Julie Clarini, nhà báo, Le Monde, 03.10.2013
Nguyên Ngọc dịch
Trong tâm hồn con người. “Thực tế, tất cả diễn ra ở đó”, Svetlana Alexievitch viết như vậy ở lời nói đầu cuốn sách tuyệt vời của bà Kết thúc của con người đỏ. Lịch sử nhỏ, lịch sử lớn, phân biệt đối với bà chẳng hề có ý nghĩa gì cả: thực chất, bao giờ hơi thở của các biến cố, hứng khởi hay hủy diệt, cũng diễn ra trong đáy cùng của ý thức. Đế chế xô viết sụp đổ, đột biến lớn là vậy, nhưng ai sẽ còn nhớ đến những cái khác: những đồng lương “tư bản chủ nghĩa” được trả bằng xà phòng, lốp xe hay dầu gội?
Ai còn nhớ đến những người có học hành hẳn hoi cúp cum giữ những chiếc hộp bằng bìa và những chiếc khăn giấy của cửa hàng McDonald’s đầu tiên. Những người bạn mừng đến điên lên vì được sở hữu một chiếc cối xay cà phê, những người, mới đây thôi, còn thức trắng đêm xếp hàng để mua cho kỳ được một tập thơ Akhmatova? Chính những mẫu đời như vậy đó, mà các kho lưu trữ cũng như các biên niên được phép (nhà nước) không hề ghi giữ, đã làm nên chất liệu của nhà văn nữ Biélorussie. Bà cũng ghi lấy cơn đói giày vò gan ruột những người hưu trí, nạn bạo lực, điên dại, tràn lan những năm đầu 1990, khi cả hệ thống tan rã.
Rất nhanh chóng, đại nạn cướp bỏ lại những xác chết đầu tiên của nó trên các ngã đường. Và cái chết còn lan ra một cách kín đáo hơn: ở các tỉnh lẻ, người ta tự vẫn trong các trụ sở Đảng, vì tuyệt vọng, vì sợ khủng bố – hay cả hai.
Tài năng thực sự của Svetlana Alexievitch là không bao giờ đưa ra những kết luận giản đơn. Về “con người đỏ”, dù anh ta là người sùng tín – loại người đó có nhiều hơn ta thường tưởng – hay là kẻ gia nhập theo thời, bà không muốn biến họ thành một nạn nhân hay một đao phủ. Chỉ cố hiểu cho được sự thể đã diễn ra như thế nào, nhặt lấy những thì thầm cuối cùng của họ.
“Nhà văn cần trình bày thế giới trong các chi tiết của nó để cho được công bằng”, bà xác định rõ như vậy về công việc của mình, mà bà luôn quan niệm theo đúng cùng một cách thức: thu nhặt những tư liệu và bằng chứng kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi một nghệ thuật tinh tế biết lắng nghe rồi sau đó là kết cấu.
Chính những đức tính ấy, hiếm gặp hơn ta tưởng do sự giản dị của chúng, đã làm nên thành công của các tác phẩm trước đây của bà: Quan tài thiếc (1990), về chiến tranh Afganistan, và nhất là Lời cầu xin (1998), được dịch ra mười bảy thứ tiếng, dàn đồng ca của những người đàn bà và đàn ông kể lại nổi đau ở Tchernobyl. Tác phẩm mới này, Kết thúc của con người đỏ, vang lên tiếng kêu về một niềm tin đã mất ở tương lai: “Chúng tôi đã vui, chúng tôi tin rằng ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay”, Margarita Pogrebitskaïa đã tâm sự với bà như vậy, khi kể về những ký ức tuổi thơ. Qua từng trang, trong những những cuộc trò chuyện trên Hồng trường hay những tâm sự thổ lộ riêng tư, ta nghe một điều chủ đạo: để làm gì tất cả những hy sinh ấy, tất cả những người chết ấy, tất cả những cuộc chiến tranh ấy, nếu ở chân trời kia chẳng còn chút niềm tin và sự cao cả nào?
