Cuộc đối thoại nhỏ về bài: “Thơ Tố Hữu – kho “kí ức thể loại” của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa” (*)

Lời dẫn: Hai năm vừa qua mình viết được ba bài ưng ý, bài thứ nhất về Nguyễn Huy Thiệp (“Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn xuôi Việt Nam sau 1975”), bài thứ hai về Nguyễn Tuân (“Nguyễn Tuân – Nhà văn của hình dung từ”) và bài thứ ba về Tố Hữu (“Thơ Tố Hữu – kho “kí ức thể loại” của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa”). Bài về Tố Hữu vừa đăng xong trên tạp chí “Nghiên cứu văn học” của Hữu Sơn thì Hoàng Dzũng lại lấy đăng trên “Văn Việt”. Trước đó, nó được chia thành nhiều bài nhỏ đăng trên tạp chí điện tử “vanhoanghean.com.vn”. Ngày 24/3/20015, fb “Mậu Nguyễn Đức” đã kéo link bài “Ca thi và đại cáo trong thơ Tố Hữu” để nhiều người cùng đọc. Phần “Bình luận” về bài viết dưới “stt” này đã tạo thành một cuộc đối thoại nho nhỏ, tuy có chút gay gắt, nhưng không kém phần sôi nổi, vì mỗi người tham gia đều thể hiện rõ chính kiến của mình. Mình đăng lên Blog cá nhân để giữ lại làm kỉ niệm. Mời các bạn cùng chơi fb đọc thư giãn giữa những ngày nóng bức.

L. N. (La Khắc Hòa)

Lại Nguyên Ân: Tôi đọc những phân tích này [**] và muốn hỏi: Đây là phê bình hay nghiên cứu? Sự khảo sát, nhận xét ở đây rốt cuộc là khen hay chê đối tượng được khảo sát? Có lẽ điều khá rõ là khen! Khen thơ Tố Hữu như là thơ đề cao hoạt động cách mạng, thủ lĩnh cách mạng như là thần thánh. Cho nên nếu ban đầu ta (có ai đó trong chúng ta) ngạc nhiên vì thấy Văn nghệ quân đội hay Văn hóa Nghệ An yên tâm đăng những nghiên cứu này, thậm chí còn tặng thưởng tác giả nữa, thì rốt cuộc phải thấy mọi thứ đó là hợp lý. Chỉ có điều, đứng về phía lý tưởng (thẩm mỹ – xã hội) của sự phê bình, thì hình như rất cần chất vấn: Các sáng tác thơ Tố Hữu là hay hay dở so với các kiểu mẫu văn chương nhân loại? Chúng đi theo chiều thuận hay nghịch so với các yêu cầu nhân bản, nhân đạo, trọng dân chủ, nhân quyền? Và nếu những sáng tác ấy không ở chiều thuận với xu thế xã hội thẩm mỹ ta mong muốn, thì phải chăng là nên chọn cách “kính nhi viễn chi” – không nói không bàn đến cái di sản thi ca ấy trong một thời gian dài, để những kẻ sùng bái nó sẽ chết cái chết tự nhiên cùng với nó – như xử sự của phần đông nghiên cứu sinh hiện nay, thì hơn là nêu ra thực chất, cơ cấu có vẻ rất hay của nó – như cách của nhà nghiên cứu ở đây? Mậu Nguyễn Đức,Bình Nguyên cho ý kiến?

Mậu Nguyễn Đức: Chờ anh Khac Hoa La cho ý kiến.

Khac Hoa La: Mậu Nguyễn Đức Ý kiến trong bài viết rồi. Có gì phải nói thêm nữa đâu! Tôi viết rất rõ mà! Anh Lại Nguyên Ân muốn khi viết cứ phải khen, hoặc chê. Tôi không biết viết phê bình theo kiểu ấy. Tôi chỉ biết khảo cứu và trình ra trước người đọc các bằng chứng thôi.

Chu Văn Sơn: Từ thế kỉ trước đến nay, thơ Tố Hữu được khảo đả quá nhiều. Đọc bác Hoà, thấy giờ này mà chỉ KHẢO thiếu ĐẢ, bác Ân buồn.

Lại Nguyên Ân: Kiểu KHẢO của anh Hòa, đã có hiệu ứng thế nào: người của Tuyên huấn khen, các báo chính thống (VNQĐ, VHNA) đăng tải và tặng giải. Những người ấy hoặc quá ngu ngốc (?), không hiểu cái thâm ý mà nhà nghiên cứu gửi vào các bài viết, hoặc là cái thâm ý ấy chỉ có vẻ là thế ( = ý thâm) trong sự rỉ tai của tác giả với bạn bè, chứ thật ra đó vẫn là sự đề cao giá trị thơ ca Tố Hữu, một sự đề cao mà những nhà Việt học từ các nước phát triển sẽ rất khó chấp nhận. Vậy thì, trong khi số đông sinh viên, nghiên cứu sinh tìm mọi cách tránh phải viết và nói về thơ Tố Hữu, trong khi số đông nhà văn, nhà phê bình tránh nói về di sản thơ Tố Hữu, lý do là vì thơ ấy gắn bó hữu cơ với kiểu tuyên truyền chính trị mà một số đông công chúng ngày nay chán ghét, đang muốn nó vĩnh viễn lùi vào quá khứ… Trong không khí ấy, một nhà nghiên cứu sẽ là gì, sẽ có vai trò gì (thúc đẩy tiến bộ nhận thức hay trì kéo kiểu nhận thức cũ, níu kéo các giá trị cũ?) với việc quay lại KHẢO đi sản thơ ca ấy theo cách chúng ta đang thấy? Xin hỏi Mậu Nguyễn Đức, Bình Nguyên, Nguyen Thi Thanh Xuan, Chu Văn Sơn, v.v.

