Nhìn nghiêng “Chú Ngọc của em”

Dạ Ngân

Biết chú Ngọc từ hồi còn ở trong bưng. “Biết” theo nghĩa ấm áp của quan hệ độc giả với một nhà văn có ma lực ngôn từ. Thường là cữ cơm chiều ở miền Tây cùng trời cuối đất, chúng tôi ngồi xổm trên nền chòi Cứ quanh nồi cơm và chiếc radio Toshiba Nhật nghe Đài Giải Phóng hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam đọc Rừng xà nu và Đường chúng ta đi. Nói công bằng – dù giờ chỉ là công bằng của một phía – rằng thơ Tố Hữu và văn Nguyên Ngọc đã nâng bước cho những người sống nay chết mai. Sảng khoái, thôi thúc, ngẫm ngợi và, ừ, thì chết, chết thì chết có sao đâu!
Rồi cũng kết thúc thật. Phận cái đinh con ốc bé xíu hăm hở và cũng đầy phập phồng trước ngổn ngang hậu chiến lẫn đời riêng. Một đứa con dưới bom đạn, thời bình thêm một đứa con nữa, người đàn bà hai con nung nấu viết văn, phải viết văn. Trước, thưởng thức chú Ngọc bằng tai qua nhà đài, bây giờ thư viện cho “tiếp xúc” chú Ngọc bằng mắt để “nhâm nhi”. Thật giàu có cảm xúc, thật lấp lánh trí tuệ, thật ấm nóng trung thực một trái tim xác tín. Nhưng văn chú Ngọc phi hư cấu, văn hiệu triệu, văn chính luận, mình sẽ không thể gối đầu giường, không học theo!
Tháng 4.1982, tôi lần đầu “trực diện” chú Ngọc ở Vũng Tàu. “Cai trại” gồm bốn người, chú Ngọc là “cai trưởng”. Nguyên Ngọc, Nguyễn Thành Long, Huy Phương, Nguyễn Xuân Sanh. Miệng sang, vầng trán cứng kiểu không dễ thỏa hiệp. Xem nào, giọng nói và cách nói, vừa như thể là bạn là thầy mà lại uy lực kiểu chính ủy giữa ba quân!

