Ngu Yên
(Tranh màu, sơn dầu của Beti Alonso)
Mở
Tưởng tượng là một năng lực duy nhất để phản kháng và giải thoát con người ra khỏi những phi lý trói buộc trong cuộc sống. Đời không có gì đáng chê trách nhưng thực tế có nghĩa là không hài lòng. Dù bất kỳ là tôn giáo nào, triết lý nào, chủ thuyết nào, chính nghĩa nào… và bất cứ ai, không vừa ý thực tế là chuyện đương nhiên, không có lối thoát, ngoại trừ tưởng tượng.
Từ khi có trí khôn cho đến ngày cuối cùng, mỗi người đều sống với tưởng tượng, hàng ngày, trong mọi trường hợp.
Con người đạt được khát vọng, ước mơ, một cách dễ dàng, nhờ tưởng tượng, thỏa mãn tâm lý và chữa thương linh hồn.
Con người khám phá vũ trụ quan và nội tâm nhờ tưởng tượng dẫn đường, trước khi khoa học đặt chân đến.
Sáng tạo trước tiên và sau cùng là tưởng tượng.
Tưởng tượng tạo nên tưởng tượng là hư cấu.
Hư cấu những thực tế phi lý, vô cảm, bất lực, thành tưởng tượng là hóa ảo.
Hóa ảo đối với thực tế là kỳ lạ, thần kỳ, huyền hoặc.
Vì vậy, Hóa Ảo Hiện Thực là con đường đi giữa vô ngôn và ngôn ngữ thực tại; là một cách nói từ những gì không thể nói.
Giới thiệu
Jorge Francisco Isidoro Luis Borges là nhà văn Argentine, viết truyện, tiểu luận, làm thơ và dịch thuật, là nhân vật quan trọng trong dòng văn học Tây Ban Nha. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Ficciones và tuyển tập truyện ngắn El Aleph. Truyện của ông thuộc về văn chương triết lý và kỳ lạ. Nhà phê bình Ángel Flores, là người đầu tiên dùng cụm từ “Magical Realism” (Hóa Ảo Hiện Thực) [thường được dịch là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo – Văn Việt] để đánh giá văn chương của Borges; vượt thoát ra chủ nghĩa Hiện Thực và chủ nghĩa Thiên Nhiên [thường được dịch là chủ nghĩa hiện thực tự nhiên – Văn Việt] đang làm chủ tình hình trong thế kỷ 19. Nhưng cũng có một số nhà phê bình cho rằng Borges chỉ là nhà văn tiền-Magical Realism. Về thơ, ông chịu ảnh hưởng của triết gia Spinoza và thi sĩ Virgil.
Dr. Michael Delahoyde của Đại học tiểu bang Washington, nhận xét về Magic Realism: “Chủ nghĩa Hóa Ảo Hiện Thực, nguyên thủy được sử dụng vào năm 1920 cho trường học hội họa, sau đó, dùng để mô tả các tiểu thuyết và truyện ngắn của nhà văn Jorge Luis Borges ở Argentine, bao gồm những tác phẩm của những nhà văn khác như Gabriel Garcia Marquez ở Columbia [và những nhà văn Châu Mỹ Latin], Gunter Grass ở Đức, và John Fowles ở Anh.
Những nhà văn này đan dệt, trong một mô hình thay đổi không ngừng, một chủ nghĩa hiện thực khắc rõ nét, trong việc tiêu biểu sự kiện bình thường và mô tả chi tiết qua cách nhìn kỳ lạ và những yếu tố mộng mị; sử dụng những dữ liệu có nguồn gốc thần thoại và cổ tích. Robert Scholes phổ biến rộng rãi một nhận định khái quát cho loại tiểu thuyết này, đang sinh sôi và lan rộng, đã quyết tâm đoạn lìa truyền thống của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. Còn được xem là loại diễn ngôn cho một phát minh về phương thức tường thuật đang hiện hành một cách tự do và tùy nghi.
Những tiểu thuyết này vi phạm, một cách quyết liệt, những tiêu chuẩn tiểu thuyết đang được tôn trọng, bằng nhiều cách khác nhau. Đôi khi, có hiệu quả cao, những thử nghiệm với đối tượng, hình thức, phong cách, diễn trình thời gian, sự kỳ lạ, huyền thoại, và ác mộng, để diễn tả những mù mờ trong truyền thống, khi phân biệt giữa những điều gì nghiêm trọng hay tầm thường, khủng khiếp hay lố bịch, bi thảm hay hài hước. (Abrams 195-196).
