Nghĩ về một thái độ tranh luận

Trần Văn Chánh

 

Trong sinh hoạt học thuật-tư tưởng, tranh luận dưới hình thức phản biện giúp làm sáng tỏ các lẽ phải trái, hoặc sự kiện đúng sai, từ đó các bên tham gia và những người quan sát bên ngoài có thể điều chỉnh lại nhận thức ban đầu của mình cho những vấn đề đang được xem xét, và một khi vấn đề đã trở nên ngã ngũ với kết luận rõ ràng thì kết luận đó cuối cùng sẽ được cả học giới và toàn xã hội công nhận, biến thành nhận thức chung/ chuẩn và có thể đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học tập.

Tuy nhiên, trên thực tế, có những vấn đề tranh luận không bao giờ đạt được sự ngã ngũ, mà chỉ dừng lại ở các giả thuyết, vì không đủ cơ sở tài liệu để khẳng định một cách chắc chắn, như trong trường hợp tranh luận nhau về văn bản gốc của hàng trăm câu thơ truyện Kiều, về vấn đề ai là diễn giả bản Nôm Chinh phụ ngâm khúc (Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích?), về không ít chi tiết liên quan đến cuộc đời và tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ 18, đầu thể kỷ 19), chẳng hạn. Ở bộ môn lịch sử, cũng lắm vấn đề tương tự như vậy được đặt ra mà vẫn chưa thể đi đến kết cục, nên hễ ai dẫn chứng sự kiện đầy đủ và đưa ra được lý lẽ có tính thuyết phục hơn thì sẽ được nhiều người tin theo và ủng hộ hơn. Có thể nói, về tâm lý, mặc dù khá nhiều trường hợp người tham gia tranh luận trước sau vẫn bảo lưu ý kiến của mình, nhưng trong học thuật, nếu không có tranh luận thì hoạt động học thuật cũng trở nên tẻ nhạt, đó là lý do khiến thể loại văn tranh luận đăng trên các báo, tạp chí và các mạng xã hội luôn hấp dẫn, gây được sự quan tâm theo dõi của nhiều người, và cuốn hút thêm sự tham gia tranh luận của những người khác.

Phạm vi các đề tài tranh luận thì hết sức rộng rãi, đa dạng. Có thể nói, chuyện gì cũng tranh luận hay phản biện được tất. Trên đây chỉ nói vấn đề thuần túy học thuật thì có phần đơn giản, vì ranh giới đúng sai tương đối rõ ràng, dễ phân biệt. Đến như những cuộc tranh luận về tư tưởng, hoặc chỉ về văn học, sử học, nghệ thuật mà có kèm thêm vấn đề quan điểm-lập trường để từ đó đánh giá thế nọ thế kia, thì vấn đề đã tỏ ra phức tạp hơn nhiều.

Ở Việt Nam những năm gần đây, do xã hội, thời đại và thực tế cuộc sống biến chuyển rất nhanh, nên dù muốn hay không muốn, ai cũng phải thừa nhận như một lẽ hoàn toàn tự nhiên, là vẫn tồn tại những quan điểm-lập trường hay nhận thức còn chênh lệch, chưa đồng đều thống nhất nhau, hoặc thậm chí đối lập nhau hẳn cho những vấn đề khác nhau liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà riêng về phương diện văn hóa với nghĩa rộng bao gồm cả các bộ môn văn, sử, triết, tôn giáo thì sự đối lập ý kiến giữa một số nhóm thức giả có chủ trương khác nhau dường như đã bộc lộ ngày càng rõ nét. Kết quả là hai chữ “phản biện” xuất hiện từ lúc nào không rõ nhưng đã được dùng khá phổ biến, và tạm gác qua các mạng xã hội trên Internet, không ít tờ báo, tạp chí in trong nước hiện nay đã đặt ra loại chuyên mục với những tên gọi khác nhau như “diễn đàn” (hoặc “diễn đàn ý kiến”), “nghiên cứu-trao đổi”, “lý luận-phê bình” (hoặc “nghiên cứu-phê bình-trao đổi”)… để làm công việc phản biện chống lại những “ý kiến khác”. Trước hết, và nói chung, phải nhận đây là dấu hiệu tốt tiến bộ, vì có công khai tranh luận thì mới làm sáng tỏ được những vấn đề mà đất nước/ xã hội đang cần, qua đó gợi ý (nếu không muốn nói “hướng dẫn”) giúp độc giả tức dư luận quần chúng có được những đánh giá và chọn lựa sáng suốt hơn cho những vấn đề hữu quan.

