(Phác thảo về thơ Lê Văn Ngăn)
Lê Hồ Quang
Đọc thơ Lê Văn Ngăn, tôi thường bị ám ảnh bởi câu hỏi đó.
Thơ ông rất đậm tính văn xuôi: không (hoặc rất ít) vần, câu chữ nối tiếp nhau tràn trên trang giấy. Có tình huống truyện. Ngôn ngữ đậm đà tính tự sự, nhiều yếu tố kể, tả, phân tích, lập luận… Câu thơ thường dài, có đủ các thành phần cú pháp thông thường, rất gần với lời nói hàng ngày.
Nhưng với tôi, đấy là Thơ.
Là thơ, trước hết bởi sự hài hòa giữa nhịp điệu nội tâm và nhịp điệu thơ. Thơ Lê Văn Ngăn thường không vần. Nhạc tính trong thơ ông được tạo ra bởi một một thứ nhịp điệu nội tại tiềm tàng sau câu chữ, hình ảnh. Nói cách khác, hình thức ấy gắn liền với nội dung ấy. Nếu tùy tiện thay đổi hình thức bài thơ, nó sẽ không còn là chính nó nữa.
Hãy thử so sánh hai văn bản này:
Từ biệt
Trái tim tôi đã đầy ắp những nỗi lo lắng về đồng tiền
Dù em rất đáng yêu nhưng tôi không thể nói yêu em
Tôi sợ cuộc sống chung dưới mái nhà thiếu thốn
Tình yêu sẽ biến thành thảm kịch
Bông hoa và giấc mộng vàng sẽ biến thành lời cãi vã
Chúng ta nên dừng lại ở buổi chiều đi bên nhau lần cuối cùng này
Dư âm ngày vui qua chưa đến giờ tàn úa
Nếu chúng ta bước thêm một bước ra khỏi lằn ranh
Có thể hạnh phúc và tuyệt vọng sẽ mở ra
cùng một lần
Chúng ta nên dừng lại bên ly cà phê cuối cùng này
Đằng xa, một cảnh đời dịu dàng như mắt em
đang đợi chờ em còn tôi
Sẽ những đêm khuya một mình và nhớ lại
Sửa lại:
Từ biệt
Trái tim tôi đã đầy ắp những nỗi lo lắng về đồng tiền. Dù em rất đáng yêu nhưng tôi không thể nói yêu em. Tôi sợ cuộc sống chung dưới mái nhà thiếu thốn. Tình yêu sẽ biến thành thảm kịch. Bông hoa và giấc mộng vàng sẽ biến thành lời cãi vã. Chúng ta nên dừng lại ở buổi chiều đi bên nhau lần cuối cùng này. Dư âm ngày vui qua chưa đến giờ tàn úa. Nếu chúng ta bước thêm một bước ra khỏi lằn ranh. Có thể hạnh phúc và tuyệt vọng sẽ mở ra cùng một lần. Chúng ta nên dừng lại bên ly cà phê cuối cùng này. Đằng xa, một cảnh đời dịu dàng như mắt em đang đợi chờ em. Còn tôi sẽ những đêm khuya một mình và nhớ lại.
Quả thực, nếu thay đổi văn bản theo kiểu này thì đúng là ta đang “từ biệt”… thơ (!) Những khoảng trống, khoảng trắng trong bài thơ có tác dụng tạo nên độ lơi trong câu chữ, nhịp điệu, mở ra những khoảng không cần thiết cho xúc cảm. Sự ngắt nhịp chậm rãi, dòng thơ dài ngắn không đều, ngôn từ, hình ảnh hết sức bình dị song dường như đã rất được “tôi” cân nhắc, chọn lọc… Tất cả tạo nên một giọng điệu kìm nén, bồn chồn, có khả năng cung cấp thông tin nhiều hơn mọi hiển ngôn trên bề mặt văn bản cộng lại, điều mà bản sửa – một “bức thư tình” tầm thường – không thể có được. Ở đây, nhạc tính không dựa vào vần mà dựa vào nhịp điệu tâm hồn.
