Đảng viên Tư Lâm

Truyện Thái Sinh

Có người vặn vẹo tôi: Ông bịa chuyện vừa thôi, lão Tư Lâm vốn là thợ kéo mật, sau ba năm học bố túc văn hóa về làng Tào, nếu không phải đảng viên thì lão ta dù là con ông giời cũng chả ai cho làm chủ nhiệm hợp tác xã, chứ đừng nói được bầu làm chủ tịch…

Bạn đọc trách tôi cũng có lý, lẽ ra tôi phải kể chuyện lão Tư Lâm được kết nạp đảng như thế nào trước khi kể chuyện lão được làm chủ nhiệm hợp tác xã, cũng như chuyện đảng viên của mụ Tuyền Bếp.

Vâng, xin đa tạ sự quan tâm góp ý của bạn đọc và những người quan tâm tới làng Tào.

Lão Tư Lâm sau khi học bổ túc văn hóa được ba tháng thì người ta phát hiện lão chưa phải là đảng viên, việc này được báo cáo lên lãnh đạo huyện. Nhiều người trong Thường vụ huyện ủy giật mình: Cán bộ nguồn mà không phải là đảng viên thì sao gọi là cán bộ nguồn được?

Chủ tịch Hoàng Nhất Nam cười ruồi:

– Một quần chúng như đồng chí Tư xứng đáng hơn nhiều đảng viên. Đảng cần mở cửa đón những người dám nghĩ, dám làm như đồng chí Tư đã mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho làng Tào. Đồng chí Tư chưa là đảng viên thì chi bộ lớp phải có trách nhiệm giúp đỡ để đồng chí ấy trở thành đảng viên…

Sau khi lão Tư Lâm được giới thiệu trở thành cảm tình Đảng, chi bộ phân công Trần Duy Đức và Hà Bích Hạnh giúp đỡ. Lão Tư Lâm chân thành:

– Xin cảm ơn chi bộ, tôi rất xúc động được hai đồng chí Đức và Hạnh giúp đỡ. Tôi xin hứa sẽ cố gắng hết mình, không phụ lòng mong đợi của các đồng chí…

Đức là người làng Lủa có nghề mua chó bán cho các quán ở Hà Nội, còn Hạnh người làng Phùng Thương. Hạnh mới hai ba tuổi, dáng người cao ráo, mặc dù là nông dân sớm khuya lội bùn nhưng trắng trẻo ăn đứt nhiều cô gái thành thị. Cô lấy chồng khi mới mười chín tuổi, cưới nhau được sáu tháng thì chồng nhập ngũ, cô ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng và đàn em. Một tay cô lo lắng việc nhà và đồng áng, trong phong trào Ba đảm đang cô luôn là người đứng đầu xã. Điều đó không mấy người chú ý. Chỉ khi cô tay không bắt sống giặc lái ở đầm Vông thì tiếng tăm của cô mới nổi như cồn.

Cách nay ba năm, máy bay giặc Mỹ mang bom đánh phá đập Phùng thì trúng đạn phòng không của ta. Phi công bị tên lửa bốc cháy ngùn ngụt, nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay đang rơi xuống đầm Vông. Lúc đó cô Hạnh đang bừa ruộng, vội buộc thừng trâu vào tay bừa chạy như gió tới đầm Vông. Tên phi công bị vướng dù đang ngoi ngóp giữa những đám rong rêu, cô lao ra túm lấy cổ áo hắn lôi vào bờ.