“Hóa Ảo Hiện Thực” (Magic Realism) mang hiệu quả đáng kể trong việc chấp nhận những sự kiện siêu nhiên và kỳ quái, được xem là ngây ngô và tẻ nhạt. Cụm từ này đã gây tranh cãi, tuy nhiên, có thể xem như một sự thoát ly chủ nghĩa hậu thuộc địa của văn chương kỳ lạ, tách rời dòng văn học nghiêm túc.
Trong mọi trường hợp, hư cấu siêu hình của Borges mở ra những đường lối suy tư về văn bản và những vấn đề của nó, Và họ mang lại những thú vị nếu người đọc không để tâm, chịu cảm nhận một chút chóng mặt nhẹ nhàng.
(Trích Borges, Labyrinths của Dr. Michael Delahoyde. Public.wsu.edu)
Jorge Luis Borges sinh ngày 24 tháng 8 năm 1899, tại Buenos Aires, Argentine. Thuộc dòng tộc quí phái. Ông lớn lên trong vùng Palermo, một khu phố có nhiều sinh hoạt của xã hội đen. Ông học Anh ngữ trước khi học tiếng Tây Ban Nha.
1914, khi Thế Chiến Thứ Nhất bắt đầu, ông theo gia đình dọn sang Geneva, học Pháp ngữ và Đức ngữ ở đây và tốt nghiệp cử nhân.
Năm 1921, ông chính thức trở về Buenos Aires. Bắt đầu làm thơ và xuất bản tập thơ đầu tiên, Fervor de Buenos Aires, Poemas, 1923.
1938, cha của ông qua đời, Borges bị chấn thương ở đầu và máu bị nhiễm độc, thập tử nhất sinh. Được cứu sống sau một cơn giải phẫu và từ đó ông bắt đầu viết truyện kỳ quái. Xuất bản tuyển tập Ficciones, 1944.
Khi nhà độc tài Juan Perón lên nắm quyền, năm 1946, Borges bị thất sủng, rời khỏi công việc ở thư viện vì tội ủng hộ Đồng minh trong Thế chiến Thứ Hai. Mãi đến năm 1955, khi Perón lưu vong, Borges mới trở thành Giám đốc Thư viện Quốc gia và dạy tại Đại học Buenos Aires về văn chương Anh Mỹ.
Borges có tầm ảnh hưởng lớn trực tiếp vào sáng tác truyện, tiểu thuyết trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Ông bị ảnh hưởng văn chương của Edgar Allan Poe và Franz Kafka, nhưng kết hợp được nhiều thể loại văn chương Hậu Hiện Đại và đưa ra một thể văn “sinh năng động”. Trong Từ điển tiểu sử nhà văn, Alberto Julián Pértez nhận định về văn chương Borges, “… xây dựng qua ngôn ngữ cao kỳ của lương tâm và một tổng hợp chính thức có khả năng đại diện cho những ý tưởng đa dạng nhất; thể hiện sự phát triển cao cấp và kỹ thuật kể truyện hiện đại. Trở thành gương mẫu của tiến bộ văn học và sự sắc nét phản ảnh trong văn chương đa dạng của ông, đã ảnh hưởng đến số mệnh của nền văn học (thế giới).”
Mãi đến năm 1961, thế giới mới biết đến ông, vào tuổi sáu mươi ông mới nhận được giải thưởng Prix Formentor, và International Publishers Prize mà ông và kịch tác gia Samuel Beckett đồng chia sẻ.
Năm 1967, ông lấy bà quả phụ Elsa Astete Millán làm vợ. Sau ba năm, ông ly dị và sống với mẹ già cho đến khi bà qua đời, thọ chín mươi chín tuổi.
Ảo tưởng là một phần chủ yếu trong tiểu thuyết của Borges, được mệnh danh là “Thế giới lộng lẫy của bóng tối” (The resplendent world of shadows). Quan niệm của ông trong khía cạnh này: Người ta không thể định đoạt sự tồn tại vì thế giới đã có một định đoạt ẩn kín riêng. Nhưng nhân vật trong truyện của Borges không thể hiện nhiều ở khía cạnh tâm lý mà nghiêng về bản tính huyền thoại. Ông ít khi quan tâm nhân vật như một cá nhân, mà dùng họ như thể hiện niềm tin triết lý. Hầu hết những nhân vật do ông dựng lên, đều có một đời sống thứ hai và đời sống này là để giải thích đời sống thứ nhất. Nói một cách khác, đời sống ảo giải thích đời sống thật và đời sống thật làm cho đời sống ảo có ý nghĩa thật sự.
