Bóng tối của Woolf: Ôm mang cái bất khả giải

Rebecca Solnit

Đoàn Huyền dịch

Tương lai là bóng tối, đó là điều tối đẹp nhất mà tương lai có thể trở thành, tôi nghĩ vậy,” Virginia Woolf viết trong nhật kí ngày 18 tháng 1 năm 1915, khi nhà văn gần 33 tuổi và Thế chiến thứ Nhất đang bắt đầu biến thành một cuộc thảm sát trên phạm vi chưa từng có, mà sẽ còn tiếp diễn thêm vài năm nữa. Bỉ bị chiếm đóng, chiến tranh bùng nổ ở châu Âu, chính nhiều nước trong khu vực cũng đang xâm chiếm các lãnh thổ khác trên khắp địa cầu, kênh đào Panama vừa được mở, kinh tế Mỹ suy thoái, 29 nghìn người tử nạn trong trận động đất ở Ý, những khinh khí cầu Zeppelin sẽ sớm tấn công thị trấn ven biển Great Yarmouth, khởi động giai đoạn ném bom vào dân thường, và chỉ vài tuần nữa, Đức sẽ sử dụng khí độc lần đầu tiên trên chiến trường châu Âu. Woolf, tuy nhiên, có lẽ viết về tương lai chính mình hơn là tương lai thế giới.

Woolf vừa trải qua cơn suy nhược thần kinh trong gần sáu tháng trời – căn cớ của việc tự sát [không thành], và hiện tại vẫn chịu sự coi sóc của mấy nữ y tá. Cho đến khi đó, thực ra, chứng tâm thần của nhà văn và chiến tranh thế giới diễn tiến theo cùng một lịch trình, nhưng rồi Woolf hồi phục còn cuộc chiến kéo dài thêm gần bốn năm trời, thậm chí còn đẫm máu hơn nữa. Tương lai là bóng tối, đó là điều tốt đẹp nhất mà tương lai có thể trở thành, tôi nghĩ vậy. Phát ngôn kỳ khôi đó xác quyết rằng cái không biết [the unknown] không cần trở thành cái biết [the known] nhờ tiên đoán sai lầm hoặc dự án của những tự sự [narratives] mang tính ý hệ hay mang tính chính trị khắc nghiệt; mà là sự tán tụng bóng tối, sẵn lòng – như chính cái “Tôi nghĩ vậy” bày tỏ – không chắc chắn thậm chí cả về chính xác quyết của mình.

Hầu hết mọi người sợ bóng tối. Trẻ con đúng thật là sợ đêm đen của bóng tối, trong khi đó, nhiều người lớn sợ, hơn hết thảy, bóng tối, cái mà là thứ không biết, thứ không nhìn thấy, thứ mờ mịt. Nhưng đêm tối mà trong đó người ta không thể dễ dàng phân biệt và định nghĩa cũng là đêm tình yêu được sinh thành, mọi vật tan hòa, đổi khác, mê đắm, kích động, thụ thai, bị ám, giải thoát, tái sinh.

Khi bắt đầu viết tiểu luận này, tôi tình cờ kiếm được một cuốn sách viết về sinh tồn nơi hoang dã của Laurence Gonzalez và tìm thấy ở đó câu nói gây ấn tượng mạnh sau: “Kế hoạch, ký ức về tương lai, thử hiện thực xem liệu có vừa vặn.” Ý của tác giả là khi đối diện hai sự vật dường như không tương thích chúng ta thường trông cậy vào kế hoạch, lờ đi những cảnh báo của hiện tại, và lao đầu vào rắc rối. Sợ hãi bóng tối của cái không biết, những không gian chúng ta chỉ thấy lờ mờ, chúng ta thường chọn bóng tối của những cặp mắt khép, của cái vô thức. Gonzalez nói thêm: “Các nhà nghiên cứu chỉ ra con người có xu hướng tiếp nhận thông tin như sự xác nhận chính cái khuôn tinh thần của mình. Chúng ta là những kẻ lạc quan bẩm sinh, nếu lạc quan, nghĩa là chúng ta tin chúng ta thấy thế giới như chính nó. Và dưới sự chi phối của kế hoạch thật dễ để thấy những gì chúng ta muốn thấy.” Trách nhiệm của các nhà văn, các nhà thám hiểm là nhìn thấy nhiều hơn, là ít vướng bận bởi định kiến, là du hành vào bóng đêm với những đôi mắt thức.