Từ ví dụ trên đây, ta cũng có thể nói đến tính chặt chẽ trong cấu trúc thơ Lê Văn Ngăn. Thơ ông thường được tổ chức theo hình thức luận đề, với trình tự dễ nhận thấy: đặt vấn đề – giải thích nguyên nhân – cách giải quyết. Tương ứng với kiểu kết cấu này là sự gia tăng các hình thức kể, tả, phân tích, lập luận… và các yếu tố kết nối tạo nên logic diễn đạt. Tất cả nhằm hướng tới mục đích trình bày nhận thức – tư tưởng trực tiếp. Hiệu quả của nó là vẻ chặt chẽ của cấu trúc văn bản và độ tập trung của những triết lý, khái quát. Song hệ quả kéo theo là sự giản lược trong hình tượng và tính tĩnh tại, “khép kín” trong tiếp nhận của người đọc (do bị “quy định” bởi áp lực của kiểu cấu trúc luận đề). Điều cần nói thêm là, dù sử dụng phổ biến kiểu cấu trúc luận đề song ở thơ Lê Văn Ngăn, cái để lại ấn tượng cho độc giả chưa hẳn là độ sâu của những khái quát, triết lý mà là cái thái độ triết lý thể hiện trong đó. Một thái độ nhận thức, triết lý mang tính chiêm nghiệm và bao giờ cũng thật là từ tốn, chân thành. Cho nên dù có khi nhà thơ hơi “cao giọng” (thường là ở phần kết, như một nốt nhấn “cao trào”, mà có người từng nhận xét là hơi “sân khấu”) thì tôi vẫn thấy điểm thuyết phục của nó – sự chân thành. Mà thực ra, những nốt nhấn này đã có sự chuẩn bị và chuyển tiếp từ các bước trước đó, nó là một thành tố trong chỉnh thể tác phẩm, là kết quả cuối cùng (và như là tất yếu) của một quá trình nhận thức và xúc cảm.
Cũng từ Từ biệt và nhiều bài thơ khác của Lê Văn Ngăn, thêm một câu hỏi đặt ra là vì sao sử dụng chất liệu đời thường đậm đặc, hết sức quen thuộc, đơn giản, song thơ Lê Văn Ngăn không sa vào tầm thường. Vẫn có cái gì đó như ánh sáng bên trong gột rửa những yếu tố vụn vặt, hàng ngày để làm sáng lên cái lõi tinh chất tươi ròng ẩn sâu trong đó. Không ngẫu nhiên mà nhà thơ thường nói đến ánh sáng, thứ ánh sáng của đời sống hàng ngày nhiều lo toan và lam lũ, đậm chát vị đời chứ không phải thứ ánh sáng cao siêu thoát tục nào. Đó là ánh sáng của “vài khóm hoa nở sáng tươi dưới ánh đèn đường”, là “những khuôn mặt ngái ngủ dưới ngọn đèn khuya”, “quán cơm bình dân bên kia đường đìu hiu ngọn lửa”,… Nhưng xa hơn, đó còn là “quầng sáng ở cuối đường/ Nơi ấy/ viễn cảnh công bằng không ngừng xôn xao vọng lên lời hy vọng”. Ấy là biểu tượng ký thác niềm tin, tình yêu của nhà thơ với cuộc đời, với những con người cần lao lặng lẽ “tạo ra sự sống”; “một tình yêu bền bỉ hơn tình yêu đôi lứa dễ phai tàn”, vượt qua mọi biến thiên, thăng trầm lịch sử, những “bất hạnh”, “tỵ hiềm”, “ngụy tín”, “hận thù”. Khả năng nhìn thấy cái đẹp trong cuộc sống lầm lụi đời thường, lòng biết ơn chân thành những giá trị sáng tạo lương thiện của người cần lao, sự kết hợp giữa ý niệm cái Thiện và cái Đẹp…, đấy chính là thái độ tinh thần của Lê Văn Ngăn với thơ, với cuộc sống: Chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp trong cảnh đời sáng tươi/ Còn những kẻ biển lận/ chỉ nhìn thấy vẻ đẹp trong đồng tiền bẩn (Những cánh hoa màu trắng). Chính thái độ tinh thần này đã đem lại sắc thái thẩm mĩ riêng của thơ Lê Văn Ngăn. Nó đóng vai trò nền tảng liên kết mọi yếu tố riêng lẻ, rời rạc thành một chỉnh thể. Dù viết về đề tài, chủ đề gì, mạch thơ ông thường kết nối, rất mạnh mẽ và tự nhiên, với niềm tin, niềm hy vọng về một “khuôn mặt cuộc đời quang đãng” được kiến tạo bởi con người lao động lương thiện.