Ông thành thạo việc pha trộn giữa thực tế và hư cấu; giữa tiểu luận và truyện ngắn. Ông lão luyện khi hoàn toàn phá vỡ biên giới giữa các thể loại khác nhau một cách dễ dàng. Trong bài viết tưởng niệm Borges, thi sĩ Octavio Paz viết, “Ông đã cấy trồng ba thể loại: Tiều luận, thơ và truyện ngắn. Việc phân loại thì tùy ý. Tiểu luận của ông, đọc giống như truyện; truyện thì như thơ; thơ làm chúng ta suy tư như đọc tiểu luận.” Nhà phê bình Ambrose Gordon, Jr. cũng cho rằng, tiểu luận của Borges đầy nhạc tính như thơ, trong khi truyện lại như tiểu luận và thơ thì giống truyện.
Trong một tiểu luận, Borges viết rằng, “Định mệnh của chúng ta không phải là khủng khiếp vì sự hư ảo của nó; nhưng khủng khiếp vì nó bất di bất dịch và không thể đảo ngược. Thời gian là chất liệu làm ra tôi. Thời gian là dòng sông cuốn tôi đi, nhưng tôi chính là dòng sông. Nó là con cọp xé xác tôi nhưng tôi chính là con cọp. Nó là lửa thiêu rụi tôi, nhưng tôi chính là ngọn lửa. Trần gian, than ôi, là có thật. Còn tôi, than ôi, là Borges…”
Tháng Tư năm 1986, ông làm đám cưới với María Kodama, người trợ lý riêng của ông qua một luật sư đại diện ở Paraguay. Ngày 14 tháng 6, cùng năm, ông qua đời vì bệnh ung thư gan tại Geneva. Danh tiếng của ông được ngưỡng mộ về lòng tự trọng. Để vinh danh và tưởng niệm sinh nhật một trăm năm của ông (1999), tờ báo Viking ấn hành một bộ ba tác phẩm dịch, bắt đầu với Tuyển tập tiểu thuyết, 1998; Tuyển tập thơ, nguyên bản tiếng Tây Ban Nha và những bản dịch Anh ngữ của nhiều dịch giả; và cuốn thứ ba Tuyển tập tiểu luận và những bài viết khác. Nhà phê bình danh tiếng vùng Tây Ban Nha, Pérez kết luận, Borges tự sáng tạo một phong cách riêng, có thể gọi là Hậu Tiền Phong Văn Chương. Từ đây văn chương có con đường riêng tự phản ảnh bản thân, tách rời đời sống, để có thể chính thức khám phá mật độ tham gia vào sáng tác của trí tuệ.
Phỏng vấn Jorge Luis Borges
Ronald Christ thực hiện
Tạp chí The Paris Review số 39, Mùa thu 1966.
Bài phỏng vấn này khá dài và chứa đựng một số chủ đề khác nhau. Người dịch xin được chia ra làm nhiều phần với nhiều tiêu đề, đặt trong dấu ngoặc, để người đọc tiện việc theo dõi. Và những nhận định kèm theo, để việc tìm hiểu quan niệm sáng tác của Borges được dễ dàng hơn.
1. (Anh hùng sử thi thời hiện đại.)
2. (Ám chỉ tư duy sáng tác của Borges qua những câu chuyện bên lề.)
3. (Ám chỉ quan niệm sáng tác của Borges qua những tác phẩm và tác giả khác.)
4. (Hóa ảo hiện thực được ám chỉ bởi hiện thực hóa ảo.)
5. Nhận định và Thơ Jorge Luis Borges.
Cá tính văn chương của Borges là ám tả. Nên những câu trả lời của ông trong lúc phỏng vấn cũng mang đầy ngụ ý. Có lúc, người đọc có cảm giác cuộc đối đáp mông lung, không có chủ đề hoặc thông điệp nào nhất định, nhưng thật ra, cũng tương tựa như cách xây dựng cốt truyện theo lối mê trạng (labyrinth) của ông. Ví dụ, phần đầu tiên, ông ca ngợi anh hùng tính trong sử thi. Những anh hùng thời thần thoại, thời cổ tích và những anh hùng thời lịch sử chiến chinh. Rồi ông hiện đại hóa anh hùng tính vào những chàng cao bồi thời Viễn Tây ở Hoa Kỳ, và vào các nhân vật băng đảng xã hội đen mafia, khiến người đọc có phần bỡ ngỡ. Thực sự, điều ngụ ý là lòng dũng cảm mà ông không có, dù ông sinh ra trong dòng dõi quân nhân. Ông tự biết mình nhút nhát và tự phấn đấu muốn trở nên can đảm.