Bản chất của phản biện vốn hàm nghĩa là biện luận bằng lý lẽ để chống. Nói cách khác, chống lại cái đã đưa ra, dù đó là giáo điều truyền thống hay một loại “ý kiến khác” chưa được số đông người chấp nhận. Tuy nhiên sự “chống” ở đây tất yếu phải có sự phân tích và viện dẫn đến lý lẽ phải chăng, không được giáo điều một chiều. Nói chung, kiến thức cũng như lý lẽ của người chống đưa ra phải đủ mạnh và có sức thuyết phục hơn so với người bị chống, đòi hỏi vừa sự tinh tường, vừa thái độ khiêm tốn của người phản biện để nói sao cho lọt tai người khác. Chủ yếu chỉ nên nhắm đến khía cạnh đúng sai trong nội dung đề tài tranh luận, chứ không phải lý lịch cá nhân của đối phương, và vì thế cũng phải đảm bảo tinh thần dân chủ bình đẳng khách quan, trong sự công tâm, trong sáng, chính đại quang minh, lấy chân lý làm tiêu chuẩn, không thể vì định kiến, sự thù ghét hoặc động lực cá nhân thấp hèn mà chửi bới lăng nhăng, sử dụng đến những biện pháp/ thủ thuật có tính chụp mũ đàn áp, nhất là chụp mũ chính trị để làm tiêu tan sự nghiệp người khác…

Trong thế giới văn minh hiện đại, việc làm nào, nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi phải có khía cạnh văn hóa-đạo đức kèm theo. Như chơi thể thao cần đến văn hóa thể thao, thì tranh luận, phản biện cũng cần thứ tương tự. Kinh doanh thực phẩm hay làm báo cũng vậy, phải có đạo đức kinh doanh, đạo đức báo chí… Cho nên khoan tính chuyện phải trái, đúng sai, nếu mượn lý do “nghiên cứu-trao đổi”, “phản biện”, chuyên dùng lời lẽ xấc láo thiếu văn hóa phê bình theo kiểu vùi dập, chụp mũ chính trị đối với những người có “ý kiến khác”, thì không thể gọi là phản biện lành mạnh. Trong trường hợp này, ý đồ phản biện giả định có tốt thật chăng nữa vẫn thường bị phản tác dụng, chẳng những không thuyết phục được đối phương mà còn dễ gây mất đoàn kết, gieo vào lòng người đọc nỗi nghi ngờ về động cơ thiếu trong sáng của những người phản biện.

Gần đây, rất tiếc thấy có hiện tượng tranh luận/ phản biện thiếu văn hóa xảy ra ở số ít tờ báo và tạp chí, nơi tập trung những “chuyên gia phản biện” gọi là “dư luận viên” để công kích một số đối tượng thuộc loại có ý kiến khác mà tất tần tật đều bị họ gán cho cái tội nếu không phản động chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử thì cũng có ý xấu này khác.

Cách phản biện của họ thường không nêu ra được sự kiện, lý lẽ hay ý kiến gì mới, mà chỉ dựa vào một số những bài bản lý luận cũ rích đã học được từ mấy mươi năm về trước. Đường lối phản biện chủ yếu là dùng lối chụp mũ chính trị, gán cho đối phương những tội không có thật và không có bằng chứng cụ thể, như nói vu vơ rằng có sự xúi giục của những yếu tố nước ngoài này khác, rồi dùng những từ ngữ đao to búa lớn, lời lẽ bêu riếu, mỉa mai, mạt sát, bôi bác, vu cáo, xúc phạm cá nhân, thậm chí còn moi cả việc đời tư của đối phương ra hỗ trợ tranh luận để hi vọng thủ thắng. Một đôi khi, ngoài những thủ pháp vừa kể, thay vì chỉ tranh luận học thuật để phân biệt đúng sai, chờ dư luận khách quan hoặc các giới hữu trách phán xét, họ còn không quên đề nghị lôi cả đối phương của mình ra để trừng trị về mặt tổ chức, như trường hợp luận văn thạc sĩ văn học của Nhã Thuyên về thơ “mở miệng” ở ĐHSP Hà Nội hai năm về trước!