Hình ảnh và liên tưởng – đó cũng là những yếu tố đáng chú ý trong thơ Lê Văn Ngăn. Thoạt nhìn, ấy là những chi tiết, hình ảnh bình thường, thậm chí là quá đỗi bình thường, như mọi lời lẽ mà ta vẫn thường trò chuyện hằng ngày cùng người xung quanh:
Có lẽ chúng ta sẽ nói về chuyện mái nhà
cuộc sống hàng ngày và con cái
chẳng hạn, đứa bé lên cơn sốt giữa đêm khuya
nhiệt kế lấp lánh màu sợ hãi
ngày gió bấc sắp về
chiếc khăn len cần mua sắm…
(Tình muộn)
Những hình ảnh ấy, nếu đứng riêng lẻ, tự thân chúng không nói lên điều gì đáng kể. Nhưng trong thơ Lê Văn Ngăn, chúng thường được đặt trong một trường liên tưởng mà đầu này là phần hiện thực đời sống lam lũ, lấp láp và đầu kia là những phẩm chất tinh thần cao quý. Sự liên hệ ấy không khiên cưỡng mà rất tự nhiên. Nó xuất phát từ một nhân sinh quan sâu sắc, giản dị, kết đọng nhiều bao dung và trải nghiệm: Có phải trong những chuyện bình thường này/ vẫn thấp thoáng một điều gì gần như vẻ đẹp/ gần như nước mắt lẫn nụ cười… Cũng bởi vậy mà khi đặt trong tổng thể, hình ảnh thơ ông thường có khả năng gợi ra những mối liên hệ và rung cảm sâu xa hơn chính nó. Đó là những hình ảnh luôn có khả năng đánh thức sự suy tư. Chẳng thế mà trong Không phải như thế, ông viết rất hay về ly cà phê hồi tưởng:
Luôn luôn, em biết chế biến mọi chất đắng có thêm vị ngọt
để pha loãng nỗi phiền muộn trong tâm hồn người
để làm dịu những vết thương trong tâm hồn người
Và mạch liên tưởng ấy chuyển động, giản dị đến bất thường:
Ngỡ như vừa mới hôm qua
em còn cúi xuống thay chiếc áo gối đã nhàu
cười đùa với vài ý nghĩ chợt đến
Phải,
Em muốn chỗ nằm cũng phải sạch như cuộc sống những người lương thiện
Có phải vậy không
hỡi người em thân yêu đang nằm lặng yên trong lòng đất
Chính những liên hệ này – vừa phóng khoáng, tự nhiên vừa rất “chụm” (theo mạch nghĩ của tác giả) – đã tạo nên sắc thái tượng trưng trong nhiều sáng tác của Lê Văn Ngăn. Từ Vào một thời im bóng (1974) đến Viết dưới bóng quê nhà (2008), cái bóng tượng trưng ấy đã phủ lên thơ ông một sắc thái mơ màng, ân cần, trầm lặng. Em hay Quy Nhơn, trong Sóng vẫn đập vào eo biển, chính là một biểu tượng vừa cụ thể, cảm tính, vừa xiết bao gợi cảm và bí ẩn:
Dù em chỉ hiện ra bằng một dấu hiệu, ngọn đèn xanh cánh cờ đo chiều gió
dù nắng rực rỡ trên các đỉnh đồi
dù mây tháng mười, không ngừng nghỉ, bay về một nơi nào khác
dù trên cao tôi nhìn thấy em
bình lặng
bày ra từng con đường, từng động mạch, những mái nhà rêu cũ, những chiếc áo cánh trên sợi dây phơi
Chính vì vậy, những khẳng định ở phần kết tác phẩm có thêm sức nặng:
Quê hương chẳng phải là điều trừu tượng
điều ấy tôi giữ bên lòng
Và đi xa em. Sóng vẫn đập vào eo biển
Tính tượng trưng này còn được tạo nên bởi “cấu trúc song song” phổ biến trong thơ Lê Văn Ngăn (chỉ cần bằng thao tác quan sát sẽ thấy biện pháp điệp từ ngữ/ hình ảnh/ cú pháp… được nhà thơ sử dụng rất thường xuyên). Nó cũng hình thành từ những khoảng trống, khoảng trắng đặc thù trong tổ chức ngôn từ, hình ảnh. Và qua những tương quan tương phản, đối lập… Dẫu vậy, tính tượng trưng này có lẽ là kết quả của cái nhìn đời sống trong chiều sâu khái quát, kết đọng từ những va đập, trải nghiệm và trầm tư cá nhân, hơn là thành quả của việc áp dụng những lý thuyết sáng tác hiện đại.
Thơ Lê Văn Ngăn cho thấy chân dung một cái tôi nhạy cảm, giàu suy tư, lặng lẽ kiếm tìm cái đẹp trong đời sống cần lao, những sự thật lịch sử, đời sống và thi ca ngay trong cuộc sống lam lũ hàng ngày với những mảnh đời riêng bất hạnh. Xuyên suốt thơ ông là những đau đáu trở trăn về vận mệnh dân tộc, quê hương và khát khao vẽ bằng thơ gương mặt lương thiện của con người. Đấy là cái tôi thường “thầm hỏi”, “thầm nhủ”, “thầm gọi”, “tự nhủ thầm”, “thầm gởi lời mong”, “vẫn tự kìm lòng”, và lặng lẽ “chợt nhớ”, “chợt nhận ra”… Nỗ lực nhận thức đời sống trong vẻ đa dạng và chiều sâu của nó khiến nhà thơ thường tìm đến với hình thức giãi bày, triết lý trực tiếp. Ở phía thành công, kết hợp với ngôn từ và giọng điệu, thơ Lê Văn Ngăn luôn neo đậu lại trong lòng người những ngẫm nghĩ về nhân sinh thế sự thấm thía.