Khac Hoa La: Tôi hiểu cách đọc văn của anh Lại Nguyên Ân rồi. Anh không phản biện luận điểm của tôi. Luận điểm của tôi là thế này: Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (Tố Hữu là “lá cờ đầu”) là văn học “tán dương” (“Ca thi”), vì “tán dương” nên rất “réo rắt”. Anh Ân không bàn tới luận điểm quan trọng ấy, chỉ nói về các bài viết của tôi được đăng báo giấy, báo mạng và được giải thưởng. Ấy là cách đọc của các cầu thủ bóng đá “bỏ bóng đá người” đấy. Tôi sợ kiểu “đọc” này lắm lắm! Mậu Nguyễn Đức, Bình Nguyên

Mậu Nguyễn Đức: Chưa nói chuyện nội dung bài này muốn nói gì, nói chuyện từ ý tưởng tác giả bài viết đến đọc giả tiếp nhận đã có lệch nhau hay trùng nhau. Anh Lại Nguyên Ân đã nói đến cách đọc của mình và nghĩ đến tác động đến đôc giả, đấy cũng là một ý kiến phản ứng cần được nêu lên. Nhưng cũng nên thấy độc giả bây giờ đã ít nhiều trưởng thành, gây ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến họ không dễ dàng. Chọn món ăn cho họ là việc cần nghĩ đến của mỗi trang, nhưng cho họ nếm nhiều nhiều và rộng rãi, ít kiêng khem, ít dè dặt thì mới có cái mới xuất hiện. Đưa Tố Hữu lại như xưa thì chắc chắn là không thể, đưa Tố Hữu về vị trí thực có dễ không, có cần thiết không, có nên đưa ra không, thiết tưởng cũng chẳng nên đặt vấn đề này ra. Vậy thì thế hệ anh Khac Hoa La có ý nghĩ gì cứ viết ra. Tố Hữu hay ai còn ám ảnh thì cứ viết ra. Báo mạng đủ chỗ cho các ý kiến tự do thể hiện, và trên đó nên có một không khí tự do. Vấn đề là xem không khí phản ứng (lặng lẽ hay ồn ầo) để đo lường sự tiếp nhận của cộng đồng là một việc thường xuyên mang tính trắc nghiệm của người cung cấp thông tin cho độc giả. Nói hơi dài, sẽ trở lại chút chút về bài viết này của anh Hoà. Nhắn Chu Văn Sơn Văn Giá Ngô Trần Đình Sử Nguyen Thi Thanh Xuan Bình Nguyên Tien Dang Phan Văn Thắng Nguyễn Duy Bình đọc cho vui, cho rôm chuyện. Xin cảm ơn cả anh Ân và anh Hoà.

Nguyen Thi Thanh Xuan: Cám ơn anh Mậu Nguyễn Đức đã cho đọc. Nếu tôi không nhầm, bài viết này nằm trong mạch nghiên cứu của anh La Khắc Hòa: soát xét lại các hiện tượng văn học đã qua, với những cách tiếp cận khác nhau. Bài viết có hai lớp: lớp hiển lộ: cụ thể, khách quan, để sự kiện lên tiếng, lớp ẩn ngầm: bàng bạc một cái nhìn giễu nhại vốn có của tác giả. Bài viết tập trung vào text, dư luận gắn với context, tình hình của mình hiện nay vẫn là như vậy.

Lại Nguyên Ân: “Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (Tố Hữu là “lá cờ đầu”) là văn học “tán dương” (“Ca thi”), vì “tán dương” nên rất “réo rắt”.” – lập luận như thế thì sẽ là không sai – dưới mắt các quan chức tư tưởng hiện giờ, thậm chí họ xem đây là sự đề cao di sản văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa nói chung, và họ cấp “quota”, cho dự án, trao phần thưởng là đúng rồi. Tức là họ coi nhà nghiên cứu là một dư luận viên cao cấp, thế thôi. Nhưng rất may là phần lớn độc giả bây giờ, nhất là độc giả trẻ, không ưa thơ Tố Hữu, và do vậy, những khảo sát kiểu này không có mấy hiệu lực.

Tien Dang: Nên để cho giới nghien cứu tự do chọn đề tài, bên ngoài thành kiến chính trị, bên ngoài sở thích của độc giả.