Trại khai mạc nửa tháng, Nguyễn Quang Thân mới xuất hiện, vạm vỡ, ăn to nói lớn, cao bồi và như đang xù lên sau truyện ngắn “Người không đi cùng chuyến tàu” bị liệt vào đám nhà văn “khó ưa”. Thấy các cô em miền Tây đồng loạt kêu mình bằng anh, Nguyễn Quang Thân cười hí hửng với Nguyên Ngọc: “Đạo mạo quan chức, thiệt chưa?” Anh chỉ ít hơn chú Ngọc hai tuổi và là trại viên nhiểu tuổi nhất nên anh rất hay “chiếu tướng” trại trưởng bằng những câu hoặc bông phèng hoặc thẳng tưng. Anh không cảm thấy chú Ngọc là anh cả và dễ gần như tôi cảm thấy. Khi đã mết mết anh, tôi thắc mắc, anh ghé tai: “Chú Ngọc của em nhiều tham vọng lắm, ông ấy mà ngồi vào ghế Tố Hữu thì lại phất cờ!”. Tôi chưa đọc Đề dẫn*, nhưng vẫn phản bác: “Giỏi mà thẳng thì nên làm lãnh đạo chứ”. Anh tặc lưỡi: “Hội nhà văn ấy như thùng nước gạo, quẳng ông nào vô rồi cũng chua loét!”
Gần cuối Trại thì trong mắt “chú Ngọc của em”, Nguyễn Quang Thân là một tay cứng đầu trong nhóm gồm Nhật Tuấn, Trần Mạnh Hảo, Đào Hiếu… chống đối ra mặt đường lối văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Riêng cái khoản dịch thơ Pháp để tán gái còn đáng bị hoài nghi thêm. Trại viết kết thúc cùng nhiều điều tiếng bất lợi cho chú Ngọc ở Hà Nội: để cho nhóm ngổ ngáo hoành hành, suy ra, đạo đức cách mạng của các nhà văn có vấn đề, lung tung phèng trong quan điểm và sinh hoạt. Sau này tôi mới biết đó là “cái cớ vàng”, người ta đánh Nguyên Ngọc lần nữa nhằm lấy chỗ để cho một người biết cung kính, dễ bảo.
Hơn một năm sau, khoảng tháng 10.1983, chú Ngọc được nhà thơ Nguyễn Bá thình lình đưa đến chỗ tôi ở Cần Thơ gọi vui là “tá túc” (sáu tháng trước tôi đã bồng bế hai con rời nhà riêng đến ở hẳn trong khu tập thể cơ quan). Nhà vốn là biệt thự của một đại tá sư đoàn trưởng VNCH bị tịch biên, báo Văn nghệ tỉnh tôi được dùng làm trụ sở. Chú Ngọc được hẳn một phòng ngủ nghỉ làm việc, cách phòng của ba mẹ con tôi chiếu cầu thang. Con trai bảy tuổi của tôi thường tròn mắt “Đây mà là đại tá hả?”, hàng tháng trời nó băn khoăn như vậy và ông Ngọc luôn cười giòn. Lần này, chúng tôi biết chú Ngọc đã lại lên bờ xuống ruộng.
Chú nhai chậm, ăn lâu, rất nhiều thời gian để hai chú cháu tâm sự. Chú kể về mối tình với vợ, người con gái trong gia đình mà chú là con nuôi. Người em ấy khi lớn lên đã vượt Trường Sơn đuổi theo, hai người rượt nhau như số phận, như định mệnh. Bị bắt ở Cần Thơ, tù ngục tra khảo đau đớn khôn xiết, khi được đối phương trao trả, người con gái lại ngược đường tìm người đàn ông của đời mình lúc đó đã về Bắc chữa bệnh. Hà Nội vẫn chưa là nơi cuối cùng. Nhà văn Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành được ưu đãi đi Đông Đức nghỉ dưỡng. Xứ người là những ngày trăng mật của họ. Chuyện như cổ tích và có hậu như một tiểu thuyết đẹp. Tôi buột miệng: “Chú có tình yêu lớn nên chú tập trung mọi phẩm chất cho cái lẽ công việc, quá may”. Chú Ngọc nhìn tôi trầm ngâm hồi lâu: “Ta hỏi thật, chuyện Dạ Ngân với Nguyễn Quang Thân đến đâu rồi? Ta không biết nhiều về Thân, chỉ thấy Thân nó viết thông minh và khôn ngoan chứ không phải viết như tận hiến. Trong tình cảm với Dạ Ngân có tận hiến không?” Tôi không nói hết với chú Ngọc khi được hỏi, tôi chỉ thở dài nhưng lại tưởng tượng: Chú Ngọc có phẩm chất của tượng đài, đế tượng là người vợ tuyệt vời. “Có viết được gì đưa cho ta xem”. Tôi đưa cho chú Ngọc truyện Quãng đời ấm áp viết tay trên giấy pơ-luya tái chế đậm màu vàng rơm. Chú bảo thích, rất thích, hãy rời xa hiện thực xã hội chủ nghĩa, hãy viết về những điều sâu kín của con người, thuộc về con người!