Không mấy kẻ trong số họ khao khát thực hiện và kế nhiệm trách nhiệm ấy. Thể loại phi hư cấu xích lại gần hơn với thể loại hư cấu trong thời đại của chúng ta theo những cách không xưng tụng hư cấu, là bởi một phần, có quá nhiều nhà văn không thể chấp nhận những tình thế trong đó quá khứ, cũng như tương lai, là bóng tối. Có quá nhiều điều chúng ta không biết, và viết một cách chân thật về một cuộc đời, của bạn hoặc của cha mẹ bạn hoặc của một nhân vật tiếng tăm, một sự kiện, một cuộc khủng hoảng và nền văn hóa khác, là khớp nối liên tục với những khoảng bóng tối, những đêm trường lịch sử, những chốn của cái không biết đó. Chúng nói với ta rằng có những giới hạn của hiểu biết, có những bí ẩn thuộc về bản thể, bắt đầu với quan điểm cho rằng chúng ta chỉ biết được những điều mà người ta nghĩ được và cảm thấy được trong sự vắng mặt của thông tin chân xác.

Chúng ta vốn dĩ không thấu biết ngay cả về chính mình, nói gì tới những người đã chết ở thời đại mà chỉ liên kết bề mặt và sự phản quang của nó thôi đã không giống thời đại chúng ta. Chúng ta lấp đầy những khoảng trống không của sự biết bằng những hiểu biết sai lầm, thay vì những sự thật chúng ta không biết toàn vẹn. Khi chúng ta lầm lẫn rằng mình biết, chúng ta sẽ biết ít hơn khi chúng ta thừa nhận rằng mình không thấu biết. Đôi khi tôi nghĩ những lầm lẫn này nơi tri thức [có] thẩm quyền là sự thất bại của ngôn ngữ: ngôn ngữ khẳng quyết thì đơn giản hơn và ít đòi hỏi nỗ lực hơn ngôn ngữ của sắc thái, của cái đa nghĩa, và của sự ước đoán. Woolf đặc biệt xuất sắc cái ngôn ngữ thứ hai đó.

Thậm chí danh xưng của nhà văn cũng có chút hoang dại. Người Pháp gọi lúc chạng vạng là khoảng thời gian “entre le chien et le loup,” giữa chó và chó sói [between the dog and the wolf], và bằng việc kết hôn với một người Do Thái ở Anh thời ấy, Virginia Stephen(1) chắc chắn đã chọn đi tới một cách sống hơi hoang dã, đã bước cao hơn một chút khuôn phép của tầng lớp và thời đại mình. Dù có nhiều Woolf, nhưng Woolf của tôi trở thành một Virgil(2), chỉ cho tôi cái hữu dụng của việc lang thang, lạc lối, ẩn danh, của sự đắm chìm, sự không chắc chắn và những điều không thể thấu biết. Tôi biến đoản ngôn về bóng tối trên đây của Woolf thành một châm ngôn, thúc đẩy sự ra đời cuốn sách xuất bản năm 2004 của mình, Hy vọng trong Bóng tối [Hope in the Dark], cuốn sách về chính trị và hy vọng, được viết để làm nguôi khuây những thất vọng do cuộc chiếm đóng Iraq của chính quyền Bush gây ra.

Hai cuộc tản bộ mùa đông

Với tôi, những lí do của hy vọng vốn đơn giản thôi, chúng là những gì sẽ xảy đến mà ta không biết, là cái không mong chờ và không hình dung tới, thường xuyên xuất hiện. Và là cái mà lịch sử không thành văn của thế giới đã chỉ ra rằng, những cá nhân tận hiến và những phong trào quần chúng có thể gây nên (và đã gây nên) ảnh hưởng lớn đến lịch sử, nhưng chỉ có điều khi nào, bao lâu, và như thế nào chúng ta thành tựu lại là điều không thể dự đoán.

Thất vọng là một kiểu tin chắc, tin chắc rằng tương lai sẽ rất giống hoặc có thể khác xa hiện thực; trong lối diễn tả giàu liên tưởng của Gonzalez, thất vọng là một ký ức quả quyết về tương lai. Lạc quan cũng quả quyết về những gì sẽ xảy ra. Cả hai đều là cái cớ cho tình trạng phi hành động. Hy vọng có thể trở thành tri thức mà chúng ta không có thứ ký ức kia và hiện thực không cần thiết phải vừa khít với những kế hoạch của ta; hy vọng giống như khả năng sáng tạo có thể khởi nguồn từ cái mà nhà thơ Lãng mạn John Keats gọi là Năng lực Tiêu cực [Negative Capability].