Phải cố hết sức cô mới lôi được cái thân hình to tướng nặng hơn cối xay ra khỏi những mớ rong rêu và hoa súng, suýt nữa thì cô cũng chìm theo hắn. Do bị thương ở chân không đứng dậy được nên hắn cứ quỳ dưới đất lạy cô như tế sao. Lúc này cô nghĩ tới người chồng đang chiến đấu ở mặt trận nên toan giơ chân đạp vào mặt hắn một cái cho bõ tức, vừa lúc mọi người chạy tới. Có ai đó kêu to:

– Không được đánh tù binh! Không được đánh tù binh, bắt giải lên huyện…

Mọi người xô đến bâu quanh tên giặc. Mặc dù tay mọi người đang cầm đòn gánh, roi bừa, cuốc, xẻng…, nhưng không ai nỡ đánh tên phi công, họ chỉ chửi bới và nhổ nước bọt vào hắn. Tên giặc lái cúi đầu lạy mọi người, hắn nói gì không ai hiểu, chỉ khi hắn xé ống quần lộ ra bắp chân vỡ toác thì mọi người mới biết hắn bị thương. Phải một tiếng sau người ta mới khiêng hắn ra khỏi đầm Vông đưa lên xe chở lên huyện.

Sau chuyện bắt giặc lái, Hà Bích Hạnh được báo chí rầm rầm ca ngợi, các nhà báo đến tận nhà phỏng vấn, rồi theo cô ra đồng chụp ảnh, quay phim cô đang làm ruộng. Chồng cô là thượng sĩ  Nguyễn Công Cảnh đang chiến đấu ở mặt trận sau khi nghe đài, xem báo viết thư về: “Anh vô cùng cảm phục lòng dũng cảm của em. Mấy năm chiến đấu anh chưa từng giáp mặt một tên lính Mỹ nào. Ước sao một ngày nào đó anh tóm cổ được một thằng tù binh Mỹ như em đã tóm cổ tên giặc lái kia…”.

Hà Bích Hạnh trở thành biểu tượng người phụ nữ ba đảm đang và dũng cảm của cả nước. Ít tháng sau cô được kết nạp đảng rồi cử đi học lớp cán bộ nguồn cùng lão Tư Lâm ở làng Tào.

Một hôm Trần Duy Đức bảo Tư Lâm:

– Lâu rồi không được chén bữa thịt chó, thèm quá, hôm nào ông cùng tôi chén một bữa cho đã…

Lão Tư Lâm sờ túi thấy chỉ còn vài đồng nên rất ái ngại, chả lẽ đi ăn thịt chó lại để người giúp đỡ mình vào Đảng trả tiền thì còn ra thể thống gì nữa, liền bảo:

– Để hôm khác đi ông, nói thật tôi chỉ còn mấy đồng thôi…

Đức cười khục khục trong cổ rồi xua tay:

– Khỏi lo. Ông kiếm cho tôi cái bao tải là được rồi.

Thực tình lão Tư Lâm chẳng hiểu hắn bảo kiếm bao tải làm gì, nhung cũng làm theo yêu cầu của hắn. Nhá nhem tối hôm đó, hai người đi tản bộ vào làng rất thong dong, Đức cắp chiếc bao tải vào nách như thể sắp mua cái gì đó.

Lúc này mọi nhà đã lên đèn, sắp sửa ăn cơm tối. Hai người vừa đi vừa nói chuyện qua nhiều con ngõ, chợt Đức dừng lại bên cành hàng rào ô rô gần bìa làng, tay lão quờ một vật gì đó dưới chân. Chỉ nghe tiếng “oẳng” một tiếng thì đã thấy một con chó chừng bảy, tám cân đang giãy giụa trên tay hắn. Rất nhanh, hắn đút con chó vào trong bao tải cắp vào nách như không có chuyện gì xảy ra. Con chó nằm trong bao tải run sợ chỉ ư ử vài tiếng rồi im. Loáng cái hai người ra khỏi làng đi thẳng tới quán thịt chó đầu phố huyện. Đức đi quành ra phía sau nơi chủ quán nhốt chó trước khi làm thịt. Tư Lâm nghe Đức nói với chủ quán:

– Con này em chỉ xin bác hai bữa, nhẹ nhàng thôi bác ạ…

Trưa hôm sau tan học, hai người cắt cơm đạp xe ra quán thịt chó cách trường chừng hơn một cây số. Mùi thịt chó nướng thơm lừng. Đã lâu rồi lão Tư Lâm không được ăn miếng thịt chó nên nước bọt cứ trào ra phải nuốt vội. Chủ quán xếp mâm cho hai người ngồi ăn ở căn buồng phía trong, ông ta xun xoe:

– Con này chưa đi tơ, thịt rất mềm và ngon. Thế nên các cụ mới bảo cầy tơ bảy món. Chán nhất là chó già. Bận sau cứ con tháu tháu mà mần. Chúc hai anh cán bộ nguồn ngon miệng…

Lão Tư Lâm vừa ăn vừa ngẫm nghĩ, buột miệng:

– Hay! Hay…

Trần Duy Đức gắp miềng dồi chó chưa kịp đưa vào miệng nghe thế dừng lại hỏi:

– Ông bảo hay cái gì?

– Bây giờ tôi mới hiểu cái tài của trai làng Lủa bắt chó lẹ như bắt dế. Làng mình mỗi ngày cung cấp cho Hà Nội mấy tấn chó nhỉ?

– Không dưới mười tấn. Mà ông tìm hiểu chuyện đó làm gì. Rượu làng Tào của ông uống ngon đấy. Tôi đang nghĩ sau này học xong về làng chưa biết tìm phương hướng phát triển kinh tế cho làng như thế nào. Chẳng lẽ lại là làng bán chó, khó nghe lắm. Làng Tào gọi là làng rượu truyền thống nghe rất hay…

Uống cạn chén rượu, lão Tư Lâm lúc đó có vẻ chếnh choáng khua khua đôi đũa trên tay:

– Bây giờ gọi là làng nấu rượu truyền thống, nhưng tôi sẽ biến làng Tào thành làng công nghiệp rượu trong dăm mười năm nữa. Còn làng Lủa cứ phát huy truyền thống mua bán chó của làng, ông ạ…

Ngày chủ nhật, những học viên có gia đình ở gần thì chiều thứ bảy họ đều tranh thủ về nhà giúp gia đình cày bừa, gặt hái hay dọn dẹp nhà cửa. Lão Tư Lâm thi thoảng ở lại trường. Hôm ấy chả hiểu vì sao mọi người về hết chỉ còn lão và Hà Bích Hạnh ở lại trường. Ăn cơm chiều lão cởi áo ngồi dưới gốc nhãn phe phẩy chiếc quạt ngắm đàn cá cờ bơi lội dưới ao đớp những cánh bèo dâu trước cửa trường mà không hay Hạnh đang đi lại phía sau. Cô nhìn thân hình vạm vỡ của lão với những thớ thịt cuồn cuộn nổi lên như những luống cày, khiến cô nhớ tới Cảnh, chồng cô dáng đậm chắc nhưng không vâm váp như lão Tư Lâm. Như vậy là anh ấy nhập ngũ đã hơn ba năm rồi, sáu tháng nay cô không nhận được thư của anh ấy. Mọi người bảo chắc anh ấy vào sâu phía trong, nên thư từ gửi từ mặt trận ra không dễ dàng gì. Cô nhớ Cảnh, mong sao anh được về phép mấy ngày…

Hạnh tới sát bên lão Tư Lâm cầm chiếc quạt trên tay lão, khiến lão ngạc nhiên ngước nhìn Hạnh trong bóng chiều đang sẫm dần.

– Kìa cô Hạnh, tôi nghĩ ăn cơm chiều xong cô về nhà chứ. Làng cô cũng gần thôi mà, đi bộ chừng hai tiếng là tới. Hay để tôi lấy xe đạp đèo cô về?

Hạnh lắc đầu:

– Em mới về tuần trước, nhà cũng chẳng có mấy việc, bố mẹ chồng em bảo con về ít thôi, ở lại trường cố gắng mà học, chồng con ngoài mặt trận cũng khuyên như thế…

Ngừng một lát, cô bảo:

– Trên đê rất mát, hoa sen mùa này đang nở thơm ngất ngây. Hay chúng mình lên đó hóng mát đi anh, sau về ôn lại bài cũng được.

