Nguyễn Thành Thi(*)
1. Nhận định tổng quát
Ý tưởng tổ chức “Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi” được hiện thực hóa, thành công như hôm nay, trước hết là nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của Ban tổ chức (BTC) liên kết giữa Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM, Tập đoàn Truyền thông Thanh niên, NXB Trẻ TP HCM. Bên cạnh đó phải đặc biệt kể đến sự hỗ trợ nhiệt tình, mạnh mẽ, hiệu quả của gia đình Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Tuy nhiên, quyết định chất lượng hội thảo vẫn là sự thể hiện uy tín và nỗ lực của các tác giả kể từ khi có thông báo chính thức của BTC cho đến nay.
Đây là hội thảo kế thừa và bổ sung kết quả nghiên cứu của lần hội thảo trước, gần gũi về chủ đề cách đây 20 năm; là diễn đàn khoa học của các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu chuyên ngành thuộc nhiều thế hệ đến từ nhiều trường đại học, cơ quan nghiên cứu.
34 bản tham luận đã được tuyển chọn, biên tập nghiêm túc, kỹ lưỡng để đưa vào Kỷ yếu của Hội thảo lần này. Chúng được tập hợp, trình bày theo 4 nhóm nội dung (tương ứng với 4 phần chính của tập sách): Nguyễn Đổng Chi – thân thế và sự nghiệp([1]) (4 bài, kể cả báo cáo đề dẫn và báo cáo tổng kết); Nguyễn Đổng Chi và văn hóa dân gian Việt Nam([2]) (15 bài); Nguyễn Đổng Chi và văn học cổ điển Việt Nam([3]) (6 bài); Nguyễn Đổng Chi và sáng tác văn học([4]) (9 bài).
Nội dung các báo cáo tham luận, bài viết nêu trên là một sự bổ sung đáng ghi nhận với những thành tựu nghiên cứu mới. Giới nghiên cứu, độc giả và những người quan tâm giờ đây có thêm những nét khắc họa mới đầy đặn, chi tiết và nổi bật hơn về chân dung học giả – nhà văn Nguyễn Đổng Chi. Đặc biệt đáng lưu ý là các luận điểm khẳng định những thành tựu, đóng góp thể hiện vai trò tiên phong và tính chuyên nghiệp trong hoạt động sưu tập, biên soạn, nghiên cứu và sáng tác của ông.
2. Cái nhìn cởi mở khách quan hơn sau mỗi khoảng lùi thời gian
2.1. Nguyễn Đổng Chi (2015 – 1984), xuất hiện và được biết đến khá sớm trong báo giới, học giới từ cuối thập niên 30. Tuy vậy, phải sau khi ông qua đời gần một thập niên, nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông, nhu cầu và công tác nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi mới chính thức được đặt ra với tư cách là đối tượng khoa học của một hội thảo([5]). Đó là vào năm 1995, sau gần một thập niên Việt Nam thực hiện đổi mới – một thời điểm rất thuận lợi với khoảng lùi cần thiết để đánh giá, tổng kết sự nghiệp nghiên cứu và sáng tạo của GS Nguyễn Đổng Chi một cách công tâm và cởi mở. Và giờ đây, đã 20 năm trôi qua, kể từ lần hội thảo thứ nhất, lại thêm một khoảng lùi nữa, để việc nhìn nhận đánh giá có cơ hội đạt độ chín hơn. Bởi vậy, hẳn là dễ hiểu khi nhiều người hy vọng, chờ đợi ở lần hội thảo thứ hai này, việc nghiên cứu về học giả – nhà văn Nguyễn Đổng Chi sẽ được đẩy đi xa hơn, sâu và toàn diện hơn với nhiều góc nhìn soi chiếu, cởi mở, trong một bối cảnh có rất nhiều thuận lợi (tuy vẫn có những khó khăn riêng).
Theo chúng tôi, niềm hy vọng như thế, về căn bản đã được hiện thực hóa qua nội dung kết quả cụ thể của hội thảo lần này – Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi.
Cùng với sự tiếp nối, kế tục những gì từng nêu lên trong hội thảo trước, là sự mở rộng, khơi sâu thêm ở một số lĩnh vực nội dung hoặc vẫn là trọng yếu, hoặc còn mới mẻ.
Có thể dễ dàng kiểm chứng điều này bằng một vài thao tác thống kê, hoặc so sánh, đối chiếu thông thường.
2.2. Xét về lượng, bảng thống kê đối chiếu dưới đây có thể mang lại một ý niệm về sự tiếp nối hay thay đổi xu hướng quan tâm lựa chọn góc nhìn, khía cạnh vấn đề thuộc đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học qua các bài viết hay hệ vấn đề mà họ quan tâm (Xem bảng 1).
(Ghi chú: Tổ hợp dấu [>1] hoặc [>6]: biểu thị ngoài số liệu thống kê chính thức, còn có những bài viết khác không chuyên sâu nhưng có đề cập đến lĩnh vực nội dung, vấn đề ở mức độ nào đó; ký hiệu [0]: biểu thị sự thiếu vắng).