Vào một đêm giữa mùa đông 1817, hơn một thế kỉ trước cái ngày Woolf viết dòng nhật ký về bóng tối, John Keats cuốc bộ về nhà, trò chuyện cùng vài người bạn và như nhà thơ viết trong bức thư nổi tiếng miêu tả cuộc tản bộ đó, “một vài điều vừa lấp đầy trí óc tôi, ngay lập tức tôi đột ngột biết tố chất nào dẫn đến sự sinh thành một Tác giả Thành tựu [a Man of Achievement], đặc biệt trong lĩnh vực Văn chương… Tôi muốn nói đến Năng lực Tiêu cực, có nghĩa, khi một người có khả năng tồn tại trong cái không chắc chắn, trong niềm bí mật và sự hoài nghi mà không chút động chạm cáu bẳn nào đến hiện thực và lí trí.”

Việc Keats tản bộ, trò chuyện, và có những ý tưởng lấp đầy trí óc đề xuất rằng việc thơ thẩn một cách cơ học có thể dẫn đến sự lang thang của trí tưởng tượng, đến những hiểu biết có tư cách là một sáng tạo tự thân, chính việc thơ thẩn đó đã biến sự trầm tưởng thành một thú vui ngoài trời. Trong hồi kí “Một Phác thảo Quá khứ” [A Sketch of the Past], Woolf viết, “Sau một ngày dạo quanh quảng trường Tavistock Square, tôi đã khởi sinh, cuốn tiểu thuyết Về phía ngọn Hải đăng [To the Lighthouse], như đôi lần tôi viết những cuốn sách khác, trong một sự gấp gáp tuyệt vời, dường như vô tình. Cái này làm bật ra cái kia. Thổi những cái bong bóng khỏi ống hút đem đến cảm giác giống như đám đông vội vã của những ý tưởng và hoạt cảnh bùng ra khỏi tâm trí tôi, nên tôi bước đi với đôi môi tự động phát âm các âm tiết. Điều gì đã thổi ra những cái bong bóng? Tại sao vậy? Tôi không biết.”

Với tôi phần nào đó thiên tài của Woolf dường như chính là cái không biết ấy, cái năng lực tiêu cực ấy. Tôi có lần nghe về một nhà thực vật học ở Hawaii có khả năng tìm ra những loài mới bằng cách để mình lạc trong rừng, bước qua những điều và những cách mình vốn biết, cho phép kinh nghiệm được rộng dài hơn kiến thức của mình, và lựa chọn hiện thực hơn là kế hoạch. Woolf không chỉ sử dụng mà còn ca tụng sự lang thang không đoán định được của tinh thần và thân thể. Một tiểu luận rất hay của Woolf “Phố Ám: Một chuyến Phiêu lưu ở Luân Đôn” [Street Haunting: A London Adventure], viết năm 1930, có một giai điệu phóng khoáng nhẹ nhàng của nhiều tiểu luận nhà văn viết trước đó và nhiều chuyến viễn du thật sâu trong bóng tối.

Tác phẩm lấy một chuyến đi giả tưởng để mua chiếc bút chì trong chiều đông muộn ở Luân Đôn như một cái cớ để thám hiểm bóng tối, sự lang thang, cái bịa tạc, sự tan rã của cá tính, cuộc đại thám hiểm đó diễn ra trong tâm trí còn bề ngoài thân thể vẫn bước theo những bước quen thuộc thường ngày. “Thời khắc đêm tối, cũng, trao cho ta sự vô trách nhiệm mà bóng tối và ánh đèn đêm ban tặng,” Woolf viết. “Chúng ta không hoàn toàn là mình nữa. Khi bước ra khỏi nhà trong một tối đẹp trời tầm 4 đến 6 giờ, chúng ta xé bỏ cái bản ngã mà bạn bè ta vốn biết, bằng và trở thành một đám đông cộng hòa bao la của những kẻ phiêu bạc ẩn danh, những kẻ mà cái xã hội của họ quá dễ chịu đối nghịch với sự cô quạnh của căn phòng riêng”. Ở đây nhà văn mô tả một hình thái xã hội không chèn ép mà giải phóng cá tính, xã hội của những kẻ xa lạ, cộng hòa đường phố, trải nghiệm trạng thái ẩn danh và tự do, thứ được phát kiến bởi các thành phố lớn.

