Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng (3)

Nạn “cuồng dịch” hay phương pháp dịch “hậu google” (1)

Nhân đọc những phần dịch Anh – Việt trong tập sách Tư tưởng triết học (nxb Hội Nhà văn, 2015) và phần Lịch sử nghệ thuật trong tập 2013 VCL Tranh vẽ Võ Công Liêm (nxb Hội Nhà văn, 2013) của Võ Công Liêm

Nguyễn Thanh Văn

Khi mới đọc xong cuốn Tư tưởng triết học của ông Võ Công Liêm, tôi có dự định chia bài viết thành ba phần. Đầu tiên là nhận xét phần dịch mà tác giả kê đủ cả phần tiếng Anh và tiếng Việt, tiếp là vài suy nghĩ về loại tiếng Việt đặc thù trong tập tiểu luận và cuối cùng bàn nội dung triết học được trình bày những 250 trang. Và cuối cùng của cuối cùng, là nhân đọc tập sách, không thể không bàn qua hiện tượng “triết luận” của số người do không cưỡng được tình yêu đã đạt độ mù quáng với Triết học để “triết luận” lại trở thành “triết loạn” – điều mà Võ Công Liêm làm rất tốt qua công trình Tư tưởng triết học này.

Tuy nhiên sau khi lượng sức, người viết có ý “nhường” phần thẩm định nội dung triết học cho giới chuyên môn và chuyển phần nghiên cứu và thẩm định thứ tiếng Việt hiện đại – tạm gọi là tiếng-Việt-Hậu-Googles – mà tác giả do ở nước ngoài khá lâu đã mạnh dạn phát minh, qua cho các giáo sư có lòng quan tâm tới sự nghiệp “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt” và các phóng viên giữ mục “Dọn vườn” trên các báo Văn nghệ và tạp chí Ngữ học. Đối với những bậc trí tuệ hơn người bao quát nhiều ngành, nhiều vỉa như Võ Công Liêm thì sự phân công thành nhiều phần việc cụ thể như tôi gợi ý hy vọng cũng hợp lý. Mỗi người mỗi mảng, phần còn lại vừa sức tôi, một ông giáo chuyên sửa các lỗi spelling và grammar cho các học viên Anh Văn bậc sơ học vậy.

Ngoài cuốn Tư tưởng triết học này, tôi dành vài dòng nhắc qua phần Lịch sử nghệ thuật trong tập 2013 VCL Tranh vẽ Võ Công Liêm và cũng chỉ giới hạn trong phần dịch Anh – Việt.

VỀ CUỐN TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC

image_thumb1

Nhiều bài trong cuốn này thực chất là dịch. Tôi không đủ sức đối chiếu toàn bộ bài viết với tác phẩm gốc, mà chỉ giới hạn trong những chỗ tác giả có dẫn nguyên văn.

– “Năm 1940 sau khi cho ra đời luận án Tâm lý và hình tượng (The Psychology of the Imagination) như một hiện tượng tâm lý […]” (trang 41, bài Hiện hữu và hư không)

Nhận xét: “Of” là “của”, có khi dịch là “về”, có văn cảnh không cần dịch, vì sao lại chuyển thành “và”? “Và” là liên từ nối hai từ, hai mệnh đề, hai ý … ai cũng rõ. Chia cụm danh từ “the psychology of the imagination” thành hai vế bằng liên từ “và” vừa làm hỏng nghĩa vừa phạm lỗi tùy tiện. Người dịch nhầm một lỗi không đáng, “imagination” là “tưởng tượng” thành “hình tượng” (image).

– “Phải thừa nhận rằng Kant là người đầu tiên giới thiệu đến với chúng ta những gì thuộc phê bình triết học (the critical philosophy)” (trang 58, bài Kant – một lối phê bình triết học)

Nhận xét: Những bạn đã quen với Kant và triết học Tây phương đôi tí, hẳn đã nghe tới khái niệm “triết học phê phán”, thì chính cái “critical philosophy” này đây. Ngay một người phải tra tự điển mới hiểu nghĩa hai từ “critical” và “philosophy” nhưng chưa quên thầy cô môn Anh văn giảng rõ trật tự từ (the order of words) trong danh từ kép (compound nouns) thì chắc chắn mò mẫm dịch được là “triết học phê phán”, “triết lý phê phán”, “triết học phê bình”, tệ lắm cũng là “triết học chỉ trích” … không đến nỗi cho ra sản phẩm ngược ngạo “phê bình triết học” như Võ Công Liêm. Một người có trình độ ngữ pháp Anh văn kiểu này nhất định sẽ dịch “garden flower” (hoa vườn) thành “vườn hoa” và sẽ có một câu tán tỉnh lãng mạn kiểu “Anh hứa mỗi buổi sáng sẽ mang một vườn hoa tới tặng yêu dấu của lòng anh” ra đời – hẳn phi Hercules không ai kham nổi một tấm ái tình nặng nề đến thế!