Lão Tư Lâm gật đầu vào nhà lấy áo mặc, hai người sóng đôi đi lên con đê cách trường mấy trăm mét. Họ đi thong thả trên con đê có rất nhiều cỏ may để tận hưởng những cơn gió mang đầy hơi nước từ đầm hoa sen dưới chân đê thổi lên mát rượi, nói những chuyện tầm phơ về mùa  màng, gặt hái và nấu mật mía.

Chừng đã mỏi chân, Hạnh ngồi xuống vạt cỏ dưới chân đê, cô dứt những cây cỏ may buộc lại thành túm, lão Tư Lâm thì đi xuống chân đê hái những bông hoa sen mang lên đưa cho Hạnh, cô hít hà mùi thơm dịu mát rồi nằm duỗi chân trên bãi cỏ. Trời đã tối, trăng lấp ló sau những rặng tre, ánh trăng như dát bạc trên những lá sen lung linh dưới mặt hồ.

– Anh Tư này, anh giúp em nhổ những sợi cỏ may trên quần em nhé. Hoa sen thơm quá…

Lão Tư Lâm thoáng chút ngỡ ngàng, nhìn Hạnh ôm bó hoa vào ngực đôi mắt lim dim như đắm mình trong mùi hương sen ngầy ngậy. Lão lặng lẽ nhặt, ánh trăng không đủ sáng để lão nhìn thấy từng chiếc hoa cỏ may li ti bám trên chiếc quần lụa đen của Hạnh, lão phải vuốt bàn tay lên chiếc quần lụa để lần tìm những chiếc hoa cỏ may. Hạnh nằm ườn ra, cặp đùi rắn chắc của cô khẽ khàng rung lên. Chợt Hạnh đặt bó hoa sen xuống đất, nắm lấy bàn tay lão Tư Lâm, đôi mắt long lanh nhìn lão, giọng lạc đi.

– Anh Tư!…

Lão Tư Lâm chợt hiểu, lão cúi xuống ôm chầm Hạnh ghì chặt vào lòng. Bàn tay phải luồn qua chiếc cạp quần lụa, còn bàn tay trái vội vàng mở từng chiếc cúc áo, hối hả xoa đôi bầu vú căng tròn của Hạnh, khiến cô rên lên khe khẽ.

– Anh Tư ơi… Em… em…

– Anh hiểu rồi…

Lão rút bàn tay ra khỏi quần Hạnh giơ lên ánh trăng, thấy một thứ gì nhóng nhánh. Lão thở hổn hển, tụt quần Hạnh ra ném lên bãi cỏ.

– Hạnh ơi, như thế này có vi phạm chính sách hậu phương quân đội không?

– Anh dở người à? Yêu em đi, bao nhiêu năm em khát đợi như thế này…

Khuya lắm họ mới trở về, trăng sáng vằng vặc, họ bước đi trong tiếng rế kêu rỉ rả, bản tình khúc của muôn đời bất tận. Lão Tư Lâm nắm chặt bàn tay Hạnh:

– Em là người giúp đỡ anh Tư vào Đảng nhỉ? Hãy tha lỗi cho những việc làm vừa xong của anh em nhé.

Hạnh cười rúc rích, đấm thùm thụp vào lưng lão Tư Lâm,.

– Anh đừng có lỡm nữa…

Cuối năm học thứ nhất, lão Tư Lâm được kết nạp đảng với sự giúp đỡ tận tình của hai đảng viên Trần Duy Đức và Hà Bích Hạnh.

Còn mụ Tuyền Bếp được kết nạp đảng sau khi lão Tư Lâm trở về làng Tào làm chủ nhiệm hợp tác xã.

Như vậy bạn đọc đã hiểu, không còn trách tôi là người bịa chuyện.

Ngày 17/8/2019

(Trích Chuyện Làng Tào)

Comments are closed.