Trầm tưởng thường được miêu tả như một trạng thái cô độc, ẩn cư, như nhà tu hành trong trai phòng, nhà văn bên bàn viết. Woolf bất đồng với quan niệm ấy, nhà văn viết về căn nhà như sau, “Ở đó ta bị bao quanh bởi những đồ vật, chúng ép buộc ký ức kinh nghiệm của mỗi chúng ta.” Woolf miêu tả các vật dụng rồi khẳng định, “nhưng khi cánh cửa đóng lại sau lưng ta, tất cả biến mất. Lớp bao bọc tựa một cái vỏ, thứ mà tâm hồn chúng ta tự bài thải ra ngôi nhà, để tạo cho tâm hồn ta hình dạng riêng, đã bị phá vỡ, và cái còn lại của tất cả những thứ nhăn nhúm và thô nhám này là một hạt ngọc ngự ở nơi trung tâm của nhận thức, một con mắt cực lớn. Đẹp đẽ thay đường phố mùa đông!”

Cái vỏ của căn nhà gần như là một thứ tù ngục, tựa một sự bảo vệ, bao bọc của cái quen thuộc và liên tục, những thứ có thể biến mất ở bên ngoài. Bước ra ngoài đường phố có thể là một hình thức của sự can dự mang tính xã hội, thậm chí một hành vi chính trị như khi ta bước vào buổi hòa nhạc, khi ta tham gia vào các cuộc khởi nghĩa, biểu tình và cách mạng, nhưng nó cũng có thể là một cách sinh thành sự mộng tưởng, cái chủ quan, và trí tưởng tượng, một bản song ca giữa những cái liên tục và ngắt quãng của thế giới bên ngoài với dòng chảy của những hình ảnh và những khao khát và (sợ hãi) của thế giới nội tại. Có lúc, nghĩ suy là một hoạt động thể chất và hướng ngoại.

Trong những hoàn cảnh như thế, suy nghĩ thường là một thoáng sao lãng đẩy trí tưởng tượng về phía trước, chứ không phải là sự tập trung trí lực liên tục. Suy nghĩ bởi vậy hoạt động bằng sự gián tiếp, đi một vòng quanh co để đến những nơi mà nó không thể chạm tới một cách trực tiếp. Trong “Phố Ám,” chuyến du hành của trí tưởng tượng có lẽ chỉ là thú giải trí thuần túy, nhưng thứ lang thang như thế đã cho phép Woolf hình thành diện mạo của Đến ngọn Hải Đăng, chính nó đã thúc đẩy công việc sáng tạo của nhà văn theo cái cách mà việc ngồi bên bàn viết có lẽ không làm được. Những cách thức mà công việc sáng tạo hoàn thành thường không dự đoán được, chúng yêu cầu một không gian để lang thang, và từ chối các lịch trình và phương pháp. Chúng không thể bị tối giản thành các công thức sao chép toàn vẹn.

Không gian công cộng, không gian thành thị, cái không gian mà ở thời điểm khác đáp ứng nhu cầu của thị dân, thành viên của một xã hội đã thiết lập mối giao thiệp với những thành viên khác, còn ở đây nó là một không gian đã biến mất khỏi những ràng buộc của cá tính. Woolf tán dương sự lạc lối, không phải sự lạc lối vì không biết cách tìm ra đường đi, mà là lạc lối trong sự cởi mở hướng tới cái không biết, và Woolf cũng tán dương cả cái cách mà không gian vật lý có thể cải thiện không gian tinh thần. Nhà văn viết về giấc mơ ban ngày, hay có lẽ là giấc mơ ban chiều như trong trường hợp này, như là câu chuyện của việc tưởng tượng về chính mình ở nơi chốn khác, trong tư cách của một người khác.