Mậu Nguyễn Đức: Văn học bi giờ không được/ bị quan tâm kiểu như ba, bốn chục năm trước, đấy là điều hay. Tố Hữu không được thích nữa cũng nhiều lí do, trước hết là do thơ ông. Nhiều cái cũ nhắc lại không ai để ý gì đâu, mấy người cũ đọc nhau rồi khen, chê, đánh giá thôi. Nhiều cái vương vấn trong đầu thế hệ 60, 70 nay không mấy ý nghĩa. Người đọc chiếm ưu thế trong thời đại mới bao giờ cũng thuộc thế hệ trẻ. Xem ai còn nhắc lại cái ngày xưa lải nhải: con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhưng gì thì gì, cái gì muốn viết, muốn nói thì cứ nên được nói, được viết. Phiếm luận chút cho vui chuyện vậy

Khac Hoa La Cảm ơn bà Nguyen Thi Thanh Xuan. Có quan tòa như bà, tòa án đỡ án oan, nhà tù đỡ chật chỗ. Tính tôi dát, tôi sợ mấy ông vác dao búa chém túa lua lắm. Cảm ơn anh Tien Dang đã “cởi trói” cho người nghiên cứu. Đúng là ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ không mấy ai còn quan tâm nghiên cứu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cho nên, những chuyên gia hàng đầu về văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (chủ yếu về văn học Xô Viết) mới chạy qua Úc và Liên bang Đức. Mình kính trọng hai vị sau đây: Katerina Clark ( Melbourne, Úc) và Hans Günther (Đức). Ai muốn đọc bài của Katerina Clark “Vai trò đặc biệt của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa trong văn hoá Xô-viết”, xin vào đây: https://lythuyetvanhoc.wordpress.com/…/t%C6%B0-li%E1…/

Trương Hồng Quang: Tố Hữu từng là điển phạm thẩm mỹ của cả một thời đại, tôi không muốn nói đến những thứ như “giết giết giết” tất nhiên cũng có trong thơ của ông, tôi muốn nói đến những hình ảnh, trường liên tưởng, âm giai (ví dụ ở một câu như “em ơi – mùa tuyết tan – đường bạch dương – sương trắng – nắng tràn…”) thật sự đã trở thành một thứ vô thức tập thể của rất nhiều người sinh ra trước thế hệ X ở miền Bắc. Tôi thấy hướng nghiên cứu của anh Khac Hoa La, trước đó là của GS Trần Đình Sử, rất quan trọng và thú vị – đấy không phải là phê bình quan phương, mà theo tôi là những nỗ lực khách quan hoá từ giác độ lịch sử văn học. Xin được nói thêm một ý ngoài lề: Vừa rồi tôi có đọc bài “Viếng bạn” (II) của anh Chu Văn Sơn viết lại trên nền bài thơ gốc của Hoàng Lộc từ năm 1948. Bản của anh Sơn hay và xúc động đã đành, nhưng cảm hứng chủ đạo của nó cũng đã có từ chính bản gốc của Hoàng Lộc. Mà cảm hứng của Hoàng Lộc lại cũng chính là một phần của cảm hứng thời đại đã được thể hiện tập trung nhất trong thơ Tố Hữu, ít nhất là ở những phần thơ và “vô tội” nhất của nó. Còn việc rồi cuộc “cách mạng (sẽ) ăn thịt những đứa con của chính mình” hay “giấc mộng của lý trí sản sinh ra những con quái vật” – đó đã là một chủ đề khác…

Mậu Nguyễn Đức: Nhớ lại quãng 1986, trong hội thảo về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, thì Phan Cự Đệ có nói rằng Nguyễn Minh Châu đi chệch khỏi phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Phê phán này làm Nguyễn Minh Châu buồn (cái buồn này cũng là một tư liệu) và cũng là một kiểu bị đánh (chữ này lâu nay ít dùng hơn ngày ấy). Bây giờ nếu nhắc lại hiện thực xã ội chủ nghĩa cảm thấy như là huý kị ấy. Thế mới biết xây dựng xã hội dân chủ, tôn trong các loại ý kiến, các cách thể hiện rất không dễ.

Trương Hồng Quang: Bác Mậu ơi: “Cái hoàn toàn mới chẳng có gì hấp dẫn”.
Đọc tiếp ở đây nhé: https://drtruong.wordpress.com/…/peter-von-matt-chung…/

Nguyen Thi Thanh Xuan: Chỉ mới được gặp/ nghe các bác, các chú làm văn học ở Hà Nội hai lần thôi mà bé Châu nhà XP nói là bác LKH là tự tại (và hậu hiện đại – NTTX đế vào) nhất. Hình như mọi cái nghiêm trang không vừa với Bác… Anh Lại Nguyên Ân nói rất chân thành và tâm huyết trong cái nghiêm trang, to tát…

Trương Hồng Quang: Nhân bác Mậu Nguyễn Đức nhắc đến câu chuyên về “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa“ xin được kể lại ở đây một ý mà tôi vừa mới biết từ một bài giảng về triết học sau 1945. Welsch, vị giáo sư giảng bài này, cho biết là chủ nghĩa trừu tượng trong nghệ thuật phương Tây sở dĩ được đề cao như vậy vì một phần đây cũng là một đối trọng tư tưởng hệ đối với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở phía Đông. Tuy nhiên vào những năm 60 đã xuất hiện một trào lưu văn hoá – nghệ thuật mới – Pop Art. Trào lưu mới này, với rất nhiều yếu tố của chủ nghĩa hiện thực, làm đảo lộn cả tín điều chủ nghĩa trừu tượng và cũng làm thay đổi cả cái mà Welsch gọi là design của triết học đương thời…