– “Ở vị trí khác khi Kant viết: Giấc-mơ của một Tinh-thần-Tiên-đoán/ Dreams of a Spirit-Seer (1976) được mô tả như một phần đối xử thuộc tinh thần hình ảnh” (trang 68, bài Kant – một lối phê bình triết học)

Nhận xét: “Phần đối xử thuộc tinh thần hình ảnh” mang âm hưởng của thứ tiếng Việt hậu hiện đại thì chịu, không dám hỏi dịch giả, e phải nghe một câu giải thích khó hiểu hơn nữa. “Spirit-seers” nghĩa là nhà tâm linh, pháp sư, có khi dùng với ý giễu cợt như thầy cúng, thầy mo trong tiếng Việt. Tôi chưa có hân hạnh đọc tác phẩm này, khó xác định ý positive hay negative. Đại khái tạm dịch là “những giấc mơ của nhà tâm linh” hoặc “mộng mị của ngài thầy cúng” tùy văn cảnh. Mong sự chỉ giáo của các anh chị và các thầy. Không rõ Võ Công Liêm định làm ăn chi với khái niệm “một tinh thần tiên đoán” vừa sai vừa kì dị.

– “[…] điều đó gọi là tri thức hiểu biết (understand intuitively) …” (trang 95, bài Chủ thể tâm lý qua tư duy của Martin Heidegger)

Nhận xét: Không rõ sao ý sờ sờ ra là “hiểu theo/bằng trực giác” lại thành “tri thức hiểu biết”? Để phân biệt với loại “tri thức không hiểu biết”?

– “[…] Nietzsche thốt lên lời tuyệt vọng cùng thời của ông: Lương tri tôi và cả chính bạn không còn lâu dài như một ý thức lương tri (My conscience and yours are no longer the same conscience)” (trang 128, bài Hư vô qua tư duy triết học)

Nhận xét: Người dịch đã chứng minh khả năng dịch nổi một ý văn xuôi thành một câu thơ khá kêu! Không rõ nỗi tuyệt vọng của nhà triết học Đức có trầm thống bằng nỗi tuyệt vọng của người lỡ đọc tiểu luận của người đồng nghiệp Võ Công Liêm của ông ở Việt Nam hay chăng? “No longer” nghĩa như “no more” là “không còn”, “không còn … nữa”, có phức tạp chi mô. Nghĩa đại khái “Lương tri của tôi và lương tri của các bạn không còn giống nhau nữa/không phải là một”. Có cần chỉnh ý Nietzsche thành một câu thần chú Giao Chỉ u u minh minh như gợi ý của Võ Công Liêm không! Một lỗi cần chú ý nữa khi bản gốc là “yours” thì không dịch là “cả chính bạn” được, mà phải kèm đối tượng sở hữu (conscience/lương tri) để tránh dạng so sánh kiểu “con trâu của tôi mập hơn (con trâu) anh”.

Sau đây tôi dẫn một số câu có độ dài hơn và phần dịch, khách quan mà nói, có khó hơn đôi tí, nhưng không đáng gọi là phức tạp.

– “Whoever writes in blood and aphorism wants not to be read but to be learned by heart” (Friedrich Nietzsche) được Võ Công Liêm dịch là “Bất luận là ai có viết bằng huyết lệ và những mong muốn của cách ngôn, ngạn ngữ vẫn không màng đọc tới nhưng đó là trí tuệ cao siêu viết bởi tấm lòng chân” (trang 86 và 93, bài Nietzsche – sự thực và viễn tượng của cuộc đời)

Nhận xét: Võ Công Liêm tệ hại tới nổi không hiểu “wants” là động từ – chia ở ngôi thứ ba số ít (thì simple present) nên thêm “s”. Chuyển thành “những mong muốn” là vì người dịch nhầm nó (“wants”) là một danh từ. Cái cần ghi nhớ đầu tiên khi dịch là nhớ đừng dịch sót ý gì có trong bản văn gốc, và “đừng dịch” ý gì không hề có. Bỏ ý “đừng dịch” trong dấu kép là vì đã không có trong bản gốc thì lấy gì mà dịch! Ý “Trí tuệ cao siêu” chỉ có trong đầu dịch giả, không tìm thấy đâu trong câu tiếng Anh. Đến “learned by heart” mà hiếm có học sinh nào không hiểu, nghĩa là “học thuộc lòng”, “khắc trong lòng”, “ghi nhớ” mà dịch cho được là “bởi tấm lòng chân” thì bất nhẫn quá.