Bảng 1: Thống kê đối chiếu các cụm bài viết về học giả – nhà văn Nguyễn Đổng Chi ở các thời điểm: trước 1984, 1984-1997 và 1997-2015 (căn cứ vào Thư mục Nguyễn Đổng Chi 1995, có bổ sung bằng Thư mục 2015)
Lĩnh vực nội dung, vấn đề |
Trước 1984([6]) |
1984-2014 |
2015 |
Sưu tầm, nghiên cứu biên khảo về văn học dân gian Việt Nam (bài chung và bài về từng chủ điểm cụ thể) Lược khảo về thần thoại Việt Nam [1] Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam [2] Địa chí văn hóa dân gian Nghệ-Tĩnh [3] |
12 (1 bài chung) 4 7 |
12 (1 bài chung)
1 9 1 |
11
1 9 1 |
Dân tộc học (bài chung và bài về từng chủ điểm cụ thể) Người Ba-na ở Kon tum (Mọi Kontum) [4] |
4 (1 bài chung)
3 |
3
3 |
3
3 |
Lịch sử văn học Việt Nam (bài chung và bài về từng chủ điểm cụ thể) Việt Nam cổ văn học sử [5] Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam [6] |
10 7 2 |
3
>2 1 |
>6
4 2 |
Sáng tác văn học Gặp lại một người bạn nhỏ [7] Túp lều nát [8] Sáng tác khác |
2 1 1 |
9 3 6 |
|
Thân thế và sự nghiệp Nguyễn Đổng Chi Dạng tiểu luận Dạng hồi ức |
45
20 25 |
5
4 1 |
|
Sử học, thư tịch và Hán Nôm |
4 |
5 |
0 |
TỔNG CỘNG |
36 |
70 |
34 |
Nhìn vào bảng thống kê, đối chiếu tương quan số lượng giữa 6 cụm bài viết, theo 3 chặng đường nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi (trước 1984; 1984-2014; 2015), có thể thấy rõ mức độ quan tâm đến các lĩnh vực nội dung có sự thay đổi đáng kể. Và sự thay đổi ấy cũng phản ánh một phần xu hướng, thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Đổng Chi. Chẳng hạn dạng bài hồi ức, kỷ niệm về cuộc đời, con người Nguyễn Đổng Chi trong hội thảo này, hầu như rất ít xuất hiện (Điều này có thể giải thích bằng nhiều lý do, song có một nguyên nhân không thể không nói đến, là giờ đây, việc tìm hiểu cuộc đời, thân thế tác giả Nguyễn Đổng Chi vốn từng rất được quan tâm 20 năm trước, không còn nhiều tính vấn đề nữa, nhất là trong một hội thảo mà người ta trông đợi nhiều ở phương diện khoa học của các bài viết). Lĩnh vực nghiên cứu Sử học, thư tịch và Hán Nôm của ông cũng hầu như không được đề cập trong hội thảo lần này (Đây có thể là do thiếu sót trong khâu đặt bài của BTC, hoặc do sự thiếu quan tâm của giới sử học, và cũng có thể do một số công trình sử học có tầm quan trọng của GS Nguyễn Đổng Chi như cụm công trình về phong trào nông dân trong lịch sử vẫn đang ở dạng bản thảo mà chưa được công bố). Bù lại, các lĩnh vực nghiên cứu khác trong nội dung hội thảo đều có sự gia tăng đáng kể về lượng lẫn về chất. Khởi sắc nhất là cụm bài viết về hoạt động sưu tầm, nghiên cứu biên khảo văn học dân gian([7]) Việt Nam, về công trình dân tộc học Người Ba-na ở Kontum và cụm bài viết về sáng tác văn học của Nguyễn Đổng Chi.
Một số tham luận tiếp tục bàn về Thân thế và sự nghiệp Nguyễn Đổng Chi theo hướng tổng quan. Đó thường là bài viết của các nhà nghiên cứu đầu ngành, thâm niên cao: Trần Hữu Tá([8]), Phong Lê([9]), Nguyễn Xuân Kính([10]). Kèm theo là bài viết điểm lại tình hình nghiên cứu sự nghiệp, trước tác của Nguyễn Đổng Chi trước và trong hội thảo lần này([11]).
Cụm bài Nguyễn Đổng Chi và văn học cổ điển Việt Nam gồm các bài viết tập trung vào hai công trình Việt Nam cổ văn học sử, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam). Tiếp tục khẳng định vai trò mở đường, đặt nền móng đầy bản lĩnh của Nguyễn Đổng Chi đối với việc nghiên cứu lịch sử văn học nước nhà, đặc biệt là lịch sử văn học cổ điển và văn học dân gian, mỗi bài viết ở đây đều đã cố gắng đưa ra được một số nhận định khách quan, sâu sắc, xác định cụ thể hơn những mốc son của Nguyễn Đổng Chi về phương diện lý thuyết, phương pháp, cũng như sử liệu trong dòng chảy văn học sử, với thái độ trân trọng đúng mực đối với học giả – nhà văn, người suốt đời miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc. Điều đáng chú ý ở cụm bài này là sự tập trung ở mấy hướng tiếp cận sau đây: Thứ nhất, đặt Việt Nam cổ văn học sử và Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam trong sự tiếp nối, bổ sung để thấy tính quá trình, sự nhất quán và trưởng thành trong quan niệm cũng như phương pháp viết văn học sử của Nguyễn Đổng Chi. Thứ hai, khi tiếp cận các công trình lịch sử văn học của ông, các nhà nghiên cứu thường dùng các công trình có liên quan xa gần của người khác cũng như của ông (như các bộ biên khảo về văn học truyền miệng) để tạo các góc nhìn tham chiếu. Thứ ba, một hướng nghiên cứu thú vị: xem xét công trình văn học sử của Nguyễn Đổng Chi từ góc độ tiếp nhận([12]).
