn chính cô phải chuyển vào viện tâm thần. Truyện ngắn còn vài nhân vật nữa, như cô Tóc Bím thường rơi vào ảo giác, tưởng tuợng mình là Chúa Giê-xu tái thế, mỗi khi nhìn thấy đàn ông nhẹ thì rên lên, trốn sau lưng mẹ, nặng thì lên cơn động kinh, xé áo, tụt quần, miệng kêu ú ớ như đang bị cưỡng hiếp, như cô Mặt Rỗ thường lên cơn điên vào ban đêm, phải trói vào thành giường, như bà cụ Tóc bạc bị con trai bỏ rơi phải cắn lưỡi tự tử…Cái “phòng điên” của Nguyễn Quỳnh Trang được kể la liệt những mảnh đời bất hạnh như thế – nó là “bể khổ” muôn đời của chúng sinh, ngoài ra không gợi mở một ẩn dụ nào khác.
Một cây bút 8x được cả một bộ máy tiếp thị của một Công ty sách bốc thơm lên cỡ… thiên tài, rồi VTV3 làm cả một show phỏng vấn rối rít những lời tâng bốc. Đó là Nguyễn Thế Hoàng Linh (1982), trong tập sách này cũng góp mặt với truyện ngắn “Sống”.
Mới lướt qua phần mở đầu của truyện, bạn đọc nào “yếu bóng vía”`hẳn tá hoả tam tinh:
“Tôi thức dậy vào một buổi chiều, chưa mở mắt nhưng rõ ràng tôi biết đó là chiều. Tôi chả buồn hỏi tại sao? Tự nhiên tôi cảm thấy khoẻ khoắn vãi hàng bình thường, tôi không thích tự “vãi hàng” đâu. Tôi hơi có ác cảm với nó. Tôi chỉ hay dùng từ “vãi lúa”. Nhưng tự nhiên, tôi thích dùng nó vãi hàng. Phải, bỗng dưng tôi thoải mái vãi hàng…”.
Mở đầu cho một truyện ngắn văn chương nghệ thuật mà “thiên tài” đã thoải mái “vãi” ra như thế này thì thật đáng mặt đại diện cho một nền văn học của thời đại… đồ đểu.
Nguồn: http://nhattuan2011.blogspot.com/2014/07/chuyen-xua-nay-moi-noi-ky-17-8x-viet.html