Người viết bộ “Bách khoa về con người Xô viết”

(Báo Le Figaro Văn học phỏng vấn Svetlana Alexievitch)

Bruno Corty, Le Figaro littéraire 8-10-2015

Nguyên Ngọc dịch

clip_image002

Từ năm 2013, Svetlana Alexievitch đã nhận được tất cả các vinh dự. Sau giải thưởng văn học ở Đức, giải Médicis về tiểu luận ở Pháp cho tác phẩm Kết thúc con người đỏ, được tập san Lire bầu là “cuốn sách hay nhất trong năm”, ngày 8 tháng 10 năm nay nhà tiểu thuyết Biéloroussie đã được tôn vinh bằng giải Nobel văn học.

Song, điều quan trọng đối với người phụ nữ kín đáo này, là bà đã hoàn thành được cái mà bà gọi là “bộ bách khoa về thời kỳ xô viết”. Một công trình tổng thế bắt đầu từ năm 1985 và nhằm cố tìm hiểu nguồn gốc của cái ác bằng cách hỏi chuyện những người đàn ông và đàn bà mà các nhà lịch sử chẳng bao giờ cho họ được lên tiếng.

Báo Figaro văn học (F.L.). – Dù bà nói rằng đối tượng đi tìm của bà là lịch sử của các cảm xúc chứ không phải chiến tranh, nhưng trong tác phẩm của bà ở đâu cũng thấy chiến tranh …

Svetlana Alexievitch (S.A).- Người ta chỉ nói điều đó trong gia đình. Ông ngoại tôi chết trận và bà ngoại tôi bị bọn Đức giết. Cứ bốn người Biélorussie thì có một người bị giết trong cuộc chiến, và phong trào kháng chiến rất mạnh. Sau chiến tranh, người ta sợ đi vào rừng, ở đấy toàn mìn. Ở đâu cũng thấy những người thương tật đi ăn xin, vì họ không có trợ cấp. Họ lê lết cho đến những năm 1960, rồi tất cả đều chết. Từ rất sớm, tôi đã quan tâm đến những người không được Lịch sử ngó tới.

Những con người ấy dịch chuyển trong bóng tối không để lại dấu vết và không ai hỏi họ chút gì cả. Cha tôi, bà nội tôi đã kể cho tôi những chuyện còn ngao ngán hơn những chuyện tôi ghi lại trong sách của mình. Đấy là cú sốc thời tuổi thơ của tôi và trí tưởng tượng của tôi còn mang dấu ấn suốt đời.

FL.- Năm cuốn sách trong ba mươi năm, hàng nghìn lời chứng được tập họp, những vụ bị công kích nhằm vào cá nhân, một vụ phải ra tòa: làm sao bà đã có thể hoàn tất được công trình độc nhất vô nhị này?

S.A.- Tôi vẫn thường nghĩ tôi sẽ không bao giờ đủ sức để làm cho được công việc này. Tôi nhớ một lần hỏi chuyện một người phụ nữ đã phải ở trong trại cải tạo của Staline suốt 15 năm và mặc tất cả bà ấy vẫn tiếp tục tán dương ông ta đến tận mây xanh. Tôi đã có thể khóc vì chuyện đó. Tôi nhớ đã nhìn thấy những người trẻ tuổi làm việc ở nhà máy hạt nhân Tchernobyl sau tai họa mà không có bảo vệ đặc biệt nào cả. Tôi nhớ những bệnh viện Afganistan nơi tôi tận mắt chứng kiến những tội ác tồi tệ mà những người lính của chúng ta đã phạm phải. Tôi đã bị ngất đi nhiều lần. Tôi không phải là một người anh hùng. Tất cả những tiếng nói ấy đeo đuổi tôi, ám ảnh tôi. Tôi đã phải mất nhiều năm để xây được công trình này. Có thể tôi đã sai lầm khi lao vào cuộc phiêu lưu này? Hôm nay, tôi thấy mình được giải phóng.

F.L.- Công việc của bà không phải là lịch sử cũng không thuộc báo chí. Bà định nghĩa nó như thế nào?

S.A.- Ở nước chúng tôi, người ta nói đến “tiểu thuyết bằng tiếng nói”, một thể loại văn học tôi học được từ Ales Adamovitch. Ông ấy đã chỉ cho tôi con đường kết nối cái nội tâm với sự thật. Không phải là báo chí. Tôi thấy tôi bị mắc kẹt trong cái nghề đó. Những chủ đề tôi muốn viết, như bí ẩn của tâm hồn con người, cái ác, không khiến các báo quan tâm, còn tôi, thông tin làm tôi chán.

F.L. Hầu như bà không hề xuất hiện trong các cuốn sách của bà, nhưng bà lại tự nói bà là “tòng phạm”…

S.A. Mọi chế độ toàn trị đều nắm chặt lấy người dân. Nếu có một mắc xích yếu, tất cả sẽ bị bứt tung, mọi người đều là con tin của hệ thống. Tôi đã là đoàn viên thanh niên cộng sản như mọi người. Là sinh viên, tôi cho rằng cần thiết lập một chủ nghĩa xã hội có khuôn mặt người. Nhưng không ai chờ đợi sự thể diễn ra tiếp sau đó, cả Gorbachev lẫn nhưng người khác. Chúng tôi ngồi trong các nhà bếp của chúng tôi mà tưởng tượng ra các kế hoạch, chúng tôi thật ngây thơ. Rất nhanh chóng, ở ngoài đường, bao quanh chúng tôi là bọn cướp, chúng tịch thu sạch của cải của chúng tôi.

