(Nhân đọc Vỉa Từ của Nguyễn Hữu Hồng Minh)
“Có những cuộc Cách mạng chỉ cần có một người! Đó là cuộc Cách mạng Bản thân.” (Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Nguyễn Hữu Liêm
Sài Gòn, tháng Ba, 2018. Tôi gặp lại Nguyễn Hữu Hồng Minh trong lần ra mắt sách ở Thảo Điền. Chàng thi sĩ lãng tử này, từ ngoại hình đến phong cách, lúc mô cũng gây nhiều ấn tượng cho người lâu ngày mới gặp. Sau khi xong việc ra mắt sách, chúng tôi kéo đến một quán nhậu bên kia đường nằm sát ngay Xa lộ. Vừa uống bia, nhấm thịt bò nướng, tôi lắng nghe chàng Thi sĩ nói chuyện – trong tiếng ồn ào xe cộ và hàng trăm thứ âm thanh điếc tai khác. Ôi thôi! Dân Việt ta hình như có một thói nghiện ngập – nghiện tiếng ồn. Đi đâu cũng âm thanh inh ỏi, chói tai. Đang nói chuyện với người đối diện nhưng vẫn không nghe ai nói chi cả. Từ đám cưới, quán nhậu, đến chánh điện chùa, đến khu xóm chật hẹp, hình như dân ta không thể sống thiếu âm thanh ở mức độ điếc tai, dồn dập. Chúng ta không thể chịu đựng được sự im lặng.
Trong cơn sóng âm thanh ngập tràn ấy, Hồng Minh trao tặng tôi tập thơ mới của anh. Vỉa Từ. Tôi đem về nhà để đó. Đi vô, đi ra thư phòng, bìa cuốn thơ màu đỏ chói như thách thức, mời gọi tôi mở ra đọc nó. Hơn một năm sau thì tôi mới mở ra đọc – một mạch, từ đầu đến cuối, không nghỉ.
Từ những bài thơ đầu, ngôn ngữ thi ca Vỉa Từ của Hồng Minh rất lạ lùng. “Thơ là thuốc độc của quỉ” anh viết. Tôi nghĩ đây là chữ viết của kẻ say, đầy ẩn dụ, đầy khai phá, đầy thử nghiệm – câu này mâu thuẫn câu kia, ý này chạm ý khác, nghịch ngẫu và nghịch ngợm lan tràn. Tôi cố bình tâm lắng đọc để nghe ngôn từ đối thoại và độc thoại đầy thi ca của tác giả, và có cảm tưởng như rằng mình đang được mời ăn một mâm cỗ đầy sự kiện nhân gian rất bình nhật được bày biện lại, dàn dựng trong một khung cảnh khác, một giàn ngôn từ, một cung cách biểu đạt lạ lùng. Nó giống như một hoạt cảnh tự diễn, tự khai quật chiều sâu của thi ca và ngôn ngữ phát đi từ một nỗi đau làm người – như thế nào đó – đang được chuyển hóa bằng ý chí nghệ thuật.
Tôi tự hỏi, có phải nghệ thuật, trong đó có thi ca, là một năng ý vượt thoát cuộc đời bằng cách dựng lại thế gian qua cảm nhận của thi sĩ? Vậy nhưng tại sao chúng ta lại muốn chứng kiến và tiêu thụ lại những nỗi đau từ cuộc sống mà chính ta muốn thoát ly?
Nghệ thuật thi ca – trên bình diện biện chứng – là một ý chí tiêu hóa những sự thể cuộc đời. Đồng thời nó cũng là một ước muốn phủ định những sai lầm của con người nhằm tìm đến một khả thể giải thoát cho tâm thức – mà trong đó, thi sĩ là một cơ năng tiêu thụ và chuyển hóa cảm thức. Mỗi bài thơ là một sự cố phát động bởi guồng máy thao diễn văn chương nhằm đưa tâm hồn độc giả từ thân xác và ý thức lên cõi tinh thần. Vì vậy, bài thơ nào vốn chỉ sử dụng tình cảm bi thương ai oán làm động cơ thưởng ngoạn duy nhất thì nghệ thuật thi ca đã bị nhận chìm ở mức độ thể xác và xúc cảm tầm thường và giới hạn. Ở đó, cảm xúc thi ca chỉ còn thuần là gánh nặng nhục thân.