– “[…] chúng ta đi tới tuyệt vọng (gone) vào cái hoang vu, khô khan của sa mạc, NHẢY PHỎNG LÊN [tôi nhấn mạnh – NTV], thay vì luôn luôn thông thạo điều đó, một tri giác nhạy bén để cảm nhận vấn đề một cách thấu suốt, tường tận; điều đó gọi là tri thức hiểu biết (understand intuitively) … và Đấng Thượng đế hãy xem như là cây nhân sinh lớn lên ở giữa bụi cây trong vườn – và chính là cây nhận thức của sự tốt và xấu”.

Phần tiếng Anh người dịch dẫn ngay dưới phần dịch ở trên: “We have gone into the aridity of the desert, hoping, instead of always ‘knowing’ things, to intuit understandingly and to ‘understand intuitively’ and the Lord God let the ‘tree of life’ grow up ‘the middle of the garden’ – and the tree of knowledge of good and evil” (trang 95, bài Chủ thể tâm lý qua tư duy của Martin Heidegger)

Nhận xét: Đoạn văn đáng xem tiêu biểu cho trường phái dịch thuật mang tên Võ Công Liêm. Trên, theo dạng dịch của người không biết thế gian còn một thứ gọi là từ điển. Dưới, là phương pháp vừa bấm Google vừa chép. Ý “tuyệt vọng” không có trong bản gốc và từ “gone” thêm trong bản dịch để giải thích nghĩa “tuyệt vọng” là hoàn toàn sai. Nếu biện minh cho dịch giả thì chỉ có thể nói rằng từ “tuyệt vọng” ngầm chỉ cái khả năng dịch quá liều lĩnh của chính Võ Công Liêm đấy thôi. Cụm từ “NHẢY PHỎNG LÊN” in chữ lớn để lưu ý Võ Công Liêm đã không nhận ra nghĩa “hoping” là hy vọng (hoping … to intuit), không phải nghĩa “nhảy cẫng lên/nhảy lò cò”, nếu tác giả có ý dùng từ “nhảy” này (hop/to hop) thì dạng động từ tương đương phải là “hopping”. Có thể đoán Võ Công Liêm cho rằng sự nóng của sa mạc ắt dẫn tới phỏng chân và tất nhiên phải “nhảy phỏng lên” thôi. Rất tiếc dịch thuật là chuyện kiến thức về từ ngữ, ngữ pháp và chuyện văn hóa cùng kinh nghiệm dịch, không liên quan tới sự bốc đồng và chuyện bói toán. “The middle of the garden” thì nghĩa “giữa vườn” quá rõ, người dịch hẳn suy ra vườn tất phải có cây, có bụi rậm bèn vẽ vời thành “giữa bụi cây trong vườn”. Riêng “understand intuitively” thì tôi đã lưu ý ở trên.

Phần trích tiếng Anh không hoàn toàn chính xác – trước “the middle of the garden” có từ “in” mà Võ Công Liêm hay người đánh máy bỏ sót.

– “Descartes đã viết trong phần mở đầu: Tôi không thể thúc bách mọi người phải đọc những cuốn sách này ngoại trừ những thứ đó người ta có thể làm được và mong muốn cùng tôi tĩnh tâm một cách nghiêm túc (I would not urge anyone to read this book except those who are able and willing to meditate seriously along with me)” (trang 102, bài René Descartes Tôi tư duy do đó tôi hiện hữu)

Nhận xét: Người dịch không hiểu cách dùng từ “those” trong ngữ cảnh đi với “who” có nghĩa “những ai”, “những người mà”, vì vậy thay vì dịch đơn giản là “ngoại trừ những ai có thể và tự nguyện/sẵn lòng nghiêm túc suy tư cùng với tôi”, lại đưa một mẩu ngủng ngẳng, khó hiểu “ngoại trừ những thứ đó [sao không tự hỏi thứ đó là thứ nào] người ta có thể làm được [không xác định rõ thứ đó là thứ gì thì biết cái người ta làm được là cái gì] và mong muốn cùng tôi tĩnh tâm một cách nghiêm túc”. Dịch vừa sai vừa lãng nhách! Để hiểu ý bản dịch của Võ Công Liêm có khi mất thời gian hơn thời gian người đọc bỏ ra để học Anh văn và tự đọc bản gốc. Từ “tĩnh tâm” nghe kêu – chỉ không kêu bằng từ “thiền” (“meditate” kia mà) gần đây bị lạm dụng khá nhiều, nhất là trong giới có chữ nghĩa – vừa không sát nghĩa vừa sai văn cảnh triết học, nhất là triết học phương Tây. Một lỗi rất nhỏ, chỉ tương đương lỗ hổng cũng rất nhỏ nằm ngay dưới đáy tàu, là bản tiếng Anh là “this book” nghĩa phải là “cuốn sách này”, không thể dịch cẩu thả là “những cuốn sách này” (tôi nhấn mạnh – NTV) được. Hơn nữa dịch giả biết mình đang nói về MỘT tác phẩm, MỘT cuốn sách của Descartes kia mà! Nhan đề cuốn sách mà ông dịch là Tĩnh lự khởi đầu triết học (Meditations on First Philosophy) (tr. 101, bài René Descartes Tôi tư duy do đó tôi hiện hữu; tr. 103 thì lại dịch Tĩnh lự bước khởi đầu triết học) và nếu ai thắc mắc nhan đề lạ hoắc thì thử mail hỏi dịch giả lại.