Suốt cả bài phỏng vấn, nên lưu ý lối nói của ông: Thường xuyên mở đầu câu, hoặc trong mệnh đề xác định, bằng “dĩ nhiên”, “đương nhiên”, “tất nhiên”, và thường chấm dứt một phát biểu hoặc ý niệm bằng cụm từ “không đúng sao?”. Đây là những ký hiệu ngôn ngữ cho thấy ông cực đoan và tự tin. Nhất là khi ông phê phán cách sử dụng Anh ngữ không thuần Anh của các nhà văn thời danh, kể cả Shakespeare. Ông học Anh văn trước khi học tiếng Tây Ban Nha. Ông nghiên cứu thâm sâu về Anh ngữ và cổ văn Anh ngữ. Nhưng không viết tác phẩm bằng tiếng Anh. Chỉ viết đôi bài giảng bằng anh ngữ cho Đại học Havard về thi ca. Hỏi ông, tại sao? Trả lời thành thật, vì sợ. Cho thấy sự nhất quán của anh hùng tính mà ông ca ngợi chính là điều thiếu sót trong tâm lý nhà văn. Truyện của ông chứa nhiều gươm dao, máu đỏ là phản ứng từ nguồn vắng bóng anh hùng trong tâm tư.
Lối trả lời phỏng vấn của ông như vậy. Đọc đi rồi đọc lại, dần dà sẽ nhận ra những gì ông hăng say phát biểu chính là những điều ông cần giải quyết cho chính ông, cách giải quyết của một người nhút nhát: Đó là tưởng tượng hóa những thực tế qua bóng dáng ngụ ngôn, huyền thoại, cổ tích, bằng những tứ truyện khác thường, được xem là kỳ quái.
Phần lời dẫn của tạp chí Paris Review cũng rất quan trọng. Không phải không có lý do mà họ mô tả tỉ mỉ về những sự kiện xảy ra chung quanh đời sống của nhà văn Borges. Nhất là những hành vi, cử chỉ, lời nói vá cách phát biểu của ông giữa đám đông, những chi tiết này tạo ra không khí và bức tranh lớn để người đọc nhìn Borges một cách thực tế hơn.
Có lẽ, chủ yếu nhất của phần này là thông tin về những ký hiệu không lời, để kết hợp cùng ký hiệu ngôn từ trong bài phỏng vấn, giúp người đọc hiểu ngầm những gì Borges chưa nói hoặc đã nói một cách ám chỉ.
“Lời nói chỉ là cái cớ, chính mối liên hệ nội tâm mới lôi cuốn người này lại gần người kia, chứ không phải ngôn ngữ.” Jalai ad-Din Muhammad Rumi. (1)
(Một trong những phương pháp trực tiếp học hỏi về sáng tác, là tham khảo những bài phỏng vấn văn chương của các văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ nổi danh trên thế giới; nhất là, những tôn sư của các trường phái, các trào lưu văn nghệ toàn cầu và những tác gia tiêu biểu cho từng gia đoạn, từng thế kỷ văn học.
Kinh nghiệm sáng tác của họ, bản lãnh riêng tư của mỗi tác giả thời danh, không nhất thiết phải thu hút toàn bộ vào nội hàm của một người sáng tác hoặc thưởng ngoạn; không hẳn gì sẽ giúp ta hay hơn, giỏi hơn; nhưng chắc chắn giúp ta biết nhiều hơn, bớt dở hơn và hữu dụng khi bị bế tắc.)
Lời dẫn của Ronald Christ
Cuộc phỏng vấn này được thực hiện vào tháng Bảy năm 1966. Tôi trò chuyện cùng Borges tại văn phòng của ông ở Bibioteca Nacional, nơi ông đang làm giám đốc. Căn phòng, nhắc lại một Buenos Aires cũ kỹ hơn, không hẳn là văn phòng, nhưng là một phòng lớn, trần cao, trang trí công phu, trong một thư viện vừa được tân trang. Trên tường treo đầy những văn bằng học thuật và những bản tuyên dương học vị, nhưng quá cao để có thể đọc, tựa chừng như treo với lòng khiêm tốn. Ngoài ra còn có một số hình khắc của Piranesi (2), làm nhớ lại sự tàn phá ác mộng của Piranesi trong truyện The Immortal của Borges. Trên lò sưởi là một bức chân dung lớn; tôi hỏi cô thư ký, Susana Quintero, về bức hình này. Cô trả lời bằng giọng điệu, vô tình phù hợp với điệp khúc của các môn đồ Borges: “Không giá trị bao nhiêu. Đây là bức tranh vẽ lại.”