Lại Nguyên Ân: Trong hiện tại, đối với các thứ di sản, có thứ di sản nên được đưa lại, nhắc nhở đến, vì nó có giá trị nhân bản và tác dụng tích cực; lại có thứ di sản nên tạm quên đi, vì nếu khơi ra thì tác dụng tốt sẽ ít mà bị lợi dụng hơi nhiều. Di sản văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, ở Việt Nam hiện tại, tuy bị thế hệ trẻ chán ghét, nhưng còn được giới tuyên truyền chính thống đem quyền lực ra bảo vệ, và rất muốn làm lộn sòng giá trị với các nguồn di sản nhân bản khác. Bởi vậy, người nghiên cứu nên suy tính lựa chọn. Theo tôi, cách hay nhất là tạm quên cái di sản văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa ấy đi, nhất là những sản phẩm tiêu biểu kiểu Tố Hữu. Khi nào người ta có thể nghe những thuyết minh này (như trong nghiên cứu của PGS-TS La Khắc Hòa) trong cảm quan chế diễu, thì hãy đưa những nghiên cứu này ra. Còn bây giờ việc đưa ra ắt bị phía chính thống lợi dụng để tuyên truyền thôi.

Khac Hoa La: Thưa anh Lại Nguyên Ân, từ những năm 50 của thế kỉ trước, tôi đã được dạy bài: chỉ nói “sự thật nào có lợi cho ta”. Anh yên tâm, đến nay tôi vẫn còn thuộc bài học ấy mà. Nhưng tôi cứ nghĩ, bây giờ mà còn dạy bài học ấy là ai khác kia…

Lại Nguyên Ân: Khac Hoa La Vấn đề là những gì ta làm có thể bị đám quyền uy lợi dụng để kéo dài sự hợp thức của nó hay không. Nếu nghĩ rằng làm thế vẫn không phải là bị lợi dụng mà ngược lại là vẫn lợi dụng được nó, mặc kệ nó có lợi dụng được mình hay không thì xin tùy nghi. Không phải vấn đề “sự thật có lợi cho ai” đâu? Vả lại, chỉ kẻ hãnh tiến lắm mới dám coi các nhận định của mình là “sự thật”!

Trương Hồng Quang: Than ôi, hai nhà nghiên cứu mà tôi đều trân trọng và yêu quý là Khac Hoa LaLại Nguyên Ân mà vẫn không hiểu nhau thì làm sao có được một diễn ngôn của “lý tính giao tiếp” (“kommunikative Vernunft”, xin phép được dùng một chữ không hề thời thượng của Habermas)! Mà đó là điều mà chúng ta đang cần hơn bao giờ hết, ít nhất là trên lãnh thổ của nền cộng hoà văn chương – học thuật.

Khac Hoa La: Trương Hồng Quang Chu Văn Sơn Nguyen Thi Thanh Xuan Tran Ngoc Hieu Mậu Nguyễn Đức: Muốn có “lí tính giao tiếp” thì phải vứt gươm đi chứ! Tôi không nhìn thấy tương lai dưới bóng cờ do những người thích cầm gươm giương lên, bất luận đó là ai!! Hãy để dành gươm giáo mà chống ngoại xâm, khi cần! Vấn đề là ở chỗ: Hiện nay, Tố Hữu là một trong 7 tác giả đang được học ở tất cả các cấp học, hàng ngày, hàng triệu học sinh từ tiểu học đến đại học vẫn học Tố Hữu bằng những bài học xưa cũ. Thế thì liệu có “để dành” cái “di sản” ấy được không? Nên “để dành” nó (mà chắc chắn là không được), hay nên truyền cho học sinh và giáo viên một cách nhìn khác về nó? Tôi tin, kẻ kia “đốt” cái này (như đã xảy ra), người này “để dành” cái kia (như đang chủ trương), hai cách hành xử ấy, từ trong bản chất, chỉ là một thôi.

Trương Hồng Quang: Tôi vừa đọc xong bài của anh Khac Hoa La gửi – một bài viết với rất nhiều phát hiện tài hoa và đáng được đọc đi đọc lại nhiều lần – cám ơn tác giả nhiều! Tạm thời xin được hỏi thêm anh hai điều: (1) So sánh với dòng “hiện thực xã hội chủ nghĩa” trên thế giới rất khó tìm được ở Tố Hữu những cái có thể quy về truyền thống mỹ học của “chủ nghĩa hiện thực” (đã được G. Lucács tóm tắt vào mệnh đề “phản ánh đời sống bằng những hình thức của chính bản thân đời sống”); thi pháp của Tố Hữu với các lớp “ngôn ngữ nhà binh”, “ngôn ngữ dòng tộc”, “ngôn ngữ hội hè” và các mô thức tu từ “Thệ-Hịch-Ca thi-Đại cáo” – như anh đã phân tích rất thuyết phục – rõ ràng là khác xa với cái mà chúng ta vẫn hình dung dưới khái niệm “chủ nghĩa hiện thực”, cho dù là trong phạm vi của “chủ nghĩa hiện thực XHCN”. Vậy áp dụng khái niệm này vào Tố Hữu có hợp lý không? (2) Trong phần kết luận tác giả có nói đến ảnh hưởng của chiến lược diễn ngôn/ngôn ngữ thế giới quan/mô thức tu từ của Tố Hữu đối với toàn bộ nền văn học “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Điều mà Q. rất muốn được biết thêm là quan hệ giữa Tố Hữu và các tác giả phi chính thống cùng thời với ông (như Văn Cao, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, v.v.). Các khía cạnh chính trị thì về căn bản đã rõ rồi, câu chuyện thú vị nhất ở đây có lẽ là cái tạm gọi là “tương quan lực lượng thẩm mỹ” giữa Tố Hữu, dòng chủ lưu do ông đại diện và các tác giả tiền phong như đã nói ở trên. Như đã nói, nếu gạt các yếu tố chính trị sang một bên và chỉ nhìn nhận bằng con mắt của nhà nghiên cứu lịch sử văn học, cái gì đã tạo nên những giá trị điển phạm của văn học dân tộc (ít nhất là trong phạm vi miền Bắc) trong thời kỳ này? Và xung lực thẩm mỹ quan trọng nhất đang chi phối sáng tạo văn chương hiện nay là gì – còn bao nhiêu phần “Tố Hữu” trong đó, bao nhiêu phần của Trần Dần, Đặng Đình Hưng, v.v.?