– “Nietzsche thường nhấn mạnh: Hãy nâng cao giá trị để mọi thứ có giá trị cho tới ngày nay (revaluation of all values hitherto)” (trang 123, bài Hư vô qua tư duy triết học)

Nhận xét: Trước hết trong tiếng Anh, đấy là một cụm danh từ/danh ngữ (noun phrase), chưa phải là một câu trọn vẹn, nên dịch thành hình thức một câu, lại là một câu command, càng lệch và kỹ năng dịch căn bản như thế chưa ổn. Thứ hai, dịch sai cả ý. Nghĩa của cụm từ này là “sự đánh giá lại mọi giá trị xưa nay”.

Không ít người biết rõ dịch thuật không chỉ là chuyện từ và nghĩa, chỉ liên quan từ vựng và ngữ pháp. Những lĩnh vực càng nhiêu khê càng cần thứ vốn gọi là kiến thức và văn hóa – từ tổng quát tới chuyên ngành, từ phổ thông tới chuyên sâu. Tôi chưa biết một môn nào phức tạp hơn hai môn Triết học phương Tây và Phật pháp. Để học được phần gọi là căn bản đã là một sự nghiệp. Nhưng không rõ vì sao số lượng người Việt – trước hết trong các giới tôi quen biết – rất tự tin với sở học gọi là Triết và Phật học, có tỉ lệ rất cao. Có khi là một bằng chứng về phẩm chất anh hùng trong thời bình của dân tộc ta chăng! Một ông bạn lứa trước tôi dăm tuổi thường cao giọng giữa bàn rượu rằng “Bận kinh doanh chứ trí tuệ cỡ tôi bỏ làm ăn ba năm thì dứt khoát trở thành triết gia vĩ đại nhất thế giới!”. So với khẩu khí này thì xin lỗi Võ Công Liêm chỉ đáng xách dép, nhưng không thể nói Võ Công Liêm không có dòng máu hero này. Nghe nói lúc sinh tiền cụ Cao Xuân Hạo nhận xét một số tiến sĩ của ta không chịu hỏi ai khi có vấn đề mình chưa rõ và rằng đối với quý tiến sĩ này thì “thà chết còn hơn hỏi”. Kinh thật! Nhưng để các học sĩ làm việc với nhau, quay lại cảm hứng từ tập triết luận đã có mùi “triết loạn” tôi đang “tản mạn”: Vì sao có người lười cả việc dành mươi phút mở một trang từ điển, giở một cuốn sách liên quan đề tài hay nhấc điện thoại hoặc mail một người anh em, thưa với một chuyên gia, một bậc thầy để rõ một điểm mình chưa rõ? Chưa nói có khi là một câu hỏi mà đứa cháu, thằng em trong nhà có khi cũng có câu trả lời đúng. Cái ngã mạn mù quáng – dám dạy môn võ mà trình độ bản thân chỉ vào hạng lơ mơ, xưng là số một trong ngành mà thực tế mình chỉ đáng làm một chức gác cổng và thứ logic vô minh vì tôi có học thứ này mà suy ra thứ nào tôi cũng biết mà không cần học hỏi gì cả – của loài vạn vật chi linh, tương truyền có mặt trong tam tài, đứng ngang được với Trời và Đất, ở xứ ta khủng khiếp thực!