Có quá nhiều thí dụ không tiện kể hết ra. Như có mấy nhà “luận chiến văn chương” chuyên nghiệp viết tiếp liền trên 5-7 số tuần báo, trong khi phản biện quá hung hăng đã dùng những cụm từ ngữ nặng nề như sau để tấn công đối phương là một nhà văn già nổi tiếng năm nay đã ở tuổi trên 80: “ma lanh láu cá”, “à uôm”, “một thâm ý được bộc lộ trắng phớ ra như thế”, “mị dân quá thể”, “cụ nhà văn đã tự nguyện làm miếng giẻ lau vết máu dưới gót giày quân xâm lược”, “xem xã hội Việt Nam là cái sọt rác”, “méo mó, khoác lác, lừa bịp, hồ đồ”, “một thứ lập luận lạ đời của một cái đầu mang nặng tư tưởng phản bội, vong ơn bội nghĩa, đố quốc tặc dân”, “với bầy đàn như thế kia, thử hỏi ông định thức tỉnh cái gì?”, “đã tự lột mặt nạ để lộ ra bộ mặt thật cơ hội, tráo trở của mình” …

Còn đối với một nhà văn khác trẻ hơn nhà văn già vừa nêu trên, chỉ vì mới phát biểu mấy câu đăng báo về đổi mới văn học, đã bị đưa ngay vào đầu bài phản biện kiểu chụp mũ: “Sau những ám chỉ, giấu mặt, giờ đây NHT đã lộ rõ chân tướng chính trị phản động, nhân cách thấp kém và những suy luận học thuật lươn lẹo đầu dơi mình chuột…” (Văn Nghệ TP. HCM, số 357, ngày 11.6.2015, tr. 14).

Ngược lại, ở những tác giả phản biện kiểu nêu trên, khi muốn ca tụng ai thì cứ bốc đối tượng mình ca tụng lên mây xanh, người thường họ cũng gọi bằng “thánh, “thánh nhân”… Dường như đối với họ không có thứ ngôn ngữ khoa học trung tính phản ánh đúng bản chất sự vật, mà chỉ sử dụng hai loại ngôn ngữ lưỡng cực hóa là mạt sát và tâng bốc.

Cách làm việc như trên rất có thể xuất phát từ động cơ thiện chí muốn mau mắn tích cực thực hiện các đường lối chủ trương chính thống của chế độ, nhưng vì “bảo hoàng hơn vua” và bị phản tác dụng nên thực chất là làm trái tinh thần nghị quyết, chủ trương rằng về mặt lý luận phải chấp nhận “đối thoại thẳng thắn với những người có quan điểm khác trên tinh thần khoa học, dân chủ, xây dựng, thuyết phục lẫn nhau” (trích Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030).

Ở đây, trong bối cảnh lịch sử phức tạp tế nhị hiện nay, chúng ta tạm không xét đến khía cạnh đúng sai giữa các bên có quan điểm dị biệt hoặc đối lập, cũng không chống hay bênh vực bất kỳ ai, mà chỉ xét đến khía cạnh thái độ văn hóa tranh luận/ phản biện với những biểu hiện chưa được lành mạnh của nó. Điều còn chút may mắn là hiện tượng thiếu lành mạnh này chỉ mới ở mức thiểu số trong hệ thống quy hoạch báo chí quốc gia, kiểu con sâu làm rầu nồi canh, nhưng nếu thiếu cảnh giác, để cho nó tăng trưởng dần dần lên thì sẽ nêu gương xấu về thói chửi rủa và mạt sát, điều tuyệt đối cần tránh vì rất nguy hại cho đầu óc thế hệ trẻ non nớt học sinh-sinh viên đang cần hấp thụ một nền văn hóa-giáo dục nhân bản lành mạnh.

30.6.2015

Nguồn: Bán nguyệt san Văn Hóa Phật Giáo, số 229 (15.7.2015)

Comments are closed.