Song điều này cũng có tính hai mặt. Một khi xem giao tiếp trực tiếp như một nguyên tắc sáng tạo phổ quát, rất dễ kéo theo tình trạng lộ ý, rườm lời. Điều này khá rõ trong sự xuất hiện hơi dày các định ngữ mòn sáo (mối tình lớn lao, quê hương yêu dấu, những chất liệu khổ đau và vinh quang…) hoặc lối diễn đạt thuần ý khô khan (chẳng hạn Bao nhiêu năm, tôi đã nghe theo tiếng nói dịu dàng và cương nghị ấy/ để bước đến gần những người lương thiện/ để quay lưng trước tư lợi, nguồn gốc của mọi điều tội lỗi…). Bên cạnh đó, sự xuất hiện áp đảo của hình thức luận đề trực tiếp cũng dễ đem lại cảm giác đơn điệu và khiến ý nghĩa hình tượng bị thu hẹp. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn xem điều này như là một đặc điểm hơn là nhược điểm: từ một góc độ nhất định, thói quen trình bày, diễn đạt ấy cũng góp phần tạo nên vẻ trầm tư riêng của gương mặt thơ Lê Văn Ngăn.
Tôi đã thử tìm lý do giải thích vì sao giữa rất nhiều tác giả, một gương mặt lặng lẽ và khiêm nhường như Lê Văn Ngăn lại gây chú ý (với cả những đánh giá đôi khi khá trái ngược). Phải chăng, chất thơ trong sáng tác của ông nằm ở sự giản dị và khiêm nhường ấy? Khao khát đi tìm cái đẹp giữa đời thường, trong những số phận con người cần lao mà đời ông là một phần tham dự khiến thơ ông tỏa ra một cái gì như là chất sống dung dị mà cao quý của cõi người. Cả cái nỗ lực đi tìm thơ – trong tất cả ý nghĩa của nó, không nệ vào những vướng víu kỹ thuật, cốt để có thể diễn đạt được tâm tư của con người và thời đại mà ông có mặt một cách giản dị, trực diện. Chính nhu cầu nội tâm mạnh mẽ và bức bách này đã thúc đẩy ông tìm đến với hình thức thơ tự do và thơ văn xuôi chứ chưa hẳn vì mục đích cách tân hình thức. Và đây hẳn là yếu tố quan trọng khiến thơ ông có khả năng “làm tổ” trong lòng người đọc với nhiều rung động, dẫu các ý kiến đánh giá về ông không hoàn toàn đồng thuận.
Nhưng điều đó thì có sao? Bản thân thơ là một khái niệm mở, nó bị quy định và biến đổi theo trình độ nghệ thuật, vốn văn hóa, sự trải nghiệm và cả những thị hiếu cá nhân người/ cộng đồng/ thời đại… định nghĩa. Nói một cách hình ảnh hơn thì thơ giống như con xúc xắc nhiều mặt, tùy vào góc độ người tiếp cận mà con xúc-xắc-thơ lại hé lộ một diện mạo mới, nhiều khi rất khác biệt. Song nói như thế cũng chưa đầy đủ. Sự thực là khi sáng tạo, mỗi nhà thơ lại tự mình mở thêm những cánh cửa định nghĩa về thơ, vượt ra ngoài khung khái niệm cứng nhắc của cái-gọi-là-thơ. Và như thế, thơ được tự do xây dựng theo những khuôn khổ mới do nhà thơ ấn định. Chính từ tác phẩm, chứ không phải gì khác, thơ mới cất lên tiếng nói về sự tồn tại đích thực của chính nó. (Tất nhiên, còn cần tính đến sự tương thích của độc giả trong tiếp nhận. Trong nhiều trường hợp, với người này thì có thể là thơ, thậm chí là tuyệt tác, song với người khác, chỉ là đất bụi, rác rưởi, v.v.)
Trên thực tế, tác phẩm của Lê Văn Ngăn, không nệ cũ/ mới, truyền thống/ tân kỳ, quá khứ/ hiện tại, thơ/ phi thơ…, nó vượt qua những cách ngăn giới hạn của định nghĩa, để tự tỏ bày thắm thiết trong tiếng lòng một con người “chưa bao giờ lớn tiếng”.
Vinh, 29/11/2014