“Con người đỏ chết trong đau đớn, bà nói trong một lần ghé qua Paris. Gorbachev và một nhúm trí thức đã làm cuộc cách mạng. Tôi có ở đấy. Nhưng 80% số người đã thức dậy trong một đất nước khác, mà không biết sống thế nào đây”. Như cha mẹ bà, họ sống tại một thành phố nhỏ ở Biélorussie. Cha bà, mất cách đây ba năm, đã là một người cộng sản cho đến tận cuối đời. “Cuốn sách này là một phần ông ấy, hẳn thế”, bà công nhận khi có người gợi lên nét gần gũi. Con người đỏ trong tất cả sự phức tạp của họ. Ông ấy, người học việc nghề báo đã có thể có một chân rất sáng sủa trong Đảng, nhưng đành chịu làm một nhà giáo ở một thị trấn rất xa (thủ đô) Minsk. Sau chiến tranh, người chị dâu của ông bị bắt và đày đi Sibérie vì có ăn ở với một người Đức: hoặc ly dị, hoặc đi đày. Vậy mà ông vẫn đưa các con vào đội thiếu tiên tiền phong rồi đoàn thanh niên cộng sản Komsomol. “Sau khi Liên Xô sụp đổ, ông lại bầu cho Loukachenko [nhà chuyên chế đã thống trị số phận Biélorussie gần hai mươi năm nay] vì ông tin ông ấy ủng hộ người bình thường”, hôm nay con gái ông thở dài…
CHỈ MỘT NGƯỜI XÔ VIẾT MỚI HIỂU ĐƯỢC MỘT NGƯỜI XÔ VIẾT
Trong cuộc sống thực cũng như trong sách của Svetlana Alexievitch, việc phân chia vai trò giữa nạn nhân, đao phủ và người ly khai chẳng có gì là hiển nhiên: Anna Maia là một nhà điêu khắc 59 tuổi khi bà đồng ý kể lại cuộc đời mình. Câu chuyện của bà đứt đoạn vì nước mắt và những khoảng lặng. Cuối cùng bà thét lên: “Không còn chút gì là xô viết nữa. […] Ở đâu cũng phải chen lấn, cũng phải đánh nhau […]. Thế giới này không phải là thế giới của tôi. Ở đây, tôi không thấy mình đang ở nhà mình.” Ở đây, tức là nước Nga hôm nay.
Là biểu hiện của một nỗi tiếc nhớ, tầm thường, về một thời tuổi trẻ của mình chăng? Sẽ là quá đơn giản. Bà ấy đã sống ở Kazakhstan, cạnh mẹ bà bị đày đi lao động khổ sai. Bà sống sót là phép lạ: “Mùa đông, người ta đặt những đứa trẻ đã chết vào trong những thùng tô nô lớn và chúng nằm lại ở đấy cho đến mùa xuân”, bà kể. Bà chỉ biết có trại mồ côi và các ký túc. Ký ức đầu tiên của bà là về một cái chòi canh. Nhưng, “ở lớp, người ta chỉ dạy chúng tôi yêu quý đồng chí Staline”. Hôm nay bà ca ngợi một đế chế lớn mà người ta tự hào được thuộc về, gồm toàn những con người quan tâm đến sách và sân khấu. “Hôm nay người ta nói về những thứ người ta mua được. Đất nước này xa lạ với tôi”, Anna Maia kết luận. Như từ những mặt đều màu của tấm dán hằn lên những chỗ lồi, bằng những lời trao đổi, những kỷ niệm chia sẻ, Svetlana Alexievitch làm nổi bật lên Homo sovieticus (con người xô viết); bà phục sinh con người đó trong một thứ nhân học được tiến hành bằng các phương tiện văn học. Chỉ một người xô viết mới hiểu được một người xô viết, bà viết trong lời nói đầu cuốn sách của mình, bởi vì “chúng tôi là láng giềng của nhau về ký ức”.
Nhưng còn bà, trong công cuộc này, bà có mang một nỗi nhớ tiếc thế giới cộng sản? Hẳn là không, nếu ta hiểu đó là nỗi nhớ một thời hứng khởi. “Nhưng tôi thấy mình gần gũi với những người đã từng biết Liên Xô hơn là những người hôm nay theo chủ nghĩa vật chất hơn nhiều. Thế giới đã hoàn toàn thay đổi và chúng tôi đã không thực sự được chuẩn bị. Thời cộng sản, người công dân bình thường không bị làm nhục vì anh ta không có gì hết. Ở bên các bạn, ngày nay, những người nghèo được bảo vệ; bên chúng tôi, thì không.” Không ai hình dung tình trạng khốn khó, “điều trị sốc” và đánh mất uy tín nhanh đến thế của nền dân chủ.
“Chúng tôi không biết làm gì với cơn đau đó, bà nói. Người ta huyễn tưởng hóa một quá khứ huy hoàng thay vì hiểu cho được những gì đã xảy ra. Những kẻ đã cướp bóc nước Nga và tìm kiếm một quyền thế có thể tập hợp nhân dân chỉ còn việc phục hồi Staline. Các đầu óc đã sẵn sàng.” Không có một công trình ký ức nào, theo lối biểu hiện được thừa nhận ở Tây Âu, có thể chống lại việc công cụ hóa quá khứ cộng sản. Về mặt này, cuốn sách của Svetlana Alexievitch là một chìa khóa để hiểu chủ nghĩa tân ái quốc của Poutine. Nhưng trên chủ đề này nữa, bà cũng muốn nhấn mạnh đến những tính chất lưỡng trị, khi nhận thấy người châu Âu thường nghĩ rằng chỉ cần đẩy được Poutine đi để cho mọi sự tốt hơn lên, trong khi, theo bà, ông ấy chỉ là một thứ phản ánh của nhân dân Nga. “Tôi muốn chỉ ra những gì đang sôi sục trong cái nồi Nga”, cuối cùng nhà văn nữ, hiện vẫn sống tại Minsk, nói. Trước khi tự hỏi: “Tôi biết tôi phải làm gì, nhưng liệu việc đó có khiến độc giả Pháp quan tâm?”. Không chút nghi ngờ. Kết thúc của con người đỏ là một nấm mồ văn học cho những công dân của một đế chế đã biến mất chỉ trong ba ngày, cũng nhanh như nước Nga Sa hoàng đã trở thành Liên bang Xô viết hồi năm 1917. Nhưng trước hết, đó là một tượng đài tưởng nhớ tất cả những con người, một ngày nọ, trong Lịch sử, đã thấy mình bị lạc trong thời đại của mình. Cuộc lưu đày bên trong ấy chỉ có thể được nói lên, ở ngôi thứ nhất, từ tâm hồn đến tâm hồn.