Một ví dụ là nhiều nhan đề sách triết học nổi tiếng được quý thầy Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Lê Thành Trị, Nguyễn Văn Trung … nhắc hàng chục lần trước 1975 và sách giáo khoa triết học có đề cập, sau 1975 đến lượt ông Bùi Văn Nam Sơn không những hâm nóng không khí mà còn nâng hẳn trình độ nghiên cứu triết học phương Tây ở Việt Nam lên một bậc. Thế mà nhà triết luận Võ Công Liêm lại nỡ làm những người yêu mến Kant và Descartes mừng hụt bằng những tít sách lạ hoắc – cứ tưởng di cảo mới phát hiện – nào là “phê phán về lý do trong sáng” (tr. 59 ff., bài Kant – một lối phê bình triết học), “phê phán về lý do thực tiễn” (tr. 60), rồi “phê phán về quyền lực xét xử” (tr. 60) hay “phê phán về quyền lực phán xét” (tr. 71). Giá như chịu đọc và theo dõi, hoặc chỉ nhìn qua các bìa sách của loạt tác phẩm quan trọng của Kant (và Hegel) ông Bùi Văn Nam Sơn cho in cách đây khá lâu hẳn Võ Công Liêm đã thấy cách dịch “phê phán lý tính thuần túy”, “phê phán lý tính thực hành” và “phê phán năng lực phán đoán”, dù xem đó chỉ là gợi ý đi nữa thì đâu đến độ sản xuất những nhan đề tào lao xịt bộp như rứa hỉ. Trong tiếng Anh, từ “reason” có nhiều nghĩa, người dịch rõ ràng do không đọc cả một lời giới thiệu ngắn về tác phẩm, giữa các nghĩa “lý do”, “lý tính”, “lý trí” … bèn chọn nghĩa “lý do”, nên đẻ ra một loạt “lý do” kèm những lời bình trời ơi đất hỡi là hệ quả tất yếu thôi. Và “pure reason” (lý tính thuần túy) chợt hóa thành “lý do trong sáng” hay “lý do tinh khiết” không có chi lạ vậy. Trong những lĩnh vực mà chỉ một bước sẩy chân là “từ chết tới bị thương” như ngành Triết học mà không trước hết – và còn dài dài – dựa vào đàn anh và các bậc thầy mà lần bước, thiết tưởng không có chi mù lòa hơn. Nhân đây xin làm cái việc khen phò mã tốt áo, tôi nhiều lần nói với các bạn bên bàn cà phê rằng ông Bùi Văn Nam Sơn đáng gọi là “tượng đài” không phải chỉ ở chỗ là người đầu tiên dịch trực tiếp các công trình triết học kinh điển hàng đầu của các đại triết gia phương Tây ra tiếng Việt (có lẽ một ngoại lệ là cuốn Hữu thể và Thời gian (Sein und Zeit) của Heidegger do ông Trần Công Tiến dịch và thầy Lê Tôn Nghiêm giới thiệu, NXB Quê hương, 1973), mà ông còn có một công lao vô cùng ý nghĩa, tiếc là rất ít người nhận ra: bằng những công trình dịch thuật thầm lặng mà tử công phu, Bùi Văn Nam Sơn đã chứng minh một cách đầy cảm xúc và thuyết phục rằng tiếng nói của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Nguyễn Bính đã đủ sức chuyển tải ngay cả những siêu phẩm triết học cổ điển nặng ký (cả theo nghĩa đen) và kì khu bậc nhất của văn minh văn hóa nhân loại ra thứ tiếng từng được xem là nôm na, ngỡ chỉ hợp với hò vè và chầu văn. Theo thiển ý chỉ có một bậc trí thức – chân nhân làm được điều tương tự – trong một lĩnh vực gian nan không kém: Phật pháp – đó là cố Hòa thượng Thích Minh Châu, người đã một mình chuyển dịch thành công toàn bộ Kinh Nikaya (Kinh Bộ hoặc Bộ Kinh) từ tiếng Pali sang Việt ngữ. Chúng ta thích theo dõi và nức nở khen cuộc Tây Du tìm “Thánh Kinh” của ngài Đường Tam Tạng – chủ yếu do ảnh hưởng của truyện và phim Tây Du ký – quên rằng chúng ta có vinh hạnh đã và đang sống cùng thời với hai ngài “Đường Tam Tạng” Việt Nam với hai cuộc hành trình đầy biểu tượng, người đi Thiên Trúc, người qua Bá Linh, hai đại Quốc Độ Triết Học của cõi Ta Bà này. Dĩ nhiên nếu dựng phim cảnh hai cụ “Tây du” qua đường hàng không, túi xách lỉnh kỉnh lên máy bay Air Vietnam e không hấp dẫn bằng hình ảnh sư Huyền Trang cưỡi ngựa, có ba anh em Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giái và Sa Tăng chạy lấp xấp đàng sau. Nhưng nhớ rằng công phu học tập – và tu tập – của hai người đồng bào của chúng ta có kém chi, giá trị các tác phẩm họ tiến hành dịch và dịch thành công chỉ có thể dùng một từ mới lột tả được: VĨ ĐẠI! Đã hết đâu, phải nói và nói với chứng cớ, dữ liệu có thể kiểm chứng được, rằng ngài Thích Minh Châu đã in từng tập Nikaya một qua góp nhặt tiền ấn tống của chư phật tử (bây giờ đọc danh sách đóng góp và lời cảm ơn cẩn trọng của ngài in trong bản kinh cũ năm xửa năm xưa bỗng cay hai mắt – lời cảm ơn lớn nhất phải dành cho người đã nguyện dành đời mình mang Phật Khẩu trực tiếp tới với đồng bào mình!). Và ông Bùi Văn Nam Sơn mà tôi không chỉ gặp và nói chuyện một lần, có khi điều kiện thiệt thòi hơn nhiều. Dù không tiện hỏi, tôi đoán dù ông có được sự giúp đỡ của thiện tri thức tri âm, chắc chắn ông đã hy sinh và chịu thiệt thòi không xiết kể trong đời thường để những đồng bào hiếu tri, hiếu học của ông có cơ may chạm tay vào những tập sách mang tên E. Kant và F. Hegel và … Đúng là vị đại hòa thượng đời nhà Đường, người được dân Trung Hoa xem như Bồ tát và triều đình cho xây chùa lớn, bảo trợ việc in ấn … có phước lớn hơn đồng bào ta thiệt. Để những ai ngỡ người viết so sánh khập khiễng, tô vẽ cho phe nhà, thì xin đưa thêm một chi tiết nữa: với sự hỗ trợ của cả bậc Thiên tử, dưới trướng của ngài Huyền Trang có đủ một hội chúng đồng phụ vào việc dịch thuật, còn khâu cái ăn, cái mặc là chuyện vặt – lưu ý những chuyện này đều được sử Tàu chép lại chi tiết. Chúng ta kính cẩn và kính trọng Bồ tát Huyền Trang; mặt khác, khi biết cụ Thích Minh Châu và ông Bùi Văn Nam Sơn tiến hành công việc dịch thuật bao nhiêu năm tháng dài và rõ nhị vị đã tiến hành sự nghiệp để đời của mình một thân một mình, hoàn toàn vô vị lợi làm sao không kính phục, hâm mộ và tán thán!