Trong góc đối diện, thấy hai tủ lớn, có thể xoay tròn, chứa đầy sách, cô Quintero cho biết, đó là nơi Borges thường xuyên tra cứu. Tất cả sách được sắp xếp theo một thứ tự nhất định, không bao giờ thay đổi, để Borges, một người gần như mù, có thể tìm lấy sách cao thấp lớn nhỏ, ở đúng vị trí. Ví dụ, các bộ tự điển đặt nằm san sát với nhau. Trong đó có cuốn Bách khoa từ điển Webster Anh ngữ khá cũ, sờn mòn, lưng sách được may lại chắc chắn; và một cuốn tự điển Anglo-Saxon cũng không kém phần cũ hư. Giữa dãy sách khác, thấy sách tiếng Đức tiếng Anh về thần học, triết học, văn học, lịch sử, và toàn bộ sách Pelican Guide (3) về văn học Anh; Tuyển tập thư viện hiện đại về Francis Bacon (Modern Library’s Selected Writings of Francis Bacon); The Poetic Edda của Hollander, Thơ của Catullus (The Poems of Catullus), Hình học bốn chiều của Forsyth (Forsyth’s Geometry of Four Dimensions); vài cuốn Anh ngữ cổ điển của Harrap (Harrap’s English Classic); Âm mưu Pontiac của Parkman (The Conspiracy of Pontiac); các ấn bản Chambers của Beowulf… Cô Quintero cho biết, gần đây, Borges đang đọc Hình ảnh cuộc nội chiến của The American Heritage. Đêm qua, ông mang về nhà cuốn Cuộc đời của Mahomet do Washington Irving xuất bản, để đọc cho mẹ ông nghe, năm nay bà đã vào chín mươi tuổi.
Mỗi cuối chiều, Borges đến thư viện, nơi ông có thói quen đọc thư, đọc thơ để cô Quintero đánh máy, rồi đọc lại cho ông nghe. Cô sửa chữa theo ý ông hai ba lần, đôi khi bốn lần, trước khi ông hài lòng. Có những chiều khi cô đọc, ông cẩn trọng điều chỉnh cách phát âm tiếng Anh của cô. Thỉnh thoảng, cần suy nghĩ, ông rời văn phòng, đi tản bộ vòng quanh hành lang hình tròn, bên trên những dãy bàn phía dưới, có độc giả thư viện. Cô Quintero nhấn mạnh, khẳng định, ông không luôn luôn nghiêm chỉnh, người đọc có thể tìm thấy trong bài viết, “thường xuyên có chuyện khôi hài, một ít vui đùa rất thực tế.”
Khi Borges bước vào thư viện, đầu đội mũ bê-rê, mặc bộ đồ nỉ xám đậm, áo xốc xếch từ vai, quần dài chùng trên giày. Mọi người ngưng nói chuyện một lát, có lẽ sự tạm dừng để tôn trọng, có lẽ sự ngập ngừng để chia sẻ với một người sắp mất hết thị giác. Ông dùng gậy dò đường, dọ dẫm từng bước đi. Người thấp, mái tóc nhìn hơi giống tóc giả, phồng lên trên đầu. Mặt trông lơ mơ, thiếu sinh khí bởi tuổi tác, một phần bị ảnh hưởng bởi màu da nhợt nhạt.