Nhìn chung, tuy các bài viết chưa thật đều tay, song so với hội thảo trước, cụm bài này đã thực sự gia tăng về lượng và, một phần đáng kể, về chất([13]).
Các công trình của Nguyễn Đổng Chi thuộc mảng Sưu tầm, nghiên cứu biên khảo về văn học dân gian Việt Nam (chủ yếu tập trung vào Lược khảo thần thoại Việt Nam; Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam; Địa chí văn hóa dân gian Nghệ-Tĩnh) và dân tộc học (Người Ba-na ở Kon tum (Mọi Kontum) được đặc biệt quan tâm bàn luận trong hội thảo này. Và như đã nói, đây là một trong những cụm bài khởi sắc rõ rệt với nhiều đóng góp mới mẻ. Chính qua loạt bài viết này, chân dung nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi hiện lên rõ và nổi bật hơn bởi những nét khắc họa sắc, mới. Đó là một nhà Folklore học, một nhà dân tộc học xông xáo, sớm trưởng thành, ngày một thêm uyên bác, tài hoa, lão thực; một nhà văn hóa tiên phong – mở đường, một nhà nghiên cứu – biên khảo sáng tạo, chuyên nghiệp với nhiều công trình khả tín, hiện đại về lý luận và dồi dào vốn liếng điền dã cũng như tư liệu thực tế.
Tuy nhiên, nhiều bất ngờ hơn cả vẫn là những phát hiện mới mẻ, thú vị đến từ các bài viết về sáng tác văn học của Nguyễn Đổng Chi: Phóng sự Túp lều nát và tiểu thuyết Gặp lại một người bạn nhỏ dưới con mắt, góc nhìn mới của nhà nghiên cứu, giờ đây trở thành những sự kiện, bộ phận làm thay đổi đáng kể bức chân dung Nguyễn Đổng Chi (từ “học giả” thành “học giả-nhà văn”) cũng như vị thế của ông trong văn xuôi hiện đại Việt Nam, trước 1954.
Về phóng sự, các bài viết thú vị của Nguyễn Thị Thanh Xuân([14]), Phạm Xuân Nguyên([15]), Huỳnh Thị Hồng Hạnh([16]), Trần Viết Thiện([17]), Vũ Thanh([18]),… có thể xem là một sự phát hiện lại, phát hiện thêm về tầm vóc, giá trị của thiên phóng sự có một không hai trong văn xuôi Việt Nam trước 1945 này. Đó là một thiên “phóng sự luận đề” sử dụng táo bạo, hiệu quả lối viết “tổng hợp kỹ thuật thể loại” để xướng lên “thảm cảnh “lều nát”, “dân kêu” và mạnh mẽ “khuyến dụ cải cách pháp chế”, khẩn cấp ra tay cứu vớt người dân quê([19]). Một thành tựu “mang tính đột phá” như thế, chỉ nhờ vào sự hội tụ phi thường của cả tài năng lẫn lòng can đảm mới hòng chạm tới được.
Về tiểu thuyết, bài viết của Hoàng Quốc Hải, Đặng Văn Sinh, Phan Mạnh Hùng đều đề xuất được luận điểm mới khẳng định “giá trị lịch sử và giá trị tư tưởng” cùng những đóng góp mới của tác phẩm trong kỹ thuật thể loại (tiểu thuyết biên niên sử). Đó là những bổ sung, khai triển có giá trị so với những gì mà Trần Lê Văn([20]) hơn hai mươi năm trước đã nêu lên trong một bài viết của ông([21]).
2.3. Nếu so sánh nội dung vấn đề của các bài viết vào hai thời điểm của cùng một tác giả, lại càng thấy rõ hướng điều chỉnh, bổ sung của giới nghiên cứu khi bàn thảo về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi.
Việc liên hệ, so sánh nội dung các tham luận ở hội thảo 1995 (hoặc một vài bài viết khác trước hội thảo 2015) với tham luận viết cho hội thảo 2015 của cùng một người viết như Trần Thị Băng Thanh([22]), Nguyễn Thị Huế([23]), Phong Lê([24]), Trần Hữu Tá([25]),… chẳng hạn, ta sẽ có nhiều minh chứng sinh động về xu hướng tự điều chỉnh, bổ sung của nhà nghiên cứu khi bối cảnh ít nhiều thay đổi.
3. Những tiếng nói khác biệt, đa dạng trong sự thống nhất
3.1. Trong bảng thống kê dưới đây (bảng 2), các chỉ số được thể hiện dưới dạng phân số: mẫu số là số tác giả, bài viết đề cập đến nội dung cụ thể của nhóm bài, tử số là số tác giả ý kiến trực tiếp khẳng định tính tiên phong, chuyên nghiệp, hiện đại qua tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi.