Khac Hoa La: Rất biết ơn Trương Hồng Quang, vì đã đọc bài của mình một cách khách quan, bằng mắt xanh của người tri âm. Ý tưởng bài viết của mình đã được hình thành từ mươi năm trước, nhưng chỉ mới một năm nay, mình mới nghĩ xong hệ lập luận. Nói ngắn gọn thế này:
(1) Thơ Tố Hữu tất nhiên không có họ hàng gì với “chủ nghĩa hiện thực” theo lí thuyết của G. Lucács, vì bản thân “chủ nghĩa hiện thực” là một “đốt” phát triển tiếp theo của chủ nghĩa lãng mạn, cả hai thuộc phạm trù hiện đại. Nó là văn học của cá tính sáng tạo. Nó tạo ra hệ thống thi pháp tác giả. Trong khi đó, trên phạm vi toàn thế giới, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ngay từ đầu đã là văn học của nội dung có sẵn (giống như Homer viết Iliad), nó quay ngược về với loại hình nghệ thuật từ chương (kiểu nghệ thuật trung đại), thi pháp của nó chỉ còn là thi pháp của cái điển phạm, truyền thống, thi pháp của những thể loại cách luật. (2) Có chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong lí thuyết của đám lí thuyết gia toàn trị, giáo điều, cơ hội đủ loại và có hiện thực xã hội chủ nghĩa trong thực tiễn sáng tác. Như đã nói, trong thực tiễn sáng tác, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là bước quay ngược ngoạn mục về phạm trù trung đại (hồi ông Sử ra cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu, là người đầu tiên viết bài phê bình (năm 1989), mình nhận xét: Từ ấy của ông ấy là hiện đại, Việt Bắc là ca dao, Gió lộng, Ra trận thuộc phạm trù nói chí trung đại). Cho nên, khi phân tích thơ Tố Hữu, mình cố gắng nắm bắt hệ thống thể loại gốc chi phối diễn ngôn của ông ấy, biến diễn ngôn của ông ấy thành một mô hình thế giới, một mô hình quan hệ trong giao tiếp và thành một tiếng nói quyền lực. Nhưng vẫn có thể áp dụng thuật ngữ hiện thực xã hội chủ nghĩa vào sáng tác của ông ấy, hiểu theo nghĩa, nó chỉ nói về cách mạng và lãnh tụ của cách mạng, nó tuyệt đối trung thành với ý thức hệ vô sản và hệ tư tưởng quốc gia thời chiến. Thời kì Tố Hữu làm lãnh tụ văn nghệ, cánh Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng bị đẩy ra ngoại biên, trải chiếu vui chơi ngoài ngoại biên, họ đẩy nghệ thuật theo hướng hiện đại chủ nghĩa. (3) Bản thân Tố Hữu từ “Một tiếng đờn” đã giải quy phạm, hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng sáng tác của ông ấy trở thành kí ức lịch sử. Mình đã có một vài bài viết về văn học Việt Nam sau 1986. Cũng chỉ mới kịp đưa ra vài nhận xét. Chẳng hạn, sau 1986, về thể loại, văn học Việt Nam chuyển từ truyền thuyết qua dụ ngôn (kiểu Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng) và giai thoại (kiểu Nguyễn Huy Thiệp). Do chuyển thể loại diễn ngôn, nên mặt nạ ngôn ngữ của các chủ thể diễn ngôn cũng thay đổi. Trước là người chiến thắng, kẻ sở đắc chân lí. Nay là người ảo giác, chấn thương, bất khả tín… Đại để là hiện nay, văn nghệ Việt Nam cũng có nhiều thay đổi, nhưng vài dòng thế này, khó nói quá.

Trần Đình Sử: Thơ Tố Hữu trước sau chỉ là thơ tuyên truyền chính trị, ca ngợi Đảng, lãnh tụ cổ vũ nhân dân hi sinh cho cách mạng, giáo dục các đạo đức truyền thống như lòng biết ơn đảng, lãnh tụ, ca ngợi các tấm gương hi sinh cho cách mạng… Nó cũng nói được một chút niềm vui giải phóng theo lí tưởng của đảng, chút tự hào dân tộc theo quan điểm của đảng. Để tuyên truyền, nó sử dụng hầu hết phương tiện tu từ của văn học truyền thống. Cả cuộc đời sáng tác thi ca, Tố Hữu không hề quan tâm sáng tạo hình thức mới, và cũng cũng không cần sáng tạo mới, vì hình thức mới sẽ ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả tuyên truyền… Hướng khai thác của La Khắc Hòa là đúng về lí thuyết, cho thấy thực chất của một giai đoạn văn học. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là sáng tạo theo tu từ học cổ điển.