Biết là đã lạc đề, nhưng người viết đoán chừng bạn đọc hiểu cảm hứng đột xuất của mình. Vả lại, cũng thưa thiệt, lạc đề qua hai nhân vật văn hóa lớn, có công trình tầm cỡ tưởng thú vị hơn nội dung chính của bài viết nhiều.

Quay trở lại với đề tài, chính do thiếu hụt vốn liếng tri thức ngay trong vương quốc mà Võ Công Liêm ngỡ mình có thể múa gậy vườn hoang nên mới gặp vấn đề với nhan đề The Birth of Tragedy của Nietzsche (xin lưu ý người viết dùng lại nhan đề bằng tiếng Anh mà dịch giả đã sử dụng, nhan đề tập sách của nhà triết học người Đức tất nhiên bằng tiếng Đức – lần in đầu tiên vào năm 1872 có nhan đề Die Geburt der Tragödie aus dem Geiste der Musik). Võ Công Liêm dịch là Đẻ ra thảm cảnh (tr. 195, bài Siêu hình giữa Heidegger và Nietzsche) mà về từ ngữ, “thảm cảnh” quả có trong từ điển. Khổ một cái, đó là tác phẩm Nietzsche bàn về bi kịch Hy Lạp và từng được nhắc nhiều lần, ví dụ trong trước tác của Phạm Công Thiện. Tập sách này đã được Trần Xuân Kiêm dịch với nhan đề Triết lý Hy Lạp thời bi kịch, NXB Tân An, 2/1975.

Tác giả tập tiểu luận Tư tưởng triết học vài lần nhắc tác phẩm Đường lối khôn ngoan (Way to Wisdom) của Jaspers không khỏi làm ta nhớ nhan đề có người dịch là “Con đường dẫn tới minh triết”. Jaspers nhiều lần nức nở khen khái niệm “Dao” (Đạo) của phương Đông, nên ai đó dịch “Đạo Minh Triết” kể đã hiểu tác giả vậy. Đường lối khôn ngoan nghe âm hưởng Machiavel, Mao hay Steve Jobs.