Trong “Phố Ám” Woolf phân vân về bản thân căn tính:

Cái tôi thật sự [the true self] không phải là cái này hay cái kia cũng không phải là khi ở đây hay lúc ở đó, mà là một cái gì đó đa căn tính và trôi nổi, và nó chỉ là nó khi chúng ta để các ước muốn của nó hoàn toàn tự do cũng chẳng chặn bước nó đi tới, lúc ấy liệu chúng ta thực sự là chính mình? Hoàn cảnh sống yêu cầu sự thống nhất; vì lợi ích, một người phải nằm trong cái toàn thể. Một công dân mẫu mực khi mở cánh cửa ban tối hẳn phải là một chủ nhà băng, một golf thủ, một người chồng, một người cha; chứ không phải một kẻ du mục lang thang trên sa mạc, một nhà thần bí soi ngắm bầu trời, một kẻ phóng đãng ở những khu ổ chuột của San Francisco, một người lính đi đầu cuộc cách mạng, một kẻ bị ruồng bỏ gào lên những tiếng hoài nghi và đơn độc.

Nhưng anh ta là tất cả những kẻ này, Woolf khẳng định, và cái giới hạn những gì anh ta có thể trở thành không phải là giới hạn của Woolf.

Những nguyên tắc của cái Không Chắc chắn

Woolf yêu cầu một phiên bản trầm tư hơn cái “Tôi là đám đông” của Walt Whitman, sáng trong hơn cái “Tôi là kẻ khác” của Arthur Rimbaud. Nhà văn đòi hỏi những hoàn cảnh không tạo ra sự thuần nhất của căn tính, cái là một giới hạn, thậm chí một sự bức chế. Người ta thường nhận thấy Woolf thỏa mãn yêu cầu này cho các nhân vật trong tiểu thuyết, hay ít thường xuyên hơn, trong các tiểu luận của mình. Nhà văn minh họa điều đó bằng một giọng bình luận, soi xét cẩn trọng để ca ngợi, triển hạn, và đòi hỏi nó bằng việc nhấn mạnh đến sự đa dạng, cái tối giản và có lẽ cả cái bí ẩn, nếu bí ẩn là khả năng của cái đang trở thành, cái vượt thoát, cái không bị giới hạn, cái có khả năng bao chứa nhiều hơn.

Các tiểu luận của Woolf thường vừa là những tuyên ngôn (về) vừa là những minh họa hay những bản điều tra về cái ý thức không giới hạn này, của nguyên tắc không chắc chắn này. Chúng cũng là những hình mẫu của một dạng phản-phê bình, bởi chúng ta thường hiểu mục đích của phê bình là sự thấu suốt toàn vẹn. Thời gian làm phê bình nghệ thuật tôi thường nói vui rằng các bảo tàng yêu nghệ sĩ theo cách các thợ nhồi bông thú yêu hươu nai và cái gì đó của ham muốn chiếm giữ, cố định hóa, làm chắc chắn và rõ nghĩa các tác phẩm có tính khám phá, mơ hồ và kết thúc mở, đang hiện diện ở rất nhiều người làm việc trong chốn giam hãm, đôi khi được gọi là thế giới nghệ thuật ấy.

Một kiểu hung hăng tương tự chống lại sự mơ hồ của tác phẩm và sự đa tầng của ý nghĩa và ý hướng của nghệ sĩ thường tồn tại trong phê bình văn học và nghiên cứu hàn lâm, một ham muốn chắc chắn hóa những gì không thể chắc chắn, thấu hiểu những gì bất khả tri, biến một chiếc phi cơ bay ngang trời thành miếng thịt nướng trên đĩa ăn, để phân loại và kiểm soát. Cái gì thoát khỏi sự phân loại thì cũng không để bị nhận diện.

Có một loại phản-phê bình, một kiểu phê bình cố gắng triển hạn tác phẩm nghệ thuật bằng cách kết nối với nó, mở ra các ý nghĩa của nó, mời gọi người ta đến với những khả nghĩa ấy của tác phẩm. Một tác phẩm phê bình xuất sắc có thể giải phóng cho một tác phẩm nghệ thuật, để nó được chiêm ngưỡng toàn vẹn, lưu giữ sự sống động, và tham gia vào, không phải một cuộc hội thoại vô tận mà thay vào đó là một cuộc hội thoại không ngừng bồi đắp những hư cấu giả tưởng. Phê bình phản-phê bình không chống lại diễn giải mà chống lại sự giam hãm, chống lại sự hủy diệt tinh thần. Kiểu phê bình ấy tự thân đã là một nghệ thuật kì diệu.