Bảng 2. Những chỉ số về mức độ thống nhất xung quanh các nhận định về tính tiên phong – mở đường; tính sáng tạo, chuyên nghiệp; tính khả tín, hiện đại về lý luận trong sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi
Lĩnh vực, nội dung, vấn đề |
Tính tiên phong – mở đường |
Tính sáng tạo, chuyên nghiệp |
Tính khả tín, hiện đại về lý luận |
I. Sưu tầm, nghiên cứu biên khảo về văn học dân gian Việt Nam |
8/8 |
8/8 |
8/8 |
II. Địa chí văn hóa dân gian |
4/4 |
3/3 |
3/3 |
III. Dân tộc học |
3/3 |
3/3 |
3/3 |
IV. Lịch sử văn học Việt Nam([26]) |
5/6 |
5/6 |
4/6 |
V. Sáng tác văn học |
9/9 |
9/9 |
9/9 |
VI. Thân thế và sự nghiệp |
4/4 |
4/4 |
4/4 |
Nhìn vào bảng thống kê, đối chiếu với các bài viết sẽ thấy một sự thống nhất cao, một tiếng nói chung giữa các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo về học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi trên hầu khắp các lĩnh vực nội dung được đưa ra bàn thảo: Sưu tầm, nghiên cứu biên khảo về văn học dân gian Việt Nam, Dân tộc học, Sáng tác văn học,… Thấp hơn cả là mức độ thống nhất ý kiến ở lĩnh vực nghiên cứu Lịch sử văn học Việt Nam, một phần như chúng tôi đã có chú thích, do cách tiếp cận của một tham luận trong cụm bài này không trực tiếp bộc lộ chủ kiến đánh giá nên thống kê không tìm ra được chỉ số xác định. Tuy vậy, các tỷ lệ 5/6 (tính tiên phong – mở đường trong lĩnh vực nghiên cứu văn học sử Cổ trung đại), 5/6 (tính sáng tạo – chuyên nghiệp cũng trong lĩnh vực chuyên môn ấy); 4/6 (tính khả tín – hiện đại của công trình ra đời trước đây đã đến 80 năm) cũng đủ cho thấy tiếng nói về Nguyễn Đổng Chi của các nhà nghiên cứu trong hội thảo lần này về các phương diện cơ bản đều đồng thuận, đạt tới một sự nhất trí cao.
3.2. Tuy nhiên, sự đồng thuận, nhất trí cao không hề làm suy giảm sự đa dạng hay những khác biệt sinh động của kết quả thực tế khi nghiên cứu đối tượng. Đó là sự khác biệt, đa dạng trong cách lựa chọn hướng tiếp cận, góc nhìn; trong cách ứng dụng lý thuyết, phương pháp, thao tác; trong phong cách, giọng điệu, cách biểu lộ quan niệm, thái độ khi nghiên cứu, biểu đạt về công trình, tác phẩm của học giả nhà văn Nguyễn Đổng Chi. Nhờ đó, cùng lúc trong hội thảo này, ta có thể lắng nghe nhiều tiếng nói khác biệt, đa dạng (mà thống nhất); nhiều đóng góp riêng, mới mẻ khi các tác giả cùng bàn thảo về một lĩnh vực, hay một sự kiện học thuật nào đó.
Cũng khẳng định tính tiên phong – mở đường, tính sáng tạo – chuyên nghiệp, tính khả tín – hiện đại khi đề cập đến thành tựu của Nguyễn Đổng Chi trong lĩnh vực Folklore học, song, 11 bài viết của 10 tác giả là 11 góc nhìn, tiếng nói riêng. Cũng như vậy: 3 bài viết về Người Ba-na ở Kon Tum, 6 bài viết về Việt Nam cổ văn học sử và Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, 6 bài viết về Túp lều nát, 3 bài viết về Gặp lại một người bạn nhỏ,… đều trực tiếp hay gián tiếp khẳng định tính tiên phong – mở đường, tính sáng tạo – chuyên nghiệp, tính khả tín – hiện đại trong tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi theo những cách thức, cấp độ riêng. Nhờ đó, ấn phẩm mới “Nguyễn Đổng chi – Học giả, nhà văn” có thể xem là một tuyển tập những bài viết đặc sắc mang đậm dấu ấn riêng của mỗi người viết: một tuyển tập tinh hoa về Nguyễn Đổng Chi nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Thực hiện kỷ yếu hội thảo lần này, BBT được khích lệ nhiều bởi sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học thuộc nhiều thế hệ, thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn. Đặc biệt là sự góp mặt góp lời của thế hệ các nhà khoa học lão thành.
Chẳng hạn, nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên, năm nay tuổi đã cao, song trí tuệ còn hết sức sáng suốt, thông tiệp. Ông tham dự hội thảo với một tiểu luận giàu tính phát hiện: Đọc lại “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” từ một quan niệm rộng về hiện thực trong truyện cổ tích. Ông điềm tĩnh tìm kiếm trong cái “kho tàng” đồ sộ mà nhà cổ tích học xây nên các hạt nhân lý thuyết hiện hữu rải rác, có khi ngầm ẩn có lúc hiển ngôn; phát hiện tư tưởng khoa học, quan niệm về thể loại (cổ tích) đóng vai trò chỉ đạo cả ba loại hoạt động: sưu tập, biên soạn, nghiên cứu truyện cổ tích của Nguyễn Đổng Chi. Theo ông, “quan niệm hiện thực rộng” trong “Kho tàng” của Nguyễn Đổng Chi chỉ bao gồm hai phương diện – hiện thực xã hội học và hiện thực dân tộc học – còn một phương diện thứ ba (hiện thực phân tâm học) chưa được ý thức và hiện hữu trong “Kho tàng”. Điều này cho thấy việc cập nhật lý thuyết nghiên cứu mới của nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên đã giúp ông một mặt đánh giá thỏa đáng thành tựu lý luận của công trình nghiên cứu biên khảo truyện cổ tích thuộc hạng xuất sắc nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này, song cũng đồng thời nhận ra giới hạn của nó. Đúng là một cái nhìn “đạt kiến”, “thấu thị” của một học giả hồn hậu tinh anh dành cho một học giả uyên bác, lão thực.
