Nhà văn Thuận Paris viết về Người Yêu Dấu

imageNgồi vào một góc vườn đẫm nước mưa, lọt giữa màu xanh của cây cỏ, hít đầy lồng ngực mùi lê chín, nhưng khoái cảm chỉ đến khi mắt chạm phải những dòng chữ của Người yêu dấu rồi để cả cái vũ trụ khốc liệt nghẹn ngào mê đắm ấy cuốn đi, không thể thở, không thể khóc, không thể quẫy đạp, ngay từ những trang đầu tiên tôi hiểu mình đã rơi vào tay một cây bút có nghề và quyết liệt, đang dồn sức làm một trận sống chết với hai đề tài ghê gớm là tình yêu và chiến tranh, khát khao và hủy diệt, mà nếu mỗi từ như được viết ra bằng tất cả tài năng thì mỗi câu như được chắt lọc từ toàn bộ trải nghiệm, để độc giả có thể cùng một lúc trở nên vừa nồng nhiệt vừa xa cách, vừa u buồn vừa tiếc nuối, vừa hoang mang vừa thư thái, vừa dại khờ vừa tinh khôn, mê man giữa các cung bậc cảm xúc mà chỉ những tinh thần thật lịch lãm mới có thể khơi gợi.

Viết về chiến tranh như thế nào? Viết về tình yêu như thế nào? Viết về tình yêu trong chiến tranh như thế nào? Viết như thế nào về những đề tài đã bị đồng nghiệp bốn phương khai thác cạn kiệt? Viết như thế nào về một cuộc chiến mà sau bốn thập kỷ, đến cái tên chung còn chưa được đồng thuận bởi cả hai bên? Viết như thế nào về một cuộc chiến mà mục đích của nó tới bây giờ vẫn bị phần còn lại của thế giới đánh giá ngược lại? Đó là những câu hỏi mà tôi tự đặt cho mình khi đọc tác phẩm mới nhất của Dạ Ngân và tôi đồ rằng chính chị cũng bị chúng ám ảnh trong suốt thời gian viết Người yêu dấu.

“Tháng tư thứ mười, 1975-1985, một thập niên trôi qua không bình yên”, Người yêu dấu đã bắt đầu bằng một câu ngắn gọn, thậm chí hụt hẫng so với những gì thường đọc thấy mỗi khi sự kiện tháng tư 1975 được nhắc tới, đâu rồi cái tên vang rền “đại thắng mùa xuân” bao giờ cũng được kèm thêm “thống nhất đất nước” và “Nam – Bắc một nhà”? Chưa hết ngỡ ngàng thì ngay câu sau, lại gặp cụm từ “cuộc chiến thứ ba” (hay “cuộc viễn chinh” sau đó mấy trang) để gọi chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi “sa lầy trận mạc” để nói về nhân vật Cang – một anh hùng quân đội. Cho đến câu hỏi tu từ tiếp theo đó của nhân vật bà mẹ: “Má chớ thèm biết cuộc chiến thứ mấy thứ mấy, chỉ thấy giết chóc giết chóc, có cái nghiệp gì cay nghiệt hơn cái nghiệp lính không?”, thì tinh thần phản chiến của tác giả đã rõ mồn một. Thách thức ngay từ khổ văn đầu tiên, phải chăng phản chiến chính là tinh thần xuyên suốt tác phẩm, để ở cuối truyện, trong lá thư để lại, nhân vật Cang đã viết như một lời trăng trối: “Cái nghiệp nhà binh này không bao giờ cho anh thanh thản”?