Giọng nói của ông cũng không mạnh mẽ, gần như nhỏ nhẹ, có lẽ vì đôi mắt lơ đễnh, giống như có ai đó, đang núp đằng sau khuôn mặt. Điệu bộ biểu lộ khác biệt, vẻ thờ ơ, thấy được trên một mí mắt sụp xuống, không tự nhiên. Nhưng khi cười, ông thường hay cười, nét mặt nhăn lại, thật sự, giống một dấu hỏi châm biếm. Ông có khuynh hướng khoác tay làm cử chỉ phất qua hoặc giống như lau sạch, trước khi đặt tay xuống bàn. Hầu hết những phát biểu của ông mang dạng câu hỏi, với chữ nghĩa chọn lọc, nhưng là những câu hỏi thành thật. Lúc nói, Borges biểu lộ lòng tò mò càng lúc càng rõ, nhưng pha trộn nhút nhát, gần như ngờ vực một cách thương cảm. Khi ông muốn pha trò, ông lên giọng sinh động đầy kịch tính; trích dẫn một câu nói của Oscar Wilde, đòi hỏi công lý cho một diễn viên dưới triều đại vua Edward (4). Cách nói của ông rất dễ dàng phân tích: Một ngôn ngữ quốc tế đang nổi dậy từ quá trình đào tạo tiếng Tây Ban Nha, được huấn luyện bởi cách nói tiếng Anh chính thống và bị ảnh hưởng bởi phim ảnh Hoa Kỳ. (Chắc chắn không có người Anh nào phát âm chữ Piano thành Pianoas, và không người Mỹ nào nói “a-nee-hilates” thay vì “annihilates”.) Đặc tính chủ yếu trong cách phát âm của ông là thói quen để những chữ líu nhíu với nhau một cách nhỏ nhẹ, khiến cho những âm cuối vần bị nhạt nhòa, khó phân biệt, như hai chữ couldn’t và could. Có những lúc ông dùng tiếng lóng hoặc tiếng ngoài luồng, nhưng thông thường ông sử dụng tiếng Anh chính thức và kinh điển, đúng đắn, khá tự nhiên, vào những câu như “that is to say” và “wherein.” Những câu nói luôn luôn liên kết bởi lối tường thuật như “và sau đó…” hoặc theo lý luận như “hậu quả là…”
Nhưng đúng nhất, Borges là người nhút nhát. Về hưu, thậm chí, tự giấu thân, ông tránh nói về mình càng ít càng tốt. Gián tiếp trả lời những câu hỏi về bản thân bằng cách nói về những nhà văn khác, sử dụng lời của họ và ngay cả sách của họ để ám chỉ ý nghĩ riêng cho mình.
Trong bài phỏng vấn, đặc tính tiếng Anh bình dân thông dụng sẽ được cố gắng giữ lại. Cách nói này tương phản với cách viết của ông, nhưng khi khám phá được sự thân mật riêng của ông đối với ngôn ngữ, sẽ thấy được tầm quan trọng trong sự phát triển của các tác phẩm của Borges.
1. (Anh hùng sử thi thời hiện đại)
Hỏi:
Ông có phản đối việc ghi âm cuộc đàm thoại giữa chúng ta không?
Borges:
Không, không. Tùy anh, cứ lo chuyện kỹ thuật. Tuy có trở ngại nhưng tôi sẽ cố gắng trò chuyện như không có gì xảy ra. Nào, anh từ đâu đến?
Hỏi:
Từ New York.
Borges:
A, New York. Tôi đã từng đến đó, rất là thích thú. Tôi đã tự nói với mình, “Đúng rồi, tôi đã thực hiện được điều này [đến New York]; đây là việc nên làm.”
[…]
Borges:
Trước khi bắt đầu, anh định hỏi những câu gì đây?
Hỏi:
Hầu như là về những tác phẩm của ông và những nhà văn Anh mà ông từng bày tỏ sự quan tâm.
Borges:
A, đúng như vậy. Vì nếu anh hỏi tôi về những nhà văn đương đại, e rằng tôi biết rất ít. Khoảng chừng bảy năm nay, tôi cố gắng hết sức tìm hiểu đôi điều về nét cổ xưa trong văn chương Anh và Na Uy. Do đó, có một khoảng cách thời gian lẫn không gian khá dài, xa cách Argentine, tách rời nhà văn Argentine, không đúng sao? Nhưng nếu tôi phải nói về Finnesburg Fragment (5) hoặc Bi thương khúc của Trận chiến Brunanburg…(6)…
Hỏi:
Ông có muốn nói về những điều này không?
Borges:
Không, không nhất thiết.
Hỏi:
Điều gì khiến ông tìm hiểu Anglo-Saxon và Văn chương thời xưa ở Na Uy?