Các nhà nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ học trò của ông (hẳn cũng là học trò của học giả – nhà văn Nguyễn Đổng Chi), hiện diện trong hội thảo này qua các bài nghiên cứu xuất sắc về Nguyễn Đổng Chi với nhiều góc nhìn soi chiếu từ nhiều lĩnh vực: Folklore học, Dân tộc học, Lịch sử văn học; và Sáng tác văn học,…
3.3. Từ thân thế, con người, cuộc đời; từ nhiều lĩnh vực hoạt động thực tiễn, hoạt động xã hội, nghiên cứu, sáng tác,… các nhà nghiên cứu cố gắng nhận chân cốt cách trí thức của học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi. Nguyễn Đổng chi – ông là ai? Đâu là câu trả lời đúng?
Bằng một cái nhìn có tính quá trình, dựa trên dẫn liệu từ các bài viết, tham luận, (chủ yếu qua các ấn phẩm, các kỷ yếu hội thảo) có thể tổng hợp ý kiến, nhận định về cốt cách trí thức Nguyễn Đổng Chi qua bảng khảo sát dưới đây (Xem bảng 3.)
(Ghi chú: Trong bảng này, tổ hợp dấu [-/+]: biểu thị thực tế ý kiến có cả thuận và trái chiều; dấu [0]: biểu thị khoảng trống, chưa được học giới quan tâm; dấu [+]: biểu thị thực tế ý kiến đồng thuận; tổ hợp dấu [++]: biểu thị thực tế ý kiến đồng thuận cao).
Bảng 3. Khảo sát ý kiến nhận định về các nét nổi bật trong cốt cách trí thức Nguyễn Đổng Chi
Những nét nổi bật trong cốt cách trí thức |
Trước 1984 |
1984-2014 |
2015 |
Sự kết hợp “chiến sĩ”/ “học giả” |
|
+ |
|
Sự kết hợp “học giả”-“nhà văn” |
0 |
+ |
+ + |
Sự kết hợp báo chí – văn học |
0 |
+ |
+ + |
Sự uyên bác, tài hoa |
0 |
+ |
+ + |
Tư duy khoa học độc lập |
0 |
+ |
+ + |
Tính trung thực, khả tín, cầu thị |
0 |
+ |
+ + |
Ý thức dân tộc([27]), tính dân chủ, nhân văn |
-/+ |
+ |
+ + |
3.4. Đến đây, cần đưa ra một số kết luận chung về nội dung khoa học của “Hội thảo kỷ niệm 100 năm học giả – nhà văn Nguyễn Đổng Chi”. Trong sự kế tục kết quả khoa học từ hội thảo lần trước([28]) (1995), có thể nêu lên một số nhận định khái quát như sau:
1) Học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi thuộc thế hệ trí thức Tây học tinh hoa, giàu lòng yêu nước, can đảm dấn thân; có tư duy độc lập; giàu khát vọng và năng lực phát kiến, sáng tạo([29]). Ở ông, một mặt người ta dễ dàng nhận ra gương mặt chung của cả một thế hệ trí thức tinh hoa, mặt khác cũng nhận ra gương mặt khó lẫn của một người “miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc” (Nguyễn Duy Quý).
2) Nguyễn Đổng Chi là Học giả, nhà văn uyên bác, tài hoa có vai trò tiên phong – mở đường; có đóng góp quan trọng, đa dạng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác([30]). (Đó là các lĩnh vực: văn hóa dân gian, dân tộc học, lịch sử văn học Việt Nam, phóng sự luận đề, tiểu thuyết biên sử của nền văn xuôi kháng chiến Việt Nam).
3) Về phương diện học thuật, Nguyễn Đổng Chi được biết đến như một học giả có nhiều đóng góp lý luận quan trọng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, nhằm góp phần mở đường, xây dựng phát triển một số ngành khoa học mới mẻ ở Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ (từ đầu thập niên 30 đến đầu thập niên 80 thế kỷ XX), đặc biệt là các chuyên ngành cổ tích học, dân tộc học, địa chí văn hóa dân gian, cổ văn học sử Việt Nam([31]),...
Nội dung, kết quả được công bố qua các công trình sưu tập, biên khảo, nghiên cứu của ông đều cho thấy một phương pháp làm việc quy củ, chuyên nghiệp, dựa trên một nền tảng lý luận vững chắc, một sự mẫn cảm và say mê hiếm có trên con đường “miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc”.
4) Trong lĩnh vực sáng tác văn học, Nguyễn Đổng Chi là một nhà văn viết không nhiều, song luôn tạo được các thành tựu tư tưởng và nghệ thuật mang tính đột phá([32]) (phóng sự luận đề tổng hợp kỹ thuật thể loại, tiểu thuyết “biên sử” hiện thực – đời tư mang đậm tinh thần thời đại và dấu ấn cá nhân).
4. Những công việc cần/nên tiếp tục?
Thành công của Hội thảo đánh dấu một bước phát triển đáng khích lệ trong nghiên cứu cuộc đời và tác phẩm Nguyễn Đổng Chi.