Loại phê bình này không đưa phê bình ra đọ sức với văn bản, không tìm kiếm quyền lực. Thay vào đó nó thử du hí cùng tác phẩm và những ý tưởng của nó, mời gọi nó bừng nở và mời gọi những người khác tham gia vào cuộc đối thoại mà trước đó dường như là không có lối vào, kéo dài những mối quan hệ có thể đã không được nhìn thấy và mở ra những cánh cửa có thể đã bị khóa. Loại phê bình này tôn trọng bí mật mang tính bản thể của tác phẩm nghệ thuật, điều phần nào chính là vẻ đẹp và sự thú vị của nó, cả hai đều tối giản và mang tính chủ quan.

Những cuộc giải phóng

Woolf phóng thích cho văn bản, trí tưởng tượng, các nhân vật hư cấu và sau đó yêu cầu cái tự do ấy cho chính chúng ta, nhất là cho phụ nữ. Điều này dẫn tới trọng điểm của Woolf, cái đã thành điển mẫu lớn nhất đối với tôi: Woolf luôn luôn tụng ca một loại giải phóng, không phải sự giải phóng về mặt chính quyền, thể chế hay lý tính mà là chuyện vượt thoát khỏi cái quen thuộc, cái an toàn, cái có thể thấu biết để bước vào thế giới rộng lớn hơn. Yêu cầu giải phóng phụ nữ của Woolf không phải chỉ để họ có thể làm một số việc thuộc về thể chế như đàn ông đã làm (và như những người phụ nữ hiện nay đang làm), mà là để họ có đầy đủ tự do để rong chơi cả về mặt địa lý và cả trong tinh thần.

Nhà văn thừa nhận rằng sự giải phóng này đòi hỏi nhiều hình thức thực tế của tự do và năng lực – Woolf thừa nhận điều này trong Căn phòng riêng [A Room of One’s Own], tiểu luận cũng thường được nhớ tới như một sự đòi hỏi những căn phòng riêng và thu nhập riêng của người phụ nữ, dù nó cũng yêu cầu cả giáo dục đại học và một thế giới toàn vẹn, thể hiện qua câu chuyện tưởng tượng hay và buồn về Judith Shakespeare, người em gái bất hạnh của Shakespeare: “Cô không được rèn giũa tài năng. Thậm chí liệu cô ấy có thể ăn bữa tối trong quán trọ hoặc lang bạt khắp phố phường giữa đêm khuya?” Ăn tối trong quán trọ, phố phường đêm khuya, tự do của đô thị chính là những yếu tố cốt lõi của tự do, thứ không minh định cá tính mà để lạc mất nó. Có lẽ nhân vật chính trong tiểu thuyết Orlando của nhà văn, người sống hàng thế kỷ, chuyển từ giới tính này sang giới tính kia, thể hiện cho ý tưởng của nhà văn về tự do tuyệt đối để lang thang, trong ý thức, trong sự phấn khích, trong căn tính, và ở một chốn nào đó.

Vấn đề giải phóng xuất hiện theo cách khác trong bài diễn thuyết “Những Nghề nghiệp cho Phụ nữ” [Professions for Women] của Woolf, trong đó nhà văn miêu tả hành vi bạo lực đầy khoái cảm về chuyện giết chết Thiên thần chốn Khuê phòng [the Angel in the House], tức một phụ nữ lý tưởng người đáp ứng tất cả nhu cầu và trông đợi của kẻ khác, chứ không phải của chính mình:

Tôi sẽ cố hết sức để giết cô ấy. Lí lẽ của tôi, nếu tôi phải ra hầu tòa, có lẽ là tôi hành động để tự vệ…. Giết Thiên thần chốn Khuê phòng là một phần công việc của nữ nhà văn. Thiên thần chết; vậy cái gì còn lại? Bạn có thể nói rằng những gì còn lại là một thể đơn giản và chung chung – một người phụ nữ trong phòng ngủ với một lọ mực. Nói cách khác, bây giờ cô ấy đã tự vứt bỏ những sai lạc, bây giờ chỉ còn việc trở thành chính mình. À mà, “chính mình” là cái gì nhỉ? Ý tôi là, một phụ nữ là gì nhỉ? Tôi cam đoan với bạn là tôi không biết. Tôi không tin bạn biết.

Tới giờ bạn đã thấy Woolf nói “Tôi không biết” hơi nhiều không?