Borges:
Khi tôi bắt đầu chú ý đến phép ẩn dụ. Rồi từ sách này sang sách khác, tôi nghĩ là trong Lịch sử văn học Anh ngữ của Andrew Lang, tôi đọc về cổ dụ [Kenning], ẩn dụ thời xưa trong Anh ngữ, và bút pháp rất phức tạp trong thi ca cổ điển Na Uy. Sau đó, tôi nghiên cứu về cổ ngữ Anh văn. Thời nay, đúng hơn là ngày nay, sau vài năm học hỏi, tôi không còn thích thú về ẩn dụ nữa, tôi nghĩ, chúng chỉ là sự nhàm chán trong thú vui của các thi sĩ, tối thiểu là thi sĩ thời xưa ở Anh.
Hỏi:
Ý ông nói là lặp lại (những ẩn dụ), phải không?
Borges:
Đúng, lặp lại, dùng lui dùng tới, cứ tiếp tục nhai lại “thehranrad”, “waelrad”, hoặc “ hành trình cá voi” thay vì “biển cả”, đại loại như vậy, nói “gỗ biển”, “ngựa biển” thay vì “con tàu”. Do đó, sau cùng, tôi quyết định không dùng ẩn dụ loại này nữa; nhưng trong lúc nghiên cứu về ngôn ngữ, tôi hết sức yêu thích nó. Giờ đây, tôi đã có một nhóm khoảng sáu, bảy học viên, cùng nhau học hỏi, hầu như mỗi ngày. Chúng tôi đọc qua những đoạn nổi bật của Beowulf, The Finnsburg Fragment, The Dream of Rood... Ngoài ra, chúng tôi nghiên cứu văn xuôi của Ling Alfred. Lúc này, chúng tôi bắt đầu học văn học cổ xưa của Na Uy, khá giống Anh ngữ cổ điển. Có nghĩa là từ vựng không khác nhau lắm: Anh văn cổ thuộc loại nằm giữa dòng Đức ngữ bản địa miền Bắc và ngôn ngữ Scandinavian.
Hỏi:
Ông quan tâm rất nhiều đến văn học sử thi, thì phải?
Borges:
Vâng, lúc nào cũng vậy. Ví dụ, có rất nhiều người đi xem phim rồi khóc. Chuyện này thường xảy ra. Cũng xảy ra cho tôi. Nhưng tôi không bao giờ khóc chuyện nức nở vớ vẩn hoặc các phim tập thảm thương. Tôi nhớ, khi xem bộ phim xã hội đen đầu tiên của Joseph von Sternberg, bất kỳ điều gì của họ cũng anh hùng, tôi muốn nói những người xã hội đen chết một cách can đảm. Tôi cảm thấy mắt mình rưng lệ. Tôi từng cảm nhận anh hùng sử thi sâu xa hơn là thơ trữ tình và khúc bi thương. Tôi luôn luôn cảm thấy như thế. Có lẽ, cũng có thể vì tôi sinh ra trong dòng dõi quân nhân. Ông tôi, Đại tá Francisco Borges Lafinur, chiến đấu trong chiến tranh biên giới với Ấn Độ, và ông tử trận trong một cuộc cách mạng. Ông cố tôi, Đại tá Suárez, dẫn kỵ binh Peru, xung phong trong một trận chiến lớn cuối cùng chống lại Tây Ban Nha. Một ông cố chú khác đã dẫn đầu quân đội tiền phong San Martin. Đại khái là vậy. Còn nữa, một trong những bà cố của tôi là em gái của Rosas (7). Tôi không nhất thiết tự hào về mối liên hệ này, vì tôi cho rằng Rosa là một loại Perón (8) trong thời đó. Nhưng tất cả những điều này đã nối kết tôi vào lịch sử Argentine và cũng tạo ra ý tưởng, làm người phải có lòng dũng cảm, không đúng sao?
Hỏi:
Nhưng những nhân vật mà ông chọn là anh hùng phong cách sử thi, ví dụ như đám xã hội đen, phải chăng, theo ý nghĩ thông thường họ không được coi là anh hùng? Tuy nhiên, có vẻ như ông đã tìm thấy tính chất sử thi ở đó?
Borges:
Tôi nghĩ, có lẽ, họ là một loại anh hùng sử thi hạng thấp, không đúng sao?
Hỏi:
Có phải ông muốn nói vì loại anh hùng ngày xưa dường như không còn nữa, do đó, chúng ta cần tìm những nhân vật này để thay thế?