Lại Nguyên Ân: Nếu thơ Tố Hữu là “điển phạm thẩm mỹ của cả một thời đại” thì tính điển phạm này ở thơ Tố Hữu liên quan nhiều đến những thơ của Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Hoan, tức những quan chức cộng sản làm thơ theo những phương tiện tu từ của thơ văn trung đại. Còn trong tương quan với những tác giả chuyên nghiệp đương thời như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh, thì sự gần gũi chỉ là bề ngoài, những tác giả ấy có thể phát ngôn xem Tố Hữu như đàn anh, đó là sự lấy lòng ngoài mặt, nhưng sáng tác của họ dù trong thời toàn trị vẫn ngả về văn chương hiện đại. Bởi vậy, vị tất nhận xét kể trên đã chuẩn xác.

Chu Văn Sơn: Nếu tách văn học thời đại ấy theo dòng chính và dòng ngầm để xem xét, thì có thể chia sẻ với La Khắc Hòa, Trần Đình Sử và Trương Hồng Quang. Kể từ khi lên ngôi như lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và nắm tuyên huấn, thì Tố Hữu trùm lên cả nền văn học ấy bằng cả quyền uy và thơ ca. Tố Hữu đã quyền uy hoá thơ tuyên truyền (xét một mặt nào đó, các mô thức lời như thệ, hịch, cáo… nhan nhản trong thơ Tố Hữu cũng là để gia tăng cho thứ quyền uy này). Cho nên các đại gia như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh … uy danh là thế cũng bị lấn át và “bị cuốn theo lối chơi” của Tố Hữu. Các vị ấy cũng phải dẹp bớt y bát của riêng mình để noi theo Tố Hữu vì không muốn bị bật ra khỏi chính thống. Nếu có khác biệt, thì chỉ là văn học/thơ ca dòng ngầm (ví dụ sáng tác hậu Nhân Văn Giai Phẩm). Cho nên, nói thơ Tố Hữu là “điển phạm thẩm mỹ của cả một thời đại” cũng không đến nỗi quá lời đâu.

Khac Hoa La: Thời ấy, Tố Hữu đã “thệ”, thì đại gia nào dám không “thệ”. Chế Lan Viên thề sống thề chết cả bằng thơ, lẫn văn xuôi. Xuân Diệu thề “cùng xương cùng thịt”… Nguyễn Đình Thi thề “làm hạt bụi”. Hết “Thệ”, các vị, từ Xuân Diệu, Huy Cận, đến Tế Hanh chỉ dám viết “Ca thi”. Riêng Chế Lan Viên thỉnh thoảng bắt chước Tố Hữu viết “Hịch” (“Những bài thơ đánh giặc”). Không một ai dám viết “Đại cáo”. Có chăng, trong văn xuôi, với “Vỡ bờ” và “Cửa biển”, Nguyễn Đình Thi (cũng là một ông quan) và Nguyên Hồng viết “Đại cáo”. Từ giới lí luận phê bình đến giới sáng tác nhất nhất tôn vinh Tố Hữu làm “đại ca”, “lá cờ đầu”. Ông ấy chính là điển phạm tác giả, sáng tác của ông ấy là điển phạm tác phẩm, nội dung và hình thức thơ ông ấy là điển phạm tu từ, viết khác đi, nhẹ thì không được in, nặng thì thân tàn ma dại. Thế là điển phạm chứ gì nữa!

Trương Hồng Quang: Hoàn toàn d’accord với anh Lại Nguyên Ân nếu xếp chung Tố Hữu vào cùng một dòng với Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Hoan, v.v., nhưng chỉ là từ giác độ chính trị. Còn xét trên phương diện thẩm mỹ Tố Hữu rõ ràng là một đẳng cấp khác hẳn. Trên cơ sở bài phân tích của anh Lã Khắc Hoà càng thấy rõ Tố Hữu chính là lực tổ chức thẩm mỹ trung tâm của cả một thời đại, trong đó những chính khách làm thơ như mấy vị kể trên chỉ là những kẻ mô phỏng thuần tuý (Epigonen/Imitator), tuyệt đối không có vị thế nghệ thuật. Thú vị hơn là sự so sánh giữa Tố Hữu và những “tác giả chuyên nghiệp” như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, v.v. Tại sao những tác giả này – vốn là những chủ soái của Thơ Mới, một phong trào nghệ thuật cách tân trước đó – đến lượt họ cũng bị chi phối bởi từ trường thẩm mỹ của Tố Hữu? Có phải chỉ là vì những lý do quyền lực? Tôi nghĩ không (chỉ) phải vì như vậy. Có một sự chuyển hệ hình nghệ thuật đã diễn ra, với vai trò kiến trúc sư của Tố Hữu. Và di sản thơ mới, ngay ở các cha đẻ của nó, đã bị đẩy sang vùng ngoại biên, cùng lắm chỉ còn làm nên một số giọng điệu, sắc thái cá nhân nào đó, chứ không phải là cái “điển phạm”. Nhưng thế nào là “điển phạm” và liệu Tố Hữu có phải là một điển phạm, thậm chí là điển phạm của cả một thời đại? Giả thiết của tôi là: Đương nhiên! Hegel có nói ở đâu đó: “Cái tồn tại là cái hợp lý”, tác phẩm của Tố Hữu – dù thơ của ông ấy có hợp gu của chúng ta hay không – theo tôi là sự thẩm mỹ hoá thành công và triệt để nhất của “cái tồn tại” ấy…

Van Toan Tran: Bài viết của Khac Hoa La đưa lại nhiều kết luận văn học sử quan trọng nhưng theo tôi còn quan trọng hơn là nó gợi ra những thảo luận lí thuyết hết sức thú vị.