Những hạt sạn như thông tin Nietzsche “cho xuất bản tập Thảm cảnh sinh tồn là tập truyện ngắn đầu tay và quan trọng nhất đời ông […]” (tr. 169, bài Triết học tâm lý hay triết lý nghệ thuật và văn hóa) không hiếm. Việc Nietzsche từng làm thơ được ghi nhận. Tra cứu trong số từ điển có trong tay như từ điển triết học của các đại học Cambridge và Oxford, đặc biệt bộ đầy đặn hơn hẳn The Encyclopedia of Philosophy do Paul Edwards chủ biên, tôi không thấy thông tin nào về tập truyện cả. Thảm cảnh sinh tồn, mà Võ Công Liêm gọi là tập truyện ngắn, phải chăng là tên một công trình triết học nào khác của Nietzsche? – trong bộ từ điển P. Edwards đứng tên chủ biên, tiểu mục về Nietzsche nhắc trên 20 tác phẩm của ông, không thấy dòng nào về việc Nietzsche có sáng tác truyện ngắn. Vậy có cơ sở tin rằng Võ Công Liêm lại dịch nhầm chính tên sách The Birth of Tragedy vì hiểu sai thông tin.

Câu “I revolt, therefore we are” (tác giả dịch: “Tôi phản kháng, tất chúng ta hiện hữu”) không phải của Descartes như tác giả tưởng (tr. 222, bài Albert Camus tinh thần phản kháng) mà chính của Albert Camus (trong tác phẩm The Rebel: An Essay on Man in Revolt) nhại câu của Descartes: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Cogito ergo sum).

Cũng không rõ từ tư liệu nào, người dịch phong đại cho nhà văn Nga Turgeniev danh hiệu “nhà tư tưởng ngữ văn Nga” (tr. 122, bài Hư vô qua tư duy triết học).

Đối với các từ “Cartesian” (tr. 26, 137, 156), “Heideggerian” (tr. 143), “Kierkeggardian” (tr. 101, 151) hay “Kantian” (tr. 58) … do không hiểu đó là cách dùng ở dạng tính từ tên tuổi các bậc danh sĩ trong tiếng Anh (tiếng Pháp cũng có dạng tương tự) – cách dùng này trong tiếng Việt không có – nên Võ Công Liêm đã dùng không đúng chỗ. Những cách dịch “hậu-Cartesian” thay vì dịch là “sau/hậu Descartes”, “theo hướng Kantian” thay cho “theo hướng của Kant”, hay “chủ thuyết của Kierkeggardian” trong khi phải dịch là “chủ thuyết của Kierkeggard” … đầy trong sách.

Tất cả chứng tỏ sự chuẩn bị của người tình Võ Công Liêm trước khi ngỏ lời cầu hôn với Nàng Triết Học thô thiển và bôi bác đến mức nào!

– Câu nói nổi tiếng và khá quen thuộc của Voltaire “Nếu không có Thượng đế thì phải tạo ra Thượng đế” qua Võ Công Liêm thành “Nếu không có Thượng đế thì Thượng đế cũng được chế ra” (tr. 239, bài Karl Jaspers – niềm tin và sự khai ngộ). Thực ra dịch như vậy không quá xa ý tác giả. Có điều cần nhận xét rằng có một thứ “luật” bất thành văn trong giới chữ nghĩa, khi một câu nói hay một ý tưởng – thường của một danh nhân – đã được phổ biến thì chỉ diễn dịch lại nếu cách dịch mới hay hơn, hoặc ít ra là ngang giá trị với bản cũ. Nếu ai đó nhắc Đức Phật có tuyên bố “Cuộc sống là một đại dương của khổ đau”, ta cảm giác ngờ ngờ vì đã quen cách nói “Đời là bể khổ”. Thực tế nội dung không khác chi nhau. Đây chính là trường hợp cái quen thuộc chi phối thị hiếu thẩm mỹ, không thể không cân nhắc. Ai chẳng rõ Voltaire viết bằng tiếng mẹ đẻ của ông, tiếng Pháp. Nguyên văn là “‘Si Dieu n’existait pas il faudrait l’inventer’. Mais toute la nature nous crie qu’il existe; qu’il y a une intelligence suprême, un pouvoir immense, un ordre admirable, et tout nous instruit de notre dépendance”. Động từ “inventer” nghĩa quen thuộc là phát minh. Nói “phát minh ra Thượng đế” gần với nguyên bản, nhưng có khi chỏi tai nhiều người chăng. “Chế”, “chế ra” không hẳn quá xa nghĩa “inventer”, nhưng “chế ra Thượng đế” thì không ổn rồi. Thượng đế là duy nhất, không là duy nhất thì còn chi địa vị của Ngài, mà “chế”, “chế tạo” nghe hơi hướm “made in” và “fabriquer” với số lượng hàng loạt. Có người dịch “đẻ ra Thượng đế”, nghe bạo quá chăng – quan hệ đẻ đái có vai vế trên dưới rành mạch (dù người dịch dùng theo nghĩa bóng) – nhưng một lần nữa, cách dịch quá mạnh dạn này vẫn có nhiều người chấp nhận chỉ vì … quen tai rồi! Vậy tiêu chuẩn “đúng”, “hay” chưa đủ, có khi phải phổ biến, nghĩa là được chấp nhận.