Borges:
Tôi nghĩ, nên theo sử thi hoặc văn học sử thi, hơn là, chúng ta loại bỏ những nhà văn như T.E. Lawrence (9) trong tác phẩm Seven Pillars of Wisdom hoặc một số thi sĩ như Kipling (10), ví dụ, trong Harp Song of the Dane Women hoặc ngay cả trong các câu truyện. Tôi nghĩ, thời nay, trong khi văn chương nam giới hình như đã sao lãng nhiệm vụ anh hùng sử thi, thì bản tính anh hùng lưu truyền đến chúng ta, lạ lùng thay, ở trong những tay cao bồi miền Viễn Tây.
Hỏi:
Người ta nói ông đã xem phim West Side Story (11) nhiều lần lắm phải không?
Borges:
Đúng, rất nhiều lần. Dĩ nhiên, West Side Story không phải là phim cao bồi.
Hỏi:
Nhưng đối với ông, phải chăng nó có phẩm chất giống như sử thi?
Borges:
Theo tôi là như vậy. Trong thế kỷ này [TK.20], như tôi đã trình bày, truyền thống sử thi của tất cả mọi nơi, được lưu lại cho hậu thế, bởi Hollywood. Khi đến Paris, có cảm giác muốn gây kích động cho người khác, nên khi họ hỏi tôi, họ biết tôi rất thích xem phim, tôi xem rất nhiều, vì vậy, bây giờ mắt tôi nhìn rất kém, họ hỏi tôi, “Ông thích xem loại phim nào?”. Tôi trả lời, “Thành thật mà nói, tôi thích xem phim cao bồi miền Viễn Tây.” Họ toàn là người Pháp, họ rất đồng ý và góp lời, “Tất nhiên, chúng tôi thích xem những phim như Hiroshima mon amour hoặc L’Année dernière à Marienbad, mang đến ý thức trách nhiệm, nhưng khi muốn giải trí, đúng như thế, muốn thật sự vui vẻ, thì xem phim Mỹ.”
Hỏi:
Như vậy là nội dung, nội dung văn chương trong phim, chứ không phải những khía cạnh kỹ thuật, đã làm ông thích thú?
Borges:
Tôi biết rất ít về lãnh vực kỹ thuật trong phim ảnh.
(Còn tiếp)
GHI CHÚ:
(1) Words are a pretext. It is the inner bond that draws one person to another, not words (Rumi, nhà thơ Ba Tư).
(2) Giovanni Battista Piranesi (1720-1778) nghệ sĩ người Ý, nổi tiếng về khắc hình.
(3) Pelican Guide là bộ sách về kiến thức do nhà xuất bản Penguin Books khởi đầu, xuất bản năm 1937. Gồm những chủ đề quan trọng trong đời sống và xã hội, từ âm nhạc cho đến văn hóa, từ sinh vật học đến kiến trúc. Chấm dứt năm 1984. Nay đã được in lại vào năm 2014.
(4) Edward I (1239-1307) vua nước Anh. Con đầu của vua Henry III.
(5) Finnesburg Fragment: Một phần trong anh hùng ca thuộc văn chương Anh cổ điển. Nhân vật chính Hnaef cùng với 60 thuộc hạ bị bao vây tại pháo đài Finn, và họ cố gắng chống trả sự tấn công để bảo vệ pháo đài.
(6) Có lẽ là trận chiến ở Bruanburth. Xảy ra năm 937 giữa vua nước Anh và đồng minh của Olaf Guthfrithson, vua Dublin; Contanstine vua nước Scotland; Owen vua nước Strathclyde.
(7) Juan Manuel de Rosas (1835-1852), có biệt danh “Người tu sửa luật pháp”, nhà quân sự, chính trị cai quản vùng Buenos Aires. Ông như một lãnh chúa sau khi đã chiến thắng bằng một cuộc cách mạng.
(8) Juan Domingo Perón (1895-1974) là nhà quân sự chính trị. Trở thành tổng thống Argentine từ 1946-1955. Bị cách mạng lật đổ. Ông được xem là nhà độc tài gây nhiều bạo lực.
(9) T.E. Lawrence tác giả của Seven Pillars of Wisdom, là cuốn tự truyện xuất bản 1922. Thomas Edward Lawrence (1888-1935) là quân nhân trong quân đội viễn chinh Anh Quốc, tham gia trận chiến giữa Ả rập chống lại đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ 1916-1918.
(10) Rudyard Kipling (1865-1936) nhà văn và thi sĩ Anh. Nổi tiếng với tác phẩm The man who would be king.
(11) West Side Story là bộ phim nhạc, trữ tình, do đạo diễn Robert Wise và Jerome Robbins thực hiện năm 1961.