“Giết Thiên thần chốn Khuê phòng,” Woolf nói rõ hơn, “Tôi nghĩ tôi đã giải quyết vấn đề. Cô ấy chết. Nhưng rồi thì, nếu nói một cách thành thật về trải nghiệm ấy của bản thân tôi ở khía cạnh toàn bộ thân thể, tôi không nghĩ tôi đã giải quyết được. Tôi e chưa người phụ nữ nào đã giải quyết xong xuôi. Những điều ngáng trở cô ấy vẫn cực lớn – nhưng chúng rất khó để định danh.” Đây là âm giai tuyệt diệu của sự khước từ lịch thiệp của Woolf, và phát ngôn cho rằng cái sự thật của nhà văn ắt hẳn phải bao gồm toàn bộ thân thể, tự thân nó tân kì đến không thể hình dung được trước khi Woolf phát biểu về nó. Hiện thân ý tưởng của Woolf trong các tác phẩm dù chừng mực hơn nhiều so với những nhà văn khác, như Joyce chẳng hạn, nhưng nó thực sự hiện diện – và mặc dù nhà văn tìm cách để đạt được sức mạnh nhưng cái Woolf tìm thấy trong tiểu luận “Bàn về Trạng thái Đau ốm” [On Being Ill], rằng thậm chí cả cái không năng lượng của trạng thái đau yếu cũng có thể là sự giải phóng, vì nó chú ý tới những gì mà kẻ khỏe mạnh không thấy, vì nó đọc các văn bản bằng một đôi mắt tươi mới, vì nó trong trạng thái đang biến đổi, mới chính là cái Woolfian [cái thuộc về, cái tiêu biểu của Woolf – ND]. Tác phẩm của tất cả các Woolf mà tôi biết đều bịa ra loại hóa thân kiểu Ovid(3) nơi mà tự do được tìm kiếm là một tự do để tiếp tục trở thành, tiếp tục khám phá, tiếp tục lang thang, vượt thoát. Woolf là một nghệ sĩ “thoát ly” [an escape artist.]

Khi kêu gọi một số thay đổi cụ thể mang tính xã hội, thì bản thân Woolf cũng là một cuộc cách mạng. (Và tất nhiên nhà văn đã không thấy và thiếu sót ở nhiều điểm bởi lí do giai tầng, điểm nhìn và thời đại, những điểm mà nhà văn mới chỉ vượt thoát ít nhiều. Chúng ta cũng có những điểm mù quáng của mình mà thế hệ sau có thể lấy đó để lên án hoặc không lên án chúng ta.) Nhưng ý tưởng của nhà văn về giải phóng ắt hẳn là mang tính bản thể, giàu cảm xúc và trí tuệ.

Nhiệm vụ của tôi khi kiếm sống bằng ngòi bút hơn hai mươi năm qua là cố gắng tìm hoặc tạo ra một ngôn ngữ để miêu tả những cái tế vi, không thể đong đến, những khoái cảm và ý nghĩa – không thể phân loại được – ở trung tâm của sự vật. Chip Ward bạn tôi nói về “nền độc tài của cái đếm được” [the tyranny of the quantifiable] như là một nền độc tài mà trong đó cái gì có thể đo đếm được hầu như luôn được ưu tiên hơn cái không thể đo lường; lợi ích cá nhân ưu tiên hơn lợi ích cộng đồng; tốc độ và hiệu quả hơn thú vui và chất lượng; cái hữu dụng hơn sự huyền bí và ý nghĩa, mà chính cái ý nghĩa và sự huyền bí ấy lại là những điều hữu ích hơn rất nhiều đối với sự tồn tại (thậm chí hơn cả) sự tồn tại của chúng ta, đối với những sự sống mà mục đích và giá trị nào đó của chúng tồn tại vượt trên cả chúng ta để tạo nên giá trị của nền văn minh.

Nền độc tài của cái đếm được phần nào đó là sự thất bại của ngôn ngữ và diễn ngôn, trong việc miêu tả những hiện tượng dễ đổi thay, phức tạp, và tế vi hơn cũng như sự thất bại của những người định hình quan điểm và quyết định việc hiểu và định giá những hiện tượng mơ hồ này. Định giá những gì không thể định danh hay miêu tả là điều nan giản, đôi khi, thậm chí là bất khả thi, và bởi vậy nhiệm vụ định danh và miêu tả là nhiệm vụ chính yếu của bất kỳ cuộc cách mạng nào chống lại tình trạng hiện thời của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng. Sự tàn phá thế giới về cơ bản một phần, có lẽ là phần lớn, là bởi sự thất bại của trí tưởng tượng và bởi sự lu mờ của nó trước các hệ thống định lượng, thứ không thể đong đo những gì quan trọng. Cuộc cách mạng chống lại sự tàn phá này là cuộc cách mạng của trí tưởng tượng, cuộc cách mạng đứng về phía cái tế vi, cái khoái cảm mà tiền bạc không thể mua được, các tập đoàn không điều khiển được, [là cuộc cách mạng] ủng hộ việc trở thành kẻ tạo sinh hơn là người tiêu dùng ý nghĩa, và tán thành sự chậm rãi, lang thang, lạc đề, thám hiểm, cái thiêng liêng và cái không chắc chắn.