Các bạn cho phép cà kê thêm rằng câu nói đầy đủ của Voltaire thường bị cắt xén, chỉ giữ nghĩa ông dùng cách điều kiện (conditionel) với “si” gợi ý nghi ngờ xa gần tới sự hiện hữu của Thượng đế – ở thế kỷ 18 thế là bạo quá rồi – và vế “phải tạo ra Thượng đế” như một đề nghị có tính đạo đức hay thực dụng đơn thuần hơn là niềm tin tôn giáo của nhà triết học. Thực ra, “Si Dieu n’existait pas il faudrait l’inventer” là câu Voltaire tự trích dẫn mình trong thư gửi ông hoàng nước Phổ Frederick William và ngay sau đó, ông giải thích: “Mais toute la nature nous crie qu’il exist; qu’il y a une intelligence suprême, un pouvoir immense, un ordre admirable, et tout nous instruit de notre dépendance” (“Nhưng toàn bộ tự nhiên/cuộc sống đều kêu to lên với chúng ta Ngài đang hiện hữu; rằng có một trí tuệ tột đỉnh, một sức mạnh vô biên, một trật tự đáng tôn phục, và mọi thứ đều dạy cho chúng ta rằng chúng ta tùy thuộc vào đó” – lưu ý bạn nào cho từ “Ngài” không hợp thì cứ dịch là “ông ta”, có khi lại hợp văn phong Voltaire cũng nên). Trong khi đó các bậc trí thức ở Việt Nam gần như không ai nhắc câu sau của Voltaire. Trích dẫn không đầy đủ dẫn tới việc bản ý người nói ít nhiều bị xuyên tạc. Đó là một cách “làm ăn” chưa bị lưu ý đúng mực. Có thể nói Voltaire có một lập trường không dứt khoát về cái gọi là sự hiện hữu của Thượng đế, cho dù ngược lại giới tăng lữ thường xuyên là đối tượng của những công kích thẳng thắn và thường rất cay độc của ông. Đã có người trong nước chịu khó lưu ý việc cắt ý “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” của Dostoievski và ý “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” của Marx ra khỏi văn cảnh, nhưng đồng bào của họ có thèm lưu ý cho đâu. Còn nguyên nhân vì sao có cách nói hàng hai của Voltaire hay đấy chỉ là một cách đề phòng, tự vệ vào cái thời quan điểm tôn giáo phi chính thống có thể bị truy bức và rút phép thông công, thì phải nghiên cứu thêm.

Lỡ chạm vấn đề nên xin phép xa ý chính thêm một bước nữa – hy vọng không phải là một ý kiến vô ích cho các dịch giả và các nhà chính luận khi trích dịch và biện luận – ngay việc giải thích về quan điểm chính trị của Voltaire ở xứ ta còn chỗ mơ hồ. Cùng với Montesquieu và Rousseau, triết gia Voltaire được xem là người cha tinh thần của Cách mạng 1789 gắn với vụ xử tử hoàng đế Louis 16, nhưng thực tế tinh thần dân chủ của ông không hoàn toàn đúng với quan điểm dân chủ hiện đại. Chính quyền lý tưởng của Voltaire là một nhà nước có tôn trọng dân chủ, biết dựa vào ý dân, nhưng bản ý của ông khá rõ: quốc gia nên được một vị quân vương có tài đức – có hơi hướm Chuyển Luân Thánh Vương và Minh Quân Phương Đông – cai trị. Một mô hình như thế thậm chí không thể gọi bằng danh xưng dân chủ được. Điều này giải thích vì sao Nữ hoàng Nga Catherine và Hoàng đế Phổ Frederick xem Voltaire là khách quý và sẵn sàng welcome ông mỗi khi bị các hoàng đế Pháp truy bức. Và cũng là nét dùng dằng, bất quyết của cả nước Pháp, không chỉ một mình Voltaire, nếu chúng ta không quên sự kiện người được đa số cử tri Pháp dồn phiếu cho chức vị tổng thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Pháp chính là vì hoàng đế của nền quân chủ vừa cáo chung.

Comments are closed.