Mãi đến mùa thu năm sau, 1984 tôi mới lần đầu ra Hà Nội. Chúng tôi lại có những bữa cơm bên nhau, lần này là chú Ngọc nấu cho tôi ăn. Chú đền bù cho người vợ hay đau ốm của mình bằng cách nấu nướng, đỡ đần hết mức. Thật thú vị, phải nói là hân hạnh được chứng kiến người đàn ông nổi tiếng chăm sóc vợ và con. Tôi nói với thím: “Tiếp khách, trò chuyện, nấu ăn, làm việc, thâu đêm, chú không nằm nghỉ bao giờ sao?” Thím tuyệt vời bật cười: “Ngân nói chú là tượng đài, thế tượng đài có biết mệt, biết buồn ngủ không?” Chúng tôi cười vang như những người thân yêu nhất của nhau.
Đại hội nhà văn mùa thu 1989, mười ngày long trời lở đất, chú Ngọc lại được “lên bờ”. Nguyễn Quang Thân oang oang: “Ghế tổng biên tập báo Văn nghệ phải là Nguyên Ngọc!” Quả nhiên và cũng quả nhiên, không bao lâu thì nhà văn đã lại xuống ruộng, lần này thì ông tự bước xuống và toan “đi sang một con bờ khác, có đám ruộng lành mạnh khác”. Nguyễn Quang Thân bức bối: “Hất Nguyên Ngọc đi là người ta giết tờ Văn nghệ rồi. Chỉ mấy năm mà xuất hiện được Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Phùng Gia Lộc, kể cũng đáng!” Bốn năm tôi học Viết văn Nguyễn Du, chú Ngọc là người cầm trịch phụ đạo cho tất cả học viên, vẫn như bạn mà như thầy và như chính ủy nhưng quan điểm đã chuyển sang một cực khác gần gũi Milan Kundera… Ra trường, tôi được về Ban văn xuôi của chính tờ báo mà ở đó khi công khai, khi thì thầm, người ta vẫn tiếc nhớ thời mê say, xuất thần bên Nguyên Ngọc.
Hà Nội vật vã, thi thoảng chúng tôi gặp chú Ngọc ở tạp chí Tia sáng, giữa Lê Đạt, Chu Hảo, Nguyễn Huệ Chi và rất nhiều người trong giới tinh hoa theo quan niệm của chúng tôi. Bây giờ “chú thân yêu và thím tuyệt vời” của tôi đã thở phào, dự án hết treo, dự án hoàn thành một cách chính danh, đường hoàng, mỹ mãn. Đôi lần anh Thân thăm dò: “Em có muốn mời chú Ngọc xuống nhà mình không?” Tôi nói luôn: “Em sợ hai vị cãi nhau, anh cực đoan mà chú cũng cực đoan”. “Nhưng anh nhất quán từ trẻ đến giờ, anh có kiểu minh triết của anh!” Tôi lựa lời: “Đúng, anh minh triết kiểu đời thường, chú Ngọc minh triết kiểu nhà tư tưởng”.
Sài Gòn mấy năm trước, với lời mời về “Ý tưởng một con thuyền để tất cả những ai từng là hai phía sẽ cùng nhau hướng tới lý tưởng thẩm mỹ tự do nhân bản”, chúng tôi cân nhắc rất lâu. Trên đó là thuyền trưởng Nguyên Ngọc và nhiều bạn thiết của anh Thân: Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Châu Diên, Hoàng Hưng, Hoàng Minh Tường… Chúng tôi vui sướng ghi danh. AnhThân thường ưu tư: “Không còn Nguyên Ngọc thì ai là người cầm trịch?” Không lâu sau tôi đã “tháo ra” (chữ của chúng tôi), để người này có thể bọc lót cho người kia. Những lúc đi họp, anh Thân hay rủ tôi đi cùng cho vui và để tôi thăm “chú Ngọc của em”. Ở những cuộc giải như Sách hay, giải Phan Châu Trinh, anh thường lùi phía sau một chút để tôi bước lên ôm chầm lấy chú Ngọc.
Giờ đây, tôi biết anh cũng đang cười tươi phía sau khi tôi gõ cái tít “Chú Ngọc của em”, bắt đầu những dòng về một con người rất đáng kính, rất đáng được tôn vinh và ghi nhận.

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang đứng và giày

Nhà văn Nguyên Ngọc cùng các bạn: Hoàng Dũng, Thái Kế Toại, Ngô Thị Kim Cúc, Bùi Chát viếng nhà văn NQT cách nay 8 tháng.

Comments are closed.