• Chuyên luận của GS Trần Đình Sử về thơ Tố Hữu là một công trình kinh điển từ góc độ thi pháp học. Bài viết của Khac Hoa La lại đặt vấn đề nghiên cứu thơ Tố Hữu từ góc độ diễn ngôn / thể loại lời nói với những công cụ mới: chiến lược giao tiếp, mối quan hệ giữa chủ thể phát ngôn – người tiếp nhận và đối tượng. Và đây mới là đóng góp chính của bài viết.

• Không nên nghĩ rằng việc thơ Tố Hữu ngày nay không thu hút được nhiều độc giả (nhất là độc giả trẻ) thì có nghĩa là nó đã bị vượt qua. Mỗi diễn ngôn/ thể loại lời nói chỉ xuất hiện trong một tình thế nhất định. Tình thế diễn ngôn của thơ Tố Hữu là tình thế của chiến tranh. Khi tình thế đó qua đi, sẽ có những thể loại/ diễn ngôn mới xuất hiện. Nhưng nếu tình thế chiến tranh trở lại, chắc chắn thể loại lời nói mà Tố Hữu sử dụng cũng sẽ trở lại. Trong kho lưu trữ (archive) của các thể loại lời nói luôn có sự xáo trộn, sắp xếp trật tự của các thể loại lời nói hay nói theo Foucault là trật tự của những diễn ngôn. Điều này đặt ra vấn đề: lịch sử văn học là sáng tạo hay là sự trở về hay là sưj kết hợp của những thể loại lời nói trong những tình thế nhất định?

• Vấn đề khác: Ai là người lựa chọn thể loại lời nói đó, và những yếu tố nào đã khiến thơ Tố Hữu ngay khi xuất hiện đã lập tức trở thành điển phạm? Hay là có một cơ chế nào đó khiến thể loại lời nói này được lựa chọn nằm ngoài mọi ý tưởng một cá nhân? Tôi có trực giác rằng: nếu khảo vào những văn bản ngoại giao, văn bản chính luận, xã luận, những văn bản do các nhà chính trị thời này đứng tên thì chúng ta cũng thấy xuất hiện ở đó chiến lược giao tiếp trong thơ Tố Hữu mà Khac Hoa La đã miêu tả.

• Nếu điều đó là đúng thì lại nảy sinh vấn đề: Cái chiến lược giao tiếp chung cho tất cả các kiểu dạng thể loại lời nói đó là gì? Mối quan hệ giữa các thể loại lời nói hư cấu.

Lại Nguyên Ân: Tôi thấy ý anh Trần Đình Sử về thơ Tố Hữu trong stt trên đây là đáng tán thành hơn so với những luận bàn về thơ Tố Hữu anh nêu trong chuyên luận “Thi pháp thơ Tố Hữu” (1987). Một vài bạn tham gia “bàn tròn” nhỏ này dường như vẫn ngợp trong cảm tưởng rằng thơ Tố Hữu đã từng là “đỉnh cao thời đại” thì nó sẽ cứ là thế mãi mãi! Không đâu! Vẫn còn một điều kiện nữa. Ấy là với độ lùi thời gian, người ta sẽ thấy lộ ra những diện mạo đích thực của cái xã hội, cái chế độ chính trị đã được thơ Tố Hữu dùng tụng ca hoặc hịch để xưng tụng. Tôi biết, chỉ đến khi chế độ toàn trị đã ở sau lưng, người ta mới có thể cảm nhận đầy đủ ý nghĩa những nghiên cứu khái quát như của La Khắc Hòa. Còn bây giờ, chúng ta vẫn rên siết dưới ách toàn trị, cho nên vài bạn tại đây vẫn đọc sai anh Sử, anh Hòa đó.