Tuy nhiên, một vài khoảng trống, một đôi điều bất cập thiếu sót trong tổ chức nghiên cứu công bố kết quả nghiên cứu cũng nhắc nhở các nhà khoa học, các nhà tổ chức, quản lý nghiên cứu cần phải tiếp tục những gì còn trống vắng, dang dở. Có thể sẽ khá lâu sau hội thảo này, học giới mới lại có dịp bàn thảo sâu thêm về Nguyễn Đổng Chi. Nhưng không phải vì thế mà không tiếp tục không ít việc phải làm. Và theo chúng tôi có mấy việc phải tiếp tục quan tâm:
Về văn bản: khuyến nghị tiếp tục hoàn thiện, xuất bản các công trình, tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi còn ở dạng bản thảo([33]); tiếp tục tìm kiếm các công trình, tác phẩm bị thất lạc; Tiếp tục nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi một cách toàn diện hơn như nghiên cứu sâu thêm về các công trình sử học, thư tịch Hán Nôm; các công trình về ý thức tư tưởng hệ, về nhân vật lịch sử, về các đặc khảo Hoàng Sa, Trường Sa, đặc khảo về các vùng biên giới Lào – Việt, Trung – Việt,…; nghiên cứu tác phẩm công trình của Nguyễn Đổng Chi từ góc nhìn tương tác; nghiên cứu việc nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi, v.v.
N.T.T
(*) PGS TS, Thành viên Ban Tổ chức Hội thảo.
([1]) Gồm 4 bài của 4 tác giả: Trần Hữu Tá, Phong Lê, Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Thành Thi.
([2]) Gồm 15 bài của 14 tác giả: Chu Xuân Diên, Trần Thị An, Nguyễn Thị Huế, Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Ôn Thị Mỹ Linh, Nguyễn Xuân Đức, La Mai Thi Gia, Trần Tùng Chinh, Phạm Quang Ái (về văn hóa dân gian), Nguyên Ngọc, Phan Thị Hồng, Dương Hoàng Lộc (về dân tộc học), Phùng Hoài Ngọc (tùy bút). Trong đó Phạm Quang Ái có 02 bài.
([3]) Gồm 6 bài của 7 tác giả: Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Nam – Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Phạm Hùng, Trương Sĩ Hùng, Nguyễn Công Lý, Hà Ngọc Hòa.
([4]) Gồm 9 bài của 9 tác giả: Nguyễn Thành Thi, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phạm Xuân Nguyên, Vũ Thanh, Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Trần Viết Thiện (về phóng sự Túp lều nát); Hoàng Quốc Hải, Đặng Văn Sinh, Phan Mạnh Hùng (về tiểu thuyết Gặp lại một người bạn nhỏ).
([5]) Tính tới thời diểm 2015, có thể hình dung việc nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi theo ba chặng: Trước 1984; 1984-2014; và 2015. Khi Việt Nam cổ văn học sử ra mắt bạn đọc, việc nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi xem như đã bắt đầu với các “Lời giới thiệu”, “Lời bạt”, “Lời bàn” (qua các bài phê bình, điểm sách) của một số nhà nghiên cứu, nhân sĩ đương thời; Tuy vậy, phải non nửa thế kỷ sau, tức là sau một khoảng lặng rất dài, khi Nhóm biên soạn Từ điển văn học đưa vào bộ từ điển dày dặn này mục từ Nguyễn Đổng Chi (1983-1984); và sau đó, bài viết mang tính tổng quan của GS TS Phạm Huy Thông Nguyễn Đổng Chi – Cuộc đời và tác phẩm đăng báo Nhân dân, (số10983, ra ngày 26/07/1984, 6 ngày sau khi ông từ trần) – một bài viết đánh giá rất cao cuộc đời và sự nghiệp trước tác của Nguyễn Đổng Chi, cùng với bài nghiên cứu công phu Nguyễn Đổng Chi – Nhà văn, nhà khoa học của Nguyễn Chung Anh trên Tạp chí văn học số 4-1984 (tháng 7&8), việc nghiên cứu học về ông mới thực sự bắt đầu một cách căn bản, hệ thống; Rồi đến chặng thứ hai là bài Người miệt mài tìm kiếm những giá trị văn hóa dân tộc của GS TS Nguyễn Duy Quý khơi sâu thêm vào những vấn đề mà 10 năm trước GS Phạm Huy Thông mới đề xuất một cách khái quát, cũng chiếm đúng một trang trên báo Nhân dân Chủ nhật (số ra ngày 1-1-1995, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của nhà học giả), tiếp ngay đó là Hội thảo kỷ niệm 80 năm ngày sinh Nguyễn Đổng Chi (6-1-1995) do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia cùng với Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chủ trì tại Hà Nội, và việc in, phát hành công trình Nguyễn Đổng Chi – Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc (1997) với sự bổ sung nhiều bài viết trước, trong và sau Hội thảo, có thêm Niên biểu và Thư mục Nguyễn Đổng Chi được biên khảo khá đầy đủ, chi tiết, đánh dấu một bước tiến quan trọng; Sau đó, từ 1997 đến 2014 tuy không nhiều, cũng vẫn có những bài rải rác soi sáng thêm khía cạnh này hay khía cạnh khác về nhà học giả, nhất là vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông với một cuộc Tọa đàm do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM phối hợp với Chi hội Hội Văn nghệ dân gian TP HCM đồng tổ chức (20-7-2004). Và đến Hội thảo lần này (2015) là chặng thứ ba, sẽ lại đánh dấu thêm một mốc rất quan trọng mang tính sự kiện trong lịch sử nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi.