Vai trò thi sĩ là của biểu đạt ngôn từ – và nội dung thi ca là tiếng chuông tỉnh thức về cái đẹp trong những gian lao ở bản thân và sự đời. Qua ý chí nghệ thuật, con người có khả năng vượt qua khỏi những hệ luỵ tiêu cực trong tình cảm bình thường. Vì thế, mỗi bài thơ hay vở kịch là một thức ăn được nấu nướng từ gạo rau thịt cá cuộc đời bằng ngọn lửa thẩm mỹ. Sự thể khổ đau và nhầy nhụa nơi trần gian – hay chính bản thân – phải được chuyển hóa và nâng cao lên tầm mức tinh thần. Vì thế, thơ – hay nghệ thuật và văn chương nói chung – không thể dừng ở chỗ khơi động tình cảm – mà là một hoạt cảnh tinh thần trong ý chí muốn chuyển hóa thế gian thành một đối thể cho cảm xúc được thăng hóa. Từ đó, hy vọng rằng, người đọc thơ, nghe nhạc, đọc văn, hay xem kịch, sẽ có cơ hội nhìn lại chính mình bằng sự thanh lọc sự kiện và cảm thức qua âm điệu, cấu trúc và ngữ văn.
Khi thưởng thức thi ca, cảm thụ phải được đứng ngang hàng với trình độ tri thức. Chỉ khi ấy thì giá trị nghệ thuật mới được tiếp nhận đúng cách. Thơ và kịch nghệ cũng như là biện luận (rhetoric) mà Aristotle – trong cuốn Rhetorica (Tu Từ) – có bàn đến: Tất cả đều nhằm đến chủ đích khơi động tình ý bởi ngôn từ và phương thức chuyển đạt. Nói theo Arthur Danto trong cuốn The Transformation of the Common Place (Sự chuyển hóa của chốn bình thường) thì, một thi sĩ, cũng như là một biện luận gia, cả hai đều là những kẻ có khả năng “mua được đúng tầm mức một nội dung cảm thức trên cơ sở khái niệm” về sự thể sinh hữu. Nếu bài thơ chỉ có khơi động tình cảm bi đát, tủi thân, mỉa mai tiêu cực, tuyệt vọng thì nó là một sự sai lầm, một thất bại. Thi ca phải làm cho kẻ thưởng ngoạn nhìn lại cảm thức của mình để mà thăng hoa nó từ cảm nhận thẩm mỹ trong sự thông hiểu bằng tri kiến.
Qua thi ca là chức năng giáo hóa cảm thức. Và con người Việt Nam cần phải được giáo hóa về cảm xúc.
Ðàn ông Việt Nam cần phải thăng hóa lên khỏi bản chất thô lỗ, ti tiện, nóng nảy, bạo tâm. Phụ nữ Việt cần phải được thăng hóa những cảm xúc đầy bi ai, tủi phận, than thân, tiêu cực, bi luỵ. Cái khôn ngoan của nam giới Việt không cần đến cái dữ dằn như lửa rơm chỉ được vay mượn làm nhiệt lượng cho ngã mạn và anh hùng. Và cái đẹp và thông minh của phụ nữ Việt không cần được chuyên chở và vay muợn từ những tâm chất yếu đuối với quá nhiều bi ai.
Ngày nay, thi ca, kịch nghệ cũng như là văn chương, âm nhạc của người Việt, bất cứ ở đâu, vẫn còn mãi cứ vinh quang tính chất thô lỗ, trẻ con, mơ hồ, bất lực và yếu đuối nơi con người Việt Nam. Một luồng văn hóa – kể cả thơ văn – chỉ có ý muốn và khả năng chìu khách bằng sự vay mượn tâm chất uỷ mị, mỉa mai, và bi đát của độc giả thì chỉ là một luồng văn hóa vong thân. Nó không đi đến đâu cả – ngoài việc đưa tất cả vào cánh cửa địa ngục do chính mình dựng nên.