F.L. Tin tưởng ở những ngày tốt đẹp hơn sau thời kỳ Staline kinh hoàng, là một phản ứng tự nhiên, có phải thế không?

S.A. Lịch sử Nga là một truyền thống đau khổ dài. Con người bị nhiễm cái sự tình thế không bình thường đó. Có một thứ chủ nghĩa định mệnh, nhất là ở Biélorussie. Chẳng hạn tai họa Tchernobyl, không đưa tới việc sáng lập một tổ chức bảo vệ nạn nhân nào hết, cũng như không hề có chuyện đó thời Afganistan. Trong tất cả các gia đình tôi đã gặp, đều có những nạn nhân của chủ nghĩa Staline, tuy nhiên các phản ứng cứ chập chờn giữa việc thú nhận những đau khổ không thể tưởng tượng và (nhận rằng) có những tâm thế nô lệ. Bạn có nhớ người đàn ông đã trải qua nhiều năm ở trại cải tạo, và khi trở về lại làm việc cùng một phòng với chính kẻ đã tố giác mình. Cả hai đều biết chuyện, nhưng nạn nhân không nói gì cả. Tôi đã hiểu ra rằng đau khổ không đưa con người hướng vọng đến tự do. Đấy là tư tưởng trung tâm của cuốn sách.

F.L. Kết thúc của con người đỏ giống như một chuỗi những ghê rợn bất tận…

S.A. Ở nước chúng tôi, đời sống của con người không có chút giá trị nào hết. Những năm 1990 và thời Đế chế sụp đổ là những năm thanh toán oán thù, thời của các quái vật. Cũng giống như thời Staline. Điều tôi hiểu ra khi viết cuốn sách này là không có cái ác thuần túy hóa học, với những loại hạng cá nhân liên quan, mà cái ấy hòa tan trong toàn xã hội.

F.L. Bà thường đặt ngang hàng sự ghê rợn của chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa quốc xã …

S.A. Bố tôi là sinh viên báo chí ở Minsk trước chiến tranh. Chiến tranh bùng nổ khi ông vào năm học thứ hai. Ông đòi ra trận. Khi ông xin phép vị giáo sư của ông đi nhập ngũ, vị giáo sư này đã trả lời: “Cuộc chiến tranh này, là một chủ nghĩa phát xít đánh nhau với một chủ nghĩa phát xít khác. Nhưng chúng ta sẽ thắng, vì binh sĩ của chúng ta không khó tính.” Bố tôi đã rất nghiêm túc tự hỏi ông có nên tố giác vị giáo sư đó không, nhưng ông đã không dứt khoát được trước lên đường (ra mặt trận). Kể lại cho tôi chuyện này, ông bảo: “Con không thể hình dung được họ đã biến chúng ta thành thứ gì đâu.”

F.L. Bà có nghĩ Poutine là người có thể đem lại sự vĩ đại cho nước Nga?

S. A. Người ta nhìn thấy ở ông ấy một khuôn mặt thể hiện sự vĩ đại đã mất của chúng tôi. Những người trẻ thích sống trong một nước lớn. Khi ông ấy muốn bám lấy quyền lực, ông ấy hứa sẽ buộc những người giàu phải trả tiền, rồi một khi đã được bầu, ông ấy vội quên ngay các lời hứa. Ông ấy đã thành công trong một công cuộc nhồi sọ to lớn nhằm đánh lạc sự quan tâm và việc [ông ấy] dùng bạo lực với nhưng người đồng tính và với nhóm Pussy Riot. Trông ông ấy trên ảnh, quần lao động, bán thân đánh trần, một khẩu súng cầm tay, biếm họa của ông ấy là thế đấy. Hãy vào các mạng xã hội dân sự và bạn sẽ thấy người ta không bị bịp đâu! Bất chấp tất cả, bất chấp của cải bị đánh cắp, tư bản thất thoát, người Nga là những người theo thuyết định mệnh, họ bảo rằng họ đã quen, rằng họ chưa từng được biết những nhà chính trị lương thiện một khi đã cầm quyền.

F.L. Bà có hình dung ngày mai sẽ viết một tác phẩm thuần túy tưởng tượng?

V.A. Không ai hỏi một nhà văn xuôi có viết được một cuốn tiểu thuyết bằng thơ không! “Tiểu thuyết bằng những tiếng nói”, đấy là thế loại tôi đã chọn và tôi sẽ tiếp tục trong sự nghiệp của mình. Chủ đề không thiếu, cái ác đội lốt bao nhiêu là hình thức! Kể từ Dostoïevski, không ai nói được hay hơn về vấn đề này. Tất cả các cuộc chiến tranh ấy, từ sau khi Đế chế sụp đổ, không ai có thể cắt nghĩa sự cần thiết của chúng. Dostoïevski nói rằng suốt đời ông, ông đi tìm chất người ở trong con người. Chalamov trả lời ông ấy rằng chỉ cần vài ngay ở trong trại cải tạo, chất người đã tan biến sạch.

Comments are closed.