Lại Nguyên Ân: Nhân nói về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, từ 1934 (khi nó được đề xuất ở Liên Xô) đến 1990, trong phe xã hội chủ nghĩa vẫn có nhiều tranh luận về nó. Ở các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa dường như nó ít bị bài bác, là vì nơi đó khá gần Nga về văn hóa. Nhưng ở Cuba thì văn nghệ không mấy khi nói đến nó, vì nhà văn ở đấy đã có “chủ nghĩa hiện thực huyền diệu” Mỹ Latin! Ở Tàu thì Mao bảo văn nghệ có thể hoặc viết theo “hiện thực cách mạng”, hoặc viết theo “lãng mạn cách mạng”. Ở Liên Xô người ta chỉ chống “hiện thực vô bờ bến” kiểu Garaudy, bảo nó “xét lại” thôi. Nhưng nhìn vào quy mô quốc tế, thì người ta cho hiện thực xã hội chủ nghĩa là đối kháng với Modernism, tức là đối đầu hai phe trong thời chiến tranh lạnh. Ở Việt Nam, nhà văn (trong Hội Nhà văn Việt Nam) khi nói ở các diễn đàn chính thức thì tán dương hiện thực xã hội chủ nghĩa, còn khi ngồi với nhau thì rất hay bài bác nó; những nhà văn có chút vốn “tiền chiến” thì hay chê văn chương Nga Xô, và tự nhận là có nhiều chất văn chương Pháp! Cho đến sau 1991, phe xã hội chủ nghĩa sụp thì hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng mất quy chế “pháp định” (ngầm) về sáng tác. Từ điểm sau 1991 nhìn lại thì rõ ra: hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ là vấn đề ý thức hệ, là quy chế ý thức hệ cho văn chương nghệ thuật; do vậy không lạ gì khi nêu yêu cầu hiện thực xã hội chủ nghĩa cho văn nghệ sĩ thì người ta nói trước tiên đến “tính đảng” của tác phẩm (và cả tính đảng của nhà văn nữa!). Tất nhiên ngoài chuẩn về ý thức hệ cũng có một vài chuẩn khác nữa, liên quan đến phương diện hình thức nghệ thuật, ví dụ ưu tiên chọn đề tài công nông binh, sáng tác theo các chủ đề tuyên truyền chính trị, ưu tiên miêu tả “giống như thực” (hơn là mơ tưởng, huyền hoặc…).

Khac Hoa La: Anh Lại Nguyên Ân thử tham khảo ý kiến của Hoàng Dzũng về bài Tố Hữu: “Cách tiếp xúc văn bản của nhiều người “tiến bộ” hiện nay là thiên tập trung vào tác phẩm của những tác giả bị vùi dập một thời, và tránh xa những tác giả một thời được suy tôn. Cách làm đó có thể thông cảm nhưng về dài hạn là có hại cho học thuật và ngay cả cho việc đổi mới”. Anh lưu ý, các nước phương Tây bao giờ cũng tìm cách giải cấu trúc với những cấu trúc già cỗi, truy vấn nó để chia tay với nó một cách thanh thản, chứ có ai lờ nó đi đâu.

Nam Sơn: Đàn bà trong nhà xin bàn góp với các đức ông một câu: Anh Lại Nguyên Ân khuyên chúng ta cùng im lặng, đừng nói gì về thơ Tố Hữu nữa, để mặc cho cái di sản ấy và những người sùng bái nó “chết cái chết tự nhiên”. Tôi nghĩ đó là một thái độ lảng tránh đầy ảo tưởng, nếu không nói là sự ngây thơ. Có hai lí do khiến di sản thơ Tố Hữu chẳng bao giờ chết được. Thứ nhất: Thơ ông ấy đã trở thành điển phạm (tác gia điển phạm, tác phẩm điển phạm) của cả một thời đại. Nên nhớ, gần nửa thế kỉ, thơ Tố Hữu có mặt trong hầu hết các cuộc thi của học trò. Ông Đặng Thai Mai, trên, chỉ bình thơ Cụ Hồ, dưới, chỉ khen thơ ông Tố Hữu. Ông Hoài Thanh có mở rộng hơn một chút, với ông ấy, trên là thơ văn Cụ Hồ, Tố Hữu, dưới có đám nhà thơ trẻ. Đặng Thai Mai và Hoài Thanh thì đúng là sùng bái Tố Hữu rồi! Nhưng thế hệ chúng tôi ru con bằng thơ Tố Hữu, mà nào có sùng bái gì đâu! Thơ ông ấy có sức mạnh động viên thật, mà cũng réo rắt ngọt ngào thật! Làm sao một thời đại và cái điển mẫu của một thời đại có thể chết được? Nó chỉ hóa thành lịch sử thôi! Thứ hai: Thơ Tố Hữu sống hay chết phụ thuộc vào người đọc, chứ không phụ thuộc vào bản thân nó. Có khối người muốn chết, mà đời sau có cho chết đâu! Cho nên tôi tin, mỗi khi người đọc có nhu cầu đối thoại với thời đại mình về những khía cạnh có liên quan tới thời đại mà thơ Tố Hữu trở thành điển mẫu, liên quan tới thời đại xem thơ ông ấy là điển mẫu, lập tức họ lại sẽ làm cho thơ Tố Hữu sống dậy thôi!

Mậu Nguyễn Đức: Năm nảo năm nào đó Nguyễn Sĩ Đại đọc cho nghe hai câu thơ của một người nào quên tên: “Thơ hay không dễ chết/ Thơ dở chết là may”. Thơ dở muốn chết cũng không cho chết, họ đọc lên để trưng bày tội, luận tội.

 

Từ Facebook “Mậu Nguyễn Đức”, “stt” 23/3/2015 (https://www.facebook.com/profile.php?id=1300875980&fref=ts)

 

[*] Xem: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tho-to-huu-kho-k-uc-the-loai-cua-van-hoc-hien-thuc-x-hoi-chu-nghia-2/; http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tho-to-huu-kho-k-uc-the-loai-cua-van-hoc-hien-thuc-x-hoi-chu-nghia/

[**] Xin đọc ở đây: 1) http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/ca-thi-va-dai-cao-trong-tho-to-huu. 2) http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tho-to-huu-kho-ky-uc-the-loai-cua-van-hoc-hien-thuc-xa-hoi-chu-nghia.

Comments are closed.