Nếu chúng ta quan sát kỹ đến tinh thần văn hóa Việt Nam bây giờ ở trong và ngoài nước thì nhìn đâu cũng chỉ thấy và nghe những gì bi đát, vô vị. Khi văn thơ Việt Nam muốn ra khỏi bi đát thì vướng vào những kĩ xảo nhạt nhẽo. Sự dí dỏm làm duyên của các thi sĩ trẻ bây giờ đã quá nhiều lúc biến thơ của họ thành những mẫu chuyện ngây ngô. Cái đáng nực cười từ cuộc sống, khi qua thi ca, đã trở nên những nỗi buồn cười. Tính chất bi kịch từ cuộc sống chỉ đi theo độc lộ vào vũng lầy bi hài – mà tinh thần cảm nhận của thi sĩ không đưa chúng lên tầm bi tráng. Thể dạng văn hóa ngôn từ và biểu đạt như thế đã và đang nạn nhân hóa quần chúng thưởng ngoạn và luôn cả chính giới văn nghệ sĩ. Tất cả đang bị khô cạn và đi vào bế tắc. Cái vung nào đang úp chặt tất cả chúng ta?
Có lẽ rằng chúng ta không thể phủ nhận hay bỏ quên cái sự thể khách quan đầy khổ đau và bi đát của con người Việt Nam – nhất là trong bối cảnh lịch sử cả trăm năm qua. Nhưng khổ đau nào? Hồng Minh có câu trả lời trong thơ của anh: Đó chính là nỗi khổ đau tự trong chính Bản thân. “Nhiều kẻ quên mình có một Bản thân! Hãy lắng nghe Thân thể và đầu tư cho nó! Cuộc cách mạng từ đấy!” Càng đọc sâu Vỉa Từ, tôi thấy thi ca của Hồng Minh như từng ly rượu đắng và mạnh. Nó toát lên một cái gì đó đơn giản và khác – đầy cuồng nộ và lơ đãng, hoang mang – mà tôi không suy nghĩ ra.
Nhưng từ các dòng thơ như là các màn hoạt cảnh độc thoại của Hồng Minh, tôi cảm nhận được một nỗi cô đơn mòn mỏi về cơ sự làm người Việt Nam trong suốt thế kỷ qua: dù có bao nhiêu biến động, bao nhiêu tang thương, bao nhiêu thay đổi, rốt cuộc, không có gì mới hay lạ gì để được nghệ thuật thi ca Việt chuyển đạt cả. Cái “khác” của sự kiện làm người Việt không đem được cái gì “mới” cho ý thức. Và giới đàn ông, phụ nữ Việt trong sự thể làm người Việt Nam ở khắp nơi – với tất cả những ồn ào rỗng tuếch – tựu trung vẫn chỉ là một chuỗi nhàm chán vô vị.
Nhớ lại, bữa đó, khi đã uống ngà ngà say với chàng Thi sĩ trong âm thanh cuồng bạo nơi xứ nhiệt đới đầy cám dỗ và ô nhiễm này, tôi mơ hồ vỡ lẽ ra rằng: Dân tộc Việt Nam, nhìn từ một góc độ biểu tượng tinh thần, vẫn đang còn bị rơi lạc vào trong một áng thơ bi hài kịch. Ở nơi thiên trường thi bất tận trong sử tính đó, kẻ diễn, người xem, kẻ làm thơ cũng như người đọc, tất cả đều còn đang vật vã trong một cơn say vô thức với cuộc đời.
Và đó có lẽ là cái hay sâu sắc mà tôi cảm nhận được từ các trang thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tôi mong chàng thi sĩ lãng tử đầy khúc mắc này, cũng như chính bản thân tôi, và giới văn chương thi phú Việt, sẽ tiến hành được một cuộc Cách mạng Bản thân – như tác phẩm Vỉa Từ muốn nhắc nhở – để chúng ta cùng nhau thức giấc bước ra khỏi cơn say làm người Việt Nam – vốn đã kéo dài quá lâu.
NHL