Tôi muốn kết thúc bằng một đoạn văn của Woolf mà bạn tôi họa sĩ May Stevens đã gửi cho tôi, sau khi viết nó ngang một bức tranh của mình, một đoạn văn cũng đã có mặt trong cuốn “Sách Hướng dẫn Lạc lối” [A Field Guide to Getting Lost] của tôi. Trong những bức họa của May, các câu văn dài của Woolf được viết để chúng tuôn chảy như nước, tạo thành một sức mạnh mãnh liệt mà tất cả chúng ta bị cuốn đi và nổi trôi trên nó. Trong Về phía ngọn Hải đăng, Woolf viết:

Lúc này bà [nhân vật Ramsay – ND] không nghĩ đến ai cả. Bà có thể là chính mình, riêng mình. Và đó là những gì mà hiện thời bà thường cảm thấy sự cần thiết của – suy nghĩ, ồ, thậm chí không phải là suy nghĩ. Trở nên lặng yên; trở nên đơn độc. Tất cả tồn tại và tất cả hành động, trải dài, lấp lánh, giàu thanh âm, dần tan biến; và thu nhỏ lại với cảm giác trang nghiêm, để trở thành bản thân mình, một cái lõi hình nêm trong bóng tối, một thứ vô hình với kẻ khác. Dù bà vẫn đan, ngồi thẳng lưng, nhưng theo cách đó bà cảm nhận được bản thể; và chính cái tự ngã này đã xé bỏ những ràng buộc, tự do đi vào những cuộc hành trình xa lạ nhất. Khi cuộc sống chìm xuống chốc lát, phạm vi của trải nghiệm dường như vô hạn… Ở bên dưới, nó là toàn vẹn bóng tối, toàn bộ nó trải rộng, nó là chiều sâu không cùng; nhưng thi thoảng ta nhô lên mặt nước và người ta chỉ nhìn thấy phần trồi lên ấy mà thôi. Với bà, chân trời dường như là vô tận.

Woolf trao tặng ta cái vô hạn định, không sao nắm giữ, [nó] khẩn nài [ta] choàng ôm lấy, chảy trôi như nước, vô tận như khát vọng, [nó] – một la bàn để lạc lối.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Anh, Woolf’s Darkness: Embracing the Inexplicable, trên trang The New Yorker tháng 4/2014.

Đường dẫn: http://www.newyorker.com/books/page-turner/woolfs-darkness-embracing-the-inexplicable

Về tác giả: Rebecca Solnit (1961) hiện sống tại San Francisco, California, là nhà phê bình, tác giả của 16 cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực như môi trường, chính trị, nghệ thuật. Rebecca được đề cử và giành nhiều giải thưởng cho các cuốn sách của mình như giải National Book Critics Circle Award (Giải thưởng của Giới Phê bình Sách Quốc gia), hạng mục phê bình, giải Mark Lynton History Prize (giải Lịch sử Mark Lynton) năm 2004 cho cuốn River of Shadows (Dòng sông của những cái Bóng), để cử cho giải National Book Award (Giải thưởng Sách Quốc gia), và National Book Critics Circle Award (Giải thưởng của giới Phê bình Sách Quốc gia) cho cuốn Faraway Nearby (Gần Xa) năm 2013…

clip_image001

(1) Adeline Virginia Stephen, nhũ danh của Woolf (ND).

(2) Publius Vergilius Maro (70-19 trước Công nguyên), nhà thơ La Mã, tác giả của Eclogues, GeorgicsAeneid (ND).

(3) Publius Ovidius Naso (43 trước Công nguyên-17/18 sau Công nguyên), nhà thơ La Mã, tác giả của Amores (Những câu chuyện tình), Ars Amatoria (Nghệ thuật tình yêu), Metamorphoses (Hóa thân) (ND).

* Thông tin về tác giả và các chú thích đều được lấy từ trang: www.en.wikipedia.org (ND)

Comments are closed.