Có thể tìm được hàng trăm ví dụ trong Người yêu dấu cho thấy chiến tranh dưới ngòi bút của Dạ Ngân ấn tượng bao nhiêu thì cũng bạo tàn bấy nhiêu. Sự việc, chi tiết được tác giả chọn lọc và miêu tả kỹ lưỡng, chính xác, chân thực và với rất nhiều can đảm: không phải để hòa vào đội ngũ sẵn sàng biến mỗi cuộc chiến thành những bản hùng ca, mà ngược lại, để cất lên một giọng nói đơn lẻ kể về những hủy diệt mà chiến tranh đã gây ra – từ bom đạn, pháo kích và các trận càn nơi cái chết thình lình ập xuống, tới những vết thương tinh thần âm ỉ hành hạ từ bên trong. Nhân vật Liêm Chi thú nhận không còn nhớ nhiều về cái chết của cha ruột, nhưng vụ xử tử kẻ từng chỉ điểm ông mà người ta yêu cầu mẹ con cô phải chứng kiến đã luôn khiến cô mãi về sau vẫn cứ “trố mắt trong đêm sợ hãi, tự hỏi và tự chiến đấu với những câu hỏi quá sức”, như bị ai đó bắt “vác một thứ có thể coi là hình phạt trên đường đi tới địa ngục”. Nhân vật Tường, bác sĩ quân y 33 tuổi độc thân, anh họ cô, thì không dám bước vào chợ thịt, nhìn thấy giò heo là nôn thốc nôn tháo, kết quả của mấy trăm ngày đêm làm công việc cưa chân cho thương binh chiến trường Campuchia. Nhưng nhân vật Cang, anh kết nghĩa, người mà cô yêu và tôn thờ – trung đoàn trưởng trẻ tuổi tài cao bị quật ngã không phải bởi bom đạn kẻ thù mà do sốt rét rừng và mặc cảm tội lỗi của kẻ cầm súng – mới là nạn nhân bi thương, về cả thế xác lẫn tinh thần, của các cuộc chiến. Và chính ở đây, chính ở cái cách mà con người bị đặt vào những tình thế tương phản tột cùng mà độc giả nhận dạng được chiến tranh trong bộ mặt tàn nhẫn nhất, quái gở nhất. Chiến tranh trở thành một nhân vật, thậm chí nhân vật chính, với khả năng tham gia vào mọi sự kiện, tác động lên mọi số phận, lấn át tất cả các nhân vật còn lại của tác phẩm. Bên cạnh nó thì nồng nàn như Liêm Chi hay thanh tao như Tường đều trở nên lu mờ, mà vừa nồng nàn vừa thanh tao như Cang thì sẽ bị biến thành cát bụi. Nhưng nồng nàn và thanh tao là sau này độc giả khám phá ngược theo thời gian, chứ người hùng huyền thoại “vào sinh ra tử ” lần đầu tiên xuất hiện trước mắt người đọc trong hình ảnh một bệnh nhân kiệt quệ, thảm hại đến độ mà cần phải có hai từ “không” liên tiếp để khẳng định sự kinh ngạc của Liêm Chi: “Không thể nhận ra Cang nếu không có một cái hõm tròn trên đôi má đã hóp vô hết cỡ” và sau đó là những cụm từ “một bộ xương”, “một khung xương”, “một khối ký ninh”, “một cái xác” để miêu tả Cang trong cuộc hội ngộ lẽ ra phải rất tình cảm này. Thảm hại không chỉ dừng lại ở đấy. Một “cơn cữ” ập đến, nhân vật nữ đã ghì xiết lấy nhân vật nam ngay trên giường, nhưng cái lần đầu tiên được gần gũi nhau lại không tạo nên cảm giác gì ngoài sự kinh hãi: “Tôi ôm chặt lấy anh, chúng tôi ôm chặt lấy nhau, tôi đảo mắt cầu cứu ai không biết nữa, tràn ngập trong tôi nỗi sợ, như chúng tôi đang trôi trên một giề lục bình, một người sắp chết và một người sắp chìm”. Chiến tranh làm xấu xí tất cả, ngay cả thứ cảm xúc rất đẹp như sự thèm khát của hai kẻ yêu nhau. Lòng tin, có thể rèn được. Chờ đợi, có thể vượt qua. Nhưng sự thật dường như bao giờ cũng phũ phàng. Đối diện với cái cơ thể bất động ấy, cơn “rúng động” kéo dài mười lăm năm của Liêm Chi bỗng chốc biến mất và quan hệ giữa họ đành quay lại cái mốc tẻ nhạt ban đầu: “Anh về, thân tàn ma dại, chừng như chúng tôi đã về tới đích, trong vị trí được xác lập một cách cay đắng này, anh là đứa con nuôi má thương như con đẻ, và tôi không có gì ngoài tâm trạng một đứa em kết nghĩa”.

Đọc Người yêu dấu của Dạ Ngân không thể không nhớ tới tự truyện Nỗi đau nơi Duras kể lại cảm giác lo lắng trong thời gian đợi chồng, Robert L, bị bắt đi tập trung và nỗi đau đớn khi gặp lại người đàn ông của mình khô héo và xa lạ như một “bóng ma”. Chiến tranh ở đâu, dưới hình thức nào, thì tính hủy diệt của nó cũng khủng khiếp ngang nhau: tình yêu trong Người yêu dấu tan nát với cái chết của Cang ít ngày sau cuộc hội ngộ, tình yêu trong Nỗi đau còn tiếp tục vì Robert L chiến thắng được bệnh tật, nhưng số phận cũng dành cho nó một cái kết buồn – Duras quyết định chia tay sau khi đã chăm sóc cho tới lúc chồng bình phục hoàn toàn.

Duras rồi sẽ tìm được tình yêu khác, bà nổi tiếng đa tình. Nhưng có vẻ như với nhân vật của Dạ Ngân, mối tình đầu đủ để cô sống đoạn đời còn lại. Nữ sĩ Pháp dù sao cũng chỉ mất mười mấy tháng đợi chờ, còn Liêm Chi thì đặt vào đó toàn bộ thời trẻ. Và không chỉ cô. Câu chuyện kết thúc với một câu ngậm ngùi Cang gửi Liêm Chi: “Hôn em nụ hôn dài bằng cả tuổi thanh xuân của chúng ta, Người Yêu Dấu Của Anh”.

Comments are closed.