Niềm tin và vỡ mộng. Phê bình và trích đoạn
Bà ấy chỉ thoáng hiện qua các trang. Svetlana Alexievitch tự coi mình là “một đồng phạm”. Có điều đó: kín đáo, ta nhận ra sự cương trực của nhà văn Biélorussie khi bà thu nhặt lời những người đã tham gia vào tấn bi kịch xã hội chủ nghĩa, người thì bị rèn ở trại tập trung, người thì do chịu tuyên truyền, khi không phải là niềm tin và vỡ mộng trộn lẫn trong chỉ một số phận.
Những lời chứng nối tiếp nhau và, mỗi lần, một tiếng nói duy nhất cất lên, một câu chuyện riêng của thiên sử thi tập thể là Liên bang xô viết. Ở cấp độ cá nhân, không có một khối. Với người lính, với người bị đi đày ngày trước, với cô bé thiếu niên tiền phong may mắn, với những người “bình thường”, Svetlana Alexievitch đặt những câu hỏi, không phải về chủ nghĩa xã hội, mà về tình yêu, ghen tuông, tuổi thơ, các cuộc khiêu vũ, những kiểu cắt tóc, “hàng nghìn chi tiết ấy của một cuộc sống đã biến mất”.
Bà đã đi nghe những cuộc trao đổi ở Hồng trường, nơi người ta đem bán những chiếc huân chương và dải băng đeo ngực của Hồng quân lấy mấy xu; bà đã hóng tai trong các nhà bếp nơi, trước 1991, người ta tái tạo thế giới, để nhặt lấy những điều người ta nói khi niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn đã biến mất. Và nếu không có câu chuyện nào giống câu chuyện nào, ta nhận ra, trong những tiếng dội lại và những ánh xạ do nhà văn xếp đặt, những rung động thương đau, tiếng đập của những cuộc đời bị nghiền nát hay được xây dựng lại, những cơ hội và những bạo tàn của một trật tự xã hội mới.
Chủ nghĩa xã hội, ấy còn là dấu ấn của một chủ nghĩa lý tưởng nhất định, là tinh thần hy sinh, là cái lỗ hổng toác hoác của các cuộc chiến tranh và những vụ đi đày – môt chu kỳ hy vọng bị đánh mất và tìm lại được, một mạng lưới những bi kịch và bình an thường nhật, mà sự sụp đổ của đế chế đã chấm dứt, ướp xác trong các ký ức. Cái đó đáng được ghi lại trong một cuốn sách. Và ta đã có.
Trích
“Igor Poglazov, học sinh trung học năm thứ ba, 14 tuổi.
“Đấy là một thời thực sự top! Tôi phân phát truyền đơn trong tàu điện ngầm … Mọi người đều mơ ước một cuộc sống mới … Người ta mơ các cửa hàng lại chất đầy xúc xích với giá xô viết, và các ủy viên Bộ Chính trị sẽ xếp hàng như mọi người để mua … Ở chỗ chúng tôi, xúc xích là là món quy chiếu tuyệt đối […] Tôi khốn khổ vì bố mẹ tôi, người ta nói thẳng vào mặt họ: các người là lũ Xô viết thảm hại, cuộc đời của các vị đi tong vì chẳng ra gì cả, mọi sự đều do lỗi của các vị kể từ thời chiếc thuyền của ông Noé, và bây giờ chẳng ai cần đến các vị. Dành dụm suốt đời và cuối cùng, chẳng còn gì hết … Tất cả những cái đó đã đánh gục họ, phá nát vũ trụ của họ, họ không gượng lại nổi, họ không qua được khúc cua này. Cậu em tôi đi rửa xe sau giờ học, cậu ta bán kẹo cao su và đủ thứ lăng nhăng khác trong tàu điện ngầm và cậu thu được nhiều tiền hơn bố tôi. Ông ấy, ngày trước là một nhà bác học. Ông là tiến sĩ khoa học. Giới tinh hoa xô viết! Khi xúc xích xuất hiện ở các cửa hàng tư nhân, mọi người đổ xô đến mua. Và người ta đã biết giá! Chủ nghĩa tư bản đã đi vào cuộc sống của chúng tôi như thế đấy.”
Kết thúc của con người đỏ, trang 193-194.