([6]) Con số trong cột này chưa được thống kê thật đầy đủ. Chỉ tập trung vào một số bài viết về công trình Việt Nam cổ văn học sử trước 1945 như:
– Trúc Hà, Đọc “Việt Nam cổ văn học sử” của Nguyễn Đổng Chi, Đại Việt tạp chí, số 10, ra ngày 1-3-1943;
– Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Quyển “Việt Nam cổ văn học sử”, Tri tân tạp chí, số 74, ra ngày 25-12-1942;
– Lê Thanh, Nhìn qua văn học Việt Nam năm 1942, Tri tân tạp chí, số 81+82, xuân Quý Mùi, ra ngày 4-2-1943; tr.18-19; số 83, ra ngày 18-2-1943;
– Trần Văn Giáp, “Tựa” Việt Nam cổ văn học sử, Hàn Thuyên xuất bản cục, H, 1942;
– Thượng Sỹ, Đọc “Việt Nam cổ văn học sử”, Tin mới, 1942;
– Thiếu Sơn, Xuất bản và viết văn, Nam Kỳ tuần báo, số ra ngày 21-1-1943;
– Thanh Tuyền (Đặng Thai Mai), Đọc “Việt Nam cổ văn học sử”, Thanh nghị, số 34, ra ngày 1-4-1943; số 35, ra ngày 15-4-1943.
Ngoài ra là những bài viết trên một vài tạp chí trước 1945 về Mọi Kontum, trên một số sách, báo, tạp chí chuyên ngành ở miền Bắc, miền Nam và nước ngoài trước 1975 về Lược khảo về thần thoại Niệt Nam, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam.
([7]) Có tới 11 tham luận trong cụm bài này, tham luận nào cũng dày dặn, công phu, có tính vấn đề, có phát hiện mới; tác giả thường chọn được hướng tiếp cận thú vị trên cơ sở ứng dụng các lý thuyết nghiên cứu mới. Tiêu biểu như bài của các nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên, Trần Thị An, Nguyễn Thị Huế, Hồ Quốc Hùng, Phạm Quang Ái,…
([8]) Học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi – Tấm gương sáng của trí thức Việt Nam thế kỷ XX.
([9]) Nguyễn Đổng Chi – Nhà văn hóa lớn xứ Nghệ.
([10]) GS Nguyễn Đổng Chi – Cuộc đời và những đóng góp lý luận trong lĩnh vực văn học, văn hóa.
([11]) Nguyễn Thành Thi, Thêm những nét khắc họa mới về chân dung học giả – nhà văn Nguyễn Đổng Chi.
([12]) Xem: Nguyễn Nam – Nguyễn Hữu Sơn, Việt Nam cổ văn học sử và sự tiếp nhận của người đọc.
([13]) Hội thảo Nguyễn Đổng Chi 1995, tuy chỉ có hai bài viết về mảng công trình này của Nguyễn Đổng Chi, nhưng cả hai bài đều có chất lượng khoa học cao, là những đóng góp không dễ vượt qua.
([14]) 80 năm, tiếng kêu, lời vọng, chữ khắc.
([15]) Không phải truyện cổ tích.
([16]) Ngôn ngữ phóng sự trong tập Túp lều nát của Nguyễn Đổng Chi.
([17]) Túp lều nát, một tập phóng sự gần tám mươi năm trước.
([18]) Túp lều nát – Thiên phóng sự thể hiện tài năng và tấm lòng nhân ái của nhà văn, nhà báo Nguyễn Đổng Chi.
([19]) Nguyễn Thành Thi, Thảm cảnh “Lều nát”, “Dân kêu” và lời khuyến dụ cải cách pháp chế của Nguyễn Trần Ai.
([20]) Trần Lê Văn trong bài “Gặp lại một người bạn nhỏ” – Một truyện ký xuất sắc của Nguyễn Đổng Chi về cuộc kháng chiến Thủ đô cho rằng Gặp lại một người bạn nhỏ là “một truyện ký có nhiều yếu tố tiểu thuyết. Cốt lõi là “ký”, nó ghi lại chính xác những sự việc của một thời điểm lịch sử. Chính chất “ròng” của sự thật ở đây là yếu tố hấp dẫn độc giả”. Và “Với những yếu tố tiểu thuyết, truyện ký này có thể được coi là tiểu thuyết tư liệu (roman documentaire), một dạng tiểu thuyết nếu có nghệ thuật vững thì đọc hấp dẫn không kém gì tiểu thuyết thuần túy hư cấu”.
([21]) Gặp lại một người bạn nhỏ thuộc thể loại tiểu thuyết hay ký sự, truyện ký,… cũng là điều đáng bàn vì cũng còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Tuy vậy các bài viết trong hội thảo lần này đều thống nhất đây là một tác phẩm sử dụng tổng hợp kỹ thuật tự sự của nhiều thể loại, thể hiện một cảm quan, một cách nhìn lịch sử, đời sống; thể hiện ý thức và tư duy nghệ thuật khá sâu sắc, độc đáo của Nguyễn Đổng Chi.
([22]) Hội thảo 1995, Trần Thị Băng Thanh có bài Giáo sư Nguyễn Đổng Chi và sự phát hiện “Việt Nam cổ văn học sử”, Tạp chí Văn học, số 2-1995; tr. 20-24. Tuyển in trong Nguyễn Đổng Chi – Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc, NXB Khoa học xã hội, H, 1997; tr.129-142. Hội thảo 2015, lại có bài GS Nguyễn Đổng Chi từ “Việt Nam cổ văn học sử” đến “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam”. Bài lần trước cho thấy đóng góp mang tính tiên phong; bài lần này cho thấy những đóng góp miệt mài mang tính quá trình của học giả Nguyễn Đổng Chi.
([23]) Nguyễn Thị Huế, trước hội thảo 2015, viết: Nhà cổ tích học Nguyễn Đổng Chi với bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”; trong hội thảo 2015 viết: Phong cách kể chuyện của Nguyễn Đổng Chi trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”. Ở bài viết thứ nhất, Nguyễn Đổng Chi được xem xét trong tư cách một nhà khoa học chuyên sâu, (trong mối quan hệ với sản phẩm chuyên môn mà ông tạo tác nên). Ở bài viết thứ hai, Nguyễn Đổng Chi được quan sát và mô tả trong vai trò “người kể chuyện cổ tích” có “phong cách” (dĩ nhiên không phải “kể chuyện” như một nhà văn mà như một “nhà cổ tích học”).
([24]) Phong Lê trong hội thảo trước (1995) viết theo hình thức hồi ức (Kỷ niệm về bác Đổng Chi); Sau hội thảo Nguyễn Đổng Chi 1995, ông còn có bài bạt “Thêm một cuốn sách góp vào di sản văn học hiện thực Việt Nam: Túp lều nát của Nguyễn Trần Ai”. Còn lần này ông viết theo dạng tiểu luận tổng quan, tôn vinh tầm vóc nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi trong mối quan hệ với nguồn cội văn hóa quê hương ông (Nguyễn Đổng Chi – Nhà văn hóa lớn xứ Nghệ).
([25]) Trần Hữu Tá, sau khi soạn mục từ Nguyễn Đổng Chi trong Từ điển văn học (2 tập). T.II. H; Khoa học xã hội; 1984, đồng thời đăng hai bài: Nguyễn Đổng Chi, gương sáng trong lao động khoa học (Tuổi trẻ Chủ nhật, số 584, 8-1-1995); và Nguyễn Đổng Chi một học giả đáng kính (Kiến thức ngày nay, số 225, 20-10-1996). Bước vào hội thảo lần này ông có thêm một bài viết, vẫn cùng chủ đề song với một thay đổi trong cách nhìn và cách phác họa chân dung Nguyễn Đổng Chi, bao quát rộng hơn mà lại rành mạch, đâu ra đấy: Học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi – Tấm gương sáng của trí thức Việt Nam thế kỷ XX.
([26]) Trong 6 bài viết về lĩnh vực này, riêng bài của Nguyễn Nam – Nguyễn Hữu Sơn, do hướng tiếp cận quy định, hai tác giả không trực tiếp bộc lộ chủ kiến đánh giá của chính mình đối với hai công trình của GS Nguyễn Đổng Chi, đó là nguyên nhân khiến cho trong thống kê có một số bị khuyết.
([27]) Trước 1945, một số nhà nghiên cứu có phần cực đoan khi cho rằng việc Nguyễn Đổng Chi xem văn học chữ Hán, văn học hải ngoại như là bộ phận của văn học Người Việt và chính thức đưa vào công trình Việt Nam cổ văn học sử là thiếu ý thức dân tộc; trong khi không ít nhà nghiên cứu khác lại ủng hộ.
([28]) Theo Ngô Đức Thịnh tr. 75-76, Sơ kết hội thảo trong Nguyễn Đổng Chi – Người miệt mài tìm kiếm các/những giá trị văn hóa dân tộc, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, H, 1997, hội thảo năm 1995 có 8 nhận định về Nguyễn Đổng Chi (mỗi nhận định được rút ra từ một tham luận cụ thể):
“Một trí thức suốt đời đem khoa học phục vụ cho sự nghiệp của Tổ quốc nhân dân” (Vũ Khiêu); “Người trọn đời cống hiến cho học thuật, cho văn hóa nước nhà” (Phan Văn Các); “Người chiến sĩ không tách rời học giả” (Trần Văn Quý); “Người định hướng cho ngành nghiên cứu Hán Nôm” (Trịnh Khắc Mạnh); “Người mà tên tuổi gắn liền với cổ văn học sử Việt Nam” (Trần Thị Băng Thanh); “Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tâm huyết, lão thực” (Bùi Văn Nguyên); “Người đi đầu trong lĩnh vực sưu tầm, hệ thống hóa và nghiên cứu cổ tích Việt Nam” (Vũ Ngọc Khánh); “Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc” (Nguyễn Duy Quý).
Thực ra 8 nhận định trên còn có chỗ trùng lặp, bao chứa lẫn nhau, song le vẫn chưa đầy đủ.
Bản sơ kết hội thảo lần này chỉ nêu 4 nhận định khái quát.
([29]) Nhận định được rút ra từ các bài viết về thân thế, sự nghiệp Nguyễn Đổng Chi; từ hồi ức kỷ niệm của bằng hữu (hội thảo 1995) và, đặc biệt, từ nhiều bài viết bàn về các lĩnh vực cụ thể trong sự nghiệp của ông trong hội thảo 2015.
([30]) Nhận định được rút ra chủ yếu từ 34 bài viết về Nguyễn Đổng Chi trong hội thảo 2015 (có tham khảo các bài viết trước đó).
([31]) Nhận định được rút ra từ 25 bài viết về các công trình nghiên cứu biên khảo của Nguyễn Đổng Chi trong hội thảo 2015 (có tham khảo các bài viết trước đó).
([32]) Nhận định được rút ra từ 9 bài viết về sáng tác văn học của Nguyễn Đổng Chi trong hội thảo 2015.
([33]) Theo Thư mục Nguyễn Đổng Chi, vẫn còn 12 đơn vị tác phẩm, công trình chưa xuất bản, chưa kể Việt Nam cổ văn học sử Tập 2, 3.
Nguồn: Nguyễn Đổng Chi: học giả – nhà văn, Kỷ yếu hội thảo khoa học, nxb Trẻ, 2015.